Yêu cầu bảo tồn di tích lịch sử trong việc thực hiện pháp luật quy hoạch sử dụng đất tại Thừa Thiên Huế

01/11/2013

ThS. LÊ THỊ PHÚC

Giảng viên Khoa Luật, Đại học Huế.

Thừa Thiên Huế là một tỉnh nằm trong dải đất hẹp miền Trung, địa hình đa dạng, có nhiều cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ và nhiều di tích lịch sử. Ngày 11/12/1993, Quần thể di tích Cố đô Huế được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới. Từ đó cho đến nay Thừa Thiên Huế đã có 23 di tích quốc gia được xếp hạng đặc biệt[1]. Tuy nhiên, hiện nay các di tích lịch sử ở Thừa Thiên Huế đang bị xâm hại nghiêm trọng, công tác bảo tồn di tích lịch sử gặp nhiều khó khăn, đang đòi hỏi những giải pháp tối ưu để bảo vệ. Một trong các giải pháp để vừa bảo vệ được các di tích đồng thời vẫn thúc đẩy kinh tế, xã hội phát triển trong xu thế công nghiệp hóa, hiện đại hóa hiện nay là đưa yêu cầu bảo tồn di tích lịch sử vào trong quá trình xây dựng và tổ chức thực hiện pháp luật về quy hoạch (QH) sử dụng đất (SDĐ).
Untitled_481.jpg
Ảnh minh họa: nguồn internet
1. Bảo tồn di tích lịch sử, quy hoạch sử dụng đấtvà pháp luật quy hoạch sử dụng đất 
1.1. Khái niệm bảo tồn di tích lịch sử
Việc phát triển khoa học kỹ thuật như vũ bão và quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng khiến con người có xu hướng tìm về cội nguồn, tìm về thiên nhiên. Họ tìm về cội nguồn, tìm về quá khứ thông qua các vật chứng đó chính là các di tích, bởi di tích lịch sử là cái còn lại sau tất cả các biến đổi, di tích lịch sử chứa đựng các khát vọng, tài năng của con người trải qua sự biến đổi của thời gian. Việc bảo tồn các di tích lịch sử vì vậy được Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm.
Khái niệm di tích lần đầu tiên được giải thích chính thức thông qua Luật Di sản văn hóa năm 2001: “Di tích lịch sử - văn hóa là công trình xây dựng, địa điểm và các di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia thuộc công trình, địa điểm đó có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học”[1]. Còn hoạt động bảo tồn di tích lịch sử được hiểu là những hoạt động nhằm bảo tồn sự tồn tại lâu dài, ổn định của di tích để sử dụng và phát huy giá trị của di tích đó[2]. Bảo tồn di tích lịch sử là hoạt động mà ở đó, chúng ta không những chỉ chú ý tới hiện trạng của di tích mà chúng ta còn phải căn cứ vào tình hình phát triển kinh tế - xã hội để có những biện pháp bảo tồn di tích lịch sử một cách hợp lý hơn. Về nhận thức, cần hiểu công tác bảo tồn di tích là một hoạt động có liên quan tới dấu tích văn hóa truyền thống, chứng nhân của lịch sử, là một lĩnh vực khoa học chuyên ngành khác với lĩnh vực xây dựng cơ bản thông thường. Hoạt động bảo tồn, trùng tu không chỉ xử lý các vấn đề liên quan đến các yếu tố kỹ thuật, thẩm mỹ mà còn phải ứng xử phù hợp với các yếu tố lịch sử, văn hóa, đặc trưng và giá trị truyền thống. Hoạt động bảo tồn, trùng tu di tích là sự can thiệp vào một đối tượng có sẵn, với những đặc điểm riêng biệt của từng vùng có di tích. Bởi vậy, việc bảo tồn di tích lịch sử như sự can thiệp vào “một cơ thể sống dễ bị tổn thương” nên phải được thực hiện một cách bài bản, theo sự tính toán khoa học thông qua phương án SDĐ. Các phương án SDĐ phải được xây dựng trên cơ sở đảm bảo được nguyên tắc phát triển bền vững và giữ nguyên hiện trạng của các di tích. Bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử cũng là nhân tố của sự phát triển bền vững khi chúng ta giải quyết mâu thuẫn giữa truyền thống và hiện đại, giữa tính nhân loại và tính dân tộc. Hoạt động bảo tồn di tích lịch sử mang trong mình những đặc điểm cơ bản như: tính lịch sử; tính cộng đồng; tính chuyên môn hóa cao; không làm thay đổi hiện trạng và cấu trúc của di tích; tính pháp lý.
