Kiến nghị hoàn thiện mô hình tổ chức của cơ quan điều tra hình sự

01/12/2013

TS. NGUYỄN MAI BỘ

Tòa án Quân sự trung ương

Cơ quan điều tra hình sự (CQĐTHS) là cơ quan nhà nước có nhiệm vụ tiến hành hoạt động điều tra các vụ án hình sự (VAHS) theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS). Các CQĐTHS được tổ chức ở các ngành công an, quân đội và kiểm sát. Hoàn thiện tổ chức, bộ máy các cơ quan tiến hành tố tụng hình sự, trong đó có CQĐTHS là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020[1]. Do vậy, việc nghiên cứu quy định của pháp luật cũng như thực trạng tổ chức và hoạt động của các CQĐTHS có ý nghĩa rất lớn đối với việc đề xuất giải pháp hoàn thiện các cơ quan này trong quá trình thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020. Bài viết đi sâu nghiên cứu những vấn đề lý luận và thực tiễn về mô hình tổ chức và thẩm quyền của CQĐTHS, đề xuất một số kiến nghị hoàn thiện tổ chức của cơ quan này.  
 1_144.jpg
Ảnh minh họa: nguồn internet
1. Cơ quan điều tra hình sự trong Công an nhân dân
Trong Công an nhân dân (CAND) có hai tiểu hệ thống CQĐTHS là CQĐTHS của lực l­ượng Cảnh sát nhân dân (CSND) và CQĐTHS của lực l­ượng An ninh nhân dân (ANND). CQĐTHS của lực l­ượng CSND có thẩm quyền điều tra các VAHS về các tội phạm quy định tại các chương từ Chương XII đến Chương XXII của Bộ luật Hình sự (BLHS) khi các tội phạm đó thuộc thẩm quyền xét xử của Toà án nhân dân (TAND), trừ các tội phạm thuộc thẩm quyền điều tra của CQĐTHS Viện Kiểm sát nhân dân tối cao (VKSNDTC) và CQANĐT trong CAND. CQĐTHS của lực l­ượng ANND có thẩm quyền điều tra các VAHS về các tội phạm quy định tại Ch­­ương XI, Ch­­ương XXIV và các tội phạm quy định tại các Điều 180, 181, 221, 222, 223, 230, 231, 232, 236, 263, 264, 274 và 275 của BLHS.
Về tổ chức, CQĐTHS của lực l­ượng CSND đ­ược tổ chức ở ba cấp: Cơ quan Cảnh sát điều tra (CQCSĐT) Bộ Công an (BCA); CQCSĐT Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; CQCSĐT Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh. Ở BCA có Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma tuý. Ở Công an cấp tỉnh có Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma tuý. Ở Công an cấp huyện có Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ, Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về ma tuý. Thẩm quyền điều tra của các cấp CQĐTHS thuộc tiểu hệ thống CQĐTHS trong lực l­ượng CSND phụ thuộc vào thẩm quyền xét xử của TAND theo phân cấp. Cụ thể, CQCSĐT Công an cấp huyện điều tra các VAHS về các tội phạm quy định tại các ch­­ương từ Chương XII đến Chư­­ơng XXII của BLHS khi các tội phạm đó thuộc thẩm quyền xét xử của TAND cấp huyện. CQCSĐT Công an cấp tỉnh điều tra các VAHS về các tội phạm quy định tại các chư­­ơng từ Ch­­ương XII đến Chư­­ơng XXII của BLHS khi các tội phạm đó thuộc thẩm quyền xét xử của TAND cấp tỉnh hoặc các tội phạm thuộc thẩm quyền điều tra của CQCSĐT Công an cấp huyện nhưng xét thấy cần trực tiếp điều tra. CQCSĐT BCA điều tra các VAHS về những tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp quy định tại các ch­­ương từ Ch­­ương XII đến Chương XXII của BLHS thuộc thẩm quyền điều tra của CQCSĐT Công an cấp tỉnh nh­­ưng xét thấy cần trực tiếp điều tra.
Cơ quan An ninh điều tra (CQANĐT) của lực l­ượng ANND đư­ợc tổ chức ở hai cấp: CQANĐT BCA; CQANĐT Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ­­ương. Ở BCA có các phòng điều tra an ninh. Ở Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ư­­ơng có đội điều tra an ninh. Thẩm quyền điều tra của các cấp CQĐTHS thuộc lực l­ượng ANND được quy định cụ thể như­ sau: CQANĐT Công an cấp tỉnh điều tra các VAHS về các tội phạm quy định tại Chương XI, Ch­ương XXIV và các tội phạm quy định tại các điều 180, 181, 221, 222, 223, 230, 231, 232, 236, 263, 264, 274 và 275 của BLHS khi các tội phạm đó thuộc thẩm quyền xét xử của TAND cấp tỉnh[2]. CQANĐT BCA điều tra các VAHS về những tội phạm thuộc thẩm quyền điều tra của CQANĐT Công an cấp tỉnh nh­­ưng xét thấy cần trực tiếp điều tra. Các tội phạm quy định tại