Bàn về người giám hộ trong tố tụng hình sự

29/10/2021

DƯƠNG TẤN THANH

Thẩm phán TAND thị xã Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh.

Tóm tắt: Việc xác định người giám hộ của người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi trong vụ án hình sự có ý nghĩa rất quan trọng, vì đây là cơ sở để xác định đúng người đại diện hợp pháp cho người tham gia tố tụng là người dưới 18; qua đó, đảm bảo được quyền lợi hợp pháp của người chưa thành niên. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, việc xác định người giám hộ của người chưa thành niên trong một số trường hợp vẫn còn khó khăn, vướng mắc do không có quy định hoặc hướng dẫn cụ thể.
Từ khóa: Người giám hộ; tố tụng hình sự; người dưới 18 tuổi.
Abstract: It is very important to identify the guardian of an under 18-year-old procedure participant in a criminal case, because this is the ground for the right legal representative for the procedure participant under 18 years olds, thereby, ensuring the legal rights of the minors. However, practical enforcement shows that identifying the guardians of minors faces difficulties in some cases because there are no specific regulations or guidelines for the concerned matters.
Keywords: The guardian; criminal procedure; under 18-year-old people.
 GIÁM-HỘ.jpg
Ảnh minh họa: Nguồn internet
1. Quy định của pháp luật về người giám hộ là người đại diện của người tham gia tố tụng dưới 18 tuổi
Theo quy định tại Thông tư liên tịch số 06/2018/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BTP-BLĐTBXH ngày 21/12/2018, Viện kiểm sát nhân dân tối cao - Tòa án nhân dân tối cao - Bộ Công an - Bộ Tư pháp - Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội về phối hợp thực hiện một số quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự về thủ tục tố tụng đối với người dưới 18 tuổi thì ngoài cha mẹ đẻ, cha mẹ nuôi, người do Tòa án chỉ định thì người giám hộ có thể là người đại diệncủa người tham gia tố tụng dưới 18 tuổi (người bị buộc tội: bị can, bị cáo; bị hại; người làm chứng). Người giám hộ của người tham gia tố tụng dưới 18 tuổi bao gồm người giám hộ đương nhiên hoặc người được Ủy ban nhân dân (UBND) cấp xã nơi người dưới 18 tuổi cư trú cử hoặc Tòa án chỉ định theo quy định tại các điều 46, 47, 48, 52 và 54 Mục 4 Chương III Bộ luật Dân sự.
1.1. Quy định về người giám hộ đương nhiên
Theo quy định tại các điểm a, b khoản 1 Điều 47 Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2015, người chưa thành niên (hay người dưới 18 tuổi) nếu có yêu cầu người giám hộ thì có người giám hộ đương nhiên trong những trường hợp sau:
 - Người chưa thành niên không còn cha, mẹ hoặc không xác định được cha, mẹ;
- Người chưa thành niên có cha, mẹ nhưng cha, mẹ đều mất năng lực hành vi dân sự; cha, mẹ đều có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi; cha, mẹ đều bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; cha, mẹ đều bị Tòa án tuyên bố hạn chế quyền đối với con; cha, mẹ đều không có điều kiện chăm sóc, giáo dục con.
 Về người giám hộ đương nhiên của người chưa thành niên được xác định theo thứ tự quy định tại Điều 52 BLDS năm 2015, cụ thể như sau:
- Trường hợp thứ nhất: Anh ruột là anh cả hoặc chị ruột là chị cả là người giám hộ; nếu anh cả hoặc chị cả không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì anh ruột hoặc chị ruột tiếp theo là người giám hộ, trừ trường hợp có thỏa thuận anh ruột hoặc chị ruột khác làm người giám hộ;
