Thẩm quyền giám sát, giáo dục đối với người chấp hành án treo, cải tạo không giam giữ theo quy định của pháp luật hiện hành

13/01/2022

HOÀNG NGUYÊN THẮNG

Viện kiểm sát quân sự Quân khu 1.

Tóm tắt: Giám sát, giáo dục là một trong những nội dung chủ yếu trong công tác thi hành án treo, cải tạo không giam giữ được quy định trong Bộ luật Hình sự và Luật Thi hành án hình sự. Bên cạnh ý thức tuân thủ của người chấp hành án, việc thực hiện tốt công tác giám sát, giáo dục có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo đảm án treo, cải tạo không giam giữ được thi hành nghiêm chỉnh, đúng quy định của pháp luật. Thẩm quyền giám sát giáo dục đối với người chấp hành án treo, cải tạo không giam giữ được quy định trong nhiều văn bản pháp luật, ban hành tại các thời điểm khác nhau. Điều này dẫn đến sự chồng chéo, mâu thuẫn trong các quy định của pháp luật về vấn đề này.
Từ khóa: Án treo, cải tạo không giam giữ; thẩm quyền giám sát giáo dục đối với người chấp hành án treo, cải tạo không giam giữ.
Abstract: Supervision and education are one of the main measures in the execution of the suspended sentences and non-custodial reform prescribed in the Criminal Code and the Law on Criminal Judgment Execution. In addition to the sense of compliance by the sentenced person, the good-manner enforcement of supervision and education play an important role in ensuring that the suspended sentences and non-custodial reform are strictly enforced in accordance with the provisions of law. The competence for supervision and education of the suspended sentences and non-custodial reform is stipulated in several legal documents, issued at different times, which may lead to overlapping and inconsistencies in the provisions of the law on concerned matters.
Keywords: Suspended sentence, non-custodial reform; competence for supervision and education of the suspended sentences or the non-custodial reform.
 KHÔNG-GIAM-GIỮ.jpg
Ảnh minh họa: Nguồn internet
Các quy định về giám sát, giáo dục đối với người chấp hành án treo, cải tạo không giam giữ góp phần giúp người phạm tội nhanh chóng tái hòa nhập cộng đồng, học tập, cải tạo trở thành công dân có ích cho gia đình và xã hội; hạn chế hành vi vi phạm pháp luật và tội phạm xảy ra trong thời gian chấp hành án treo, cải tạo không giam giữ. Việc giám sát, giáo dục khi áp dụng án treo, cải tạo không giam giữ nhằm thực hiện mục tiêu kép là “trừng trị kết hợp với giáo dục vừa bảo đảm tính công minh của pháp luật, tính nhân đạo trong chính sách hình sự của Nhà nước ta, vừa đề cao được tác dụng giáo dục riêng và phòng ngừa chung đối với người phạm tội.
1. Các quy định của pháp luật về thẩm quyền giám sát, giáo dục đối với người chấp hành án treo, cải tạo không giam giữ
Hiện nay, thẩm quyền giám sát, giáo dục đối với người chấp hành án treo, cải tạo không giam giữ được quy định trong nhiều văn bản luật như: Bộ luật Hình sự năm 2015 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2017 (BLHS); Luật Thi hành án hình sự năm 2019 (LTHAHS); Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP ngày 15/05/2018 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng Điều 65 của BLHS về án treo (Nghị quyết số 02); Thông tư số 64/2019/TT-BCA ngày 28/11/2019 của Bộ Công an (Thông tư số 64); Thông tư số 181/2019/TT-BQP ngày 02/12/2019 của Bộ Quốc phòng (Thông tư số 181).
Khoản 2 Điều 65 BLHS về thẩm quyền giám sát, giáo dục đối với người chấp hành án treo quy định: Trong thời gian thử thách, Tòa án giao người được hưởng án treo cho cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc hoặc chính quyền địa phương nơi người đó cư trú để giám sát, giáo dục. Gia đình người bị kết án có trách nhiệm phối hợp với cơ quan, tổ chức, chính quyền địa phương trong việc giám sát, giáo dục người đó”.