Tóm lại, có thể hiểu bảo tồn di tích lịch sử là những hoạt động của con người tác động vào các di tích bằng những giải pháp về kỹ thuật, kinh tế nhằm gìn giữ và phát huy những nét giá trị đặc sắc của dân tộc, phù hợp với các yếu tố lịch sử, văn hóa, các đặc trưng và giá trị truyền thống và đặc biệt là phù hợp với yêu cầu phát triển bền vững trong xu hướng toàn cầu hóa như hiện nay.
1.2. Quy hoạch sử dụng đất, pháp luật quy hoạch sử dụng đất   
1.2.1. Khái niệm QH SDĐ
Khi nghiên cứu về QH, kế hoạch SDĐ, có nhiều cách nhìn nhận khác nhau, nhiều định nghĩa khác nhau, do góc nhìn hoặc cách diễn đạt khác nhau.
Xét về mặt thuật ngữ, QH nói chung được hiểu là “sự bố trí sắp xếp toàn bộ theo một trình tự hợp lý trong từng thời gian, làm cơ sở cho việc lập kế hoạch dài hạn”[3]. Theo Từ điển từ và ngữ Việt Nam, QH là “sự trù tính một cách cụ thể công việc sẽ tiến hành để đạt kết quả tốt nhất”[4].
Theo Dent (1988, 1993) QH SDĐ là phương tiện giúp cho lãnh đạo quyết định sử dụng đất đai như thế nào thông qua việc đánh giá có hệ thống cho việc chọn mẫu hình trong sử dụng đất đai, mà sự chọn lựa này sẽ đáp ứng với những mục tiêu riêng biệt, và từ đó hình thành nên chính sách và chương trình cho sử dụng đất đai[5].
Có quan điểm cho rằng, QH SDĐ đơn thuần là các biện pháp kỹ thuật nhằm thực hiện việc đo đạc, vẽ lại bản đồ hiện trạng SDĐ, phân chia diện tích đất, giao đất cho các ngành, thiết kế xây dựng đồng ruộng. Bên cạnh đó lại có quan điểm cho rằng, QH SDĐ là tổng hợp các hoạt động để thực hiện các quy định của pháp luật, nhấn mạnh tính pháp chế của QH.
Song QH, kế hoạch SDĐ không chỉ đơn thuần là các biện pháp kỹ thuật, cũng không đơn thuần là một quy phạm pháp luật thông thường. Xét một cách toàn diện, QH, kế hoạch SDĐ là một hiện tượng kinh tế - xã hội đặc thù thể hiện đồng thời ba tính chất.
Một là, tính pháp chế: QH, kế hoạch có tính pháp chế bởi nó nhằm đảm bảo chế độ quản lý và SDĐ theo pháp luật thông qua việc xác nhận mục đích SDĐ của người SDĐ theo QH. Cùng với pháp luật thì QH, kế hoạch SDĐ là công cụ để Nhà nước quản lý đất đai được thống nhất.
Hai là, tính kỹ thuật: Ngoài tính pháp chế, QH, kế hoạch SDĐ còn có tính kỹ thuật bởi đó là việc sử dụng các công tác chuyên môn như điều tra, khảo sát, xây dựng bản đồ, khoanh định, xử lý số liệu... để xây dựng và tổ chức thực hiện QH, kế hoạch SDĐ trên cơ sở tiến bộ của khoa học kỹ thuật.
