Pháp luật về chứng cứ điện tử trong tố tụng dân sự Việt Nam

25/02/2022

THS. NGUYỄN THÀNH MINH CHÁNH

Khoa Luật, Trường Đại học Công nghiệp Tp. Hồ Chí Minh.

Tóm tắt: Giao tiếp điện tử trong và ngoài nước thông qua internet trở nên phổ biến, nơi mọi người có thể kinh doanh mọi lúc, mọi nơi, không biên giới. Sự tiến bộ vượt bậc trong lĩnh vực công nghệ thông tin đã ảnh hưởng đến mọi lĩnh vực và cách thức truyền thông. Điều này đã ít nhiều thay đổi trong đánh giá chứng cứ tại tòa án khi truyền thông điện tử đang là xu hướng tất yếu. Pháp luật Việt Nam hiện hành thừa nhận giá trị chứng cứ của thông điệp dữ liệu. Tuy nhiên, trong tình hình hiện nay, nhất là với sự lây lan của dịch bệnh Covid-19 thì mọi giao dịch hầu hết diễn ra trên không gian mạng và vì vậy, việc hoàn thiện và bảo đảm thực hiện đúng các quy định của pháp luật về chứng cứ điện tử càng trở nên cần thiết.
Từ khóa: Chứng cứ, chứng cứ điện tử, pháp luật về chứng cứ điện tử trong tố tụng dân sự.
Abtract: Electronic communicationa at home and abroad through the internet become more popular, where people can do business anytime, anywhere, without borders. The tremendous advancement in information technology has affected every field and communication manner. This has more or less changed in the assessment method of evidence at the court when electronic communication become an inevitable trend. Current law of Vietnam recognizes the evidence validity of data messages. However, in the current situation, especially with the spread of the Covid-19 epidemic, almost all transactions take place in cyberspace and therefore, completing and ensuring the correct implementation of the provisions of legislation on electronic evidence becomes increasingly necessary.
Keywords: Evidence; electronic evidence; electronic evidence in civil proceedings.
 CHỨNG-CỨ-ĐIỆN-TỬ.jpg
Ảnh minh họa: Nguồn internet
1. Tổng quan về chứng cứ điện tử
     Theo quy định của khoản 1 Điều 94 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 (Bộ luật TTDS), dữ liệu điện tử là một trong những nguồn của chứng cứ. Đây là một trong những điểm mới, tiến bộ đáp ứng sự phát triển của thời kỳ công nghệ 4.0.  
     Theo quy định của khoản 5 Điều 4 Luật Giao dịch điện tử năm 2005 (Luật Giao dịch điện tử), dữ liệu là thông tin dưới dạng ký hiệu, chữ viết, chữ số, hình ảnh, âm thanh hoặc dạng tương tự. Để “dữ liệu điện tử” được xem là chứng cứ hay gọi là chứng cứ điện tử thì dữ liệu điện tử được thu thập theo trình tự, thủ tục do Bộ luật TTDS quy định về chứng cứ.
     Sự khác biệt giữa chứng cứ truyền thống và chứng cứ điện tử
BẢN CHẤT
Chứng cứ truyền thống
Chứng cứ điện tử
Khó có thể thay đổi cấu trúc
Có thể thay đổi cấu trúc trong máy tính hoặc đường truyền
Có thể để lại dấu vết khi thay đổi chứng cứ
Có thể thay đổi chứng cứ mà không để lại dấu vết
Dễ dàng nhận biết chứng cứ ngay từ cái nhìn đầu tiên
Khó có thể nhận biết chứng cứ vì chúng được lưu trữ và mã hóa
Tính nhân bản khó
Dễ dàng nhân bản
Điều kiện vật chất ảnh hưởng đến chất lượng chứng cứ
Tốc độ công nghệ ảnh hưởng đến chất lượng chứng cứ
 
1.1. Phân loại chứng cứ điện tử
       Một tài liệu hoặc thông tin điện tử bao gồm nhiều dữ liệu khác nhau. Ví dụ: email bao gồm dữ liệu truyền tải nội dung, nơi truyền đi và đến, thời gian, ngày tháng... Do đó, mỗi dữ liệu khác nhau sẽ tương ứng với mỗi loại chứng cứ điện tử khác nhau.
