Thủ tục tố tụng hình sự đối với người dưới 18 tuổi

02/11/2021

TS. NGUYỄN THỊ LOAN

Trưởng khoa Luật học, Trường Đại học Đà Lạt, Tp. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng,

THS. TRẦN THỊ THANH HẰNG

Khoa khoa học quản lý, Trường Đại học Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương.

Tóm tắt: Trong phạm vi bài viết này, các tác giả trình bày, phân tích các quy định của pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam về thủ tục tố tụng đối với người dưới 18 tuổi và đưa ra các kiến nghị hoàn thiện pháp luật về vấn đề này.
Từ khóa: Người dưới 18 tuổi,thủ tục tố tụng hình sự, cải cách tư pháp.
Abstract: Within the scope of this article, the authors provide discussions and analysis of the provisions of the criminal procedure law of Vietnam on legal proceedings against people under 18 years of age and make recommendations for further improvements of the law on this concerned topic.
Keywords: Persons under 18 years of age; criminal proceedings; judicial reform
 
Người dưới 18 tuổi là người chưa phát triển đầy đủ về thể chất và tinh thần, là những người đang ở độ tuổi phát triển, đang trong quá trình hoàn thiện về thể chất, tâm sinh lý cũng như nhân cách sống. Trong tiến trình cải cách tư pháp tại Việt Nam, việc hoàn thiện các quy định về tố tụng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội rất cấp thiết, không chỉ là để tiệm cận gần hơn các quy định của luật pháp quốc tế mà còn nhằm đảm bảo tốt nhất quyền con người, đặc biệt là quyền của người bị buộc tội là người dưới 18 tuổi.THỦ-TỤC-TỐ-TỤNG.jpg
1. Các quy định của pháp luật tố tụng hình sự về thủ tục tố tụng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội
Bộ luật Tố tụng hình sự (TTHS) năm 2015 đã có những quy định thể hiện sự tương đồng với các văn bản pháp luật quốc tế về thủ tục tố tụng đối với người dưới 18 tuổi. Cụ thể, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 khi quy định về thủ tục tố tụng đối với người dưới 18 tuổi, đã dành một chương riêng (Chương XXVIII) tại Phần thứ bảy: “Thủ tục tố tụng đối với người dưới 18 tuổi” từ Điều 413 đến Điều 430; các quy định đó tập trung vào một số nội dung chủ yếu như sau:
- Nguyên tắc tiến hành tố tụng đối với những vụ án có người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi
Tố tụng hình sự là hoạt động có tính nhạy cảm, nơi quyền con người dễ bị đụng chạm và ảnh hưởng nhiều nhất bởi các phán quyết của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Vì thế, với nhóm đối tượng đặc biệt này, việc tiến hành tố tụng luôn phải tuân theo các nguyên tắc tố tụng nhất định trên cơ sở khung pháp lý được các quốc gia thừa nhận[1]. Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đã quy định các nguyên tắc tiến hành tố tụng gồm: Bảo đảm thủ tục tố tụng thân thiện, phù hợp với tâm lý lứa tuổi, mức độ trưởng thành, khả năng nhận thức của người dưới 18 tuổi; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người dưới 18 tuổi; bảo đảm lợi ích tốt nhất của người dưới 18 tuổi; bảo đảm giữ bí mật cá nhân của người dưới 18 tuổi; bảo đảm quyền tham gia tố tụng của người đại diện của người dưới 18 tuổi, nhà trường, Ðoàn thanh niên, người có kinh nghiệm, hiểu biết về tâm lý, xã hội, tổ chức khác nơi người dưới 18 tuổi học tập, lao động và sinh hoạt; tôn trọng quyền được tham gia, trình bày ý kiến của người dưới 18 tuổi; bảo đảm quyền bào chữa, quyền được trợ giúp pháp lý của người dưới 18 tuổi; bảo đảm các nguyên tắc xử lý của Bộ luật Hình sự đối với người dưới 18 tuổi phạm tội; bảo đảm giải quyết nhanh chóng, kịp thời các vụ án liên quan đến người dưới 18 tuổi[2]. Có thể thấy, các nguyên tắc tố tụng đối với người dưới 18 tuổi tại Điều 414 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 rất tương thích với các quy định trong Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em và hướng dẫn, giải thích của Liên hợp quốc về tư pháp đối với người chưa thành niên như: Nguyên tắc bảo đảm quyền tham gia tố tụng của người đại diện, nguyên tắc bảo đảm lợi ích tốt nhất nguyên tắc bảo đảm giữ bí mật cá nhân… Điều này là hoàn toàn phù hợp, nhất là trong giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên, đánh giá một cách tổng quan, Điều 414 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 cũng có những hạn chế nhất định về kỹ thuật lập pháp, nhất là nguyên tắc thứ nhất và nguyên tắc thứ ba với tên gọi quá dài và thiếu đi nội dung cụ thể của các nguyên tắc, cũng như cách sắp xếp (phương thức liên kết) giữa các nguyên tắc không hợp lý; thiết nghĩ cần được hoàn thiện trong thời gian tới.