Ba là, tính kinh tế: QH, kế hoạch SDĐ mang tính kinh tế thể hiện bằng việc hiệu quả SDĐ phụ thuộc vào tính khoa học, hợp lý của QH, kế hoạch SDĐ. Đây là biện pháp quan trọng nhất nhằm khai thác hợp lý và có hiệu quả cao tiềm năng đất đai.
Như vậy, “QH SDĐ là một hệ thống các biện pháp kinh tế, kỹ thuật và pháp chế của Nhà nước về tổ chức SDĐ đầy đủ, hợp lý, có hiệu quả cao thông qua việc phân phối và tái phân phối quỹ đất cả nước, tổ chức SDĐ như một tư liệu sản xuất cùng với các tư liệu sản xuất khác gắn liền với đất nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất xã hội, tạo điều kiện bảo vệ đất và bảo vệ môi trường[6].
Tóm lại, QH SDĐ là ý đồ SDĐ của Nhà nước được ghi nhận, thể hiện dưới hình thức văn bản được cụ thể hóa qua kế hoạch SDĐ (là các biện pháp được xác định theo từng thời gian cụ thể để thực hiện đúng ý đồ SDĐ đã được thể hiện trong QH).
Sự phân tích trên cho thấy, việc lập QH SDĐ có ý nghĩa quan trọng không chỉ cho trước mắt mà còn cho lâu dài. Căn cứ vào đặc điểm tự nhiên, phương hướng, nhiệm vụ kinh tế - xã hội của mỗi vùng lãnh thổ, QH SDĐ nhằm xác lập cơ sở để cơ quan Nhà nước quản lý về đất đai, tiến hành giao đất, cho thuê đất... đồng thời cân đối diện tích đất để bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, phục vụ các nhu cầu dân sinh, nhu cầu văn hóa xã hội...
Mặt khác, QH SDĐ còn là biện pháp hữu hiệu của Nhà nước nhằm tổ chức lại việc SDĐ theo đúng mục đích, hạn chế sự chồng chéo, gây lãng phí đất đai, bảo vệ đất nông nghiệp, ngăn chặn các hiện tượng tiêu cực, tranh chấp, lấn chiếm hủy hoại đất, phá vỡ hệ cân bằng sinh thái, ô nhiễm môi trường dẫn đến những tổn thất hoặc kìm hãm sự phát triển của xã hội, hoặc mất ổn định chính trị, an ninh quốc phòng.
1.2.2. Khái niệm pháp luật QH SDĐ
Pháp luật là hệ thống các quy tắc xử sự mang tính bắt buộc chung, do Nhà nước ban hành hoặc thừa nhận, thể hiện ý chí và bảo vệ lợi ích của giai cấp thống trị trong xã hội, được Nhà nước bảo đảm thực hiện nhằm mục đích điều chỉnh các quan hệ xã hội. Pháp luật là công cụ để thực hiện quyền lực nhà nước và là cơ sở pháp lý cho đời sống xã hội có Nhà nước.
Một trong những chức năng của pháp luật là chức năng điều chỉnh. Sự điều chỉnh của pháp luật lên các quan hệ xã hội được thực hiện theo hai hướng: một mặt pháp luật ghi nhận các quan hệ xã hội chủ yếu trong xã hội; mặt khác pháp luật bảo đảm cho sự phát triển của các quan hệ xã hội. Như vậy pháp luật đã thiết lập “trật tự” đối với các quan hệ xã hội, tạo điều kiện cho các quan hệ xã hội phát triển theo chiều hướng nhất định phù hợp với ý chí của giai cấp thống trị, phù hợp với quy luật vận động khách quan của các quan hệ xã hội.
