Biện pháp cưỡng chế đối với pháp nhân theo luật tố tụng hình sự Việt Nam

28/10/2021

THS. TRẦN QUỐC MINH

Khoa Luật Hình sự, Trường Đại học Luật Tp. Hồ Chí Minh.

Tóm tắt: Trong phạm vi bài viết này, tác giả tập trung trình bày, phân tích cơ sở lý luận và thực tiễn của việc quy định biện pháp cưỡng chế đối với pháp nhân trong luật tố tụng hình sự Việt Nam; phân tích quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 về biện pháp cưỡng chế đối với pháp nhân và chỉ ra những hạn chế trong việc áp dụng biện pháp cưỡng chế đối với pháp nhân. Trên cơ sở đó, tác giả đưa ra một số kiến nghị hoàn thiện pháp luật và nâng cao hiệu quả áp dụng các biện pháp này ở nước ta trong thời gian tới.
Từ khóa: Biện pháp cưỡng chế, pháp nhân, luật tố tụng hình sự Việt Nam.
Abstract: Within the scope of this article, the author focuses on discussions and analysis of the theoretical and practical grounds of the provisions of coercive measures for legal entities in the criminal procedure law of Vietnam; analysis of the provisions of the Criminal Procedure Code of 2015 on coercive measures for legal entities and gives out a number of shortcomings in the application of coercive measures to the legal entities. On that basis, the author also provides recommendations to improve the law and enhance the effectiveness of these measures in our country in the coming time.
Keywords: Coercive measures; legal entities; criminal procedure law of Vietnam.
PHONG-TỎA-TÀI-KHOẢN_2.jpg 
Ảnh minh họa: Nguồn internet
Trước đây, theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 1999, pháp nhân không được xem là chủ thể của tội phạm. Tuy nhiên, theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2017 (sau đây gọi tắt là BLHS năm 2015), pháp nhân thương mại đã được bổ sung là một trong hai nhóm chủ thể của tội phạm, bao gồm cá nhân và pháp nhân thương mại. Cơ sở của việc bổ sung pháp nhân thương mại là chủ thể của tội phạm xuất phát từ yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm đối với tình hình vi phạm pháp luật của pháp nhân thương mại trong lĩnh vực kinh tế và môi trường; yêu cầu công bằng trong xử lý hình sự giữa cá nhân và pháp nhân; yêu cầu của hội nhập quốc tế, thực hiện cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia[1].
Kể từ ngày 01/01/2018[2] đến nay, cả nước chỉ mới khởi tố một vụ án hình sự đối với pháp nhân thương mại đó là Công ty cổ phần Tập đoàn bia Sài Gòn Việt Nam. Mặc dù vụ án chưa được đưa ra xét xử nhưng có thể thấy, do đây là trường hợp đầu tiên nên vấn đề truy cứu trách nhiệm hình sự (TNHS) của pháp nhân thương mại không hề đơn giản, đặc biệt là vấn đề áp dụng các biện pháp cưỡng chế vì chưa có tiền lệ trước đó, nhưng đây sẽ là vụ án đầu tiên mà các cơ quan tiến hành tố tụng truy cứu TNHS của một pháp nhân thương mại làm tiền đề cho các vụ án về sau.
1.    Kê biên tài sản
Việc quy định biện pháp kê biên tài sản là một trong các biện pháp cưỡng chế có thể được áp dụng đối với pháp nhân thể hiện sự phù hợp giữa luật nội dung và luật hình thức xuất phát từ việc chủ thể của tội phạm không chỉ có cá nhân mà có thể là pháp nhân thương mại, trong trường hợp pháp nhân thương mại phạm tội gây thiệt hại thì có thể bị áp dụng hình phạt tiền hoặc bồi thường thiệt hại. Do đó, việc quy định biện pháp kê biên tài sản nhằm đảm bảo việc thực hiện hình phạt của pháp nhân cũng như trách nhiệm dân sự nếu có.
