Hoàn thiện quy định của Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về các trường hợp ngoại lệ không xâm phạm quyền tác giả, giới hạn quyền tác giả

03/11/2021

THS. TRẦN LINH HUÂN

Khoa luật Thương mại, Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh,

NGUYỄN MẬU THƯƠNG

Công ty Luật TNHH Hoàng Thu.

Tóm tắt: Luật Sở hữu trí tuệ được Quốc hội thông qua năm 2005 và đã được sửa đổi, bổ sung năm 2009. Đây là văn bản pháp luật quan trọng điều chỉnh về các quan hệ xã hội liên quan đến loại tài sản đặc biệt - tài sản trí tuệ. Tuy nhiên, qua thực tiễn thi hành, một số quy định của Luật Sở hữu trí tuệ đã bộc lộ hạn chế, bất cập, trong đó có quy định về các trường hợp ngoại lệ không xâm phạm quyền tác giả, giới hạn quyền tác giả. Để khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành, Chính phủ trình Quốc hội Dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Trong phạm vi bài viết này, các tác giả phân tích và đưa ra kiến nghị hoàn thiện quy định của Dự thảo Luật (lần 3) về các quy định liên quan đến trường hợp ngoại lệ không xâm phạm quyền tác giả, giới hạn quyền tác giả.
Từ khóa: Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, trường hợp ngoại lệ không xâm phạm quyền tác giả, giới hạn quyền tác giả.
Abstract: The Law on Intellectual Property was passed by the National Assembly in 2005 and was amended in 2009. This is an important legal document governing the social relations related to a type of special property - intellectual property. However, through its practical enforcement, the Law on Intellectual Property has revealed certain shortcomings, including the matter of adjustments on exceptions not infringing copyright. For further improvements of the current Law on Intellectual Property, the Government submitted to the National Assembly a draft law amending a number of articles of the Law on Intellectual Property. Within the scope of this article, the authors provides an analysis of and recommendations to improve the provisions of the draft law (the third version) on provisions related to the exception of non-infringement of copyright, limitation of copyright.
Keyword: Law on Intellectual Property of 2005; draft law amending a number of articles of the Law on Intellectual Property; exception of non-infringement of copyright, limitation of copyright.
 QUYỀN-TÁC-GIẢ.jpg
Ảnh minh họa: Nguồn internet
Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2009 (Luật SHTT) đã phát huy vai trò to lớn trong việc tạo hành lang pháp lý cho các tổ chức, cá nhân xác lập, khai thác và bảo vệ quyền SHTT, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh cho hoạt động sản xuất - kinh doanh, góp phần khuyến khích hoạt động sáng tạo, đẩy mạnh chuyển giao công nghệ, thu hút đầu tư nước ngoài, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Bên cạnh đó, Luật SHTT còn là cơ sở cho việc xây dựng và vận hành hệ thống bảo hộ SHTT của Việt Nam đạt chuẩn mực theo Hiệp định về các khía cạnh liên quan tới thương mại của quyền sở hữu trí tuệ (TRIPS) của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO)[1]. Tuy nhiên, sau 16 năm thi hành, một số quy định của Luật SHTT đã không đáp ứng được những thay đổi nhanh chóng của đời sống kinh tế-xã hội của đất nước và những cam kết về sở hữu trí tuệ trong các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam đã ký kết, trong đó có quy định về các trường hợp ngoại lệ không xâm phạm quyền tác giả (các trường hợp sử dụng tác phẩm đã công bố không phải xin phép chủ sở hữu quyền tác giả, không phải trả tiền bản quyền. Sau nhiều lần chỉnh sửa, Chính phủ đã hoàn thành Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật SHTT[2] (Dự thảo Luật) và trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV.  
1. Quy định về các trường hợp sử dụng tác phẩm đã công bố không phải xin phép chủ sở hữu quyền tác giả, không phải trả tiền bản quyền
Khoản 8 Điều 1 Dự thảo Luật (Sửa đổi, bổ sung Điều 25) quy định về các trường hợp sử dụng tác phẩm đã công bố không phải xin phép chủ sở hữu quyền tác giả, không phải trả tiền bản quyền. Theo đó, Dự thảo Luật đã điều chỉnh theo hướng vừa bổ sung các quy định mới theo yêu cầu thực tiễn và thông lệ quốc tế, cụ thể như sau:
(i) Bổ sung cụm từ “không nhằm mục đích thương mại” vào các điểm a, b, e, g khoản 1 Điều 25 nhằm làm rõ mục đích, bản chất của việc sử dụng tác phẩm là phi lợi nhuận. Bên sử dụng tác phẩm không thu lợi từ các hành vi sao chép, sao chụp, sử dụng, biểu diễn tác phẩm; từ đó, không gây phương hại đến quá trình khai thác giá trị thương mại từ tác phẩm của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả. Chính từ bản chất vì lợi ích cộng đồng – xã hội và phi lợi nhuận này mà pháp luật cho phép một bên khác được quyền sử dụng tác phẩm mà không phải trả tiền cho tác giả.
