Hình thức hợp đồng mua bán hàng hóa trong kinh doanh, thương mại thông qua mạng xã hội

31/03/2022

TS. TRƯƠNG VĨNH XUÂN

Học viện Chính trị khu vực IV.

Tóm tắt: Mạng xã hội được ứng dụng ngày càng nhiều trong đời sống, bao gồm giao kết hợp đồng mua bán hàng hóa trong kinh doanh, thương mại. Tuy nhiên, khung pháp luật điều chỉnh hình thức hợp đồng trong giao kết hợp đồng thông qua mạng xã hội chưa hoàn chỉnh. Đây là bất cập cần phải hoàn thiện như ban hành văn bản pháp luật có giá trị cao hơn điều chỉnh thành lập, tổ chức và hoạt động của mạng xã hội, tăng cường vai trò, trách nhiệm của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mạng xã hội và các quy định của pháp luật về hình thức hợp đồng thông qua mạng xã hội.
Từ khóa: Mạng xã hội, hình thức hợp đồng thông qua mạng xã hội.
Abstract: Social networks are increasingly applied in life, including entering into contracts for the sale of goods in business and commerce. However, several current regulations are still unclear, especially on the form of contracts through social networks. This is an inadequacy that needs to be improved such as promulgating legal documents of higher value than regulating the establishment, organization and operation of social networks, strengthening the roles and responsibilities of enterprises providing social networking services and legal regulations on the form of contracts through social networks.
Keywords: Social networks; form of contract through social networks.
 ban-hang-tren-mang-xa-hoi_1.jpg
Ảnh minh họa: Nguồn internet
1. Hình thức hợp đồng mua bán hàng hóa trong kinh doanh, thương mại
Hợp đồng được tạo ra bởi sự thỏa thuận/sự ưng thuận của hai hoặc nhiều bên[1] (gọi là các bên). Sự thỏa thuận là sự thống nhất ý chí của các bên, nhằm xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự[2], là tiền đề hình thành hợp đồng giữa các bên trong hợp đồng. Hợp đồng mua bán hàng hóa trong kinh doanh, thương mại khác với các hợp đồng khác ở chủ thể tham gia hợp đồng, đối tượng hợp đồng và mục đích tham gia hợp đồng.
Chủ thể tham gia hợp đồng mua bán hàng hóa trong kinh doanh, thương mại phải là thương nhân, bao gồm tổ chức kinh tế được thành lập hợp pháp, cá nhân hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên và có đăng ký kinh doanh[3].
Đối tượng của hợp đồng mua bán hàng hóa là tất cả các loại động sản, kể cả động sản hình thành trong tương lai và những vật gắn liền với đất đai[4].
Mục đích của hợp đồng mua bán hàng hóa giữa các bên là nhằm mục đích sinh lợi[5].
Tuy nhiên, hợp đồng nói chung, hợp đồng mua bán hàng hóa trong kinh doanh, thương mại nói riêng phải được thể hiện ra bên ngoài, biểu hiện bằng một hình thức nhất định. Do vậy, hình thức hợp đồng là sự biểu hiện ra bên ngoài của nội dung hợp đồng, gồm tổng hợp các cách thức, thủ tục, phương tiện để thể hiện và công bố ý chí của các bên, ghi nhận nội dung của hợp đồng và là biểu hiện cho sự tồn tại của hợp đồng[6].
Theo quy định của Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2015, giao dịch dân sự được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể. Trong đó, giao dịch dân sự thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử được coi là giao dịch bằng văn bản[7]. Dựa trên nguyên tắc chung đó, Luật Thương mại năm 2005 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2019 (Luật Thương mại) quy định về hình thức hợp đồng mua bán hàng hóa được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc được xác lập bằng hành vi cụ thể[8].
Thứ nhất, hình thức hợp đồng mua bán hàng hóa trong kinh doanh, thương mại được thể hiện bằng lời nói.
Lời nói là những gì con người nói trong một hoàn cảnh giao tiếp cụ thể, là sản phẩm cụ thể của hoạt động ngôn ngữ[9]. Thông qua hệ thống các cơ quan của con người làm cho ngôn ngữ được phát ra nên pháp luật dùng thuật ngữ “bằng lời nói” để chỉ hình thức hợp đồng. Thông qua lời nói, các thông tin về các nội dung cơ bản của hợp đồng được các bên giao kết hợp đồng thể hiện và thống nhất trong quá trình thương thảo hợp đồng (đề nghị giao kết và chấp nhận giao kết). Khi các bên thỏa thuận được các nội dung của hợp đồng thì đồng nghĩa với hợp đồng đã được giao kết và có hiệu lực.
