Bảo vệ người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi khi tham gia hoạt động tố tụng dân sự

25/01/2022

ThS. NCS. TRẦN NGỌC TUẤN

Khoa Luật, Trường Đại học Sài Gòn.

Tóm tắt: Trong phạm vi bài viết này, tác giả trình bày, phân tích các quy định của pháp luật dân sự, tố tụng dân sự về người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi; về cơ chế bảo vệ nhóm đối tượng này khi tham gia vào hoạt động tố tụng dân sự. Bên cạnh đó, tác giả phân tích những bất cập từ thực tiễn xét xử về tuyên bố một người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, đối chiếu với pháp luật ở các quốc gia khác và đưa ra những kiến nghị hoàn thiện pháp luật.
Từ khóa: Người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi; bảo vệ người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi; tố tụng dân sự.
Abstract: Within the scope of this article, the author provides discussions and analysis of the civil law provisions, civil proceedings about people with difficulty understanding, mastering the behavior; and of a protection mechanism for this group of people as the subjects when participating in legal proceedings. Besides, the author also gives out an analysis of shortcomings of judicial practice about declaring a person with difficulty understanding, mastering the behavior; and makes a comparison to the laws of other countries, thereby providing a number of constructive recommendations for further improvements of current Vietnam’s civil law.
Keywords: People with difficulty understanding, mastering the behavior; civil proceedings.
 Untitled_696.png
Ảnh minh họa: Nguồn internet
Một trong những nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự Việt Nam đó là mọi cá nhân, pháp nhân đều bình đẳng, không được lấy bất kỳ lý do nào để phân biệt đối xử; được pháp luật bảo hộ như nhau về các quyền nhân thân và tài sản. Tuy nhiên, mỗi cá nhân có thể do khuyết tật, rối loạn tâm thần hoặc thể chất, suy giảm chức năng trí tuệ hoặc những nhóm người dễ bị tổn thương nên các điều kiện về thể chất, tinh thần của họ cũng khác nhau… Do đó, để hỗ trợ nhóm người này, bên cạnh năng lực pháp luật dân sự thì pháp luật đã quy định năng lực hành vi dân sự trao cho chủ thể quyền tự mình hoặc thông qua cơ chế giám hộ, người đại diện. Tùy cấp độ nhận thức, kiểm soát hành vi mà tương ứng với nó là loại năng lực hành vi nhất định là có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, không có năng lực hành vi dân sự, mất năng lực hành vi dân sự hay hạn chế năng lực hành vi dân sự. Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2015 đã bổ sung thêm một cấp độ là khó khăn trong nhận thức và làm chủ hành vi. Tính mới của cấp độ này gây ra những khó khăn nhất định trong hoạt động tố tụng dân sự (TTDS).
1. Khái niệm về người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi
Khoản 1 Điều 68 Bộ luật TTDS năm 2015 quy định: Đương sự trong vụ án dân sự là cơ quan, tổ chức, cá nhân bao gồm nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Tuy nhiên, khác với chủ thể là pháp nhân, chỉ có chủ thể là cá nhân mới yêu cầu điều kiện có năng lực hành vi TTDS. Đây được xem là điểm đặc trưng của loại chủ thể này, đồng thời là yếu tố chứng minh sự đảm bảo công bằng, không phân biệt đối xử trong quan hệ pháp luật dân sự.
1.1. Năng lực hành vi dân sự, năng lực hành vi tố tụng dân sự
Khoản 2 Điều 69 BLDS năm 2015 quy định: “Năng lực hành vi TTDS là khả năng tự mình thực hiện quyền, nghĩa vụ TTDS hoặc ủy quyền cho người đại diện tham gia TTDS”. Như vậy, liên hệ với BLDS năm 2015 để hiểu rõ về năng lực hành vi dân sự (NLHVDS). Cụ thể, Điều 19 BLDS năm 2015 quy định, năng lực hành vi dân sự là khả năng của cá nhân bằng hành vi của mình xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự. Năng lực hành vi dân dự là một thuộc tính pháp lý gắn với mỗi cá nhân, Như vậy, năng lực hành vi dân sự của cá nhân phụ thuộc vào khả năng nhận thức và độ tuổi của cá nhân đó.
Chính sự không giống nhau về năng lực hành vi dân sự của các cá nhân về độ tuổi, tình trạng tâm sinh lý, khả năng nhận thức và làm chủ hành vi mà pháp luật dân sự chia năng lực hành vi dân sự thành các “cấp độ” tương ứng với năng lực đó. Theo quy định của BLDS năm 2015, có các cấp độ năng lực hành vi dân sự sau đây:
Tiêu chí
Không có NLHVDS
Có NLHVDS chưa đầy đủ
Mất NLHVDS
Hạn chế NLHVDS
Khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi
Tuổi
- Chưa đủ 06 tuổi
 
- Người từ đủ 06 tuổi đến dưới 18 tuổi có NLHVDS chưa đầy đủ.
