Vai trò của thanh tra trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng

01/08/2013

TS. NGUYỄN DUY PHƯƠNG

Khoa Luật, Đại học Huế

1. Trách nhiệm của cơ quan thanh tra trong việc phòng, chống tham nhũng  
1.1. Cơ sở pháp lý
Để đảm bảo vai trò của cơ quan thanh tra (CQTT) trong cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng (PCTN) hiện nay, Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản pháp luật nhằm xác định chức năng của thanh tra.CQTT nhà nước trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình thực hiện và giúp cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện quản lý nhà nước (QLNN) về công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và PCTN; tiến hành thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và PCTN theo quy định của pháp luật” (Điều 5 Luật Thanh tra năm 2010). Khoản 4 Điều 15 Luật Thanh tra 2010 cũng xác định: “nhiệm vụ của Thanh tra Chính phủ là QLNN về công tác PCTN; thực hiện nhiệm vụ PCTN theo quy định của pháp luật về PCTN".
Vai trò của Thanh tra bộ, Thanh tra tỉnh trong PCTN cũng được Luật Thanh tra năm 2010 xác định đầy đủ: "Thanh tra bộ là cơ quan của bộ, giúp Bộ trưởng QLNN về công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo PCTN; tiến hành thanh tra hành chính đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi quản lý của bộ; tiến hành thanh tra chuyên ngành đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi QLNN theo ngành, lĩnh vực của bộ; giải quyết khiếu nại, tố cáo và PCTN nhũng theo quy định của pháp luật" (khoản 1 Điều 17); "Thanh tra bộ: giúp Bộ trưởng QLNN về công tác phòng, chống tham nhũng; thực hiện nhiệm vụ PCTN theo quy định của pháp luật về PCTN” (Khoản 4 Điều 18). Thanh tra tỉnh "Giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh QLNN về công tác PCTN; thực hiện nhiệm PCTN theo quy định của pháp luật về PCTN" (Khoản 4 Điều 21).
Đối với Thanh tra cấp huyện và Thanh tra cấp cơ sở, nhiệm vụ, quyền hạn về PCTN được quy định trong Luật Thanh tra tương ứng với nhiệm vụ, quyền hạn của Thanh tra cấp tỉnh và Thanh tra cấp bộ nhưng chỉ trong phạm vi quản lý của CQTT đó.
Có thể nói, các CQTT có vai trò quan trọng trong công tác PCTN. “Hoạt động thanh tra nhằm phòng ngừa, phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật (VPPL); phát hiện những sơ hở trong cơ chế quản lý, chính sách, pháp luật để kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền các biện pháp khắc phục; phát huy nhân tố tích cực; góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả QLNN; bảo vệ lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân” (Điều 2 Luật Thanh tra). Điều 2 Luật Thanh tra tuy không trực tiếp quy định mục tiêu phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng, nhưng nội hàm của khái niệm hành vi VPPL đã bao hàm toàn bộ cả nội dung của hành vi tham nhũng, nhất là đối tượng của thanh tra chủ yếu là việc thực hiện chức trách nhiệm vụ của cán bộ, công chức nhà nước. Hành vi vi phạm của cán bộ, công chức, viên chức chủ yếu liên quan đến kinh tế (tuyệt đại đa số trường hợp đó là các hành vi tham nhũng). Do vậy, quy định về hoạt động thanh tra nhằm phòng ngừa, phát hiện và xử lý các hành vi VPPL, tức là cũng đã khẳng định vai trò, vị trí của các CQTT nhà nước trong đấu tranh chống tham nhũng.
Ngoài những nhiệm vụ chung như các tổ chức thanh tra nhà nước khác trong công tác PCTN, Thanh tra Chính phủ còn được giao nhiệm vụ riêng trong công tác PCTN. Luật Thanh tra quy định, Thanh tra Chính phủ phải có nhiệm vụ xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về thanh tra, về khiếu nại, tố cáo, chống tham nhũng trình cấp có thẩm quyền hoặc ban hành theo thẩm quyền; hướng dẫn, tuyên truyền, kiểm tra, thanh tra việc thực hiện pháp luật về thanh tra, về khiếu nại, tố cáo, chống tham nhũng.
