Hoàn thiện các quy định của pháp luật về chủ thể tham gia xác định giá trị tổ chức tín dụng trong quá trình tái cơ cấu

05/01/2022

THS, NGUYỄN NGỌC YẾN

Khoa Pháp luật Kinh tế, Trường Đại học Luật Hà Nội.

Tóm tắt: Xác định giá trị doanh nghiệp là một trong những hoạt động phải thực hiện khi tổ chức tín dụng tiến hành tái cơ cấu, thậm chí hoạt động này có ý nghĩa quyết định sự thành công của mục đích tái cơ cấu mà tổ chức tín dụng đặt ra. Trong khâu xác định giá trị doanh nghiệp, việc nhận diện những chủ thể tham gia và quyền, trách nhiệm của mỗi chủ thể đóng vai trò quan trọng trong việc đưa ra kết quả giá trị doanh nghiệp đảm bảo sự chính xác, khách quan. Do vậy, việc rà soát và hoàn thiện các quy định của pháp luật về chủ thể tham gia xác định giá trị tổ chức tín dụng trong quá trình tái cơ cấu là yêu cầu tất yếu.
Từ khoá: Giá trị tổ chức tín dụng, chủ thể tham gia xác định giá trị tổ chức tín dụng, tái cơ cấu tổ chức tín dụng.
Abstract: Valuation of the enterprise is one of the must activities when the credit institution conducts restructuring, even this activity has the meaning to determine the success of the restructuring purpose that the credit institution has fabricate. In the stage of enterprise valuation, the identification of the participants and the rights and responsibilities of each subject plays an important role in giving the results of the business value to ensure accuracy and objectivity. Therefore, the review and improvements of legal provisions on subjects participating the valuation process of credit institutions in the restructuring process is an indispensable requirement.
Keywords: Valuation of credit institutions; subjects participating in valuation of credit institutions; credit institution restructure.
 
1. Khái quát về chủ thể tham gia xác định giá trị tổ chức tín dụng trong quá trình tái cơ cấu
Căn cứ vào các nhu cầu tái cơ cấu khác nhau, các chủ thể tham gia vào hoạt động xác định giá trị tổ chức tín dụng cũng có sự khác biệt. Tựu chung lại, có thể phân chia thành ba nhóm chủ thể sau:TÁI-CƠ-CẤU-TỔ-CHỨC-TÍN-DỤNG.jpg
Thứ nhất, các tổ chức tín dụng tự mình thực hiện xác định giá trị doanh nghiệp khi tiến hành tái cơ cấu. Dựa theo tính chất nguồn vốn, nhóm chủ thể này bao gồm:
- Các tổ chức tín dụng do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ tiến hành cổ phần hoá. Ngoài việc tuân theo các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, việc xác định giá trị của nhóm tổ chức tín dụng này còn được thực hiện theo các quy định của pháp luật về cổ phần hoá doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Các văn bản quy định trực tiếp nội dung này bao gồm Nghị định số 126/2017/NĐ-CP ngày 16/11/2017 của Chính phủ về chuyển doanh nghiệp nhà nước và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do doanh nghiệp nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần, được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 140/2020/NĐ-CP ngày 30/11/2020 của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn thi hành.
- Các tổ chức tín dụng cổ phần tiến hành tái cơ cấu dưới các hình thức như chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, tái cơ cấu hoạt động, tái cơ cấu tài chính... Trình tự, thủ tục xác định giá trị tổ chức tín dụng trong trường hợp này được thực hiện theo các quy định của pháp luật giá, đặc biệt là các Tiêu chuẩn thẩm định giá và các quy định về hình thức tái cơ cấu tổ chức tín dụng tương ứng.
Thứ hai, các chủ thể có chức năng thực hiện tư vấn xác định giá trị tổ chức tín dụng.
Xác định giá trị doanh nghiệp nói chung, giá trị tổ chức tín dụng nói riêng là hoạt động phức tạp, đòi hỏi cao về sự chuyên sâu trong kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm để có thể xác định được tương đối chính xác về giá trị tổ chức tín dụng cần thực hiện tái cơ cấu. Do đó, với sự tham gia của những chủ thể chuyên nghiệp trong việc tư vấn xác định giá trị doanh nghiệp sẽ giúp cho các tổ chức tín dụng có cơ sở để tham khảo, thậm chí sử dụng kết quả tư vấn vào quá trình tái cơ cấu của mình. Hiện nay, các chủ thể có chức năng tư vấn xác định giá trị tổ chức tín dụng bao gồm:
- Doanh nghiệp kiểm toán, chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam. Tổ chức kiểm toán không chỉ tham gia với tư cách là chủ thể tiến hành kiểm toán bắt buộc đối với báo cáo tài chính hàng năm của tổ chức tín dụng, mà trong trường hợp tổ chức tín dụng tiến hành tái cơ cấu cần xác định giá trị doanh nghiệp, hoàn toàn có thể sử dụng dịch vụ thẩm định giá tài sản do các tổ chức kiểm toán đủ điều kiện cung cấp[1].