- Chủ thể tiến hành tố tụng trong những vụ án có người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi
Cho dù là loại quan hệ pháp luật nào, chủ thể tiến hành tố tụng luôn đóng một vai trò quan trọng trong việc đưa các quy định của pháp luật vào thực tiễn. Trong tố tụng hình sự, nhất là đối với những vụ án hình sự có người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi, việc đòi hỏi đội ngũ những người tiến hành tố tụng có đầy đủ các phẩm chất, năng lực, giữ công tâm và mực thước trong vai trò cầm cân nảy mực là một đòi hỏi thể hiện sự “khắt khe" trong việc lựa chọn người tiến hành tố tụng. Điều 415 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định Người tiến hành tố tụng đối với vụ án có người dưới 18 tuổi phải là người đã được đào tạo hoặc có kinh nghiệm điều tra, truy tố, xét xử vụ án liên quan đến người dưới 18 tuổi, có hiểu biết cần thiết về tâm lý học, khoa học giáo dục đối với người dưới 18 tuổi”. Ngoài ra, để thống nhất trong việc áp dụng, Thông tư liên tịch số 06/2018/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BTP-BLĐTBXH ngày 26/12/2018 quy định việc phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng và các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan trong việc thực hiện một số quy định của BLTTHS về thủ tục tố tụng đối với người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi cũng có đề cập về vấn đề này. Tuy nhiên, theo các tác giả, quy định này cần được hướng dẫn chi tiết và cụ thể hơn để bảo đảm đồng bộ, thống nhất trong việc áp dụng. Bởi lẽ, nội dung của Điều 415 Bộ luật TTHS năm 2015 quy định một cách chung chung về người tiến hành tố tụng; cụ thể: “được đào tạo” hoặc “có kinh nghiệm”, “có hiểu biết cần thiết”, trong thực tiễn tố tụng, rất khó để xác định các vấn đề này.
- Việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế trong những vụ án có người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi
Biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế là những biện pháp mang tính nghiêm khắc, mục đích của việc áp dụng các biện pháp này là nhằm đảm bảo hiệu quả của các hoạt động tố tụng. Tuy nhiên, một trong những đặc điểm của biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế là tính “lựa chọn” khi áp dụng, có nghĩa là có cần thiết áp dụng hay không, nếu cần thiết thì biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế nào sẽ được áp dụng. Vì thế, không phải trong mọi trường hợp khi có hành vi phạm tội xảy ra, biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế đều được áp dụng vì nó ảnh hưởng rất lớn đến quyền và lợi ích hợp pháp của người bị buộc tội, nhất là nhóm người bị buộc tội là người dưới 18 tuổi (Xem thêm hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 06/2018/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BTP-BLĐTBXH ngày 26/12/2018). Qua nghiên cứu Điều 419 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, các tác giả đánh giá cao vấn đề nội luật hóa quy định trong Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em và những quy tắc của Liên hợp quốc về bảo vệ người chưa thành niên bị tước bỏ tự do[3]. Thể hiện ở việc một lần nữa khẳng định việc áp dụng biện pháp ngăn chặn mang tính lựa chọn và áp dụng những biện pháp ngăn chặn khác phù hợp với sự phân hóa trong độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2017. Tuy nhiên, những hạn chế tại Điều 419 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 cũng đã được bộc lộ; theo đó, Điều luật vẫn còn mang tính chung chung “chỉ áp dụng biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế đối với người bị buộc tội là người dưới 18 tuổi trong trường hợp thật cần thiết”, “Chỉ áp dụng biện pháp tạm giữ, tạm giam đối với người bị buộc tội là người dưới 18 tuổi khi có căn cứ cho rằng việc áp dụng biện pháp giám sát và các biện pháp ngăn chặn khác không hiệu quả”; ngoài ra, thời hạn tạm giam chưa thể hiện được sự phân hóa theo nhóm tuổi trong quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015. Bên cạnh đó, các biện pháp ngăn chặn khác như: đặt tiền để bảo đảm, cấm đi khỏi nơi cư trú… chưa được đề cập trong Điều 419 dành riêng cho người bị buộc tội là người dưới 18 tuổi.
