Các phương pháp phổ biến dùng để xác định giới hạn thị trường liên quan trong luật chống độc quyền

01/08/2013

ThS.NCS. ĐÀO NGỌC BÁU

Đại học Nhân dân Trung Quốc

Sau khi phân tích hiện trạng nghiên cứu và áp dụng các phương pháp xác định giới hạn thị trường hàng hóa liên quan, bài viết chỉ ra phương pháp phổ biến được các nước sử dụng để xác định giới hạn thị trường liên quan hiện nay vẫn là “thử độc quyền giả định” (thử SSNIP). Tuy nhiên, phương pháp này có một số hạn chế nhất định, nên các nhà lý luận và hoạt động thực tiễn vẫn không ngừng nghiên cứu để tìm ra phương pháp mới bổ sung. “Phân tích thiệt hại tới hạn” được xem là một trong những phương pháp thay thế hữu hiệu, ngày càng được áp dụng phổ biến trong các Tòa án ở Hoa Kỳ khi giải quyết các vụ án chống độc quyền.
Untitled_453.png
Ảnh minh họa: nguồn internet
1. Khái niệm thị trường liên quan và ý nghĩa của việc xác định giới hạn thị trường liên quan
1.1. Khái niệm thị trường liên quan
Theo Điều 2, Luật Cạnh tranh mẫu của Ủy ban Thương mại và phát triển Liên hợp quốc thì “Thị trường liên quan là khái niệm dùng để chỉ những điều kiện thông thường mà ở đó, người bán và người mua trao đổi hàng hóa với nhau, có nghĩa là việc xác định giới hạn các ranh giới xác định những nhóm người bán và người mua sản phẩm mà trong phạm vi đó, cạnh tranh có nhiều khả năng bị hạn chế. Nó đòi hỏi phải hoạch định được giới hạn về mặt địa lý và sản phẩm, trong giới hạn này các nhóm sản phẩm, bên mua và bên bán tương tác lẫn nhau để hình thành nên giá cả và sản lượng đầu ra. Thị trường liên quan phải bao gồm tất cả hàng hóa và dịch vụ có tính thay thế hợp lý và tất cả các đối thủ cạnh tranh lân cận mà người tiêu dùng có thể chuyển sang mua trong ngắn hạn một khi hành vi hạn chế hoặc lạm dụng dẫn đến giá cả tăng lên ở mức không nhỏ”.
Còn trong “Hướng dẫn sáp nhập doanh nghiệp theo chiều ngang” của Ủy ban Thương mại liên bang phối hợp với Bộ Tư pháp Mỹ ban hành năm 1992 thì “Thị trường [liên quan] là khái niệm chỉ một sản phẩm (bao gồm cả dịch vụ) hoặc một nhóm sản phẩm (bao gồm cả dịch vụ) và một khu vực địa lý, mà trong khu vực địa lý này một doanh nghiệp thực hiện hành vi “tăng giá nhỏ nhưng có tính quan trọng và phi tạm thời”, với các giả thiết là doanh nghiệp không tuân thủ cơ chế quản lý giá và theo đuổi mục đích tối đa hóa lợi nhuận tham gia vào sản xuất hoặc tiêu thụ những sản phẩm (hoặc dịch vụ) này; doanh nghiệp là nhà sản xuất hoặc tiêu thụ duy nhất trong hiện tại và tương lai; và trong điều kiện việc tiêu thụ tất cả các sản phẩm khác không đổi”[1].
Và Điều 3 của bản “Hướng dẫn xác định giới hạn thị trường liên quan” do Ủy ban chống độc quyền trực thuộc Quốc vụ viện Trung Quốc ban hành định nghĩa “Thị trường liên quan là khái niệm chỉ phạm vi hàng hóa hoặc địa lý mà ở đó doanh nghiệp trong một thời kỳ nhất định tiến hành cạnh tranh trên phương diện sản phẩm hoặc dịch vụ (sau đây gọi chung là hàng hóa). Trong thực tiễn thực thi chống độc quyền, thông thường phải thực hiện xác định giới hạn thị trường hàng hóa liên quan và thị trường địa lý liên quan”.
Như vậy, các quốc gia khác nhau có cách diễn đạt khác nhau đối với khái niệm thị trường liên quan, song chúng có điểm chung là đều cho rằng thị trường liên quan bao gồm thị trường hàng hóa liên quan, thị trường địa lý liên quan, và có thể tồn tại thị trường liên quan khác, trong đó thị trường hàng hóa liên quan được xem là yếu tố quan trọng nhất và không thể không tính đến trong các vụ án chống độc quyền.
Thị trường hàng hóa liên quan là khái niệm chỉ thị trường được cấu thành bởi một loại hoặc một nhóm hàng hóa do người tiêu dùng căn cứ vào đặc tính, công dụng và giá cả mà cho rằng chúng có quan hệ gần với nhau. Những hàng hóa này biểu hiện có quan hệ cạnh tranh tương đối mạnh, trong luật chống độc quyền được xem như là phạm vi hàng hóa mà ở đó các chủ thể kinh doanh tiến hành cạnh tranh.