- Công ty chứng khoán. Công ty chứng khoán là chủ thể quan trọng trên thị trường chứng khoán. Với tư cách là chủ thể kinh doanh chứng khoán chuyên nghiệp, công ty chứng khoán hoàn toàn có đủ những kiến thức, kinh nghiệm chuyên sâu về tài chính, ngân hàng và có thể sử dụng những kiến thức này để tư vấn cho các tổ chức tín dụng trong việc thực hiện tái cơ cấu và xác định giá trị doanh nghiệp. Để thực hiện được những hoạt động tư vấn này, công ty chứng khoán phải được cấp phép thực hiện nghiệp vụ bảo lãnh phát hành chứng khoán[2]. Đồng thời, công ty chứng khoán phải báo cáo Uỷ ban Chứng khoán nhà nước bằng văn bản trước khi thực hiện. Uỷ ban Chứng khoán nhà nước có quyền tạm ngừng, đình chỉ việc cung cấp dịch vụ tài chính khác của công ty chứng khoán nếu việc cung cấp dịch vụ đó trái với quy định của pháp luật hoặc gây rủi ro hệ thống thị trường chứng khoán[3]. Ngoài ra, công ty chứng khoán không được cung cấp dịch vụ tư vấn xác định giá trị doanh nghiệp cho công ty mà mình nắm giữ từ 10% trở lên vốn điều lệ[4].
- Doanh nghiệp thẩm định giá. Doanh nghiệp thẩm định giá là doanh nghiệp được thành lập và hoạt động theo quy định của Luật Doanh nghiệp và được Bộ Tài chính cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá theo quy định của pháp luật. Các tổ chức thẩm định giá nước ngoài muốn cung cấp dịch vụ thẩm định giá tại Việt Nam có thể góp vốn với doanh nghiệp thẩm định giá Việt Nam để thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, công ty cổ phần để kinh doanh dịch vụ thẩm định giá tại Việt Nam và nắm giữ tối đa không quá 35% vốn điều lệ[5].
Đối với 03 nhóm chủ thể có chức năng tư vấn xác định giá trị doanh nghiệp nêu trên, trách nhiệm của những nhóm chủ thể này cũng có sự phân hoá nhất định khi họ thực hiện tư vấn xác định giá trị doanh nghiệp cho những nhóm tổ chức tín dụng khác nhau, cụ thể:
Đối với tổ chức tín dụng do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ khi cổ phần hoá, tổ chức tư vấn xác định giá trị doanh nghiệp có trách nhiệm như: tuân thủ các quy định của pháp luật liên quan trong quá trình thực hiện nghiệp vụ xác định giá trị doanh nghiệp và thực hiện hợp đồng đã ký kết với khách hàng; chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả xác định giá trị doanh nghiệp; phải bồi thường thiệt hại do vi phạm các quy định của pháp luật trong quá trình thực hiện dịch vụ tư vấn định giá hoặc bị xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật...[6].
Đối với tổ chức tín dụng khác khi tiến hành tái cơ cấu, tổ chức tư vấn xác định giá trị doanh nghiệp có một số trách nhiệm cơ bản như tuân thủ pháp luật, tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam[7]; chịu trách nhiệm về hoạt động thẩm định giá theo quy định của pháp luật; bảo đảm tính độc lập về chuyên môn nghiệp vụ, tính trung thực, khách quan của hoạt động thẩm định giá và kết quả thẩm định giá; bảo mật thông tin theo quy định của pháp luật[8].
Thứ ba, các chủ thể có chức năng kiểm tra tài chính Nhà nước.
Tính chất đặc biệt của nguồn vốn của Nhà nước dẫn đến việc cần có sự tham gia kiểm tra, giám sát việc xác định giá trị nguồn vốn này tại các tổ chức tín dụng do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và những tổ chức tín dụng có vốn của Nhà nước khi tiến hành tái cơ cấu để đảm bảo không làm thất thoát nguồn vốn của Nhà nước. Cơ quan được giao trách nhiệm trong trường hợp này bao gồm:
- Ngân hàng Nhà nước với tư cách cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành trong lĩnh vực tiền tệ, ngoại hối, tín dụng. Tuy cùng đóng vai trò là cơ quan đại diện chủ sở hữu, nhưng Ngân hàng Nhà nước có các quyền, trách nhiệm khác nhau trong quá trình xác định giá trị của tổ chức tín dụng do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và tổ chức tín dụng có vốn nhà nước khi tái cơ cấu. Những quyền, trách nhiệm này được quy định cụ thể tại Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp năm 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành[9] và các quy định về chuyển đổi doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần.