Điều 36 BLHS về thẩm quyền giám sát, giáo dục đối với người chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ quy định: Tòa án giao người bị phạt cải tạo không giam giữ cho cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc, học tập hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú để giám sát, giáo dục. Gia đình người bị kết án có trách nhiệm phối hợp với cơ quan, tổ chức hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã trong việc giám sát, giáo dục người đó”.
Điều 6 Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP ngày 15/05/2018 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng Điều 65 của BLHS về án treo khi hướng dẫn về nội dung bản án tuyên đối với người bị kết án phạt tù được hưởng án treo quy định:
“Ngoài những nội dung theo quy định tại Điều 260 của Bộ luật Tố tụng hình sự, bản án cho người bị kết án phạt tù được hưởng án treo phải có nội dung sau đây:
1. Về việc giao người được hưởng án treo cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc giám sát, giáo dục trong thời gian thử thách:
a) Khi cho người phạm tội được hưởng án treo, Tòa án phải ghi rõ trong phần Quyết định của bản án việc giao người được hưởng án treo cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc để giám sát, giáo dục trong thời gian thử thách.
b) Khi giao người được hưởng án treo cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú để giám sát, giáo dục trong thời gian thử thách, Tòa án phải ghi rõ trong phần quyết định của bản án tên Ủy ban nhân dân cấp xã; tên huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; tên tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được giao giám sát, giáo dục người được hưởng án treo; đồng thời, ghi rõ trong trường hợp người được hưởng án treo thay đổi nơi cư trú thì thực hiện theo quy định của pháp luật về thi hành án hình sự.
c) Khi giao người được hưởng án treo cho cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc để giám sát, giáo dục trong thời gian thử thách, Tòa án phải ghi rõ trong phần quyết định của bản án tên và địa chỉ đầy đủ của cơ quan, tổ chức được giao giám sát, giáo dục người được hưởng án treo; đồng thời, ghi rõ trường hợp người được hưởng án treo thay đổi nơi làm việc thì thực hiện theo quy định của pháp luật về thi hành án hình sự.
Trường hợp cơ quan, tổ chức được giao giám sát, giáo dục người được hưởng án treo thuộc lực lượng quân đội nhân dân thì trong phần quyết định của bản án phải ghi tên của đơn vị quân đội được giao giám sát, giáo dục”.
Trong khi đó, LTHAHS quy định về thẩm quyền giám sát giáo dục người chấp hành án treo, cải tạo không giam giữ như sau:
“Điều 19. Nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân cấp xã trong thi hành án hình sự
1. Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn về giám sát, giáo dục người được hưởng án treo, người chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ...
2. Công an xã, phường, thị trấn (sau đây gọi là Công an cấp xã) tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại khoản 1 Điều này.
3. Đối với huyện không có đơn vị hành chính cấp xã thì cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại khoản 1 Điều này.
Điều 20. Nhiệm vụ, quyền hạn của đơn vị quân đội trong thi hành án hình sự
Đơn vị quân đội thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn về giám sát, giáo dục người được hưởng án treo, người chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ...”.
Đơn vị quân đội thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn về giám sát, giáo dục được quy định tại điểm d khoản 3 Điều 11 LTHAHS: “Đơn vị quân đội cấp trung đoàn và tương đương”.
Khoản 1 Điều 84 và khoản 1 Điều 96 LTHAHS về quyết định thi hành án treo, cải tạo không giam giữ quy định:
“Quyết định thi hành án treo phải ghi rõ họ, tên, chức vụ người ra quyết định; bản án, quyết định được thi hành; tên cơ quan có nhiệm vụ thi hành; họ, tên, ngày, tháng, năm sinh, nơi cư trú của người được hưởng án treo; mức hình phạt tù và thời gian thử thách của người được hưởng án treo; hình phạt bổ sung, trừ hình phạt bổ sung là hình phạt tiền; hậu quả của việc vi phạm nghĩa vụ trong thời gian thử thách theo quy định tại khoản 5 Điều 65 của Bộ luật Hình sự; Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị quân đội được giao giám sát, giáo dục người được hưởng án treo” (Khoản 1 Điều 84).