các Điều 180, 181, 221, 222, 223, 230, 231, 232, 236, 263, 264, 274 và 275 của BLHS chỉ thuộc thẩm quyền điều tra của CQANĐT Công an cấp tỉnh khi các tội phạm đó thuộc thẩm quyền xét xử của TAND cấp tỉnh. Nghiên cứu các tội phạm quy định tại các Điều luật nêu trên, chúng tôi thấy chỉ có các tội quy định tại các điều khoản sau đây thuộc thẩm quyền xét xử của TAND cấp tỉnh: Tội làm, tàng trữ, vận chuyển, l­ưu hành tiền giả, ngân phiếu giả, công trái giả (khoản 3 Điều 180); Tội làm, tàng trữ, vận chuyển, l­ưu hành séc giả, các giấy tờ có giá giả khác (khoản 3 Điều 181); Tội chiếm đoạt tàu bay, tầu thuỷ (Điều 221); Tội điều khiển phương tiện hàng hải vi phạm quy định về hàng hải của n­ước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam (Điều 223); Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, ph­ương tiện kỹ thuật quân sự (khoản 4 Điều 230); Tội phá huỷ công trình, phương tiện quan trọng an ninh quốc gia (khoản 2 Điều 231); Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ (khoản 4 Điều 232); Tội sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất phóng xạ (khoản 4 Điều 236); Tội tổ chức, cưỡng ép ng­ười khác trốn đi nư­ớc ngoài hoặc ở lại nư­ớc ngoài trái phép (khoản 3 Điều 275). Còn các tội quy định tại các điều khoản sau đây của các điều luật nêu trên không thuộc thẩm quyền xét xử của TAND cấp tỉnh mà thuộc thẩm quyền xét xử của TAND cấp huyện: Tội làm, tàng trữ, vận chuyển, l­ưu hành tiền giả, ngân phiếu giả, công trái giả (khoản 1 và 2 Điều 180); Tội làm, tàng trữ, vận chuyển, l­ưu hành séc giả, các giấy tờ có giá giả khác (khoản 1 và 2 Điều 181); Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, ph­ương tiện kỹ thuật quân sự (khoản 1, 2 và 3 Điều 230); Tội phá huỷ công trình, phương tiện quan trọng an ninh quốc gia (khoản 1 Điều 231); Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ (khoản 1, 2 và 3 Điều 232); Tội sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất phóng xạ (khoản 1, 2 và 3 Điều 236); Tội cố ý làm lộ bí mật nhà nư­ớc; tội chiếm đoạt, mua bán, tiêu huỷ tài liệu bí mật nhà nư­ớc (Điều 263); Tội vô ý làm lộ bí mật nhà n­ước; tội làm mất tài liệu bí mật nhà n­ước (Điều 264); Tội xuất cảnh, nhập cảnh trái phép; tội ở lại n­ước ngoài hoặc ở lại Việt Nam trái phép (Điều 274); Tội tổ chức, cư­ỡng ép ng­ười khác trốn đi n­ước ngoài hoặc ở lại n­ước ngoài trái phép (khoản 1 và 2 Điều 275). Nh­ư vậy, CQĐTHS cấp huyện của lực lượng CSND sẽ điều tra các vụ án về những tội phạm này. Bởi lẽ, theo quy định tại khoản 1 Điều 11 Pháp lệnh tổ chức điều tra hình sự (TCĐTHS), thì: “CQCSĐT Công an cấp huyện điều tra các VAHS về các tội phạm quy định tại các ch­­ương từ Chương XII đến Chương XXII của BLHS khi các tội phạm đó thuộc thẩm quyền xét xử của TAND cấp huyện, trừ các tội phạm thuộc thẩm quyền điều tra của CQĐTHS VKSNDTC và CQANĐT trong CAND”[3]. Nếu thấy cần thiết thì CQCSĐT Công an cấp tỉnh có thể lấy lên để trực tiếp điều tra. Có trường hợp khi khởi tố vụ án thì các vụ án về các tội phạm quy định tại các điều khoản nêu trên thuộc thẩm quyền xét xử của TAND cấp huyện, như­ng khi khởi tố bị can hoặc trong quá trình điều tra lại thấy vụ án thuộc thẩm quyền xét xử của TAND cấp tỉnh. Khi ấy CQCSĐT Công an cấp huyện phải chuyển hồ sơ vụ án cho CQANĐT Công an cấp tỉnh. Ở đây còn có sự chư­a rõ ràng về việc phân định thẩm quyền của CQCSĐT và CQANĐT theo quy định của BLTTHS và Pháp lệnh TCĐTHS, do đó cần nghiên cứu sửa đổi Pháp lệnh TCĐTHS về nội dung này.
2. Cơ quan điều tra hình sự trong ngành kiểm sát
 CQĐTHS trong ngành kiểm sát chỉ đư­ợc thành lập ở VKSNDTC và Viện Kiểm sát quân sự Trung ­ương (VKSQSTƯ). Ở VKSNDTC có Cục điều tra hình sự. Ở VKSQSTƯ có Phòng điều tra hình sự. Các CQĐTHS trong ngành Kiểm sát không đ­ược tổ chức thành hệ thống. Cục điều tra hình sự ở VKSNDTC và Phòng điều tra hình sự ở VKSQSTƯ là hai CQĐTHS độc lập có thẩm quyền điều tra độc lập. Cục điều tra hình sự ở VKSNDTC không có quyền lấy lên để điều tra các vụ án thuộc thẩm quyền điều tra của Phòng điều tra hình sự ở VKSQSTƯ.
