Hoàn thiện các quy định của pháp luật tố tụng hình sự về cán bộ điều tra

26/10/2021

TS. NGÔ VĂN VỊNH

Học viện Chính trị công an nhân dân,

THS. NGUYỄN THỊ HẢI YẾN

Phòng Quản lý khoa học và Hợp tác quốc tế, Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội.

Tóm tắt: Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 và Luật Tổ chức Cơ quan điều tra hình sự năm 2015 quy định Cán bộ điều tra là người được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra với những quy định mới, cụ thể. Tuy nhiên, một số quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 và Luật Tổ chức Cơ quan điều tra hình sự năm 2015 về Cán bộ điều tra còn bất cập, cần được tiếp tục hoàn thiện.
Từ khóa: Cán bộ điều tra, Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Tổ chức Cơ quan điều tra hình sự.
Abstract: The Criminal Procedure Code of 2015 and the Law on Organization of Criminal Investigation Agencies of 2015 both define a provision that an investigating officer is a person assigned to conduct a number of investigative activities with new and specific regulations. However, a number of provisions of the Criminal Procedure Code of 2015 and the Law on Organization of Criminal Investigation Agencies of 2015 on investigating officers are still inadequate and they need to be further reviewed for improvements.
Keywords: Investigating officers; Criminal Procedure Code; Law on Organization of Criminal Investigation Agencies.
 TTHSU.jpg
Ảnh minh họa: Nguồn internet
1. Các quy định của pháp luật tố tụng hình sự về chức danh Cán bộ điều tra
1.1. Tiêu chuẩn của Cán bộ điều tra
Cán bộ điều tra (CBĐT) là chức danh tố tụng mới được quy định trong Bộ luật Tố tụng hình sự (TTHS) năm 2015 và Luật Tổ chức Cơ quan điều tra hình sự (ĐTHS) năm 2015. Trước khi có Bộ luật TTHS năm 2015, CBĐT trong thực tế đã tồn tại là cán bộ của Cơ quan điều tra (CQĐT) tham gia vào một số hoạt động ĐTHS mang tính chất “sự vụ”, nhưng không được quy định trong pháp luật TTHS là người có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Điều này gây ra những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tiến hành ĐTHS.
Theo quy định của Luật Tổ chức Cơ quan ĐTHS năm 2015, CBĐT là những người có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ về lĩnh vực điều tra được bổ nhiệm để giúp Điều tra viên (ĐTV) hoặc được phân công để giúp Thủ trưởng cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra thực hiện một số hoạt động ĐTHS. Việc quy định về chức danh CBĐT để đáp ứng thực tiễn công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm nói chung và công tác ĐTHS nói riêng. Thực tiễn cho thấy, CBĐT ở CQĐT đã giúp ĐTV giải quyết nguồn tin về tội phạm và giải quyết các vụ án hình sự được nhanh chóng, thuận lợi. Đối với các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, CBĐT giúp Thủ trưởng các cơ quan này thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn điều tra theo quy định của pháp luật TTHS.
Theo quy định của Luật Tổ chức Cơ quan ĐTHS năm 2015, tiêu chuẩn để bổ nhiệm CBĐT của CQĐT gồm:
(1) Là công dân Việt Nam trung thành với Tổ quốc và Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, có phẩm chất đạo đức tốt, liêm khiết, trung thực, bản lĩnh chính trị vững vàng, có tinh thần kiên quyết bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa;
(2) Có trình độ Đại học An ninh, Đại học Cảnh sát hoặc cử nhân luật trở lên;
(3) Có thời gian làm công tác pháp luật theo quy định của Luật Tổ chức Cơ quan ĐTHS;
(4) Có sức khỏe bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Như vậy, có thể thấy tiêu chuẩn bổ nhiệm CBĐT của CQĐT rất sát với tiêu chuẩn chung của ĐTV. Bên cạnh đó, điểm b khoản 1 Điều 59 Luật Tổ chức Cơ quan ĐTHS năm 2015 quy định: “Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cấp, thu hồi Giấy chứng nhận Cán bộ điều tra thuộc Công an nhân dân do Bộ trưởng Bộ Công an quy định, thuộc Quân đội nhân dân do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định, ở Viện kiểm sát nhân dân tối cao do Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao quy định”.
