Hoàn thiện Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ

01/11/2021

TS. ĐỖ ĐỨC HỒNG HÀ

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội,

THS. PHÙNG VĂN HUYÊN

Chuyên viên cao cấp Văn phòng Quốc hội.

Tóm tắt: Trong phạm vi bài viết này, các tác giả góp ý hoàn thiện Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ (Dự án Luật) trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV (tháng 10/2021).
Từ khóa: Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP); Hiệp định Thương mại tự do giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVFTA); Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ.
Abstract: Within the scope of this article, the authors provide discussions of and recommendations for further improvements of the draft Law amending a number of articles of the Law on Intellectual Property (the Bill of Law) being submited to the National Assembly for discussions at the 2nd Meeting Session of the National Assembly term XV (October 2021)
Keywords: The Comprehensive and Progressive Agreement for Trans-Pacific Partnership (CPTPP); the Free Trade Agreement between the Socialist Republic of Vietnam and the European Union (EVFTA); Law amending a number of Articles of the Law on Intellectual Property.
quyen-so-huu-tri-tue.jpg 
Ảnh minh họa: Nguồn internet
1. Về phạm vi, đối tượng điều chỉnh của Dự thảo Luật[1]
Ngày 12/11/2018, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 72/2018/QH14 phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)[2]. Theo Hiệp định CPTPP, ngoài các nghĩa vụ phải thực hiện ngay khi Hiệp định CPTPP có hiệu lực đã được nội luật hóa tại Luật số 42/2019/QH14 ngày 14/6/2019 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Sở hữu trí tuệ (SHTT), một số nghĩa vụ có thời gian chuyển tiếp là 03 hoặc 05 năm thì Việt Nam sẽ bắt đầu thi hành từ ngày 14/01/2022[3]; riêng đối với nghĩa vụ về bảo hộ dữ liệu thử nghiệm nông hóa phẩm sẽ thực hiện từ 14/01/2024. Bên cạnh đó, ngày 08/6/2020, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 102/2020/QH14 phê chuẩn Hiệp định EVFTA với Liên minh châu Âu theo[4]. Theo đó, Hiệp định EVFTA có hiệu lực với Việt Nam từ ngày 01/8/2020. Việc phê chuẩn hai Hiệp định nêu trên đặt ra yêu cầu bảo đảm sự tương thích giữa quy định của pháp luật quốc gia với quy định của Hiệp định, đặc biệt trong lĩnh vực SHTT.
Theo Tờ trình số 309/TTr-CP ngày 27/8/2021 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật SHTT, để thực hiện các Hiệp định nêu trên và đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra, Dự thảo Luật sẽ tập trung sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến 3 nhóm: (1) quyền tác giả, quyền liên quan; (2) quyền sở hữu công nghiệp; (3) quyền đối với giống cây trồng
Các tác giả cho rằng, phạm vi sửa đổi của Dự án Luật là hợp lý đảm bảo phù hợp với các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã ký kết, đồng thời góp phần thiết thực thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về hoàn thiện thể chế về SHTT[5].
2. Về tên gọi của Luật
Luật SHTT năm 2005 đã qua 02 lần sửa đổi, bổ sung (năm 2009 và 2019)[6]. Dự thảo Luật lần này tập trong sửa đổi, bổ sung với số lượng lớn 94/222 điều, chiếm tỷ lệ (42%). Tuy nhiên, qua rà soát, các tác giả cho rằng, quy định của Điều 212 Luật SHTT hiện hành không phù hợp với quy định về pháp nhân thương mại trong Bộ luật Hình sự năm 2015 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2017 (BLHS năm 2015) nên cần được đưa vào đối tượng sửa đổi của Dự án Luật nhằm bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật. Với số lượng 95 điều cần sửa đổi lần này, các tác giả cho rằng cần đổi tên Dự án Luật thành Dự án Luật sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ.