- Sự tham gia của người bào chữa, người đại diện, gia đình, nhà trường, các tổ chức xã hội trong những vụ án có người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi
Sự tham gia của người bào chữa, người đại diện, gia đình, nhà trường, các tổ chức xã hội trong những vụ án có người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình giải quyết vụ án hình sự. Đồng thời, để bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của người dưới 18 tuổi phạm tội, đặc biệt vụ án mà người bị buộc tội là người dưới 18 tuổi, pháp luật tố tụng hình sự quy định bắt buộc phải có người bào chữa. So với Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đã có những sửa đổi, bổ sung khá hợp lý về sự tham gia của người bào chữa, người đại diện, gia đình, nhà trường, các tổ chức xã hội trong những vụ án có người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi xét cả về góc độ kỹ thuật lập pháp cũng như nội dung điều luật. Tuy nhiên, bản thân Điều 420, Điều 422 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 cũng bộ lộ những hạn chế: quy định về việc tham gia tố tụng của người đại diện, nhà trường, tổ chức thiếu tính “bắt buộc”, một khi còn quy định là quyền thì ở đó sẽ còn sự tùy nghi “tham gia hoặc không”. Bên cạnh đó, nội dung Điều 420 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 cũng chưa bao quát hết các giai đoạn tố tụng đòi hỏi sự tham gia tố tụng của người đại diện, nhà trường, tổ chức; chẳng hạn như ở giai đoạn truy tố, Bộ luật Tố tụng hình sự chưa quy định về quyền của người đại diện, nhà trường, tổ chức tại Điều 420.
- Việc thực hiện các biện pháp tố tụng (điều tra, truy tố, xét xử) trong quá trình giải quyết vụ án có người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi
Điều 421 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đã quy định rõ hơn các biện pháp tố tụng được thực hiện trong quá trình giải quyết vụ án hình sự[4]. Tuy nhiên, một số hoạt động điều tra như: khám xét, xem xét dấu vết trên thân thể, giám định… chưa có các quy định riêng. Ngoài ra, trong quy định về phần thủ tục xét xử, Điều 423 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 còn nhiều vướng mắc nhất là: trường hợp xét xử kín, thành phần Hội đồng xét xử cần quy định rõ ràng hơn, tránh việc quy định một cách chung chung… Theo đó, các tác giả cho rằng, một số quy định trực tiếp liên quan đến quyền tự do thân thể và tự do ý chí của người dưới 18 tuổi là chưa thực sự phù hợp trong thế giới đương đại. Đó là các quy định về hỏi cung bị can, về áp giải bị can là người dưới 18 tuổi… Chính vì vậy mà cần thiết phải có những điều chỉnh phù hợp đối với các quy định trong Bộ luật TTHS tạo cơ chế bảo vệ tốt nhất cho sự phát triển toàn diện của người dưới 18 tuổi phạm tội.
2. Kiến nghị hoàn thiện thủ tục tố tụng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội
Thứ nhất, cần quy định rõ hơn về nguyên tắc tiến hành tố tụng đối với những vụ án có người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi.
Nguyên tắc tiến hành tố tụng là nền tảng, là tư tưởng chủ đạo, nhất là đối với những vụ án mà người bị buộc tội là người dưới 18 tuổi. Qua tham khảo và tìm hiểu những quy tắc cơ bản của Luật mẫu về tư pháp hình sự người chưa thành niên năm 2013 do UNODC ban hành, các tác giả nhận thấy, Điều 414 Bộ luật TTHS có những tương đồng mang tính nhất định. Tuy nhiên, để nguyên tắc này không trở thành một quy định mang tính hình thức, thiết nghĩ cần sửa đổi, bổ sung ở các khía cạnh sau:
+ Cần sắp xếp lại các nguyên tắc theo một trật tự hợp lý hơn: có nghĩa là sắp xếp hệ thống các nguyên tắc theo một logic thống nhất đi từ hình sự đến tố tụng hình sự hoặc ngược lại.
