Hoàn thiện các quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính đối với các vi phạm về kiểm tra, khám sức khỏe, nhập ngũ thực hiện nghĩa vụ quân sự

06/04/2022

TS.CAO VŨ MINH

Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh

THS. NGUYỄN THỊ HẢI YẾN

Phòng Quản lý khoa học và Hợp tác quốc tế, Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội.

Tóm tắt: Vi phạm hành chính về khám sức khỏe và nghĩa vụ quân sự diễn ra khá phổ biến. Tuy nhiên, quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự vẫn còn một số bất cập.Trong phạm vi bài viết này, các tác giả phân tích các quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính đối với các vi phạm về kiểm tra, khám sức khỏe, nhập ngũ thực hiện nghĩa vụ quân sự; chỉ ra những bất cập và đề xuất giải pháp hoàn thiện.
Từ khóa: Nghĩa vụ quân sự, vi phạm hành chính, xử phạt vi phạm hành chính.
Abstract: Administrative violations of medical examination and military service are quite common. However, there are still some shortcomings in the law on sanctioning administrative violations for violations of medical examination, and military service.Within the scope of this article, the authors give out an analysis of a number of inadequacies in the legal provisions on sanctioning administrative violations regarding medical examination, military service and propose recommendations for further reviews and improvements.
Keywords: Military service; administrative violations; sanctioning of administrative violations.
 KHÁM-SỨC-KHỎE-QUÂN-SỰ.jpg
Ảnh minh họa: Khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự cho thanh niên (Nguồn internet)
1. Khái quát các hành vi vi phạm hành chính về kiểm tra, khám sức khỏe, nhập ngũ thực hiện nghĩa vụ quân sự
Điều 45 Hiến pháp năm 2013 quy định công dân phải thực hiện nghĩa vụ quân sự và tham gia xây dựng nền quốc phòng toàn dân”. Khoản 1 Điều 4Luật Nghĩa vụ quân sự (NVQS) năm 2015 quy định: “NVQS là nghĩa vụ vẻ vang của công dân phục vụ trong Quân đội nhân dân”. Khác với những nghĩa vụ khác áp dụng đối với cá nhân (nghĩa vụ đóng thuế), NVQS là một loại nghĩa vụ chỉ áp dụng đối với công dân[1]. Bên cạnh đó, đây còn là một nghĩa vụ vẻ vang của công dân. Sự vẻ vang, vinh dự, tự hào thể hiện ở chỗ phục vụ trong môi trường quân ngũ chính là cống hiến sức trẻ để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ hòa bình[2]. Môi trường quân ngũ với đặc tính kỷ luật nghiêm minh, tinh thần tập thể... là điều kiện tốt để mỗi cá nhân phấn đấu rèn luyện, hoàn thiện về nhân cách và trưởng thành toàn diện[3].