Từ đủ 18 tuổi
Từ đủ 18 tuổi
Từ đủ 18 tuổi
Tình trạng thể chất/tinh thần
Không xem xét
Không xem xét
Người do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác.
Người nghiện ma túy, nghiện các chất kích thích khác dẫn đến phá tán tài sản của gia đình.
Do tình trạng thể chất hoặc tinh thần .
Mức độ nhận thức, điều chỉnh hành vi
Không xem xét
Không xem xét
KHÔNG THỂ nhận thức, làm chủ được hành vi
Khả năng tự kiểm soát hành vi bị hạn chế do phá tán tài sản gia đình
Không đủ khả năng nhận thức, làm chủ hành vi nhưng chưa đến mức mất năng lực hành vi dân sự
Cách thức xác định về mặt pháp lý
Không xem xét
Không xem xét
Tòa án ra quyết định tuyên bố khi:
- Có đơn yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan.
- Kết luận giám định pháp y tâm thần
Tòa án ra quyết định tuyên bố khi:
- Có đơn yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan
Tòa án ra quyết định tuyên bố khi:
- Có đơn yêu cầu của chính người đó, người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan.
- Kết luận giám định pháp y tâm thần.
 
Dựa vào bảng mô tả có thể thấy, giữa người mất năng lực hành vi dân sự và người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi có ranh giới phân biệt khá mong manh. Nó nằm ở chỗ “không đủ” khả năng nhận thức, điều khiển hành vi. Vậy thế nào là không đủ, bị bệnh tâm thần nhưng lúc mê lúc tỉnh có được xem là người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi không? Hay chỉ đơn giản cầm kết quả thẩm định và yêu cầu Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự? Thế nên, việc chứng minh, phân biệt giữa hai cấp độ này vẫn còn chưa thực sự rõ ràng.
Khoản 2 Điều 69 Bộ luật TTDS năm 2015 quy định về năng lực hành vi TTDS là khả năng tự mình thực hiện quyền, nghĩa vụ TTDS hoặc ủy quyền cho người đại diện tham gia TTDS. Chính năng lực hành vi TTDS cũng dựa trên nền tảng tuyên bố người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi. Đối với người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, năng lực này được xác định theo quyết định của Tòa án. Như vậy, việc xác định tính pháp lý về tư cách chủ thể của người có khó khăn trong nhận thức làm chủ hành vi căn cứ vào việc xem xét, đánh giá của cơ quan Tòa án.
1.2. Điều kiện tuyên bố người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi
Điều kiện cần để tuyên bố người khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi phải là người thành niên do tình trạng thể chất hoặc tinh thần mà không đủ khả năng nhận thức, làm chủ hành vi nhưng chưa đến mức mất năng lực hành vi dân sự và điều kiện đủ đó là phải có sự yêu cầu.
Điều 23 BLDS năm 2015 ra đời trong bối cảnh thực tiễn đòi hỏi việc bảo vệ người yếu thế khi mà bản thân người này (đã trưởng thành) có những khó khăn trong nhận thức dẫn đến thiếu minh mẫn khi tự mình thực hiện các giao dịch dân sự, nhưng về mặt y học, chưa thực sự rơi vào trường hợp mất hoàn toàn khả năng nhận thức, làm chủ hành vi[1]. Để có được quyết định tuyên bố một người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi cần thiết phải đảm bảo các yếu tố:
Thứ nhất, cá nhân do tình trạng thể chất hoặc tinh thần mà không đủ khả năng nhận thức và làm chủ hành vi. Thế nào là không đủ khả năng nhận thức và làm chủ hành vi? Mức độ như thế nào thì được xem là không đủ. Từ “không đủ” khác so với quy định “mất năng lực hành vi dân sự”. Mất là cá nhân đó không còn khả năng nhận thức, làm chủ hành vi được nữa, “không đủ” được xem là vẫn có khả năng nhận thức nhưng cấp độ không đầy đủ. Như vậy, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi vẫn còn một phần khả năng nhận thức, làm chủ hành vi của mình; thế nên, ranh giới phân biệt giữa quy định tại Điều 22 và Điều 23 BLDS năm 2015 được quyết định bởi yếu tố “không đủ”. Khi Tòa án ra quyết định tuyên bố một người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi cũng như chỉ định người giám hộ thì phải có phần xác định phạm vi quyền, nghĩa vụ của người giám hộ, phạm vi năng lực hành vi dân sự, hành vi TTDS của chủ thể bị tuyên bố. Tuy nhiên, thực tiễn vận dụng quy định này vẫn còn khá lúng túng.
