Hoàn thiện pháp luật hình sự Việt Nam về các tội phạm về hối lộ trong tình hình hiện nay

11/01/2022

VŨ VIỆT TƯỜNG

NCS. Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Tóm tắt: Bộ luật Hình sự Việt Nam hiện hành được ban hành năm 2015 và đã được sửa đổi, bổ sung năm 2017 (Bộ luật Hình sự năm 2015). Trong phạm vi bài viết này, tác giả trình bày, phân tích thực trạng các quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 về các tội phạm về hối lộ và đưa ra kiến nghị hoàn thiện các quy đinh này.
Từ khóa: Nhận hối lộ, đưa hối lộ và môi giới hối lộ, Bộ luật Hình sự năm 2015.
Abstract: The applicable Criminal Code of Vietnam was promulgated in 2015 and amended in 2017 (the Criminal Code of 2015). Within the scope of this article, the author provides discussions of and an analysis of the current situation of the provisions of the Criminal Code of 2015 on crimes of bribes and  also gives out a number of recommendations for further improvements of the related provisions.
Keywords: Bribe receipt; bribe giving; bribery brokerage; the Criminal Code of 2015.
 NHẬN-HỐI-LỘ_1.jpg
Ảnh minh họa: Nguồn internet
1. Thực trạng các quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 về các tội phạm về hối lộ
Bộ luật Hình sự năm 2015 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2017 (BLHS năm 2015) quy định các tội phạm về hối lộ, baogồm tội nhận hối lộ, tội đưa hối lộ và tội môi giới hối lộ tại Điều 354, Điều 364 và Điều 365 thuộc Chương XXIII - Các tội phạm về chức vụ. Chương này được chia thành 2 mục: Mục 1 - Các tội phạm về tham nhũng; Mục 2 - Các tội phạm khác về chức vụ.
Như vậy, mặc dù cùng là các tội phạm về hối lộ nhưng tội đưa hối lộ và tội môi giới hối lộ được xếp ở Mục 2, còn tội nhận hối lộ lại đặt ở Mục 1. Điều này có nghĩa là, pháp luật Việt Nam chỉ coi tội nhận hối lộ là tội phạm về tham nhũng, còn hai tội đưa hối lộ và tội làm môi giới hối lộ không phải thuộc nhóm các tội phạm về tham nhũng[1]. Do đó, theo quy định của BLHS năm 2015, các tội phạm về tham nhũng nói chung, tội nhận hối lộ nói riêng có chủ thể của tội phạm là người có chức vụ, quyền hạn. Trong khi đó, chủ thể của tội đưa hối lộ và làm môi giới hối lộ có thể là bất kỳ người nào, nên các tội phạm này không được xếp vào nhóm tội phạm về tham nhũng, nhưng vẫn thuộc nhóm tội phạm khác về chức vụ vì chúng có liên quan chặt chẽ đến hành vi nhận hối lộ và liên quan đến việc thực thi công vụ của chính bản thân người có chức vụ, quyền hạn[2].
Cấu thành tội phạm với các dấu hiệu định tội, định khung hình phạt đã được quy định cụ thể tại các Điều 354, 364 và 365 BLHS năm 2015.
Những điểm mới của BLHS năm 2015 về các tội phạm về hối lộ: So với BLHS năm 1999, quy định của BLHS năm 2015 về các tội phạm về hối lộ có những điểm mới như sau:
+ Mở rộng phạm vi của các tội phạm về hối lộ (khái niệm, phạm vi) sang khu vực tư (các tổ chức, doanh nghiệp ngoài nhà nước).
+ Mở rộng chủ thể và đối tượng của tội phạm nhận hối lộ: Theo quy định được bổ sung tại khoản 6 Điều 354 BLHS năm 2015, chủ thể của tội nhận hối lộ còn có thể là người có chức vụ, quyền hạn trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài nhà nước.