Mặc dù là một nghĩa vụ thiêng liêng, vẻ vang với Tổ quốc nhưng vẫn có nhiều công dân không nhận thức được vấn đề này. Trong thực tế, hành vi trốn tránh, chống đối, cản trở việc thực hiện NVQS vẫn diễn ra thường xuyên[4]. Khoản 1 Điều 59 Luật NVQS năm 2015 quy định tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà chủ thể thực hiện hành vi trốn tránh, chống đối, cản trở việc thực hiện NVQS sẽ bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Như vậy, bên cạnh trách nhiệm kỷ luật và trách nhiệm hình sự, trách nhiệm hành chính cũng được xem là một trong những giải pháp quan trọng nhằm răn đe, trừng trị chủ thể vi phạm các quy định về thực hiện NVQS. Hiện nay, việc xử phạt vi phạm hành chính (VPHC) đối với các vi phạm về thực hiện NVQS được quy định tại Nghị định số 120/2013/NĐ-CP ngày 09/10/2013 của Chính phủ (Nghị định số 120). Theo đó, các VPHC này được chia thành 06 nhóm hành vi: i) Vi phạm các quy định về đăng ký NVQS (Điều 4); ii) Vi phạm quy định sơ tuyển thực hiện NVQS (Điều 5); iii) Vi phạm quy định về kiểm tra, khám sức khỏe thực hiện NVQS (Điều 6); iv) Vi phạm quy định về nhập ngũ (Điều 7); v) Vi phạm quy định về thực hiện NVQS phục vụ tại ngũ (Điều 8); vi) Vi phạm các quy định về thực hiện NVQS (Điều 9). Trong 06 nhóm hành vi nêu trên thì vi phạm về khám sức khỏe thực hiện NVQS và vi phạm quy định về nhập ngũ rất phổ biến[5] dưới các biểu hiện sau đây:
Một là, người khám sức khỏe không có mặt đúng thời gian hoặc địa điểm khám sức khỏe ghi trong giấy gọi khám sức khỏe thực hiện NVQS mà không có lý do chính đáng. Theo đó, khi nhận được hoặc biết được giấy gọi khám sức khỏe thực hiện NVQS thì công dân phải thực hiện nghĩa vụ này. Trường hợp không có mặt đúng thời gian hoặc địa điểm khám sức khỏe ghi trong giấy gọi khám sức khỏe mà không có lý do chính đáng thì cấu thành một VPHC. Lý do chính đáng ở đây được quy định cụ thể trong Điều 5 Thông tư số 95/2014/TT-BQP ngày 07/7/2014 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng hướng dẫn thi hành Nghị định số 120 gồm: i)Người phải thực hiện việc kiểm tra hoặc khám sức khỏe thực hiện NVQS nhưng bị ốm hoặc trên đường đi bị ốm, tai nạn;ii)Thân nhân của người thực hiện NVQS gồm bố, mẹ đẻ; bố, mẹ vợ hoặc bố, mẹ chồng; người nuôi dưỡng hợp pháp; vợ hoặc chồng; con đẻ, con nuôi hợp pháp đang bị ốm nặng hoặc chết nhưng chưa tổ chức tang lễ;iii)Nhà ở của người thực hiện NVQS hoặc nhà ở của thân nhân người thực hiện NVQS nằm trong vùng đang bị thiên tai, dịch bệnh, hỏa hoạn làm ảnh hưởng đến cuộc sống; iv)Người thực hiện NVQS không nhận được giấy gọi kiểm tra hoặc khám sức khỏe thực hiện NVQS do lỗi của người hoặc cơ quan có trách nhiệm hoặc do hành vi của người khác gây khó khăn hoặc cản trở. Ngoại trừ những lý do chính đáng nêu trên, những lý do khác không được chấp nhận và người thuộc diện khám sức khỏe mà không có mặt đúng thời gian hoặc địa điểm khám sức khỏe ghi trong giấy gọi khám sức khỏe sẽ bị xử phạt VPHC.
Hai là, người khám sức khỏe gian dối làm sai lệch kết quả phân loại sức khỏe của mình nhằm trốn tránh NVQS. Hình thức vi phạm này thể hiện qua việc “gian dối làm sai lệch kết quả phân loại sức khỏe của mình” vàmục đích là “nhằm trốn tránh NVQS”. Như vậy, nếu người khám sức khỏe có hành vi gian dối để làm sai lệch kết quả phân loại sức khỏe của mình nhưng lại nhằm mục đích đạt sức khỏe cao hơn để được tuyển chọn vào binh chủng khác nhau - tức là vẫn nhập ngũ thực hiện NVQS thì không thỏa mãn cấu thành của VPHC.
Ba là, hành vi “đưa tiền hoặc các lợi ích vật chất khác cho cán bộ, nhân viên y tế để làm sai lệch kết quả phân loại sức khỏe của người khám sức khỏe thực hiện NVQS”.Hành vi này được thực hiện với lỗi cố ý, cụ thể là dùng lợi ích vật chất để tác động đến người khám sức khỏe nhằm mục đích trốn tránh NVQS.