Xem xét việc dân sự sau[2]: ông T bà L là cha mẹ của bà D gửi đơn yêu cầu Tòa án tuyên bố bà D là người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi do bà D bị tâm thần phân liệt. Tòa án xác định khi được sinh ra và lớn lên thì tình trạng sức khỏe của bà D ban đầu vẫn bình thường, nhưng kể từ thời điểm năm 19 tuổi thì bà D bắt đầu có các vấn đề về tâm thần kinh, thuộc đối tượng bị khuyết tật tâm thần phân liệt mức độ nặng, có xác nhận của Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã B, huyện C, tỉnh Sóc Trăng. Do bị bệnh nên khả năng nhận thức của bà D bị hạn chế, thường không có khả năng nhận thức và thể hiện được ý chí của mình. Mặt khác, kết luận giám định pháp y tâm thần theo yêu cầu số 328/2020/KLGĐYC ngày 10/12/2020 của Trung tâm pháp y tâm thần X đối với bà D, xác định:
Về y học, hiện tại, đương sự có bệnh lý tâm thần: Tâm thần phân liệt thể không biệt định, giai đoạn bệnh thuyên giảm (F20.3 - ICD10);
 Về năng lực, hiện tại, đương sự có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi. Căn cứ vào đó, Tòa án quyết định tuyên bố bà D là người có khó khăn trong nhận thức làm chủ hành vi và chỉ định ông T bà L là người giám hộ của bà D mà không đưa ra giới hạn bất kỳ nào về việc tham gia giao dịch dân sự hay tham gia hoạt động tố tụng để có năng lực hành vi TTDS.
Như vây, rõ ràng, quyết định này với nội dung cũng không khác so với quyết định tuyên bố người bị mất năng lực hành vi dân sự về mặt hệ quả pháp lý.
Một việc dân sự khác[3], bà Vũ Thị C yêu cầu Tòa án tuyên bố con trai bà là anh Nguyễn Văn D là người mất năng lực hành vi dân sự hoặc là người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi. Tại Kết luận giám định sức khỏe tâm thần số 149/KLGĐ ngày 20/11/2020 của Viện pháp y tâm thần trung ương kết luận: Tại thời điểm giám định, đối tượng Nguyễn Văn D bị bệnh Tâm thần phân liệt thể Paranoid. Theo phân loại bệnh quốc tế lần thứ 10 năm 1992 bệnh có mã số F20.0. Bệnh ở giai đoạn thuyên giảm. Đối tượng hạn chế khả năng nhận thức và điều khiển hành vi (người có khó khăn trong 3 nhận thức và làm chủ hành vi). Tòa án nhận định: lời trình bày của bà Vũ Thị C phù hợp với Kết luận giám định sức khỏe tâm thần của Viện pháp y tâm thần trung ương, phù hợp với tình trạng thực tế của anh Nguyễn Văn D tại thời điểm giám định nên yêu cầu của bà Vũ Thị C về việc yêu cầu Tòa án tuyên bố anh Nguyễn Văn D là người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi và chỉ định bà Vũ Thị C là người giám hộ cho anh Nguyễn Văn D là có căn cứ cần được chấp nhận. Theo đó, Tòa án chấp nhận tuyên bố anh D là người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, chỉ định bà C là người giám hộ cho anh D mà không khoanh vùng phạm vi giám hộ cũng như giới hạn năng lực hành vi của chủ thể bị tuyên bố là anh D.
Từ các vụ việc trên có thể thấy, thực tiễn vẫn còn khá lúng túng khi giải quyết yêu cầu này. Rõ ràng, giới hạn về năng lực tham gia tố tụng của chủ thể bị tuyên bố có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi không khác gì đối với người bị mất năng lực hành vi dân sự. Tòa án không đưa ra bất kỳ phạm vi đại diện nào của người giám hộ cũng như về khả năng tự mình thực hiện giao dịch dân sự hay tham gia tố tụng khi tính “không đủ” mất năng lực hành vi dân sự tồn tại.
Thứ hai, có yêu cầu của người bị tuyên bố hoặc người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, trên cơ sở kết luận giám định pháp y tâm thần. Người yêu cầu có thể là chính người bị tuyên bố. Điều này cho thấy tính “không đủ” trong năng lực hành vi dân sự/hành vi TTDS của cá nhân. Bởi lẽ, không đủ nên họ vẫn còn có một phần khả năng nhận thức, làm chủ hành vi của mình. Do đó, cũng có khả năng họ biết năng lực mình đến đâu, tự mình yêu cầu Tòa án để chỉ định người giám hộ phù hợp với một phạm vi giám hộ rõ ràng[4].