Theo Thông tư số 39/2017/TT-BCA, ngày 10/10/2017 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định về việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức và cấp, thu hồi Giấy chứng nhận Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng CQĐT, ĐTV, CBĐT trong Công an nhân dân (Thông tư số 39), tiêu chuẩn bổ nhiệm CBĐT của CQĐT trong Công an nhân dân bao gồm: (1) Là công dân Việt Nam trung thành với Tổ quốc và Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, có phẩm chất đạo đức tốt, liêm khiết, trung thực, bản lĩnh chính trị vững vàng, có tinh thần kiên quyết bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa; (2) Có trình độ Đại học An ninh, Đại học Cảnh sát hoặc cử nhân luật trở lên; (3) Có thời gian làm công tác pháp luật từ 01 năm trở lên; (4) Đã được đào tạo về nghiệp vụ điều tra; (5) Có sức khỏe bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Theo Thông tư số 299/2017/TT-BQP, ngày 09/12/2017 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức; cấp, thu hồi Giấy chứng nhận Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng CQĐT, ĐTV và CBĐT trong Quân đội nhân dân (Thông tư số 299), tiêu chuẩn bổ nhiệm CBĐT của CQĐT trong Quân đội nhân dân bao gồm: (1) Là sỹ quan quân đội nhân dân Việt Nam đang tại ngũ, có tinh thần kiên quyết bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa; (2) Có trình độ Đại học An ninh, Đại học Cảnh sát hoặc cử nhân luật trở lên; (3) Đã được đào tạo, bồi dưỡng về nghiệp vụ điều tra; (4) Có sức khỏe bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Theo Quyết định số 323/QĐ-VKSTC, ngày 09/7/2018 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành Quy định về việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức CBĐT trong ngành Kiểm sát nhân dân (Quyết định số 323), công chức đang công tác tại CQĐT Viện kiểm sát nhân dân tối cao và sỹ quan Quân đội nhân dân Việt Nam đang công tác tại CQĐT Viện kiểm sát quân sự trung ương có đủ các điều kiện sau đây thì có thể được bổ nhiệm làm CBĐT: (1) Có đủ các điều kiện quy định tại các khoản 1, 2, 4 và 5 Điều 46 của Luật Tổ chức cơ quan ĐTHS; (2) Có thời gian làm công tác pháp luật từ 01 năm trở lên.
1.2. Nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Cán bộ điều tra
1.2.1. Nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Cán bộ điều tra của Cơ quan điều tra
Nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của CBĐT của CQĐT được quy định tại Điều 38 Bộ luật TTHS năm 2015. Theo đó, CBĐT thực hiện những nhiệm vụ, quyền hạn sau đây theo sự phân công của ĐTV:
- Ghi biên bản lấy lời khai, ghi biên bản hỏi cung và ghi các biên bản khác khi ĐTV tiến hành kiểm tra, xác minh nguồn tin về tội phạm và điều tra vụ án hình sự;
- Giao, chuyển, gửi các lệnh, quyết định và các văn bản tố tụng khác theo quy định của Bộ luật TTHS;
- Giúp ĐTV trong việc lập hồ sơ giải quyết nguồn tin về tội phạm, hồ sơ vụ án và thực hiện hoạt động tố tụng khác.
Có thể thấy, nhiệm vụ, quyền hạn của CBĐT của CQĐT là thực hiện những hoạt động không phức tạp, mang tính chất trợ giúp cho ĐTV trong giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố và điều tra vụ án hình sự.
Về trách nhiệm, CBĐT phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng CQĐT, ĐTV về hành vi của mình[1].
1.2.2. Nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Cán bộ điều tra của các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra
Theo quy định của Bộ luật TTHS năm 2015 và Luật Tổ chức Cơ quan ĐTHS năm 2015 thì nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của CBĐT của các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra khác với nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của CBĐT của CQĐT. CBĐT của các cơ quan được giao tiến hành một số hoạt động điều ra do Thủ trưởng cơ quan phân công theo từng vụ, việc. Nhiệm vụ, quyền hạn của CBĐT của các cơ quan này cũng không giống nhau, có thể phân thành 2 nhóm như sau:
Nhóm 1: CBĐT của các cơ quan của Bộ đội biên phòng, Hải quan, Kiểm lâm, lực lượng Cảnh sát biển, Kiểm ngư được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra.
