Hoàn thiện các quy định của Bộ luật Hình sự liên quan đến nhân thân người phạm tội

17/01/2022

NÔNG ĐỨC TÀI

Khoa Luật, Học viện An ninh nhân dân.

Tóm tắt: Dưới góc độ Luật hình sự, nhân thân người phạm tội được hiểu là “tổng hợp những đặc điểm riêng biệt của người phạm tội có ý nghĩa đối với việc giải quyết đúng đắn vấn đề trách nhiệm hình sự của họ”. Mặc dù nhân thân người phạm tội không phải là một yếu tố cấu thành tội phạm nhưng trong nhiều trường hợp, nó là dấu hiệu định tội, định khung và quyết định hình phạt. Trong phạm vi bài viết này, tác giả trình bày, phân tích các quy định của Bộ luật Hình sự về nhân thân người phạm tội, chỉ ra những hạn chế, bất cập và đề xuất kiến nghị hoàn thiện những hạn chế, bất cập đó.
Từ khoá: Người phạm tội, nhân thân người phạm tội, luật hình sự.
Abstract: From the perspective of criminal law, the offender's criminal profiling is understood as “a combination of distinctive characteristics of the offender which play an important role for the proper resolution of their criminal liability”. Although criminal profiling is not an element of crimes, in certain circumstances, it is a basis for determination of a crime or sentence bracket or decision on sentence. The article analysises regulations of the applicable Criminal Code relating to criminal profiling to draw shortcomings, inadequacies and propose recommendations for further improvements.
Keywords: Offenders; criminal profiling; criminal law.
 BỘ-LUẬT-HÌNH-SỰ.jpg
1. Các quy định của Bộ luật hình sự liên quan đến nhân thân người phạm tội
Nghiên cứu các quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2017 (BLHS năm 2015) liên quan đến nhân thân người phạm tội, có thể thấy được những điểm nổi bật sau đây:
Thứ nhất, BLHS năm 2015 thể hiện khá rõ sự phân loại mức độ răn đe trong nguyên tắc xử lý người phạm tội.
Khoản 1 Điều 3 BLHS năm 2015 quy định: Nghiêm trị người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy, ngoan cố chống đối, côn đồ, tái phạm nguy hiểm, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội… người phạm tội dùng thủ đoạn xảo quyệt, có tổ chức, có tính chất chuyên nghiệp, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng” và “khoan hồng với người tự thú, đầu thú, thành khẩn khai báo, tố giác đồng phạm, lập công chuộc tội, tích cực hợp tác với cơ quan có trách nhiệm trong việc phát hiện tội phạm hoặc trong quá trình giải quyết vụ án, ăn năn hối cải, tự nguyện sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại gây ra…”.Trong quy định này, nội dung của nguyên tắc thể hiện rõ thái độ của Nhà nước ta đối với những đối tượng phạm tội khác nhau, đó là sự phân định rõ nhóm đối tượng sẽ được hưởng chính sách khoan hồng, thể hiện sự nhân đạo của Nhà nước và nhóm chính sách cứng rắn thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật đối với đối tượng có khả năng và đã hoặc sẽ thực hiện những hành vi gây nguy hại lớn cho xã hội. Qua đó, cũng giúp cho cơ quan tiến hành tố tụng, đặc biệt cơ quan điều tra có định hướng trong việc xác định và thu thập chứng cứ chứng minh về những tình tiết được quy định trên có liên quan đến nhân thân người phạm tội có nằm trong diện các đối tượng mà BLHS quy định hay không như người chủ mưu, cầm đầu, hay đối tượng thành khẩn khai báo, tố giác đồng phạm,…
Thứ hai, BLHS năm 2015 xác định rõ ý nghĩa của việc xác định nhân thân người phạm tội trong tố tụng hình sự.