- Kiểm toán Nhà nước với tư cách cơ quan kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính công. Với mục tiêu cơ bản là tránh thất thoát nguồn vốn nhà nước tại các tổ chức tín dụng khi tiến hành tái cơ cấu, Kiểm toán Nhà nước có trách nhiệm kiểm toán kết quả tư vấn xác định giá trị doanh nghiệp và xử lý các vấn đề tài chính trước khi chính thức công bố giá trị doanh nghiệp cổ phần hoá[10] và kiểm toán quyết toán giá trị phần vốn của Nhà nước tại thời điểm chính thức chuyển thành công ty cổ phần. Thêm vào đó, Kiểm toán Nhà nước còn thực hiện hoạt động kiểm toán đối với các tổ chức tín dụng sau khi tái cơ cấu để từ đó đánh giá hiệu quả sản xuất, kinh doanh của các tổ chức tín dụng. Nhiệm vụ, quyền hạn của Kiểm toán Nhà nước được quy định cụ thể tại Luật Kiểm toán nhà nước năm 2015 và các văn bản hướng dẫn thi hành.
2. Thực trạng các quy định của pháp luật về chủ thể tham gia xác định giá trị tổ chức tín dụng trong quá trình tái cơ cấu
2.1. Về kết quả đạt được
Pháp luật hiện hành đã có các quy định tương đối rõ về các chủ thể tham gia xác định giá trị doanh nghiệp, được ghi nhận trong từng quy định của pháp luật chuyên ngành, như pháp luật về chuyển doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần; pháp luật giá; pháp luật về kiểm toán nhà nước, kiểm toán độc lập, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp... Đồng thời, giữa các bộ phận pháp luật này về cơ bản đã có sự kết nối, tương thích với nhau. Chẳng hạn đối với nhóm chủ thể thực hiện tư vấn xác định giá trị doanh nghiệp dù được quy định riêng trong pháp luật về kiểm toán độc lập, pháp luật về chứng khoán và pháp luật về giá, nhưng Luật Giá năm 2012 có đưa ra một quy định chung để tập hợp trách nhiệm, nghĩa vụ của những chủ thể này. Theo đó, dù có nhiều chủ thể thực hiện hoạt động thẩm định giá, hoạt động này vẫn phải tuân theo quy định về thẩm định giá của Luật Giá và các văn bản hướng dẫn[11].
Thêm vào đó, pháp luật quy định về những chủ thể tham gia xác định giá trị doanh nghiệp trong hoạt động tái cơ cấu các tổ chức tín dụng cũng thường xuyên được sửa đổi, bổ sung để đảm bảo phù hợp với thực tiễn cuộc sống. Sự chi tiết, cụ thể, cập nhật trong các quy định của pháp luật đã mang lại hiệu quả trong quá trình thực hiện trên thực tế. Điều này được thể hiện rõ nét ở quy mô, kết quả hoạt động của các chủ thể tham gia vào việc xác định giá trị tổ chức tín dụng trong hoạt động tái cơ cấu, điển hình là doanh nghiệp thẩm định giá. Theo số liệu thống kê của Cục Quản lý giá - Bộ Tài chính, tính đến hết năm 2020 đã có 311 doanh nghiệp thẩm định giá được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá[12]. Số lượng tương đối lớn các doanh nghiệp thẩm định giá tồn tại cho thấy vai trò của hoạt động xác định giá trị ngày càng cao trong sự phát triển của nền kinh tế. Cùng với các doanh nghiệp thẩm định giá, các thẩm định viên cũng được đào tạo, rèn luyện thường xuyên để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ trong hoạt động thẩm định giá.
2.2. Về hạn chế
Bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, các quy định của pháp luật về chủ thể tham gia xác định giá trị tổ chức tín dụng trong hoạt động tái cơ cấu vẫn bộc lộ một số bất cập như sau:
Thứ nhất, các quy định của pháp luật về chủ thể tham gia xác định giá trị tổ chức tín dụng trong hoạt động tái cơ cấu chưa thống nhất, quy định rải rác ở các văn bản khác nhau, còn có những quy định chưa rõ ràng gây khó khăn cho quá trình áp dụng trên thực tế.