Thẩm quyền điều tra của CQĐTHS của Viện kiểm sát (VKS) đ­ược quy định nh­ư sau: Cục điều tra VKSNDTC điều tra các VAHS về một số loại tội xâm phạm hoạt động tư­­ pháp mà ng­­ười phạm tội là cán bộ thuộc các cơ quan tư­­ pháp khi các tội phạm đó thuộc thẩm quyền xét xử của TAND. Phòng điều tra VKSQSTƯ điều tra các VAHS về một số loại tội xâm phạm hoạt động t­­ư pháp mà ng­­ười phạm tội là cán bộ thuộc các cơ quan tư­­ pháp khi các tội phạm đó thuộc thẩm quyền xét xử của Toà án quân sự (TAQS). Tại Điều 18 Pháp lệnh TCĐTHS chỉ quy định “một số loại tội xâm phạm hoạt động tư­­ pháp mà ngư­­ời phạm tội là cán bộ thuộc các cơ quan t­­ư pháp” mà không quy định tội phạm cụ thể nào. Tuy nhiên, theo chúng tôi đó là tội xâm phạm hoạt động t­­ư pháp mà người phạm tội là cán bộ thuộc các cơ quan t­­ư pháp, gồm các tội phạm cụ thể sau đây: Tội truy cứu trách nhiệm hình sự ng­ười không có tội; Tội không truy cứu trách nhiệm hình sự ng­ười có tội; Tội ra bản án trái pháp luật; Tội ra quyết định trái pháp luật; Tội dùng nhục hình; Tội làm sai lệch hồ sơ vụ án; Tội thiếu trách nhiệm để ng­ười bị giam, giữ trốn; Tội tha trái pháp luật ng­ười đang bị giam, giữ; Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn giam, giữ người trái pháp luật; Tội không thi hành bản án. Các tội phạm nêu trên đều thuộc thẩm quyền xét xử của TAND cấp huyện hoặc TAQS cấp khu vực. Bởi vì, các tội thuộc thẩm quyền điều tra của CQĐTHS VKSNDTC và CQĐTHS VKSQSTƯ đều là các tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng hoặc tội phạm rất nghiêm trọng. Do vậy, khi kết thúc điều tra, nếu quyết định truy tố thì VKSNDTC, VKSQSTƯ truy tố vụ án ra TAND cấp huyện hoặc Toà án quân sự khu vực (TAQSKV) và uỷ quyền cho VKS cùng cấp (với Toà án xét xử vụ án) thực hành quyền công tố. Nhưng, VKS đ­ược uỷ quyền thực hành quyền công tố tại Toà án có được rút quyết định truy tố hoặc kết luận về tội khác (nhẹ hơn tội mà VKS cấp trên truy tố) hay chỉ có một nhiệm vụ bảo vệ đến cùng cáo trạng?
Theo quy định của Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân thì VKS thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc điều tra các VAHS của các CQĐTHS và các cơ quan khác đ­ược giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, trong đó có cả việc điều tra các VAHS của các CQĐTHS VKSNDTC và VKSQSTƯ[4]. Phải chăng VKSNDTC và VKSQSTƯ kiểm sát hoạt động điều tra của CQĐTHS được tổ chức ở cơ quan mình là vừa đá bóng vừa thổi còi? Khi Cục trư­ởng Cục điều tra và Vụ tr­ưởng các Vụ kiểm sát ở VKSNDTC; Tr­ưởng phòng điều tra và Trưởng các Phòng kiểm sát ở VKSQSTƯ là cấp t­ương đ­ương. Còn nếu giao cho VKS cấp tỉnh hoặc VKS quân sự cấp quân khu kiểm sát các hoạt động điều tra của CQĐTHS VKSNDTC hoặc của CQĐTHS VKSQSTƯ khi các cơ quan này điều tra các vụ án thuộc thẩm quyền xét xử của TAND cấp huyện của tỉnh hoặc TSQSKV thuộc quân khu đó thì có phù hợp hay không?
3. Cơ quan điều tra hình sự trong Quân đội nhân dân
Trong Quân đội nhân dân (QĐND) cũng có hai tiểu hệ thống CQĐTHS là CQĐTHS QĐND và CQANĐT QĐND. CQĐTHS QĐND có thẩm quyền điều tra các VAHS về các tội phạm quy định tại các chư­­ơng từ Chương XII đến Ch­­ương XXIII của BLHS khi các tội phạm đó thuộc thẩm quyền xét xử của TAQS, trừ các tội phạm thuộc thẩm quyền điều tra của CQĐTHS VKSQSTƯ và CQANĐT trong QĐND.
 CQANĐT trong QĐND đ­ược tổ chức ở hai cấp: CQANĐT Bộ Quốc phòng (BQP); CQANĐT quân khu và tương đư­­ơng. Với quy định này, thì chỉ có 7 CQANĐT quân khu và số lượng các CQANĐT tương đương sẽ nhiều hơn số lượng CQANĐT quân khu. CQANĐT quân khu và tương đ­­ương điều tra các VAHS về các tội phạm quy định tại Ch­­ương XI và Ch­­ương XXIV của BLHS khi các tội phạm đó thuộc thẩm quyền xét xử của  TAQS quân khu và t­­ương đ­­ương. Nhưng các tội xâm phạm an ninh quốc gia quy định tại khoản 3 Điều 84, khoản 2 của các Điều 86, 88 và 89 BLHS lại thuộc thẩm quyền xét xử của TAQS khu vực. Rõ ràng quy định của BLTTHS và Pháp lệnh TCĐTHS chưa có sự thống nhất về thẩm quyền điều tra của CQANĐT Quân đội. CQANĐT BQP điều tra các VAHS về những tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp thuộc thẩm quyền điều tra của CQANĐT quân khu và t­­ương đương nhưng xét thấy cần trực tiếp điều tra. Nh­ư vậy, thẩm quyền điều tra của các CQANĐT trong QĐND hẹp hơn thẩm quyền điều tra của các CQANĐT CAND. Ngoài việc điều tra các tội phạm quy định tại Ch­­ương XI và Chương XXIV của BLHS, CQANĐT CAND còn điều tra các vụ án về tội phạm quy định tại các điều 180, 181, 221, 222, 223, 230, 231, 232, 236, 263, 264, 274 và 275 của BLHS khi các tội phạm đó thuộc thẩm quyền xét xử của TAND cấp tỉnh.