3. Về quyền tài sản (Điều 20)
Khoản 2 Điều 20 Dự thảo Luật quy định:
2. Các quyền quy định tại khoản 1 Điều này do tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả độc quyền thực hiện hoặc cho phép người khác thực hiện theo quy định của Luật này.
Tổ chức, cá nhân khi khai thác, sử dụng một, một số hoặc toàn bộ các quyền quy định tại khoản 1 Điều này và khoản 3 Điều 19 của Luật này phải được sự cho phép và trả tiền bản quyền, các quyền lợi vật chất khác (nếu có) cho chủ sở hữu quyền tác giả.
Các trường hợp giới hạn quyền tác giả, ngoại lệ không xâm phạm quyền tác giả thực hiện theo quy định tại Điều 25, Điều 25a, Điều 26 của Luật này và các trường hợp sau:
a) Quyền sao chép không áp dụng trong trường hợp sao chép tác phẩm chỉ để thực hiện các quyền khác theo quy định của Luật này hoặc trường hợp sao chép tạm thời theo một quy trình công nghệ, trong quá trình hoạt động của các thiết bị để truyền phát trong một mạng lưới giữa các bên thứ ba thông qua trung gian hoặc sử dụng hợp pháp tác phẩm, không có mục đích kinh tế độc lập và bản sao bị tự động xoá bỏ, không có khả năng phục hồi lại;
b) Quyền phân phối không áp dụng trong lần phân phối tiếp theo đối với bản gốc, bản sao tác phẩm đã được chủ sở hữu quyền tác giả thực hiện hoặc cho phép thực hiện việc phân phối, nhập khẩu để phân phối;
c) Quyền cho thuê chương trình máy tính không áp dụng trong trường hợp chương trình máy tính đó không phải là đối tượng chính của việc cho thuê.".
Các tác giả cho rằng, tên gọi của Điều 20 Dự thảo Luật là “Quyền về tài sản, tuy nhiên, điểm a, b khoản 2 Điều này bao hàm cả “các trường hợp giới hạn quyền tác giả, ngoại lệ không xâm phạm quyền tác giả là chưa phù hợp với tên gọi của điều luật.
Bên cạnh đó, các điều 25, 25a, 26 Dự thảo Luật đã quy định: “các trường hợp giới hạn quyền tác giả, ngoại lệ không xâm phạm quyền tác giả. Để bảo đảm tính hợp lý, tránh chồng chéo giữa các quy định của Dự thảo Luật, các tác giả cho rằng, cần chuyển quy định của điểm a, b khoản 2 Điều 20 Các trường hợp giới hạn quyền tác giả, ngoại lệ không xâm phạm quyền tác giả sang các điều 25, 25a, 26 tương ứng.
4. Về quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước (Điều 86a)
Các tác giả cho rằng, trong giai đoạn hiện này, cùng với quá trình phát triển kinh tế - xã hội và yêu cầu hội nhập quốc tế thì việc tạo lập cơ chế để thực hiện quyền đăng ký quyền sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước đặt ra cần thiết.
Việc bổ sung cơ chế này sẽ góp phần tích cực, khuyến khích và phát huy được các giá trị, đồng thời tạo cơ sở tăng cường bảo hộ quyền SHTT đối với các sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước. Vì vậy, các tác giả cho rằng, phương án bổ sung quy định Điều 86a của Dự thảo Luật là hợp lý.
5. Về giám định về sở hữu trí tuệ (Điều 201)
Dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung các khoản 1, 2, 4 và khoản 5 Điều 201. Việc sửa đổi, bổ sung quy định này nhằm bảo đảm tính thống nhất với Luật Giám định tư pháp năm 2012 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2020 (Luật Giám định tư pháp). Tuy nhiên, các tác giả cho rằng khoản 2 Điều 201 Dự thảo Luật đã bỏ điểm a[7] khoản 1 Điều 201 Luật hiện hành là chưa phù hợp, chưa bảo đảm tính thống nhất với Luật Giám định tư pháp. Điểm g khoản 1 Điều 41 Luật Giám định tư phápquy định:“Bộ, cơ quan ngang bộ trong việc quản lý chuyên môn về lĩnh vực giám định tư pháp có nhiệm vụ, quyền hạn… quy định điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện giám định của Văn phòng giám định tư pháp, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc ở lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý”[8].
