Một số vấn đề về quyền tư pháp, hoạt động tư pháp, cơ quan tư pháp, kiểm sát hoạt động tư pháp

01/08/2013

PGS. TS. TRẦN ĐÌNH NHÃ

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội

Đã có rất nhiều công trình nghiên cứu khoa học trong và ngoài nước giải mã về tư pháp và những nội dung liên quan. Lâu nay, ở Việt Nam, do tư pháp được hiểu theo nghĩa rộng và theo đó là hàng loạt cách "duy danh định nghĩa" xuất hiện nên khó có được nhận thức chung về tư pháp và quyền tư pháp trong giới nghiên cứu nước ta.
Chúng tôi bày tỏ tóm lược quan điểm của mình về quyền tư pháp, hoạt động tư pháp, cơ quan tư pháp và kiểm sát hoạt động tư pháp ở Việt Nam. Các ý kiến này, ngoài việc đúc kết từ các cuộc tranh luận lâu nay, phần nhiều còn dựa vào các tổng kết và các kết luận gần đây liên quan đến quá trình nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992
Untitled_451.png
Ảnh minh họa: nguồn internet
1. Về quyền tư pháp
1.1. Quyền tư pháp là một dạng quyền lực nhà nước, được minh định khi quyền lực nhà nước phân chia thành ba quyền độc lập với nhau, bổ trợ cho nhau và kiểm soát lẫn nhau. Đó là các quyền lập pháp, quyền hành pháp và quyền tư pháp. Là sản phẩm của các cuộc biển đổi thể chế mang tính cách mạng, học thuyết và thực tiễn phân chia quyền lực, cân bằng quyền lực, kiểm soát quyền lực cùng với việc xây dựng nhà nước pháp quyền, ba quyền này đã chứng tỏ sức sống của mình trong thế giới đương đại. Ở Việt Nam, mặc dù lâu nay chúng ta tuy không thừa nhận và không tổ chức Nhà nước theo nguyên lý tam quyền phân lập mà đặc trưng là các quyền đối trọng và kiểm soát lẫn nhau, nhưng có thể nói, pháp luật và thực tiễn của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa (XHCN) Việt Nam hiện nay, đặc biệt là Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa trước đây đã tiếp thu nhiều yếu tố hợp lý của thuyết tam quyền. Đó là cách gọi tên các quyền (và các cơ quan) lập pháp, hành pháp, tư pháp, coi trọng tính độc lập của hoạt động tư pháp, xác định Toà án là mắt xích trọng tâm của hệ thống tư pháp cùng với cách phân biệt ngày càng rành mạch giữa các quyền này và phương hướng tăng cường kiểm soát quyền lực nói chung và kiểm soát giữa các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp nói riêng. Là một trong ba trụ cột của quyền lực nhà nước, phân biệt theo chức năng, quyền tư pháp không đồng dạng với hai loại quyền còn lại và luôn giữ một vị thế độc lập, một nhánh quyền lực quan trọng trong các thể chế nhà nước hiện đại, đặc biệt là trong nhà nước pháp quyền.
1.2. Quyền tư pháp được nhìn nhận từ nhiều giác độ, song tựu trung, quyền tư pháp là quyền xét xử, là việc nhân danh nhà nước giải quyết tranh chấp, giải quyết xung đột xã hội bằng việc xét xử, thông qua thủ tục xét xử do luật định. Quyền tư pháp từ đó phân biệt với quyền lập pháp (định hình chính sách và tạo lập cơ sở pháp lý) và quyền hành pháp (quản lý nhà nước, thực thi pháp luật, bảo vệ pháp luật) không chỉ ở nội dung mà còn là ở hình thức thực hiện và cơ quan thực hiện. Quyền tư pháp được thừa nhận là một loại quyền lực nhà nước với đặc trưng của quyền là độc lập. Không phụ thuộc vào bất cứ tác động nào từ bên trong và bên ngoài trong quá trình thực thi quyền lực, chủ thể quyền tư pháp hay là chủ thể quyền xét xử phải được đặt ở vị trí độc lập. Chủ thể quyền tư pháp đang được nói đến không ai khác chính là Tòa án. “Quyền tư pháp bao gồm xét xử hành vi vi phạm pháp luật để bảo đảm quyền tự do và quyền con người, và do đó phải được trao cho một thiết chế riêng rẽ - đó là Tòa án” (Montesquieu). Đương nhiên, chỉ trong chính thể phân quyền hoặc tập quyền nhưng có phân công rành mạch giữa ba nhánh quyền lực thì độc lập tư pháp mới biểu hiện rõ ràng.