       - Căn cứ vào cấu tạo, chứng cứ điện tử được chia thành: Chữ ký điện tử, chữ ký số
       + Chữ ký điện tử được tạo lập dưới dạng từ, chữ, số, ký hiệu, âm thanh hoặc các hình thức khác bằng phương tiện điện tử, gắn liền hoặc kết hợp một các logic với thông điệp dữ liệu, có khả năng xác nhận người ký thông điệp dữ liệu và xác nhận sự chấp thuận của người đó đối với nội dung thông điệp dữ liệu được ký[1]. Có thể thấy chữ ký điện tử gồm một số dạng cơ bản sau:
       + Chữ ký số là một dạng chữ ký điện tử được tạo ra bằng sự biến đổi một thông điệp dữ liệu sử dụng hệ thống mật mã không đối xứng; theo đó, người có được thông điệp dữ liệu ban đầu và khóa công khai của người ký có thể xác định được chính xác[2]. Theo định nghĩa này, có thể hiểu chữ ký điện tử đề cập đến tất cả các tài liệu điện tử và thông điệp dữ liệu điện tử có chữ ký điện tử được xác minh bằng khóa công khai được liệt kê trong thông điệp dữ liệu ban đầu.
                   + Mật mã điện tửlàviệc sử dụng các mã để chỉ những người có mục đích sử dụng thông tin mới có thể đọc và xử lý nó nhằm bảo mật thông tin dữ liệu đó (Crytopraphy is a method of protecting information and communications through the use of codes, so that only those for whom the information is intended can read and process it[3]); một mã được bảo mật bí mật và bảo vệ thông tin cá nhân truyền qua các kênh công khai thành một biểu mẫu chỉ có thể giải mã bằng một khóa điện tử phù hợp
       + Ký hiệu điện tửlà bất kỳ dấu hiệu, đặc điểm hay âm thanh đặc biệt ở dạng điện tử nhằm bảo mật thông tin dữ liệu đó (Encryption is a method of protecting data you don’t want to see[4]). Nó đại diện danh tính cho một cá nhân và được đính kèm hoặc liên kết một cách hợp lý với thông điệp điện tử hoặc tài liệu điện tử hoặc bất kỳ quy trình nào được một cá nhân sử dụng hoặc áp dụng và được cá nhân đó thực hiện hoặc thông qua với mục đích xác thực, ký hoặc phê duyệt dữ liệu điện tử
                   + Thông điệp dữ liệu điện tử (Thông điệp điện tử) là dữ liệu điện tử được tạo ra, gửi đi, nhận và lưu trữ bằng phương tiện điện tử từ đơn khởi kiện, tài liệu, chứng cứ, văn bản tố tụng đã được ban hành theo quy định của pháp luật[5]. Có thể hiểu Thông điệp dữ liệu điện tử là thông tin được tạo ra, gửi, nhận hoặc lưu trữ bằng các phương tiện điện tử[6].
       + Tài liệu lưu trữ điện tử (tài liệu điện tử) là tài liệu được tạo lập ở dạng thông điệp dữ liệu hình thành trong quá trình hoạt động của cơ quan, tổ chức, cá nhân hoặc được số hóa từ tài liệu trên các vật mang tin khác[7]. Có thể hiểu tài liệu điện tử là những thông tin, dữ liệu, số liệu, ký hiệu hoặc các phương thức diễn đạt bằng văn bản khác, được mô tả hoặc trình bày theo cách khác nhau dưới dạng số hóa[8].
       - Căn cứ vào nguồn chứng cứ điện tử[9]
       + Chứng cứ điện tử do con người tạo ralà những tài liệu, dữ liệu được tạo ra bởi hành vi của con người và được lưu trữ trong bộ nhớ điện tử như văn bản, bảng biểu, thư điện tử...