+ Tên gọi của các nguyên tắc còn “rối”, cần thiết nên rút gọn và quy định chi tiết nội dung các nguyên tắc
Theo đó, các tác giả kiến nghị như sau:
Điều 414. Nguyên tắc tiến hành tố tụng đối với người dưới 18 tuổi
“1. Bảo đảm lợi ích tốt nhất của người dưới 18 tuổi.
2. Bảo đảm giải quyết nhanh chóng, kịp thời các vụ án hình sự liên quan đến người dưới 18 tuổi.
3. Bảo đảm thủ tục tố tụng thân thiện.
      4. Ưu tiên áp dụng các biện pháp giám sát, giáo dục.
5. Bảo đảm quyền bào chữa, quyền được trợ giúp pháp lý thích hợp.
6. Bảo đảm giữ bí mật cá nhân.
7. Tôn trọng quyền được tham gia tố tụng, trình bày ý kiến cá nhân về những vấn đề liên quan đến vụ án hình sự.
8. Bảo đảm quyền tham gia tố tụng của người đại diện, nhà trường, tổ chức nơi người dưới 18 tuổi sinh sống, học tập.
9. Bảo đảm các nguyên tắc xử lý của Bộ luật hình sự đối với người dưới 18 tuổi phạm tội”.
Thứ hai, cần bổ sung và quy định rõ hơn về chủ thể tiến hành tố tụng trong những vụ án có người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi.
Những quy định về thành phần Hội đồng xét xử trong các vụ án có người dưới 18 tuổi phạm tội hiện nay là chưa hợp lý. Bởi vì, chúng ta chưa có một đội ngũ Điều tra viên, Kiểm sát viên và Thẩm phán chuyên về giải quyết những vụ án do người dưới 18 tuổi gây ra và nhiều nơi chưa có điều kiện thành lập “Tòa án vị thành niên”, nên từ thực tế vi phạm pháp luật trong quá trình tiến hành tố tụng, các tác giả nhận thấy, việc áp dụng pháp luật cần chính xác, như sau:
+ Các loại án do người dưới 18 tuổi phạm tội chỉ được bố trí cho Kiểm sát viên, Điều tra viên, Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân là người có đủ điều kiện quy định tại Điều 415 BLTTHS hoặc là những người nhận thức đúng về chính sách hình sự đối với người dưới 18 tuổi phải có những nghiên cứu về người dưới 18 tuổi hoặc qua công tác đoàn.
+ Cần xây dựng một đội ngũ Điều tra viên, Kiểm sát viên và Thẩm phán chuyên về xét xử vụ án do người dưới 18 tuổi phạm tội và xa hơn nữa là thành lập Tòa chuyên trách về loại án đối với người dưới 18 tuổi. Vì vậy, cần quan tâm hơn nữa đến vấn đề đào tạo, bồi dưỡng về kiến thức pháp lý, tâm lý học đối với người dưới 18 tuổi, giáo dục và phương pháp làm việc với người dưới 18 tuổi cho những người tiến hành tố tụng, tiếp đó là xây dựng đội ngũ Kiểm tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán chuyên trách về vụ án do người dưới 18 tuổi phạm tội.Cần bổ sung thêm thành viên của Ủy ban Bảo vệ, chăm sóc trẻ em trong thành phần Hội thẩm nhân dân khi xét xử vụ án hình sự (VAHS) mà có bị cáo là người dưới 18 tuổi. Trên thực tiễn, Ủy ban Bảo vệ, chăm sóc trẻ em có vai trò quan trọng trong việc giáo dục người dưới 18 tuổi. Chính vì vậy, cùng với người đại diện, nhà trường và tổ chức xã hội cần quy định thêm Ủy ban Bảo vệ, chăm sóc trẻ em trong thành phần Hội thẩm nhân dân. Từ đó, có thể sửa đổi khoản 1 Điều 423 BLTTHS như sau:
Điều 423: Xét xử
“1. Thành phần Hội đồng xét xử sơ thẩm vụ án phải có một Hội thẩm là giáo viên hoặc cán bộ Đoàn thanh niên hoặc là Cán bộ Ủy ban Bảo vệ, chăm sóc trẻ em là người có kinh nghiệm, hiểu biết tâm lý người dưới 18 tuổi”.
+ Các cơ quan tiến hành tố tụng cần đầu tư nhiều thời gian, kinh phí cho tổng kết thực tiễn hoạt động bắt, tạm giữ, tạm giam, điều tra, truy tố, xét xử đối với người dưới 18 tuổi phạm tội, vì đây là hoạt động tố tụng có ảnh hưởng nhất đến quyền con người của người dưới 18 tuổi nên cần đầu tư để xây dựng các đề tài nghiên cứu tổng kết thực tiễn trong lĩnh vực bắt giam giữ và xét xử người dưới 18 tuổi phạm tội và ứng dụng trên thực tế để khắc phục vi phạm nêu trên.