Về mặt kinh tế học, có thể phân thị trường hàng hóa liên quan thành thị trường hàng hóa đồng chất có quan hệ cạnh tranh và thị trường hàng hóa thay thế có quan hệ cạnh tranh. Người ta thường dựa vào các đặc điểm như quy trình công nghệ, thành phần cấu tạo của sản phẩm để nhận định hàng hóa có phải là đồng chất hay không. Chẳng hạn, xét trên phương diện này thì giày không giống với dép và cũng không giống với guốc bởi mỗi loại có một thành phần cấu tạo khác nhau. Đối với thị trường hàng hóa thay thế, nhận định sản phẩm nào có tính thay thế là điều tương đối khó. Thông thường, tính thay thế của sản phẩm bao gồm hai loại: tính thay thế về cầu và tính thay thế về cung, trong đó xác định giới hạn thị trường liên quan chủ yếu tiến hành phân tích từ góc độ tính thay thế về cầu. Nếu như người tiêu dùng có thể dễ dàng chuyển sang sản phẩm thay thế của doanh nghiệp khác, thì giữa các sản phẩm của những doanh nghiệp này tồn tại thị trường liên quan. Tính thay thế về cầu thường bao gồm tính thay thế về chức năng và tính thay thế về giá, trong đó thay thế về giá là yếu tố phức tạp nhất. Về nguyên tắc, tính thay thế giữa các sản phẩm càng cao thì chúng càng có khả năng thuộc về cùng một thị trường hàng hóa liên quan.
Thị trường địa lý liên quan là khái niệm dùng để chỉ khu vực địa lý của hàng hóa có quan hệ thay thế gần mà người tiêu dùng tiếp cận được. Những khu vực này thể hiện quan hệ cạnh tranh tương đối mạnh. Trong quá trình thi hành pháp luật chống cạnh tranh, có thể xem thị trường địa lý liên quan như là phạm vi địa lý mà chủ thể kinh doanh tiến hành cạnh tranh. Trên thực tế, không phải tất cả sản phẩm đồng chất hoặc sản phẩm thay thế đều hình thành quan hệ cạnh tranh. Chẳng hạn như, rất khó để cho rằng, doanh nghiệp sản xuất bê tông tươi ở Hà Nội và doanh nghiệp sản xuất bê tông tươi ở thành phố Hồ Chí Minh có quan hệ cạnh tranh với nhau. Bởi lẽ, chi phí vận chuyển sản phẩm từ Hà Nội đến thành phố Hồ Chí Minh là rất cao; hơn nữa, với một quãng đường dài như vậy, rất khó có thể bảo quản được chất lượng của bê tông. Chính vì điều này mà trong nhiều vụ án chống độc quyền, các cơ quan thi hành pháp luật và tòa án không chỉ xác định thị trường hàng hóa liên quan mà còn phải xem xét cả thị trường địa lý liên quan. Xác định giới hạn thị trường địa lý liên quan thông thường yêu cầu tính đến một số yếu tố như chi phí vận chuyển, khả năng bảo quản, các quy định pháp luật mang tính địa phương, vấn đề thuế quan…
 Thị trường thời gian liên quan là khái niệm chỉ phạm vi thời gian mà trong đó các sản phẩm tương đồng hoặc gần nhau trong cùng một khu vực cạnh tranh lẫn nhau. Ý nghĩa của thị trường thời gian liên quan hoàn toàn không phải là chỉ thời gian chủ thể tham gia thị trường ngắn hay dài mà là chỉ thuộc tính thời gian của thị trường. Thị trường thời gian liên quan thường có tính thời vụ, tính chu kỳ sản xuất, tính thời trang lưu hành… Chẳng hạn, thị trường vé xem thi đấu bóng đá thế giới tại World Cup, thị trường bánh trung thu, thị trường cho thuê gian hàng hội chợ triển lãm. Như vậy, không phải tất cả các vụ án chống độc quyền đều đòi hỏi phải xác định thị trường thời gian liên quan mà chỉ trong trường hợp thời gian tồn tại của thị trường tương đối ngắn và số lượng hàng hóa là hữu hạn mới phải tiến hành phân tích yếu tố thời gian. Do đó, thị trường thời gian liên quan được xem là nhân tố bổ sung cho việc xác định giới hạn thị trường hàng hóa liên quan và thị trường địa lý liên quan.
1.2. Ý nghĩa của việc xác định giới hạn thị trường liên quan
1.2.1. Xác định giới hạn thị trường liên quan là nội dung không thể thiếu của luật chống độc quyền
“Trong đa số trường hợp, xác định giới hạn thị trường liên quan trên thực tế là xuất phát điểm và là tiền đề cơ bản của phân tích cạnh tranh. Mặc dù nội dung của nó có thể không được quy định trong một điều luật cụ thể của luật chống độc quyền song nó lại được ẩn chứa trong các quy định chủ yếu của luật này”[2].
