Một số ý kiến nhằm hoàn thiện Dự thảo Luật Đầu tư công

01/06/2014

TS. VŨ ĐÌNH ÁNH

Chuyên gia kinh tế, Viện Kinh tế Tài chính, Học viện Tài chính

Dự thảo Luật Đầu tư công đã được trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến. Bài viết phân tích một số nội dung của Dự thảo nhằm hoàn thiện Dự thảo Luật Đầu tư công trước khi được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIII. 
Untitled_362.png
Ảnh minh họa: nguồn internet
1. Phạm vi điều chỉnh
Nội dung của đầu tư công bao gồm từ chủ trương, định hướng, kế hoạch dự án đầu tư công, huy động nguồn lực, sử dụng nguồn lực tiến hành đầu tư đến khai thác sử dụng sản phẩm đầu tư công. Hơn nữa, đầu tư công là một hoạt động phức tạp với sự tham gia vào quá trình đầu tư và sử dụng kết quả đầu tư của nhiều đối tượng khác nhau, trong đó có cả hoạt động quản lý của một số khâu và một số lĩnh vực của dự án đầu tư công, chứ không chỉ riêng có quản lý nhà nước về đầu tư công. Vì vậy, phạm vi điều chỉnh của Luật Đầu tư công nên viết khái quát là: “Luật này quy định về quản lý đầu tư công; quyền, nghĩa vụ, lợi ích và trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân liên quan đến đầu tư công”. Việc quy định phạm vi điều chỉnh như vậy sẽ không trùng lặp hay mâu thuẫn với phạm vi điều chỉnh của các luật liên quan như Luật Ngân sách nhà nước (quản lý ngân sách nhà nước - NSNN), Luật Đầu tư (quản lý đầu tư), Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp (vốn nhà nước trong doanh nghiệp), Luật Doanh nghiệp (quản lý doanh nghiệp, trong đó có đầu tư của doanh nghiệp), Luật Xây dựng (quản lý xây dựng), Luật Đấu thầu (quản lý đấu thầu). Đầu tư công là một khái niệm riêng hoàn chỉnh, có phần sử dụng nguồn lực từ NSNN nhưng không phải hoàn toàn từ NSNN, là một loại đầu tư bên cạnh đầu tư ngoài nhà nước, trong đó có xây dựng, đấu thầu… nhưng cần có quy định riêng cho phù hợp với tính chất của đầu tư công. Nếu đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp có tính chất đầu tư công thì phải tuân thủ Luật Đầu tư công.
2. Các khái niệm liên quan đến đầu tư công
Về các khái niệm liên quan đến đầu tư công ghi tại Điều 4 Dự thảo như hoạt động đầu tư công, vốn đầu tư công dự án đầu tư công, theo chúng tôi, nên xem xét bổ sung hai yếu tố đặc thù của đầu tư công là thẩm quyền quyết định dự án đầu tư côngđối tượng sử dụng sản phẩm đầu tư công. Theo đó, điều chỉnh nội dung dự thảo Luật Đầu tư công phù hợp với quy định tại các luật khác có liên quan, đồng thời quy định rõ những nội dung riêng phù hợp với tính chất của đầu tư công.