Khi xem xét các văn bản pháp luật về chống tham nhũng chúng ta thấy vị trí của Thanh tra trong đấu tranh chống tham nhũng ngày càng rõ nét.
Luật PCTN 2005 (được sửa đổi, bổ sung năm 2007) một lần nữa khẳng định vai trò và trách nhiệm của các tổ chức thanh tra cũng như công tác thanh tra trong đấu tranh chống tham nhũng. Điều 7 Luật PCTN 2005 quy định: "CQTT, Kiểm toán nhà nước, Điều tra, Viện kiểm sát, Toà án trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với nhau và phối hợp với cơ quan, tổ chức, đơn vị hữu quan trong việc phát hiện hành vi tham nhũng, xử lý người có hành vi tham nhũng và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết luận, quyết định của mình trong quá trình thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử vụ việc tham nhũng.
Cơ quan, tổ chức, đơn vị hữu quan có trách nhiệm tạo điều kiện, cộng tác với CQTT, Kiểm toán nhà nước, Điều tra, Viện kiểm sát, Toà án trong việc phát hiện, xử lý người có hành vi tham nhũng".
Thanh tra là một trong những cơ quan có nhiệm vụ trực tiếp đấu tranh chống tham nhũng. Điều 62 Luật PCTN quy định: “CQTT, cơ quan Kiểm toán nhà nước, Điều tra, Viện kiểm sát, Toà án thông qua hoạt động thanh tra, kiểm toán, điều tra, kiểm sát, xét xử có trách nhiệm chủ động phát hiện hành vi tham nhũng, xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị việc xử lý theo quy định của pháp luật và chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình”.
Tại Điều 76 Luật PCTN 2005 ghi rõ, Thanh tra Chính phủ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình: 1. Tổ chức, chỉ đạo, hướng dẫn công tác thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về PCTT; trường hợp phát hiện hành vi tham nhũng thì đề nghị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xử lý; 2. Xây dựng hệ thống dữ liệu chung về PCTN.
Để tạo điều kiện thực hiện tốt trách nhiệm này, Luật quy định: Thanh tra là một trong số các cơ quan có đơn vị chuyên trách về chống tham nhũng. Điều 75 Luật PCTN quy định: “Trong Thanh tra Chính phủ, Bộ Công An, Viện kiểm sát nhân dân tối cao có đơn vị chuyên trách về chống tham nhũng”.
Điều đặc biệt là Luật có những quy định thể hiện vai trò đầu mối quan trọng có tính chất “QLNN” cho Thanh tra Chính phủ, thể hiện cụ thể ở việc quy định trách nhiệm của Thanh tra Chính phủ trong việc theo dõi, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về PCTN và chủ trì trong hợp tác quốc tế về chống tham nhũng.
Điều 90 quy định: “Thanh tra Chính phủ phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ Công an và các cơ quan hữu quan thực hiện hoạt động hợp tác quốc tế về nghiên cứu, đào tạo, xây dựng chính sách, trao đổi thông tin, hỗ trợ tài chính, trợ giúp kỹ thuật, trao đổi kinh nghiệm trong PCTN”.
1.2. Thanh tra nhà nước trong đấu tranh PCTN
Trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng hiện nay, vấn đề quan trọng không chỉ là phát hiện và xử lý nghiêm minh, kịp thời các vụ việc tham nhũng mà điều quan trọng hơn là phải phòng ngừa tệ nạn ấy một cách tích cực. Tham nhũng nảy sinh từ nhiều nguyên nhân và điều kiện khác nhau. Sớm phát hiện những nguyên nhân và điều kiện ấy là phương hướng đấu tranh chống tham nhũng triệt để nhất. Hiện nay, cơ chế quản lý mới đang từng bước được hình thành, cơ chế quản lý cũ đã và đang dần dần được xóa bỏ, nhưng vẫn còn nhiều ảnh hưởng. Đây là điều kiện thuận lợi cho hiện tượng tham nhũng nảy nở và lây lan khắp mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Vì vậy, đổi mới và hoàn thiện cơ chế quản lý là biện pháp phòng ngừa tham nhũng cấp bách hiện nay. Thanh tra nhà nước (TTNN), theo chức năng của mình, hơn bất kỳ cơ quan nhà nước nào, là cơ quan có chức năng phòng ngừa tệ nạn tham nhũng hữu hiệu nhất. Bởi vì, bằng hoạt động thanh tra thường xuyên trên tất cả các lĩnh vực hoạt động của bộ máy nhà nước, Thanh tra phát hiện kịp thời những thiếu sót và lỗ hổng trong cơ chế QLNN để đề ra kiến nghị cụ thể và xác thực làm cơ sở cho việc đổi mới và hoàn thiện cơ chế QLNN. Đây chính là phương hướng đấu tranh chống tham nhũng hữu hiệu bằng biện pháp phòng ngừa, phù hợp với điều kiện nước ta hiện nay. Bởi vì những hoạt động này nhằm hướng đến thủ tiêu những nguyên nhân và điều kiện đẻ ra tham nhũng. TTNN đấu tranh chống tham nhũng trước hết và chủ yếu bằng hoạt động phòng ngừa.
