Các quy định của pháp luật hình sự Việt Nam hiện hành về hình phạt cấm cư trú và quản chế

04/03/2022

TS. NGUYỄN THỊ HỒNG HẠNH

Khoa Luật, Trường Đại học Kinh tế quốc dân

Tóm tắt: Trong phạm vi bài viết này, tác giả phân tích các quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2017 về hình phạt cấm cư trú và quản chế, chỉ ra những điểm bất cập, hạn chế và đưa ra kiến nghị hoàn thiện.
Từ khoá: Hình phạt cấm cư trú, hình phạt quản chế, Bộ luật Hình sự năm 2015 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2017.
Abstract: Within the scope of this article, the author gives out an analysis of the provisions of the Penal Code of 2015 which were amended and supplemented in 2017 on the penalty of ban from residence and probation, also points out the shortcomings, limitations and provides a number of recommendations for further improvements.
Keywords: Penalties of residence ban, probation, Penal Code of 2015 amended in 2017
 QUẢN-CHẾ.jpg
Ảnh minh họa: Nguồn internet
1. Các quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2017 về hình phạt cấm cư trú và quản chế
            Hình phạt cấm cư trú và quản chế là các hình phạt có tính chất hạn chế quyền tự do nhằm giám sát người phạm tội với mục đích ngăn ngừa tái phạm hoặc thực hiện tội phạm mới. Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 1985, BLHS năm 1999 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2009 và BLHS năm 2015 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2017 (BLHS năm 2015) đều quy định hai hình phạt này với tính chất là hình phạt bổ sung đối với người phạm tội bị áp dụng hình phạt tù.
Theo quy định của Điều 42 BLHS năm 2015, hình phạt cấm cư trú là “buộc người bị kết án phạt tù không được tạm trú hoặc thường trú ở một số địa phương nhất định”. Như vậy, hình phạt cấm cư trú có nội dung là cấm người bị kết án phạt tù sinh sống ở một nơi nhất định trong một thời hạn nhất định.
Theo quy định của Điều 43 BLHS năm 2015, hình phạt quản chế là “buộc người bị kết án phạt tù phải cư trú, làm ăn sinh sống và cải tạo ở một địa phương nhất định dưới sự kiểm soát, giáo dục của chính quyền và nhân dân địa phương”. Trong thời gian quản chế, người bị kết án không được tự ý ra khỏi nơi cư trú, bị tước một số quyền công dân theo quy định tại Điều 44 BLHS năm 2015 và bị cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định. Như vậy, hình phạt quản chế là hình phạt buộc người bị kết án phạt tù phải sinh sống ở một địa phương nhất định trong một thời hạn nhất định, ngược lại với hình phạt cấm cư trú, chỉ ngoại trừ một hoặc một số nơi bị Toà án cấm cư trú, người phạm tội được tự do sinh sống ở tất cả các địa phương khác.
Theo quy định của BLHS năm 2015, Tòa án không được tùy ý áp dụng hình phạt cấm cư trú hoặc quản chế, mà chỉ được áp dụng nếu như trong điều luật quy định về tội phạm cụ thể có quy định về hình phạt này. Quản chế được áp dụng đối với người phạm tội xâm phạm an ninh quốc gia, người tái phạm nguy hiểm hoặc trong những trường hợp khác do BLHS quy định. Phần các tội phạm BLHS năm 2015 bao hàm 16 điều quy định về các trường hợp được lựa chọn áp dụng hình phạt cấm cư trú hoặc quản chế, trong đó có 14 điều mà cấm cư trú và quản chế được quy định là hình phạt bổ sung trong cùng một tội danh do Toà án lựa chọn[1].
Như vậy, các trường hợp áp dụng cấm cư trú hoặc quản chế không nhiều. Trong khi đó, các hình phạt này, đặc biệt là quản chế lại có giá trị hỗ trợ rất lớn cho phòng ngừa và giáo dục người phạm tội sau khi chấp hành xong hình phạt tù.
Theo quy định của pháp luật hiện hành, cơ quan giám sát việc thi hành hình phạt cấm cư trú và hình phạt quản chế là Uỷ ban nhân dân (UBND) cấp xã. Đây là cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương được giao thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn về giám sát, giáo dục người chấp hành án, không phải cơ quan chuyên trách về thi hành án hình sự (THAHS). Mặc dù, trong nội dung của cấm cư trú và quản chế cũng đã có những biện pháp nhằm phòng ngừa việc phạm tội mới. Tuy nhiên, nội dung của các hình phạt này còn thiếu nhiều các biện pháp hiệu quả nhằm ngăn ngừa phạm tội mới. Ví dụ, theo quy định của khoản 2 Điều 109 Luật Thi hành án hình sự (THAHS) năm 2019, khi thi hành hình phạt cấm cư trú, người