Theo quy định tại Điều 437 BLTTHS năm 2015, kê biên tài sản áp dụng đối với pháp nhân bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử về tội mà Bộ luật hình sự quy định hình phạt tiền hoặc để bảo đảm bồi thường thiệt hại.Chỉ kê biên phần tài sản tương ứng với mức có thể bị tịch thu, phạt tiền hoặc bồi thường thiệt hại. Tài sản bị kê biên được giao cho người đứng đầu pháp nhân có trách nhiệm bảo quản; nếu để xảy ra việc tiêu dùng, sử dụng trái phép, chuyển nhượng, đánh tráo, cất giấu, hủy hoại tài sản bị kê biên thì người này phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật”.Như vậy, kê biên tài sản là biện pháp cưỡng chế có thể được áp dụng đối với bị can, bị cáo mà theo quy định của BLHS có thể bị phạt tiền hoặc bồi thường thiệt hại do những chủ thể có thẩm quyền[3] tiến hành. Tuy nhiên, trên thực tế, có những trường hợp pháp nhân không bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử nhưng có tài sản liên quan đến vụ án và có nghĩa vụ bồi thường như trường hợp pháp nhân là bị đơn dân sự trong vụ án thì có áp dụng biện pháp kê biên tài sản hay không, Luật không có quy định. Ví dụ như vụ án liên quan đến “Công ty cổ phần địa ốc Alibaba” do Nguyễn Thái L làm chủ tịch Hội đồng quản trị, trong đó nhiều lãnh đạo và nhân viên công ty đã bị khởi tố về tội lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản và tội rửa tiền xảy ra vào năm 2019 gây chấn động dư luận. Mặc dù trong vụ án này, quá trình điều tra chỉ mới dừng lại ở việc truy cứu THNS các cá nhân, “Công ty cổ phần địa ốc Alibaba” có bị truy cứu TNHS về tội rửa tiền theo quy định tại Điều 324 BLHS năm 2015 hay không thì đến nay, theo kết luận của Cơ quan điều tra chỉ dừng lại ở việc truy cứu TNHS các cá nhân. Mặc dù Công ty không bị khởi tố nhưng các cơ quan có thẩm quyền đang tiến hành các biện pháp cần thiết để đảm bảo thi hành án, trong đó có việc đề xuất áp dụng kê biên tài sản đối với các dự án của công ty này[4]. Hoặc trong vụ án Công ty TNHH giải pháp phần mềm Nhật Cường (sau đây gọi tắt là Công ty Nhật Cường) xảy ra năm 2019, nhiều lãnh đạo công ty và nhân viên đã bị khởi tố về tội buôn lậu và một số tội danh khác nhưng Cơ quan điều tra cũng chỉ dừng lại ở việc truy cứu TNHS của cá nhân mặc dù theo quy định của BLHS năm 2015, pháp nhân cũng có thể là chủ thể của tội buôn lậu[5]. Qua các trường hợp phân tích nêu trên, tác giả cho rằng, hiện nay, cơ quan tiến hành tố tụng đang rất dè dặt trong việc truy cứu TNHS của pháp nhân mặc dù có nhiều vụ án có dấu hiệu tội phạm của pháp nhân. Tuy nhiên, vấn đề kê biên tài sản của pháp nhân trong các vụ án này vẫn được áp dụng mặc dù pháp nhân không bị khởi tố.
Vụ án gần đây nhất và là vụ án đầu tiên các cơ quan tiến hành tố tụng ở Việt Nam truy cứu TNHS một pháp nhân thương mại theo BLTTHS năm 2015 đó là vụ án Công ty cổ phần tập đoàn bia Sài Gòn Việt Nam bị khởi tố, điều tra về tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp theo khoản 2 Điều 226 BLHS hiện hành[6]. Vụ án đang trong giai đoạn truy tố. Theo quy định tại Điều 226 BLHS thì hình phạt đối với tội này có thể là phạt tiền, có nghĩa là đủ điều kiện để áp dụng biện pháp kê biên tài sản đối với pháp nhân. Tuy nhiên, theo thông tin đến thời điểm hiện tại thì Cơ quan tiến hành tố tụng không áp dụng biện pháp cưỡng chế nào đối với Công ty này. Đối với vụ án này, tác giả cho rằng việc có áp dụng biện pháp cưỡng chế đối với pháp nhân hay không do các cơ quan tiến hành tố tụng nhận định và quyết định áp dụng khi cần thiết nhưng đây cũng là một vụ án điển hình đối với pháp nhân thương mại phạm tội để các đọc giả theo giỏi và nghiên cứu thêm.
