Kinh nghiệm lập pháp từ Quốc Triều Hình luật với việc hoàn thiện pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

01/12/2013

ThS. LƯƠNG VĂN TUẤN

Khoa Chính trị học, Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam

1. Thực trạng bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ở nước ta hiện nay
Trong nền kinh tế thị trường hiện nay, đại bộ phận người tiêu dùng (NTD) nước tađang là nạn nhân của các thủ đoạn kinh doanh gian dối của những thương nhân không có lương tâm. Thương nhân thông qua hoạt động kinh doanh của mình đã cố gắng tận dụng những mánh khóe để trục lợi và đẩy NTD đến những bất lợi có thể gây thiệt hại lớn về vật chất, sức khỏe, thậm chí là tính mạng. Chống những biểu hiện tiêu cực trong hoạt động thương mại để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của NTD đã và đang là vấn đề nhức nhối của Nhà nước và cả xã hội.
Trong hệ thống pháp luật hiện nay có khá nhiều văn bản đề cập một cách trực tiếp hoặc gián tiếp về vấn đề bảo vệ NTD, đó là: Bộ luật Dân sự năm 2005, Luật Cạnh tranh năm 2004, Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật năm 2006, Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hoá năm 2007, Luật An toàn thực phẩm năm 2010, Luật Quảng cáo năm 2013, Luật Giá năm 2012 và Luật Bảo vệ quyền lợi NTD (Luật BVQLNTD) năm 2010. Trong các văn bản pháp luật này đã quy định rõ quyền và trách nhiệm của NTD, chế tài để xử lý vi phạm của các tổ chức, cá nhân kinh doanh và cơ chế để NTD có thể khiếu nại khi lợi ích bị xâm hại. Tuy nhiên, những văn bản này lại thiếu vắng những quy định cần thiết để đảm bảo cho quyền lợi NTD thực sự được bảo vệ - đó là trách nhiệm của người quản lý nhà nước về kinh doanh tiêu dùng.
Luật BVQLNTD năm 2010 được ban hành đã thay thế Pháp lệnh Bảo vệ NTD năm 1999 nhằm mục tiêu tăng cường hơn nữa việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của NTD, tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước, nâng cao trách nhiệm của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ trong việc bảo vệ quyền lợi NTD. Luật đã đặt NTD ở vị trí trung tâm để được bảo vệ quyền lợi cao nhất. Tuy nhiên, vẫn có nhiều vấn đề chưa cụ thể, rõ ràng, đặc biệt là trách nhiệm của cơ quan nhà nước, cá nhân có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước. Sau khi Luật BVQLNTD ra đời, hiện tượng vi phạm quyền lợi NTD vẫn ngày một gia tăng và chưa có xu hướng giảm. Điển hình như vụ ly độc do Chi cục Tiêu chuẩn - đo lường - chất lượng Lâm Đồng phát hiện gồm 7 loại ly thủy tinh xuất xứ từ Trung Quốc có chứa hàm lượng chì cao vượt mức cho phép từ 1.489 - 2.867 lần và có thể “…gây thiếu máu, tổn thương mạch máu não, hủy hoại thần kinh, gây ung thư, làm giảm sự phát triển trí tuệ ở trẻ nhỏ, tác hại đến sinh sản (gây vô sinh ở nam và nữ, gây sảy thai, sinh non)...”[1]. Độc hại như vậy, nhưng sự phản ứng của các cơ quan quản lý hành chính nhà nước lại có vẻ rất chậm chạp và thiếu trách nhiệm: “Ngay thời điểm phát hiện (giữa tháng 1/2011), chúng tôi đã gửi kiến nghị lên Tổng cục Tiêu chuẩn - đo lường - chất lượng trình Bộ Khoa học - Công nghệ xem xét ban hành quy định cụ thể quản lý các chất này cũng như hướng dẫn xử lý sản phẩm. Tuy vậy, đến nay vẫn chỉ là những văn bản khuyến cáo chứ chưa ban hành quy định cụ thể liên quan nào”[2]. Hoặc vụ sử dụng đường hóa học sodium cyclamate là chất mà “khi vào cơ thể sẽ được vi khuẩn trong ruột chuyển thành mono hay dicyclohexylamine, là chất có thể gây ung thư gan, thận, phổi… dị dạng bào thai trên nghiên cứu thực nghiệm ở động vật”[3]. Đặc biệt, vụ chìm tàu Dìn Ký (Bình Dương), 16 con người bỏ xác nơi đáy sông Sài Gòn khi sử dụng dịch vụ du lịch trên sông đã thực sự gây kinh hoàng cho tất cả những ai là NTD. Vì lợi nhuận, nhà cung cấp dịch vụ Dìn Ký bất chấp tất cả những quy định của Nhà nước về an toàn giao thông đường thủy khi sử dụng lái tàu Lê Văn Đức không có bằng lái, tàu hết hạn kiểm định không đăng kiểm lại và tự ý “cải tiến, sửa chữa và nâng cấp thành tàu du lịch mà không được thiết kế theo đúng tiêu chuẩn cần thiết…)”[4]. Còn rất nhiều vụ vi phạm quyền lợi NTD gần đây như trong thịt lợn có chứa chất an thần, rau bẩn, các loại thực phẩm tươi sống chứa chất kích thích… không thể kể hết.
