Quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 về bị hại, đương sự

30/10/2021

THS. THÁI CHÍ BÌNH

Tòa án nhân dân huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang.

Tóm tắt: Trong phạm vibài viết này, tác giả trình bày, phân tíchnhững điểm mới trong các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 về bị hại, đương sự; chỉ ra những hạn chế, bất cập và đề xuất kiến nghị hoàn thiện các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 về bị hại, đương sự.
Từ khóa: Bị hại, đương sự, Bộ luật Tố tụng hình sự.
Abstracts: Within the scope of this article, the author provides both discussions and analysis of new contents in the provisions of the Criminal Procedure Code of 2015 on victims and litigants; and also points out the shortcomings, inadequacies and proposes a number of recommendations to improve the provisions of the Criminal Procedure Code of 2015 on victims and litigants.
Keywords: Victims; litigants; the Criminal Procedure Code.
ĐƯƠNG-SỰ-TRONG-VỤ-ÁN-HS.jpg
Ảnh minh họa: Nguồn internet
1. Những điểm mới trong quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 về bị hại, đương sự
Trên cơ sở kế thừa các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự (TTHS) năm 2003 về người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án, Bộ luật TTHS năm 2015 có một quy định mới về bị hại, đương sự sau đây:
Thứ nhất, bổ sung, thay đổi tên gọi bị hại, đương sự cho phù hợp với tư cách tham gia tố tụng mới và giải thích rõ thuật ngữ đương sự.
Khoản 1 Điều 51 Bộ luật TTHS năm 2003 quy định người bị hại chỉ là cá nhân, không bao gồm cơ quan, tổ chức. Nếu cơ quan, tổ chức bị tội phạm trực tiếp xâm phạm thì chủ thể này chỉ có thể tham gia tố tụng với tư cách nguyên đơn dân sự. Quy định này chưa tạo sự bình đẳng giữa các cá nhân và cơ quan, tổ chức bị tội phạm trực tiếp xâm phạm trong việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ. Để khắc phục hạn chế này, khoản 1 Điều 62 Bộ luật TTHS năm 2015 quy định bị hại là cá nhân trực tiếp bị thiệt hại về thể chất, tinh thần, tài sản hoặc là cơ quan, tổ chức bị thiệt hại về tài sản, uy tín do tội phạm gây ra hoặc đe dọa gây ra.
Bên cạnh đó, Bộ luật TTHS năm 2003 không giải thích rõ thế nào là đương sự gây khó khăn trong việc hiểu, áp dụng. Trên thực tế, đương sự được hiểu ở các phạm vi: (i) bao gồm người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án; (ii) chỉ bao gồm nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án; (iii) bao gồm người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án và người bị tạm giữ, bị can, bị cáo. Để khắc phục hạn chế này, điểm g khoản 1 Điều 4 Bộ luật TTHS năm 2015 quy định, “đương sự” gồm nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án hình sự.
Thứ hai, bổ sung khái niệm người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có thể là người không liên quan đến việc thực hiện tội phạm nhưng các cơ quan tiến hành tố tụng phải xử lý theo pháp luật những vấn đề có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án có thể là người có lợi ích vật chất hoặc tinh thần có liên quan đến hành vi phạm tội của người bị buộc tội và được cơ quan tiến hành tố tụng công nhận; người mà hành vi của họ có liên quan đến tội phạm do người bị buộc tội thực hiện và theo quy định của pháp luật, họ phải có trách nhiệm về hành vi của mình, trách nhiệm có thể là trách nhiệm vật chất hoặc trách nhiệm về mặt tinh thần.
Bộ luật TTHS năm 2003 không đưa ra khái niệm người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án nên việc hiểu, áp dụng trên thực tế không thống nhất. Để khắc phục bất cập này, khoản 1 Điều 65 Bộ luật TTHS năm 2015 quy định, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án là cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án hình sự.
Thứ ba, bổ sung quyền và nghĩa vụ của bị hại
Cùng với việc bổ sung diện đối tượng bị thiệt hại, Bộ luật TTHS năm 2015 còn bổ sung quyền và nghĩa vụ của bị hại nhằm bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đảm bảo công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm đạt hiệu quả và cân bằng giữa việc bảo vệ lợi ích của chủ thể bị tội phạm gây thiệt hại với lợi ích chung. Theo quy định của Điều 62 Bộ luật TTHS năm 2015, bị hại và người đại diện theo pháp luật của họ được bổ sung các quyền sau: (i) được cơ quan tố tụng thông báo, giải thích quyền và nghĩa vụ của họ; (ii) đưa ra chứng cứ; (iii) trình bày ý kiến về chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan và yêu cầu người có thẩm quyền tiến hành tố tụng kiểm tra, đánh giá; (iv) đề nghị giám định, định giá tài sản; đề nghị thay đổi người định giá, người dịch thuật; (v) đề nghị chủ tọa phiên tòa hỏi bị cáo và người tham gia phiên tòa và một số quyền khác.