Trên thực tế, tính quan trọng của xác định giới hạn thị trường liên quan trong việc kiểm soát hành vi tập trung kinh tế và cấm lạm dụng vị trí chi phối thị trường được thể hiện rất rõ. Theo quy định của pháp luật, cơ quan thi hành pháp luật chống độc quyền và tòa án thường dựa vào hai tiêu chuẩn “hạn chế cạnh tranh thực tế” và “địa vị chi phối thị trường” để xử lý các vụ án tập trung kinh tế. Việc áp dụng các tiêu chuẩn kiểm soát này đòi hỏi phải đặt chủ thể kinh doanh trong một bối cảnh thị trường nhất định. Bối cảnh thị trường này chính là thị trường liên quan đang được xem xét trong vụ án.
Trong các vụ án lạm dụng vị trí chi phối thị trường, vấn đề quan trọng mà cơ quan thi hành pháp luật chống độc quyền và tòa án phải quyết định là liệu doanh nghiệp có vị trí chi phối thị trường hay không và phải tiến hành phân tích phạm vi thị trường mà doanh nghiệp trong vụ án thuộc về nó. Sau khi đã nhận định được phạm vi thị trường thì phải tiếp tục nhận định thị phần của doanh nghiệp. Nếu như trong phạm vi thị trường được xác định, doanh nghiệp đạt đến một mức độ thị phần theo quy định của pháp luật (thường là 30% trở lên) thì được xem là doanh nghiệp có vị trí chi phối thị trường. Pháp luật không cấm bản thân doanh nghiệp có vị trí chi phối thị trường mà chỉ cấm doanh nghiệp lạm dụng vị trí chi phối của nó. Chính vì thế, trong những vụ án loại này, thị trường liên quan là nhân tố bắt buộc phải xác định.
Đối với các hành vi thỏa thuận độc quyền (cartel), mặc dù theo quy định của pháp luật, hành vi này được xử lý theo quy tắc vi pháp tự thân (per se rule)[3] nhưng trong một số trường hợp, việc xử lý vụ án cartel vẫn yêu cầu phải xác định thị trường địa lý liên quan. Ví dụ, trong vụ án thỏa thuận giá gây hạn chế cạnh tranh xảy ra tại thành phố Trùng Khánh, Trung Quốc năm 2004, ba công ty kinh doanh viễn thông lớn bao gồm Banan Telecom, Netcom và Railcom đã cùng nhau ký “thỏa thuận tự ràng buộc kinh doanh toàn diện”. Nhưng Tòa án đã phán quyết rằng, thỏa thuận này là vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng thị trường viễn thông Trung Quốc là vô cùng rộng lớn, thỏa thuận ấn định giá của ba công ty có ảnh hưởng không lớn trên phạm vi toàn quốc. Do đó, cơ quan thực thi luật chống độc quyền không nên ngăn cản thỏa thuận nói trên. Tuy nhiên, Tòa án cho rằng, xét trong phạm vi của thành phố Trùng Khánh thì thỏa thuận này phải bị coi là hành vi phản cạnh tranh, vì thế, để bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng, hành vi phải bị cấm.
1.2.2. Xác định giới hạn thị trường liên quan có ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả xử lý vụ án chống độc quyền
Để hiểu được tính quan trọng này của việc xác định giới hạn thị trường liên quan, chúng ta xem xét hai vụ án sai điển hình của Mỹ liên quan đến xác định sức mạnh thị trường của doanh nghiệp. Trước tiên là “vụ án công ty duPont” - “vụ án giấy bóng kính”. Trong vụ án này, Bộ Tư pháp Mỹ cáo buộc công ty duPont có sức mạnh thị trường bởi nó chiếm 75% thị phần của thị trường giấy bóng kính. Tuy nhiên, Tòa án cho rằng, thị trường liên quan trong trường hợp này bao gồm tất cả các loại vật liệu đóng gói linh hoạt, mà trên thị trường đó công ty duPont chỉ chiếm chưa tới 20% thị phần. Vì vậy, Tòa án đã phán quyết công ty này hoàn toàn không có hành vi lạm dụng vị trí chi phối thị trường mang tính phản cạnh tranh. Việc xác định giới hạn thị trường liên quan không chính xác đã dẫn đến phán quyết sai lầm của Tòa án.