Để khắc phục thiếu sót này, các tác giả cho rằng, Dự thảo Luật cần được bổ sung vào khoản 2 Điều 201 quy định điều kiện bảo đảm về cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện giám định đối với tổ chức được quyền thực hiện giám định SHTT. Đây cũng là điều kiện bảo đảm tính khả thi trên thực tế của các tổ chức được phép thực hiện hoạt động giám định trong lĩnh vực này.
6. Về xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (Điều 211)
Dự thảo Luật đưa ra 02 phương án sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 1 Điều 211 như sau:
Phương án 1:
Sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 1 Điều 211 như sau:
"a) Xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với quyền tác giả, quyền liên quan, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, giống cây trồng gây thiệt hại cho tác giả, chủ sở hữu, người tiêu dùng hoặc cho xã hội";
Phương án 2[9]:
Giữ nguyên điểm a khoản 1 Điều 211 Luật SHTT hiện hành:
"a) Xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ gây thiệt hại cho tác giả, chủ sở hữu, người tiêu dùng hoặc cho xã hội".
Các tác giả cho rằng, quy định như phương án 1 là hợp lý vì lý do sau:
Thứ nhất, việc phân luồng xử lý các hành vi xâm phạm quyền SHTT là cần thiết, bảo đảm tính cụ thể, minh bạch của luật;
Thứ hai, nếu chỉ quy định là “xâm phạm quyền sở hữu trí tuệthì không rõ là xâm phạm: (1) quyền tác giả, quyền liên quan; (2) quyền sở hữu công nghiệp hay (3) quyền đối với giống cây trồng hay là xâm phạm cả 03 quyền trên;
Thứ ba, việc liệt kê cụ thể các quyền SHTT bị xâm phạm bảo đảm việc bảo hộ quyền SHTT có hiệu quả hơn.
Tuy nhiên, để bảo đảm tính minh bạch và khả thi của điều luật, các tác giả cho rằng, cần bổ sung quy định rõ nhóm hành vi nào xâm phạm quyền quyền SHTT thuộc thẩm quyền xử lý của cơ quan hành chính và nhóm hành vi nào xâm phạm quyền quyền SHTT thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án. Việc phân định phạm vi, thẩm quyền trong việc giải quyết những trường hợp xâm phạm quyền SHTT có ý nghĩa rất lớn trong việc bảo vệ kịp thời, hiệu quả, chính xác quyền sở hữu trí tuệ, đồng thời tránh sự chồng chéo trong quá trình xử lý giữa các cơ quan có thẩm quyền. Việc giao cho Tòa án giải quyết một số trường hợp xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ cũng rất cần thiết, phù hợp với xu thế xây dựng Nhà nước pháp quyền, cải cách tư pháp và yêu cầu tăng cường tính minh bạch, khách quan và hiệu quả; nâng cao vai trò bảo vệ công lý của Tòa án, góp phần giảm tải công việc cho cơ quan quản lý nhà nước.
7. Về hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ bị xử lý hình sự (Điều 212)
Điều 212 Luật quyền SHTT quy định: “Cá nhân thực hiện hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ có yếu tố cấu thành tội phạm thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật hình sự”[10].
Tuy nhiên, theo quy định của BLHS năm 2015, ngoài cá nhân phải chịu trách nhiệm hình sự thì pháp nhân thương mại cũng phải chịu trách nhiệm hình sự trong trường hợp xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan (khoản 4 Điều 225)[11]; xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp (khoản 4 Điều 226)[12] hoặc sản xuất, buôn bán hàng giả là giống cây trồng (khoản 6 Điều 195)[13]. Do đó, để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, các tác giả cho rằng, cần sửa đổi Điều 212 Luật SHTT, theo hướng bổ sung thêm chủ thể là “pháp nhân thương mại”. Theo đó, Điều 212 Luật SHTT được viết lại như sau: “Cá nhân, pháp nhân thương mại thực hiện hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ có yếu tố cấu thành tội phạm thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật hình sự”./.
 