 1.3. Quan niệm tư pháp là xét xử và việc xét xử chỉ do Tòa án thực hiện đã định hình khá sớm trong nhận thức và trong thực tiễn lập pháp, thực hiện pháp luật của Nhà nước Việt Nam mới. Điển hình là Hiến pháp 1946, ở Chương Tư pháp ghi nhận việc xét xử và cơ quan xét xử. Theo Hiến pháp 1946, quyền lực tư pháp mặc nhiên được thừa nhận là quyền lực độc lập và do Tòa án thực hiện. Tuy nhiên, thời gian gần đây, trong nhận thức và thực tiễn tổ chức và hoạt động của Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam có khuynh hướng mở rộng phạm vi quyền tư pháp, coi xét xử chỉ là mắt xích, là khâu trọng tâm của hoạt động tư pháp, là một bộ phận chứ không phải là toàn bộ quyền tư pháp. Theo đó, một số quyền tố tụng trước và sau xét xử và cả quyền bổ trợ tư pháp cũng được coi là quyền tư pháp. Hiển nhiên, cơ quan được giao thực hiện các quyền này cũng được mệnh danh là cơ quan tư pháp. Khuynh hướng này - theo chúng tôi - là có hại không chỉ trong “phân công rành mạch”, mà nguy hiểm hơn là hạ thấp vị trí, vai trò của quyền tư pháp với tư cách là một loại quyền lực đặc biệt, độc lập và chỉ do cơ quan xét xử thực hiện như đã nêu.
2. Hoạt đng tư pháp
2.1. Quyền tư pháp chỉ trở thành quyền lực thực tế thông qua các hoạt động cụ thể của các chủ thể xác định. Đây là quá trình chuyển quyền tư pháp được ghi nhận trong các văn bản pháp luật vào thực tiễn đời sống xã hội và hoạt động này được gọi là hoạt động thực hiện quyền tư pháp hay là hoạt động tư pháp.
2.2. Do quyền tư pháp là quyền xét xử nên hoạt động tư pháp cũng chính là hoạt động xét xử. Có nhiều cách giải thích, định nghĩa về xét xử (hoạt động xét xử). Theo cách hiểu của chúng tôi thì hoạt động xét xử là việc cơ quan chuyên biệt được pháp luật chỉ định tiến hành xem xét, đánh giá và kết luận về một sự kiện mang tính tranh chấp, xung đột. Mục đích của hoạt động xét xử là nhằm phục hồi các quan hệ xã hội bị xâm phạm, bảo đảm ổn định trật tự xã hội, trật tự pháp luật trên tất cả các phương diện của đời sống xã hội, phục vụ sự tiến bộ xã hội.
 2.3. Song hành với khái niệm hoạt động tư pháp là khái niệm tố tụng tư pháp. Tố tụng tư pháp thực chất là hoạt động tư pháp được sắp xếp theo trình tự, lớp lang định sẵn. Sở dĩ có quy trình này là do nhà làm luật đúc kết, tính toán theo phương án tối ưu, bảo đảm vừa đạt được mục đích của tư pháp, vừa không gây hại cho lợi ích lớn hơn của xã hội.
3. Cơ quan tư pháp
 3.1. Cơ quan là một thiết chế thực hiện quyền lực. Nhấn mạnh điều này có ý nghĩa quan trọng không chỉ về phương pháp luận mà còn là thực tiễn. Nhiều người trong số chúng ta đến nay vẫn lấy làm khó hiểu khi ai đó trình bày, đại loại: Bản án hình sự số X, ngày Y, do thẩm phán Z xét xử. Trong trường hợp này, thẩm phán Z chính là thiết chế thực hiện quyền lực, là cơ quan tư pháp cụ thể. Thiết tưởng, trong lĩnh vực tư pháp, rất cần những định danh chính xác như: Bản án của Hội đồng xét xử do Thẩm phán X làm chủ tọa, Quyết định truy tố của Phó Viện trưởng Y, Viện kiểm sát nhân dân huyện Z. Là những chức danh tố tụng do luật định, các vị này không cần nhân danh cơ quan mà tự thân đã là cơ quan độc lập.