Hiến pháp quy định nguyên tắc chung rằng, đất đai phải được quản lý bằng QH[7]. Luật Đất đai năm 2003 cụ thể hóa nguyên tắc hiến định ấy bằng những quy định về nguyên tắc, căn cứ lập QH, kế hoạch SDĐ, nội dung của QH, kế hoạch SDĐ, kỳ QH, kế hoạch cũng như quy định về trách nhiệm, thẩm quyền, trình tự lập, công bố, thông qua, xét duyêt, công bố, thực hiện và điều chỉnh QH, kế hoạch SDĐ. Nội dung này được cụ thể hóa tại các nghị định, thông tư. Những quy định về quy trình kỹ thuật trong quá trình xây dựng QH (mối quan hệ giữa tổ chức chuyên môn xây dựng QH với đất đai) chủ yếu được quy định tại các thông tư do Bộ chuyên ngành (Bộ Tài nguyên và Môi trường) ban hành. 
Các quan hệ cơ bản phát sinh trong quá trình xây dựng và thực hiện QH có nhu cầu điều chỉnh bằng pháp luật bởi bên cạnh chức năng điều chỉnh, pháp luật còn có chức năng bảo vệ. Pháp luật là công cụ bảo vệ các quan hệ xã hội mà nó điều chỉnh. Khi có các hành vi vi phạm pháp luật xảy ra, xâm phạm đến các quan hệ xã hội được pháp luật điều chỉnh thì các cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ áp dụng các biện pháp cưỡng chế được quy định trong bộ phận chế tài của các quy phạm pháp luật đối với các chủ thể có hành vi vi phạm pháp luật.
Ý thức bảo vệ đất đai, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên của chúng ta còn rất hạn chế trong quá trình SDĐ nói chung và trong QH, kế hoạch SDĐ nói riêng, vì vậy pháp luật QH, kế hoạch SDĐ cần được ban hành nhằm tác động vào ý thức của con người, làm cho con người xử sự phù hợp với cách xử sự được quy định trong các quy phạm pháp luật. Từ sự nhận thức này, hướng con người đến những hành vi, cách xử sự phù hợp với lợi ích của xã hội, lợi ích của Nhà nước, lợi ích của bản thân trong qúa trình SDĐ nói chung và QH, kế hoạch SDĐ nói riêng.
Pháp luật QH SDĐ cho đến thời điểm hiện nay chưa được thể chế hóa như một ngành luật độc lập, nó mới chỉ được đề cập đến như một chế định trong Luật Đất đai, mặc dù với xu hướng phát triển của thời đại, hiện nay Đảng và Nhà nước ta đã quan tâm đến QH SDĐ và đề cao tính pháp chế của công tác QH sử dụng đất bên cạnh tính kinh tế, kỹ thuật của nó. Ở đó, tất cả các hoạt động, trình tự xây dựng, tổ chức thực hiện QH, các mối quan hệ trong quá trình ấy đều được thực hiện theo ý chí của Nhà nước thông qua các quy tắc xử sự bắt buộc. Tóm lại: pháp luật QH, kế hoạch SDĐ là hệ thống các quy tắc xử sự bắt buộc do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong quá trình xây dựng, quản lý và tổ chức thực hiện QH, kế hoạch SDĐ.
Thực hiện pháp luật QH SDĐ và hoạt động bảo tồn di tích lịch sử có mối quan hệ biện chứng. Di tích lịch sử bao gồm các công trình kiến trúc được tọa lạc trên một diện tích đất nhất định và nó cần có cả vùng đất bao quanh bảo vệ. Đất là trung gian để bảo vệ các chứng tích lịch sử, văn hóa của loài người, đồng thời là yếu tố quan trọng để giữ gìn những giá trị văn hóa của các di tích đó. Muốn bảo tồn các di tích, cần lựa chọn phương án SDĐ hợp lý, khi xây dựng phương án QH SDĐ phải ưu tiên nguyên tắc bảo tồn di tích lịch sử. Nếu xây dựng và lựa chọn được phương án QH SDĐ hợp lý thì các khu di tích sẽ có cảnh quan đẹp, thúc đẩy ngành kinh tế du lịch phát triển. Ngược lại QH SDĐ không hợp lý thì các di tích sẽ giảm hoặc mất đi giá trị của nó. Việc lập QH vì thế phải ưu tiên bảo vệ, không được xâm phạm tới các khu vực bảo vệ di tích. Bảo tồn di tích lịch sử phải là mục tiêu, tiêu chí, nội dung của QH SDĐ. Vì thế, Nhà nước ta cũng đã ban hành nhiều quy định pháp luật điều chỉnh mối quan hệ giữa QH SDĐ và bảo tồn di tích lịch sử.