+ Mở rộng phạm vi “của hối lộ”:Khái niệm “của hối lộ” được quy định ở  tội nhận hối lộ (Điều 354), đưa hối lộ (Điều 364), môi giới hối lộ (Điều 365)… “Của hối lộ” được đưa, nhận không chỉ gồm các loại lợi ích vật chất như tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác mà còn bao gồm các lợi ích phi vật chất, tức là những lợi ích tuy không quy giá trị thành tiền nhưng có khả năng đem lại sự hài lòng, sự thỏa mãn cho người nhận, do đó có khả năng gây ảnh hưởng đến hoạt động thực thi công vụ, nhiệm vụ của người có chức vụ, quyền hạn. Ví dụ, khen ngợi trên phương tiện truyền thông, quan hệ tình dục, chỗ học tại một trường chuyên cho con cái… Việc mở rộng này phản ánh đầy đủ yêu cầu của Công ước chống tham nhũng của Liên hợp quốc về “của hối lộ”, theo đó bất kỳ loại lợi ích nào được đưa, nhận một cách bất chính để thay đổi hoạt động thực hiện chức năng, nhiệm vụ của người có thẩm quyền đều bị xem là “của hối lộ”, điểm này phù hợp với thực tiễn lập pháp của nhiều quốc gia trên thế giới[3].
Quy định cụ thể về bên thứ ba hưởng lợi trong các tội phạm về hối lộ: BLHS năm 2015 quy định cụ thể và trực tiếp vấn đề bên thứ ba hưởng lợi từ hành vi hối lộ. Cụ thể Điều 354 về tội nhận hối lộ và Điều 364 về tội đưa hối lộ đều quy định “của hối lộ” có thể được thụ hưởng bởi chính bản thân người có chức vụ, quyền hạn hoặc cho người khác hoặc tổ chức khác.
+ Quy định bổ sung hối lộ công chức nước ngoài: Theo BLHS năm 2015, đối tượng tác động của tội đưa hối lộ không chỉ có hoạt động thực hiện công vụ của người có chức vụ, quyền hạn của Việt Nam, mà còn bao gồm hoạt động thực hiện công vụ của công chức nước ngoài hoặc công chức của tổ chức quốc tế công…
+ Thay đổi dấu hiệu định lượng ở một số cấu thành tội phạm: Dấu hiệu định lượng trong cấu thành tội phạm cơ bản của nhiều tội phạm về chức vụ đã có sự thay đổi. Đó là sự thay đổi của mức định lượng tối đa của giá trị tài sản bị chiếm đoạt, giá trị của hối lộ, giá trị của tài sản bất chính hoặc của thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra. Với tội nhận hối lộ, khung hình phạt cơ bản áp dụng đối với trường hợp “của hối lộ” có giá trị từ 02 triệu đồng đến dưới 10 triệu đồng (BLHS năm 1999) lên từ 02 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng trong BLHS năm 2015 (mức tối đa đã tăng lên 10 lần).
2. Hoàn thiện các quy định của Bộ luật hình sự năm 2015 về các tội phạm về hối lộ
Bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, các quy định của BLHS năm 2015 về các tội phạm về hối lộ còn một số bất cập cần tiếp tục hoàn thiện, cụ thể như sau.
Về hình thức, kết cấu của BLHS năm 2015 về các tội phạm về hối lộ
Như đã đề cập ở trên, mặc dù BLHS năm 2015 quy định các tội phạm về hối lộ tại các Mục 1 và Mục 2 vì lý do chủ thể tội phạm nằm ở hai nhóm khác nhau. Tuy nhiên, tác giả cho rằng, tội đưa hối lộ và tội nhận hối lộ là hai tội phạm điển hình nhất liên quan đến các tội phạm về chức vụ và cụ thể là tội nhận hối lộ - một trong các tội phạm về tham nhũng. BLHS năm 2015 xác lập chủ thể tội phạm và hình phạt - truy cứu trách nhiệm hình sự (TNHS)) cả người đưa và nhận hối lộ, môi giới hối lộ… đã vô tình tạo cớ cho những người này bao che, bảo vệ nhau để cùng có lợi hoặc khai báo gian dối để trốn tội hoặc giảm nhẹ hình phạt dẫn đến việc phát hiện, truy tố, xét xử các tội phạm này rất khó khăn, hiệu quả không cao. Trên thực tế, việc chứng minh tội phạm vấp phải rào cản do sự kiện phạm tội thông thường chỉ có 02 người bàn bạc, thống nhất (hoặc người nhận và người đưa biết; hoặc chỉ người đưa và người môi giới hối lộ biết) và 02 bên đều có lợi ích, nếu bị phát hiện sẽ bị truy cứu, nên việc phủ nhận hoặc không khai báo trung thực