Bốn là, cán bộ, nhân viên y tế cố ý làm sai lệch các yếu tố về sức khỏe của người khám sức khỏe thực hiện NVQS. Đây là hành vi của cán bộ, nhân viên y tế cố ý làm cho các yếu tố về sức khỏe của người khám sức khỏe thực hiện NVQS bị sai lệch. Sự sai lệch này theo ý muốn của cán bộ, nhân viên y tế, có thể là đạt sức khỏe để thực hiện NVQS hoặc là không đạt sức khỏe để không thực hiện NVQS.
Năm là, không có mặt đúng thời gian hoặc địa điểm tập trung ghi trong lệnh gọi nhập ngũ mà không có lý do chính đáng. Hành vi vi phạm này thể hiện ở việc người có lệnh gọi nhập ngũ đã trực tiếp nhận lệnh gọi nhập ngũ hoặc biết được lệnh gọi nhập ngũ nhưng không có mặt đúng thời gian hoặc địa điểm tập trung ghi trong lệnh gọi nhập ngũ mà không có lý do chính đáng. Trong trường hợp này, lý do chính đáng được quy định tương tự hành vi không có mặt đúng thời gian, địa điểm ghi trong lệnh gọi khám sức khỏe thực hiện NVQS.
2. Bất cập trong các quy định của pháp luật xử phạt vi phạm hành chính về kiểm tra, khám sức khỏe, nhập ngũ thực hiện nghĩa vụ quân sự
Thứ nhất, các quy định của Nghị định số 120 xử phạt VPHC về khám sức khỏe, nhập ngũ thực hiện NVQS không tương thích với Luật NVQS năm 2015, Luật Xử lý VPHC năm 2012 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2020.
Sau khi Luật Xử lý VPHC năm 2012 có hiệu lực, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 120 để quy định cụ thể về hành vi vi phạm, hình thức xử phạt, mức phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với các VPHC trong lĩnh vực quốc phòng. Tính đến nay, trải qua gần 8 năm triển khai thi hành, các quy định về xử phạt VPHC trong lĩnh vực quốc phòng nói chung và VPHC về khám sức khỏe, nhập ngũ thực hiện NVQS nói riêng đã không còn phù hợp với các văn bản pháp luật khác trong hệ thống pháp luật Việt Nam.
Nội dung quy định về xử phạt VPHC trong lĩnh vực quốc phòng nói chung và VPHC về khám sức khỏe, nhập ngũ thực hiện NVQS nói riêng được ban hành dựa trên cơ sở Luật Tổ chức Chính phủ năm 2001, Luật Quốc phòng năm 2005, Luật NVQS năm 1981 đã được sửa đổi, bổ sung năm 1990, 1994 và 2005. Tính đến nay, các văn bản này đã hết hiệu lực và được thay thế bằng Luật Tổ chức Chính phủ năm 2015 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2019, Luật Quốc phòng năm 2018, Luật NVQS năm 2015. Bên cạnh đó, các quy định của Luật Xử lý VPHC năm 2012 cũng đã được sửa đổi, bổ sung năm 2020[6]. Để bảo đảm tính hợp pháp, tính thống nhất của văn bản quy phạm pháp luật trong hệ thống pháp luật, cần thiết phải sửa đổi Nghị định số 120.
Thứ hai, một số hành vi bị cấm trong Luật NVQS năm 2015 chưa xác định được chế tài tương ứng trong pháp luật xử phạt VPHC.
Theo quy định của khoản 1 Điều 10 Luật NVQS năm 2015, trốn tránh thực hiện NVQS là hành vi bị nghiêm cấm. Khoản 8 Điều 3 Luật NVQS năm 2015 giải thích, “trốn tránh thực hiện NVQS là hành vi không chấp hành lệnh gọi đăng ký NVQS; lệnh gọi khám sức khỏe NVQS; lệnh gọi nhập ngũ; lệnh gọi tập trung huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiến đấu”. Như vậy, trốn tránh thực hiện NVQS bao gồm các hành vi: i) Không chấp hành lệnh gọi đăng ký NVQS; ii) Không chấp hành lệnh gọi khám sức khỏe NVQS; iii) Không chấp hành lệnh gọi nhập ngũ; iv) Không chấp hành lệnh gọi tập trung huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiến đấu.