       + Chứng cứ điện tử do máy tính tự động tạo ra là những tài liệu, dữ liệu được tạo ra từ việc xử lý các dữ liệu đầu vào theo một thuật toán đã được xác định trước bởi chương trình máy tính như lịch trình thanh toán, mẫu thông tin đăng ký trực tuyến, lịch sử giao dịch...
       - Căn cứ vào khả năng lưu trữ[10]
       +Dữ liệu điện tử truyền thông là các dữ liệu được hình thành bởi các cuộc trò chuyện, tin nhắn văn bản qua điện thoại hay các cuộc trò chuyện, âm thanh và hình ảnh được truyền trực tuyến mà không được lưu giữ lại.
       + Dữ liệu điện tử trong hệ thống Thông tin và Tuyền thông là các dữ liệu được tạo, gửi, nhận, lưu trữ hoặc xử lý thông điệp dữ liệu điện tử hoặc tài liệu điện tử trên hệ thống máy tính hoặc các thiết bị tương tự mà được lưu giữ lại.
1.2. Đặc điểm của chứng cứ điện tử[11]
       Ngoài những đặc điểm của chứng cứ truyền thống, chứng cứ điện tử có một số đặc điểm riêng:
       Một là, chứng cứ điện tử không thể nhìn thấy bằng mắt thường: Chứng cứ điện tử được tìm thông qua các lệnh, đôi khi chúng được tìm thấy ở những nơi mà các chuyên gia mới có thể tìm kiếm hoặc ở những nơi chỉ có thể tiếp cận bằng các công cụ đặc biệt.
       Hai là, chứng cứ điện tử dễ bị ẩn hay biến mất: Một số thiết bị và một số điều kiện nhất định bộ nhớ máy tính (dữ liệu chứa chứng cứ) có thể bị đè (hoặc thay đổi) bởi chức năng hoặc hoạt động thông thường của thiết bị. Điều này có thể do sự dừng đột ngột của hệ thống hay do cài đặt thông tin mới đè lên thông tin cũ do thiếu dung lượng bộ nhớ hay có thể do yếu tố môi trường như nhiệt độ cao, ẩm ướt làm hỏng bộ nhớ lưu trữ.
       Ba là, chứng cứ điện tử có thể bị thay đổi hoặc bị phá hủy: Trong quá trình sử dụng thông thường, các thiết bị điện tử luôn thay đổi trạng thái bộ nhớ của chúng theo yêu cầu của người sử dụng trong quá trình cập nhật dữ liệu hay lưu các thay đổi hay do quá trình cập nhật tự động dữ liệu của hệ điều hành thiết bị.
       Bốn là, chứng cứ điện tử có tính nguyên bản: Dữ liệu điện tử có thể được sao chép vô thời hạn với bản sao giống hệt như bản gốc. Tức là, mặc dù bản sao nhưng vẫn có thể xem là chứng cứ bởi mang đầy đủ các đặc tính nguyên bản của bản gốc.
2. Pháp luật về chứng cứ điện tử trong tố tụng dân sự Việt Nam hiện nay
2.1. Xác thực chứng cứ điện tử
       Xác thực các dữ liệu điện tử được thu thập có giá trị là bằng chứng điện tử phải rõ ràng, không bị mất hoặc bị ẩn và không ảnh hưởng đến quyền tác giả, quyền riêng tư của cá nhân, tổ chức hay xâm phạm an ninh, quốc phòng. Vấn đề đặt ra là liệu các dữ liệu điện tử được thu thập có tin cậy và chính xác chưa? Có đảm bảo tính nguyên vẹn của chứng cứ không?