Theo khoản 4 Điều 39 Bộ luật TTHS năm 2015, CBĐT nhóm 1 có những nhiệm vụ, quyền hạn sau: (i) lập hồ sơ giải quyết nguồn tin về tội phạm; lấy lời khai của những người có liên quan để kiểm tra, xác minh nguồn tin về tội phạm; (ii) lập hồ sơ vụ án hình sự; (iii) hỏi cung bị can; lấy lời khai người tố giác, báo tin về tội phạm, người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố, người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, người bị tạm giữ, người làm chứng, bị hại, đương sự; (iv) tiến hành khám nghiệm hiện trường; thi hành lệnh khám xét, thu giữ, tạm giữ và bảo quản vật chứng, tài liệu liên quan trực tiếp đến vụ án.
Nhóm 2: CBĐT của các cơ quan khác của Công an nhân dân, Quân đội nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra.
Theo khoản 3 Điều 40 Bộ luật TTHS năm 2015, CBĐT nhóm 2 có những nhiệm vụ, quyền hạn sau: (i) lập hồ sơ giải quyết nguồn tin về tội phạm; lấy lời khai của những người có liên quan để kiểm tra, xác minh nguồn tin về tội phạm; (ii) lập hồ sơ vụ án hình sự; (iii) lấy lời khai người tố giác, báo tin về tội phạm, người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố, người làm chứng, bị hại, đương sự; (iv) tiến hành khám nghiệm hiện trường; thi hành lệnh khám xét, thu giữ, tạm giữ và bảo quản vật chứng, tài liệu liên quan trực tiếp đến vụ án; (v) giao, gửi các lệnh, quyết định và các văn bản tố tụng khác theo quy định của Bộ luật TTHS.
Có thể thấy, nhiệm vụ, quyền hạn của CBĐT nhóm 2 hạn chế hơn so với nhóm 1, họ chỉ thực hiện các hoạt động về thụ lý giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, một số hoạt động điều tra ban đầu[2]
Về trách nhiệm, CBĐT của các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra trong phạm vi trách nhiệm của mình đều phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi, quyết định của mình[3]; chịu trách nhiệm trước Thủ trưởng về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình[4].
Tóm lại, CBĐT của các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra được trao rất nhiều nhiệm vụ, quyền hạn, trong đó có nhiều nhiệm vụ, quyền hạn mang tính độc lập đòi hỏi sự chủ động cao như lập hồ sơ giải quyết nguồn tin về tội phạm; lấy lời khai; lập hồ sơ vụ án hình sự... Do đó, CBĐT cần phải trang bị cho mình đầy đủ kiến thức chuyên môn, khả năng làm việc chủ động, độc lập, quyết đoán để xử lý đảm bảo chính xác trong thời gian nhanh nhất, mà vẫn đạt chất lượng, hiệu quả.
2. Một số hạn chế, bất cập trong các quy định của pháp luật tố tụng hình sự về chức danh Cán bộ điều tra và kiến nghị hoàn thiện
Bên cạnh những kết quả nêu trên, các quy định của pháp luật TTHS hiện hành về chức danh CBĐT còn một số hạn chế, bất cập như sau:
Thứ nhất, về tiêu chuẩn chức danh CBĐT:
Khoản 3 Điều 46 Luật Tổ chức Cơ quan ĐTHS năm 2015 quy định, một trong những tiêu chuẩn của chức danh CBĐT là: Có thời gian làm công tác pháp luật theo quy định của Luật này”. Tuy nhiên, Luật Tổ chức Cơ quan ĐTHS năm 2015 không quy định thời gian cụ thể để bổ nhiệm CBĐT[5]. Điều này dẫn đến sự chưa thống nhất trong các quy định của các văn bản dưới luật về thời gian bổ nhiệm CBĐT. Cụ thể, Thông tư số 39 quy định thời gian làm công tác pháp luật để bổ nhiệm CBĐT của CQĐT của Công an nhân dân là từ 01 năm trở lên; Quyết định số 323 quy định thời gian làm công tác pháp luật để bổ nhiệm CBĐT của CQĐT của Viện kiểm sát nhân dân tối cao là từ 01 năm trở lên; Thông tư số 299 không quy định thời gian làm công tác pháp luật để bổ nhiệm CBĐT của CQĐT trong Quân đội nhân dân. Tác giả cho rằng, việc quy định thời gian làm công tác pháp luật từ 01 năm trở lên là hợp lý. Bởi lẽ, với thời gian này, người được bổ nhiệm làm CBĐT đã có những kiến thức, kỹ năng nhất định giúp việc cho ĐTV, hơn nữa sau khi được bổ nhiệm CBĐT, họ sẽ có khoảng thời gian đủ dài để tích luỹ, nâng cao trình độ về công tác ĐTHS trước khi được bổ nhiệm làm ĐTV. Để đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật, điểm a khoản 1 Điều 59 Luật Tổ chức Cơ quan ĐTHS năm 2015 cần quy định rõ thời gian bổ nhiệm CBĐT. Theo đó, điểm a khoản 1 Điều 59 Luật Tổ chức Cơ quan ĐTHS năm 2015 cần được sửa đổi như sau:
“Người có đủ tiêu chuẩn quy định tại các khoản 1, 2 và 5 Điều 46 của Luật này và có thời gian làm công tác pháp luật từ 01 năm trở lên có thể được bổ nhiệm làm Cán bộ điều tra để giúp Điều tra viên thực hiện một số hoạt động điều tra hình sự”.
Đối với CBĐT của các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, Luật Tổ chức Cơ quan ĐTHS năm 2015 không quy định tiêu chuẩn đối với CBĐT được phân công. Như đã phân tích ở trên, CBĐT của các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra được trao nhiều nhiệm vụ, quyền hạn hơn so với CBĐT của CQĐT, trong đó có nhiều nhiệm vụ, quyền hạn phức tạp, khó khăn hơn, chẳng hạn như trực tiếp lập hồ sơ vụ án hình sự, trực tiếp lấy lời khai, tiến hành khám nghiệm hiện trường...[6]. Vì vậy, CBĐT của các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra cũng cần phải đáp ứng được những tiêu chuẩn tương tự như đối với CBĐT của CQĐT. Do đó, tác giả cho rằng, cần sửa đổi khoản 2 Điều 59 Luật Tổ chức Cơ quan ĐTHS năm 2015 theo hướng bổ sung tiêu chuẩn đối với CBĐT của các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra. Theo đó, khoản 2 Điều 59 Luật Tổ chức Cơ quan ĐTHS năm 2015 cần được sửa đổi như sau:
“Khi tiến hành điều tra vụ án, Thủ trưởng cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phân công người thuộc cơ quan, đơn vị có đủ tiêu chuẩn quy định tại điểm a khoản 1 Điều này làm Cán bộ điều tra giúp mình thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn điều tra theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự và Luật này...”.
Thứ hai, về nhiệm vụ, quyền hạn của CBĐT:
Theo quy định của điểm b khoản 1 Điều 38 và điểm đ khoản 3 Điều 40 Bộ luật TTHS năm 2015, CBĐT của CQĐT và CBĐT của các cơ quan khác của Công an nhân dân, Quân đội nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra đều có nhiệm vụ, quyền hạn là: “Giao, chuyển, gửi các lệnh, quyết định và các văn bản tố tụng khác theo quy định của Bộ luật này”. Tuy nhiên, CBĐT của các cơ quan của Bộ đội biên phòng, Hải quan, Kiểm lâm, lực lượng Cảnh sát biển, Kiểm ngư được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra lại không được trao nhiệm vụ, quyền hạn này. Vì vậy, tác giả cho rằng, cần bổ sung điểm đ vào khoản 4 Điều 39 Bộ luật TTHS năm 2015 theo hướng bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn “Giao, chuyển, gửi các lệnh, quyết định và các văn bản tố tụng khác theo quy định của Bộ luật này” cho CBĐT của các cơ quan của Bộ đội biên phòng, Hải quan, Kiểm lâm, lực lượng Cảnh sát biển, Kiểm ngư. Theo đó, điểm đ khoản 4 Điều 39 Bộ luật TTHS năm 2015 cần được bổ sung có nội dung như sau: “Giao, chuyển, gửi các lệnh, quyết định và các văn bản tố tụng khác theo quy định của Bộ luật này”.
Thứ ba, về trách nhiệm của CBĐT:
Khoản 3 Điều 59 Luật Tổ chức Cơ quan ĐTHS năm 2015 quy định: “Cán bộ điều tra chịu trách nhiệm trước Điều tra viên, Thủ trưởng Cơ quan điều tra, Thủ trưởng cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra và trước pháp luật về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình”. Có thể thấy, quy định này chưa đảm bảo tính thống nhất với quy định về trách nhiệm của CBĐT trong Bộ luật TTHS năm 2015. Cụ thể, khoản 2 Điều 38 Bộ luật TTHS năm 2015 quy định: “Cán bộ điều tra phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra, Điều tra viên về hành vi của mình”. Hơn nữa, theo quy định của khoản 1 Điều 39[7] và khoản 1 Điều 40[8] Bộ luật TTHS năm 2015, khi cấp trưởng vắng, một cấp phó được uỷ quyền thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của cấp trưởng; do đó, CBĐT của cơ quan này còn phải chịu trách nhiệm trước cấp phó. Để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, tác giả cho rằng, cần sửa đổi khoản 3 Điều 59 Luật Tổ chức Cơ quan ĐTHS năm 2015 cho phù hợp với Bộ luật TTHS năm 2015. Theo đó, khoản 3 Điều 59 Luật Tổ chức Cơ quan ĐTHS năm 2015 cần được sửa đổi như sau:
 “Cán bộ điều tra chịu trách nhiệm trước Điều tra viên, Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra, Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra và trước pháp luật về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình”./. 