Hiện nay, khoản 1 Điều 6 Nghị định số 120 quy định xử phạt từ 800.000 đồng đến 1.200.000 đồng đối với hành vi “không có mặt đúng thời gian hoặc địa điểm khám sức khỏe ghi trong giấy gọi khám sức khỏe thực hiện NVQS mà không có lý do chính đáng”. Câu hỏi đặt ra là “nếu chủ thể có mặt đúng thời gian, đúng địa điểm khám sức khỏe nhưng lại không chịu khám sức khỏe thì có bị xử phạt hay không?”. Căn cứ vào câu chữ quy định tại khoản 1 Điều 6 Nghị định số 120/2013/NĐ-CP thì rõ ràng không thể xử phạt bởi chủ thể vẫn có mặt đúng thời gian, đúng địa điểm khám sức khỏe theo lệnh gọi.
Việc “không có mặt đúng thời gian hoặc địa điểm khám sức khỏe mà không có lý do chính đáng” có thể là “không chấp hành lệnh gọi khám sức khỏe”. Tuy nhiên, hành vi “không chấp hành lệnh gọi khám sức khỏe” hoàn toàn có thể diễn ra mặc dù công dân có mặt đúng thời gian, địa điểm khám sức khỏe. Như vậy, có thể thấy, hành vi “không chấp hành lệnh gọi khám sức khỏe” có nội hàm pháp lý rộng hơn “không có mặt đúng thời gian hoặc địa điểm khám sức khỏe ghi trong giấy gọi khám sức khỏe thực hiện NVQS mà không có lý do chính đáng”. Do đó, nếu hành vi nào tuy có dấu hiệu “không chấp hành lệnh gọi khám sức khỏe” nhưng không phải là “không có mặt đúng thời gian hoặc địa điểm khám sức khỏe mà không có lý do chính đáng” thì người có thẩm quyền sẽ không thể xử phạt.
Tương tự, khoản 1 Điều 7 Nghị định số 120 quy định hành vi không có mặt đúng thời gian hoặc địa điểm tập trung ghi trong lệnh gọi nhập ngũ mà không có lý do chính đáng” sẽ bị phạt tiền từ 1.500.000 đồng đến 2.500.000 đồng. Tuy nhiên, trong trường hợp người có lệnh nhập ngũ có mặt đúng thời gian, địa điểm nhưng lại không chấp hành lệnh gọi nhập ngũ thì lại không có căn cứ để xử phạt. Trên thực tế, người có lệnh nhập ngũ có mặt đúng thời gian, địa điểm nhưng không đồng ý mặc quân trang, không đồng ý cho kiểm tra lại sức khỏe hoặc không đồng ý lên xe để về đơn vị nhận quân của Quân đội… vẫn thường xuyên xảy ra. Do đó, nếu chỉ căn cứ vào quy định tại khoản 1 Điều 7 Nghị định số 120 thì không thể xử phạt hành vi trên.
Có thể thấy, hành vi “không có mặt đúng thời gian hoặc địa điểm tập trung ghi trong lệnh gọi nhập ngũ mà không có lý do chính đáng” “không chấp hành lệnh gọi nhập ngũ” là rất khác nhau. Việc trốn tránh, không có mặt đúng thời gian hoặc địa điểm tập trung ghi trong lệnh gọi nhập ngũ mà không có lý do chính đáng chính là không chấp hành lệnh gọi nhập ngũ. Tuy nhiên, hành vi không chấp hành lệnh gọi nhập ngũ vẫn có thể diễn ra mặc dù công dân có mặt đúng thời gian hoặc địa điểm tập trung ghi trong lệnh gọi nhập ngũ. Do đó, các hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 7 Nghị định số 120 đã không bao quát hết các vi phạm về “không chấp hành lệnh gọi nhập ngũ”.