Thực trạng trên đây cho thấy, hiện nay quyền lợi của NTD vẫn chưa hề được đảm bảo ở mức tối thiểu nhất mặc dù chúng ta đã có Luật BVQLNTD (có hiệu lực 1/7/2011). Nhu cầu của xã hội ngày một tăng, nhưng thực tế lại cho thấy chúng ta đang rất lúng túng trong việc xây dựng hệ thống pháp luật phù hợp, đặc biệt là pháp luật bảo vệ quyền và lợi ích NTD. Trong lĩnh vực này, ngoài việc tiếp thu kinh nghiệm lập pháp của các nước có nền kinh tế phát triển trên thế giới thì cũng cần tham khảo, tiếp thu và kế thừa những giá trị lập pháp của cha ông ta trong lịch sử. Kinh nghiệm lập pháp của nhà làm luật triều Lê sơ được thể hiện thông qua bộ Quốc triều hình luật cũng có những điểm giúp ích cho việc bảo vệ quyền lợi NTD hiện nay. Quốc triều hình luật là một trong những thành tựu lập pháp đáng tự hào của dân tộc Việt Nam, bao gồm các quy phạm pháp luật thuộc nhiều ngành luật khác nhau như: luật hình sự, luật dân sự, luật tố tụng, luật hôn nhân - gia đình, luật hành chính... và trong đó, có một số các quy phạm pháp luật đề cập đến vấn đề bảo vệ quyền lợi NTD mà ngày nay, trong quá trình hoàn thiện pháp luật bảo vệ quyền lợi NTD, chúng ta có thể tham khảo.
2. Những vấn đề cơ bản về bảo vệ người tiêu dùng trong Quốc triều hình luật  
2.1. Biện pháp bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong Quốc triều hình luật   
Trong lịch sử, trước khi áp dụng những biện pháp nghiêm khắc, tàn khốc của hình pháp nhằm thực thi công lý, cha ông ta đã sử dụng rất nhiều biện pháp khác nhau nhằm ngăn chặn hiệu quả các hành vi vi phạm pháp luật. Trong lĩnh vực hoạt động thương mại cũng vậy, để giữ hoạt động này đi đúng quỹ đạo, nhằm đảm bảo quyền và lợi ích của tất cả các bên tham gia quan hệ mua bán, và đặc biệt là bảo đảm quyền lợi của NTD - đối tượng thụ động trong mua bán hàng hóa, Nhà nước phong kiến thời Lê sơ luôn đề cao những biện pháp có tính chất giáo dục, cảm hoá nhằm ngăn ngừa và chống sự gian lận của thương nhân, bảo vệ cao nhất quyền lợi của NTD. Các biện pháp mà cha ông ta đã sử dụng rất thành công bao gồm:
Thứ nhất, dùng Đứctrị để giáo hóa mọi người dân trong xã hội khi sống cần phải tuân thủ các chuẩn mực đạo đức của xã hội. Trong kinh doanh buôn bán, thương nhân cần phải có tính nhân ái, trung thực và đặc biệt, nghiêm cấm thương nhân không được có những hành vi gian dối, lừa đảo, trộm cắp đối với người mua hàng (NTD).
 Thứ hai, dùng Nhân trị để giáo hóa mọi người dân sống cần phải nêu cao lòng nhân ái với mọi người. Trong kinh doanh buôn bán, đã là thương nhân cần phải có những biện pháp nhằm tu thân mình, tích phúc đức của mình để làm gương sáng cho mọi người cùng noi theo. Thương nhân cần phải giữ chữ tín để tiến hành hoạt động kinh doanh buôn bán.
Thứ ba, dùng Pháp trị để uốn nắn các hành vi sai trái của con người nói chung và của các thương nhân nói riêng. Qua đó, bắt buộc mọi người đi theo con đường đúng đắn mà Nhà nước và xã hội đã đề ra, buộc thương nhân phải tuân thủ các quy tắc mua bán do Nhà nước ban hành, nếu đi chệch những quy tắc đó sẽ bị xử lý theo pháp luật.
Trong lịch sử, chỉ sau khi đã được giáo hóa về đức, về nhân và về pháp, nếu thương nhân vẫn không chịu tiếp thu và ứng xử theo đạo đức và lòng nhân ái như Nhà nước mong muốn thì Nhà nước sẽ dùng đến pháp luật để trừng trị nghiêm khắc những kẻ đã có hành vi gian dối trong mua bán.
2.2. Quy định cụ thể về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
Nhà nước phong kiến thời Lê sơ nghiêm cấm việc mua bán không tuân thủ những chuẩn mực đã được Nhà nước quy định, nếu ai vi phạm sẽ bị pháp luật nghiêm trị: “Trong các chợ tại kinh thành và thôn quê, những người mua bán không theo đúng cân, thước, thăng, đấu của Nhà nước mà làm riêng của mình để mua bán thì xử tội biếm hoặc đồ”[5] (Điều 91).