Theo báo cáo của TTNN, bình quân hàng năm toàn ngành Thanh tra đã thực hiện trên 10 nghìn cuộc thanh tra, tiếp nhận và giải quyết theo thẩm quyền gần 20 vạn đơn thư khiếu nại, tố cáo. Qua các cuộc thanh tra đã phát hiện được nhiều lỗ hổng trong cơ chế QLNN là nguyên nhân và điều kiện cho những người có chức, có quyền lợi dụng để tham nhũng.
Hiện nay, công tác PCTN đang có chuyển biến. Các biện pháp phòng ngừa được triển khai rộng rãi; nhiều án nghiêm trọng phức tạp được phát hiện xử lý... Có được những kết quả đó, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã thực hiện nhiều giải pháp phòng ngừa như: công khai minh bạch hoạt động của các cơ quan, tổ chức (tập trung nhiều ở các lĩnh vực đầu tư xây dựng, quản lý đất đai, sử dụng ngân sách...); minh bạch tài sản thu nhập; xử lý trách nhiệm của người đứng đầu... Đặc biệt, việc hợp tác quốc tế về PCTN được mở rộng[1].
Tại Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Luật PCTN tại Hà Nội chiều 22/12/2011, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết, năm 2010 Tổ chức Minh bạch quốc tế (Transparency International – TI) đã chấm Việt Nam được 2,7 điểm, xếp hạng 116. "Năm nay TI đánh giá chúng ta tăng 4 điểm, cho thấy công tác PCTN ở Việt Nam có tiến bộ nhưng chưa có chuyển biến căn bản", Phó Tổng Thanh tra Chính phủ nói. Theo đánh giá của TI, những quốc gia dưới 5 điểm có nhiều tham nhũng, phần nhiều là nước đang chuyển đổi nền kinh tế.
Phó Tổng Thanh tra Chính phủ cũng cho biết, để hạn chế tham nhũng tại những nước có nền kinh tế chuyển đổi, kiểu như Việt Nam, TI đưa ra 3 giải pháp, gồm: công khai minh bạch thông tin, trừ thông tin ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, thuần phong mỹ tục; kiểm soát tốt tài sản và thu nhập của quốc gia, kể cả tài nguyên khoáng sản; phát huy được vai trò của xã hội trong PCTN.
2. Các giải pháp nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống tham nhũng của cơ quan thanh tra
Tăng cường hoạt động của Thanh tra trong phòng ngừa tham nhũng
PCTN bao giờ cũng là sự kết hợp nhiều biện pháp mang tính tổng thể, bao gồm cả phòng ngừa, phát hiện và xử lý. Chống tham nhũng cũng thuộc trách nhiệm của nhiều cơ quan (Công an, Toà án, Viện kiểm sát, Thanh tra...). Trong đó, so với các cơ quan khác, Thanh tra có những ưu thế nhất định, đặc biệt là trong khâu phòng ngừa và phát hiện các hành vi tham nhũng. Chức năng cơ bản của thanh tra là kiểm tra, kiểm soát việc chấp hành chính sách, pháp luật của các đối tượng bị thanh tra. Chính từ quá trình thực hiện các chức năng cơ bản này, Thanh tra có thể hiểu rõ những khiếm khuyết trong cơ chế chính sách làm phát sinh hành vi tham nhũng, ở đây Thanh tra đóng vai trò dự báo. Một cơ chế, chính sách nào đó ở vào thời điểm Thanh tra, mặc dù chưa làm phát sinh tham nhũng nhưng đã có thể có được dự báo hậu quả của nó trong thời gian tới nếu không có một sự điều chỉnh kịp thời. Những kiến nghị của Thanh tra trong trường hợp này mang tính chất là một biện pháp ngăn ngừa tham nhũng có thể xảy ra. Thực tế đã chứng minh rằng, qua công tác thanh tra, CQTT đã đưa ra rất nhiều kiến nghị mà việc thực hiện chúng đã hạn chế được các vụ việc tham nhũng phát sinh, nhất là trong các lĩnh vực: đấu thầu, mua bán tài sản công, quản lý tiền tệ ngân hàng, quản lý việc sử dụng công quỹ... vì vậy cần tăng cường vai trò của CQTT trong hoạt động này.