Về tài sản bị kê biên, khoản 2 Điều 437 BLTTHS năm 2015 quy định: “Chỉ kê biên phần tài sản tương ứng với mức có thể bị tịch thu, phạt tiền hoặc bồi thường thiệt hại”. “Trên thực tế, tài sản bị kê biên của pháp nhân có thể rơi vào các trường hợp sau: thuộc sở hữu chung của nhiều người; tài sản bị kê biên đang cho bên thứ ba thuê hoặc giữ; tài sản bị kê biên đã thế chấp tại ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng và ngân hàng cũng không quản lý được tài sản thế chấp này; tài sản là nhà ở, vật kiến trúc trên đất nhưng pháp nhân không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là của chủ thể khác; không xác định được tài sản kê biên đang ở đâu…. Đây cũng là những trường hợp phát sinh khi kê biên tài sản của cá nhân. Những vướng mắc này tồn tại trong suốt thời gian thi hành BLTTHS năm 2003 và sẽ tiếp tục là những khó khăn, vướng mắc khi thi hành BLTTHS năm 2015. Vì vậy, việc có hướng dẫn cụ thể thực sự là cần thiết khi BLTTHS đã có hiệu lực pháp luật”[7].
Về trình tự, thủ tục kê biên tài sản: Khi kê biên tài sản của pháp nhân phải có mặt những người sau: Người đại diện theo pháp luật của pháp nhân; đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn nơi pháp nhân có tài sản bị kê biên; người chứng kiến[8]. Trình tự, thủ tục kê biên tài sản được áp dụng theo quy định tại Điều 128 BLTTHS năm 2015.
2.    Phong tỏa tài khoản
Theo quy định tại Điều 438 BLTTHS năm 2015, “Phong tỏa tài khoản áp dụng đối với pháp nhân bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử về tội mà Bộ luật hình sự quy định hình phạt tiền hoặc để bảo đảm bồi thường thiệt hại và có căn cứ xác định pháp nhân đó có tài khoản tại tổ chức tín dụng hoặc Kho bạc Nhà nước.Phong tỏa tài khoản cũng được áp dụng đối với tài khoản của cá nhân, tổ chức khác nếu có căn cứ xác định số tiền trong tài khoản đó liên quan đến hành vi phạm tội của pháp nhân”.Phong tỏa tài khoản được biết đến là một biện pháp khẩn cấp tạm thời trong tố tụng dân sự[9], được áp dụng trong trường hợp phải thi hành án về nghĩa vụ phải trả tiền khi họ có tiền gửi trong tài khoản ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng khác thông qua việc cô lập, đặt tài khoản của người phải thi hành án trong tình trạng không thể sử dụng được nhằm ngăn chặn việc tẩu tán tiền trong tài khoản[10].
Trong tố tụng hình sự, biện pháp phong tỏa tài khoản được xem là biện pháp cưỡng chế được thực hiện nhằm kịp thời ngăn chặn việc tẩu tán tiền trong tài khoản của pháp nhân. Tuy nhiên, pháp luật tố tụng hình sự cũng quy định các điều kiện để các chủ thể có thẩm quyền xem xét áp dụng biện pháp này như sau: i) Phong tỏa tài khoản áp dụng đối với pháp nhân bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử về tội mà Bộ luật hình sự quy định hình phạt tiền hoặc để bảo đảm bồi thường thiệt hại; ii) Có căn cứ xác định pháp nhân đó có tài khoản tại tổ chức tín dụng hoặc Kho bạc Nhà nước; iii) Chỉ phong tỏa số tiền trong tài khoản tương ứng với mức có thể phạt tiền hoặc bồi thường thiệt hại.
Như vậy, đối với pháp nhân thương mại bị truy cứu TNHS về tội mà BLHS quy định hình phạt tiền hoặc để đảm bảo bồi thường thiệt hại và có căn cứ xác định pháp nhân đó có tài khoản tại tổ chức tín dụng hoặc Kho bạc Nhà nước thì các chủ thể có thẩm quyền[11] được quy định tại Điều 129 BLTTHS năm 2015 có quyền áp dụng biện pháp phong tỏa tài khoản để kịp thời ngăn chặn việc tẩu tán tài sản dưới mọi thì thức nhằm đảm bảo thi hành án. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra khi áp dụng biện pháp này để vừa đảm bảo cho quá trình giải quyết vụ án hình sự được kịp thời, đầy đủ nhưng cũng phải đảm bảo tính khách quan, tránh việc xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của pháp nhân thông qua việc quy định chặt chẽ các điều kiện, khi áp dụng biện pháp này đòi hỏi các chủ thể có thẩm quyền trước khi áp dụng biện pháp phong tỏa tài khoản phải chứng minh rất nhiều vấn đề như: hành vi phạm tội của pháp nhân có thuộc trường hợp tội phạm có hình phạt tiền hoặc bồi thường thiệt hại; pháp nhân có tài khoản hay không, bao nhiêu tài khoản, những tài khoản đó ở ngân hàng hay tổ chức tín dụng nào; xác định giá trị tài khoản của pháp nhân để áp dụng biện pháp phong tỏa tài khoản tương ứng hình phạt tiền hoặc bồi thường tài sản...