- Hiện nay, có sự thiếu vắng văn bản pháp luật ghi nhận đầy đủ về các chủ thể tham gia và quyền, nghĩa vụ của các chủ thể tham gia vào hoạt động xác định giá trị tổ chức tín dụng trong quá trình tái cơ cấu. Đơn cử như đối với hoạt động cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước, Nghị định số 126/2017/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 140/2020/NĐ-CP (Nghị định số 126) quy định doanh nghiệp cổ phần hoá được thuê tổ chức tư vấn để xác định giá trị doanh nghiệp[13] và không quy định cụ thể về việc doanh nghiệp nào cần hoặc không cần thuê tổ chức tư vấn[14]. Quy định này có thể hiểu rằng, tổ chức tín dụng do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ khi cổ phần hoá có thể hoặc không cần thuê tổ chức tư vấn nếu thấy không cần thiết. Tuy nhiên, trong tất cả các quy định của Nghị định số 126, quá trình cổ phần hoá đều gắn liền với kết quả xác định giá trị doanh nghiệp của tổ chức tư vấn. Chẳng hạn, kết quả xác định giá trị doanh nghiệp do tổ chức tư vấn định giá là cơ sở để cơ quan đại diện chủ sở hữu quyết định công bố giá trị doanh nghiệp. Như vậy, trong trường hợp tổ chức tín dụng tự mình tiến hành xác định giá trị doanh nghiệp thì cách thức, quy trình thực hiện như thế nào chưa được quy định rõ.
- Quy định về quyền và nghĩa vụ của các chủ thể tham gia xác định giá trị doanh nghiệp chưa rõ ràng, cụ thể: Nghị định số 126 liệt kê rõ tổ chức tư vấn xác định giá trị doanh nghiệp bao gồm: công ty kiểm toán, công ty chứng khoán, doanh nghiệp thẩm định giá được thành lập và hoạt động tại Việt Nam. Đồng thời, văn bản này cũng quy định các điều kiện và trách nhiệm chung của tổ chức tư vấn để xác định giá trị doanh nghiệp. Tuy nhiên, quyền của các tổ chức này và các nghĩa vụ cụ thể không được văn bản ghi nhận. Trong các văn bản pháp luật hiện hành, chỉ có Luật Giá năm 2012 quy định về quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp thẩm định giá (Điều 42). Quyền và nghĩa vụ của các tổ chức khác như doanh nghiệp kiểm toán, công ty chứng khoán không được quy định cụ thể.
Đối với các trường hợp xác định giá trị tổ chức tín dụng để mua bán, sáp nhập, giải thể, phá sản…, các văn bản chuyên ngành như Luật Doanh nghiệp, Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Phá sản, Luật Cạnh tranh, Luật Chứng khoán… đều không quy định cụ thể về quyền và nghĩa vụ của các chủ thể tham gia vào xác định giá trị doanh nghiệp. Các văn bản này cũng chỉ ghi nhận về việc các chủ thể có nhu cầu có thể thoả thuận về việc định giá hoặc thuê một tổ chức tư vấn để thực hiện. Vì vậy, rất khó để xác định về quyền và nghĩa vụ cụ thể của các chủ thể khi tham gia vào hoạt động xác định giá trị doanh nghiệp nói chung, giá trị tổ chức tín dụng nói riêng.
- Quy định về trách nhiệm của tổ chức tư vấn thẩm định giá là chưa đầy đủ và rõ ràng. Theo quy định của Nghị định số 126, tổ chức tư vấn xác định giá trị doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả xác định giá trị doanh nghiệp. Trong khi đó, Điều 23 Nghị định số 126 quy định: “Căn cứ Hồ sơ xác định giá trị doanh nghiệp do tổ chức tư vấn định giá xây dựng, Ban Chỉ đạo có trách nhiệm thẩm tra về trình tự, thủ tục, tuân thủ các quy định của pháp luật về xác định giá trị doanh nghiệp, trình cơ quan đại diện chủ sở hữu quyết định”; Điều 24 Nghị định số 126 quy định: “Kết quả công bố giá trị doanh nghiệp của cơ quan đại diện chủ sở hữu là một căn cứ quan trọng để xác định giá khởi điểm thực hiện đấu giá bán cổ phần lần đầu của doanh nghiệp cổ phần hóa”. Như vậy, kết quả thẩm định giá của các tổ chức tư vấn chỉ có giá trị tham khảo và các tổ chức có nhu cầu xác định giá trị hoàn toàn có thể lựa chọn một kết quả khác. Bên cạnh đó, Nghị định số 126 cũng quy định tổ chức tư vấn xác định giá trị doanh nghiệp phải bồi thường thiệt hại do vi phạm các quy định của pháp luật trong quá trình thực hiện dịch vụ tư vấn định giá hoặc bị xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật[15]. Tuy nhiên, việc doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm về kết quả xác định giá trị doanh nghiệp và phải bồi thường thiệt hại như thế nào chưa được hướng dẫn cụ thể.