“Quyết định thi hành án phạt cải tạo không giam giữ phải ghi rõ họ, tên, chức vụ người ra quyết định; bản án được thi hành; họ, tên, ngày, tháng, năm sinh, nơi cư trú của người chấp hành án; thời hạn chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ; hình phạt bổ sung, trừ hình phạt bổ sung là hình phạt tiền; tên cơ quan có nhiệm vụ thi hành; Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị quân đội được giao giám sát, giáo dục người chấp hành án” (khoản 1 Điều 96).
Trách nhiệm giám sát, giáo dục người chấp hành án treo, cải tạo không giam giữ của cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc, học tập được quy định tại Điều 94 và Điều 106 LTHAHS: “Cơ quan, tổ chức có liên quan có trách nhiệm phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị quân đội trong việc giám sát, giáo dục”.
Khoản 2 Điều 10 Thông tư số 64 quy định thẩm quyền giám sát, giáo dục đối với người chấp hành án treo, cải tạo không giam giữ thay đổi nơi cư trú, nơi làm việc như sau : “Công an cấp xã nơi đến có trách nhiệm tham mưu với Ủy ban nhân dân cấp xã trong việc tiếp nhận hồ sơ quản lý, giám sát, giáo dục người chấp hành án do cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện nơi đến bàn giao và thực hiện quản lý, giám sát, giáo dục người chấp hành án theo quy định của Luật Thi hành án hình sự”.
Trong khi đó, khoản 1 Điều 9, Điều 10 Thông tư số 181 quy định: “Đơn vị quân đội nơi người chấp hành án chuyển đến tiếp nhận hồ sơ quản lý, giám sát, giáo dục người chấp hành án do cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu bàn giao; thực hiện tổ chức quản lý, giám sát, giáo dục người chấp hành án theo quy định” (Khoản 1 Điều 9).
“Trường hợp người chấp hành án không tiếp tục làm việc trong Quân đội, trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ khi nhận được quyết định, đơn vị quân đội nơi quản lý, giám sát, giáo dục người chấp hành án phải bàn giao hồ sơ quản lý, giám sát, giáo dục và các quyết định liên quan đến người chấp hành án cho cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu để làm thủ tục bàn giao người chấp hành án cùng hồ sơ cho cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện nơi người chấp hành án về cư trú để tiếp tục tổ chức thi hành theo quy định” (Điều 10).
Quy định của các văn bản pháp luật về thẩm quyền giám sát, giáo dục đối với người chấp hành án treo và cải tạo không giam giữ nêu trên còn có một số hạn chế, bất cập sau:
Thứ nhất, quy định về chủ thể có thẩm quyền giám sát, giáo dục đối với người chấp hành án treo và cải tạo không giam giữ không thống nhất giữa BLHS, Nghị quyết số 02 và LTHAHS. Nếu như khoản 2 Điều 36, khoản 2 Điều 65 BLHS, Điều 6 Nghị quyết số 02 quy định cơ quan, tổ chức nơi người chấp hành án treo, cải tạo không giam giữ làm việc, học tập có thẩm quyền giám sát, giáo dục độc lập đối với người đó bên cạnh thẩm quyền của Ủy ban nhân dân cấp xã được quy định rõ trong bản án, còn theo quy định của điểm c, d khoản 3 Điều 11, Điều 19, Điều 20, Điều 94 và Điều 106 LTHAHS, cơ quan, tổ chức nơi người chấp hành án treo, cải tạo không giam giữ làm việc, học tập không thuộc Cơ quan được giao một số nhiệm vụ thi hành án hình sự như Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị quân đội và các cơ quan, tổ chức này không có thẩm quyền giám sát, giáo dục độc lập đối với người chấp hành án treo, cải tạo không giam giữ màchỉ có trách nhiệm phối hợp cùng vớiỦy ban nhân dân cấp xã hoặc đơn vị quân đội trong việc giám sát, giáo dục. Hơn nữa, Điều 84 và Điều 96 LTHAHS chỉ quy định: “Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị quân đội được giao giám sát, giáo dục người chấp hành án”.