Ngoài ra, BLTTHS năm 2015 cũng quy định những trường hợp tài khoản không phải của pháp nhân trong vụ án nhưng nếu có căn cứ cho rằng số tiền trong tài khoản đó có liên quan đến hành vi phạm tội của pháp nhân thì vẫn có thể bị áp dụng biện pháp này. Quy định này nhằm kịp thời ngăn chặn việc tẩu tán tiền trong tài khoản và đảm bảo thi hành án; bởi lẽ trên thực tế, có rất nhiều trường hợp khi thực hiện hành vi phạm tội, các đối tượng đã lường trước hậu quả có thể bị áp dụng biện pháp này nên đã chuyển số tiền phạm pháp vào một tài khoản khác để tránh bị phát hiện hoặc để bảo toàn số tiền đó, trốn tránh trách nhiệm thi hành án khi bị phát hiện. Thiết nghĩ, quy định này nhằm kịp thời ngăn chặn việc tẩu tán tài sản của pháp nhân trong quá trình thực hiện hành vi phạm tội, góp phần khắc phục hậu quả của hành vi phạm tội do pháp nhân gây ra và để đảm bảo thu hồi tiền, tài sản thông qua hoạt động thi hành án.
3.    Tạm đình chỉ có thời hạn hoạt động của pháp nhân
Theo quy định tại Điều 439 BLTTHS năm 2015 thì: “Tạm đình chỉ có thời hạn hoạt động của pháp nhân chỉ áp dụng khi có căn cứ xác định hành vi phạm tội của pháp nhân gây thiệt hại hoặc có khả năng gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe của con người, môi trường hoặc trật tự, an toàn xã hội”.Biện pháp này được đặt ra để kịp thời ngăn ngừa hậu quả cho xã hội đối với hành vi có dấu hiệu tội phạm của pháp nhân khi có căn cứ xác định hành vi của pháp nhân gây thiệt hại hoặc có khả năng gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe của con người, gây thiệt hại môi trường hoặc ảnh hưởng đến trật tự xã hội. Đối với căn cứ áp dụng tạm đình chỉ có thời hạn hoạt động của pháp nhân theo Điều 439, tác giả cho rằng chưa phù hợp. Bởi lẽ, theo quy định thì hành vi vi phạm pháp luật chỉ bị coi là tội phạm (“hành vi phạm tội”) khi có bản án kết tội của Tòa án, còn trong giai đoạn khởi tố, điều tra, truy tố, thậm chí là giai đoạn xét xử nếu chưa có bản án kết tội của Tòa án có hiệu lực pháp luật thì người bị buộc tội được coi là không có tội theo nguyên tắc suy đoán vô tội và hành vi bị truy cứu lúc này cũng chưa bị coi là tội phạm mà có thể chỉ là hành vi có dấu hiệu tội phạm. Cũng theo quy định tại khoản 1 Điều này, về thẩm quyên áp dụng bao gồm: Người có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều 113 của Bộ luật này có quyền ra quyết định tạm đình chỉ có thời hạn hoạt động của pháp nhân. Quyết định tạm đình chỉ hoạt động của pháp nhân của những người quy định tại điểm a khoản 1 Điều 113 của Bộ luật này phải được Viện kiểm sát cùng cấp phê chuẩn trước khi thi hành.Đối chiếu với quy định tại khoản 1 Điều 113, người có thẩm quyền áp dụng biện pháp này bao gồm Thủ trưởng, Phó thủ trưởng Cơ quan điều tra; Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát; Chánh án, Phó Chánh án Tòa án. Như vậy, có thể thấy việc áp dụng biện pháp này có thể được tiến hành trong giai đoạn khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử trước khi có bản án của Tòa án. Điều này đồng nghĩa với việc biện pháp này có thể được áp dụng đối với người bị buộc tội khi có căn cứ xác định hành vi có dấu hiệu tội phạm chứ không phải khi xác định được hành vi phạm tội như quy định tại Điều 439.