Thứ ba, cần quy định cụ thể hơn việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế trong những vụ án có người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi.
Việc lựa chọn các biện pháp ngăn chặn để áp dụng đối với người dưới 18 tuổi sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý và thái độ nhận thức của người đó. Bộ luật Hình sự cũng đã quy định rất rõ về trách nhiệm hình sự đối với người dưới 18 tuổi được phân hoá theo độ tuổi, hay khi quyết định hình phạt cũng căn cứ vào độ tuổi rất cụ thể. Vì thế, việc quy định chi tiết trong Bộ luật TTHS về điều kiện áp dụng biện pháp ngăn chặn cũng như có sự phân hoá mức độ áp dụng (thời hạn tạm giam, tiền hoặc tài sản để bảo đảm…) đối với người dưới 18 tuổi là hết sức cần thiết. Các tác giả cho rằng, Bộ luật TTHS cần có điều luật quy định rõ khi áp dụng biện pháp tạm giam; biện pháp đặt tiền để đảm bảo đối với người dưới 18 tuổi thì thời hạn tạm giam, mức tiền sẽ quyết định theo độ tuổi tương ứng với các quy định của BLHS.
Thứ tư, cần quy định cụ thể hơn sự tham gia của người bào chữa, người đại diện, gia đình, nhà trường, các tổ chức xã hội trong những vụ án có người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi.
Cần tăng cường khả năng áp dụng biện pháp cho gia đình nhận bảo lãnh bị can, bị cáo dưới 18 tuổi và giao trách nhiệm cụ thể cho gia đình giám sát, theo dõi, giáo dục và đảm bảo sự có mặt của bị can, bị cáo khi có giấy triệu tập của cơ quan tiến hành tố tụng; đồng thời xác định rõ hơn trên cơ sở có phân biệt các căn cứ để áp dụng các biện pháp bắt, tạm giữ, tạm giam bị can, bị cáo dưới 18 tuổi theo hướng hạn chế mức có thể việc áp dụng biện pháp này. Nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các quy định nhằm cụ thể hóa và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho gia đình, nhà trường và tổ chức xã hội tham gia vào quá trình tố tụng đối với các vụ án do người dưới 18 tuổi thực hiện. 
Trong việc giám sát người dưới 18 tuổi phạm tội, để đạt được hiệu quả, Điều 394 của Bộ luật TTHS Liên Bang Nga quy định “… Trong trường hợp vi phạm nghĩa vụ thì cha mẹ, người đỡ đầu, người giám hộ của người chưa thành niên đã nhận người đó để giám sát bị áp dụng các biện pháp quy định tại khoản 2 Điều 94 Bộ luật này”, mà khoản 2 Điều 94 quy định “trong trường hợp vi phạm… có thể bị phạt tiền đến một tháng lương tối thiểu… hoặc bị áp dụng biện pháp ảnh hưởng xã hội (cảnh cáo)”. Như vậy, khi người đại diện (cha mẹ, người giám hộ) của người bị buộc tội (bị can, bị cáo) dưới 18 tuổi thực hiện nghĩa vụ giám sát nhưng lại vi phạm nghĩa vụ thì cần áp dụng trách nhiệm vật chất đối với họ. Họ có thể bị phạt khoản tiền tương ứng với tính chất, mức độ thiệt hại mà bị can, bị cáo dưới 18 tuổi đã gây ra; có như vậy, mới có thể nâng cao được trách nhiệm, ý thức của người nhận giám sát.
Từ những đánh giá, phân tích ở trên, các tác giả kiến nghị bổ sung vào Điều 418 Bộ luật TTHS như sau: “3. Những người được giao nhiệm vụ giám sát phải chịu trách nhiệm vật chất nếu vi phạm nghĩa vụ giám sát”.
Trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị buộc tội, người bị hại, người làm chứng là người dưới 18 tuổi trong VAHS thì người bào chữa có vai trò rất quan trọng. Bộ luật TTHS năm 2015 có quy định, kể từ thời điểm được cấp giấy chứng nhận bào chữa, luật sư, trợ giúp viên pháp lý sẽ tham gia vào một số hoạt động như: tham dự vào các buổi lấy lời khai của người dưới 18 tuổi, tham gia vào hoạt động hỏi cung bị can, đối chất giữa các bị can, lấy lời khai của người làm chứng, người bị hại, thực nghiệm điều tra… Người bào chữa còn có trách nhiệm tìm ra chứng cứ có lợi cho người dưới 18 tuổi, theo dõi các hoạt động tố tụng của cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng trong VAHS; nếu phát hiện sai sót, có sự vi phạm pháp luật thì người bào chưa cần có những yêu cầu, đề xuất kịp thời nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người dưới 18 tuổi. Hay nói cách khác, quyền bào chữa là phương tiện pháp lý cần thiết để người dưới 18 tuổi bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Vì vậy, việc phát huy vai trò của người bào chữa đối với những vụ án mà do người dưới 18 tuổi phạm tội gây ra là hết sức cần thiết. Các cơ quan tiến hành tố tụng cần tạo điều kiện thuận lợi nhất để người bào chữa thực hiện quyền bào chữa cho người bị buộc tội, người bị hại, người làm chứng là người dưới 18 tuổi.
Thứ năm, cần điều chỉnh các quy định phù hợp và đồng bộ hơn trong việc thực hiện các biện pháp tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án có người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi.
Theo các tác giả, thay vì hỏi cung bị can là người dưới 18 tuổi thì có thể chỉ cần quy định lấy lời khai bị can, hoặc thay vì áp giải bị can là người dưới 18 tuổi trong trường hợp bị can vắng mặt không có lý do chính đáng thì chỉ cần quy định dẫn giải người dưới 18 tuổi là đủ… Vì họ là người chưa thành niên phạm tội nên không cần thiết sử dụng những thuật ngữ pháp lý mang tính cưỡng chế quá cao, trong khi trên thực tế cách thức thực hiện các biện pháp hỏi cung với lấy lời khai, áp giải với dẫn giải căn bản là giống nhau. Việc thực hiện biện pháp đối chất cũng cần có người giám hộ và phải tuân thủ tuyệt đối các nguyên tắc giải quyết vụ án đối với người chưa thành niên phạm tội.
Người dưới 18 tuổi phạm tội đang bị điều tra, nếu bị áp dụng biện pháp ngăn chặn là tạm giam thì phải có khu giam giữ riêng, không giam chung với người đã thành niên. Chính vì vậy, để thực hiện nghiêm chế độ giam giữ riêng người dưới 18 tuổi phạm tội trước tiên cần nâng cấp, đầu tư xây dựng các nhà tạm giữ, tạm giam, cải tạo các khu riêng cho người dưới 18 tuổi phạm tội.
Đối với người dưới 18 tuổi, cần quan tâm hơn đến các hoạt động giáo dục văn hóa và học nghề trong thời gian phải chấp hành hình phạt tù để giúp họ sau khi mãn hạn tù có thể sớm tái hòa nhập cộng đồng, với cuộc sống của xã hội. Hơn nữa, cần xây dựng Quy chế phối hợp giữa các cơ sở giáo dục, trại giam và trường giáo dưỡng với chính quyền cấp huyện, xã  trong việc tiếp nhận người dưới 18 tuổi đã hết hạn cải tạo, học tập trở về địa phương để tái hòa nhập với cộng đồng và ổn định cuộc sống./.        

 


[1] Ghi nhận trong Khung pháp lý của Liên hợp quốc về tư pháp hình sự người chưa thành niên: Các quy tắc tiêu chuẩn tối thiểu của Liên hợp quốc về hoạt động tư pháp đối với người chưa thành niên (Quy tắc Bắc Kinh - 1985); Các quy tắc tiêu chuẩn tối thiểu của Liên hợp quốc về những biện pháp không giam giữ (Quy tắc Tokyo - 1990); Những nguyên tắc cơ bản trong việc sử dụng các chương trình tư pháp phục hồi trong lĩnh vực hình sự (2002)….
[2] Điều 414 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.
[3] Nguyên tắc: “Việc tước bỏ tự do của một người chưa thành niên nên là cách xử lý cuối cùng trong khoảng thời gian cần thiết ngắn nhất và được áp dụng đối với những trường hợp cá biệt”.
[4] Bộ luật TTHS năm 2003 chưa có quy định riêng về việc tiến hành các hoạt động điều tra: lấy lời khai, hỏi cung, đối chất…

(Nguồn tin: Bài viết được đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 21 (445), tháng 11/2021.)