 


[1] Chính phủ (2021), Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 2 (10/2021).
[2] Phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương cùng các văn kiện liên quan.
[3] Như: bảo hộ nhãn hiệu âm thanh; bảo đảm thông tin và thời gian cho chủ bằng sáng chế thực thi quyền trước khi sản phẩm được phép đưa ra thị trường; bảo hộ độc quyền đối với dữ liệu thử nghiệm nông hóa phẩm; thẩm quyền chủ động tiến hành các thủ tục kiểm soát biên giới của cơ quan hải quan.
[4] Phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên minh châu Âu.
[5] Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư cũng đã xác định rõ “hoàn thiện pháp luật về sở hữu trí tuệ, bảo hộ và khai thác hiệu quả, hợp lý các tài sản trí tuệ do Việt Nam tạo ra; khuyến khích thương mại hóa và chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ, đặc biệt là đối với các sáng chế tại Việt Nam trên cơ sở tuân thủ pháp luật trong nước và bảo đảm lợi ích an ninh quốc gia. Khuyến khích các công ty đa quốc gia đặt các cơ sở nghiên cứu và phát triển tại Việt Nam”.
Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 03/6/2017 của Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã đề ra một trong những nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu nhằm hoàn thiện thể chế về sở hữu, phát triển các thành phần kinh tế, các loại hình doanh nghiệp là "hoàn thiện thể chế về sở hữu trí tuệ theo hướng khuyến khích sáng tạo, bảo đảm tính minh bạch và độ tin cậy cao; quyền sở hữu trí tuệ được bảo vệ và thực thi hiệu quả".
[6] Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 được sửa đổi, bổ sung bởi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2009 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Sở hữu trí tuệ năm 2019.
[7] “a) Có đăng ký ngành nghề kinh doanh, lĩnh vực hoạt động giám định về sở hữu trí tuệ”.
[8] Văn phòng Quốc hội (2020), Văn bản hợp nhất Luật Giám định tư pháp năm 2012, được sửa đổi, bổ sung bởi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch năm 2018 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp năm 2020, số 01/VBHN-VPQH ngày 15 tháng 7 năm 2020 của Văn phòng Quốc hội.
[9] Lời văn tại Phương án 2 là lời văn hiện hành của điểm a khoản 1 Điều 211 Luật Sở hữu trí tuệ.
[10] Văn phòng Quốc hội (2019), Văn bản hợp nhất Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, được sửa đổi, bổ sung bởi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2009; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Sở hữu trí tuệ năm 2019, số 07/VBHN-VPQH ngày 25 tháng 6 năm 2019 của Văn phòng Quốc hội.
Điều 195. Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, giống vật nuôi
“6. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
a) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;
b) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c, e, g, h và i khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 6.000.000.000 đồng;
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 6.000.000.000 đồng đến 9.000.000.000 đồng;
d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này, thì bị phạt tiền từ 9.000.000.000 đồng đến 15.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;
đ) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật Hình sự, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;
e) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm”.
“4. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
a) Thực hiện một trong các hành vi quy định tại khoản 1 Điều này với quy mô thương mại hoặc thu lợi bất chính từ 200.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại cho chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan từ 300.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc hàng hóa vi phạm trị giá từ 300.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại cho chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc hàng hóa vi phạm trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng;
b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 02 năm;
c) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm”.
“4. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
a) Thực hiện hành vi quy định tại khoản 1 Điều này với quy mô thương mại hoặc thu lợi bất chính từ 200.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại cho chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý từ 300.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc hàng hóa vi phạm trị giá từ 300.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại cho chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc hàng hóa vi phạm trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng;
b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 2.000.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 02 năm;
c) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm”.
[13] Văn phòng Quốc hội (2017), Văn bản hợp nhất Bộ luật Hình sự năm 2015, được sửa đổi, bổ sung bởi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự năm 2017, số 01/VBHN-VPQH ngày 10 tháng 7 năm 2017 của Văn phòng Quốc hội.

(Nguồn tin: Bài viết được đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 21 (445), tháng 11/2021.)