Mặc dù đặc thù TNHS của pháp nhân thương mại chỉ được đặt ra trong một số tội phạm về kinh tế, môi trường nhưng thông qua gây thiệt hại về môi trường nó cũng có khả năng gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại cho tính mạng, sức khỏe của con người cần ngăn chặn kịp thời hậu quả có thể xảy ra. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là khi pháp nhân thương mại có hành vi có dấu hiệu tội phạm trong các lĩnh vực kinh tế, môi trường theo quy định của BLHS thì cơ quan có thẩm quyền áp dụng tạm đình chỉ có thời hạn hoạt động của pháp nhân trên toàn bộ lĩnh vực hay chỉ tạm đình chỉ những lĩnh vực vi phạm pháp luật hình sự. Trong quá trình giải quyết vụ án hình sự nhằm xác định TNHS của pháp nhân thương mại, việc quyết định áp dụng biện pháp tạm đình chỉ hoạt động của pháp nhân không phải là tạm đình chỉ hoạt động trong mọi lĩnh vực mà pháp nhân đó đang hoạt động. Việc tạm đình chỉ hoạt động của pháp nhân thương mại bị khởi tố, điều tra, truy tố phải được hiểu là tạm đình chỉ hoạt động trong một hoặc một số lĩnh vực hoạt động gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe con người, môi trường hoặc an ninh trật tự, an toàn xã hội. Hiểu và áp dụng như vậy phù hợp với quy định của BLHS năm 2015 về hình phạt đình chỉ hoạt động có thời hạn và đình chỉ hoạt động vĩnh viễn[12]. Tác giả cũng đồng quan điểm này; bởi lẽ, khi pháp nhân được thành lập và hoạt động thì sẽ đăng ký rất nhiều lĩnh vực hoạt động. Nếu trong quá trình tổ chức và hoạt động, pháp nhân có vi phạm pháp luật hình sự gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại dẫn đến hậu quả bị truy cứu TNHS thì có thể áp dụng quy định của BLTTHS năm 2015 về việc tạm đình chỉ có thời hạn hoạt động của pháp nhân chứ không nên vì vi phạm trong lĩnh vực này mà đình chỉ toàn bộ hoạt động của pháp nhân sẽ gây ra hệ quả tiêu cực cho pháp nhân cũng như đối với xã hội như: ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của pháp nhân khi pháp nhân phải ngừng hoạt động sản xuất, kinh doanh, thậm chí là ảnh hưởng đến người lao động khi họ ngừng việc... Do đó, cơ quan có thẩm quyền khi xem xét áp dụng biện pháp này cần căn cứ vào các lĩnh vực hoạt động mà pháp nhân thương mại đăng ký hoạt động và quan trọng hơn là phải căn cứ vào tính chất, mức độ hành vi nguy hiểm cho xã hội của pháp nhân đã thực hiện để xác định rõ tạm đình chỉ hoạt động trong lĩnh vực nào tránh việc tạm đình chỉ toàn bộ hoạt động của pháp nhân.
Về căn cứ áp dụng, mặc dù BLTTHS năm 2015 không quy định cụ thể về căn tạm đình chỉ có thời hạn hoạt động của pháp nhân, chỉ quy định nếu có căn cứ xác định hành vi phạm tội của pháp nhân gây thiệt hại hoặc có khả năng gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe của con người, môi trường hoặc trật tự, an toàn xã hội. Có quan điểm cho rằng cần bổ sung thêm căn cứ biện pháp cưỡng chế này là chỉ áp dụng với pháp nhân thương mại nếu pháp nhân đó có thể bị áp dụng hình phạt đình chỉ hoạt động có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động vĩnh viễn để phù hợp với quy định về hình phạt đối với pháp nhân thương mại được quy định trong BLHS năm 2015[13]. Tuy nhiên, theo tác giả, quy định của BLTTHS năm 2015 như hiện nay là hợp lý vì có nhiều trường hợp, pháp nhân có hành vi có dấu hiệu tội phạm của các tội mà BLHS không quy định bị áp dụng hình phạt đình chỉ hoạt động có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động vĩnh viễn mà có thể chỉ dừng lại là hình phạt tiền thì vẫn có căn cứ áp dụng biện pháp cưỡng chế này nếu hành vi đó gây thiệt hại hoặc có khả năng gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe của con người, môi trường hoặc trật tự, an toàn xã hội. Quy định này nhằm kịp thời ngăn chặn hành vi gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại của pháp nhân trong quá trình hoạt động của mình.