bị cấm cư trú có nghĩa vụ: “a) Không được cư trú ở những nơi đã bị cấm cư trú; b) Chấp hành nghiêm chỉnh cam kết của mình trong việc tuân thủ pháp luật; c) Có mặt theo yêu cầu của UBND cấp xã nơi người chấp hành án cư trú”. Theo quy định của khoản 2 Điều 114 Luật THAHS năm 2019, khi thi hành hình phạt quản chế, người chấp hành án phạt quản chế có nghĩa vụ: “a) Chịu sự kiểm soát, giáo dục của UBND cấp xã và nhân dân địa phương; không được tự ý rời khỏi nơi quản chế; b) Mỗi tháng một lần vào tuần đầu của tháng, trình diện và báo cáo với UBND cấp xã nơi quản chế việc chấp hành quy định về quản chế; c) Có mặt tại địa điểm quy định khi UBND cấp xã triệu tập, nếu vắng mặt phải có lý do chính đáng; d) Chấp hành nghiêm chỉnh chính sách, pháp luật và quy định của chính quyền địa phương; tích cực lao động, học tập, cải tạo để trở thành người có ích cho xã hội; đ) Trường hợp được phép đi khỏi nơi quản chế, người chấp hành án phạt quản chế phải khai báo tạm vắng; trình diện, xuất trình giấy phép, làm thủ tục đăng ký tạm trú, lưu trú với Công an cấp xã nơi đến theo quy định; trở về nơi quản chế đúng thời hạn và trình diện với UBND cấp xã”.
Những quy định trên đây cho thấy, các biện pháp áp dụng trong thời gian cấm cư trú hoặc quản chế vẫn mang nặng tính thủ tục hành chính mà chưa có tính chất ngăn chặn những nguy cơ có thể dẫn đến tái phạm hoặc phạm tội mới như vấn đề tâm lý, sức khỏe, các mối quan hệ của người bị cấm cư trú hoặc bị quản chế. Thực tế cho thấy, tâm lý của những người phạm tội, đặc biệt là các tội phạm xâm phạm tính mạng, sức khỏe, tài sản, nhân phẩm của phụ nữ, ma túy,… thường không ổn định, dễ bị kích động, khó kiểm soát bản thân và như vậy, rất dễ phạm tội mới. Bên cạnh đó, tình trạng thất nghiệp, các mối quan hệ với bạn bè xấu cũng rất dễ dẫn đến người bị cấm cư trú hoặc người bị quản chế quay về con đường tội lỗi. Như vậy, những người này rất cần sự tư vấn, hỗ trợ từ phía cơ quan chức năng nhằm bảo đảm sự ổn định về tâm lý, sức khỏe, công việc và cuộc sống; những biện pháp mạnh mẽ nhằm ngăn chặn cơ hội phạm tội mới, như tiếp xúc với những người xấu.
2. Kiến nghị hoàn thiện các quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2017về hình phạt cấm cư trú và quản chế
Như đã phân tích, cấm cư trú là hình phạt đảm nhiệm chức năng là phòng ngừa tội phạm sau khi người phạm tội chấp hành xong hình phạt tù. Tuy nhiên, việc cấm người phạm tội chấp hành xong hình phạt tù sống ở các địa phương được cho là có thể khiến họ tiếp tục phạm tội, thực chất lại chính là cấm họ sinh sống ở nơi thường trú, là quê hương, nơi quen thuộc với cuộc sống, nghề nghiệp của họ. Việc buộc người phạm tội chấp hành xong hình phạt tù phải cư trú ở nơi xa lạ mà không phải nơi chôn rau cắt rốn hoặc nơi có gia đình sẽ tạo ra một khoảng trống tâm lý và tinh thần đối với người vừa tái hoà nhập xã hội vốn rất cần sự động viên, khích lệ của người thân. Do đó, cấm cư trú có thể đạt hiệu quả ngăn chặn trước mắt nhưng về lâu dài không đạt hiệu quả phòng ngừa. Trong khoa học hình sự, yếu tố quan trọng nhất để phòng ngừa tội phạm chính là chuyển biến về nhận thức và thái độ sống của người phạm tội. Điều trăn trở lớn nhất đối với một phạm nhân vừa thi hành án phạt tù trở về với xã hội đó là mặc cảm bị kỳ thị. Nếu như vừa được trả tự do mà họ ngay lập tức bị đưa đến một nơi xa lạ, thì điều này tạo ra một sự kỳ thị hiển nhiên trong tâm lý của họ. Bên cạnh đó, để đánh giá sự hoàn lương thực sự của một người cần phải tạo điều kiện cho họ được sinh sống, lao động tại chính nơi mà họ đã phạm sai lầm.
Trên thực tế, đối với một số người phạm tội về ma tuý, chiếm đoạt tài sản, xâm phạm tình dục… cũng rất cần có một biện pháp nhằm ngăn chặn những người bị kết án này tiếp xúc với môi trường, hoàn cảnh hoặc những người mà có thể dẫn đến việc người bị kết án phạm tội mới. Ví dụ, người bị kết án về tội hiếp dâm, cần bị cấm tiếp xúc với nạn nhân, với phụ nữ trong một thời hạn nhất định. Những người bị kết án về phạm tội ma tuý cần bị cấm đi đến các khu vực “ổ chuột”, “xóm liều” hoặc những nơi có tình hình an ninh, trật tự phức tạp. Những người này cũng cần bị cấm tiếp xúc với một số người cụ thể trong thời hạn nhất định, như người nghiện ma tuý, người đã bị kết án về tội phạm ma tuý mà chưa được xoá án tích. Pháp luật các nước áp dụng hình phạt này đặt tên biện pháp này là hình phạt cấm xuất hiện tại những nơi nhất định hoặc cấm xác lập những mối quan hệ nhất định[2].