sẽ không chứng minh được tội phạm… Ngoài ra, chủ thể chính của tội nhận hối lộ là “người có chức vụ, quyền hạn”, người đưa hối lộ có thể bị gợi ý, bị gây áp lực… nên không phải là đối tượng chính để đấu tranh chủ yếu. Pháp luật một số nước khuyến khích người đưa hối lộ tố giác tội phạm để được giảm nhẹ TNHS và hình phạt, thậm chí không phải chịu TNHS. Mặc dù chủ thể của 03 tội phạm về hối lộ được quy định trong BLHS năm 2015 là khác nhau, nhưng có sự liên quan rất chặt chẽ, mật thiết trong cấu thành tội phạm hối lộ (đưa, nhận và môi giới hối lộ; trong đó, hành vi nhận hối lộ đóng vai trò quyết định). Đặc biệt, trong cả hành vi đưa và nhận hối lộ, có một trường hợp thời điểm tội phạm hoàn thành có cấu thành tội phạm hình thức, khi người đưa hối lộ và người nhận hối lộ đạt được thỏa thuận để người nhận hối lộ (người có chức vụ, quyền hạn) làm hoặc không làm điều gì đó vì lợi ích theo yêu cầu của người đưa hối lộ trên cơ sở căn cứ vào giá trị “của đưa hối lộ”. Ở đây, nếu của đưa hối lộ là tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác có giá trị từ 2 triệu đồng trở lên đã đủ cấu thành tội phạm; nếu “của đưa hối lộ” là lợi ích phi vật chất, tội phạm hoàn thành chỉ cần người đưa hối lộ đạt được thỏa thuận về việc “đưa lợi ích phi vật chất” đó (tình dục, việc làm, vị trí, uy tín…) cho người có chức vụ, quyền hạn thì tội phạm đó được xác định là hoàn thành… Do đó, để tăng cường hiệu quả đấu tranh phòng, chống các tội phạm tham nhũng, chức vụ nói chung, các tội phạm về hối lộ nói riêng cần xếp ba tội danh thành một mục riêng.
Về những nội dung cụ thể về các tội phạm về hối lộ
Một là, cần sửa đổi khoản 7 Điều 364 BLHS năm 2015 về tội đưa hối lộ. Bởi lẽ, việc sử dụng cụm từ “không có tội” là chưa chính xác, vì hành vi của người đưa hối lộ đã cấu thành tội phạm, nhưng vì “bị ép buộc” và do chủ động khai báo, góp phần phát hiện và xử lý người nhận hối lộ; do đó, họ không bị xử lý về hình sự và trả lại tài sản đã dùng để đưa hối lộ. Vì vậy, có thể sửa thành “không phải chịu TNHS” cho chính xác hơn.
Hai là, cần bảo đảm tính thống nhất về điều kiện áp dụng trường hợp phản ánh chính sách khoan hồng, nhân đạo - miễn TNHS cho người phạm tội đưa hối lộ và môi giới hối lộ tại đoạn 2 khoản 7 Điều 364 và khoản 6 Điều 365 BLHS năm 2015 (có thể miễn TNHS). Bởi lẽ, đây là hai trường hợp tương tự nhưng chỗ ghi nhận “tuy không bị ép buộc” (đối với tội đưa hối lộ), nhưng lại không ghi nhận điều này đối với tội môi giới hối lộ. Vì vậy, cần bổ sung thêm cụm từ “tuy không bị ép buộc” đối với người phạm tội môi giới hối lộ, vì phải là không bị ép buộc mới xứng đáng được hưởng khoan hồng, nhân đạo[4]. Những nội dung này sẽ được cụ thể hóa trong mô hình lý luận tương ứng về các tội phạm về hối lộ trong phần dưới.
Ban hành văn bản hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật
Hiện nay, mặc dù các tội phạm về tham nhũng, tội phạm khác về chức vụ được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn tại Nghị quyết số 03/2020/NQ-HĐTP ngày 30/12/2020 “Hướng dẫn áp dụng một số quy định của BLHS trong xét xử tội phạm tham nhũng và tội phạm khác về chức vụ”, nhưng một số vấn đề sau cần tiếp tục giải thích để áp dụng thống nhất pháp luật:
Một là, “của hối lộ” trong các tội phạm về hối lộ, ví dụ như quà biếu có giá trị trên 2.000.000 đồng thì khi nào được xác định là của hối lộ hoặc hối lộ trá hình qua quà biếu, trường hợp nào không bị truy cứu TNHS, hay “của hối lộ” là chất ma túy và không thuộc các trường hợp - tàng trữ, vận chuyển, mua bán, chiếm đoạt chất ma túy, hành vi đưa và nhận như hành vi trong các tội phạm này nhưng “của hối lộ” không định giá được là tài sản, vậy xử lý về tội danh nào.