4.    Buộc nộp một khoản tiền để đảm bảo thi hành án
Theo quy định tại khoản 2 Điều 439 BLTTHS năm 2015, “buộc nộp một khoản tiền để bảo đảm thi hành án áp dụng đối với pháp nhân bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử về tội mà Bộ luật hình sự quy định hình phạt tiền hoặc để bảo đảm bồi thường thiệt hại”.Biện pháp này chỉ áp dụng đối với pháp nhân bị truy cứu về tội mà BLHS quy định hình phạt tiền hoặc để đảm bảo bồi thường thiệt hại và chỉ buộc nộp một khoản tiền để bảo đảm thi hành án tương ứng với mức có thể bị phạt tiền hoặc để bồi thường thiệt hại. Đây là biện pháp cần thiết để đảm bảo cho việc thi hành án của pháp nhân. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là biện pháp này được áp dụng trong trường hợp nào khi mà căn cứ áp dụng biện pháp này gần như tương đồng với biện pháp kê biên tài sản và phong tỏa tài khoản. Theo tác giả, biện pháp này được áp dụng trong trường hợp pháp nhân bị truy cứu TNHS đối với tội mà BLHS quy định hình phạt tiền hoặc bồi thường thiệt hại trong hai trường hợp sau đây: một là, pháp nhân tự nguyện nộp tiền để không phải chịu áp dụng biện pháp kê biên tài sản hoặc phong tỏa tài khoản; hai là, pháp nhân đã bị áp dụng biện pháp kê biên tài sản hoặc phong tỏa tài khoản hoặc cả hai nhưng không đủ để thực hiện nghĩa vụ theo quy định của BLHS. Trường hợp đã áp dụng biện pháp kê biên tài sản hoặc phong tỏa tài khoản mà đã đảm bảo cho việc thi hành án thì không cần thiết phải áp dụng biện pháp này.
Về thẩm quyền áp dụng, theo quy định tại khoản 2 Điều 439 BLTTHS năm 2015, thẩm quyền thuộc về Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra các cấp; trường hợp này, quyết định buộc nộp một khoản tiền để bảo đảm thi hành án phải được Viện kiểm sát cùng cấp phê chuẩn trước khi thi hành; Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân và Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự các cấp; Chánh án, Phó Chánh án Tòa án nhân dân và Chánh án, Phó Chánh án Tòa án quân sự các cấp; Hội đồng xét xử.
Về trình tự, thủ tục áp dụng, Chính phủ quy định chi tiết trình tự, thủ tục, mức tiền phải nộp để bảo đảm thi hành án; việc tạm giữ, hoàn trả, nộp ngân sách nhà nước số tiền đã nộp[14]. Hiện nay, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 115/2017/NĐ-CP ngày 16/10/2017 quy định chi tiết trình tự, thủ tục, mức tiền pháp nhân thương mại phải nộp để bảo đảm thi hành án; việc tạm giữ, hoàn trả, nộp ngân sách nhà nước số tiền đã nộp. Nghị định này đã có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2018.
5.    Một số đề xuất, kiến nghị
Một là, cần bổ sung đối tượng có thể bị áp dụng biện pháp kê biên tài sản không chỉ là bị can, bị cáo mà có thể là pháp nhân tham gia vụ án với tư cách là bị đơn dân sự hoặc người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án. Ngoài ra, theo quy định của BLTTHS năm 2015, thủ tục tiến hành kê biên tài sản quy định tại Điều 128 chỉ phù hợp với kê biên tài sản của cá nhân, không phù hợp với kê biên tài sản của pháp nhân như đã phân tích ở trên. Vì vậy, để việc áp dụng pháp luật thống nhất và khắc phục những hạn chế, bất cập trong thực tiễn tiến hành kê biên tài sản đối với các pháp nhân theo Điều 437 BLTTHS năm 2015, cần có quy định bổ sung điều luật quy định về “Thủ tục kê biên tài sản của cơ quan, tổ chức tiến hành theo quy định tại Điều 437 BLTTHS năm 2015”[15]. Trong đó, cần nghiên cứu, bổ sung trường hợp kê biên tài sản đối với pháp nhân không bị khởi tố. Tuy nhiên, về vấn đề bổ sung trường hợp kê biên tài sản đối với pháp nhân không bị khởi tố xuất phát từ thực tiễn giải quyết vụ án hình sự có liên quan đến pháp nhân trong ví dụ đã nêu ở phần trên, tác giả chỉ dừng lại ở việc đề xuất và cần có những nghiên cứu sâu hơn về vấn đề này để kiến nghị các giải pháp phù hợp.