Một vụ án khác là “Vụ án công ty nhôm” Alcoa. Trong vụ án, thẩm phán chỉ xem xét thị trường nhôm thanh thuần chất, mà không xem xét thị trường nhôm phế phẩm tái chế và thị trường nhôm thanh nguyên liệu nhập khẩu. Trong thị trường nhôm thanh thuần chất, thị phần của công ty này là 90%. Tuy nhiên, nếu như gộp cả nhôm phế phẩm tái chế và nhôm thanh nguyên liệu nhập khẩu thì thị phần của nó chỉ là 33%. Thẩm phán đã bỏ qua tính thay thế của sản phẩm nên đã phán quyết rằng hành vi của công ty nhôm cấu thành vi vi phạm theo luật chống độc quyền. Nói cách khác, khi nhận định thị trường liên quan, Tòa án đã sử dụng tiêu chí sản phẩm đồng chất. Chính vì sai lầm này nên kết quả của vụ án đã ảnh hưởng không nhỏ tới lợi ích của công ty nhôm Alcoa.
Tóm lại, trong hai vụ án kinh điển trên, do Tòa án đã bỏ qua hoặc đã khuếch đại tính thay thế của sản phẩm dẫn đến việc nhận định thị trường liên quan quá rộng hoặc quá hẹp với những kết quả sai. Điều này đã chứng minh cho vai trò quan trọng của việc xác định giới hạn thị trường liên quan trong việc xử lý các vụ án chống độc quyền.
2. Hiện trạng nghiên cứu và áp dụng các phương pháp xác định giới hạn thị trường liên quan
Trong ba yếu tố của thị trường liên quan, thị trường hàng hóa liên quan có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.  
Về mặt lịch sử, từ đầu thế kỷ XX, Tòa án Mỹ đã bắt đầu đưa ra các phương pháp xác định giới hạn thị trường liên quan, trong đó có các phương pháp như nhận định thị trường đồng chất, nhận định thay thế về cầu, lý luận thị trường phụ thuộc, lý luận nhóm sản phẩm… Trên thực tế, chúng ta không thể phủ nhận giá trị và những cống hiến lịch sử của các phương pháp này, bởi chúng là cơ sở cho việc ra đời phương pháp SSNIP (phương pháp thử độc quyền giả định). Tuy nhiên, khách quan mà nói, những phương pháp này còn tồn tại một số hạn chế, đặc biệt là chúng không thể chỉ ra một cách tương đối rõ ràng ngoại diên của thị trường liên quan. Chúng chưa trả lời được câu hỏi sản phẩm ở mức độ thay thế nào thì thuộc về thị trường hàng hóa liên quan (tức là vấn đề về tính co giãn của cầu). Hai vụ án nêu trên là những ví dụ minh họa.
Để khắc phục những thiếu sót này, Tòa án Mỹ đã không ngừng nghiên cứu và hoàn thiện phương pháp xác định giới hạn thị trường liên quan. Trên cơ sở tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm xử lý các vụ án chống độc quyền, những người làm công tác thực tiễn ở Mỹ vẫn kiên trì sử dụng phương pháp nhận định tính thay thế về cầu nhưng đồng thời bổ sung các tiêu chuẩn để xác định mức độ thay thế. Tiêu chuẩn đó được gọi là “phạm vi đủ nhỏ”. Lấy khái niệm này làm cơ sở, “Hướng dẫn sáp nhập doanh nghiệp theo chiều ngang” năm 1982 của Mỹ quy định “phạm vi đủ nhỏ” là 5%. Năm 1984, bản Hướng dẫn này tiếp tục quy định rằng: trong những trường hợp khác nhau, cơ quan có thẩm quyền có thể sử dụng biên độ lớn hơn hoặc nhỏ hơn 5%. Tiêu chuẩn “phạm vi đủ nhỏ” đã hình thành nên một phương pháp mới - phương pháp SSNIP (Small but Significant and Non-Transitory Increase in Price) -tăng giá nhỏ nhưng có ý nghĩa và phi tạm thời, còn được gọi là phương pháp thử độc quyền giả định. Nội dung của phương pháp này là giả định đang tồn tại một nhà cung cấp, nhà cung cấp tăng giá sản phẩm của họ lên 5%, sau đó kiểm tra tình huống trong vòng một năm xem liệu có tồn tại nhu cầu của người tiêu dùng lấy sản phẩm khác để thay thế hay không. Nếu câu trả lời là khẳng định thì hàng hóa đang được điều tra cùng với hàng hóa thay thế được coi là tồn tại trong cùng một thị trường, tức là thị trường hàng hóa liên quan. Phương pháp SSNIP đã sử dụng lý luận “độ co giãn chéo về cầu” của kinh tế học. Nó cho thấy, khi xác định giới hạn thị trường hàng hóa liên quan, nhân tố quyết định không phải là sự khác biệt tuyệt đối của giá cả mà là sự thay đổi giá của một loại sản phẩm có dẫn đến ảnh hưởng mang tính cạnh tranh phát sinh đối với hàng hóa khác hay không. Gần đây, phương pháp SSNIP vẫn được sử dụng bởi các cơ quan có thẩm quyền của Mỹ, chẳng hạn như trong vụ án “Eastman Kodak Co. v. Image Technical Services, Inc” năm 1992, Tòa án tối cao Mỹ đã nhấn mạnh rằng: khi quyết định sức mạnh thị trường tồn tại hay không, đặc biệt là phản ứng của một quy mô sản phẩm đối với sự thay đổi giá của sản phẩm khác, thì phương pháp chính xác là xem xét cẩn thận hiện thực kinh tế của thị trường có liên quan[4].