Thứ hai, quy định về điều kiện thành lập đối với doanh nghiệp thẩm định giá chưa hợp lý.
Doanh nghiệp thẩm định giá là chủ thể quan trọng trong việc xác định giá trị doanh nghiệp, khi họ cung cấp cho các bên tham gia tái cơ cấu các tổ chức tín dụng những thông tin đáng tin cậy và có thể sử dụng để đưa ra quyết định tái cơ cấu hợp lý. Do nhu cầu xác định giá trị tài sản, giá trị doanh nghiệp trong nền kinh tế tăng cao khiến cho số lượng doanh nghiệp thẩm định giá phát triển nóng, phá vỡ định hướng phát triển nghề trong giai đoạn 2013 - 2020[16], xuất hiện tình trạng cạnh tranh không lành mạnh. Những hạn chế này dẫn tới việc cơ quan quản lý nhà nước siết chặt điều kiện thành lập đối với doanh nghiệp thẩm định giá.
Một trong những quy định thể hiện điều này là yêu cầu đối với người đại diện theo pháp luật, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc của doanh nghiệp thẩm định giá được bổ sung tại Nghị định số 12/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 89/2013/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Luật Giá về thẩm định giá (Nghị định số 12). Theo đó, người đại diện theo pháp luật, Giám đốc hoặc Tổng Giám đốc doanh nghiệp thẩm định giá phải là: (i) Thẩm định viên về giá đăng ký hành nghề tại doanh nghiệp; (ii) Có ít nhất 03 năm (36 tháng) là thẩm định viên về giá hành nghề trước khi trở thành người đại diện theo pháp luật, Giám đốc hoặc Tổng Giám đốc doanh nghiệp thẩm định giá; (iii) Không là người đại diện theo pháp luật, Giám đốc hoặc Tổng Giám đốc doanh nghiệp thẩm định giá đã bị thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá trong khoảng thời gian 01 năm tính tới thời điểm nộp hồ sơ cấp, cấp lại Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá[17].
Việc bổ sung điều kiện thứ (ii) và (iii) nhằm đảm bảo chất lượng của dịch vụ thẩm định giá cung cấp; hạn chế tình trạng cạnh tranh không lành mạnh về giá dịch vụ thẩm định giữa các doanh nghiệp thẩm định giá và phù hợp với Luật Đầu tư năm 2014 khi xác định thẩm định giá là ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Trong bối cảnh hiện nay, những điều kiện này được đánh giá là tương đối khắt khe đối với người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp thẩm định giá và có khả năng dẫn tới việc nhiều doanh nghiệp thẩm định giá buộc phải rút lui bởi không đáp ứng được điều kiện, từ đó ảnh hưởng tới quy mô và mức độ cạnh tranh trên thị trường. Hơn nữa, những điều kiện bổ sung được quy định trong Nghị định số 12 đang bộc lộ sự không tương thích với quy định của Luật Giá năm 2012. Cụ thể, Điều 39 Luật Giá quy định về điều kiện cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá của các doanh nghiệp thẩm định giá theo từng loại hình, trong đó quy định cụ thể về điều kiện của người đại diện theo pháp luật, Giám đốc hoặc Tổng Giám đốc của doanh nghiệp phải là thẩm định viên về giá đăng ký hành nghề tại doanh nghiệp. Luật Giá không trao cho Chính phủ hướng dẫn điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực giá. Do đó, sự tồn tại các quy định trong Nghị định số 12 về yêu cầu đối với người đại diện theo pháp luật, Giám đốc hoặc Tổng Giám đốc của doanh nghiệp thẩm định giá là không phù hợp với quy định của Luật Giá.
Trên thực tế, mặc dù số lượng doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá tương đối nhiều, nhưng hoạt động thẩm định giá trị doanh nghiệp của các doanh nghiệp thẩm định giá khá khiêm tốn, chủ yếu là thẩm định giá bất động sản. Cụ thể, trong năm 2019, tổng số chứng thư thẩm định giá doanh nghiệp là 1.301 (chiếm 0,8%), trong khi đó, chứng thư thẩm định giá bất động sản là 96.838 (chiếm 61,9%); chứng thư thẩm định giá động sản là 53.855 (chiếm 34,5%) và chứng thư thẩm định giá khác là 4.387 (chiếm 2,8%). Theo nguồn vốn, tổng số chứng thư thẩm định giá cho các tài sản có nguồn vốn NSNN là 46.347 (chiếm 29,6%); số chứng thư thẩm định giá cho các tài sản có nguồn vốn khác là 110.034 (chiếm 70,4%)[18].