CQĐTHS trong QĐND đ­ược tổ chức ở ba cấp: Cục điều tra hình sự BQP; Phòng điều tra hình sự quân khu và t­­ương đương; CQĐTHS khu vực. Thẩm quyền điều tra của các cấp CQĐTHS thuộc tiểu hệ thống CQĐTHS trong QĐND phụ thuộc vào thẩm quyền xét xử của TAQS. Cụ thể: CQĐTHS khu vực điều tra các VAHS về các tội phạm quy định tại các ch­­ương từ Chương XII đến Chư­­ơng XXIII của BLHS khi các tội phạm đó thuộc thẩm quyền xét xử của TSQSKV, trừ các tội phạm thuộc thẩm quyền điều tra của CQĐTHS VKSQSTƯ. CQĐTHS quân khu và t­­ương đ­ương điều tra các VAHS về các tội phạm quy định tại các ch­­ương từ Chư­­ơng XII đến Chư­­ơng XXIII của BLHS khi các tội phạm đó thuộc thẩm quyền xét xử của  TAQS quân khu và tương đư­­ơng hoặc các tội phạm thuộc thẩm quyền điều tra của CQĐTHS khu vực nh­ưng xét thấy cần trực tiếp điều tra. CQĐTHS BQP điều tra các VAHS về những tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp thuộc thẩm quyền điều tra của CQĐTHS quân khu và tương đ­­ương nh­­ưng xét thấy cần trực tiếp điều tra.
4. Một số nhận xét
Như đã trình bày, các CQĐTHS trong ngành kiểm sát không đ­ược tổ chức thành hệ thống. Cục điều tra hình sự ở VKSNDTC không phải là CQĐTHS cấp trên của Phòng điều tra hình sự ở VKSQSTƯ vì hai CQĐTHS này có thẩm quyền điều tra độc lập. Do vậy, về mặt tổ chức, có thể cho rằng, trong QĐND có ba loại CQĐTHS là: CQĐTHS Quân đội; CQĐTHS An ninh Quân đội; CQĐTHS VKSQSTƯ. Điều này cho thấy, quy định của pháp luật hiện hành về tổ chức điều tra hình sự ch­ưa có sự thay đổi mang tính đột phá (nhất là quy định về tổ chức các CQĐTHS trong Quân đội), bởi lẽ, theo quy định của pháp luật hiện hành thì tổ chức các CQĐTHS trong Quân đội hiện nay còn cồng kềnh, phân tán, thiếu tập trung và hiệu quả hoạt động còn thấp, còn chồng chéo giữa quan hệ tố tụng và quan hệ hành chính[5].
Mặt khác, theo quy định của pháp luật hiện hành, Cục điều tra hình sự BQP đồng thời là Cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc BQP và Phòng điều tra hình sự cấp quân khu, Quân đoàn đồng thời là Cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu mặc dù chức năng của CQĐTHS là điều tra VAHS. Tuy nhiên, các cơ quan này lại không làm hết trách nhiệm của Cơ quan thi hành án hình sự và TAQS vẫn phải thực hiện một số nhiệm vụ của Cơ quan thi hành án hình sự. Trong khi chức năng của CQĐTHS là điều tra VAHS.
Nghiên cứu thực tế tổ chức CQĐTHS hình sự Quân đội cho thấy:
- Ngoài các CQĐTHS quân khu và khu vực thuộc quân khu còn có các CQĐTHS tương đương được tổ chức ở các Quân đoàn, Quân chủng, Tổng cục, Binh đoàn và Binh chủng. Theo Quyết định số 1501/QĐ-TM ngày 15/12/2004 của Bộ Tổng tham mưu, thì trong QĐND Việt Nam có 20 CQĐTHS tương đương CQĐTHS quân khu, trong khi đó chỉ có 8 CQĐTHS quân khu; 31 CQĐTHS khu vực trực thuộc CQĐTHS tương đương cấp quân khu, trong khi đó chỉ có 37 CQĐTHS khu vực trực thuộc CQĐTHS quân khu.
- Có CQĐTHS khu vực (CQĐTHS khu vực Bộ Tổng tham mưu, CQĐTHS khu vực Tổng cục Chính trị, CQĐTHS khu vực Tổng cục Công nghiệp quốc phòng, CQĐTHS khu vực Tổng cục 2, CQĐTHS khu vực Binh đoàn 12, CQĐTHS khu vực các Binh chủng) đặt trụ sở ở Hà Nội nhưng lại có thẩm quyền điều tra các vụ án do quân nhân của đơn vị mình thực hiện ở bất cứ địa phương nào thuộc lãnh thổ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Như vậy, địa bàn điều tra của một số CQĐTHS khu vực lại rộng hơn rất nhiều lần CQĐTHS quân khu. Về biên chế tổ chức, thì các CQĐTHS khu vực trực thuộc CQĐTHS tương đương CQĐTHS quân khu từ 1đến 5 người. Trong đó có một số CQĐTHS khu vực chỉ có 1 người là Thủ trưởng CQĐTHS như CQĐTHS khu vực Binh đoàn 12, CQĐTHS khu vực Binh chủng Hoá học, CQĐTHS khu vực Tổng cục Chính trị. Điều tra viên của các CQĐTHS này đồng thời là điều tra viên của CQĐTHS cấp trên trực tiếp (CQĐTHS Binh đoàn 12, CQĐTHS  Binh chủng Hoá học, CQĐTHS Tổng cục Chính trị). Khi có án xảy ra thì chính những điều tra viên này thực hiện nhiệm vụ điều tra; và việc đóng dấu CQĐTHS cấp nào thì phụ thuộc vào thẩm quyền xét xử của TSQS khu vực hay thẩm quyền xét xử của TAQS quân khu về vụ án đó. Việc thực hiện quy định tại khoản 2 Điều 15 Pháp lệnh TCĐTHS “CQĐTHS tư­ơng đư­ơng quân khu điều tra các VAHS về các tội phạm thuộc thẩm quyền điều tra của CQĐTHS khu vực nh­ưng xét thấy cần lấy lên trực tiếp điều tra” chỉ là hình thức mà không phải là thực chất. Mặt khác, nghiên cứu thực tiễn hoạt động của các CQĐTHS khu vực trực thuộc các CQĐTHS tương đương quân khu thấy có nhiều CQĐTHS không khởi tố vụ án nào trong nhiều năm (mà một trong những nguyên nhân là không có án). Trong khi Nhà nước vẫn phải bố trí ngân sách để trả tiền lương cho cán bộ và ngân sách hoạt động của các cơ quan này và không có đơn vị nào trả lại kinh phí nghiệp vụ vì không có án.