Thứ hai, hình thức của hợp đồng mua bán hàng hóa trong kinh doanh, thương mại được thể hiện bằng văn bản.
 Văn bản là bản viết hoặc in, mang nội dung là những gì cần được ghi để lưu lại làm bằng. Nó là một chuỗi ký hiệu ngôn ngữ, hay nói chung là những ký hiệu thuộc về một hệ thống nào đó, làm thành một chỉnh thể mang một nội dung ý nghĩa trọn vẹn[10]. Hệ thống các câu, các đoạn văn sẽ ghi nhận đầy đủ những nội dung cơ bản của hợp đồng và các bên cùng ký tên xác nhận, làm cho hợp đồng mua bán hàng hóa trong kinh doanh thương mại xác thực về nội dung đã cam kết, có tính tin cậy cao.
Theo quy định của Điều 15 Luật Thương mại, các hình thức có giá trị tương đương văn bản bao gồm điện báo, telex, fax, thông điệp dữ liệu và các hình thức khác theo quy định của pháp luật. Điều này hoàn toàn phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về hợp đồng mua bán quốc tế (Công ước Viên năm 1980)[11], quy định của BLDS năm 2015 về hợp đồng nói chung, bao gồm hợp đồng mua bán hàng hóa trong kinh doanh, thương mại thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử được coi là giao dịch bằng văn bản.
Phương tiện điện tử là phương tiện hoạt động dựa trên công nghệ điện, điện tử, kỹ thuật số, từ tính, truyền dẫn không dây, quang học, điện từ hoặc công nghệ tương tự[12]. Trên cơ sở phương tiện điện tử, các thông điệp dữ liệu là thông tin được tạo ra, được gửi đi, được nhận và được lưu trữ[13]. Biểu hiện của thông điệp dữ liệu là các hình thức trao đổi dữ liệu điện tử, chứng từ điện tử, thư điện tử, điện tín, điện báo, fax và các hình thức tương tự khác[14]. Vì vậy, các hình thức mua bán hàng hóa trong kinh doanh, thương mại qua các trang thương mại điện tử[15] như Shopee.vn, Lazada.vn, Tiki.vn, Sendo.vn, Adayroi.com, Lotte.vn, thegioididong.com, dienmayxanh.com, chotot.com. vatgia.com… hoặc qua Sở giao dịch mua bán hàng hóa (sử dụng hệ thống phần mềm giao dịch CQG[16]) đều là hình thức giao dịch bằng văn bản.
Để bảo vệ cho trật tự an toàn xã hội, sự an toàn của người tham gia giao dịch, ngoài việc phải thể hiện ý chí đích thực của mình, trong một số trường hợp, các chủ thể tham gia giao dịch phải tuân theo quy định của pháp luật về hình thức của hợp đồng[17] nói chung, hợp đồng mua bán hàng hóa trong kinh doanh, thương mại nói riêng như: phải có công chứng hoặc chứng thực, phải đăng ký[18].
Thứ ba, hình thức của hợp đồng mua bán hàng hóa trong kinh doanh, thương mại được thể hiện bằng hành vi cụ thể.
Đó là hành động, là xử sự có ý thức của các bên. Thông thường, hình thức hợp đồng bằng hành vi cụ thể được sử dụng khi bên thực hiện hành vi giao kết hợp đồng đã biết rõ nội dung của hợp đồng và chấp nhận tất cả các điều kiện mà bên kia đưa ra, và bên kia không loại trừ việc trả lời bằng hành vi hoặc không đưa ra một yêu cầu rõ ràng về hình thức của sự trả lời chấp nhận[19]
2. Mạng xã hội và sự tác động của nó đối với hình thức hợp đồng mua bán hàng hóa trong kinh doanh, thương mại
Sự xuất hiện của mạng xã hội (social network) trong đời sống là sự thay đổi của cuộc sống phát sinh từ nhu cầu của con người. Về bản chất, mạng xã hội là một cấu trúc xã hội hình thành bởi một nhóm các chủ thể xã hội (cá nhân hoặc tổ chức) thông qua các mối liên hệ song phương và các tương tác khác giữa họ. Do vậy, ở quy mô nhỏ, hai người có mối quan hệ nhất định thì cũng là mạng xã hội[20]. Tuy nhiên, nhờ sự phát triển của internet, mạng xã hội mới được hiểu rộng như ngày nay.