Trên thực tế, mặc dù phương pháp SSNIP do các cơ quan thực thi luật chống độc quyền của Mỹ đưa ra nhưng hiện nay, nó được ghi nhận trong pháp luật của rất nhiều quốc gia như: “Thông báo của Cộng đồng châu Âu về xác định giới hạn thị trường liên quan trong luật cạnh tranh” ban hành năm 1997 hay “Báo cáo của Ủy ban cạnh tranh Paris”[5].
Năm 2009, Quốc vụ viện Trung Quốc đã ban hành quy định “Hướng dẫn xác định giới hạn thị trường liên quan”. Điều 7 của Hướng dẫn này ghi nhận: khi phạm vi thị trường cạnh tranh của các chủ thể kinh doanh không đủ rõ ràng hoặc không dễ xác định, có thể căn cứ vào tư duy phân tích “thử độc quyền giả định” để xác định giới hạn thị trường liên quan. Sau đó, Điều 10 và Điều 11 đã giải thích một cách rõ ràng tư duy phân tích thử độc quyền giả định là gì. Những điều khoản này đã đưa ra những quy định tương đối chi tiết đối với vấn đề thị trường liên quan của Trung Quốc. Nó không chỉ chỉ ra ba bước cần phải tiến hành trong xác định giới hạn thị trường liên quan mà còn giải thích các vấn đề thực tế của phương pháp này. Như vậy có thể thấy, mặc dù thừa nhận phương pháp xác định giới hạn thị trường liên quan không phải chỉ có một, nhưng pháp luật chống độc quyền của Trung Quốc đã thừa nhận phương pháp SSNIP là một trong những phương pháp hữu hiệu nhất để xác định giới hạn thị trường liên quan.
Không giống như các nước khác, hiện nay Việt Nam chưa ban hành “Hướng dẫn xác định giới hạn thị trường liên quan” với tư cách là một văn bản chuyên biệt. Liên quan đến vấn đề này mới chỉ có Luật Cạnh tranh và Nghị định 116/2005/NĐ-CP ngày 15/9/2005 của Chính phủ về Quy định chi tiết một số điều của Luật Cạnh tranh. Tuy nhiên, các văn bản pháp luật này đều thừa nhận áp dụng phương pháp thử độc quyền giả định để giải quyết các vụ án chống độc quyền dù không trực tiếp đề cập đến thuật ngữ phương pháp SSNIP. Thực vậy, Khoản 1, Điều 3, Luật Cạnh tranh năm 2004 quy định: “Thị trường liên quan bao gồm thị trường sản phẩm liên quan và thị trường địa lý liên quan. Thị trường sản phẩm liên quan là thị trường của những hàng hóa, dịch vụ có thể thay thế cho nhau về đặc tính, mục đích sử dụng và giá cả. Thị trường địa lý liên quan là một khu vực địa lý cụ thể trong đó có những hàng hóa, dịch vụ có thể thay thế cho nhau với các điều kiện cạnh tranh tương tự và có sự khác biệt đáng kể với các khu vực lân cận”. Để cụ thể hóa quy định này, Khoản 5, Điều 4 Nghị định số 116/2005/NĐ-CP của Chính phủ về quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Cạnh tranh đã chỉ ra: Hàng hóa, dịch vụ được coi là có thể thay thế được cho nhau về giá cả nếu trên 50% một lượng mẫu ngẫu nhiên 1.000 người tiêu dùng sinh sống tại khu vực địa lý liên quan chuyển sang mua hoặc có ý định chuyển sang mua hàng hóa, dịch vụ khác có đặc tính, mục đích sử dụng giống với hàng hóa, dịch vụ mà họ đang sử dụng hoặc có ý định sử dụng trong trường hợp giá của hàng hóa, dịch vụ đó tăng lên 10% và được duy trì trong 06 tháng liên tiếp”.