Các dấu hiệu nhân thân người phạm tội mặc dù không phải là dấu hiệu bắt buộc phải chứng minh nhưng nó có sự giao thoa nhất định với các yếu tố cấu thành tội phạm, đó là dấu hiệu tuổi chịu trách nhiệm hình sự (Điều 12 BLHS năm 2015) và năng lực trách nhiệm hình sự (Điều 21 BLHS năm 2015). Dấu hiệu thuộc về nhân thân người phạm tội trong trường hợp này cũng tác động lớn đến các giai đoạn tố tụng khác nhau. Trong nhiều vụ việc, sau khi cơ quan điều tra khởi tố vụ án, nếu hết thời hạn điều tra mà không xác định được đối tượng phạm tội thì phải đình chỉ vụ án hoặc không được khởi tố vụ án nếu người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội chưa đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự (Điều 157 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015), hoặc phải đình chỉ vụ án nếu xác định người phạm tội không có năng lực trách nhiệm hình sự, đó là trường hợp “người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình…” (Điều 21 BLHS năm 2015). Điều này thể hiện rõ quan điểm của Nhà nước trong việc xác định loại đối tượng xử lý là người từ đủ 14 tuổi trở lên mới phải chịu trách nhiệm hình sự và có năng lực trách nhiệm hình sự. Thậm chí theo quy định của BLHS cũng ghi nhận chính sách xử lý đối với người dưới 18 tuổi phạm tội tại Chương XII BLHS hiện hành. Ngoài ra, phần Tội phạm (Chương II) của BLHS năm 2015 cũng quy định rõ về các chế định liên quan đến tội phạm, trong đó chế định đồng phạm (Điều 17 BLHS năm 2015) đã giải thích cụ thể và chặt chẽ về bốn loại người đồng phạm khác nhau, bao gồm: người tổ chức, người thực hành, người xúi giục và người giúp sức. Đây là cơ sở giúp cho quá trình điều tra, truy tố, xét xử đạt hiệu quả và phân hóa trách nhiệm hình sự trên cơ sở những đặc điểm nhân thân khác nhau của từng đối tượng phạm tội, phục vụ tốt cho quá trình giáo dục, cải tạo người phạm tội.
Thứ ba, BLHS năm 2015 xác định rõ nhân thân người phạm tội là một trong số các căn cứ định tội.
Mặc dù dấu hiệu nhân thân người phạm tội không phải được quy định ở tất cả các điều luật của BLHS mà chỉ được quy định ở một số loại tội phạm nhất định, trong các khoản xác định cấu thành tội phạm cơ bản. Quá trình xác định tội danh, cơ quan điều tra buộc phải chứng minh người phạm tội khi thực hiện hành vi phạm tội đồng thời phải thỏa mãn dấu hiệu định tội đó. Chẳng hạn người mang quốc tịch Việt Nam mới có thể trở thành chủ thể của tội phản bội tổ quốc (Điều 108 BLHS năm 2015) hoặc người tổ chức, người xúi giục, người hoạt động đắc lực gây hậu quả nghiêm trọng là dấu hiệu thuộc về nhân thân người phạm tội khi áp dụng khung cơ bản của tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân (Điều 109 BLHS năm 2015). Trong quy định của tội tham ô tài sản (Điều 353 BLHS năm 2015), áp dụng khung cơ bản nếu người phạm tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản do mình có trách nhiệm quản lý mà tài sản có giá trị dưới 2.000.000 đồng thì phải thỏa mãn một trong số các tình tiết có liên quan nhân thân, đó là đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này hoặc đã bị kết án về một trong các tội tại Mục 1 chương XXIII BLHS hiện hành chưa được xóa án tích mà còn vi phạm… Có thể thấy, dấu hiệu nhân thân người phạm tội khi đóng vai trò là dấu hiệu định tội có ý nghĩa quan trọng trong việc xác định tội danh, nếu thực tế những dấu hiệu này không thỏa mãn thì sẽ thuộc vào trường hợp phạm tội khác, thậm chí là không phạm tội.
Thứ tư, BLHS năm 2015 xác định rõ nhân thân người phạm tội là căn cứ định khung hình phạt.
