Luật pháp hóa đạo đức hay vấn đề quản lý hoạt động văn hóa nghệ thuật

01/12/2013

NGUYỄN THỊ PHƯỢNG

Đại học Nguyễn Tất Thành

1. Vấn đề luật pháp hóa đạo đức?
Hiến pháp Việt Nam hiện hành thừa nhận hoạt động sáng tác nghệ thuật và tham gia các hoạt động văn hóa nghệ thuật khác là các quyền cơ bản của công dân: “Công dân có quyền…   sáng tác, phê bình văn học, nghệ thuật và tham gia các hoạt động văn hoá khác”[1]. Điều này phù hợp với quyền “tham gia đời sống văn hóa”[2] được khẳng định trong Công ước Quốc tế về các Quyền kinh tế, xã hội và văn hóa được Đại hội đồng Liên hiệp quốc thông qua ngày 16/12/1966, có hiệu lực từ ngày 03/01/1976, mà Việt Nam đã phê chuẩn ngày 24/9/1982. 
Cơ quan hành pháp cũng đã ban hành các văn bản pháp quy điều chỉnh các hoạt động văn hóa nghệ thuật, gồm Nghị định 79/2012/NĐ-CP ngày 05/10/2012 của Chính phủ về biểu diễn nghệ thuật, lưu hành, kinh doanh bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu; Nghị định 75/2010/NĐ-CP của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa; Chỉ thị 65 ngày 16/4/2012 của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch về chấn chỉnh hoạt động biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; Thông tư số 03/2013/TT-BVHTTDL ngày 28/01/2013 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch... Trên cơ sở các văn bản này, thời gian vừa qua, một số cá nhân, tổ chức đã bị xử lý về những hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực hoạt động văn hóa, nghệ thuật. Xin dẫn lại ba vụ việc điển hình:   
Vụ việc thứ nhất liên quan đến việc xử lý một album âm nhạc. Một nhạc sĩ đã bị cơ quan quản lý văn hóa xử phạt 30 triệu đồng do tự phát hành album không xin phép và nội dung đi ngược lại chính sách, pháp luật và đạo đức truyền thống. Cụ thể, ngày 10/5/2013, trong công văn gửi cho các Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Cục Nghệ thuật biểu diễn đánh giá album bị xử lý “có nội dung đi ngược lại với chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nói xấu chế độ, ngôn từ sử dụng trong các bài hát rất dung tục, không phù hợp với truyền thống văn hoá, thuần phong mỹ tục của dân tộc”. Cục Nghệ thuật biểu diễn kết luận, bằng việc thu âm, cho lưu hành trên thị trường bản ghi âm có nội dung nói trên, nhạc sĩ đã cùng lúc vi phạm Khoản 1 Điều 6 Nghị định 79 của Chính phủ về biểu diễn nghệ thuật, lưu hành, kinh doanh bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu và Khoản 4 Điều 13 Nghị định 75 về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa[3]. Khoản 1 Điều 6 Nghị định 79 viện dẫn đến Điều 3 Quy chế hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng ban hành kèm theo Nghị định số 103/2009/NĐ-CP ngày 06/11/2009 của Chính phủ, trong đó nghiêm cấm các hoạt động văn hóa có nội dung truyền bá tư tưởng, văn hóa phản động, lối sống dâm ô đồi trụy, các hành vi tội ác, tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan, trái với thuần phong mỹ tục. Bỏ qua vấn đề album âm nhạc được phát hành không xin phép và có nội dung đi ngược lại chính sách, pháp luật, điều quan tâm ở đây là đạo đức truyền thống, thuần phong mỹ tục của dân tộc được luật pháp hóa và được viện dẫn để xử lý vụ việc.
Một vụ việc khác liên quan đến việc xử lý một chương trình biểu diễn thời trang diễn ra ở thành phố Hồ Chí Minh tối ngày 20/5/2013. Căn cứ vào quy định hiện hành, một số người mẫu tham gia chương trình nói trên đã vi phạm điểm c, khoản 1 Điều 16 Nghị định số 75/2010/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động văn hóa. Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Du lịch và Thể thao TP Hồ Chí Minh cho biết, Thanh tra Sở đã quyết định xử phạt 11 người mẫu tham gia trong chương trình thời trang nói trên do việc “mặc trang phục gây phản cảm, không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam”[4]. Tương tự như vụ việc về album âm nhạc, trong vụ việc thời trang này, thuần phong mỹ tục cũng được được viện dẫn để xử phạt.