2. Thực hiện pháp luật quy hoạch sử dụng đất để bảo tồn di tích lịch sử tại Thừa Thiên Huế
Bảo tồn di tích lịch sử là một yêu cầu cơ bản của phát triển bền vững, tuy nhiên, trong thời gian gần đây, nhiều người dân đã có hành vi xây dựng, lấn chiếm, sang tên, chuyển nhượng đất, xây dựng trái phép trong các khu vực di tích. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này - làm tổn thương nghiêm trọng đến các di tích - một phần là do quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng, dân số tăng nhanh, đất đai ngày một khan hiếm và có giá. Nhiều năm qua, trong dư luận xã hội cũng như trên các phương tiện thông tin đại chúng đã báo động về nạn lấn chiếm, xâm hại di tích lịch sử - văn hóa đến mức xót lòng, nhức nhối. Trong phạm vi cả nước thì Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Thừa Thiên Huế là nơi các di tích bị lấn chiếm nhiều hơn cả. Thành phố Hà Nội đã đầu tư nhiều kinh phí và quỹ đất để giải tỏa xâm phạm di tích nhưng hiện cũng đang là địa phương có nhiều di tích bị xâm hại nhất. Theo thống kê, có 104 di tích tại Hà Nội (chưa sáp nhập với Hà Tây) bị lấn chiếm, vi phạm. Đơn cử như: đền thờ Hai Bà Trưng ở phường Đồng Nhân, quận Hai Bà Trưng bị nhiều hộ dân lấn chiếm xây nhà kiên cố, làm cửa hàng buôn bán phụ tùng ô tô; đền Vọng Tiên ở Hàng Bông, quận Hoàn Kiếm bị các hộ dân chiếm dụng làm cửa hàng buôn bán hàng mã; quán Chùa Huyền Thiên ở phố Hàng Khoai bị biến thành nơi kinh doanh bát đĩa, chén sứ... Tại TP Hồ Chí Minh, theo thống kê, số lượng di tích bị lấn chiếm khoảng 1/3, nặng nề nhất là di tích cấp quốc gia Phụng Sơn Tự (chùa Gò) ở quận 11. Theo Ủy ban nhân dân quận 11, hiện có đến 132 hộ dân đang xây dựng lấn chiếm, cư ngụ bất hợp pháp trong khuôn viên của di tích. Di tích chùa Giác Lâm - ngôi chùa cổ nhất ở thành phố Hồ Chí Minh cũng đang trong tình cảnh tương tự; hiện nay vẫn tồn tại 4 căn nhà xây cất lấn sâu vào khuôn viên chùa hàng trăm mét vuông...