Những hành vi như làm hàng giả, cân, đong, đo, đếm không đúng quy định của Nhà nước để kiếm lời bất chính và gây thiệt hại đến quyền và lợi ích của NTD cũng giống như hành vi ăn trộm và phải bị trừng phạt đúng như tội ăn trộm. Điều đặc biệt là Nhà nước còn nghiêm trị đối với cả những người làm quan chức nhà nước cai quản trong lĩnh vực chuyên môn về tiêu chuẩn đo lường chất lượng do Nhà nước giao mà không thực sự sát sao với công việc để xảy ra tình trạng gian lận làm ảnh hưởng đến quyền lợi NTD. Những sản phẩm được tạo ra để cân, đo, đong đếm nếu bị làm sai với những tiêu chuẩn do Nhà nước quy định và những sản phẩm đó lại được dùng vào việc “biển thủ” của công, thì bị xử tội nặng hơn một mức so với bình thường. Nếu dùng các sản phẩm không đúng tiêu chuẩn đo lường, chất lượng đó vào việc mua bán lấy lợi riêng thì Nhà nước coi tội đó ngang hàng với tội ăn trộm và xử lý theo đúng những quy định của tội ăn trộm: Những người thợ làm cái thăng, cái đấu, cái cân, cái thước không đúng phép, bị tội xuy đánh 50 roi, biếm một tư. Nếu quan giám đương coi thợ mà không biết thì bị phạt tiền 10 quan. Người dùng thăng, đấu, cân, thước riêng để thêm bớt của công thì thêm tội một bậc. Người dùng thăng, đấu, cân, thước riêng để mua bán lấy lợi thì tội cũng như tội ăn trộm”[6] (Điều 94).
Các sản phẩm làm ra có ý nghĩa phục vụ sinh hoạt tiêu dùng của dân chúng như những đồ khí dụng, vải lụa mà bị làm giả, bị làm hụt so với kích cỡ đã quy định thì bị trừng phạt bằng hình thức đánh roi, hạ chức tước và số hàng hóa vi phạm tiêu chuẩn đó sẽ bị Nhà nước tịch thu và sung vào công quỹ. Những người có chức trách được Nhà nước giao quyền và nhiệm vụ quản lý về tiêu chuẩn chất lượng, nếu như đã biết về hành vi gian dối, sai phạm của cấp dưới mà vẫn cố tình dung túng cho thực hiện đến cùng sự sai phạm ấy thì sẽ bị biếm chức, truy cứu trách nhiệm cá nhân tùy theo sự nặng nhẹ của tội phạm: “Những người làm đồ khí dụng giả dối và vải lụa ngắn hẹp để đem bán thì bị tội xuy đánh 50 roi, biếm một tư, hàng hóa phải sung công. Quan giám đương và người đứng đầu không xem xét cố ý cho thợ làm giả dối thì bị phạt hoặc bị biếm, thông cáo tróc nã, lại theo việc nặng nhẹ mà định phạt, nếu làm về việc công thì tội thêm một bậc”[7] (Điều 95).
Chợ búa là nơi diễn ra hoạt động mua bán, tiêu dùng thường xuyên của dân chúng, đó cũng là nơi mà những kẻ buôn gian bán lận tiêu thụ những hàng hóa sai trái gây ra những thiệt hại cho NTD. Vậy nên, trong chợ mà diễn ra hoạt động tiêu thụ hàng giả thì trách nhiệm rất lớn sẽ thuộc về những người quản lý chợ. Để cho tình trạng vi phạm pháp luật này xảy ra thì những người quản lý chợ sẽ phải chịu tội với những hình thức xử lý rất nghiêm minh của Nhà nước, đó là bị tội “biếm hoặc phạt”. Vì vậy, người quản lý chợ sẽ phải là người phát hiện tội phạm, bắt tội phạm để giao nộp cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Nếu như đã không thực hiện nhiệm vụ phát hiện và truy bắt tội phạm mà lại còn phạm tội nhận hối lộ của gian thương để dung túng cho những việc làm sai phạm đó tồn tại thì sẽ bị xử tội theo đúng như tội mà gian thương đó đã thực hiện: “Những người coi chợ và quân lính thấy trong chợ có người làm đồ vật giả dối hay phá huỷ tiền đồng mà dung túng không bắt trình quan thì bị tội biếm hoặc phạt. Người ăn hối lộ dung túng cho việc đó thì tội cũng giống như chính phạm”[8] (Điều 96).
3. Kế thừa những giá trị của quy định về bảo vệ người tiêu dùng trong Quốc triều hình luật
Việc đồng nhất vi phạm các tiêu chuẩn về cân, đo, đong, đếm với hành vi trộm cắp có tác dụng đánh vào tâm lý của thương nhân. Nếu họ không kinh doanh nghiêm chỉnh mà vi phạm các quy tắc mua bán nhằm trục lợi bất chính và gây thiệt hại cho NTD thì bị coi là những kẻ trộm cắp không có tư cách của một con người bình thường. Điều này sẽ có tác dụng ngăn ngừa, hạn chế những hành vi phạm tội của thương nhân, vì nếu vi phạm và bị phát hiện thì họ sẽ bị coi như những kẻ trộm cắp mạt hạng trong xã hội.