Trong phần các tội phạm cụ thể, ngoài cấu thành tội phạm cơ bản, BLHS cũng quy định về các tình tiết tăng nặng định khung (cấu thành tội phạm tăng nặng) hoặc các tình tiết giảm nhẹ định khung (cấu thành tội phạm giảm nhẹ). Có thể thấy, xét về dấu hiệu gắn với nhân thân người phạm tội trong các khoản của từng điều luật ở phần các tội phạm cụ thể chủ yếu là cấu thành tội phạm tăng nặng. Chẳng hạn, dấu hiệu tái phạm nguy hiểm là tình tiết định khung tăng nặng ở một số tội phạm như: Tội giết người (Điều 123 BLHS 2015), tội hiếp dâm (Điều 141 BLHS năm 2015), tội mua bán người (Điều 150 BLHS năm 2015),… Trong trường hợp các dấu hiệu gắn với nhân thân người phạm tội là tình tiết giảm nhẹ định khung, có thể thấy, ở một số tội xâm phạm an ninh quốc gia, những người đồng phạm khác không đóng vai trò quan trọng trong vụ án thì có thể được áp dụng khung giảm nhẹ,…
Những tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ được quy định trong BLHS năm 2015 cho thấy, những đặc điểm nhân thân người phạm tội chiếm một tỷ lệ lớn trong quyết định khung hình phạt của người phạm tội, các cơ quan tiến hành tố tụng không thể bỏ qua những đặc điểm này trong quá trình chứng minh tội phạm để xử lý đúng người, đúng tội.
Thứ năm, BLHS năm 2015 xác định rõ nhân thân người phạm tội là căn cứ quyết định hình phạt.
Điều 50 BLHS năm 2015 quy định “Khi quyết định hình phạt, Tòa án căn cứ vào… nhân thân người phạm tội…”. Theo quy định này, Tòa án đã có những căn cứ quan trọng nhất khi quyết định hình phạt đối với người phạm tội, đồng thời đảm bảo tính cá biệt ở từng đối tượng phạm tội khi thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội cũng rất khác nhau về nhân thân nên các yếu tố này cũng là một căn cứ quan trọng mà Tòa án cần phải xem xét để ra quyết định hình phạt một cách đúng người, đúng tội. Điều 51 BLHS năm 2015 về tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự có nhiều dấu hiệu thuộc về nhân thân người phạm tội như: người phạm tội vì hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, người phạm tội lần đầu, người phạm tội do lạc hậu, người phạm tội là phụ nữ có thai, người phạm tội là người đủ 70 tuổi trở lên,…Ngoài ra, Tòa án có thể xem xét mở rộng các tình tiết giảm nhẹ khác nhưng phải ghi rõ lý do giảm nhẹ trong bản án. Quy định này là hợp lý và triệt để nguyên tắc nhân đạo trong Luật hình sự.
Điều 52 BLHS năm 2015 về tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự cũng quy định các dấu hiệu khác nhau có liên quan đến nhân thân người phạm tội như phạm tội có tính chất chuyên nghiệp, phạm tội vì động cơ đê hèn, tái phạm hoặc tái phạm nguy hiểm, phạm tội 02 lần trở lên,… Quy định này cho thấy tương quan về số lượng giữa tình tiết tăng nặng ít hơn so với các tình tiết giảm nhẹ. Việc quy định như vậy thể hiện rõ quan điểm trong chính sách của Nhà nước một cách nhất quán – hạn chế tối đa khả năng lạm quyền của cơ quan tố tụng cũng như tận dụng tối đa những yếu tố có lợi cho người phạm tội.
2. Những hạn chế, bất cập trong các quy định của Bộ luậtHình sự liên quan đến nhân thân người phạm tội và kiến nghị hoàn thiện
Bên cạnh những điểm nổi bật nêu trên, các quy định của BLHS năm 2015 liên quan đến nhân thân người phạm tội còn một số hạn chế, bất cập cần được hoàn thiện sau đây:
Một là, quy định về nguyên tắc xử lý người phạm tội.