Việc tuyên bố một người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi không đương nhiên bắt buộc Tòa án phải khoanh vùng phạm vi giám hộ hay giới hạn khả năng tự mình thực hiện giao dịch của chủ thể bị tuyên bố, bởi nó còn phải căn cứ vào kết luận giám định pháp y tâm thần. Rõ ràng qua hai thực tiễn nêu trên, yếu tố của y học chi phối khá nhiều trong quyết định của Tòa án. Trong cả hai quyết định của mình, Tòa án khi kết luận đều ghi rõ chủ thể bị yêu cầu có “khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi” do mắc các bệnh về tâm thần. Tuy nhiên, xét dưới góc độ pháp lý, “khó khăn” tức là “không đủ” chứ chưa phải mất hoàn toàn, họ vẫn còn một phần khả năng nhận thức. Một phần đó ở đâu trong các kết luận y khoa? Thiết nghĩ, cần thiết có cơ chế ràng buộc trong khâu giám định pháp y nhằm tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho các quyết định của Tòa án.
2. Bảo vệ người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi trong pháp luật tố tụng dân sự
2.1. Trong thủ tục tham gia tố tụng dân sự
   Thứ nhất, Tòa án chỉ định người đại diện tham gia tố tụng.
Khoản 1 Điều 88 Bộ luật TTDS năm 2015 quy định: Khi tiến hành TTDS, nếu có đương sự là người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi mà không có người đại diện hoặc người đại diện theo pháp luật của họ thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 87 của Bộ luật này thì Tòa án phải chỉ định người đại diện để tham gia tố tụng.
Bởi yếu tố “khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi” nên họ khó có thể tự mình bảo vệ mình khi tham gia vào hoạt động tố tụng vốn phức tạp và chặt chẽ về quy trình. Do đó, việc có người đại diện để tham gia tố tụng là cần thiết. Tuy nhiên, việc xác định chủ thể đại diện là ai, theo quy trình nào vẫn chưa được quy định rõ. Để một người được xem là có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi thì họ phải bị tuyên bố bởi Tòa án bằng một quyết định dân sự. Trong đó, Tòa án có chỉ định người giám hộ, phạm vi giám hộ cũng được thể hiện trong văn bản này. Vậy mặc nhiên chủ thể đại diện tham gia tố tụng là người giám hộ trong quyết định trên hay khi giải quyết một vụ việc dân sự khác, Tòa án vẫn được quyền chỉ định một chủ thể khác nếu trong quyết định không nêu rõ? Thiết nghĩ, cần thiết phải có sự hướng dẫn quy định này để tránh gây lúng túng khi áp dụng vào thực tiễn. Bởi lẽ, cụm từ “Tòa án phải chỉ định người đại diện để tham gia tố tụng” có khả năng được hiểu theo hướng Tòa án phải ra một quyết định khác để chỉ định bên cạnh quyết định tuyên bố nêu trên. Xét vụ việc của Tòa án nhân dân huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng[5], trong phần kết luận, Tòa án chấp nhận tuyên bố ông Quách Hữu P là người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi và chỉ định bà Thạch Thị D là người giám hộ với phạm vi giám hộ như sau: Bà Thạch Thị D có quyền sử dụng tài sản của ông P để chăm sóc, chi dùng cho những nhu cầu thiết yếu của ông P; Được thanh toán các chi phí hợp lý cho việc quản lý tài sản của ông P; Đại diện cho ông P trong việc xác lập, thực hiện giao dịch dân sự và thực hiện các quyền khác theo quy định của pháp luật nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của ông P và có nghĩa vụ chăm sóc, bảo đảm việc điều trị bệnh cho ông P; Đại diện cho ông P trong các giao dịch dân sự; Quản lý tài sản của ông P; Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của ông P. Như vậy, với phạm vi này, có thể hiểu rằng trong quyết định tuyên bố ông P là người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi và liệt kê các giới hạn phạm vi giám hộ của bà D. Tuy nhiên, trong giới hạn phạm vi này, lại không thể hiện quyền đại diện cho ông P khi tham gia tố tụng, mức độ đại diện đến đâu vì hiện giờ ông P chưa đến mức mất năng lực hành vi dân sự. Liệu cụm từ “thực hiện các quyền khác theo quy định của pháp luật nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của ông P” có được xem là bao gồm cả quyền tham gia tố tụng hay không; theo đó bà D có được quyền đại diện cho ông P trong vấn đề này hay phải thực hiện một thủ tục khác để bà D có được quyền? Thiết nghĩ, cần thiết phải làm rõ vấn đề này để tránh việc có các tranh chấp liên quan đối với quan hệ giám hộ, đại diện và để đảm bảo quy trình tố tụng được chặt chẽ hơn.