Điều đáng nói là theo báo cáo của ngành chức năng thì tình trạng lấn chiếm di tích diễn ra ở hầu khắp các địa phương. Theo thống kê chưa đầy đủ, có 228/3.018 di tích xếp hạng quốc gia bị vi phạm, chiếm 7,5% và trong số 5.347 di tích xếp hạng cấp tỉnh, có 69 di tích bị xâm phạm, chiếm gần 1,3%. Xâm hại di tích là “chuyện dài kỳ” -  tồn đọng kéo dài mấy chục năm nay nhưng nhiều nơi chưa có biện pháp giải quyết[8]. Ở Thừa Thiên Huế, theo số liệu tổng hợp của Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, hiện trong số các di tích thuộc quần thể di tích Cố đô Huế đã được công nhận là Di sản văn hóa nhân loại, có hàng chục vụ vi phạm lấn chiếm, xây dựng nhưng đều được cấp phép. Chẳng hạn như khu vực di tích Đàn Nam Giao hiện có 4 trường hợp đã được TP Huế cấp phép trong thời gian từ năm 2005-2006; khu vực II thuộc quần thể Lăng Tự Đức có 2 trường hợp xây dựng lấn chiếm cũng được cấp phép xây dựng năm 2006; có 6 trường hợp lấn chiếm, xây dựng trái phép tại các di tích Hổ Quyền, Lăng Thiệu Trị, Lăng Dục Đức, hồ Tịnh Tâm...[9] Tình trạng người dân ngang nhiên “xẻ thịt” đất di tích, cho thuê đất di tích (chùa Ba Đồn; nghĩa trang và nhà lưu niệm Phan Bội Châu), hay hiện tượng xây dựng trái phép trên đất di tích, đều không đươc xử lý triệt để, thậm chí còn được cấp giấy chứng nhận quyền SDĐ (tại TP Huế: Di tích Thành Lồi ở xã Thủy Biều ; Phủ thờ Tuy Lý Vương ở Phường Vĩ Dạ; Khu lăng mộ Tuy Lý Vương ở Phường Đúc; Đàn Nam Giao ở phường Trường An…)[10] và hàng loạt di tích triều Nguyễn khác bị xâm hại nghiêm trọng. Việc xâm hại di tích đã diễn ra dai dẳng suốt nhiều năm qua và hiện nay đã đến mức báo động.
Trước tình hình đó, tỉnh Thừa Thiên Huế đã và đang thực hiện biện pháp phân vùng, cắm mốc để xác định khu vực bảo vệ, nhằm ngăn chặn việc tiếp tục xâm hại hệ thống di tích Cố đô Huế, vốn đã được UNESCO công nhận là di sản là Di sản văn hóa thế giới.
Hiện tại, các di tích đã được cắm mốc (bao gồm việc định vị, đo nối, cắm cọc tiêu) để khoanh vùng bảo vệ gồm Hoàng Thành, cung An Định, Lăng Dục Đức, Lăng Vạn Vạn, Lăng Hiếu Đông, Lăng Minh Mạng; cùng các di tích Văn Miếu -Võ Miếu, đàn Xã Tắc và Lăng Khải Định...
Trên cơ sở đó, Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Thừa Thiên Huế đã tăng cường các biện pháp quản lý chống xâm hại di tích; đồng thời, lập phương án giải quyết các trường hợp vi phạm trong khu vực bảo vệ di tích Lăng Minh Mạng và khu vực Văn Thánh, Võ Thánh (thuộc hệ thống di tích Cố đô Huế)[11]
Cùng nhiều nỗ lực với những giải pháp khác nhau, việc thực hiện nghiêm chỉnh pháp luật về QH SDĐ đề cao nguyên tắc bảo tồn di tích là một giải pháp hữu hiệu để bảo vệ sự xâm hại các di tích lịch sử tại Thừa Thiên Huế. Luật Đất đai năm 2003, Nghị định 181/2004-NĐ/CP của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Đất đai, Quyết định số 86/2009/QĐ-TTg  của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt QH tổng thể phát triển kinh tế - xã hội Thừa Thiên Huế đến năm 2020 cũng đã ghi nhận nguyên tắc bảo tồn di tích trong quá trình lập, xét duyệt, công bố, thực hiện, điều chỉnh QH và giám sát QH SDĐ[12]. Ngoài ra, trong quá trình thực hiện pháp luật về QH SDĐ cần thực hiện nghiêm chỉnh các quy định về bảo tồn di tích được quy định tại Luật Di sản văn hóa năm 2001; Quyết định 105 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt dự án QH bảo tồn và phát huy giá trị di tích cố đô Huế 1996-2010; Đề án của Chính phủ về Điều chỉnh QH bảo tồn và phát huy giá trị Di tích Cố đô Huế giai đoạn 1996-2020…