(ii) Cụ thể hóa các hành vi sử dụng tác phẩm trong hoạt động thư viện bao gồm sao chép tác phẩm lưu trữ trong thư viện để bảo quản; sao chép hợp lý một phần tác phẩm cho người khác để phục vụ nghiên cứu, học tập; và sao chép hoặc truyền tải tác phẩm được lưu giữ để sử dụng trong các thư viện liên quan thông qua mạng máy tính. Quy định này giúp các chủ thể sử dụng nắm rõ phạm vi sử dụng của mình trong hoạt động thư viện.
(iii) Bổ sung các trường hợp tự sao chép, sao chụp hợp lý một phần tác phẩm và sử dụng tác phẩm để minh họa nhằm mục đích giảng dạy, nghiên cứu khoa học; bổ sung quy định để truyền tải các thông tin hữu ích, tác phẩm báo chí có tính chất thời sự đến công chúng phù hợp với mục đích thông tin.
(iv) Cụ thể hóa các ngoại lệ không xâm phạm quyền tác giả dành cho người khuyết tật. Theo đó, quy định cụ thể quyền sao chép, phân phối, biểu diễn, truyền đạt tác phẩm, nhập khẩu bản sao tác phẩm dưới định dạng dễ tiếp cận cho người khuyết tật của người khuyết tật, người nuôi dưỡng, người nhận nuôi dưỡng, chăm sóc cho người khuyết tật và tổ chức được Chính phủ cho phép.
(v) Sử dụng tác phẩm trong hoạt động công vụ của các cơ quan nhà nước.
Tuy nhiên, các tác giả cho rằng, một số quy định của Dự thảo Luật vẫn còn bất cập cần được tiếp tục hoàn thiện như sau:
Thứ nhất, điểm đ khoản 1 Điều 25 cần được quy định theo hướng xác định rõ các trường hợp “trích dẫn hợp lý tác phẩm”. Theo đó, người trích dẫn có trách nhiệm ghi rõ thông tin về nguồn gốc của tác phẩm. Việc pháp luật Việt Nam cho phép người sử dụng được trích dẫn hợp lý tác phẩm để bình luận, minh họa, giới thiệu trong tác phẩm của mình hay nhằm mục đích giảng dạy, viết báo, dùng trong ấn phẩm định kỳ, trong chương trình phát sóng, phim tài liệu là phù hợp với nhu cầu thực tiễn trong hoạt động nghiên cứu khoa học, giảng dạy, học tập, truyền tải tri thức đến cộng đồng. Quy định này phù hợp với khoản 1 Điều 10 Công ước Berne 1979. Bên cạnh đó, hiện nay, tình trạng “đạo văn” diễn ra khá thường xuyên, đáng báo động kể cả trong các cơ sở giáo dục[3] gây ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả cũng như chất lượng giáo dục. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do Luật SHTT chưa quy định rõ về mặt định lượng thế nào là trích dẫn hợp lý và người trích dẫn phải thông tin về nguồn gốc của tác phẩm được trích dẫn. Hầu hết các cơ sở giáo dục đại học, các tòa soạn, tạp chí hiện nay tự ban hành quy định riêng về trích dẫn và chống đạo văn dẫn đến quá trình áp dụng trên thực tế chưa thống nhất. Pháp luật SHTT ở nhiều nước trên thế giới đều đặt ra yêu cầu người trích dẫn phải ghi rõ tên tác giả và nguồn mượn khi trích dẫn tác phẩm[4];[5]. Để đảm bảo quyền lợi cũng như thể hiện sự tôn trọng đối với tác giả và tác phẩm, các tác giả cho rằng, Dự thảo Luật cần bổ sung quy định về trách nhiệm nêu rõ thông tin về nguồn gốc của tác phẩm, bao gồm các thông tin cơ bản như tên tác phẩm, tên tác giả, năm công bố khi trích dẫn tác phẩm; bổ sung quy định về định lượng nhất định (tính trên tỷ lệ % dung lượng giữa nội dung được trích dẫn và nội dung toàn bộ tác phẩm mới hình thành của người trích dẫn) để một trích dẫn được xem là hợp lý trong các bài viết, ấn phẩm, luận văn nghiên cứu khoa học[6].