 Theo chúng tôi, cần nghiên cứu lại mô hình tổ chức theo hướng tổ chức các CQĐTHS Quân đội và CQANĐT Quân đội theo địa bàn và giảm bớt các CQĐTHS trong quân đội để tránh lãng phí tiền của, thời gian.
  Mặt khác, nghiên cứu tính đồng bộ về mặt tổ chức để thực hiện chức năng điều tra và kiểm sát điều tra, chúng tôi thấy, việc thực hiện phạm vi và đối tượng kiểm sát đối với VKSND không có gì vướng. Bởi lẽ, VKS có thẩm quyền kiểm sát các hoạt động điều tra của CQĐTHS cùng cấp, theo đó, VKSND tỉnh kiểm sát hoạt động điều tra của CQĐTHS tỉnh; VKSND huyện kiểm sát hoạt động điều tra của CQĐTHS Công an huyện. Tuy nhiên, việc thực hiện chức năng kiểm sát điều tra của một số VKS quân sự còn nhiều vấn đề bất cập. Bởi lẽ, như đã trình bày, thì không phải ở đâu tổ chức CQĐTHS quân đội, thì ở đó có VKS quân sự. Việc tổ chức đồng bộ CQĐTHS và VKS chỉ được thực hiện ở các quân khu, quân chủng, quân đoàn, Bộ đội biên phòng và Cơ quan BQP. Còn ở các Tổng cục, Binh đoàn, Binh chủng thì chỉ có CQĐTHS (cấp thứ 2 và cấp thứ 3) mà không có VKS quân sự. Do vậy, khi các CQĐTHS này điều tra vụ án thuộc thẩm quyền của mình nhưng xảy ra trên địa bàn của quân khu nào thì VKS quân sự quân khu đó kiểm sát điều tra. Về cự ly, thì đa số các CQĐTHS này đều ở cách xa các VKS quân sự quân khu, VKS quân sự khu vực có thẩm quyền kiểm sát điều tra. Theo quy định của BLTTHS, việc phê chuẩn của VKS phải được thực hiện trong một thời gian khẩn cấp. Với việc tổ chức hệ thống CQĐTHS trong QĐND và VKS quân sự như hiện nay có bảo đảm được quy định về thời hạn phê chuẩn các quyết định tố tụng theo quy định của BLTTHS? Bởi lẽ, khi cần bắt người khẩn cấp, tạm giam…, Thủ trưởng hoặc Phó thủ trưởng CQĐTHS phải ban hành văn bản (có đóng dấu cơ quan) đề xuất VKS phê chuẩn. Thiết nghĩ các cơ quan có thẩm quyền cần tổng kết thực tiễn hoạt động của các CQĐTHS trong quân đội và các VKS quân sự để thiết kế mô hình tổ chức hợp lý hơn.
5. Kiến nghị
Hoàn thiện tổ chức, bộ máy các CQĐTHS  là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020[6]. Yêu cầu của việc cải cách tư pháp là: khắc phục những hạn chế, bất cập của thực trạng tổ chức và hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng trong đó có CQĐTHS, đồng thời tổ chức các cơ quan tiến hành tố tụng hợp lý, khoa học và hiện đại về cơ cấu, tổ chức theo quan điểm của Đảng.
Theo chúng tôi,mô hình tổng thể CQĐTHS theo quy định của BLTTHS và Pháp lệnh TCĐTHS hiện hành về cơ bản tương đối hợp lý. Tuy nhiên, để hoàn thiện và khoa học hơn, chúng tôi đề nghị chỉ nên duy trì tổ chức CQĐTHS trong CAND và CQĐTHS trong QĐND. Đề nghị không tổ chức CQĐTHS ở VKSNDTC, VKSQSTƯ, bởi lẽ:
Thứ nhất, điều tra án hình sự không phải là chức năng của VKS. Chức năng của VKS là thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp. Với chức năng thực hành quyền công tố, VKS vẫn có quyền thu thập chứng cứ để làm căn cứ cho việc ra quyết định truy tố hoặc không truy tố bị can sau khi thụ lý hồ sơ vụ án từ CQĐTHS. Bởi lẽ, theo quy định tại Điều 65 BLTTHS về thu thập chứng cứ, thì “Để thu thập chứng cứ, CQĐTHS, VKS và Tòa án có quyền triệu tập những người biết về vụ án để hỏi và nghe họ trình bày về những vấn đề liên quan đến vụ án (bị can, người bị hại, bị đơn dân sự, nguyên đơn dân sự, người có quyền lợi liên quan đến vụ án, người làm chứng) để hỏi và nghe họ trình bày về những vấn đề liên quan đến vụ án, trưng cầu giám định, tiến hành khám xét, khám nghiệm và các hoạt động khác theo quy định của Bộ luật tố tụng; yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu, đồ vật, trình bày những tình tiết làm sáng tỏ vụ án”. Nghĩa là pháp luật tố tụng hình sự có quy định cho phép VKS thu thập chứng cứ, yêu cầu CQĐTHS thu thập chứng cứ, nên không cần thiết phải có CQĐTHS của VKS để thực hiện các biện pháp này. Thực tế hoạt động tăng cứu hồ sơ, thu thập chứng cứ của VKS sau khi thụ lý hồ sơ cùng Bản kết luận điều tra không có gì vướng mắc, bất cập.