Đối chiếu quy định của pháp luật Trung Quốc cho thấy, khi một người không có năng lực tham gia tố tụng sẽ được đại diện bởi người giám hộ của họ, người sẽ hành động như những người đại diện theo pháp luật. Nếu người đại diện theo luật chuyển cho nhau trách nhiệm đại diện thì Tòa án sẽ chỉ định một trong số họ đại diện cho người được đại diện trong vụ việc[6]. Như vậy, việc quy định rõ ràng đại diện tham gia tố tụng đối với một người không có năng lực tham gia rõ ràng giúp cho việc áp dụng pháp luật thống nhất, nghĩa là việc chỉ định người giám hộ đồng nghĩa với việc họ có quyền tham gia vào quá trình tố tụng với tư cách giám hộ mà không cần thông qua thêm bất kỳ quyết định nào khác và đương nhiên nó cũng hạn chế tranh chấp về giám hộ xảy ra trên thực tế.
Tương tự, theo Điều 57 Bộ luật TTDS Cộng hoà Kazakhstan, việc tiến hành vụ việc của người đại diện như sau[7]: Công dân có quyền đích thân hoặc thông qua người đại diện tiến hành vụ việc tại Tòa án. Việc cá nhân tham gia vào vụ án sẽ không tước bỏ quyền có người đại diện của công dân trong trường hợp này. Cách quy định này cho thấy, pháp luật Kazakhstan đã đơn giản hóa các quy định, không chia ra nhiều trường hợp trong điều luật mà thống nhất ở hai chủ thể đó là: tự bản thân chủ thể hoặc cơ chế người đại diện.
Thứ hai, quy định về việc lấy lời khai của người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi và sự tham gia của Viện kiểm sát khi giải quyết vụ việc dân sự.
 Khoản 3 Điều 99 Bộ luật TTDS năm 2015 quy định: Việc lấy lời khai của người làm chứng chưa đủ mười tám tuổi, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi phải được tiến hành với sự có mặt của người đại diện theo pháp luật hoặc người đang thực hiện việc quản lý, trông nom người đó. Đây là quy định bắt buộc người đại diện (người giám hộ) của người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi khi cơ quan tiến hành tố tụng thực hiện thủ tục lấy lời khai của người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi.
Ngoài ra, các vụ việc có đương sự là người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi cần thiết phải có sự tham gia của Viện kiểm sát trong các phiên họp, phiên tòa. Theo quy định tại Điều 21 Bộ luật TTDS năm 2015, Viện kiểm sát không bắt buộc tham gia tất cả các phiên tòa sơ thẩm. Tuy nhiên, một trong các ngoại lệ được kể đến là vụ án có sự tham gia của người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi. Như vậy, Viện kiểm sát thực hiện chức năng kiểm sát hoạt động tố tụng, đảm bảo quá trình tuân theo pháp luật của vụ việc. Do đó, quy định này trở thành cơ chế để bảo vệ phía chủ thể là người yếu thế khi tham gia vào quá trình tố tụng tại Tòa án dù đó là việc hay vụ việc dân sự.
2.2. Trong thủ tục giải quyết yêu cầu tuyên bố cá nhân có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi
Quy định về thủ tục giải quyết yêu cầu tuyên bố cá nhân có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi được trình bày tại Chương XXIV Bộ luật TTDS năm 2015. Quy trình về cơ bản tương tự như đối với trường hợp người bị mất năng lực hành vi dân sự, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự.
Trong giai đoạn chuẩn bị xét đơn, theo đề nghị của người yêu cầu, Tòa án có thể trưng cầu giám định sức khỏe, bệnh tật của người bị yêu cầu tuyên bố bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc giám định pháp y tâm thần đối với người bị yêu cầu tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi[8]. Cụm từ “có thể” cho thấy, đây là quyền của Tòa án, cơ quan này hoặc trưng cầu giám định hoặc không đều phù hợp với quy định của pháp luật. Thậm chí, Tòa án còn có thể sử dụng kết luận giám định của chính người yêu cầu. Tuy nhiên, thiết nghĩ, quyết định tuyên bố một người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi đã giới hạn quyền tham gia vào quan hệ pháp luật của họ, đây là quyền cơ bản của người trưởng thành; do đó, Tòa án cần thiết có cơ chế kiểm tra, xác minh lại để đưa ra một kết luận khách quan, bảo vệ cho chính những người “yếu thế” trong xã hội[9].