       Một ví dụ điển hình về điều này, tại Bản án số 735/2019/DS-PT ngày 21/8/2019 về tranh chấp bồi thường thiệt hại về danh dự, nhân phẩm của Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh thì Tòa án đã không chấp nhận chứng cứ điện tử. Cụ thể, nguyên đơn là Trường Mầm Non H cung cấp chứng cứ là Vi bằng số 452/2016/VB-TPLQ.TĐ ngày 12/7/2016 của Văn phòng thừa phát lại Quận Thủ Đức về hình ảnh đăng tin “Ai có con em học ở trường mầm non H thì cẩn thận trường đang dùng nước giếng khoan gần nghĩa địa cho các cháu dùng” là Facebook có tên “H N”. Do phía nguyên đơn không chứng minh được bị đơn ông Nguyễn Huy H là người tạo ra và là người sử dụng Facebook với tên gọi “H N” để đăng tin nêu trên nên Tòa án cấp Phúc thẩm không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của phía nguyên đơn. Từ Bản án trên có thể thấy, thông tin tài khoản Facebook là thông tin cá nhân dễ dàng tạo lập trên mạng xã hội mà chưa có cơ quan nào xác thực các thông tin cá nhân đó và phía nguyên đơn cũng không thể xâm phạm quyền riêng tư về tài khoản Facebook với tên “H N”. Do đó, Tòa án cấp phúc thẩm có căn cứ bác yêu cầu của nguyên đơn bởi tính xác thực của chứng cứ điện tử trên.
       Một vấn đề liên quan đến xác thực chứng cứ điện tử, tại Bản án số 20/2019/KDTM-PT ngày 12/8/2019 về tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa của Tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương thì Tòa án đã không chấp nhận chứng cứ điện tử. Cụ thể, phía bị đơn Công ty TNHH SX DN hàng hóa mà phía nguyên đơn Công ty TNHH CN B giao hàng hóa bị lỗi, sơn kém chất lượng nên xuất đi nước ngoài bị yêu cầu bồi thường và phạt trừ tiền và phía bị đơn có cung cấp chứng cứ là văn bản gửi qua email: Invoice ngày 01/04/2018-30/4/2018; ngày 01/05/2018-31/05/2018; ngày 01/6/2018-30/6/2018. Tuy nhiên, các chứng cứ trên gửi qua email đều có nội dung là tiếng nước ngoài, chưa được dịch sang tiếng Việt và không rõ người gửi, không rõ mối quan hệ giữa người gửi và bị đơn nên Tòa án cấp phúc thẩm không xem các email mà bị đơn cung cấp là chứng cứ.
2.2. Thu thập chứng cứ điện tử
            Thu thập chứng cứ điện tử trên không gian mạng gặp nhiều khó khăn trong truy cập thông tin bởi liên quan đến quyền riêng tư và đôi lúc không thể thu thập các dữ liệu điện tử này nếu không được xác thực bởi người tạo lập như các công cụ lưu trữ đám mây (Cloud Computing) hay các tài khoản trên mạng xã hội Facebook, Zalo, Instagram... bắt buộc phải đăng nhập (login) trước khi truy cập nhưng chúng được kiểm soát bởi chủ sở hữu tài khoản. Tại Bản án số 02/2020/DS-ST ngày 14/5/2020 về tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng do danh dự, nhân phẩm, uy tín xâm phạm của Tòa án nhân dân huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ khi chị Nguyễn Thị H có Nickname trên mạng xã hội Facebook là Nguyễn H đăng ảnh của chị Nguyễn Thị Thu T vào hồi 20 giờ 05 phút ngày 22/3/2019 với nội dung “Hôm nay mih phiền mọi người... cảm ơn cả nhà đã đọc và cho mình phiền chút nhé” đã làm ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm và uy tín của chị T. Tuy nhiên, do tài khoản Facebook Nguyễn H là của chị Nguyễn Thị H nên mặc dù chị T bị xâm phạm vẫn không thể gỡ bỏ các thông tin trên mà phải yêu cầu Tòa án giải quyết buộc chị H phải gỡ bỏ thông tin trên.
            Bên cạnh đó, trong quá trình thu thập chứng cứ điện tử có thể không đảm bảo tính nguyên bản, toàn vẹn và đầy đủ khi nó có thể bị phá hủy, thay đổi bởi người tạo lập mà không để lại dấu vết. Tại Bản án số 80/2019/DS-PT ngày 11/4/2019 của Tòa án nhân dân tỉnh Tây Ninh về tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng do danh dự, nhân phẩm, uy tín xâm phạm thì bị đơn là chị Đỗ Thị O cung cấp tin nhắn trao đổi giữa chị O và nguyên đơn là anh Đỗ Thanh N nhưng anh N không thừa nhận và chị O cũng không chứng minh được chủ thể khởi tạo tin nhắn là anh N nên Tòa án không chấp nhận các chứng cứ mà chị O cung cấp.