- Trường hợp thứ hai: Nếu không có người giám hộ là anh cả hoặc chị cả hoặc anh ruột hoặc chị ruột thì ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại là người giám hộ hoặc những người này thỏa thuận cử một hoặc một số người trong số họ làm người giám hộ;
- Trường hợp thứ ba: Nếu không có người giám hộ như hai trường hợp trên thì bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột hoặc dì ruột là người giám hộ.
Như vậy, tùy trường hợp mà xác định ai là người giám hộ đương nhiên của người chưa thành niên; trong đó, trường hợp thứ nhất, người giám hộ đương nhiên là 01 người (anh cả hoặc chị cả); các trường hợp còn lại thì bao gồm tất cả ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại hoặc bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột. Những người này có quyền thỏa thuận cử một hoặc một số người trong số họ làm người giám hộ đương nhiên.
1.2. Quy định về người giám hộ được Ủy ban nhân dân cấp xã cử
            Nếu người chưa thành niên không còn cha, mẹ hoặc không xác định được cha, mẹ; người chưa thành niên có cha, mẹ nhưng cha, mẹ đều mất năng lực hành vi dân sự; cha, mẹ đều có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi; cha, mẹ đều bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; cha, mẹ đều bị Tòa án tuyên bố hạn chế quyền đối với con; cha, mẹ đều không có điều kiện chăm sóc, giáo dục con và không có người giám hộ đương nhiên thì UBND cấp xã có trách nhiệm cử người giám hộ cho họ. Việc cử người giám hộ của người chưa thành niên được thực hiện theo quy định tại Điều 54 của BLDS năm 2015. Theo đó, việc cử người giám hộ phải được sự đồng ý của người được cử làm người giám hộ. Việc cử người giám hộ phải được lập thành văn bản, trong đó ghi rõ lý do cử người giám hộ, quyền, nghĩa vụ cụ thể của người giám hộ, tình trạng tài sản của người được giám hộ. Trường hợp cử người giám hộ cho người chưa thành niên từ đủ sáu tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của người chưa thành niên.
1.3. Quy định về người giám hộ do Tòa án chỉ định
- Trường hợp khi có tranh chấp giữa những người giám hộ
Theo khoản 1 Điều 54 BLDS năm 2015, khi có sự tranh chấp về người giám hộ giữa những người giám hộ đương nhiên của người chưa thành niên theo quy định tại điểm a, b khoản 1 Điều 47 BLDS năm 2015, tức là có sự tranh chấp người giám hộ giữa anh cả, chị cả, anh ruột, chị ruột của người chưa thành niên hoặc giữa ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại hoặc giữa bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột hoặc giữa những người thì Tòa án sẽ chỉ định người giám hộ. Đối với người chưa thành niên từ đủ sáu tuổi trở lên thì khi Tòa án chỉ định người giám hộ cho họ phải xem xét nguyện vọng của người này.
- Trường hợp khi có tranh chấp về việc cử người giám hộ
Cũng theo quy định tại khoản 1 Điều 54 BLDS năm 2015, trong quá trình UBND cấp xã nơi người chưa thành niên cứ trú cử người giám hộ cho người chưa thành niên mà xảy ra tranh chấp việc cử người giám hộ thì Tòa án sẽ chỉ định người giám hộ cho người chưa thành niên.
2. Những khó khăn, vướng mắc trong xác định người giám hộ của người chưa thành niên
2.1. Thời hạn điều tra, truy tố, xét xử đã hết mà Tòa án chưa chỉ định người giám hộ