Vụ việc thứ ba liên quan đến việc tạm dừng cấp phép biểu diễn trên toàn quốc đối với một người mẫu. Ngày 8/8/2013, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch các tỉnh, thành trên cả nước nhận công văn từ Cục Nghệ thuật biểu diễn yêu cầu tạm dừng cấp phép biểu diễn đối với một người mẫu với lý do là trong thời gian qua, người mẫu này đã tung ra nhiều hình ảnh phản cảm và gây ý kiến trái chiều trong công luận. Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn cho biết, văn bản yêu cầu tạm dừng cấp phép biểu diễn đối với người mẫu nói trên là nhằm thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 65 ngày 16/4/2012 của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch về chấn chỉnh hoạt động biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang[5]. Chỉ thị này, ngoài những nội dung khác, đã cho rằng “sử dụng động tác biểu diễn trang phục phản cảm, không phù hợp với thuần phong mỹ tục của dân tộc”, là những biểu hiện của “những hiện tượng tiêu cực, dẫn đến vi phạm trong quá trình tổ chức hoạt động biểu diễn nghệ thuật”. Cũng tương tự như hai vụ việc trên, tuy với những lý do khác nhau, một người mẫu đã bị tạm ngưng cấp phép biểu diễn dựa trên những lập luận liên quan đến “thuần phong mỹ tục” được luật pháp hóa.  
Các vụ việc nói trên và các văn bản pháp quy liên quan đặt ra một vấn đề về tính chính đáng hay không chính đáng của việc luật pháp hóa đạo đức.
2. Lý thuyết: Các cách tiếp cận khác nhau của chủ nghĩa tự do và chủ nghĩa cộng đồng
Có hai cách tiếp cận đối với vấn đề nên hay không nên luật pháp hóa đạo đức: Cách tiếp cận của chủ nghĩa tự do và cách tiếp cận của chủ nghĩa cộng đồng.
Chủ nghĩa tự do có hai định đề căn bản: Một liên quan đến cá nhân, và một liên quan đến xã hội. Định đề tự do liên quan đến cá nhân là: Cá nhân là một thực thể tự lập, độc lập, có những quyền tự nhiên, vốn có, không ai có thể tước đoạt đi, và anh ta chỉ có thể trở thành con người thực sự, cảm nhận được phẩm giá con người, ý nghĩa cuộc sống khi anh ta được sống một cách độc lập, được tự do thực hiện các quyền vốn có của mình, miễn là anh ta không xâm phạm đến các quyền tương tự của người khác.
Định đề thứ hai của chủ nghĩa tự do liên quan đến xã hội, là hậu qủa của định đề thứ nhất, phát biểu rằng: Do cá nhân là thực thể độc lập, có các quyền tự do tự nhiên, cấu trúc chính trị-pháp lý của xã hội phải được kiến tạo theo một cách thức trung lập đối với các mục đích sống, các giá trị sống của cá nhân. Theo định đề này, công quyền chỉ nên tạo ra luật pháp cung cấp một nền tảng pháp lý trung lập để xác lập và bảo vệ các quyền tự do. Trong cách nhìn này, việc luật pháp hóa đạo đức, luật pháp hóa các chuẩn mực sống chung của một cộng đồng được cho là không chính đáng vì các cá nhân khác nhau có cách nhìn khác nhau về đạo đức, các chuẩn mực sống tốt đẹp, và họ có quyền chính đáng theo đuổi một lối tốt đẹp theo một cách tự lập, đồng thời tôn trọng các lựa chọn tương tự của các cá nhân khác. Những đại diện tiêu biểu của chủ nghĩa tự do này là triết gia Anh John Stuart Mill, triết gia gốc Áo Hayek, và triết gia Mỹ John Rawls[6].
Chủ nghĩa cộng đồng phát triển hai định đề căn bản đối lập với chủ nghĩa tự do. Thứ nhất, trong cách nhìn có tính cách cộng đồng về cá nhân, cá nhân không phải là một thực thể độc lập mà là một thực thể quan hệ. Xét về bản chất, cá nhân không thể trở thành con người một cách có ý nghĩa, với tư cách là một thực thể độc lập. Anh ta luôn là thành viên của một gia đình, làng xã, thành phố, hay một đất nước. Bản chất của anh ta được xác định dựa vào các quan hệ cộng đồng mà anh ta sở thuộc. Anh ta chỉ cảm nhận được ý nghĩa của cuộc sống, phẩm giá con người khi anh ta tương tác một cách hài hòa với người khác thuộc các cấp độ cộng đồng khác nhau. Không chỉ có quyền, anh ta còn phải có nghĩa vụ đối với cộng đồng đã định vị phẩm chất của anh ta.
 Như là một hệ quả tự nhiên của định đề thứ nhất, định đề thứ hai của chủ nghĩa cộng đồng phát biểu rằng, cần một cộng đồng tốt đẹp để nuôi dưỡng những cá nhân tốt đẹp, và do vậy, nhà nước không thể trung lập với các lựa chọn về một lối sống tốt đẹp. Nhà nước không thể và không nên đứng ngoài các vấn đề đạo đức. Người theo chủ nghĩa cộng đồng có thể viện dẫn rằng, trên thực tế nhà nước không thể đưa ra quyết định về hàng loạt những vấn đề hóc búa của một xã hội tự do, như hôn nhân đồng tính, nạo phá thai, mang thai hộ, hình phạt tử hình, mà không viện dẫn đến hoặc định hướng hay xác định các giá trị đạo đức hoặc một lối sống nhất định được cho là tốt đẹp. Sự dấn thân của nhà nước và luật pháp vào các vấn đề đạo đức bảo đảm cho một cộng đồng phát triển lành mạnh - tiền đề cho sự phát triển lành mạnh của cá nhân. Những đại biểu của chủ nghĩa cộng đồng là triết gia cổ Hy Lạp cổ đại Aristotle, triết gia cổ điển Đức Hegel, và triết gia đương đại người Mỹ Michael J. Sandel[7].
3. Thảo luận