Hai là, về tài sản bị kê biên, khoản 2 Điều 437 BLTTHS năm 2015 quy định: “Chỉ kê biên phần tài sản tương ứng với mức có thể bị tịch thu, phạt tiền hoặc bồi thường thiệt hại”. Tác giả cho rằng cần có văn bản hướng dẫn xác định tài sản thuộc đối tượng bị kê biên theo quy định để tránh những trường hợp vướng mắc như đã nêu trên.
Ba là, đối với biện pháp phong tỏa tài khoản, để đảm bảo áp dụng thống nhất quy định tại Điều 129 BLTTHS năm 2015 về thủ tục phong tỏa tài khoản, tác giả cho rằng cần có văn bản hướng dẫn thống nhất về chủ thể được giao biên bản phong tỏa tài khoản trong trường hợp này. Ngoài ra, cần sớm ban hành văn bản hướng dẫn quy định rõ thời gian tối thiểu để các cơ quan, tổ chức thực hiện yêu cầu của Cơ quan có thẩm quyền đối với lệnh phong tỏa. Bởi lẽ, việc thực hiện quy định phong tỏa ngay theo quy định của BLTTHS hiện nay là rất khó khăn, đồng thời, quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu ngân hàng, tổ chức tín dụng trong trường hợp không thực hiện hoặc thực hiện chậm trễ lệnh phong tỏa của cơ quan có thẩm quyền
Bốn là, đối với biện pháp tạm đình chỉ có thời hạn hoạt động của pháp nhân, cơ quan có thẩm quyền khi xem xét áp dụng biện pháp này cần căn cứ vào các lĩnh vực hoạt động mà pháp nhân thương mại đăng ký hoạt động và quan trọng hơn là phải căn cứ vào tính chất, mức độ hành vi nguy hiểm cho xã hội của pháp nhân đã thực hiện để xác định rõ tạm đình chỉ hoạt động trong lĩnh vực nào, tránh việc tạm đình chỉ toàn bộ hoạt động của pháp nhân gây ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của pháp nhân trong các lĩnh vực khác. Bên cạnh đó, cần sửa quy định tại Điều 439 BLTTHS năm 2015 về căn cứ áp dụng biện pháp này để đảm bảo về mặt khái niệm như sau: “Tạm đình chỉ có thời hạn hoạt động của pháp nhân chỉ áp dụng khi có căn cứ xác định hành vi có dấu hiệu tội phạm của pháp nhân gây thiệt hại hoặc có khả năng gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe của con người, môi trường hoặc trật tự, an toàn xã hội”.
Ngoài ra, về việc áp dụng biện pháp cưỡng chế đối với pháp nhân, BLTTHS năm 2015 không quy định về việc có thể áp dụng đồng thời nhiều biện pháp hay không hoặc trong trường hợp phải áp dụng nhiều biện pháp thì ưu tiên áp dụng biện pháp nào. Trong số các biện pháp cưỡng chế luật định áp dụng với pháp nhân bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, ngoài biện pháp tạm đình chỉ hoạt động của pháp nhân có mục đích chính và chủ yếu là ngăn chặn hành vi phạm tội tiếp tục xảy ra, tiếp tục gây thiệt hại, các biện pháp còn lại đều nhằm mục đích để bảo đảm cho việc thi hành hình phạt tiền hoặc bảo đảm bồi thường thiệt hại. Căn cứ vào quy định của pháp luật, đối chiếu với thực tế có thể hiểu đối với một pháp nhân thương mại bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử cùng lúc có thể áp dụng nhiều biện pháp cưỡng chế tố tụng. Bởi lẽ, có thể áp dụng một biện pháp nhằm ngăn chặn tội phạm tiếp tục xảy ra đồng thời với một biện pháp để bảo đảm thi hành án hoặc hai biện pháp cùng nhằm bảo đảm thi hành án (Ví dụ: nếu chỉ phong tỏa tài khoản của pháp nhân thì chưa đủ số tiền tương ứng với mức phạt tiền hoặc bồi thường thiệt hại và vì vậy cần áp dụng thêm biện pháp kê biên tài sản…)[16]. Tác giả cũng đồng quan điểm cho rằng, cơ quan có thẩm quyền có quyền lựa chọn áp dụng một hoặc nhiều biện pháp cưỡng chế đối với pháp nhân bị truy cứu TNHS. Tuy nhiên, việc ưu tiên áp dụng biện pháp nào để vừa đảm bảo kịp thời ngăn chặn, đảm bảo thi hành án nhưng không ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của pháp nhân. Theo đó, trong bốn biện pháp cưỡng chế, biện pháp buộc nộp một khoản tiền để bảo đảm thi hành án là biện pháp ảnh hưởng ít nhất đến hoạt động của pháp nhân nên được ưu tiên lựa chọn. Nếu pháp nhân không có khả năng tài chính để thực thi biện pháp này thì mới áp dụng phong tỏa tài khoản và cuối cùng là kê biên tài sản. Như vậy, sẽ vừa đảm bảo hiệu quả của việc giải quyết vụ án hình sự, tránh việc tẩu tán tài sản nhưng cũng vừa hạn chế các ảnh hưởng của việc áp dụng các biện pháp này đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của pháp nhân. 