Bên cạnh đó, hiện nay ở nước ta còn tồn tại những tổ chức thực hiện nghiệp vụ thẩm định giá tài sản vô hình, nhưng hoạt động này dường như chưa mang tính chuyên nghiệp hoá[19]; đồng thời, kết quả được đưa ra từ những chủ thể này có thể chưa mang tính thuyết phục. Một trong những nguyên nhân dẫn đến hạn chế này xuất phát từ tính đa dạng của các phương pháp xác định giá trị tài sản vô hình với các cách tiếp cận khác nhau, thậm chí tổ chức thẩm định giá còn có thể đưa ra một phương pháp xác định khác được cho là hợp lý để tính toán giá trị tài sản vô hình. Chưa kể tới việc với mỗi mục đích, thời điểm khác nhau, giá trị tài sản vô hình cũng được tính toán có sự khác biệt đáng kể. Những kết quả được đưa ra khác nhau khiến cho quá trình tái cơ cấu tổ chức tín dụng cũng gặp những trở ngại đáng kể, nếu không có sự thiện chí, hợp tác của các bên tham gia tái cơ cấu.
Đối với các tổ chức thẩm định giá trị thương hiệu tổ chức tín dụng, mỗi tổ chức cũng sử dụng một hệ thống các tiêu chí khác nhau để đánh giá, thậm chí đưa ra một con số cụ thể giá trị thương hiệu tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, các số liệu này cũng chỉ mang tính chất tham khảo và chủ yếu phục vụ cho việc quản trị tổ chức tín dụng, ít có ý nghĩa trong việc giúp cho các tổ chức tín dụng có quyết định tái cơ cấu chính xác và thành công. Bởi lẽ, các tổ chức đánh giá giá trị thương hiệu sẽ chú trọng tới các tổ chức tín dụng có giá trị thương hiệu lớn, mạnh, chẳng hạn như Bảng xếp hạng Banking 500 - top 500 thương hiệu ngân hàng giá trị nhất toàn cầu của Brand Finance; Báo cáo đo lường thị trường tài chính cá nhân Private Financial Market - PFM của Nielsen; Bảng xếp hạng Top 10 ngân hàng thương mại Việt Nam uy tín và 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam VNR 500 của Vietnam Report... Trong khi đó, tham gia vào quá trình tái cơ cấu dưới các hình thức mua lại, sáp nhập, hợp nhất chủ yếu là các tổ chức tín dụng nhỏ, đang gặp những “trở ngại” trong cơ cấu vốn, tổ chức, quản trị, điều hành và hoạt động, với những nguy cơ ảnh hưởng tới tính an toàn, ổn định, bền vững của hệ thống ngân hàng. Do đó, các kết quả đánh giá của các tổ chức đánh giá giá trị thương hiệu nêu trên lại không có giá trị tham khảo trong trường hợp tái cơ cấu các tổ chức tín dụng.
Thứ ba, quy định về thời gian hoàn thành, công bố kết quả kiểm toán kết quả tư vấn định giá và xử lý các vấn đề tài chính của doanh nghiệp gây khó khăn, áp lực cho Kiểm toán Nhà nước khi thực hiện. Pháp luật hiện hành quy định, trong vòng 60 ngày làm việc kể từ ngày tiến hành kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước phải thực hiện kiểm toán song song 02 nội dung: một là, xử lý các vấn đề tài chính; hai là, kết quả tư vấn định giá và phải hoàn thành việc công bố kết quả kiểm toán[20]. Trong khi đó, xác định giá trị doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ là hoạt động rất phức tạp. Chưa kể doanh nghiệp là tổ chức tín dụng, sự khó khăn trong việc xác định giá trị còn có phần khó thực hiện hơn.
3. Đề xuất giải pháp hoàn thiện các quy định của pháp luật về chủ thể tham gia xác định giá trị tổ chức tín dụng trong quá trình tái cơ cấu
Thứ nhất, hoàn thiện quy định về chủ thể tham gia xác định giá trị tổ chức tín dụng trong quá trình tái cơ cấu và quyền, nghĩa vụ của những chủ thể này theo hướng:
- Sửa đổi Nghị định số 126 theo hướng quy định bắt buộc sự tham gia của tổ chức tư vấn trong việc xác định giá trị tổ chức tín dụng do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ nói riêng, doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ nói chung khi tiến hành cổ phần hoá. Theo đó, khoản 1 Điều 12 Nghị định số 126 được viết lại như sau “doanh nghiệp cổ phần hoá phải thuê tổ chức tư vấn xác định giá trị doanh nghiệp”.