Trở lại các sự kiện liên quan, người nhạc sĩ và các người mẫu có thể bảo vệ tính chính đáng trong hành vi của mình theo kiểu lập luận của chủ nghĩa tự do. Ví dụ, người nhạc sĩ có thể lập luận rằng, anh ta viết nhạc để biểu đạt cảm nhận của anh ta về cuộc sống, về các giá trị như là một thứ quyền tự do ngôn luận, tự do biểu đạt - một thứ quyền tự do tự nhiên, gắn cố hữu với việc tạo hóa sinh ra anh ta. Trong khi thực hiện quyền tự do biểu đạt của mình, anh ta đồng thời tôn trọng quyền tự do tương tự của người khác: Anh ta không ép người khác phải hát, phải nghe, phải mua album nhạc của anh ta. Khi người ta mạt sát sản phẩm của anh ta, anh ta dửng dưng vì nghĩ rằng người khác, cũng như anh ta, có quyền tự do biểu đạt của họ miễn họ không ngăn cản quyền tự do của anh ta. Anh ta cũng có thể phản đối việc viện dẫn đến thuần phong mỹ tục như một cơ sở được luật pháp hóa để tịch thu, tiêu hủy sản phẩm của anh ta, bởi điều này áp đặt một lối sống chung, cách nghĩ chung về giá trị lên các cá nhân tự do vốn có những cách nghĩ, cảm nhận khác nhau về một lối sống tốt đẹp. Anh ta có thể suy nghĩ rằng, tính chính đáng của luật pháp nằm ở chỗ nó xác lập và bảo vệ quyền tự do biểu đạt của anh ta thay vì xác lập một nội dung đạo đức cho các biểu đạt của cá nhân.
Tương tự như vậy, lập luận theo kiểu của chủ nghĩa tự do ủng hộ tự do biểu đạt và tự do hoạt động văn hóa nghệ thuật của các người mẫu, miễn là những người này, trong khi thực hiện các quyền đó của họ, không xâm phạm vào quyền của người khác.
Tuy nhiên, trong cách tiếp cận của chủ nghĩa cộng đồng, hành vi của vị nhạc sĩ và các người mẫu là không chính đáng. Ví dụ, người nhạc sĩ muốn tự do sáng tạo nghệ thuật, nhưng anh ta không làm nghệ thuật ở chân không. Bản thân anh ta cũng thừa nhận là anh ta cảm thấy thiếu một điều gì đó có tính bản chất khi rời khỏi mảnh đất đã sản sinh ra mình. Đứt rễ với mảnh đất này, mảnh đất đã truyền cho anh ta cảm hứng về âm nhạc truyền thống, anh ta bị hạn chế trong sáng tác. Dù anh ta không thuộc một công sở, nhưng anh ta vẫn sở thuộc vào các cộng đồng chằng chịt từ thấp đến cao: gia đình, bạn bè, làng xã, thành phố, dân tộc. Tính cách của anh ta có thể không do luật pháp và nhà nước nặn lên, nhưng không cô lập được với cộng đồng sở thuộc đó. Ngoài ra, việc âm nhạc của anh ta được cho là có nhiều dấu ấn của âm nhạc truyền thống cũng cho thấy rằng, anh ta không tự do tuyệt đối trong sáng tạo nghệ thuật mà không có những ảnh hưởng cộng đồng. Việc nhà chức trách ra lệnh tịch thu và tiêu hủy sản phẩm của anh ta có thể được biện hộ trên căn bản về sự dấn thân chính đáng của chính quyền và luật pháp vào việc bảo vệ các điều tốt cho một cộng đồng lành mạnh. Nếu vị nhạc sĩ, cũng như mọi cá nhân xã hội khác, sở thuộc một cách cố hữu vào cộng đồng, anh ta có trách nhiệm đóng góp vào việc nuôi dưỡng sự tốt đẹp của cộng đồng, và nhà cầm quyền - như là người quản lý hợp pháp đối với xã hội - có lý do để ngăn cản các hành vi của anh ta nếu nó có khả năng ảnh hưởng đến sự tốt đẹp của cộng đồng. Lập luận tương tự cũng có thể áp dụng đối với trường hợp của các người mẫu.
4. Kết luận
Cuộc tranh luận giữa chủ nghĩa tự do và chủ nghĩa cộng đồng vẫn chưa có hồi kết. Cả hai cách nhìn đều chứa đựng những rủi ro. Chủ nghĩa tự do có thể dẫn đến chủ nghĩa cá nhân cực đoan, chủ nghĩa ích kỷ, thái độ thờ ơ chính trị, suy thoái đạo đức công dân. Chủ nghĩa cộng đồng có thể dẫn đến chủ nghĩa gia trưởng, chủ nghĩa độc đoán.
Chúng tôi ủng hộ cách tiếp cận của chủ nghĩa cộng đồng được giới hạn. Cá nhân là một thực thể có những quyền chính đáng, nhưng không phải là một thực thể độc lập với cộng đồng. Anh ta có quyền tự do chính đáng, nhưng quyền không phải là mục đích, mà là phương tiện của một mục đích tốt đẹp có tính chất đạo đức. Tự do ngôn luận, tự do biểu đạt, chẳng hạn, không có một mục đích tự thân, mà là một phương tiện để các thành viên của cộng đồng cùng nhau bày tỏ cách nhìn của họ về con người, xã hội, các giá trị đáng mong muốn, nhằm xây dựng một cộng đồng tốt đẹp. Ai có quyền quyết định một giá trị như thế nào thì được gọi là tốt đẹp, đáng mong muốn cho cộng đồng? Sự kết luận quan phương và đơn phương về các ý nghĩa của các giá trị sống có thể dẫn chủ nghĩa cộng đồng đến chủ nghĩa gia trưởng và chủ nghĩa độc đoán. Những giá trị đạo đức luôn được xây dựng từ chính cộng đồng, từ xã hội. Một giá trị như thế nào được coi là đáng mong muốn cho cộng đồng, như thế nào được gọi là thuần phong mỹ tục, cần những cuộc tranh luận công cộng công khai dựa trên lý tính. Các thành viên trưởng thành của một cộng đồng cần dấn thân vào các cuộc tranh luận công cộng, công khai về các giá trị sống, không phải dựa trên cảm xúc, mà dựa trên lý tính với kiến thức và thông tin cần thiết./.
 