Pháp luật Hà Lan cũng có những quy định điều chỉnh vấn đề xác nhận năng lực pháp luật của người chưa hoặc không đủ khả năng nhận thức. Theo đó, một biện pháp khác bảo vệ quyền của người bị tố tụng do mất năng lực pháp lý, ở giai đoạn tiến hành thủ tục tố tụng là cần phải trình cho Tòa án giấy chứng nhận sức khỏe tâm thần ngay bước đầu tiên của quá trình tố tụng. Căn cứ vào Điều 552 khoản 1 Bộ luật TTDS Hà Lan[10], nếu theo đơn khởi kiện, một người bị mất năng lực do mắc bệnh tâm thần hoặc thiểu năng trí tuệ thì trước khi ra lệnh tống đạt yêu cầu, Tòa án sẽ yêu cầu (trong một thời hạn quy định) giấy chứng nhận sức khỏe tâm thần của đương sự do bác sĩ tâm thần cấp hoặc ý kiến ​​của bác sĩ tâm lý về mức độ thiếu hụt tâm thần của người đó. Việc xuất trình các giấy chứng nhận nêu trên có ý nghĩa quan trọng trong quá trình tố tụng, vì theo Điều 552 khoản 2 Bộ luật TTDS Hà Lan- Tòa án sẽ bác đơn yêu cầu tuyên bố một người không có năng lực pháp luật nếu nội dung đơn khởi kiện hoặc các tài liệu kèm theo đơn yêu cầu không chứng minh sự tồn tại của bệnh tâm thần, chậm phát triển tâm thần hoặc bất kỳ dạng rối loạn tâm thần nào khác của người được đề nghị về tình trạng vô năng hợp pháp hoặc nếu giấy chứng nhận hoặc ý kiến ​​được yêu cầu chưa được nộp, trừ khi không thể nộp các tài liệu đó. Giấy chứng nhận nêu tại khoản 1 Điều 552 Bộ luật TTDS không cần phải đáp ứng bất kỳ yêu cầu đặc biệt nào về hình thức. Một bác sĩ tâm thần, nhà thần kinh học hoặc nhà tâm lý học không nhất thiết phải là một chuyên gia của Tòa án. Tuy nhiên, giấy chứng nhận phải được cập nhật và do đó nó phải nằm trong thời hạn hợp lý trước khi đơn khởi kiện được đệ trình. Khoảng thời gian này không được quy định cụ thể, vì nó phụ thuộc vào loại bệnh là lý do của đơn yêu cầu vô hiệu hợp pháp. Trong khi việc kiểm tra y tế, được thực hiện ở giai đoạn tố tụng tiếp theo, phải liên quan đến thủ tục tố tụng tình trạng mất năng lực, giấy chứng nhận y tế được nộp khi bắt đầu thủ tục và chỉ để chứng minh tính hợp pháp của đơn đăng ký, cho mục đích của Tòa án hoặc thủ tục hành chính khác. Giấy chứng nhận này khá quan trọng; do đó, Bộ luật TTDS Hà Lan đã quy định một cách chi tiết về loại văn bản này. Văn bản không yêu cầu quá nhiều về mặt hình thức, tuy nhiên nó đòi hỏi cao ở mặt nội dung, phải rõ ràng, cụ thể và chứng minh được tình trạng của người được kiểm tra, họ ở giai đoạn nào, mức độ nhận thức ra sao.
Trở lại với các giai đoạn của quá trình tố tụng giải quyết việc tuyên bố một người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi. Ở giai đoạn ra quyết định, đối với trường hợp tuyên bố người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, Tòa án phải chỉ định người giám hộ, xác định quyền, nghĩa vụ của người giám hộ. Đây là quy định bắt buộc. Cơ quan này phải khoanh vùng, giới hạn, khẳng định phạm vi giám hộ của người giám hộ. Tuy nhiên, thực tế các vụ việc, Tòa án xác định còn khá chung chung, mang tính bao quát hoặc có trường hợp không xác định, dẫn đến cách hiểu phạm vi giám hộ là toàn bộ tương ứng với trường hợp mất năng lực hành vi dân sự. Xét Quyết định số 39/QĐST-DS của Tòa án nhân dân thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Theo đó, Ông Thái Văn K kết hôn với bà Nguyễn Thị H và sinh được ba người con là Thái Thanh L, Thái Thanh H, Thái Thanh L. Trong ba người con có Thái Thanh L – Sinh năm; 1993 bị mắc bệnh tâm thần từ nhỏ cho đến nay. Năm 2013, Thái Thanh L được UBND xã Điện Q, thị xã Điện Bàn cấp giấy chứng nhận khuyết tật (dạng khuyết tật: Nghe, nói; Thần kinh, tâm thần; Trí tuệ. Mức độ khuyết tật: Nặng). Hiện nay, Thái Thanh L được hưởng trợ cấp xã hội và sống cùng với ông Thái Văn K. Ông Thái Văn K cần làm thủ tục giấy tờ một số giao dịch dân sự có liên quan đến Thái Thanh L. Do đó, ông Thái Văn K làm đơn yêu cầu Tòa án nhân dân thị xã Điện Bàn tuyên bố ông Thái Thanh L là người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi. Tòa án chấp nhận yêu cầu của ông K bà H. Tuy nhiên, trong phần quyết định, Tòa không đề cập đến vấn đề về quyền, nghĩa vụ của người giám hộ là ông K và bà H.