Nhìn chung, mạng xã hội là dịch vụ nối kết các thành viên cùng sở thích trên Internet lại với nhau với nhiều mục đích khác nhau, không phân biệt không gian và thời gian. Năm 2009, khi Facebook chính thức bước chân vào thị trường Việt Nam, mạng xã hội ở Việt Nam phát triển mạnh mẽ, đồng thời xuất hiện nhiều mạng xã hội của riêng mình như Zing me, VNG, Banbe.net, Go.vn… Năm 2017, khái niệm về mạng xã hội đã thay đổi hoàn toàn nhờ tính năng Livestream. Mạng xã hội giờ đóng vai trò như một nguồn cung cấp tin, giải trí và những video live giúp chúng ta lập tức có được một cái nhìn trực diện vào thế giới[21].
 Trong quan hệ hợp đồng, mạng xã hội tác động to lớn đến giao kết và thực hiện hợp đồng mua bán hàng hóa cũng như tác động đến hình thức hợp đồng mua bán hàng hóa trong kinh doanh, thương mại. Bên cạnh sự tiện lợi mà mạng xã hội mang đến, việc giao kết hợp đồng mua bán hàng hóa trong kinh doanh, thương mại thông qua mạng xã hội cũng đặt ra một số vấn đề sau đây:
- Trường hợp hợp đồng mua bán hàng hóa trong kinh doanh, thương mại giao kết qua mạng xã hội được coi là hình thức bằng lời nói.
Giả sử chúng ta đồng ý với quan điểm thỏa thuận hợp đồng qua mạng xã hội là hợp đồng bằng lời nói. Sau khi thỏa thuận các nội dung cơ bản của hợp đồng, bên sau cùng trả lời là “ok” hoặc trả lời bằng biểu tượng “Like” (thích: ) và sẽ không có bất cập gì nếu hợp đồng thực hiện và không có bất kỳ tranh chấp nào xảy ra. Nhưng ngược lại, mặc dù bên sau cùng trả lời là “ok” hoặc trả lời bằng biểu tượng “Like” nhưng có tranh chấp và họ lập luận tin nhắn “OK”, nút “Like” chỉ có nghĩa đã nhận được những nội dung cơ bản của hợp đồng mà chưa phản ánh là đồng ý hoàn toàn hay chưa. Tin nhắn “OK”, nút “Like” hoàn toàn khác với tin nhắn “Tôi đồng ý”.
 - Trường hợp hợp đồng mua bán hàng hóa trong kinh doanh, thương mại thông qua mạng xã hội được coi là hình thức văn bản.
            Pháp luật hiện hành không quy định hợp đồng mua bán hàng hóa trong kinh doanh, thương mại thông qua mạng xã hội là hình thức văn bản. Tuy nhiên, chúng ta có thể xem xét những tình huống như sau:
Tình huống 1: mạng xã hội là phương tiện chuyển tải thông tin hình ảnh văn bản hợp đồng mua bán hàng hóa trong kinh doanh, thương mại.
Một bên (tạm gọi là bên A) ký hợp đồng (bằng chữ ký sống) và chụp hình bản hợp đồng gửi cho bên còn lại (tạm gọi là bên B). Bên B nhận hình ảnh hợp đồng thông qua mạng xã hội, in hợp đồng, ký hợp đồng (bằng chữ ký sống) và chụp lại hợp đồng, gửi lại cho bên A bằng mạng xã hội. Khi tin nhắn hình ảnh hợp đồng đến tài khoản mạng xã hội của bên A, thông tin hiển thị “đã xem”, hoặc được bên A trả lời bằng biểu tượng “Like” hoặc “OK”. Trong trường hợp này, hợp đồng mua bán hàng hóa trong kinh doanh, thương mại có hiệu lực từ thời điểm bên B ký (bằng chữ ký sống), khi tài khoản mạng xã hội của bên A hiển thị “đã xem”, khi bên B nhận được biểu tượng “Like” hoặc “OK” hay có hiệu lực tại thời điểm bên A phải trả lời cụ thể “đã nhận được hợp đồng”.
Tình huống 2: mạng xã hội là phương tiện chuyển tải tệp (file) (định dạng word hoặc pdf hoặc một định dạng khác do các bên thoả thuận) hợp đồng mua bán hàng hóa trong kinh doanh, thương mại có chèn (insert) chữ ký hình ảnh.
Bên A ký hợp đồng, chèn chữ ký hình ảnh và gửi cho bên B. Bên B nhận hợp đồng, chèn chữ ký hình ảnh và gửi lại cho bên A. Trong tình huống này, có hai vấn đề đặt ra: một là, chữ ký hình ảnh trong file và thông tin tài khoản mạng xã hội có đáng tin cậy và được các bên chấp thuận làm bằng trong trường hợp tranh chấp hợp đồng xảy ra; và hai là, hợp đồng có hiệu lực kể từ thời điểm bên B nhận hợp đồng, chèn chữ ký hình ảnh và gửi cho bên A hay thời điểm bên A nhận được thông tin hình ảnh file hợp đồng.