Đổi mới hoạt động của TTNN
Để hoạt động của TTNN trong đấu tranh PCTN đạt hiệu quả cần phải đổi mới theo các hướng sau:
Thứ nhất, đổi mới nhận thức và quan điểm về hoạt động thanh tra, kiểm tra. Mục đích của các cuộc thanh tra, kiểm tra trước hết là phải tìm kiếm, phát hiện ra các sơ hở, bất cập của cơ chế, chính sách dẫn đến việc nảy sinh những hành vi tham nhũng. Trên cơ sở đó kiến nghị, đưa ra giải pháp nhằm thủ tiêu tham nhũng ngay trong trứng nước.
Thứ hai, đổi mới về nội dung thanh tra. Thanh tra, kiểm tra cần tập trung vào các yếu tố nội dung của cơ chế quản lý, vào các sơ hở, thiếu sót trong bộ máy của cơ chế quản lý nhà nước mà cụ thể là mối quan hệ giữa các Bộ, giữa Bộ với Sở, với doanh nghiệp trực thuộc quản lý; mối quan hệ giữa trung ương và địa phương trong cấp phát quyết định ngân sách, tài chính, xây dựng cơ bản, phân bổ dự án đầu tư... Tập trung vào phát hiện những thiếu sót này sẽ góp phần điều chỉnh, cải cách lại bộ máy nhà nước, hạn chế tích cực nạn tham nhũng. Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát phải hướng vào mọi hoạt động sản xuất kinh doanh, các cơ quan, tổ chức, cá nhân. Cụ thể là thanh tra, kiểm tra, giám sát bảo đảm tính minh bạch trong việc sử dụng, chi tiêu ngân sách nhà nước, tài sản công, tài chính Đảng, đoàn thể, tài chính các doanh nghiệp nhà nước, các quỹ do nhân dân đóng góp và do nước ngoài viện trợ. Do đó cần phải có những quy chế, tiêu chí để đảm bảo việc kiểm tra, giám sát. Công tác thanh tra không chỉ tập trung thanh tra kinh tế mà còn phải tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát mọi hoạt động công vụ của người có chức vụ, quyền hạn. Khắc phục tình trạng tràn lan và can thiệp quá sâu vào những sự vụ cụ thể làm cản trở đến hoạt động bình thường của đơn vị là đối tượng thanh tra. Đặc biệt phải quan tâm chống tiêu cực trong hoạt động thanh tra, kiểm tra, chống việc lợi dụng hoạt động thanh tra để vòi vĩnh, sách nhiễu.
Thứ ba, đổi mới phương thức hoạt động Thanh tra, tăng cường tính công khai trong hoạt động thanh tra; chuyển mạnh phương thức tiền kiểm sang hậu kiểm. Đề cao trách nhiệm tự thanh tra, kiểm tra của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp. Xử lý kịp thời các kết luận và quyết định xử lý về thanh tra, đặc biệt là xử lý các sai phạm về kinh tế.