Những người thợ chế ra các đồ dùng trong cân, đo, đong, đếm mà cố tình làm sai tiêu chuẩn thì bị xử đánh roi và chịu tội biếm. Người làm quan quản lý giám sát các thợ thuyền để chế tác thăng, đấu, cân, thước… nếu không sát sao công việc, để cho xảy ra hiện tượng sai phạm đó của người thợ dưới quyền của mình thì sẽ bị phạt tiền. Biện pháp phạt tiền của Nhà nước đối với các vị quan chức nhà nước thiếu tinh thần trách nhiệm trong công việc là biện pháp trừng phạt về kinh tế hữu hiệu nhất nhằm nâng cao chức trách của quan chức với công việc và cũng nhằm nâng cao ý thức của các vị quan đó với việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của NTD.  Theo quy định tại Điều 94 Quốc triều hình luật, các quan coi thợ làm những dụng cụ đo lường của Nhà nước buộc phải biết về những việc làm của những người thợ do mình cai quản, nếu không biết thì vẫn phải chịu trách nhiệm về những sai phạm do người thợ của mình gây ra: “Nếu quan giám đương coi thợ mà không biết thì bị phạt tiền 10 quan…”.Quan cai quản, không thể lấy lý do là mình không biết để trốn tránh trách nhiệm cá nhân và để mặc những hành vi phạm tội xảy ra trong phạm vi chức trách của mình. Điều 95 của Bộ luật này cũng cho thấy, nhà lập pháp đã không bỏ lọt một hành vi nào của người làm quan, từ việc không biết về sai phạm trong phạm vi chức trách của mình đến việc cố tình dung túng cho tội phạm xảy ra. Quy định người làm quan nếu: “…không xem xét, cố ý cho thợ làm giả dối thì bị phạt hoặc bị biếm…” cho thấy một sự khác biệt rất lớn trong tư duy của người làm luật thời xưa với nhà lập pháp thời nay. Trong Quốc triều hình luật, để bảo vệ quyền lợi NTD, cha ông ta đã sử dụng những chế tài khắt khe không chỉ cho những gian thương trực tiếp tiến hành công việc kinh doanh buôn bán kiếm lợi mà còn có những chế tài nghiêm khắc đối với những người có chức trách nhưng làm ngơ trước những hành vi sai trái của gian thương. Cha ông ta đã từng nhận định “trăm quan là nguồn gốc của trị, loạn”[9] và ngẫm cho cùng thì nếu quan lại không làm hết trách nhiệm của mình thì người dân cũng không thể nào tự bảo vệ cho quyền lợi của mình được. Người dân thời xưa không phải là người làm ra cái cân, cái đấu, cái thước… nên không thể biết nó bị làm không đúng tiêu chuẩn và sẽ gây thiệt hại cho quyền lợi của mình. Người dân ngày nay cũng không thể nhìn vào chai nước tương mà có thể biết là trong đó có chứa chất độc gây nguy hại cho sức khỏe của con người… Tất cả những công việc đó phải thuộc về chức năng, nhiệm vụ của cơ quan nhà nước. Do cơ quan nhà nước buông lỏng quản lý và cán bộ, công chức nhà nước thiếu tinh thần trách nhiệm nên để xảy ra những hiện trạng vi phạm tiêu chuẩn dẫn đến tình trạng các sản phẩm được đưa ra thị trường phục vụ NTD sẽ có khả năng gây hại rất lớn cho sức khỏe NTD. Tuy nhiên, trong Luật BVQLNTD hiện hành, chế tài để xử phạt đối với những người có chức trách là rất hạn chế. Chúng ta chưa thấy một điều luật nào quy định trách nhiệm hình sự, hành chính, dân sự của những cơ quan và cán bộ quản lý nhà nước về tiêu dùng. Điều này cho thấy sự khác nhau rất xa về tư duy lập pháp của nhà làm luật thế kỷ XV và nhà làm luật thế kỷ XXI. Trong một bối cảnh lịch sử đất nước tôn sùng Nho giáo và chọn hệ tư tưởng Nho giáo làm nền tảng chính thống cho công cuộc cai trị đất nước - hệ tư tưởng đó có quan niệm đã bám rễ hàng nghìn năm là “hình bất thượng đại phu, lễ bất hạ thứ dân”[10] (đại ý là: đối với quan lại thì dẫu có phạm tội cũng không dùng hình phạt, đối với nhân dân thì không bao giờ dùng lễ nghi”, vậy mà cha ông ta đã có những điều luật để “xử phạt” cả các bậc đại phu được coi là “cha mẹ dân” mà không có trách nhiệm với dân, vì vậy hệ quả tốt đẹp đó là xã hội phồn vinh và thịnh trị trong thế kỷ XV. Trong khi đó, hiện nay, người cán bộ quản lý nhà nước - là đầy tớ của nhân dân - nhưng lại chưa hề bị đụng chạm đến bất cứ trách nhiệm nào (hình sự, hành chính, dân sự) khi để xảy ra những sự việc có liên quan đến chức trách của mình trong việc bảo vệ quyền lợi NTD.
 Vì vậy, Luật BVQLNTD cần được sửa đổi, bổ sung theo hướng tăng cường tính chịu trách nhiệm về hình sự, hành chính, dân sự của cán bộ, công chức nhà nước trong lĩnh vực BVQLNTD. Có nghĩa là “cơ quan bảo vệ NTD là cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ NTD”[11] và phải quy định rõ ràng, nghiêm khắc các chế tài đối với các cơ quan quản lý nhà nước, các cá nhân có nhiệm vụ bảo vệ quyền lợi NTD./.   
 