- Bộ Tài chính cần ban hành Thông tư hướng dẫn về tiêu chuẩn, điều kiện và quy trình, thủ tục công nhận tổ chức cung cấp dịch vụ xác định giá trị doanh nghiệp, với mục đích: (i) Quy định cụ thể quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của những tổ chức này; (ii) Tập hợp cụ thể điều kiện; (iii) Quy định về quy trình, thủ tục công nhận tổ chức tư vấn định giá; (iv) Quy định về đánh giá hàng năm hoạt động của các tổ chức tư vấn định giá; (v) Quy định về các chế tài đối với tổ chức tư vấn định giá như bị loại khỏi danh sách tổ chức tư vấn định giá. Đồng thời, ban hành Thông tư mới hướng dẫn về tiêu chuẩn, điều kiện và quy trình thủ tục công nhận tổ chức cung cấp dịch vụ xác định giá trị doanh nghiệp để thay thế Thông tư số 127/2012/TT-BTC được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư số 205/2015/TT-BTC về hướng dẫn về tiêu chuẩn, điều kiện và quy trình thủ tục công nhận tổ chức cung cấp dịch vụ xác định giá trị doanh nghiệp vì các Thông tư này đều hướng dẫn Nghị định 59/2011/NĐ-CP đã hết hiệu lực thi hành.
- Quy định chặt chẽ hơn về giá trị pháp lý của chứng thư thẩm định giá, đồng thời ban hành văn bản ghi nhận đầy đủ trách nhiệm của tổ chức tư vấn định giá trong trường hợp kết quả thẩm định giá không trung thực. Bên cạnh đó, cần bổ sung thêm các quy định về việc xử lý tranh chấp kết quả về thẩm định giá, khen thưởng, xử lý vi phạm và khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực thẩm định giá.
Thứ hai, sửa đổi Nghị định số 12 theo hướng bãi bỏ quy định bổ sung về điều kiện thành lập đối với doanh nghiệp thẩm định giá cho phù hợp với Luật Giá năm 2012.
Theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 37 Luật Giá năm 2012, thẩm định viên về giá “ký báo cáo kết quả thẩm định giá, chứng thư thẩm định giá và chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước người đại diện theo pháp luật, Giám đốc hoặc Tổng Giám đốc doanh nghiệp thẩm định giá về kết quả thẩm định giá”. Như vậy, chất lượng của Báo cáo kết quả thẩm định giá, chứng thư thẩm định giá phụ thuộc vào thẩm định viên về giá. Việc yêu cầu kinh nghiệm của người đại diện theo pháp luật, Giám đốc hay Tổng Giám đốc không đồng nghĩa tuyệt đối với việc chất lượng thẩm định giá được tăng cao. Chưa kể tới việc để thực hiện thẩm định giá, doanh nghiệp thẩm định giá phải mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho hoạt động thẩm định giá hoặc trích lập quỹ dự phòng rủi ro nghề nghiệp[21]. Điều này đồng nghĩa với việc khi chất lượng báo cáo kết quả thẩm định giá của doanh nghiệp kém chất lượng, gây thiệt hại cho khách hàng thì bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp đóng vai trò là giải pháp bồi thường thiệt hại và buộc doanh nghiệp thẩm định giá phải chú trọng hơn đến chất lượng dịch vụ. Theo đó, thay vì đưa ra các điều kiện bổ sung vượt quá so với quy định của Luật, việc quản lý nhà nước tránh tiêu cực trong lĩnh vực thẩm định giá cần thực hiện bằng các công cụ quản lý khác như Luật Cạnh tranh, giải pháp hậu kiểm để xử phạt vi phạm hành chính nếu có dấu hiệu vi phạm của doanh nghiệp thẩm định giá. Việc áp đặt điều kiện cho người đứng đầu doanh nghiệp thẩm định giá không giải quyết về vấn đề cạnh tranh giữa các doanh nghiệp.
Thứ ba, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động áp dụng pháp luật của Kiểm toán Nhà nước.