            Do đó, nếu chứng cứ không được thu thập theo đúng trình tự trong quá trình tố tụng sẽ ảnh hưởng đến tính toàn vẹn, đầy đủ và chính xác của chứng cứ thì không được chấp nhận.
2.3. Bảo quản chứng cứ điện tử
 Pháp luật tố tụng dân sự chưa quy định việc bảo quản chứng cứ điện tử nhưng về nguyên tắc thì chứng cứ phải khách quan, toàn diện, đầy đủ và chính xác. Do đó, các bên muốn bảo quản chứng cứ điện tử rất khó bởi chứng cứ điện tử có thể bị thay đổi mà không để lại bất kỳ dấu vết nào, nó có thể bị bịa đặt hoặc giả mạo hay các loại chứng cứ điện tử như CD/VCD, dữ liệu đĩa cứng/ thẻ nhớ có thể xuất hiện vấn đề lỗi phần cứng hoặc phần mềm hay dữ liệu trang Web, giao tiếp các mạng xã hội, email, tin nhắn SMS/MMS và các dữ liệu do máy tính tạo ra. Tại Bản án số 80/2019/DS-PT ngày 11/4/2019 của Tòa án nhân dân tỉnh Tây Ninh về tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng do danh dự, nhân phẩm, uy tín xâm phạm thì bị đơn là chị Đỗ Thị O cung cấp đoạn video bà T1 đang nói chuyện điện thoại chị Thoa về nội dung cuộc nói chuyện giữa bà T1 và nguyên đơn là anh Đổ Thanh N và đăng lên mạng xã hội facebook kèm theo hình ảnh anh N và dòng trạng thái có nội dung “Nói cho cà nhà nè! Cái loại mẹ mình... Kêu mẹ thì chết đi lấy tiền làm đám ma mà trả nợ” nhưng chị O không chứng minh tính khách quan, toàn diện, đầy đủ và chính xác các chứng cứ minh cung cấp nên Tòa án cho rằng toàn bộ nội dung do chị O nại ra nên không được chấp nhận.
2.4. Sử dụng chứng cứ điện tử
       Bảo mật thông tin làm lo ngại một vấn đề cơ bản khi thông tin được lưu trữ dưới dạng dữ liệu điện tử có thể không khai thác, thu thập chính xác tất cả dữ liệu điện tử dẫn đến tính  toàn vẹn và đầy đủ của chứng cứ điện tử không đảm bảo. Chính điều này ảnh hưởng đến tính xác thực của các loại chứng cứ điện tử mà hiện nay và các văn bản pháp luật liên quan chưa có quy định các tiêu chuẩn liên quan đến chứng cứ điện tử dẫn đến sử dụng chứng cứ điện tử không được khách quan.
       Chẳng hạn, tại Bản án số 735/2019/DS-PT ngày 21/8/2019 của Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh về tranh chấp bồi thường thiệt hại về danh dự, nhân phẩm (đã được trình bày ở phần trên), thì Tòa án không chấp nhận chứng cứ điện tử vì thông tin tài khoản Facebook là thông tin cá nhân, là quyền riêng tư nên không thể xâm phạm quyền riêng tư về tài khoản Facebook với tên “H N”, nên không xác định ai là chủ tài khoản Facebook, và không đảm bảo tính trọn vẹn của chứng cứ. Nội dung trên Facebook dễ dàng thay đổi bởi chủ tài khoản, dẫn đến thu thập chứng cứ chứng minh khó khăn (mặc dù phía nguyên đơn có lập vi bằng). Do đó, Tòa án cấp Phúc thẩm có căn cứ bác yêu cầu của nguyên đơn bởi tính xác thực của chứng cứ điện tử trên.