Bên cạnh đó, nhằm tăng cường trách nhiệm của họ trong việc phối hợp với cơ quan có thẩm quyền tố tụng trong việc phát hiện, xử lý tội phạm, Bộ luật TTHS năm 2015 còn quy định rõ hơn nghĩa vụ và trách nhiệm của bị hại. Đó là các nghĩa vụ: (i) chấp hành các quyết định tố tụng của cơ quan có thẩm quyền; (ii) trường hợp cố ý vắng mặt hoặc có hành vi gây khó khăn, cản trở hoạt động điều tra, truy tố, xét xử thì có thể bị dẫn giải.
Việc quy định người bị hại sẽ bị dẫn giải nếu vắng mặt hoặc có hành vi gây khó khăn, cản trở hoạt động điều tra, truy tố, xét xử góp phần tháo gỡ nhiều khó khăn mà thực tiễn gặp phải.
Thứ tư, bổ sung quyền và nghĩa vụ của đương sự khi tham gia tố tụng
Để bảo đảm cho đương sự (nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án) thực hiện quyền và nghĩa vụ một cách thuận lợi khi tham gia tố tụng, Bộ luật TTHS năm 2015 đã bổ sung một số quyền cho các chủ thể này gồm: (i) đưa ra chứng cứ; (ii) trình bày ý kiến về chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan và yêu cầu người có thẩm quyền tiến hành tố tụng kiểm tra, đánh giá; (iii) yêu cầu giám định, định giá tài sản; đề nghị thay đổi người định giá tài sản, người dịch thuật; (iv) được thông báo kết quả giải quyết vụ án; (v) đề nghị chủ tọa hỏi những người tham gia phiên tòa; (vi) tự bảo vệ, nhờ người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình và một số quyền khác.
Đồng thời, Bộ luật TTHS năm 2015 quy định rõ nghĩa vụ của những chủ thể này phải chấp hành các quyết định tố tụng của cơ quan có thẩm quyền nhằm tăng cường trách nhiệm của họ trong quá trình giải quyết vụ án, bảo đảm việc giải quyết vụ án nhanh chóng, kịp thời, đúng pháp luật.
2. Một số hạn chế, bất cập trong các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 về bị hại, đương sự
Thứ nhất, quy định của Bộ luật TTHS năm 2015 về bị hại, đương sự chưa phù hợp với Hiến pháp năm 2013.
Khoản 7 Điều 103 Hiến pháp năm 2013 khẳng định, “quyền bào chữa của bị can, bị cáo, quyền bảo vệ lợi ích hợp pháp của đương sự được bảo đảm”. Quy định này cho thấy, các quyền bào chữa của bị can, bị cáo, quyền bảo vệ lợi ích của đương sự là quyền hiến định. Các văn bản luật cần cụ thể hóa quy định này của Hiến pháp.
Hiện nay, các văn bản luật tố tụng (hình sự, dân sự, hành chính, kinh tế, lao động, hôn nhân và gia đình) đều quy định về đương sự; đó là những chủ thể có quyền và lợi ích gắn liền với các loại án tương ứng được giải quyết. Theo đó, trong tố tụng dân sự, đó là nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan; trong tố tụng hành chính là người khởi kiện, người bị kiện và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan…
Trong TTHS, chủ thể có quyền và lợi ích gắn liền với vụ án hình sự tương đối phức tạp và có thể chia làm 02 nhóm sau:
Nhóm thứ nhất là những chủ thể có quyền và nghĩa vụ liên quan đến vụ án hình sự nhưng là người bị buộc tội gồm: người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo[1]. Mặc dù, người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo là các tư cách tham gia tố tụng nhưng thực chất chỉ là một chủ thể là người bị tình nghi, tùy từng giai đoạn tố tụng mà tư cách của người bị tình nghi thay đổi cho phù hợp.
Nhóm thứ hai là những chủ thể có quyền và nghĩa vụ liên quan đến vụ án hình sự nhưng không phải là người bị buộc tội mà việc họ tham gia tố tụng để tự bảo vệ lợi ích hợp pháp của mình và có nghĩa vụ liên quan đến tội phạm xảy ra bao gồm: bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án. Mỗi tư cách tố tụng trong nhóm thứ hai này vừa có quyền lợi, nghĩa vụ giống nhau, vừa có quyền, nghĩa vụ riêng biệt.
Như vậy, chủ thể cần được bảo đảm quyền được bảo vệ lợi ích hợp pháp trong vụ án hình sự, bên cạnh người bị buộc tội, đó là bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án, là những chủ thể có quyền và lợi ích gắn liền với việc giải quyết vụ án hình sự. Vì vậy, tác giả cho rằng, thuật ngữ “đương sự” quy định tại khoản 7 Điều 103 Hiến pháp năm 2013 cần được hiểu bao gồm cả bị hại trong đó. Do đó, việc Bộ luật TTHS năm 2015 quy định tách rời “bị hại” ngoài phạm vi “đương sự” là chưa đúng với tinh thần của Hiến pháp.