Thứ hai, không phải CQĐTHS của VKS tiến hành điều tra VAHS về tội xâm phạm hoạt động tư pháp mà người phạm tội là cán bộ thuộc các cơ quan tư pháp (CQĐTHS , VKS, Toà án) thì khách quan hơn. Việc tiến hành tố tụng có khách quan hay không phụ thuộc vào “cái tâm” của người cán bộ được giao nhiệm vụ điều tra vụ án, chứ không phụ thuộc vào cơ quan nào điều tra vụ án. Mặt khác, nếu theo lý luận nêu trên, thì Tòa án xét xử cán bộ Tòa án phạm tội sẽ thiếu khách quan và cần phải thành lập Tòa án chuyên trách (không thuộc hệ thống tổ chức Tòa án hiện hành) để xét xử cán bộ Tòa án phạm tội?
Thứ ba, thực tiễn có rất ít vụ án thuộc thẩm quyền điều tra của CQĐTHS VKS (đặc biệt là CQĐTHS VKSQSTƯ) nên không cần thiết phải tồn tại một bộ máy. Mặt khác, do ít, thậm chí là không có vụ án nào trong thời gian dài nên hoàn toàn có cơ sở để đặt câu hỏi về “chất lượng tay nghề, kinh nghiệm điều tra” của điều tra viên CQĐTHS VKS và CQĐTHS trong Quân đội khi so sánh với đội ngũ điều tra viên CQĐTHS CAND.
Thứ tư, với quy định hiện hành thì sau khi kết thúc điều tra, VKSNDTC và VKSQSTƯ quyết định truy tố vụ án ra Toà án cấp có thẩm quyền và uỷ quyền cho VKS cấp dưới thực hiện quyền công tố. Điều này dẫn tới có trường hợp kiểm sát viên thực hành quyền công tố không làm chủ được hồ sơ, tham gia tranh tụng tại phiên toà rất hạn chế, nhất là trường hợp luật sư tranh luận về những chứng cứ mới được cung cấp tại toà. Ở đây còn một vấn đề cần nghiên cứu là VKSNDTC và VKSQSTƯ có quyền truy tố VAHS ra Tòa án hay không, nếu không, thì tại sao lại có quyền ủy quyền cho VKS cấp dưới thực hiện một việc mà mình không được làm?
CQĐTHS trong CAND được tổ chức như mô hình hiện hành bao gồm hai tiểu hệ thống là: CQĐTHS của lực l­ượng CSND và CQĐTHS của lực l­ượng ANND. CQĐTHS của lực l­ượng CSND đ­ược tổ chức ở ba cấp: CQCSĐT BCA; CQCSĐT Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; CQCSĐT Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh. CQANĐT của lực l­ượng ANND đư­ợc tổ chức ở hai cấp: CQANĐT BCA; CQANĐT Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ­­ương.
CQĐTHS trong QĐND cũng được tổ chức thành hai tiểu hệ thống là CQĐTHS trong QĐND và CQANĐT trong QĐND nhưng thu hẹp đầu mối, theo hướng:
- CQĐTHS trong QĐND đ­ược tổ chức ở ba cấp theo địa giới hành chính quân sự, gồm: Cục điều tra hình sự BQP; Phòng điều tra hình sự quân khu; CQĐTHS khu vực ở các quân khu. Số lượng CQĐTHS khu vực ở các quân khu nên nhiều hơn số VKS quân sự khu vực, có thể là 3 CQĐTHS khu vực trên mỗi Quân khu. Riêng Quân khu 5 tổ chức 4 CQĐTHS khu vực; vì điểm xa nhất (như Đăk Lăk) nơi đóng quân của Bộ tư lệnh Quân khu 5 xa hơn khoảng cách từ nơi đóng quân của Bộ tư lệnh Quân khu 5 ra Hà Nội.
Đối với khối cơ quan BQP (Bộ Tổng tham mưu, Tổng cục Chính trị, Tổng cục Kỹ thuật, Tổng cục Hậu cần, Tổng cục Kỹ thuật, Tổng cục Công nghiệp quốc phòng và Tổng cục 2) và địa bàn Bộ tư lệnh Thủ đô Hà Nội, thì tổ chức CQĐTHS Cơ quan BQP và hai CQĐTHS khu vực (phía Bắc và phía Nam) đều thuộc Bộ Tổng tham mưu để điều tra các vụ án xảy ra ở cơ quan BQP hoặc do quân nhân, công nhân viên quốc phòng của các cơ quan BQP thực hiện; ở Thủ đô Hà Nội do quân nhân, công nhân viên quốc phòng của Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội thực hiện. Cũng như các VAHS xảy ra trên địa bàn Thủ đô Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh do những người ngoài quân đội thực hiện gây thiệt hại cho các đơn vị thuộc BQP và của Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội. Bởi lẽ, do tính chất đặc thù của tổ chức hành chính quân sự là “cấp trên, cấp dưới” và tính chất “bí mật của các hoạt động quân sự” cho nên không để cho CQĐTHS quân khu và CQĐTHS khu vực quân khu điều tra các vụ án xảy ra ở cơ quan BQP hoặc do quân nhân, công nhân viên quốc phòng của các cơ quan BQP thực hiện. Để làm được như vậy, cần nhập CQĐTHS các tổ chức sự nghiệp thuộc BQP, CQĐTHS khu vực 1 các tổ chức sự nghiệp thuộc BQP và CQĐTHS khu vực 2 các tổ chức sự nghiệp thuộc BQP đang thuộc cơ cấu tổ chức Cục điều tra hình sự BQP với CQĐTHS Bộ Tổng tham mưu thành một tiểu hệ thống hai cấp đặt ở Bộ Tổng tham mưu như VKS Cơ quan BQP hiện nay.