Theo quy định hiện hành, hợp đồng có hiệu lực từ thời điểm giao kết, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật liên quan có quy định khác[22]. Với quy định này, pháp luật thừa nhận đồng thời hai loại thời điểm khác nhau: thời điểm giao kết và thời điểm có hiệu lực của hợp đồng. Tuy nhiên, chúng ta vẫn chưa dự liệu được thời điểm giao kết và thời điểm có hiệu lực trong trường hợp hợp đồng mua bán hàng hóa trong kinh doanh, thương mại được giao kết qua mạng xã hội.
3. Hoàn thiện pháp luật về hình thức hợp đồng trong kinh doanh, thương mại thông qua mạng xã hội
 Để điều chỉnh hình thức hợp đồng được giao kết qua mạng xã hội, pháp luật cần hoàn thiện một số nội dung sau:
            Thứ nhất, mạng xã hội cần phải được điều chỉnh ở văn bản pháp luật có giá trị pháp lý cao hơn.
            Mạng xã hội hiện nay được điều chỉnh ở Nghị định số 72/NĐ-CP[23] và các văn bản hướng dẫn[24]. Tuy nhiên, trước nhu cầu và mức ảnh hưởng của mạng xã hội đối với đời sống xã hội nói chung, đối với lĩnh vực kinh tế nói riêng (trong đó bao gồm giao kết và thực hiện hợp đồng trong kinh doanh, thương mại), các quy định của các văn bản dưới luật đã bộc lộ nhiều hạn chế và mạng xã hội cần thiết phải được điều chỉnh ở văn bản có giá trị pháp lý cao hơn như luật.
            Văn bản luật điều chỉnh mạng xã hội phải thể hiện những nội dung sau:
- Quy định về thống nhất các thuật ngữ về mạng xã hội.
- Quy định về thủ tục thiết lập mạng xã hội.
- Các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của các mạng xã hội.
- Quy định về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của doanh nghiệp thiết lập mạng xã hội; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của người sử dụng dịch vụ mạng xã hội. Các quy định quan tâm đến trách nhiệm của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mạng xã hội trong lưu trữ thông tin và phối hợp với các cá nhân, tổ chức và các cơ quan có thẩm quyền trong cung cấp thông tin khi có yêu cầu.
- Quy định trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật điều chỉnh tổ chức và hoạt động của mạng xã hội.
            Thứ hai, tăng cường vai trò, trách nhiệm của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mạng xã hội trong việc cung cấp thông tin lưu trữ về dữ liệu trao đổi giữa các bên qua mạng xã hội nói chung, về nội dung trao đổi hợp đồng mua bán hàng hóa trong kinh doanh, thương mại nói riêng làm chứng cứ chứng minh khởi kiện vụ án.
            Hiện nay, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định rất cụ thể về cung cấp chứng cứ và chứng minh trong tố tụng dân sự[25], trách nhiệm cung cấp tài liệu, chứng cứ của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền[26];quy định thẩm quyền của những người có thẩm quyền như thẩm phán, thẩm tra viên, đương sự… trong “tiến hành thu thập, xác minh chứng cứ”, nhưng những quy định này chủ yếu là sau khi tòa án đã thụ lý vụ kiện. Tuy nhiên, khi có tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa trong kinh doanh, thương mại xuất hiện, người khởi kiện phải có nghĩa vụ chứng minh và tòa án có cơ sở để thụ lý vụ án. Điều bất cập là người khởi kiện hoặc đại diện người khởi kiện sẽ không thuận lợi khi yêu cầu doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mạng xã hội trong cung cấp thông tin lưu trữ liên quan đến tranh chấp làm căn cứ khởi kiện.
            Do đó, pháp luật phải quy định trách nhiệm của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mạng xã hội phải cung cấp thông tin lưu trữ khi có yêu cầu của một bên hoặc các bên trong giao kết hợp đồng mua bán hàng hóa và có tranh chấp xảy ra. Quy định của pháp luật phải theo hướng mở, người yêu cầu phải cam kết và chịu trách nhiệm khi có thiệt hại xảy ra do bên yêu cầu không sử dụng đúng mục đích yêu cầu.
            Thứ ba, pháp luật nên bổ sung các trường hợp hợp đồng có hiệu lực trong giao kết hợp đồng thông qua mạng xã hội.