Tác giả cho rằng, việc quy định thời gian thực hiện kiểm toán xác định giá trị doanh nghiệp đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ nói chung, tổ chức tín dụng do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ nói riêng là 60 ngày kể từ ngày tiến hành kiểm toán mặc dù có thể gây áp lực về thời gian cho Kiểm toán Nhà nước, nhưng để quá trình cổ phần hoá đối với tổ chức tín dụng được diễn ra kịp thời, hiệu quả, khoảng thời gian 60 ngày này vẫn có thể áp dụng theo quy định của pháp luật hiện hành. Tuy nhiên, để giảm tải áp lực về thời gian và tạo tính chủ động cho mình, Kiểm toán Nhà nước hoàn toàn có thể chủ động cập nhật thông tin về tổ chức tín dụng đang trong quá trình cổ phần hoá, tình hình xác định giá trị doanh nghiệp đối với tổ chức tín dụng này để dự kiến kế hoạch kiểm toán. Theo quy định của pháp luật, chỉ sau khi cơ quan đại diện chủ sở hữu gửi văn bản kèm theo hồ sơ đề nghị cơ quan Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán kết quả tư vấn định giá và xử lý các vấn đề tài chính thì Kiểm toán Nhà nước mới tổ chức thực hiện kiểm toán trong thời gian 10 ngày kể từ ngày nhận được đề nghị của cơ quan đại diện chủ sở hữu. Tuy nhiên, trước khi hồ sơ đề nghị kiểm toán được cơ quan đại diện chủ sở hữu gửi tới, việc Kiểm toán Nhà nước nghiên cứu, nắm trước các thông tin cần thiết về doanh nghiệp cổ phần hoá để xây dựng dự kiến kế hoạch kiểm toán sẽ giúp cho cuộc kiểm toán diễn ra chủ động hơn và giảm thiểu thời gian hơn./. 
 

 


[1] Điều 40 Luật Kiểm toán độc lập năm 2011.
[2] Khoản 3 Điều 86 Luật Chứng khoán năm 2019.
[3] Khoản 5 Điều 86 Luật Chứng khoán năm 2019.
[4] Khoản 2 Điều 25 Thông tư số 121/2020/TT-BTC ngày 31/12/2020 do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành quy định về hoạt động của công ty chứng khoán.
[5] Điều 43 Luật Giá năm 2012; Điều 18, 21 Nghị định số 89/2013/NĐ-CP ngày 06/8/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Giá về thẩm định giá đã được sửa đổi, bổ sung bởi Điều 12 Nghị định số 151/2018/NĐ-CP ngày 07/11/2018 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số Nghị định quy định về điều kiện đầu tư, kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Tài chính.
[6] Khoản 3 Điều 12 Nghị định số 126/2017/NĐ-CP.
[7] Hệ thống tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam gồm các tiêu chuẩn hướng dẫn về những quy tắc đạo đức hành nghề thẩm định giá tài sản; những nguyên tắc kinh tế chi phối hoạt động thẩm định giá tài sản; giá trị thị trường và giá trị phi thị trường làm cơ sở cho thẩm định giá tài sản; phân loại tài sản; quy trình thẩm định giá tài sản; báo cáo kết quả thẩm định giá, hồ sơ và chứng thư thẩm định giá tài sản; các cách tiếp cận và phương pháp thẩm định giá.
[8] Điều 29 Luật Giá năm 2012.
[9] Nghị định số 10/2019/NĐ-CP ngày 30/01/2019 của Chính phủ về thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu Nhà nước.
[10] Điều 26 Nghị định số 126/2017/NĐ-CP.
[11] Khoản 3 Điều 28 Luật Giá năm 2012.
[12] Cục Quản lý giá (2021), Báo cáo về tình hình hoạt động thẩm định giá năm 2020 và phương hướng hoạt động năm 2021 của các doanh nghiệp thẩm định giá.
[13] Khoản 1 Điều 12 Nghị định số 126/2017/NĐ-CP; Nghị định số 140/2020/NĐ-CP.
[14] Điều 12 Thông tư số 127/2014/TT-BTC quy định doanh nghiệp cổ phần hoá có tổng giá trị tài sản theo sổ kế toán từ 30 tỷ đồng trở lên hoặc giá trị vốn nhà nước theo sổ kế toán từ 10 tỷ đồng trở lên phải thuê các tổ chức có chức năng định giá thực hiện tư vấn xác định giá trị doanh nghiệp.
[15] Điểm c khoản 7 Điều 12 Nghị định số 126/2017/NĐ-CP.
[16] Bộ Tài chính (2019), Tờ trình về Dự án Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 89/2013/NĐ-CP ngày 06/8/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Giá về thẩm định giá.
[17] Khoản 2 Điều 1 Nghị định số 12/2021/NĐ-CP ngày 24/02/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 89/2013/NĐ-CP ngày 06/8/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Giá về thẩm định giá.
[18] Cục Quản lý giá (2020), Báo cáo về tình hình hoạt động thẩm định giá năm 2019 và phương hướng hoạt động năm 2020 của các doanh nghiệp thẩm định giá.
[19] Nguyễn Trung Thắng (2015), Định giá thương hiệu: Khoa học hay nghệ thuật?, Viện Marketing và Quản trị Việt Nam VMI.
[20] Điểm b khoản 3 Điều 26 Nghị định số 126/2017/NĐ-CP.
[21] Điểm d khoản 2 Điều 42 Luật Giá năm 2012.

(Nguồn tin: Bài viết được đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 21 (445), tháng 11/2021.)