Theo đó, trong quá trình lập QH, nhiều phương án QH SDĐ đã được thực hiện tạo điều kiện bảo vệ cảnh quan đô thị, bảo vệ di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh như: Dự án Sông Ngự Hà, Sông Hương, Phố cổ Bao Vinh...[13]Diện mạo di tích lịch sử, cảnh quan thiên nhiên Thừa Thiên Huế đang dần được phục hồi. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đó thì yêu cầu bảo tồn di tích lịch sử chưa được thể hiện rõ nét trong các phương án QH SDĐ, pháp luật chưa quy định rạch ròi trong việc phân định thẩm quyền lập QH SDĐ trong vùng bảo vệ di tích lịch sử, phương án QH SDĐ chưa giải quyết được mâu thuẫn giữa nhu cầu phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nhu cầu nhà ở với yêu cầu bảo vệ nghiêm ngặt những diện tích đất có di tích. Quá trình xây dựng QH chưa thực hiện việc lấy ý kiến cộng đồng dân cư theo quy định của pháp luật. Trong khi để QH SDĐ được thực hiện tốt, di tích lịch sử được bảo vệ hay không phụ thuộc vào ý thức của cộng đồng dân cư. Việc công bố QH SDĐ theo quy định pháp luật, việc công bố và xác định cắm mốc, khoanh vùng trên thực địa những khu vực có di tích và khu vực bảo vệ di tích đã không được thực hiện có hiệu quả. Đó chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng “xẻ thịt” đất có di tích để chuyển nhượng, để cho thuê, để xây dựng trái phép. Quá trình thực hiện QH SDĐ cũng thể hiện nhiều bất cập, QH treo đã diễn ra ở nhiều nơi có di tích, người dân bị “mặc kẹt” trong vùng QH khu bảo vệ di tích, không được xây dựng cũng không được giải tỏa đền bù, việc điều chỉnh QH cũng không được tiến hành theo luật định... Tình trạng hỗ trợ, tái định cư cho người dân ở vùng di tích phải di dời đã diễn ra rất chậm, do năng lực cán bộ hoặc do kinh phí chưa đáp ứng được... Nguyên tắc bảo vệ môi trường không được chú trọng và thực hiện nghiêm túc trong suốt quá trình lập và thực hiện QH SDĐ, dẫn đến hiện tượng môi trường xung quanh di tích bị ô nhiễm nặng, gây ảnh hưởng đến mỹ quan chung của địa phương, ảnh hướng lớn đến sự phát triển của ngành kinh tế du lịch. Thiếu sự kiểm tra giám sát sau QH dẫn đến việc không phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi lấn chiếm, hủy hoại di tích, nhiều di tích có nguy cơ bị xóa tên.
3. Giải pháp nâng cao hiệu quả bảo tồn di tích tại Thừa Thiên Huế thông qua việc thực hiện pháp luật về quy hoạch sử dụng đất   
Trong thời gian qua, việc thực hiện pháp luật QH SDĐ để bảo tồn di tích lịch sử ở Thừa Thiên Huế đã có những bước tiến đáng ghi nhận. Nhiều phương án QH SDĐ trong việc bảo tồn di tích lịch sử được tiến hành hiệu quả, góp phần làm chỉnh trang đô thị, làm nổi bật giá trị văn hóa, lịch sử của cố đô Huế. Tuy nhiên, trước yêu cầu bảo tồn và phát triển, xây dựng và tổ chức thực hiện QH SDĐ đang là bài toán khó, không có lời giải đáp hoàn hảo. Chúng tôi xin đưa ra một số giải pháp về việc hoàn thiện pháp luật và một số giải pháp thực tiễn nâng cao hiệu quả bảo tồn di tích lịch sử tại Thừa Thiên Huế.