Hình phạt cấm xuất hiện tại những nơi nhất định khác với hình phạt cấm cư trú. Cấm cư trú là cấm sống ở một hoặc một số địa phương nhất định; trong khi đó, hình phạt cấm xuất hiện tại những nơi nhất định có nội dung cấm đến hoặc có mặt ở những nơi nhất định. Ví dụ, cấm xuất hiện ở khu vực trường học, cấm xuất hiện tại trường mầm non đối với người bị kết án về tội bắt cóc trẻ em.
Để khắc phục những hạn chế của hình phạt cấm cư trú và quản chế, tác giả kiến nghị:
Thứ nhất, sửa đổi điểm b khoản 2 Điều 32 BLHS năm 2015 theo hướng quy định hình phạt cấm xuất hiện tại những nơi nhất định là một trong các hình phạt bổ sung thay thế hình phạt cấm cư trú.
Bên cạnh đó, cần sửa đổi Điều 42 BLHS năm 2015 theo hướng thay thế nội dung quy định về hình phạt cấm cư trú bằng nội dung quy định về hình phạt cấm xuất hiện tại những nơi nhất định.
Thứ hai, sửa đổi Điều 43BLHS năm 2015 theo hướng nhập hai hình phạt cấm cư trú và quản chế thành một hình phạt với tên gọi là “quản chế” có nội dung đầy đủ, toàn diện, bao hàm cả các biện pháp mang tính chất thủ tục hành chính và các biện pháp ngăn chặn nguy cơ tái phạm. Theo đó, cần phải bổ sung thêm một số quy định về nghĩa vụ của người bị quản chế, cụ thể:
Một là, quy định người bị quản chế buộc phải tuân theo các biện pháp kiểm tra y tế, chữa bệnh bắt buộc với chi phí do người bị quản chế phải chịu nhưng các chi phí này cần được luật hóa một cách hợp lý nhằm bảo đảm người bị quản chế có khả năng chi trả. Quy định này rất cần thiết nhằm giúp cho cơ quan giám sát nắm được tình hình sức khỏe về thể chất và tinh thần của người bị quản chế. Bởi vì, sức khoẻ về thể chất và tinh thần có thể ảnh hưởng đến khuynh hướng phạm tội của một cá nhân. Một người có sức khoẻ tốt về thể chất và tinh thần thường có thái độ ứng xử tích cực, dễ dàng xử lý được các tình huống trong cuộc sống. Vì vậy, việc quản lý và chăm sóc tốt sức khoẻ cho người bị quản chế sẽ góp phần giảm thiểu nguy cơ tái phạm của người bị kết án. Đặc biệt, đối với các tội phạm về ma tuý, các tội xâm phạm tình dục, tội cố ý gây thương tích,…
Hai là,  quy định cụ thể những quyền của người bị quản chế có thể bị Tòa án tuyên bố tước hoặc hạn chế. Các hạn chế này có thể bao gồm cấm đến những nơi nhất định, cấm tiếp xúc với những người cụ thể, cấm thực hiện một số giao dịch nhất định.
Ba là, quy định cụ thể Tòa án có quyền tuyên buộc người bị quản chế phải thực hiện một hoặc một số nghĩa vụ nhất định nhằm giám sát hành vi của người bị quản chế, đồng thời ngăn ngừa người bị quản chế tái phạm. Trong quá trình bị quản chế, người bị quản chế phải tham gia lao động công ích. Lao động công ích giúp cho người bị quản chế hiểu sâu sắc về giá trị của lao động, ý nghĩa của những đóng góp cho cộng đồng và rèn luyện được kỷ luật, ý thức pháp luật. Đây là nhân tố quan trọng giúp cho người bị quản chế xa rời các hành vi sai trái mà tu dưỡng để trở thành công dân tốt./.
Hình phạt quản chế sẽ được áp dụng cho mọi trường hợp người bị kết án đã chấp hành xong hình phạt tù nếu Toà án xét thấy cần thiết mà không bị giới hạn trong 16 trường hợp như phân tích ở trên, trong đó, hình phạt cấm cư trú được xem là một lệnh đặc biệt mà Tòa án áp dụng trong trường hợp áp dụng hình phạt quản chế đối với người bị kết án. Theo đó, Điều 43 BLHS năm 2015 được viết lại như sau:
Điều 43: Quản chế
1….
2. Toà án có quyền cấm người bị quản chế cư trú tại một hoặc một số nơi nhất định.
3. Trong thời gian bị quản chế, người bị kết án phải định kỳ đến cơ sở y tế do Toà án xác định trong bản án hoặc quyết định để kiểm tra y tế với chi phí do người bị kết án chịu. Kết quả kiểm tra y tế phải được nộp cho uỷ ban nhân dân cấp xã nơi quản chế người bị kết án.
4. Người bị kết án có thể bị tước một hoặc một số quyền nhất định trong thời gian quản chế nếu toà án có căn cứ để xác định rằng nếu không tước một hoặc một số quyền nhất định, người bị kết án có thể gây nguy hiểm cho xã hội.
5. Toà án có quyền buộc người bị kết án tham gia lao động công ích trong thời gian bị quản chế. Việc thực hiện lao động công ích phải tuân theo quy định tại Điều…của Bộ luật này../.
 