 3.2. Cơ quan tư pháp là cơ quan nhân danh quyền lực nhà nước thực hiện quyền tư pháp. Do quyền tư pháp đồng nghĩa với quyền xét xử nên cơ quan tư pháp cũng chính là cơ quan xét xử. Thực hiện quyền xét xử, cơ quan xét xử được quyền phán quyết, ra bản án về một sự kiện có tính xung đột, tranh chấp và vấn đề chính yếu là phán quyết của cơ quan xét xử lại có hiệu lực pháp lý như một quy phạm pháp luật, bắt buộc mọi cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan nghiêm chỉnh thi hành.
 3.3. Cơ quan xét xử thông dụng là Tòa án. Ở Việt Nam, kể từ khi có Hiến pháp năm 1946 đến nay, cơ quan xét xử là Tòa án nhân dân các cấp, Tòa án quân sự và có thể thêm Tòa án đặc biệt. Một số thiết chế như Trọng tài, tổ chức hòa giải ở cơ sở tuy thực hiện chức năng na ná như xét xử, nhưng không thể gọi là cơ quan xét xử. Như vậy, chỉ có Tòa án là cơ quan xét xử và do vậy, là cơ quan tư pháp đúng nghĩa.
 Hiện nay, ngoài hệ thống Tòa án, hàng loạt cơ quan khác tuy không thực hiện quyền tư pháp, nằm ngoài hệ thống tư pháp nhưng vẫn được gọi, được coi là cơ quan tư pháp. Cùng với Bộ Tư pháp của Chính phủ, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, ngay cả cơ quan điều tra, cơ quan công tố, Viện kiểm sát, cơ quan thi hành án cũng được liệt vào danh sách cơ quan tư pháp. Đây là một sự gán ghép tai hại mà bất cứ ai tham gia vào cuộc thảo luận về cải cách tư pháp ở Việt Nam cũng đều thấy rõ.
 Liên quan đến cơ quan tư pháp, thiết tưởng cũng cần làm rõ các chức danh tư pháp vốn cũng đang được sử dụng lẫn lộn và tùy tiện ở Việt Nam. Đã đến lúc không chỉ khẳng định cơ quan tư pháp đích thực là Tòa án mà còn giới hạn phạm vi chức danh tư pháp chỉ là thẩm phán và hội thẩm nhân dân. Đây chính là những chức danh có thẩm quyền tiến hành xét xử. Còn những cán bộ, công chức, viên chức khác trong các cơ quan tố tụng, kể cả những cán bộ, công chức trong cơ quan Tòa án đều không thể tùy tiện cho rằng đó là cán bộ tư pháp, nhân viên tư pháp, công chức tư pháp… Tóm lại là không gán cho họ chức danh tư pháp vì họ không trực tiếp thực thi quyền lực tư pháp.