Trên thực tế, khi rà soát 100 bản án có các đối tượng được hưởng án treo, cải tạo không giam giữ đang làm việc hoặc học tập tại cơ quan, tổ chức được công bố trên Cổng thông tin điện từ của Tòa án nhân dân tối cao[1], cả 100 bản án đều tuyên Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người chấp hành án cư trú thực hiện giám sát, giáo dục, mà không phải là cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc và học tập giám sát giáo dục.
Thứ hai, quy định về thẩm quyền giám sát, giáo dục của đơn vị quân đội.
Như đã đề cập ở trên, theo quy định của điểm c khoản 3 Điều 11 LTHAHS, thẩm quyền giám sát, giáo dục đối với người chấp hành án treo, cải tạo không giam giữ tại đơn vị quân đội là “đơn vị cấp trung đoàn và tương đương”. Quy định này chưa trù liệu đến các đơn vị quân đội cấp Lữ đoàn hoặc Tiểu đoàn độc lập trực thuộc cấp Lữ đoàn, Sư đoàn hoặc trên cấp Sư đoàn không có cấp Trung đoàn và tương đương dẫn đến những bất cập trong thi hành trên thực tế. Cụ thể, trường hợp thứ nhất: Vụ án Nguyễn Văn L là quân nhân thuộc Trường bắn Quốc gia khu vực 1 (Trường bắn quốc gia khu vực 1 tương đương cấp Lữ đoàn, bên dưới có các tiểu đoàn trực thuộc không có cấp trung đoàn) và đồng phạm bị xét xử về tội đánh bạc theo quy định tại khoản 1 Điều 321 BLHS, L bị Tòa án quân sự khu vực A tuyên phạt 12 tháng tù treo, đồng thời Tòa án giao cho Trường bắn Quốc gia khu vực 1 giám sát, giáo dục Nguyễn Văn L; Trường hợp thứ hai: Lê Cảnh L là quân nhân thuộc Đại đội 17, Bộ Tham mưu, Quân khu A (Bộ tham mưu, Quân khu A trên cấp sư đoàn nhưng không có trung đoàn trực thuộc) phạm tội cưỡng đoạt tài sản theo khoản 1 Điều 170 BLHS, bị tuyên phạt 12 tháng tù treo. Trong bản án và Quyết định thi hành án, Tòa án quân sự khu vực A giao cho Bộ tham mưu, Quân khu B giám sát, giáo dục.
Như vậy, quyết định của Tòa án quân sự A giao thẩm quyền giám sát, giáo dục đối với người chấp hành án treo, cải tạo không giam giữ cho đơn vị quân đội không đúng với quy định của pháp luật hiện hành nhưng phù hợp với thực tiễn.
Bên cạnh đó, quy định giữa LTHAHS và Thông tư số 181 về thẩm quyền giám sát, giáo dục người chấp hành án treo, cải tại không giam giữ trong  đơn vị quân đội không thống nhất cũng gây ra vướng mắc, bất cập khi thi hành án treo, cải tạo không giam giữ; điểm c khoản 3 Điều 11 LTHAHS quy định thẩm quyền giám sát, giáo dục chỉ thuộc “đơn vị cấp Trung đoàn và tương đương”;  khoản 3 Điều 2 Thông tư số 181 quy định thẩm quyền giám sát, giáo dục đối với người chấp hành án treo, cải tạo không giam giữ thay đổi nơi làm việc lại thuộc “đơn vị cấp trung đoàn và tương đương trở lên).
2. Kiến nghị
Để khắc phục những hạn chế, bất cập nêu trên, tác giả kiến nghị:
Thứ nhất, sửa đổi khoản 2 Điều 36, khoản 2 Điều 65 BLHS theo hướng Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị quân đội là các cơ quan được giao giám sát, giáo dục người chấp hành án. Cơ quan, tổ chức nơi người chấp hành án treo, cải tạo không giam giữ làm việc, học tập chỉ có trách nhiệm phối hợp giám sát, giáo dục cùng vớiỦy ban nhân dân cấp xã hoặc đơn vị quân đội.
Quy định này một mặt thống nhất với LTHAHS vì các cơ quan, tổ chức nơi người chấp hành án treo, cải tạo không giam giữ làm việc, học tập không phải là cơ quan được giao một số nhiệm vụ thi hành án hình sự; mặt khác nhằm bảo đảm thống nhất một đầu mối trong công tác quản lý người chấp hành án treo, cải tạo không giam giữ, đảm bảo phục vụ cho công tác giám sát thi hành hình sự của Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam[2], công tác kiểm sát thi hành án hình sự của Viện kiểm sát nhân dân[3].  
Thứ hai, sửa đổi điểm c khoản 3 Điều 11 LTHAHS theo hướng mở rộng chủ thể có thẩm quyền giám sát, giáo dục phù hợp với tổ chức, biên chế của các đơn vị trong Quân đội nhân dân Việt Nam. Theo đó, điểm c khoản 3 Điều 11 LTHAHS được viết lại như sau: Đơn vị quân đội cấp trung đoàn và tương đương trở lên(sau đây gọi là đơn vị quân đội)”./.
 

 


[2] Điều 6 Luật Thi hành án hình sự năm 2019.
[3] Điều 167 Luật Thi hành án hình sự năm 2019.

(Nguồn tin: Bài viết được đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 22 (446), tháng 11/2021.)


Ý kiến bạn đọc