Tổ chức lại CQĐTHS quân sự theo hướng nêu trên sẽ khắc phục được những bất hợp lý của thực trạng tổ chức điều tra hiện nay là dàn trải, đông nhưng không mạnh. Bởi lẽ, sau khi tổ chức lại hệ thống CQĐTHS trong Quân đội thì chỉ còn: 9 Phòng điều tra hình sự cấp quân khu (gồm 8 Phòng điều tra hình sự quân khu, 1 Phòng điều tra Bộ Tổng tham mưu), giảm được 18 Phòng điều tra; 27 CQĐTHS khu vực (gồm 24 khu vực của 7 Quân khu (1, 2, 3, 4, 7, 9), 3 khu vực của Quân khu 5 và 2 khu vực của Bộ Tổng tham mưu), giảm được 41 CQĐTHS khu vực. Khi đó, số lượng biên chế cán bộ mỗi CQĐTHS trong Quân đội sẽ được tăng lên; việc bảo đảm cơ sở vật chất và phương tiện sẽ bảo đảm tính khả thi. Còn hiện nay, với một CQĐTHS chỉ có 1 đến 5 người, thì việc đề nghị xây một trụ sở làm việc 2 đến 3 tầng, trang bị xe ô tô và các thiết bị điều tra hiện đại là một điều không tưởng. Việc tổ chức lại hệ thống CQĐTHS Quân đội sẽ hạn chế được rất nhiều sự phụ thuộc của CQĐTHS vào người chỉ huy đơn vị dẫn đến có trường hợp “có vụ án xảy ra nhưng người chỉ huy không cho khởi tố vụ án”. Ngược lại quan điểm này là quan điểm giữ nguyên quy mô TCĐTHS quân đội như hiện nay với lý do nếu không có CQĐTHS thì người chỉ huy có thể giấu tội phạm. Chúng tôi cho rằng, việc giấu không cho khởi tố vụ án có thể tồn tại ở cả các đơn vị nơi có tổ chức CQĐTHS nhưng theo quy định của BLTTHS thì việc bảo đảm mọi tội phạm được phát hiện đều phải được khởi tố là trách nhiệm của VKS[7]. Còn nhiệm vụ của CQĐTHS là tiến hành điều tra tất cả các tội phạm, áp dụng mọi biện pháp do BLTTHS quy định để xác định tội phạm và người đã thực hiện hành vi phạm tội, lập hồ sơ, đề nghị truy tố; tìm ra nguyên nhân, điều kiện phạm tội và yêu cầu các cơ quan, tổ chức hữu quan áp dụng các biện pháp khắc phục và ngăn ngừa[8].
 Một ý kiến khác lại cho rằng, ngoài việc điều tra VAHS, các CQĐTHS phải làm các nhiệm vụ huấn luyện quân sự, chính trị theo quy định của BQP do đó không nên giảm số lượng CQĐTHS hiện nay. Chúng tôi cho rằng, việc thực hiện nhiệm vụ huấn luyện quân sự, chính trị là nhiệm vụ của mỗi quân nhân; nghĩa là nếu đã là quân nhân thì phải tham gia và được huấn luyện quân sự, chính trị. Đành rằng, thực hiện các nhiệm vụ nêu trên có chiếm một thời lượng nhất định thời gian hoạt động của điều tra viên nhưng đó không phải là lý do tồn tại nhiều CQĐTHS quân đội không có vụ án nào trong nhiều năm. Đây chỉ là lý do để có thể xác định định mức công việc (nếu có) đối với đội ngũ điều tra viên trong Quân đội so với điều tra viên trong lực lượng CAND.
Như đã trình bày, việc giao cho Cục điều tra hình sự là cơ quan quản lý thi hành án hình sự BQP, Phòng điều tra hình sự quân khu, quân đoàn là cơ quan thi hành án hình sự quân khu và tương đương là không hợp lý bởi các lý do sau đây:
 Thứ nhất, Cục điều tra hình sự Bộ Quốc phòng không phải là cơ quan cấp dưới của BCA. Cho nên, không thể cho rằng, BCA có Cơ quan quản lý thi hành án hình sự và Cơ quan thi hành án hình sự thì ở Cục điều tra hình sự BQP và Phòng điều tra hình sự quân khu, quân đoàn cũng là cơ quan quản lý thi hành án hình sự BQP hoặc là cơ thi hành án hình sự quân khu và tương đương. Bởi lẽ, tuy cùng thuộc BCA nhưng Cơ quan quản lý và thi hành án hình sự thuộc BCA và CQĐTHS thuộc BCA là những cơ quan độc lập. Có thể cho rằng, việc Cục điều tra hình sự là cơ quan quản lý thi hành án hình sự BQP, Phòng điều tra hình sự quân khu, quân đoàn là cơ quan thi hành án hình sự quân khu và tương đương là “vừa đá bóng vừa thổi còi”.
 Thứ hai, vì lý do nêu trên nên các Phòng điều tra quân khu và quân đoàn không có lực lượng cảnh vệ tư pháp nên không thể thực hiện nhiệm vụ áp giải bị cáo tại ngoại, dẫn giải người làm chứng đến phiên tòa theo lệnh của Tòa án. Cho nên, nếu TAQS ra các lệnh áp giải bị cáo tại ngoại hoặc dẫn giải người làm chứng thì TAQS phải tự thực hiện. Trong khi ở những cơ quan tiến hành tố tụng ở ngoài Quân đội, thì lực lượng Cảnh sát tư pháp có trách nhiệm thi hành lệnh, quyết định tố tụng của TAND.