Thực tiễn giải quyết vụ án hình sự có liên quan đến người chưa thành niên cho thấy, có trường hợp Tòa án phải chỉ định người giám hộ cho người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi nhưng thời hạn điều tra, truy tố, xét xử đã hết. Vậy, trong trường hợp này, Tòa án cần xử lý như thế nào? Về nguyên tắc, khi thời hạn điều tra, truy tố, xét xử đã hết, cơ quan tiến hành tố tụng trong mỗi giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử sẽ tạm đình chỉ điều tra hoặc tạm đình chỉ vụ án để chờ Tòa án có thẩm quyền chỉ định người giám hộ cho người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi. Tuy nhiên, đối chiếu quy định tại khoản 1 Điều 229, khoản 1 Điều 247 và khoản 1 Điều 281 của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 thì việc tạm đình chỉ điều tra hay tạm đình chỉ vụ án không có trường hợp chờ Tòa án chỉ định người giám hộ.
2.2. Người nuôi dưỡng người chưa thành niên từ nhỏ nhưng không làm thủ tục đăng ký nhận con nuôi theo quy định pháp luật thì có được làm người giám hộ đương nhiên không?
Theo quy định của BLDS năm 2015, người giám hộ đương nhiên của người chưa thành niên được xác định trước tiên là cha mẹ đẻ, cha mẹ nuôi. Thực tiễn có trường hợp người tham gia tố tụng dưới 18 tuổi không còn cha mẹ đẻ nhưng có người khác nhận nuôi từ nhỏ. Tuy nhiên, hiện nay chưa có văn bản nào quy định về việc người nuôi con nuôi những không thực hiện việc đăng ký nhận nuôi con nuôi theo quy định của pháp luật được làm người giám hộ đương nhiên của người bị buộc tội dưới 18 tuổi. Điều này gây khó khăn trong việc xác định người giám hộ đương nhiên của người tham gia tố tụng dưới 18 tuổi trong một số vụ án hình sự hiện nay.
2.3. Người tham gia tố tụng dưới 18 tuổi có nơi đăng ký thường trú và nơi thường xuyên sinh sống khác nhau thì việc cử người giám hộ cho họ thực hiện như thế nào?
Theo quy định tại Điều 12 Luật Cư trú năm 2006 thì nơi cư trú của công dân là nơi thường trú hoặc nơi tạm trú. Nơi thường trú là nơi công dân sinh sống thường xuyên, ổn định, không có thời hạn tại một chỗ ở nhất định và đã đăng ký thường trú. Nơi tạm trú là nơi công dân sinh sống ngoài nơi đăng ký thường trú và đã đăng ký tạm trú. Tuy nhiên, trong thực tiễn có nhiều trường hợp người tham gia tố tụng dưới 18 tuổi đăng ký thường trú một nơi nhưng sinh sống một nơi (có đăng ký hoặc không có đăng ký tạm trú). Như vậy, trong trường hợp này, UBND cấp xã nơi người tham gia tố tụng dưới 18 tuổi đăng ký thường trú hay nơi thường xuyên sinh sống có trách nhiệm cử người giám hộ cho họ.
2.4. Tòa án chỉ định người giám hộ cho người tham gia tố tụng chưa thành niên theo trình tự, thủ tục nào?
Pháp luật hiện hành của nước ta trao cho Tòa án chỉ định người giám hộ cho người tham gia tố tụng chưa thành niên. Tuy nhiên, không quy định cụ thể về trình tự, thủ tục để Tòa án thực hiện quyền chỉ định này. Bất cập này gây khó khăn cho Tòa án trong việc chỉ định người giám hộ cũng như trong xử lý tranh chấp về thẩm quyền giữa các Tòa án trong việc chỉ định người giám hộ.
2.5. Thế nào là cha, mẹ đều không có điều kiện chăm sóc, giáo dục con chưa thành niên?           
Theo quy định tại khoản 1 Điều 47 của BLDS năm 2015, người chưa thành niên có cha, mẹ nhưng cha, mẹ đều không có điều kiện chăm sóc, giáo dục con thì có người giám hộ đương nhiên. Tuy nhiên, thế nào là cha, mẹ đều không có điều kiện chăm sóc, giáo dục con thì hiện nay pháp luật không có quy định cụ thể. Đây cũng là khó khăn, vướng mắc trong quá trình xác định người giám hộ đương nhiên cho người tham gia tố tụng dưới 18 tuổi./.
            

(Nguồn tin: Bài viết được đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 20 (444), tháng 10/2021.)