Xét vụ việc khác trong Quyết định số 208/2020/QĐST-VDS ngày 23/12/2020 của Tòa án nhân dân thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định. Theo đó, trong phần Quyết định, Tòa án chấp nhận yêu cầu tuyên bố chị Trịnh Thị Như T là người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi. Đồng thời, Tòa án chỉ định bà Nguyễn Thị T là người giám hộ cho chị Như T. Bà Nguyễn Thị T có các quyền và nghĩa vụ của người giám hộ quy định tại các Điều 57, 58, 59 Bộ luật Dân sự năm 2015. Trong vụ việc này, phạm vi giám hộ còn khá chung chung, có thể hiểu là tất cả các giao dịch, quan hệ pháp luật dân sự của người được giám hộ, như vậy, hệ quả pháp lý của nó không khác gì so với tuyên bố người bị mất năng lực hành vi dân sự khi mà chủ thể yêu cầu không phải là chị Như T.
3. Kiến nghị
Quy định người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi lần đầu tiên được ghi nhận trong BLDS năm 2015 và Bộ luật TTDS năm 2015. Tuy nhiên, quy định này vẫn còn khá mới mẻ nên vẫn còn một số vướng mắc và nhầm lẫn dẫn đến những khó khăn nhất định trong việc tuyên bố một người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi. Điều này kéo theo những hệ quả nhất định trong việc bảo vệ nhóm người này trong hoạt động TTDS. Vì vậy, tác giả có các kiến nghị sau:
Một là, cần có văn bản hướng dẫn giải thích chi tiết về điều kiện người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi. Cơ sở để Tòa án tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự hay có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi đều là kết quả giám định pháp y tâm thần. Do đó, dẫn đến những lúng túng cho những người liên quan yêu cầu Tòa án tuyên bố một người là thuộc trường hợp nào và Tòa án cho chấp nhận yêu cầu đó hay không. Việc này dễ dẫn đến tuyên bố nhầm, tuyên bố một cách tùy nghi, phụ thuộc vào ý chí của người yêu cầu. Cho nên, cần cụ thể hoá thế nào là “không đủ khả năng nhận thức, làm chủ hành vi nhưng chưa đến mức mất năng lực hành vi dân sự” và cần những hướng dẫn, tiêu chí phân loại, đánh giá.
   Hai là, quy định về điều kiện của kết luận giám định pháp y tâm thần cũng cần phải rõ ràng, cụ thể hơn. Kết luận phải yêu cầu thể hiện đầy đủ nội dụng về nguyên nhân tình trạng thể chất, tình trạng tinh thần là gì, không đủ khả năng nhận thức, làm chủ hành vi đến đâu, ảnh hưởng đến quyền và nghĩa vụ trong quan hệ pháp luật dân sự ra sao, nếu rơi vào trường hợp không bị mất hoàn toàn khả năng nhận thức, làm chủ hành vi thì người đó còn có thể nhận thức được trong phạm vi nào,… để tạo cơ sở cho Tòa án trong việc ra quyết định tuyên bố một người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, chỉ định người đại diện cho họ trong TTDS và phạm vi đại diện của họ (nếu có).
   Ba là, xây dựng một hệ thống quy định về phạm vi tham gia tố tụng, quy trình tố tụng đặc biệt dành cho đối tượng là người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi. Nhận thấy, phạm vi quyền hạn của người giám hộ khi tham gia tố tụng đối với người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi và người bị mất năng lực hành vi dân sự là không hoàn toàn giống nhau. Điều này có thể dẫn đến hệ quả của việc tham gia tố tụng là khác nhau. Quy trình tố tụng của một vụ việc dân sự được xây dựng một cách chặt chẽ và bắt buộc tất cả các chủ thể tham gia tố tụng phải thực hiện, tuân thủ nghiêm minh. Bởi lẽ, bất kỳ một vi phạm nào về tố tụng cũng sẽ ảnh hưởng đến lợi ích của chính các đương sự, đến bản chất của vụ việc và đến kết quả của bản án. Do đó, một bản án được tuyên mà vi phạm về trình tự, thủ tục tố tụng, ảnh hưởng đến lợi ích của đương sự, bản án đó sẽ phải bị hủy bỏ[11].