Một vấn đề nữa cũng cần lưu ý, đó là có nên bổ sung quy định cho các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra có thẩm quyền áp dụng biện pháp cưỡng chế đối với pháp nhân hay không. Bởi lẽ, theo quy định tại Điều 436 BLTTHS năm 2015 cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng bao gồm cơ quan tiến hành tố tụng và các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra có thể áp dụng biện pháp cưỡng chế đối với pháp nhân. Tuy nhiên, khi đi vào các biện pháp cụ thể được quy định tại các Điều 437, 438, 439 đều không quy định thẩm quyền áp dụng biện pháp cưỡng chế cho cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra. Tác giả cho rằng, việc truy cứu TNHS đối với pháp nhân phức tạp hơn rất nhiều so với truy cứu TNHS cá nhân, trong đó có việc áp dụng biện pháp cưỡng chế. Do đó, việc quy định chủ thể có thẩm quyền áp dụng biện pháp cưỡng chế hiện nay là hợp lý nhưng cần sửa đổi quy định tại Điều 436 theo hướng chỉ trao quyền áp dụng các biện pháp cưỡng chế này cho Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát và Tòa án để việc áp dụng pháp luật được thống nhất./.

 


[1] Trần Thị Quang Vinh – Vũ Thị Thúy, Luật Hình sự Việt Nam, Nxb. Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, 2018, tr.304.
[2] Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự năm 2015 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018.
[3] Khoản 4 Điều 437 BLTTHS năm 2015 dẫn chiếu Điều 128, Điều 113 BLTTHS: Chủ thể có thẩm quyền kê biên tài sản bao gồm: Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra, Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát, Chánh án, Phó Chánh án Tòa án, Hội đồng xét xử và Thẩm phán được phân công chủ tọa phiên tòa.
[4] Theo điều tra của Công an Tp. Hồ Chí Minh, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai có 311 thửa đất của Công ty Alibaba. Những thửa đất trên đang bị chặn giao dịch sau khi Công an khởi tố vụ án, khởi tố các bị can để phục vụ công tác điều tra. Công an Tp. Hồ Chí Minh đề xuất chính quyền tỉnh Đồng Nai hỗ trợ định giá các thửa đất, đồng thời kê biên tài sản đối với 255 thửa đất của Công ty Alibaba. Nguồn: http://www.antv.gov.vn/tin-tuc/phap-luat/ke-bien-hang-tram-thua-dat-cong-ty-alibaba-lam-du-an-ma-tai-dong-nai-311358.html, truy cập ngày 22/5/2020.
[7] Nguyễn Hải Ninh, “Biện pháp cưỡng chế đối với pháp nhân theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015”, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp, số 2, 2018.
[8] Điều 437 BLTTHS năm 2015.
[9] Điều 114 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.
[10] Phạm Mạnh Hùng, Bình luận khoa học Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, Nxb. Lao động, 2018, tr.702
[11] Điều 129, Điều 113 BLTTHS năm 2015 quy định các chủ thể có thẩm quyền áp dụng biện pháp phong tỏa tài khoản bao gồm: Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra, Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát, Chánh án, Phó Chánh án Tòa án, Hội đông xét xử và Thẩm phán được phân công chủ tọa phiên tòa.
[12] Nguyễn Hải Ninh, “Biện pháp cưỡng chế đối với pháp nhân theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015”, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp, số 2, 2018.
[13] Nguyễn Hải Ninh, “Biện pháp cưỡng chế đối với pháp nhân theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015”, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp, số 2, 2018.
[14] Khoản 2 Điều 439 BLTTHS năm 2015.
[15] Nguyễn Hải Ninh, “Biện pháp cưỡng chế đối với pháp nhân theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015”, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp, số 2, 2018.
[16] Nguyễn Hải Ninh, “Biện pháp cưỡng chế đối với pháp nhân theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015”, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp, số 2, 2018.

(Nguồn tin: Bài viết được đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 20 (444), tháng 10/2021.)