Điểm d khoản 3 Điều 3 BLHS năm 2015 quy định“Nghiêm trị người phạm tội dùng thủ đoạn xảo quyệt, có tổ chức, có tính chất chuyên nghiệp, cố ý gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Khoan hồng đối với người tự thú, đầu thú, thành khẩn khai báo, tố giác đồng phạm, lập công chuộc tội, tích cực hợp tác với cơ quan có trách nhiệm trong việc phát hiện tội phạm hoặc trong quá trình giải quyết vụ án, ăn năn hối cải, tự nguyện sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại gây ra”.
Quy định trên cho thấy, nội dung của điểm d khoản 3 Điều 3 gồm hai nguyên tắc độc lập là nguyên tắc “Nghiêm trị người phạm tội …” và nguyên tắc “Khoan hồng đối với người tự thú, đầu thú…”. Việc quy định hai nguyên tắc này trong một khoản của một điều luật sẽ dẫn đến việc hiểu và áp dụng nguyên tắc này một cách máy móc là chỉ đối với người phạm tội “dùng thủ đoạn xảo quyệt, có tổ chức, có tính chất chuyên nghiệp, cố ý gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng”“tự thú, đầu thú, thành khẩn khai báo, tố giác đồng phạm, lập công chuộc tội, tích cực hợp tác với cơ quan có trách nhiệm trong việc phát hiện tội phạm hoặc trong quá trình giải quyết vụ án, ăn năn hối cải, tự nguyện sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại gây ra” thì mới được khoan hồng, còn những trường hợp khác thì không. Nếu hiểu như vậy là phiến diện, chưa thấy hết chính sách hình sự của Nhà nước ta đối với người phạm tội.
Bên cạnh đó, theo tinh thần của Điều 29, Điều 51, Điều 52, Điều 91 BLHS năm 2015 (quy định về miễn trách nhiệm hình sự, các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự, nguyên tắc xử lý đối với người dưới 18 tuổi phạm tội) thì những người phạm tội có nhân thân tốt, người dưới 18 tuổi phạm tội là những đối tượng được hưởng sự khoan hồng của pháp luật khi phạm tội. Quan điểm này cần được xác định một cách rõ ràng trong nguyên tắc xử lý tội phạm.
Vì lý do trên, tác giả cho rằng, cần tách điểm d khoản 3 thành 2 điểm tương ứng với 2 nguyên tắc “Nghiêm trị người phạm tội …” và “Khoan hồng đối với người tự thú, đầu thú…”, đồng thời bổ sung nguyên tắc “Khoan hồng đối với người có nhân thân tốt, người dưới 18 tuổi phạm tội.
Hai là, quy định về nhân thân người phạm tội là căn cứ định tội và khung hình phạt.
 Trong BLHS năm 2015, một số dấu hiệu thuộc về nhân thân được quy định là dấu hiệu định tội hoặc định khung hình phạt cần được điều chỉnh để phù hợp về mặt kỹ thuật lập pháp.
 Ví dụ:
 - Tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng (Điều 126 BLHS năm 2015), động cơ phòng vệ chính đáng là dấu hiệu bắt buộc của tội phạm này. Trên thực tế, nếu người thực hiện hành vi phạm tội không xuất phát từ động cơ này thì có thể cấu thành tội phạm khác như: tội giết người (Điều 123), tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh (Điều 125),… Tuy nhiên, trong quá trình tố tụng, có thể dẫn đến việc áp dụng đồng thời động cơ phòng vệ chính đáng vừa là dấu hiệu định tội vừa là dấu hiệu tình tiết giảm nhẹ (điểm c, khoản 1 Điều 51 BLHS năm 2015). Về nguyên tắc, theo khoản 3 Điều 50 BLHS năm 2015, “các tình tiết giảm nhẹ đã được Bộ luật này quy định là dấu hiệu định tội hoặc định khung thì không được coi là tình tiết giảm nhẹ trong khi quyết định hình phạt. Vì vậy, tác giả cho rằng, để khắc phục bất cập nêu trên, cần có hướng dẫn cụ thể về áp dụng các dấu hiệu, tình tiết này hoặc nếu những dấu hiệu, tình tiết tương tự đã được quy định trong dấu hiệu định tội hoặc định khung thì không cần thiết phải quy định 02 lần.