Thứ hai, quy định rõ số lượng tác phẩm được quyền sao chép nhằm lưu trữ trong thư viện để bảo quản, không nhằm mục đích thương mại. Dự thảo Luật quy định, thư viện được sao chép tác phẩm lưu trữ trong thư viện để bảo quản nhưng không quy định rõ thư viện được sao chép bao nhiêu bản. Khoản 2 Điều 25 Nghị định số 100/2006/NĐ-CP ngày 21/9/2006 của Chính phủ quy định việc sao chép để lưu trữ trong thư viện với mục đích nghiên cứu là không quá một bản. Tuy nhiên, thực tiễn một số tác phẩm có giá trị cao, tài liệu quý hiếm, hiện không còn xuất bản, lưu hành trên thị trường cần được sao chép thành nhiều bản để tránh các trường hợp hư hỏng, mất mát không có khả năng khôi phục. Đối với các tác phẩm thư viện có nhiều bản và trên thị trường vẫn đang lưu hành thì việc không giới hạn số lượng tác phẩm bị sao chép dẫn đến tình trạng sao chép quá nhiều bản, không phù hợp với mục đích sao chép “để lưu trữ, bảo quản”. Do đó, cần thiết đưa ra số lượng tác phẩm phù hợp được sao chép lưu trữ trong thư viện để bảo quản vừa đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong hoạt động thư viện, vừa hạn chế lạm dụng sao chép quá nhiều, không cần thiết, có thể gây ảnh hưởng đến quyền lợi của tác giả. Kinh nghiệm một số nước cho thấy, pháp luật SHTT cho phép thư viện được sao chép không quá ba bản của tác phẩm nhằm mục đích bảo quản, lưu trữ[7]. Các tác giả cho rằng, cần bổ sung vào điểm e khoản 1 Điều 25 quy định cho phép thư viện được sao chép từ một đến ba bản tác phẩm để lưu trữ, bảo quản trong thư viện. Theo đó, tùy từng loại tác phẩm, thư viện có thể quyết định sao chép một hay từ một đến ba bản để lưu trữ, bảo quản phù hợp với tình trạng tác phẩm và yêu cầu thực tế tại thư viện.
Bên cạnh đó, điểm e khoản 1 Điều 25 cho phép thư viện được sao phép một phần hợp lý của tác phẩm cho người khác nhưng không quy định rõ thế nào là “một phần hợp lý” và cũng không đưa ra quy định cụ thể về phần hợp lý này được xác định qua định lượng (bao nhiêu trang hay tỷ lệ bao nhiêu % của một tác phẩm) hay định tính (được sao chép những phần cơ bản hay không cơ bản, phần chính hay phần phụ). Thực tiễn và thông lệ quốc tế đã chỉ ra việc quy định chỉ cho phép thư viện sao chép một phần tác phẩm cho người đọc là chưa phù hợp với bản chất và chức năng của thư viện. Liên đoàn quốc tế các hội và cơ quan thư viện (International Federation of Library Associations and Institutions - IFLA) khẳng định, thư viện có chức năng tạo nên sự tiếp cận không rào cản của người dân đến thông tin nhằm đạt đến tự do, bình đẳng, hiểu biết chung và hòa bình trên thế giới. Để đạt được mục tiêu này, IFLA đã có rất nhiều cố gắng hướng đến việc thuyết phục cho phép các ngoại lệ về bản quyền đối với hoạt động thực viện. Năm 2010, Uỷ ban Thường trực của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới – WIPO đã đồng ý cho các thư viện được tạo ra một bản của tài liệu có bản quyền hoặc tài liệu được bảo hộ cho bạn đọc của thư viện theo yêu cầu của họ cho mục đích giáo dục, nghiên cứu, sử dụng cá nhân theo quy định sử dụng hợp lý của luật mỗi quốc gia[8]. Tham khảo quy định tại Điều 108 Luật Bản quyền Hoa Kỳ cũng quy định cho phép thư viện được sao chép một bản tài liệu theo yêu cầu của người dùng nhằm mục đích học tập, nghiên cứu cá nhân và thư viện phải thông báo về bản quyền cho người dùng theo quy định[9]. Bên cạnh đó, cùng một mục đích sao chép để sử dụng cho nghiên cứu, giảng dạy, học tập, nhưng điểm a khoản 1 Điều 25 cho phép người sử dụng được tự sao chép một bản tác phẩm, trong khi đó tại điểm e Điều này lại chỉ cho phép thư viện sao chép một phần hợp lý của tác phẩm là chưa thống nhất. Để khắc phục hạn chế nêu trên, các tác giả cho rằng, điểm e khoản 1 Điều 25 cần được sửa đổi như sau: “e) Sử dụng tác phẩm trong hoạt động thư viện không nhằm mục đích thương mại, bao gồm: sao chép tác phẩm không quá 3 bản lưu trữ trong thư viện để bảo quản; sao chép hoặc truyền tải tác phẩm được lưu giữ để sử dụng trong các thư viện liên quan thông qua mạng máy tính; sao chép một phần hoặc một bản tác phẩm cho người khác phục vụ nghiên cứu, học tập không nhằm mục đích thương mại, trong trường hợp này, thư viện thực hiện việc sao chép tác phẩm phải kèm theo thông báo về quyền tác giả”.