4. Kiểm sát hoạt động tư pháp
4.1. Có nhiều lý giải về kiểm sát hay hoạt động kiểm sát. Nguyên do là nhiều người muốn phân biệt rạch ròi cái không thể rạch ròi như phân biệt kiểm sát với giám sát, với thanh tra, với kiểm tra, với kiểm toán, với điều tra…
Ở Việt Nam, kiểm sát là hoạt động riêng có của cơ quan kiểm sát, một loại cơ quan hiến định. Viện Kiểm sát là một loại cơ quan quyền lực, do cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất (Quốc hội) lập ra để kiểm soát quyền lực. Cơ quan này, theo ý tưởng của những người thiết kế ra nó, chính là cơ quan thay thế cho một số cơ quan kiểm soát quyền lực độc lập như Thanh tra Nghị viện, Thanh tra Nhà nước… Theo các Hiến pháp trước đây, tuy Quốc hội lập ra rất nhiều cơ quan, nhưng duy nhất chỉ có Viện Kiểm sát mới được trao quyền "kiểm sát việc tuân theo pháp luật" của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Thật ra, khi lập Viện Kiểm sát nhân dân ở nước ta, theo mô hình Viện Kiểm sát các nước XHCN, nhiệm vụ trọng tâm của cơ quan độc lập này là tập trung kiểm sát việc tuân theo pháp luật của hệ thống cơ quan hành chính nhà nước - cơ quan hành pháp. Tuy nhiên, đến năm 2001, với Nghị quyết của Quốc hội khoá X - Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 1992 thì chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật của Viện Kiểm sát nhân dân nước ta bị thu hẹp đáng kể. Giờ đây, Viện Kiểm sát nhân dân chỉ thực hiện kiểm sát hoạt động tư pháp. Tuy chưa có giải thích chính thức nào về nội dung kiểm sát hoạt động tư pháp, nhưng thực tiễn lập pháp và thực hiện pháp luật thời gian qua cho thấy, kiểm sát hoạt động tư pháp được nhìn nhận như là kiểm sát tố tụng tư pháp, tức là kiểm sát không chỉ quá trình xét xử mà còn là quá trình điều tra và thi hành án. Tuy nhiên, như đã nêu, ngày nay, từ nhận thức lý luận đến quy định mới của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 đã đi theo hướng chỉ thừa nhận mỗi Toà án là cơ quan tư pháp, vậy nên cách hiểu hoạt động tư pháp, tố tụng tư pháp cũng cần được định hình lại. Và theo đó là vấn đề cần hay không cần kiểm sát hoạt động tư pháp.
4.2. Hoạt động tư pháp là hoạt động thực hiện quyền lực - quyền nhân danh nhà nước xét xử và tuyên án, do đó hoạt động tư pháp cũng cần được kiểm soát chặt chẽ để tránh lạm dụng quyền lực - vốn là một căn bệnh cố hữu của mọi thứ quyền lực. Kiểm soát hoạt động tư pháp mà thực chất là kiểm soát hoạt động xét xử được thực hiện bằng hình thức kiểm soát tự thân và kiểm soát từ bên ngoài hệ thống. Kiểm sát hoạt động tư pháp hay kiểm sát xét xử - một loại hình của kiểm soát quyền lực nói chung chính là dạng kiểm soát từ bên ngoài, hiện đang được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm, mổ xẻ. Xuất phát từ nguyên lý độc lập xét xử, nhiều ý kiến cho rằng, kiểm soát quyền lực tư pháp không cần thiết phải từ bên ngoài, mà chỉ cần cơ chế kiểm soát nội bộ, theo hướng cơ quan xét xử cấp trên kiểm tra, giám sát cơ quan xét xử cấp dưới. Theo đó, cần loại bỏ hình thức kiểm sát hoạt động xét xử như hiện nay vì vừa vi phạm nguyên tắc xét xử độc lập, vừa “không giống ai”. Ý kiến khác, tuy tán thành quan điểm mọi thứ quyền lực, kể cả quyền lực tư pháp đều cần sự kiểm soát từ bên ngoài, nhưng không đồng tình với việc kiểm sát tư pháp của Viện kiểm sát, từ Viện kiểm sát. Theo họ, đối với hoạt động xét xử, chỉ có Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội mới đủ thẩm quyền giám sát và kiểm soát.
Chúng tôi thuộc nhóm ủng hộ quan điểm giữ hình thức kiểm sát xét xử của Viện Kiểm sát vì cho rằng, điều đó phù hợp với thể chế nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, nơi quyền lực nhà nước cao nhất thuộc về Quốc hội. Về nguyên tắc, chính Quốc hội mới là cơ quan có toàn quyền kiểm soát, giám sát hoạt động xét xử. Để thực hiện quyền hạn của mình, Quốc hội, ngoài việc tự mình tiến hành các hoạt động kiểm soát, còn lập ra và giao nhiệm vụ kiểm soát quyền lực cho một số thiết chế độc lập, trong đó có Viện Kiểm sát. Viện Kiểm sát không gì khác, chính là cánh tay nối dài của Quốc hội, giúp Quốc hội thực hiện một phần việc quan trọng nhất trong toàn bộ hoạt động kiểm soát quyền lực tư pháp - đó là hoạt động kiểm sát tư pháp hay có thể gọi là kiểm sát xét xử, khi chúng ta đã coi tư pháp chính là xét xử. Cần lưu ý rằng, ngoài Viện Kiểm sát, Quốc hội còn dựa vào các cơ quan của Quốc hội mà tiêu biểu là Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội và các đại biểu Quốc hội để thực hiện việc giám sát hoạt động xét xử. Tuy nhiên, với cách thức tổ chức và thẩm quyền hạn chế như hiện nay, có thể nói, Quốc hội chưa làm được gì nhiều trong lĩnh vực kiểm soát quyền lực tư pháp.