Bốn là, quy định về chỉ định rõ người đại diện. Người đại diện trong TTDS cho người có khó khăn trong nhận thức và làm chủ hành vi có phải là người đại diện theo chỉ định của Tòa án trong quyết định tuyên bố người đó có khó khăn trong nhận thức và làm chủ hành vi hay không. Thiết nghĩ, cần có quy định theo hướng thừa nhận sự thống nhất này ngay trong quy định về người đại diện trong TTDS. Theo đó, người đại diện được Tòa án chỉ định trong quyết định tuyên bố người có khó khăn trong nhận thức và làm chủ hành vi đồng thời là người đại diện trong TTDS. Điều này tạo ra tính nhất quán của pháp luật, tránh việc nhầm lẫn và tạo điều kiện cho chủ thể có thể tham gia vào quan hệ pháp luật một cách kịp thời, bảo vệ quyền lợi cho các đương sự và cho chính người có khó khăn trong nhận thức và làm chủ hành vi.
Qua các phân tích trên, có thể thấy, nhóm đối tượng là người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi khá đặc biệt, họ không bị mất năng lực hành vi hoàn toàn, nhưng cũng không phải có năng lực hành vi đầy đủ. Điều này dẫn đến, có thể sẽ có những vấn đề họ tự tham gia tố tụng được hoặc thể hiện được ý chí của mình trong vụ việc dân sự. Vì vậy, khi tuyên bố một người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, Tòa án cần xác định phạm vi đại diện của người giám hộ, bao gồm trong đời sống và cả khi tham gia tố tụng. Tiếp đó, cần thiết xây dựng các quy định về quy trình tham gia tố tụng của người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi từ giai đoạn chuẩn bị xét xử đến khi vụ việc được kết thúc. Cụ thể, phiên tòa có sự tham gia của họ cần có kiểm sát viên kiểm sát hoạt động tuân theo pháp luật. Trong quá trình xét xử vụ án dân sự, cần phải có quy định riêng về việc lấy ý kiến, quyền được tham gia phiên tòa của người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi nếu họ còn có một phần khả năng nhận thức. Điều này sẽ đảm bảo được tính toàn diện trong việc xem xét vụ việc mà có sự tham gia của nhóm đối tượng người yếu thế đặc biệt, bảo vệ được sự công bằng, tính khách quan tuyệt đối trong pháp luật tố tụng./.
 
 
 
 
 

 


[1] Chủ biên Đỗ Văn Đại, Bình luận khoa học những điểm mới của BLDS 2015, xuất bản lần thứ 2 có bổ sung, Nxb. Hồng Đức – Hội Luật gia Việt Nam, tr. 53.
[2] Quyết định số 01/2021/QĐST-DS ngày 28/01/2021 của Tòa án nhân dân huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng.
[3] Quyết định số 10/2020/QĐST-DS ngày 16/12/2020 của Toà án nhân dân thành phố H, tỉnh Hải Dương.
 [4] Trần Thị Hoa, Vướng mắc trong thực tiễn xét xử vụ, việc dân sự có đương sự bị mất, hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, Tạp chí Nghề Luật, số 07/2020, tr.5.
[5] Quyết định số 07/2020/QĐST-VDS ngày 31/12/2020 của Tòa án nhân dân huyện Trần Đ, tỉnh Sóc Trăng.
[6] Điều 57 BLTTDS Trung Quốc, tác giả dịch từ: http://cicc.court.gov.cn/html/1/219/199/200/644.html, truy cập ngày 01/03/2021.
[7] Tác giả dịch từ: http://adilet.zan.kz/eng/docs/K1500000377, truy cập ngày 01/03/2021.
[8] Điều 377 BLTTDS năm 2015.
[9] Lý Văn Toán, Sự tương thích của Bộ luật Dân sự năm 2015 với Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 về đại diện giữa vợ chồng khi một bên vợ, chồng khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi dân sự, Tạp chí Kiểm Sát, số 17 (Tháng 9/2018), tr.43.
[10] Tác giả dịch từ: http://www.dutchcivillaw.com/civilprocedureleg.htm, truy cập ngày 01/03/2021
[11] Điều 310 BLTTDS năm 2015. 

(Nguồn tin: Bài viết đăng trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu lập pháp số 23(447), tháng 12/2021)