Theo cách hiểu hiện nay và qua các con số thống kê chính thức, phù hợp với thông lệ quốc tế, đầu tư công ở Việt Nam bao gồm: (1) đầu tư từ NSNN, ngân sách trung ương và ngân sách địa phương; (2) đầu tư từ tín dụng nhà nước, cả nguồn vay trong nước và vay nước ngoài; (3) đầu tư của doanh nghiệp nhà nước (DNNN), cả từ nguồn vốn được Nhà nước giao và nguồn DNNN tự huy động từ trong và ngoài nước. Nói cách khác là định nghĩa đầu tư công theo tính chất nguồn vốn đầu tư,còn theo khoản 1 Điều 4 Dự thảo Luật Đầu tư công, định nghĩa đầu tư công theo chủ thể tiến hành đầu tư là Nhà nước vào các chương trình, dự án: (1) xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và (2) phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Vậy việc đầu tư của Nhà nước phục vụ cho an ninh quốc phòng, chính trị, ngoại giao, văn hoá… không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Đầu tư công và sẽ được điều chỉnh theo luật nào? Bên cạnh đó, nội hàm đầu tư công trong định nghĩa này dường như không đồng nhất với quy định về lĩnh vực đầu tư công ghi tại Điều 5. Đầu tư của các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp và nhất là đầu tư của các DNNN hiện đang có mối liên quan rất chặt chẽ đến quản lý và sử dụng vốn, NSNN cũng như tài sản của Nhà nước, nhưng nếu không phải chịu sự điều chỉnh của Luật Đầu tư công thì chưa công bằng, hợp lý. Hơn nữa, việc quy định đầu tư công gắn với chương trình dự án đầu tư cũng có thể tạo ra kẽ hở không cần thiết để né tránh sự điều chỉnh của Luật Đầu tư công. Theo chúng tôi, khái niệm đầu tư công theo nguồn vốn đầu tư sẽ hợp lý hơn, cụ thể: đầu tư công là đầu tư từ nguồn NSNN, nợ công và vốn của DNNN. Thêm vào đó, Luật Đầu tư công cũng cần quy định về góp vốn đầu tư dưới dạng sử dụng tài sản công của Nhà nước và DNNN.
Dự thảo Luật Đầu tư công lần này đã bổ sung và làm rõ hàng loạt khái niệm rất quan trọng như hoạt động đầu tư công, vốn đầu tư công, kế hoạch đầu tư công, chương trình đầu tư công, chương trình mục tiêu, dự án đầu tư công, dự án đầu tư khẩn cấp, PPP… Tuy nhiên, khái niệm “chương trình đầu tư công là một tập hợp các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội” là chưa rõ ràng. Hơn nữa, việc coi chương trình đầu tư công gồm chương trình mục tiêu quốc gia và chương trình mục tiêu dựa trên phạm vi thực hiện chương trình là cả nước hay ngành và vùng lãnh thổ là chưa phù hợp với khái niệm hiện tại về chương trình mục tiêu quốc gia được phê duyệt theo các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Chương trình mục tiêu quốc gia hiện nay chủ yếu thực hiện trong các lĩnh vực xã hội, y tế, văn hoá, môi trường… và đầu tư chỉ là một bộ phận của chương trình mục tiêu quốc gia, thậm chí là bộ phận không quan trọng trong một số chương trình mục tiêu quốc gia. Do đó, việc coi chương trình mục tiêu quốc gia và chương trình mục tiêu chính là chương trình đầu tư công là chưa phù hợp, có thể gây nhầm lẫn. Ngoài ra, khái niệm “phân cấp quản lý nhà nước về đầu tư công là xác định trách nhiệm và quyền hạn của các cơ quan nhà nước các cấp đối với các hoạt động đầu tư công” (Khoản 11 Điều 4) là chưa chính xác vì phân cấp quản lý là chuyển giao trách nhiệm và quyền hạn của cơ quan quản lý cấp trên cho cơ quan quản lý cấp dưới trong quản lý đầu tư công, chứ không phải là xác định trách nhiệm và quyền hạn.
Các khái niệm về cơ quan có liên quan đến đầu tư công (từ khoản 12 đến khoản 16 Điều 4) không thật sự cần thiết phải quy định trong Luật này, vì đó là quy định về cơ quan quản lý đầu tư nói chung chứ không phải là cơ quan quản lý đầu tư công nói riêng. Hơn nữa, quy định quá cụ thể như vậy có thể khiến cho Luật Đầu tư công phải sửa đổi ngay khi có những thay đổi về tổ chức bộ máy quản lý nhà nước và nội dung của các luật có liên quan - mà cụ thể là Luật Đầu tư 2005 đang được sửa đổi, bổ sung hiện nay. Tương tự, các khái niệm về báo cáo liên quan đến hoạt động đầu tư và theo dõi đánh giá thực hiện kế hoạch đầu tư công (từ khoản 17 đến khoản 21 Điều 4) không cần đưa vào Luật Đầu tư công nếu không có quy định riêng đối với đầu tư công khác với quy định đối với đầu tư nói chung.