- Tội sử dụng trái phép tài sản (Điều 177 BLHS năm 2015) là hành vi “vì vụ lợi mà sử dụng trái phép tài sản của người khác trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng, đã bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này…”. Theo quy định này, để có thể xử lý người phạm tội đòi hỏi đồng thời thỏa mãn thực hiện hành vi sử dụng trái phép tài sản có giá trị theo luật định và người đó phải kèm theo các đặc điểm nhân thân xấu (đã từng bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính về hành vi này). Thực tế, nếu người phạm tội thực hiện hành vi sử dụng trái phép tài sản nhưng không có những đặc điểm nhân thân ở trên thì rõ ràng dù sử dụng trái phép tài sản có giá trị bao nhiêu trong phạm vi dưới 500.000.000 đồng cũng không thể bị xử lý hình sự. Để khắc phục bất cập này, tác giả cho rằng, cần sửa đổi quy định này theo hướng: “Người nào vì vụ lợi mà sử dụng trái phép tài sản của người khác trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc dưới 100.00.000 đồng mà đã bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này…”.
Ba là, quy định về nhân thân người phạm tội là căn cứ để quyết định hình phạt.
Có thể thấy rằng, khi quyết định hình phạt, Tòa án căn cứ vào nhiều tình tiết khác nhau, trong đó có nhân thân người phạm tội. BLHS năm 2015 đã liệt kê khá đầy đủ và bao quát những dấu hiệu này. Trước hết, việc quy định cấu trúc của các tình tiết giảm nhẹ là dạng mở, còn quy định về tình tiết tăng nặng là theo cấu trúc dạng đóng. Cách quy định như vậy là phù hợp với quan điểm của Nhà nước ta trong việc tận dụng những yếu tố có lợi cho người phạm tội. Tuy nhiên, một số tình tiết về giảm nhẹ, tăng nặng còn khá bất cập và còn có nhiều cách hiểu khác nhau, do đó có thể dẫn đến việc áp dụng những tình tiết này một cách tùy tiện.
Ví dụ:
- Đối với quy định của Điều 51 BLHS năm 2015 về các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội tự nguyện, sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả (điểm b khoản 1). Quy định này không xác định mức độ khắc phục, bồi thường, sửa chữa bao nhiêu là toàn bộ hay một phần. Tương tự như vậy, những tình tiết khác như: phạm tội gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại không lớn, phạm tội vì hoàn cảnh đặc biệt khó khăn,… còn khá trừu tượng, khó hiểu.
- Đối với quy định của Điều 52 BLHS năm 2015 về các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự cũng còn nhiều bất cập. Ví dụ, quy định phạm tội từ 02 lần trở lên (điểm g khoản 1) vừa là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự và tình tiết định khung ở 83 tội danh trong BLHS, nhưng việc áp dụng chưa thống nhất ở các địa phương bởi cách hiểu khác nhau. Theo cách hiểu thứ nhất, phạm tội từ 02 lần trở lên là phạm tội 02 lần về cùng một tội danh; theo cách hiểu thứ hai, phạm tội 02 lần trở lên là phạm 02 tội với hai tội danh khác nhau. Tình tiết này cũng gây khó khăn cho việc phân biệt với các tình tiết khác trong Điều 52 BLHS như: phạm tội có tổ chức hay phạm tội có tính chất chuyên nghiệp,…
Để khắc phục những bất cập nêu trên, tác giả cho rằng, Toà án Nhân dân tối cao cần ban hành văn bản hướng dẫn áp dụng thống nhất các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự./.

(Nguồn tin: Bài viết được đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 22 (446), tháng 11/2021.)