Thứ ba, sửa đổi điểm m khoản 1 Điều 25 theo hướng bổ sung cụm từ “không nhằm mục đích thương mại”. Theo đó, điểm m được sửa đổi như sau: “m) Người khuyết tật nhìn, người khuyết tật không có khả năng đọc chữ in và người khuyết tật khác không có khả năng tiếp cận tác phẩm để đọc theo cách thông thường (sau đây gọi là người khuyết tật), người nuôi dưỡng, người nhận nuôi dưỡng, chăm sóc cho người khuyết tật, tổ chức được Chính phủ cho phép sử dụng tác phẩm không nhằm mục đích thương mại theo quy định tại Điều 25a của Luật này”. Việc bổ sung cụm từ “không nhằm mục đích thương mại” vào điểm này nhằm hạn chế tình trạng áp dụng không đúng tinh thần của điều luật trên thực tế.
2. Quy định về các trường hợp giới hạn quyền tác giả
Khoản 10 Điều 1 Dự thảo Luật (Sửa đổi, bổ sung Điều 26) quy định các trường hợp giới hạn quyền tác giả. Khoản này quy định việc sử dụng tác phẩm đã công bố không phải xin phép chủ sở hữu quyền tác giả nhưng phải trả tiền bản quyền áp dụng đối với các trường hợp người sử dụng khai thác giá trị của tác phẩm trong hoạt động kinh doanh, thương mại mà không gây phương hại đến quyền của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả. Do việc sử dụng tác phẩm mang lại doanh thu cho người sử dụng nên bên sử dụng có trách nhiệm chi trả tiền bản quyền nhằm cân bằng lợi ích về kinh tế giữa các bên, đảm bảo quyền lợi của tác giả. Liên quan đến nội dung này, Dự thảo Luật bổ sung hai trường hợp sau:
a) Tổ chức phát sóng sử dụng tác phẩm đã công bố, tác phẩm đã được chủ sở hữu quyền tác giả cho phép định hình trên bản ghi âm, ghi hình công bố nhằm mục đích thương mại để phát sóng có tài trợ, quảng cáo hoặc thu tiền dưới bất kỳ hình thức nào không phải xin phép, nhưng phải trả tiền bản quyền cho chủ sở hữu quyền tác giả kể từ khi sử dụng. Mức tiền bản quyền và phương thức thanh toán do các bên thoả thuận; trường hợp không đạt được thỏa thuận thì thực hiện theo quy định của Chính phủ hoặc khởi kiện tại Tòa án theo quy định của pháp luật.
Tổ chức phát sóng sử dụng tác phẩm đã công bố, tác phẩm đã được chủ sở hữu quyền tác giả cho phép định hình trên bản ghi âm, ghi hình công bố nhằm mục đích thương mại để phát sóng không có tài trợ, quảng cáo hoặc không thu tiền dưới bất kỳ hình thức nào không phải xin phép, nhưng phải trả tiền bản quyền cho chủ sở hữu quyền tác giả kể từ khi sử dụng theo quy định của Chính phủ.
b) Trường hợp tác phẩm đã được chủ sở hữu quyền tác giả cho phép định hình trên bản ghi âm, ghi hình công bố nhằm mục đích thương mại thì tổ chức, cá nhân sử dụng bản ghi âm, ghi hình này trong hoạt động kinh doanh, thương mại không phải xin phép, nhưng phải trả tiền bản quyền cho chủ sở hữu quyền tác giả của tác phẩm đó theo thoả thuận kể từ khi sử dụng; trường hợp không đạt được thoả thuận thì thực hiện theo quy định của Chính phủ hoặc khởi kiện tại Toà án theo quy định của pháp luật. Chính phủ quy định cụ thể các hoạt động kinh doanh, thương mại quy định tại điểm này.