 


[1] 14 điều luật quy định khả năng lựa chọn áp dụng quản chế hoặc cấm cư trú trong thời hạn từ 1 năm đến 5 năm (bao gồm: Điều 123. Tội giết người; Điều 150. Tội mua bán người; Điều 151. Tội mua bán người dưới 16 tuổi; Điều. 168 Tội cướp tài sản; Điều 169. Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản; Điều 255. Tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy; Điều 282. Tội chiếm đoạt tàu bay, tàu thủy; Điều 299. Tội khủng bố; Điều 300. Tội tài trợ khủng bố; Điều 304. Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự; Điều 305. Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ; Điều 306. Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao hoặc công cụ hỗ trợ; Điều 309 .Tội sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, phát tán, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất phóng xạ, vật liệu hạt nhân; Điều 311. Tội sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng hoặc mua bán trái phép chất cháy, chất độc); 02 điều chỉ quy định khả năng áp dụng hình phạt cấm cư trú (Điều 346. Tội vi phạm quy chế về khu vực biên giới và Điều 388. Tội vi phạm quy định về giam giữ), 02 điều chỉ quy định khả năng áp dụng hình phạt quản chế (Điều 303. Tội phá hủy công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia và Điều 327. Tội chứa mại dâm).
 [2] Điều 131-6 Bộ luật Hình sự nước Cộng hoà Pháp quy định khi một người phạm khinh tội bị kết án phạt tù thì toà án có thể tuyên một hoặc một số hình phạt có tính chất tước hoặc hạn chế quyền thay thế cho hình phạt tù, trong đó tại khoản 12 Điều này quy định hình phạt cấm xuất hiện ở những nơi được ấn định trong bản án hoặc ở những nơi đã thực hiện tội phạm. Thời hạn cấm là từ 03 năm trở lên; khoản 13 của Điều này cũng quy định hình phạt cấm quan hệ với những người bị kết án được xác định bởi tòa án, đặc biệt là những người chủ mưu hoặc bất kỳ người đồng phạm nào. Thời hạn cấm cũng là từ 03 năm trở lên. https://www.legifrance.gouv.fr/codes/section_lc/LEGITEXT000006070719/LEGISCTA000006181728?init=true&page=1&query=131-6&searchField=ALL&tab_selection=all&anchor=LEGIARTI000042193563#LEGIARTI000042193563.
 

(Nguồn tin: Bài viết được đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 01 (449), tháng 1/2022.)


Ý kiến bạn đọc