Nhiều quốc gia thừa nhận phương pháp SSNIP vì tính khoa học tương đối của nó. Trước hết, phương pháp này đã khắc phục được tính không xác định về ngoại diên thị trường liên quan của các phương pháp phân tích định tính trước đây. Ngoài việc phân tích định tính, phương pháp thử độc quyền giả định còn chủ trương dựa vào phân tích định lượng để xem xét quan hệ giữa độ rộng, hẹp về ngoại diện của thị trường với độ lớn, nhỏ của việc tăng giá. Rõ ràng là, biên độ tăng giá càng lớn thì ngoài diên thị trường càng rộng. Vậy, biên độ tăng giá bao nhiêu là hợp lý? Về mặt kinh tế học, nếu như giá của một loại sản phẩm phát sinh thay đổi, sự thay đổi này sẽ dẫn đến nhu cầu của người tiêu dùng đối với sản phẩm khác. Phản ứng của người tiêu dùng đối với việc tăng giá sản phẩm và biên độ tăng giá sản phẩm có quan hệ tỷ lệ nghịch. Giá tăng càng cao, lượng tiêu thụ sản phẩm càng giảm. Để duy trì tổng lợi nhuận, nhà kinh doanh buộc phải xem xét một cách hợp lý biên độ tăng giá. Vì vậy, nếu như biên độ tăng giá giả định quá cao thì sẽ dẫn đến phóng đại thị trường hàng hóa liên quan. Từ góc độ kinh tế học, phương pháp SSNIP đã đưa ra biên độ tăng giá là 5% ~ 10%. Quy định mang tính định lượng này đảm bảo cho việc xác định giới hạn thị trường hàng hóa liên quan không quá rộng cũng không quá hẹp.
Ngoài ra, phương pháp SSNIP cũng xem xét mối quan hệ độ dài, ngắn của thời gian mà việc tăng giá có thể làm phát sinh ảnh hưởng đối với ngoại diên của thị trường. Trong thực tiễn, phản ứng của người tiêu dùng và các nhà cung cấp khác đối với hành vi tăng giá của nhà độc quyền giả định là yếu tố cần phải có thời gian. Thời gian tăng giá càng dài, phạm vi thị trường hàng hóa liên quan càng lớn, vì người tiêu dùng hoặc nhà cung cấp sẽ có nhiều cơ hội hơn để chuyển sang mua hoặc sản xuất sản phẩm có tính thay thế khác. Để giải quyết vấn đề này, phương pháp SSNIP yêu cầu phải giới hạn thời gian tăng giá của nhà độc quyền giả định. Thời gian này thường được giới hạn là 01 năm. Ví dụ tài liệu “Xác định giới hạn thị trường liên quan - lý giải luật cạnh tranh” của nước Anh cũng thừa nhận thời gian này.
Tuy nhiên, phương pháp SSNIP vẫn tồn tại những hạn chế nhất định. Trước hết, nó đòi hỏi việc áp dụng phải thỏa mãn một số điều kiện, cụ thể là trên thị trường không tồn tại sự phân biệt về giá và điều kiện tiêu thụ các sản phẩm khác được giữ không đổi. Đối với điều kiện thứ nhất, thị trường thực tế rất khó đạt được trạng thái không có sự phân biệt về giá. Chẳng hạn như, nhà sản xuất có những chính sách tiêu thụ khác nhau đối với các siêu thị có quy mô lớn nhỏ khác nhau. Trong trường hợp này, việc tăng giá biên độ nhỏ của sản phẩm của doanh nghiệp trong vụ án hoàn toàn không làm cho tất cả những người có nhu cầu đều mong muốn chuyển sang sản phẩm khác. Vì vậy, nếu căn cứ vào số lượng người tiêu dùng chuyển sang mua sản phẩm thay thế khác để xác định giới hạn thị trường sản phẩm liên quan thì sẽ dẫn đến kết quả phiến diện. Nói cách khác, trong các vụ án có tồn tại sự phân biệt giá, quy tắc SSNIP không thể phát huy tác dụng của nó. Để giải quyết vấn đề này, cơ quan có thẩm quyền phải căn cứ vào các nhóm bên bán khác nhau để xác định giới hạn các thị trường liên quan khác nhau.
 Đối với điều kiện tiêu thụ sản phẩm, phương pháp SSNIP đòi hỏi giả định việc tăng giá sản phẩm trong vụ án là 5%~10% trong vòng một năm, sau đó xem xét phản ứng của người tiêu dùng. Tuy nhiên, nếu như trong vòng một năm, giá của sản phẩm thay thế khác theo sự tăng giá của nguyên liệu quốc tế hoặc do sự thay đổi chính sách thuế của nhà nước mà tăng lên thì sự khác biệt giá cả giữa sản phẩm đang điều tra với các sản phẩm khác là không lớn. Như thế, việc tăng giá sản phẩm đang điều tra sẽ không tạo ra phản ứng của người tiêu dùng chuyển sang mua sản phẩm thay thế khác. Việc áp dụng phương pháp SSNIP phải đáp ứng yêu cầu duy trì điều kiện tiêu thụ sản phẩm là không đổi. Điều kiện này đã hạn chế khả năng áp dụng của phương pháp thử độc quyền giả định.