Tăng cường sự phối hợp giữa TTNN với các cơ quan Điều tra, Viện kiểm sát, Toà án, và kiểm tra Đảng trong cuộc đấu tranh PCTN
Ban hành một quy chế liên ngành giữa TTNN - Bộ Công an - Viện kiểm sát nhân dân tối cao - Toà án nhân dân tối cao - Uỷ ban kiểm tra Đảng về xử lý tham nhũng. Trong đó quy định rõ chức trách của từng cơ quan Điều tra, Viện kiểm sát, Toà án, Thanh tra và kiểm tra Đảng trong việc xử lý hành vi tham nhũng ngoài việc thu hồi tài sản bị chiếm dụng, ngoài hình phạt chính cần áp dụng các hình phạt bổ sung như: phạt tiền, tịch thu một phần hay toàn bộ tài sản, khai trừ Đảng, cấm đảm nhiệm những chức vụ, làm những nghề hoặc công việc nhất định.
Tham nhũng là vấn đề nhức nhối của Việt Nam cũng như của hầu hết các quốc gia trên thế giới. Tham nhũng gây hậu quả rất nghiêm trọng, nó phá hoại đời sống xã hội, làm chậm trễ tiến tình tăng trưởng kinh tế, cản trở đầu tư, giảm cơ hội việc làm và làm giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước. Ở nước ta, trong công cuộc đổi mới và tiến hành công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước thì việc PCTN có ý nghĩa chính trị, xã hội, pháp lý rất quan trọng; góp phần khôi phục kỷ cương trong Đảng, tăng cường sức mạnh và nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Nhà nước, củng cố lòng tin của quần chúng nhân dân, làm trong sạch đội ngũ cán bộ, công chức, làm lành mạnh hoá các quan hệ xã hội và thực hiện công bằng xã hội. Trong đó, TTNN là một trong những cơ quan có vai trò rất quan trọng trong đấu tranh PCTN; các hoạt động của Thanh tra từ việc phòng ngừa, phát hiện và xử lý đối với các vụ tham nhũng đã góp phần làm hạn chế thấp nhất tham nhũng xảy ra ở các cơ quan, tổ chức, đơn vị. Nhưng qua thực tiễn cũng cho thấy hoạt động TTNN trong đấu tranh PCTN vẫn còn những tồn tại, hạn chế nhất định. Tuy nhiên, đấu tranh PCTN không phải là công việc đơn giản có thể giải quyết trong một thời gian ngắn, mà là kết quả của cuộc đấu tranh kiên trì, bền bỉ và có sự thống nhất đồng bộ giữa các cơ quan chức năng dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Trong đấu tranh PCTN đòi hỏi phải kết hợp đồng bộ các biện pháp tình thế và các giải pháp mang tính chiến lược. Phải phối hợp giữa các biện pháp kinh tế, các biện pháp chính trị, tư tưởng, các biện pháp tổ chức, quản lý, các biện pháp văn hoá giáo dục và các biện pháp pháp luật. Phải kết hợp các biện pháp chung của toàn xã hội, của Nhà nước với các biện pháp chuyên môn nghiệp vụ của các cơ quan chức năng. Và để nâng cao hiệu quả trong đấu tranh PCTN, cần phải nâng cao hiệu quả tổ chức của từng biện pháp phòng ngừa, đó là các biện pháp pháp luật, các biện pháp cơ chế, chính sách, các biện pháp QLNN về kinh tế; các biện pháp tăng cường thanh tra; các biện pháp cải cách hành chính bộ máy nhà nước; các biện pháp quản lý cán bộ công chức; các biện pháp quản lý thu nhập và kê khai tài sản của cán bộ công chức v.v...
Chúng ta tin tưởng rằng với sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước về vấn đề PCTN. Thanh tra sẽ từng bước đổi mới nội dung và phương thức hoạt động trong thanh tra, kiểm tra giám sát để nâng cao vai trò của Thanh tra trong đấu tranh PCTN ở nước ta hiện nay, góp phần làm cho bộ máy nhà nước thật sự trong sạch, vững mạnh, thực sự của dân, do dân, vì dân; loại trừ nguy cơ, thách thức, tụt hậu. Tin tưởng rằng, ngoài vai trò của TTNN, các cơ quan trong hệ thống chính trị cũng sẽ phát huy cao độ vai trò của tổ chức mình trong đấu tranh PCTN thì tất yếu nạn tham nhũng sẽ được đẩy lùi./.

 


[1] Báo điện tử Vnexpress, số ra thứ ba, 29/11/2011.
 

(Nguồn tin: Bài viết đăng trên ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu lập pháp số 15(247), tháng 8/2013)