       Về vấn đề này, tại Bản án số 20/2019/KDTM-PT ngày 12/8/2019 của Tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương về tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa thì Tòa án đã không chấp nhận chứng cứ điện tử. Mặc dù phía bị đơn có cung cấp chứng cứ là văn bản gửi qua email: Invoice ngày 01/04/2018-30/4/2018; ngày 01/05/2018-31/05/2018; ngày 01/6/2018-30/6/2018. Tuy nhiên, các chứng cứ trên gửi qua email đều có nội dung là tiếng nước ngoài, chưa được dịch sang tiếng Việt và không rõ người gửi, không rõ mối quan hệ giữa người gửi và bị đơn nên không biết các nội dung trong email có bị giả mạo không mà bị đơn không chứng minh được tính hợp pháp của chứng cứ dẫn đến Tòa án cấp phúc thẩm không xem xét các email mà bị đơn cung cấp là chứng cứ.
          Từ phân tích trên có thể thấy:
       - Thứ nhất, xác lập giá trị pháp lý đối với các loại chứng cứ điện tử như tài liệu điện tử và chữ ký điện tử... là khó khăn về thủ tục trong quá trình xử lý dữ liệu và quy định về mặt tố tụng. Khó khăn này có thể là do Tòa án cân nhắc chứng cứ điện tử như chứng cứ truyền thống mà quên rằng chứng cứ điện tử được tạo lập như là một phần của hệ thống máy tính và để bảo đảm tính đầy đủ và toàn vẹn của chứng cứ điện tử thì trước tiên cần bảo đảm tính đầy đủ, toàn vẹn của hệ thống máy tính tạo ra chứng cứ điện tử đó. Hơn nữa, một vấn đề thực tế là Thẩm phán, Kiểm sát viên chưa hiểu rõ lắm về các loại chứng cứ điện tử và đó là lý do tại sao họ thường bác bỏ trong các phiên tòa.
       - Thứ hai, thu thập, sử dụng và bảo quản chứng cứ điện tử gặp khó khăn, bởi vì trong quá trình sao chép chứng cứ có thể mất dữ liệu, làm biến đổi dữ liệu hay việc các chứng cứ điện tử có liên quan đến bí mật nhà nước, riêng tư, thuần phong mỹ tục... dẫn đến chứng cứ điện tử không đảm bảo tính toàn vẹn.  
            - Thứ ba, chứng minh chủ thể khởi tạo các chứng cứ điện tử là một thách thức lớn trong môi trường mạng, bởi vì không gian mạng vừa hữu hình vừa vô hình và đặc biệt, khó khăn trong xác định chủ thể khởi tạo chứng cứ điện tử. Có thể thấy, xét về bản chất của chứng cứ điện tử là do sự khởi tạo về ghi nhận dấu vết và xác nhận dấu vết ảnh hưởng quan trọng trong thu thập, sử dụng và bảo quản chứng cứ điện tử.
3. Kiến nghị
       Một là, các công nghệ mới được phát minh và phát triển rất nhanh. Do đó, các thủ tục và kỹ thuật được áp dụng cho chúng cũng cần được liên tục xem xét và cập nhật. Mỗi loại thiết bị điện tử đều có những đặc điểm cụ thể riêng, đòi hỏi phải áp dụng các quy trình chính xác và phù hợp. Do đó, việc tuân thủ các thủ tục về chứng cứ điện tử là quan trọng để đảm bảo tính toàn vẹn và đầy đủ của chứng cứ điện cứ.