 


[1]Hiến pháp Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992, Điều 60.
[2]Công ước Quốc tế về các Quyền Kinh tế, Xã hội và Văn hóa, Điều 15.
[4]http://www.thanhnien.com.vn/pages/20130528/dien-trang-phuc-sexy-dem-hoi-chan-dai-7-bi-phat-35-trieu.aspx
[5]http://tuoitre.vn/Van-hoa-Giai-tri/562714/ba-tung-bi-cam-bieu-dien-tren-toan-quoc.html
[6]Xem, John Stuart Mill, Bàn về Tự do, Nguyễn Văn Trọng dịch (Nxb Tri Thức, H., 2009); Gilles Dostaler, Chủ nghĩa Tự do của Hayek, Nguyễn Đôn Phước dịch (Nxb Tri thức, H., 2008); John Rawls, A Theory of Justice (Cambridge, Mass: Harvard University Press, 1971).
[7]Xem, Aristotle, Chính trị luận, Nông Duy Trường dịch (Nxb Thế giới, H., 2012); Hegel, Các Nguyên Lý của Triết học Pháp quyền, Bùi Văn Nam Sơn dịch (Nxb Tri thức, H., 2010); Michael Sandel, Phải Trái Đúng Sai, Hồ Đắc Phương dịch (Nxb Trẻ Tp Hồ Chí Minh, 2012).

(Nguồn tin: Bài viết đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu lập pháp số 23(255), tháng 12/2013)