Điều 332 Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2017 (BLHS năm 2015) về quy định Tội trốn tránh thực hiện NVQS. Theo đó, người nào không chấp hành đúng quy định của pháp luật về đăng ký NVQS, không chấp hành lệnh gọi nhập ngũ, lệnh gọi tập trung huấn luyện, đã bị xử phạt VPHC về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm. Như vậy, hành vi trốn tránh thực hiện NVQS bị truy cứu trách nhiệm hình sự chỉ áp dụng đối với: a) Không chấp hành đúng quy định của pháp luật về đăng ký NVQS; b) Không chấp hành lệnh gọi nhập ngũ; c) Không chấp hành lệnh gọi tập trung huấn luyện. Đối chiếu quy định tại khoản 8 Điều 3 Luật NVQS năm 2015 và Điều 332 BLHS năm 2015 sẽ thấy sự không tương thích. Cụ thể, theo Điều 332 BLHS năm 2015, hành vi “không chấp hành lệnh gọi đăng ký NVQS”, “không chấp hành lệnh gọi nhập ngũ”, “không chấp hành lệnh gọi tập trung huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiến đấu” có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu đã bị xử phạt VPHC.
Đối với hành vi “không chấp hành lệnh gọi khám sức khỏe NVQS”, như đã đề cập trên đây, nếu không có dấu hiệu không có mặt đúng thời gian hoặc địa điểm tập trung ghi trong lệnh gọi nhập ngũ mà không có lý do chính đáng” thì người có thẩm quyền không thể xử phạt VPHC. Một khi không bị xử phạt VPHC thì cũng không thể truy cứu trách nhiệm hình sự. Bất cập này dẫn đến thực trạng là hành vi không chấp hành lệnh gọi khám sức khỏe NVQS nếu được thực hiện trong khoảng thời gian và tại địa điểm khám sức khỏe thì không bị xử phạt VPHC. Vi phạm này cũng không thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự mặc dù chủ thể thực hiện hành vi nhiều lần[7].
Tương tự, đối với hành vi “không chấp hành lệnh gọi nhập ngũ”, pháp luật hiện hành không quy định đầy đủ về chế tài hành chính. Cụ thể, hành vi không chấp hành lệnh gọi nhập ngũ nếu được thực hiện trong khoảng thời gian vàtại địa điểm tập trung ghi trong lệnh gọi nhập ngũ thì không thể xử phạt. Từ bất cập này lại dẫn đến vướng mắc trong việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi “không chấp hành lệnh gọi nhập ngũ”. Cụ thể, theo Điều 332 BLHS năm 2015, hành vi “không chấp hành lệnh gọi nhập ngũ” sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi người vi phạm đã bị xử phạt VPHC. Do không bị xử phạt VPHC thì không thể thỏa mãn điều kiện tiên quyết để truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội trốn tránh thực hiện NVQS[8].
Thứ ba, Nghị định số 120 chưa bao quát hết những sai phạm về khám sức khỏe, nhập ngũ thực hiện NVQS.