Pháp luật hiện nay (Bộ luật Dân sự năm 2015, Luật Thương mại, Luật Giao dịch điện tử năm 2005 chưa quy định rõ trường hợp giao kết hợp đồng mua bán hàng hóa nói chung, mua bán hàng hóa trong kinh doanh, thương mại là hình thức hợp đồng gì. Đồng thời, pháp luật cũng chưa quy định rõ thời điểm có hiệu lực của hợp đồng khi giao kết qua mạng xã hội.
Pháp luật dân sự, thương mại và giao dịch điện tử nên bổ sung và hoàn thiện các quy định về hình thức hợp đồng, giao kết hợp đồng mua bán nói chung, mua bán hàng hóa trong kinh doanh, thương mại nói riêng để các chủ thể có căn cứ pháp lý trong giao dịch thương mại được thuận lợi./. 
 

 


[1] Đỗ Văn Đại (2011), Luật hợp đồng Việt Nam: Bản án và bình luận bản án (tập 1), Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật tr. 556; Trần Kiên, Nguyễn Khắc Thu (2019), Khái niệm hợp đồng và những nguyên tắc cơ bản của hệ thống pháp luật về hợp đồng Việt Nam, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp số 2+3/2019; Vũ Văn Mẫu (1963), Việt Nam Dân luật lược khảo – Quyển II: Nghĩa vụ và Khế ước, Bộ Quốc gia giáo dục xuất bản, Sài Gòn, tr.55-57.
[2] Điều 385 Bộ luật Dân sự năm 2015.
[3] Khoản 1 Điều 6 Luật Thương mại năm 2005 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2019 (Luật Thương mại).
[4] Khoản 2 Điều 3 Luật Thương mại.
[5] Khoản 1 Điều 3 Luật Thương mại.
[6] Lê Minh Hùng (2010), Hiệu lực của hợp đồng theo quy định của pháp luật Việt Nam, Luận án tiến sĩ luật học, Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh, tr. 51.
[7] Khoản 1 Điều 119 BLDS năm 2015.
[8] Khoản 1 Điều 24 Luật Thương mại.
[9] Viện Ngôn ngữ học (2004), Từ điển Tiếng Việt, Nxb. Đà Nẵng, tr. 586.
[10] Viện Ngôn ngữ học (2004), Từ điển Tiếng Việt, Nxb. Đà Nẵng, tr. 1100.
[11] Article 13. For the purposes of this Convention “writing” includes telegram and telex (Điều 13. Theo tinh thần của Công ước này, điện báo và telex cũng được coi là hình thức văn bản).
[12] Khoản 10 Điều 4 Luật Giao dịch điện tử năm 2005.
[13] Khoản 12 Điều 4 Luật Giao dịch điện tử năm 2005.
[14] Điều 10 Luật Giao dịch điện tử năm 2005.
[15] Thương mại điện tử là các kênh bán hàng trực tuyến, kinh doanh trực tuyến nơi mà các chủ shop hoặc các công ty, doanh nghiệp buôn bán trên môi trường Internet.
[16] CQG là hệ thống chuyển lệnh và lưu trữ dữ liệu do Công ty Công nghệ đa quốc gia CQG cung cấp.
[17] Đỗ Văn Đại (2011), Luật hợp đồng Việt Nam: Bản án và bình luận bản án (tập 1), Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, tr.557.
[18] Khoản 2 Điều 119 BLDS năm 2015.
[19] Lê Minh Hùng (2010), Hiệu lực của hợp đồng theo quy định của pháp luật Việt Nam, Luận án tiến sĩ luật học, Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh, tr. 58-59.
[20] Gam 7 book 13 (2019), Mạng xã hội #10 yearchallenge, Nxb. Lao động, tr.14.
[21] Lê Kiên (2017), Khái niệm về mạng xã hội đã thay đổi hoàn toàn nhờ tính năng Livestream, https://infonet.vietnamnet.vn/truyen-thong/khai-niem-ve-mang-xa-hoi-da-thay-doi-hoan-toan-nho-tinh-nang-live-stream-74017.html , truy cập ngày 65/6/2017.
[22] Điều 401 Bộ luật Dân sự năm 2015.
[23] Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2013 về việc quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 27/2018/NĐ-CP ngày 01/3/2018 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 72/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2013 về việc quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng; Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 03/2/2020 của Chính phủ quy định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử…
[24] Quyết định số 874/QĐ-BTTT ngày 17/6/2021 của Bộ Thông tin và Truyền thông về việc ban hành bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội…
[25] Điều 6 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.
[26] Điều 7 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.

(Nguồn tin: Bài viết được đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 01 (449), tháng 01/2022.)