Hai là, điểm e khoản 2 Điều 354, điểm c khoản 2 Điều 364 và điểm d khoản 2 Điều 365 BLHS năm 2015 quy định tình tiết định khung hình phạt: “Biết rõ của hối lộ là tài sản của Nhà nước” nhưng quy định này dường như có vẻ chưa hoàn toàn hợp lý, vì tài sản của Nhà nước được hiểu như thế nào. Nếu tài sản hối lộ chỉ thuộc một phần của Nhà nước thì có xử lý được không.
Ba là, xem xét, cụ thể hóa áp dụng chính sách khoan hồng đặc biệt miễn hình phạt theo quy định tại Điều 59 BLHS năm 2015 đối với trường hợp người phạm tội có ít nhất 02 tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 51 BLHS năm 2015 hoặc người phạm tội lần đầu là người giúp sức trong vụ án đồng phạm nhưng có vai trò không đáng kể đã được Nghị quyết số 03/2020/NQ-HĐTP ngày 30/12/2020 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao “Hướng dẫn áp dụng một số quy định của BLHS trong xét xử tội phạm tham nhũng và tội phạm khác về chức vụ”, nếu thuộc một trong các trường hợp sau:
a) Người phạm tội không vì động cơ vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác, mà chỉ vì muốn đổi mới, dám đột phá vì sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội và bảo vệ Tổ quốc;
b) Người phạm tội là người có quan hệ lệ thuộc (như cấp dưới đối với cấp trên, người làm công hưởng lương, chấp hành nhiệm vụ theo chỉ đạo của cấp trên), không ý thức được đầy đủ hành vi phạm tội của mình, không vì động cơ vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác, không được hưởng lợi; đã chủ động khai báo trước khi bị phát giác, tích cực hợp tác với cơ quan có thẩm quyền, góp phần có hiệu quả vào việc điều tra, xử lý tội phạm;
c) Người phạm tội đã chủ động khai báo trước khi bị phát giác, tích cực hợp tác với cơ quan có thẩm quyền, góp phần hạn chế thiệt hại, chủ động nộp lại toàn bộ tài sản chiếm đoạt, đã khắc phục toàn bộ hậu quả và đã bồi thường toàn bộ thiệt hại do mình gây ra;
d) Người phạm tội sau khi bị phát hiện đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, chủ động nộp lại toàn bộ tài sản chiếm đoạt, đã khắc phục toàn bộ hậu quả và đã bồi thường toàn bộ thiệt hại do mình gây ra.
Bốn là, làm rõ khái niệm về hối lộ và quy định cụ thể hành vi hối lộ trong khu vực tư, đây là những khái niệm có ý nghĩa xác định hành vi khách quan của các tội về hối lộ trong khu vực tư. Vì vậy, nếu không làm rõ những khái niệm này, sẽ gây khó khăn trong quá trình áp dụng, không thống nhất khi xét xử, dẫn đến việc bỏ lọt tội phạm. Các lưu ý về tội phạm hối lộ khu vực tư thể hiện như thế nào./.

 


[1] Quan điểm này xuất phát từ cơ sở quy định của Pháp lệnh Chống tham nhũng năm 1998 trước đây: “Tham nhũng là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó để tham ô, hối lộ hoặc cố ý làm trái pháp luật vì động cơ vụ lợi” (Điều 1). Theo định nghĩa này, hành vi tham nhũng được xác định bởi ba yếu tố căn bản: thứ nhất, chủ thể là người có chức vụ, quyền hạn; thứ hai, có yếu tố lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó; thứ ba, có động cơ vụ lợi.
[2] Xem: Võ Khánh Vinh, Tìm hiểu trách nhiệm hình sự đối với các tội phạm về chức vụ, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1994, tr.97.
[3] Xem: Đào Lệ Thu, Những điểm mới quy định về các tội phạm về chức vụ trong BLHS 2015, Tạp chí Tòa án nhân dân điện tử, ngày 16/5/2018. 
[4] Xem thêm: Trịnh Tiến Việt, Pháp luật hình sự Việt Nam về miễn TNHS và thực tiễn áp dụng, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, 2013, tr.279.

(Nguồn tin: Bài viết được đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 22 (446), tháng 11/2021.)