 Thứ ba, việc tồn tại hai hệ thống cơ quan quản lý và thi hành án trong Quân đội (thi hành án hình sự và thi hành án dân sự) là không hợp lý. Không kết hợp được hai loại hoạt động thi hành án trong việc động viên sự tích cực thi hành án dân sự như là một điều kiện để giảm án cho người phải thi hành án hình sự nhằm giảm sự tồn đọng của án dân sự và giải quyết quyền lợi của người được thi hành án. Chúng tôi cho rằng, đây chính là một trong những lý do để Đảng, Nhà nước chủ trương “Xây dựng Bộ luật Thi hành án điều chỉnh tất cả các lĩnh vực thi hành án; xác định Bộ Tư pháp là cơ quan giúp Chính phủ quản lý nhà nước thống nhất công tác thi hành án…”[9]. Nếu làm được như vậy sẽ bớt sự lãng phí của việc tổ chức hệ thống cơ quan thi hành án dân sự trong Quân đội như hiện nay.
Để khắc phục những bất cập nêu trên, chúng tôi đề nghị sáp nhập hai cơ quan thi hành án hình sự và thi hành án dân sự trong Quân đội vào làm một. Theo đó, hệ thống cơ quan thi hành án trong Quân đội bao gồm Cục thi hành án BQP và Phòng thi hành án hình sự quân khu và Bộ Tổng tham mưu. Không nhất thiết mỗi Phòng Thi hành án có một trại giam. Có thể bố trí một trại giam thuộc Cục Thi hành án BQP, ba trại giam ở ba miền (Trại giam miền Bắc thuộc Phòng Thi hành án Quân khu 3, có nhiệm vụ thi hành hình phạt tù có thời hạn, tù chung thân, tử hình do các TAQS xét xử trên các địa bàn từ Hà Tĩnh trở ra; trại giam miền Trung thuộc Phòng thi hành án Quân khu 5, có nhiệm vụ thi hành phạt tù có thời hạn, tù chung thân, tử hình do các TAQS xét xử trên các địa bàn từ Quảng Bình trở vào và các tỉnh thuộc Quân khu 5; trại giam miền Nam thuộc Phòng thi hành án Quân khu 7, có nhiệm vụ thi hành phạt tù có thời hạn, tù chung thân, tử hình do các TAQS xét xử trên các địa bàn tỉnh thuộc Quân khu 7 và Quân khu 9). Mỗi quân khu tổ chức một trại tạm giam thuộc Phòng điều tra hình sự quân khu và một trại tạm giam thuộc Phòng điều tra Bộ Tổng tham mưu. Nếu làm được như vậy, sẽ giảm được số lượng lớn các trại giam, trại tạm giam đang tồn tại với số lượng cán bộ có nơi nhiều hơn số người bị giam, bị tạm giam. Đồng thời với việc tổ chức lại hệ thống Cơ quan thi hành án trong Quân đội, cần thành lập lực lượng cảnh vệ tư pháp. Lực lượng cảnh vệ tư pháp không phải là lực lượng riêng biệt trực thuộc các Phòng thi hành án quân khu hoặc Cục thi hành án BQP mà là các tiểu đội hoặc trung đội vệ binh trực thuộc các đơn vị hiện đang làm nhiệm vụ canh gác bảo vệ BQP, Bộ Tư lệnh các quân khu và vệ binh tại các trại giam, trại tạm giam quân sự. Họ chỉ làm nhiệm vụ bảo vệ các phiên tòa khi có yêu cầu của TAQS hoặc dẫn giải, áp giải khi có yêu cầu Cục thi hành án hoặc Phòng thi hành án quân khu theo lệnh của TAQS. Khi không làm nhiệm vụ cảnh vệ tư pháp, họ vẫn công tác bình thường.
- CQANĐT trong QĐND đ­ược tổ chức ở hai cấp theo địa giới hành chính: CQANĐT BQP; CQANĐT quân khu.
Từ những lập luận nêu trên và theo quan điểm cải cách tư pháp theo hướng lấy Tòa án là trung tâm, hoạt động xét xử của Tòa án là trọng tâm thì mô hình tổ chức các cơ quan tư pháp trong Quân đội nên thiết kế theo nguyên tắc tổ chức địa bàn và có chú ý tới nguyên tắc “bảo bệ bí mật của cơ quan chiến lược” là BQP. Theo đó, ở BQP có: TAQS trung ương; VKSQSTƯ; Cục bảo vệ an ninh (ở đó có CQANĐT); Cục điều tra hình sự; Cục thi hành án hình sự; Phòng điều tra Cơ quan BQP, hai CQĐTHS khu vực Cơ quan BQP đặt ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh; VKS Cơ quan BQP và hai VKS quân sự khu vực Cơ quan BQP đặt ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh trực thuộc Bộ Tổng tham mưu. Ở mỗi quân khu tổ chức: một TAQS quân khu, một VKS quân sự quân khu, một Phòng bảo vệ an ninh (ở đó có CQANĐT), một Phòng điều tra hình sự và một Phòng thi hành án (hình sự và dân sự); một TAQS khu vực, nhiều VKS quân sự khu vực và CQĐTHS khu vực theo hướng số lượng VKS quân sự khu vực nhiều hơn số lượng TAQS khu vực nhưng ít hơn số lượng CQĐTHS khu vực./.
 

 


[1] Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam, Nghị quyết số 49 -NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, tr 5.
[2] Khoản 1 Điều 12, Pháp lệnh TCĐTHS  năm 2004, Nxb Tư pháp, Hà Nội , 2004, .
[3] Điều 11 Pháp lệnh TCĐTHS, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005. .
[4] Điều 12, Luật Tổ chức VKSND, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002 .
[5] Tiểu ban xây dựng đề án cải cách tư ­ pháp, Đề án đổi mới tổ chức và hoạt động của các cơ quan t­ư pháp, Hà Nội, ngày 22/2/1997, tr 8.
[6] Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam, Nghị quyết số 49 -NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, tr 5.
[7] Điều 109 BLTTHS của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia , Hà Nội, 2004, .
[8] Điều 3 Pháp lệnh TCĐTHS, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005.
[9] Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24/5/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020, tr 5.

(Nguồn tin: Bài viết đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu lập pháp số 24(256), tháng 12/2013)