Theo điểm b khoản 2 Điều 6 Nghị định số 120, hành vi “đưa tiền hoặc các lợi ích vật chất khác cho cán bộ, nhân viên y tế để làm sai lệch kết quả phân loại sức khỏe của người khám sức khỏe thực hiện NVQS” sẽ bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng. Như vậy, để xác định có VPHC hay không thì người có thẩm quyền phải chứng minh được hành vi “đưa tiền hoặc các lợi ích vật chất khác” cho cán bộ, nhân viên y tế để làm sai lệch kết quả phân loại sức khỏe của người khám sức khỏe thực hiện NVQS. Câu hỏi đặt ra là “nếu tổ chức, cá nhân không dùng tiền hoặc các lợi ích vật chất khác mà dùng các lợi ích phi vật chất nhằm mục đích để cán bộ, nhân viên y tế làm sai lệch kết quả phân loại sức khỏe của người khám sức khỏe thực hiện NVQS thì có vi phạm hay không?”. Các tác giả cho rằng, trong cấu thành của VPHC này, “tiền hoặc các lợi ích vật chất khác” được xem là dấu hiệu bắt buộc. Do đó, nếu không có “tiền hoặc các lợi ích vật chất khác” mà là các “lợi ích phi vật chất” thì người có thẩm quyền không thể xử phạt. Thực tiễn cho thấy, rất nhiều trường hợp lợi ích mà người có chức vụ, quyền hạn nói chung và cán bộ, nhân viên y tế nói riêngnhận được là lợi ích phi vật chất như tình dục, sự ca ngợi, tôn vinh một cách không chính đáng, việc làm[9]… Xét về tính chất, việc người có chức vụ, quyền hạn nói chung và cán bộ, nhân viên y tế nhận lợi ích vật chất hay phi vật chất từ người đưa hối lộ thì tính nguy hiểm của hành vi là như nhau[10]. Do đó, việc đưa lợi ích phi vật chất cho cán bộ, nhân viên y tế để làm sai lệch kết quả phân loại sức khỏe của người khám sức khỏe thực hiện NVQS mà lại không bị xử phạt là một điều bất hợp lý.
Thứ tư, Nghị định số 120 không quy định thẩm quyền xử phạt VPHC về khám sức khỏe, nhập ngũ thực hiện NVQS cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) cấp xã dẫn đến vướng mắc trong việc áp dụng pháp luật.
VPHC xảy ra phổ biến ở nhiều ngành, nhiều lĩnh vực khác nhau, kèm theo đó là những hậu quả cần được giải quyết nhanh chóng, kịp thời. Do đó, bên cạnh việc áp dụng các hình thức xử phạt để răn đe cá nhân, tổ chức VPHC, pháp luật còn áp dụng các biện pháp nhất định nhằm khắc phục hậu quả do VPHC gây ra. Đối với hành vi “không có mặt đúng thời gian hoặc địa điểm kiểm tra, khám sức khỏe ghi trong giấy gọi kiểm tra, khám sức khỏe thực hiện NVQS mà không có lý do chính đáng”, ngoài hình thức phạt tiền (từ 800.000 đồng đến 1.200.000 đồng), người vi phạm còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả “buộc thực hiện kiểm tra hoặc khám sức khỏe theo kế hoạch của Hội đồng NVQS”. Đối với hành vi “người khám sức khỏe gian dối làm sai lệch kết quả phân loại sức khỏe của mình nhằm trốn tránh NVQS” hoặc “cán bộ, nhân viên y tế cố ý làm sai lệch các yếu tố về sức khỏe của người khám sức khỏe thực hiện NVQS” thì ngoài việc bị phạt tiền (từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng), người vi phạm còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả “buộc thực hiện lại việc khám sức khỏe đối với người được khám sức khỏe thực hiện NVQS”. Đối với hành vi “đưa tiền hoặc các lợi ích vật chất khác cho cán bộ, nhân viên y tế để làm sai lệch kết quả phân loại sức khỏe của người khám sức khỏe thực hiện NVQS” thì ngoài việc bị phạt tiền (từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng), người vi phạm còn bị áp dụng đồng thời hai biện pháp khắc phục hậu quả “buộc thực hiện lại việc khám sức khỏe đối với người được khám sức khỏe thực hiện NVQS”“buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do VPHC”. Đối với hành vi “không có mặt đúng thời gian hoặc địa điểm tập trung ghi trong lệnh gọi nhập ngũ mà không có lý do chính đáng” thì ngoài việc bị phạt tiền (từ 1.500.000 đồng đến 2.500.000 đồng), người vi phạm còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả “buộc chấp hành lệnh gọi nhập ngũ”. Như vậy, đối với tất cả VPHC về khám sức khỏe, nhập ngũ thực hiện NVQS thì người vi phạm đều bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả.