Các tác giả cho rằng, quyền sử dụng tác phẩm được định hình trên bản ghi âm, ghi hình đã được công bố trong hoạt động kinh doanh, thương mại được quy định bổ sung phù hợp với Điều 13 Công ước Berne 1976. Tuy nhiên, quản lý việc sử dụng tác phẩm được định hình trên bản ghi âm, ghi hình đã được công bố trên thực tế không dễ dàng và có nguy cơ gây ảnh hưởng đến quyền lợi của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả. Bởi lẽ, người sử dụng có thể dùng bản ghi âm, ghi hình của người khác để khai thác, thu các khoản lợi lớn trên các nền tảng mạng xã hội Facebook, Youtube, bán nhạc chuông, nhạc chờ hay các hình thức kinh doanh khác mà không phải xin phép tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, trong khi chưa có cơ chế thật sự hiệu quả để kiểm soát nguồn thu từ các hoạt động kinh doanh này. Hơn nữa, việc tác giả có nhận được tiền bản quyền trong trường hợp này hay không còn phụ thuộc rất lớn vào sự tự giác, mức độ hợp tác của người sử dụng tác phẩm. Trường hợp các bên có thể gặp nhau trao đổi về tiền bản quyền thì việc thống nhất mức tiền bản quyền cũng rất khó khăn vì phía tác giả không có cơ sở hay điều kiện để xác định cụ thể số tiền bên sử dụng thu được từ hoạt động kinh doanh tác phẩm. Để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình, tác giả có thể khởi kiện đến Tòa án. Tuy nhiên, quá trình này mất thời gian, công sức, tốn kém tiền bạc hơn nhiều so với số tiền bản quyền mà tác giả có thể thu được trên thực tế.
Để khắc phục hạn chế này, các tác giả kiến nghị hai phương án như sau:
- Phương án 1: bổ sung quy định buộc bên sử dụng tác phẩm được định hình trên bản ghi âm, ghi hình trong hoạt động kinh doanh phải được sự đồng ý của tác giả và phải trả tiền bản quyền.
- Phương án 2: bổ sung quy định chỉ cho phép các tổ chức, đơn vị có đăng ký ngành nghề kinh doanh tác phẩm định hình trên bản ghi âm, ghi hình mới được quyền thực hiện các hoạt động kinh doanh, thương mại đối với tác phẩm được định hình trên bản ghi âm, ghi hình mà không cần xin phép tác giả./. 
[1] Bộ Khoa học và Công nghệ (2019), “Báo cáo tổng kết thi hành Luật Sở hữu trí tuệ”, tr.1.
[2] Dự thảo Luật (lần 3).
[3] Minh Giảng, “Đạo văn ngày càng đáng báo động”, https://tuoitre.vn/dao-van-ngay-cang-dang-bao-dong-754254.htm, truy cập lần cuối ngày 01/10/2021.
[4] Law of The Russian Federation No. 5351-1 of July 9, 1883 on Copyright and neighbouring Rights (with the additions and Amendments of July 19, 1995), https://www.wto.org/english/thewto_e/acc_e/rus_e/WTACCRUS48_LEG_94.pdf, truy cập lần cuối ngày 9/6/2021. Article 19. Use of a Work Without the Author's Consent and Without the Payment of Royalties: “The following shall be permitted without the author's consent and without the payment of royalties but with obligatory indication of the author's name and the source of borrowing: 1) citation in the original or in a translation for scientific, research, polemical, critical and informational purposes of legitimately published works in such amounts as may be justified by the purpose of such citation, including reproduction of excerpts from newspaper and magazine articles in the form of press reviews”.
[5] Law of The People’s Republic of China, https://www.wipo.int/edocs/lexdocs/laws/en/cn/cn001en.pdf, truy cập lần cuối ngày 01/10/2021. Article 22: “In the following case, a work may be used without permission from,and without payment of remuneration to,the copyright owner,provided that the name of the author and the title of the work shall be indicated and the other rights enjoyed by the copyright owner by virtue of this Law shall not be prejudiced:(2) appropriate quotation from a published work of others in one's work for the purposes of introduction to,or comment on.a work,or demonstration of a point.
[6] Khoản 1 Điều 10 Công ước Berne 1979.
[7] Lê Văn Viết, “Vấn đề về bản quyền trong hoạt động thư viện”, https://nlv.gov.vn/nghiep-vu-thu-vien/van-de-quyen-tac-gia-trong-hoat-dong-thu-vien.html, truy cập lần cuối ngày 01/10/2021.
[8] Lê Văn Viết, tlđd (5).
[9] Tham khảo Copyright Law of the United States and Related Laws Contained in Title 17 of the United States Code, https://www.copyright.gov/title17/title17.pdf, truy cập lần cuối ngày 01/10/2021.

(Nguồn tin: Bài viết được đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 21 (445), tháng 11/2021.)