Thứ nhất, để nâng cao hiệu quả bảo tồn di tích lịch sử cũng như việc thực hiện các quy định của pháp luật QH SDĐ, trước hết chúng ta phải hoàn thiện pháp luật về QH SDĐ, cụ thể:
- Sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện các quy định của Luật Đất đai năm 2003 về QH SDĐ
- Xây dựng một nghị định riêng của Chính phủ về việc bảo tồn di tích lịch sử trong QH SDĐ
- Phân định rõ thẩm quyền, trách nhiệm lập, các phương án QH SDĐ trong vùng bảo vệ di tích
- Pháp luật cần xây dựng khái niệm và quy định về “QH đỏ” (QH bảo vệ và giữ nguyên mục đích SDĐ trong suốt kỳ QH), diện tích đất có di tích lịch sử nhất thiết phải là “QH đỏ” 
Thứ hai, các giải pháp cụ thể để nâng cao hiệu quả bảo tồn di tích lịch sử trong việc thực hiện pháp luật QH SDĐ tại Thừa Thiên Huế:
- UBND tỉnh, Sở Tài nguyên - Môi trường cùng Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế cần có cách nhìn tổng quát khi lập các phương án QH SDĐ để bảo tồn di tích lịch sử. Việc lập QH SDĐ phải tiến hành đồng bộ và chú ý đến sự tác động của QH đến bảo vệ cảnh quan môi trường để phát triển bền vững. UBND tỉnh Thừa Thiên Huế chú trọng đến việc xây dựng các văn bản pháp luật về QH SDĐ, về bảo tồn di tích.
- UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cần có phương án để dung hòa mối quan hệ giữ di sản và dân cư.
- Thống kê, phân loại các di tích, từ đó đưa ra những giải pháp phù hợp để bảo vệ từng nhóm di tích khác nhau, lựa chọn được phương án SDĐ hợp lý, hiệu quả.
- Cần xây dựng được các phương án QH SDĐ thống nhất từ cấp xã đến cấp tỉnh, trong đó nguyên tắc bảo tồn di tích lịch sử là sợi chỉ đỏ xuyên suốt toàn bộ các cấp QH.
- Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát sau QH SDĐ nói chung và QH diện tích đất có di tích lịch sử nói riêng.
- Các phương án SDĐ cần có sự tham gia xây dựng, thực hiện, giám sát của cộng đồng, tăng cường bảo tồn di tích bằng sức mạnh cộng đồng.
- Xử lý kịp thời, nghiêm minh, dứt điểm những hành vi lấn chiếm, sang nhượng, SDĐ có di tích trái phép của người dân và xử lý nghiêm các hành vi bao che, dung túng của cán bộ cho các hành vi xâm phạm di tích lịch sử.
- UBND tỉnh cần đầu tư kinh phí và nhân lực thỏa đáng để có công cụ cần thiết quản lý việc thực hiện QH SDĐ bảo tồn di tích lịch sử, có thể huy động nguồn tài chính từ cộng đồng và các tổ chức xã hội khác.
- Tăng cường giáo dục, tuyên truyền về QH, về bảo tồn di tích, pháp luật về QH SDĐ và pháp luật về bảo tồn di tích lịch sử./.


[1]  Điều 4, Luật Di sản văn hóa năm 2001
[2] Điều 3 Quy chế bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh của Bộ Văn hóa Thông tin (năm 2003)
[3] Trung tâm từ điển học (2007), Từ điển Tiếng Việt., NXB Đà Nẵng.
[4] Giáo sư Nguyễn Lan (2006), Từ điển từ và ngữ Việt Nam, NXB Tổng hợp TP Hồ Chí Minh.
[5] PGS. TS Lê Quang Trí (2005), Giáo trình QH SDĐĐ (tài liệu soạn thảo theo FAO).
[6] Trường Đại học Nông Nghiệp I Hà Nội (2005), Giáo trình QHSDĐ, NXB Nông nghiệp, Hà Nội.
[7] Điều 18, Hiến pháp năm 1992
[12] Khoản 6, Điều 21 Luật Đất đai năm 2003

 

(Nguồn tin: Bài viết đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu lập pháp số 21(253), tháng 11/2013)


Thống kê truy cập

32836696

Tổng truy cập