Thứ hai, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 chưa xác đinh rõ khái niệm đương sự.
Bộ luật TTHS năm 2015 chỉ liệt kê các chủ thể tham gia tố tụng với tư cách là “đương sự” mà chưa nêu khái niệm đương sự (nội hàm của thuật ngữ “đương sự”). Trong khi đó, theo quy định của Bộ luật này, đương sự tham gia vào nhiều hoạt động tố tụng vừa với tư cách là nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án. Bên cạnh đó, quy định của BLTTHS năm 2015 về nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án cho thấy, đây là nhóm chủ thể có quyền và nghĩa vụ liên quan đến vụ án hình sự nhưng không phải là người bị buộc tội và việc họ tham gia tố tụng để tự bảo vệ lợi ích hợp pháp của mình và có nghĩa vụ liên quan đến tội phạm xảy ra. Quan hệ TTHS mà đương sự tham gia là các quan hệ về dân sự có thể được xác lập giữa đương sự với những người tham gia tố tụng khác hoặc giữa các tư cách tham gia tố tụng thuộc đương sự với nhau.
Vì vậy, để bảo đảm cách hiểu thống nhất về “đương sự” trên thực tế, tác giả cho rằng, Bộ luật TTHS năm 2015 cần được bổ sung khái niệm đương sự.
Thứ ba, Bộ luật TTHS năm 2015 sử dụng thuật ngữ “người bị hại” nhưng không giải thích và phân biệt với thuật ngữ “bị hại”.
Thuật ngữ “người bị hại” chỉ là cá nhân được Bộ luật TTHS năm 2015 quy định tại điểm l khoản 1 Điều 4 (về dẫn giải); khoản 1 Điều 71 (về trách nhiệm thông báo, giải thích và bảo đảm thực hiện quyền và nghĩa vụ của người tham gia tố tụng); điểm b khoản 2 Điều 127 (về áp giải, dẫn giải); Điều 49 (về các trường hợp phải từ chối hoặc thay đổi người có thẩm quyền tiến hành tố tụng); Điều 50 (về người có quyền đề nghị thay đổi người có thẩm quyền tiến hành tố tụng); Điều 417 (về xác định tuổi của người bị buộc tội, người bị hại là người dưới 18 tuổi).
Ngoài ra, có trường hợp thuật ngữ “bị hại”, “người bị hại” được sử dụng trong cùng một điểm của điều luật. Khoản 5 Điều 62 BLTTHS năm 2015 quy định: “Trường hợp bị hại chết, mất tích, bị mất hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự thì người đại diện thực hiện quyền và nghĩa vụ của người bị hại quy định tại Điều này.” Như vậy, Bộ luật TTHS năm 2015 sử dụng hai thuật ngữ “bị hại” và “người bị hại” nhưng không giải thích và phân biệt giữa hai thuật ngữ này dẫn đến cách hiểu, áp dụng không thống nhất trên thực tiễn.
3. Kiến nghị
Để khắc phục những bất cập trong quy định của Bộ luật TTHS năm 2015 về bị hại, đương sự, tác giả  kiến nghị:
Thứ nhất, sửa đổi điểm g khoản 1 Điều 4 Bộ luật TTHS năm 2015 theo hướng định nghĩa làm rõ khái niệm đương sự, đồng thời bổ sung nội hàm thuật ngữ “đương sự” bao gồm cả bị hại. Theo đó, điểm g khoản 1 Điều 4 Bộ luật TTHS năm 2015 được viết lại như sau:
Đương sự trong tố tụng hình sự là người tham gia tố tụng có quyền và nghĩa vụ liên quan đến tội phạm xảy ra, tham gia vào vụ án hình sự nhằm bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của mình hoặc chịu nghĩa vụ theo quy định của pháp luật. Đương sự gồm bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án hình sự”.
Thứ hai, sửa đổi các Điều 62, 63, 64, 65 Bộ luật TTHS năm 2015 theo hướng bỏ các quyền và nghĩa vụ của bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan; bổ sung Điều 61a quy định về quyền và nghĩa vụ của bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án.
Thứ ba, sửa đổi khoản 1 Điều 62 Bộ luật TTHS năm 2015 theo hướng bổ sung quy định “bị hại là cá nhân trực tiếp bị thiệt hại về thể chất, tinh thần, tài sản”, giả thích rõ bị hại là cá nhân được gọi là người bị hại. Theo đó, khoản 1 Điều 62 Bộ luật TTHS năm 2015 cần được sửa đổi như sau:
Bị hại là cá nhân trực tiếp bị thiệt hại về thể chất, tinh thần, tài sản hoặc là cơ quan, tổ chức bị thiệt hại về tài sản, uy tín do tội phạm gây ra hoặc đe dọa gây ra. Bị hại là cá nhân được gọi là người bị hại”.
Thứ tư, thống nhất sử dụng thuật ngữ “bị hại”, “người bị hại” trong Bộ luật TTHS năm 2015. Theo đó, thuật ngữ “bị hại” được sử dụng cho bị hại là cá nhân, cơ quan, tổ chức hoặc bị hại là cơ quan, tổ chức; “người bị hại” được sử dụng cho bị hại là cá nhân./.
 

 


[1] Xem: điểm đ khoản 1 Điều 4 BLTTHS năm 2015.

(Nguồn tin: Bài viết được đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 20 (444), tháng 10/2021.)