Trên thực tế, phương pháp SSNIP còn có một hạn chế kinh điển, được gọi là “sai lầm giấy bóng kính”. “Sai lầm giấy bóng kính” liên quan đến vụ án Chính phủ Mỹ kiện công ty duPont năm 1956 như đã nêu trên. Nhân tố không chính xác trong vụ án chính là Tòa án đã phóng đại phạm vi thị trường liên quan. Nguyên nhân của sai lầm là ở chỗ Tòa án đã không xác định giá giấy bóng kính của công ty duPont ban đầu có phải là giá cạnh tranh hay không. Trên thực tế, giá cả ban đầu đã là giá độc quyền, bất cứ sự tăng giá nhỏ nào cũng đều dẫn đến việc người tiêu dùng chuyển sang vật liệu đóng gói linh hoạt khác. Như vậy, người tiêu dùng vì giá cả quá cao của sản phẩm ngay từ đầu mà đã triệt để đình chỉ sử dụng giấy bóng kính, chứ không phải là có quan hệ thay thế giữa giấy bóng kính và các loại giấy mềm khác. Điều đó cho thấy, bản thân giấy bóng kính của công ty duPont có thị trường hàng hóa liên quan của riêng nó, suy ra hành vi định giá của nó đã cấu thành hành vi lạm dụng vị trí chi phối thị trường. Tóm lại, ý nghĩa của phương pháp SSNIP trong các vụ án lạm dụng vị trí chi phối thị trường là hữu hạn. Nó đòi hỏi cơ quan có thẩm quyền trong quá trình áp dụng phương pháp SSNIP phải đảm bảo một cách chính xác là xuất phát điểm khảo sát là giá cả ở mức cạnh tranh chứ không phải là giá cao độc quyền.
Ngoài ra, phương pháp SSNIP còn phải đối mặt với vấn đề dữ liệu thị trường liên quan trong vụ án. Với tư cách là phương pháp thử độc quyền giả định, phương pháp này đòi hỏi thông qua việc tính toán các dữ liệu thể hiện tính thay thế về cầu trong điều kiện giả định để xem xét phản ứng của người tiêu dùng đối với việc tăng giá. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, đặc biệt là đối với những sản phẩm mới ra đời, thì rất khó có được dữ liệu thị trường liên quan. Hơn nữa, trong nền kinh tế tri thức hiện nay, sáng tạo kỹ thuật đóng vai trò như là nhân tố quan trọng cấu thành sức cạnh tranh của doanh nghiệp. Vậy làm thế nào để xác định giới hạn các thị trường sáng tạo và làm thế nào để giải quyết mâu thuẫn giữa tính sáng tạo và tính cạnh tranh cũng là một vấn đề mà phương pháp này phải đối mặt.
Để khắc phục các hạn chế, gần đây Tòa án Mỹ đã đưa ra một phương pháp mới - phương pháp phân tích thiệt hại tới hạn. Về bản chất, phương pháp này là sự kế thừa và phát triển phương pháp SSNIP. Phương pháp này yêu cầu thông qua phân tích so sánh thiệt hại thực tế và thiệt hại tới hạn của doanh nghiệp trong vụ án để quyết định phạm vi thị trường liên quan.
Thiệt hại thực tế là khái niệm dùng để chỉ tỷ lệ % lượng tiêu thụ hoặc lượng sản xuất bị giảm đi do hành vi tăng giá của nhà cung cấp. Về mặt kinh tế học, giữa biên độ tăng giá sản phẩm và lượng sản xuất, tiêu thụ sản phẩm có quan hệ tỷ lệ nghịch. Biên độ tăng giá của nhà cung cấp càng lớn thì lượng tiêu thụ càng nhỏ. Từ góc độ lợi nhuận của nhà sản xuất thì thấy, việc tăng giá sản phẩm sẽ làm cho lợi nhuận trên một đơn vị sản phẩm tăng lên, nhưng tổng lợi nhuận của nhà sản xuất trong những điều kiện khác nhau có kết quả không giống nhau. Nếu như lượng tiêu thụ vẫn đủ lớn thì tổng lợi nhuận sẽ tăng. Ngược lại, lượng tiêu thụ giảm đến một mức độ nhất định thì hành vi tăng giá sẽ không thể mang lại thêm lợi nhuận cho nhà xản xuất. Trong trường hợp này, lượng tiêu thụ giảm được gọi là thiệt hại tới hạn (Critical Loss - CL).
Sau khi xác định được thiệt hại thực tế và thiệt hại tới hạn thì tiến hành so sánh hai yếu tố này. Nếu như thiệt hại thực tế nhỏ hơn thiệt hại tới hạn, thì khi đó, hành vi tăng giá của nhà độc quyền giả định có thể được thực hiện một cách thành công, bởi vì người tiêu dùng không có khả năng lựa chọn hàng hóa khác. Vì vậy, có thể nhận định thị trường liên quan đang được giả định là thị trường mà doanh nghiệp trong vụ án thuộc về nó. Ngược lại, nếu như thiệt hại thực tế lớn hơn hoặc bằng thiệt hại tới hạn thì khi đó, nhà độc quyền giả định không thể thu thêm được lợi nhuận nữa. Điều này có nghĩa, trên thực tế vẫn còn nhiều sản phẩm hoặc nhà cung cấp sẵn sàng cho người tiêu dùng thực hiện các lựa chọn thay thế. Vì vậy, phải nhập sản phẩm hoặc khu vực có khả năng thay thế gần vào thị trường đang giả định để mở rộng xem xét. Nói cách khác, thị trường liên quan trong vụ án rộng hơn thị trường giả định trước đó.