 


[1] Xem khoản 2 Điều 38 Bộ luật TTHS năm 2015.
[2] Điều này được giải thích dựa vào nhiệm vụ, quyền hạn của của các cơ quan của Bộ đội biên phòng, Hải quan, Kiểm lâm, lực lượng Cảnh sát biển, Kiểm ngư và cơ quan khác của Công an nhân dân, Quân đội nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra. Cụ thể, theo Điều 164 Bộ luật TTHS năm 2015, khi phát hiện hành vi có dấu hiệu tội phạm trong lĩnh vực và địa bàn quản lý của mình thì các cơ quan của Bộ đội biên phòng, Hải quan, Kiểm lâm, lực lượng Cảnh sát biển, Kiểm ngư được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra có nhiệm vụ, quyền hạn: Một là, đối với tội phạm ít nghiêm trọng trong trường hợp phạm tội quả tang, chứng cứ và lý lịch người phạm tội rõ ràng thì quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, tiến hành điều tra và chuyển hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát có thẩm quyền trong thời hạn 01 tháng kể từ ngày ra quyết định khởi tố vụ án hình sự; Hai là, đối với tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng hoặc tội phạm ít nghiêm trọng nhưng phức tạp thì quyết định khởi tố vụ án hình sự, tiến hành hoạt động điều tra ban đầu và chuyển hồ sơ vụ án cho CQĐT có thẩm quyền trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày ra quyết định khởi tố vụ án hình sự. Trong khi đó, cơ quan khác của Công an nhân dân, Quân đội nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra trong khi làm nhiệm vụ của mình, nếu phát hiện sự việc có dấu hiệu tội phạm thì có quyền khởi tố vụ án hình sự, tiến hành hoạt động điều tra ban đầu và chuyển hồ sơ vụ án cho CQĐT có thẩm quyền trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày ra quyết định khởi tố vụ án hình sự.
[3] Xem khoản 5 Điều 39 và khoản 4 Điều 40 Bộ luật TTHS năm 2015.
[4] Xem khoản 3 Điều 59 Luật Tổ chức Cơ quan ĐTHS năm 2015.
[5] Đối với việc bổ nhiệm ĐTV (ĐTV sơ cấp), Luật Tổ chức cơ quan ĐTHS quy định thời gian này là từ 04 năm trở lên.
[6] Xem khoản 4 Điều 39 và khoản 3 Điều 40 Bộ luật TTHS năm 2015.
[7] Khi vắng mặt, cấp trưởng ủy quyền cho một cấp phó được thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của cấp trưởng...”.
[8] Khi cấp trưởng vắng mặt, một cấp phó được ủy quyền thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của cấp trưởng và chịu trách nhiệm trước cấp trưởng về nhiệm vụ được ủy quyền...”.

(Nguồn tin: Bài viết được đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 20 (444), tháng 10/2021.)