       Hai là, chi phí khôi phục và xác minh, thu thập dữ liệu điện tử đôi lúc quá cao, gây khó khăn cho các bên đương sự trong quá trình cung cấp chứng cứ. Trong trường hợp này sẽ ảnh hưởng đến tính đầy đủ của chứng cứ cũng như tính khách quan của vụ án. Thẩm phán đôi khi lại khá thụ động trong trường hợp yêu cầu xác minh, thu thập các dữ liệu này, mặc dù Thẩm phán có quyền yêu cầu xác minh, thu thập dữ liệu cho việc xem xét, đánh giá chứng cứ để đảm bảo tính khách quan của vụ án nếu thấy cần thiết. Tuy nhiên, pháp luật lại chưa quy định thế nào là cần thiết? Do đó, để giải quyết vấn đề này thì pháp luật cần quy định cơ quan chuyên môn trong lĩnh vực công nghệ thông tin có nghĩa vụ hỗ trợ trong quá trình kiểm tra, xem xét tính cần thiết của dữ liệu trong trường hợp các bên đương sự không thể cung cấp và cơ quan này cũng có quyền truy cập, tra cứu các dữ liệu quốc gia, ngoại trừ các dữ liệu trường hợp riêng biệt thì đương sự yêu cầu phải chịu chi phí nhưng chỉ được trích dẫn các dữ liệu có liên quan đến vụ án cho Tòa án
       Ba là, để xác thực chứng cứ điện tử thì cơ quan có thẩm quyền khi xem xét đánh giá chứng cứ cần xem xét tất cả các dữ liệu điện tử liên quan đến vụ án và cần xem xét lại bất kỳ thay đổi nào của dữ liệu, kể cả lý do sửa đổi. Bên cạnh đó, cần xem xét, kiểm tra tính phù hợp cách thức thu thập, bảo mật và xử lý dữ liệu điện tử để bảo đảm tính toàn vẹn và đầy đủ của chứng cứ điện tử.
       Bốn là, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao cần có văn bản hướng dẫn về xác minh, thu thập chứng cứ điện tử và Chính phủ cần hoàn thiện dữ liệu quốc gia về dân cư, mã số thuế, mã số điện thoại... nhằm tạo thuận lợi cho việc xác thực danh tính và thông tin cá nhân, doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức./.  

 


[1] Khoản 1 Điều 21 Luật Giao dịch điện tử năm 2005.
[2] Khoản 6 Điều 3 Nghị định 130/2018/NĐ-CP, ngày 27 tháng 9 năm 2018 của Chính phủ “Quy định chi tiết thi hành Luật Giao dịch điện tử về chữ ký số, chứng thực chữ ký số”.
[3] Katheleen Richards and Borys Pawliw (2014), Cryptography, https://searchsecurity.techtarget.com/definition/cryptography, truy cập ngày 20 tháng 3 năm 2021.
[4] Whitson Gordon (2014), A beginner’s Guide to Encryption: What It Is and How to Set it Up, https://lifehacker.com/a-beginners-guide-to-encryption-what-it-is-and-how-to-1508196946, truy cập ngày 10 tháng 3 năm 2021.
[5] Khoản 2 Điều 3 Nghị quyết số 04/2016/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, hướng dẫn quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính về gửi, nhận đơn khởi kiện, tài liệu, chứng cứ và cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng bằng phương tiện điện tử.
[6] Khoản 12 Điều 4 Luật Giao dịch điện tử năm 2005.
[7] Khoản 1 Điều 13 Luật Lưu trữ năm 2011.
[8] Khoản 3 Điều 2 Thông tư số 18/2014/TT-BVHTTDL, ngày 08 tháng 12 năm 2014 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch “Quy định về hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ của thư viện”.
[9] Nguyễn Văn Điền (2019), Chứng cứ điện tử trong Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, https://moj.gov.vn/qt/tintuc/Pages/nghien-cuu-trao-doi.aspx?ItemID=2455, truy cập ngày 10 tháng 3 năm 2021.
[10] Signaturit Solution Blog (2017), Electronic evidence and its admissibility in court, https://blog.signaturit.com/en/electronic-evidence-and-its-admissibility-in-court, truy cập ngày 20 tháng 3 năm 2021.
[11] Nigel Jones and authors (2020), Electronic Evidence Guide: A basis guide for police officers, prosecutors and judges, CyberCrime@IPA project of the European Union and Council of Europe (Version 2.0), p.12.

(Nguồn tin: Bài viết được đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 24 (448), tháng 12/2021.)


Ý kiến bạn đọc