Theo khoản 4 Điều 52 Luật Xử lý VPHC năm 2012, thẩm quyền xử phạt VPHC phải căn cứ vào hình thức, mức xử phạt, trị giá tang vật, phương tiện VPHC bị tịch thu và biện pháp khắc phục hậu quả được quy định đối với từng HVVP. Khoản 1 Điều 37 Nghị định số 120 quy định Chủ tịch UBND cấp xã có quyền phạt cảnh cáo, phạt tiền đến 5.000.000 đồng trong lĩnh vực quốc phòng. Tuy nhiên, Chủ tịch UBND cấp xã lại không có quyền áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả “buộc thực hiện kiểm tra hoặc khám sức khỏe theo kế hoạch của Hội đồng NVQS”; “buộc thực hiện lại việc khám sức khỏe đối với người được khám sức khỏe thực hiện NVQS”; “buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do VPHC”; “buộc chấp hành lệnh gọi nhập ngũ”.
Nếu chỉ xét riêng về thẩm quyền phạt tiền thì Chủ tịch UBND cấp xã hoàn toàn đủ thẩm quyền xử phạt đối với các VPHC về khám sức khỏe, nhập ngũ thực hiện NVQS. Tuy nhiên, do Chủ tịch UBND cấp xã không có thẩm quyền áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả đối với các VPHC về khám sức khỏe, nhập ngũ thực hiện NVQS nên không có quyền xử phạt. Điều này dẫn đến thực trạng có những hành vi vi phạm mà mức tiền phạt thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND cấp xã nhưng do áp dụng đồng thời các biện pháp khắc phục hậu quả nên phải chuyển lên cấp trên. Đây là phương án đi ngược lại với chủ trương mở rộng thẩm quyền cho cấp dưới, cấp cơ sở, đồng thời cũng đi ngược lại với phân cấp quản lý nhà nước về hoạt động xử phạt và mâu thuẫn với nguyên tắc xác định thẩm quyền xử phạt dựa trên tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi[11].
3. Kiến nghị hoàn thiện
Thứ nhất, nhằm bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, đáp ứng yêu cầu về tính hợp pháp là văn bản quy định chi tiếtphải được ban hành để có hiệu lực cùng thời điểm có hiệu lực của văn bản được quy định chi tiết[12], cần sớm ban hành nghị định mới thay thế Nghị định số 120. Trong quy định về xử phạt vi phạm hành chính về kiểm tra, khám sức khỏe, nhập ngũ thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghị định cần lưu ý một số điểm sau đây:
Một là, quy định cụ thể chế tài đối với hành vi “không chấp hành lệnh gọi khám sức khỏe” và “không chấp hành lệnh gọi nhập ngũ”[13].
Hai là, theo khoản 7 Điều 3 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018, hành vi tham nhũng không chỉ nhằm đạt được lợi ích vật chất, mà còn nhằm đạt lợi ích phi vật chất. Do đó, nhằm bảo đảm sự tương thích với Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018, quy định xử phạt đối với hành vi “đưa tiền hoặc các lợi ích vật chất khác cho cán bộ, nhân viên y tế để làm sai lệch kết quả phân loại sức khỏe của người khám sức khỏe thực hiện NVQS” cần được bổ sung cụm từ “lợi ích phi vật chất” vào cấu thành của VPHC.
Thứ hai, như đã phân tích ở trên đây, Luật Xử lý VPHC năm 2012 quy định việc áp dụng biện pháp “buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện VPHC thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND cấp huyện và Chủ tịch UBND cấp tỉnh. Do đó, ngoại trừ hành vibị áp dụng biện pháp “buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp”, các VPHC về khám sức khỏe, nhập ngũ thực hiện NVQS bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả khác, các tác giả cho rằng, nên giao cho Chủ tịch UBND cấp xã. Thực chất, các biện pháp “buộc thực hiện kiểm tra hoặc khám sức khỏe theo kế hoạch của Hội đồng NVQS”, “buộc thực hiện lại việc khám sức khỏe đối với người được khám sức khỏe thực hiện NVQS”, “buộc chấp hành lệnh gọi nhập ngũ” không có nội dung pháp lý mới vì nó được bao hàm trong biện pháp “buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu”[14]. Vì vậy, các biện pháp này có thể được quy định nằm trong phạm vi thẩm quyền của Chủ tịch UBND cấp xã.