Cùng với sự phát triển của chuyên ngành luật cạnh tranh và chống độc quyền, phương pháp phân tích thiệt hại tới hạn ngày càng được áp dụng phổ biến. Lần đầu tiên vào năm 1986, Tòa án Mỹ đã áp dụng phương pháp này trong vụ án Federal Trade Commission v. Occidental Petrolium Corp. Vấn đề cốt lõi của vụ án là liệu sự sáp nhập giữa công ty xăng dầu Occidental và công ty Tenneco Inc có dẫn đến việc tăng giá một cách thành công và khả năng duy trì giá ở mức cao hơn mức cạnh tranh thông thường hay không. Trong vụ án, Tòa án xác định thị trường hàng hóa liên quan bao gồm thị trường nhựa homopolymer PVC và thị trường nhựa PVC, khi đó, vấn đề chủ yếu nằm ở việc xác định giới hạn thị trường địa lý liên quan. Tòa án lấy mức tăng giá 5% để tính toán thiệt hại tới hạn. Kết quả là thiệt hại tới hạn của thị trường nhựa homopolymer PVC và thị trường nhựa PVC lần lượt là 15% và 10%. Trên thực tế, thiệt hại thực tế của hai loại sản phẩm này đều lớn hơn thiệt hại tới hạn. Thông qua phân tích hai loại thiệt hại này và kết hợp với các yếu tố khác, Tòa án quyết định rằng thị trường địa lý liên quan của vụ án này không thể chỉ hạn chế trong phạm vi nước Mỹ, vì vậy, việc sáp nhập hai công ty hoàn toàn không ảnh hưởng đến tính cạnh tranh của thị trường và Tòa án đã chuẩn y hành vi hợp nhất của hai doanh nghiệp. 
Một vụ án điển hình khác là United State v. SunGard and Comdisco. Vụ án liên quan đến việc công ty SunGard mua lại tài sản xử lý thảm họa máy tính của công ty Comdisco. Bộ Tư pháp Mỹ cho rằng thị trường liên quan là thị trường hệ thống phục hồi máy tính “shared hot-site”. Tuy nhiên, bị cáo có quan điểm khác. Họ cho rằng thị trường hàng hóa liên quan phải là toàn bộ thị trường hệ thống phục hồi máy tính. Trong phán quyết của mình, Tòa án Mỹ đã chỉ ra: Thông qua việc sử dụng phép thử biên độ tăng giá 5% cho thấy SunGard và Comdisco không thể đảm bảo chắc chắn sẽ đạt được lợi nhuận cao hơn nữa bởi vì bị cáo không thể có đầy đủ thông tin để phân biệt người tiêu dùng nào vì lý do tăng giá mà chuyển sang lựa chọn sản phẩm khác, người tiêu dùng nào vẫn bảo lưu sự lựa chọn ban đầu. Do đó, Tòa án đã bác bỏ quan điểm xác định thị trường phạm vi hẹp của Bộ Tư pháp, và chấp nhận quan điểm của bị cáo về việc xác định thị trường liên quan là toàn bộ thị trường hệ thống phục hồi máy tính và hành vi mua lại nói trên được chấp nhận.
Tóm lại, thực tiễn lịch sử đã chứng minh, cho dù một phương pháp có khả thi đến đâu thì nó cũng không phải là cái nhất thành bất biến. Chúng ta tin tưởng rằng, cùng với sự phát triển của kinh tế học và luật học, những hạn chế của các phương pháp hiện hành sẽ được khắc phục kịp thời trong thời gian tới.

 


[1] Đây chính là nguyên tắc thử độc quyền giả định: “Small but Significant and Non-Transitory Increase in Price” , được viết tắt thành SSNIP.
[2] Vương Hiểu Diệp, “Tiền đề có ảnh hưởng toàn cục – xác định giới hạn thị trường liên quan trong luật chống độc quyền”, Nxb. Đại học Bắc Kinh, Trung Quốc, 2011, tr. 289.
[3] Quy tắc vi pháp tự thân hiểu một cách đơn giản giống như (nhưng không hoàn toàn đồng nhất với) lý luận về cấu thành hình thức trong luật hình sự. Theo đó, một hành vi ngay khi được thực hiện liền bị coi là vi phạm pháp luật cạnh tranh, chẳng hạn như hành vi thông đồng để thắng thầu, thỏa thuận phân chia thị trường, thỏa thuận ấn định giá…
[4] Eastman Kodak Co. v. Image Technical Services, Inc., 504 U.S 451 (1992), p. 133.
[5] Rapport du conseil de la concurrence de Paris.1992, p. 53.

(Nguồn tin: Bài viết đăng trên ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu lập pháp số 15(247), tháng 8/2013)