Kiểm sát xét xử là việc thực hiện kiểm soát quyền lực tư pháp từ bên ngoài, do cơ quan có thẩm quyền được Quốc hội lập ra thực hiện. Do đó, hoạt động kiểm sát xét xử là nhân danh Quốc hội - cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất và kết quả của hoạt động này phải báo cáo trước Quốc hội. Quyền kiểm sát hoạt động xét xử hay nói cách khác là kiểm sát tư pháp - vì như đã nêu trên thì tư pháp cũng chính là xét xử - được giao cho một cơ quan độc lập là Viện Kiểm sát. Viện Kiểm sát phải độc lập với hoạt động xét xử mới có thể kiểm sát xét xử được. Và như vậy, Viện Kiểm sát là cơ quan độc lập với tư pháp, đứng ngoài tư pháp, không phải là cơ quan tư pháp như lâu nay thường nhầm lẫn, mà là cơ quan độc lập do Quốc hội lập ra với vai trò là công cụ kiểm soát quyền lực nhà nước nói chung, trong đó có quyền lực tư pháp.
Với ý kiến băn khoăn cho rằng, ngoài kiểm sát hoạt động tư pháp, Viện Kiểm sát nhân dân còn thực hành quyền công tố, mà công tố lại gắn kết với xét xử. Điều dễ thấy là, mặc dù Viện Kiểm sát nhân dân ở nước ta theo Hiến pháp hiện hành, còn được giao thêm chức năng thực hành quyền công tố, tức là nhân danh quyền lực nhà nước để truy tố, buộc tội người phạm tội trước Tòa án, song ngay cả hoạt động công tố cũng không thể coi là là hoạt động tư pháp. Công tố là buộc tội, hoạt động công tố là hoạt động buộc tội. Trong ba chức năng cơ bản của tư pháp hình sự (chức năng xét xử, chức năng buộc tội, chức năng gỡ tội) thì công tố thuộc về chức năng buộc tội. Nhìn nhận từ góc độ xác định nhiệm vụ của công tố nói chung và thông qua việc thừa nhận và thực hiện nguyên tắc tranh tụng trong hoạt động tố tụng, rõ ràng cơ quan công tố và công tố viên chỉ là một bên tranh tụng chứ không thể hơn (ở đây, chúng tôi tạm dùng các thuật ngữ “cơ quan công tố” và “công tố viên” vì rất muốn phân biệt không chỉ chức năng kiểm sát, công tố mà còn là cơ quan và người thực hiện chúng).
Từ việc nhìn nhận Viện Kiểm sát nhân dân không phải là cơ quan tư pháp như Tòa án nhân dân dẫn đến xuất hiện một số ý kiến cho rằng, trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, Viện Kiểm sát nhân dân cần chuyển đổi vị trí, đặt cùng nhóm các cơ quan độc lập do Quốc hội lập ra, báo cáo công tác trước Quốc hội (Bên cạnh Hội đồng Hiến pháp, Hội đồng Bầu cử quốc gia, Kiểm toán Nhà nước ở Chương X, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992) sẽ là hợp lý hơn. Bên cạnh đó, sẽ hợp lý hơn nữa nếu đợt sửa đổi, bổ sung Hiến pháp lần này xác định rõ được thẩm quyền, nguyên tắc tổ chức và hoạt động theo hướng phân biệt giữa công tố và kiểm sát, kiểm sát viên và công tố viên. Tuy nhiên, nội dung này lại vượt ra ngoài phạm vi bài viết này của chúng tôi./.

(Nguồn tin: Bài viết đăng trên ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu lập pháp số 16(248), tháng 8/2013)