Thứ ba, nhằm bảo đảm sự thống nhất giữa Luật Xử lý vi phạm hành chính với Luật Hình sự, cần sửa đổi BLHS năm 2015 theo hướng quy định chế tài xử lý hình sự đối với hành vi “không chấp hành lệnh gọi khám sức khỏe thực hiện NVQS”. Cụ thể, Điều 332 BLHS năm 2015 cần được sửa đổi như sau: người nào không chấp hành đúng quy định của pháp luật về đăng ký NVQS, không chấp hành lệnh gọi khám sức khỏe thực hiện NVQS, không chấp hành lệnh gọi nhập ngũ, lệnh gọi tập trung huấn luyện, đã bị xử phạt VPHC về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm”./.          
  

 


[1] Phan Nhật Thanh “Nhận thức sự khác biệt giữa quyền con người và quyền công dân”, Tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam, số 3, 2020.
[2] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 9, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, năm 2011, tr.226.
[3] Tô Viết Báo, “Tổ chức thực hiện tốt công tác tuyển quân theo Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015”, Tạp chí Quốc phòng toàn dân, số 1, năm 2016.
[4] Phạm Đức Việt, “Bàn về tội trốn tránh nghĩa vụ quân sự”, Tạp chí Kiểm sát, số 5, năm 2021.
[5] Báo cáo số 2638/BC-BCH ngày 18/12/2020 của Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Sóc Trăng về công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính từ năm 2013 đến năm 2020.
[6] Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2020 (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2022) đã sửa đổi, bổ sung nội dung của 66/ 142 điều (trong đó 16 điều sửa đổi, bổ sung toàn diện), sửa kỹ thuật 11/ 142 điều, bổ sung mới 04 điều, bãi bỏ 03 điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012.
[7] Công văn số 5887/VKSTC-V14 ngày 05/12/2019 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao về việc giải đáp một số khó khăn, vướng mắc liên quan đến quy định của Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng Hình sự và thi hành án hình sự.
[8] Nguyễn Cảnh Hợp, “Định kiến hành chính trong luật hình sự Việt Nam”, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, số 16, năm 2021.
[9] Nguyễn Văn Thuyết (chủ biên), Bình luận những điểm mới của Bộ luật Hình sự hiện hành, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, năm 2018, tr.458.
[10] Đào Phương Thanh, “Quy định của Bộ luật Hình sự về dấu hiệu định tội đối với tội nhận hối lộ”, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, số 2, năm 2021.
[11] Nguyễn Cảnh Hợp - Mai Thị Lâm, “Quy định thẩm quyền xử phạt theo tỷ lệ phần trăm có khống chế mức trần: Ưu điểm hay hạn chế?”, Tạp chí Khoa học pháp lý, số 06, 2015.
[12] Điều 11 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2020.
[13] Tác giả cho rằng cần bổ sung hành vi vi phạm các quy định về khám sức khỏe thực hiện NVQS là “không nhận lệnh gọi khám sức khỏe và không chấp hành lệnh gọi khám sức khỏe thực hiện NVQS”. Đối với Điều 7 về vi phạm quy định về nhập ngũ thực hiện NVQS là “không nhận lệnh gọi nhập ngũ thực hiện NVQS và không chấp hành lệnh gọi nhập ngũ thực hiện NVQS”.
[14] Trương Tư Phước, “Hoàn thiện quy định của pháp luật về biện pháp khắc phục hậu quả buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu”,Tạp chí Khoa học pháp lý, số 7, năm 2019.

(Nguồn tin: Bài viết được đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 01 (449), tháng 01/2022.)