 


[1] http://vn.news.yahoo.com/tr%C3%A0n-lan-ly-%C4%91%E1%BB%99c-20110414-141859-335.html
[2] http://vn.news.yahoo.com/tr%C3%A0n-lan-ly-%C4%91%E1%BB%99c-20110414-141859-335.html
[3]http://vn.news.yahoo.com/%C4%91%C6%B0%E1%BB%9Dng-h%C3%B3a-h%E1%BB%8Dc-h%E1%BA%A1i-ra-sao-034600886.html
[4] http://vnexpress.net/gl/doi-song/2011/05/bai-hoc-canh-giac-sau-vu-chim-tau-din-ky/
[5] Viện Khoa học Xã hội Việt Nam: Một số văn bản điển chế và pháp luật Việt Nam, tập I, Nxb Khoa học xã hội, H., 2006, tr 90-91.  
[6] Viện Khoa học Xã hội Việt Nam,  Tlđd, , tr 90-91.
[7] Viện Khoa học Xã hội Việt Nam,  Tlđd, tr 90-91.
 
[8] Viện Khoa học Xã hội Việt Nam,  Tlđd, tr 90-91.
 
[9] Lê Khả Phiêu, Quốc triều hình luật, những giá trị lịch sử và đương đại góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền ở Việt Nam, Nxb Tư pháp, H., 2008, tr 17.
[10] Phan Ngọc, Hàn Phi Tử, Nxb. Văn học, H., 2001, tr 9.
 
[11] Khoản 1 Điều 54 Dự thảo Luật bảo vệ Người tiêu dùng.    

(Nguồn tin: Bài viết đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu lập pháp số 23(255), tháng 12/2013)