Quy định về lĩnh vực đầu tư công (Điều 5) chưa đồng nhất và thiếu khoa học, khi ba lĩnh vực đầu tiên liên quan đến mục tiêu đầu tư công, còn lĩnh vực thứ tư lại liên quan đến nguồn vốn đầu tư công. Ngoài ra, khoản 3 Điều 5 quy định lĩnh vực đầu tư công là “đầu tư và hỗ trợ hoạt động cung cấp sản phẩm, dịch vụ công ích” rất khó hiểu, cần được giải thích rõ ràng hơn.
3. Quản lý đầu tư công
3.1. Phân loại dự án đầu tư công
Đầu tư công và quản lý đầu tư công rất cần dựa trên sự phân loại dự án đầu tư công. Việc phân loại dự án đầu tư công cần dựa trên những tiêu chí cụ thể, vừa định tính vừa định lượng được, có căn cứ lý luận và thực tiễn, có cơ sở khoa học và khả thi. Vì vậy, chúng tôi nhất trí với việc phân loại dự án đầu tư công theo tầm quan trọng và quy mô dự án (khoản 2 Điều 6) và cho rằng, các quy định về tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia (Điều 7), dự án nhóm A, B và C (từ Điều 8 đến Điều 10), đặc biệt quy định cả điều kiện điều chỉnh tiêu chí tổng mức đầu tư (Điều 11) là tiến bộ rất lớn của Dự thảo Luật Đầu tư công lần này. Tuy vậy, vẫn cần có bản thuyết trình căn cứ và lập luận rất chi tiết để thuyết phục về các tổng mức đầu tư tương ứng với từng loại dự án đầu tư công thuộc từng lĩnh vực đầu tư cụ thể. Bên cạnh đó, cần bổ sung quy định về việc chuyển một dự án đầu tư công cụ thể từ nhóm này sang nhóm khác vì trên thực tế, việc này hoàn toàn có thể xảy ra để phù hợp với những thay đổi môi trường đầu tư trong và ngoài nước.
3.2. Nguyên tắc quản lý đầu tư công
Trước khi quy định nguyên tắc quản lý đầu tư công (Điều 12), Luật Đầu tư công nên quy định nguyên tắc đầu tư công vì đây là Luật Đầu tư công chứ không phải là Luật Quản lý đầu tư công và quản lý nhà nước đối với đầu tư công chỉ là một nội dung của đầu tư công. Nguyên tắc đầu tư công liên quan chặt chẽ với việc xác định vai trò của Nhà nước trong nền kinh tế nói chung và trong đầu tư phát triển kinh tế - xã hội cũng như đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, cả cơ sở hạ tầng kinh tế và cơ sở hạ tầng xã hội nói riêng. Những nguyên tắc đầu tư công cơ bản có thể là: (1) đầu tư công chỉ thực hiện sau khi phương án phi đầu tư công không thể thực hiện (theo nguyên tắc Nhà nước chỉ làm những gì mà các thành phần kinh tế khác không thể, không muốn hay không được làm); (2) đầu tư công tuân thủ đầy đủ pháp luật về đầu tư, Luật Đầu tư công và quy định pháp luật liên quan (quản lý đầu tư công phải chặt chẽ hơn so với quản lý đầu tư nói chung); (3) trách nhiệm đối với đầu tư công bao gồm trách nhiệm tập thể và trách nhiệm cá nhân, trong đó quy định rõ trách nhiệm cá nhân trước, trong và sau khi hoàn thành mỗi dự án đầu tư công (tránh tình trạng “cha chung không ai khóc” rất dễ xảy ra trong đầu tư công, dẫn đến lãng phí, thất thoát, tham nhũng); (4) hiệu quả kinh tế không phải là tiêu chí duy nhất nhưng nhất thiết phải đánh giá trước, trong và sau khi hoàn thành dự án đầu tư công (tránh tình trạng phổ biến hiện nay là nhiều dự án đầu tư công có hiệu quả kinh tế thấp, thậm chí không có hiệu quả kinh tế/tài chính thì lại được bao biện là có hiệu quả xã hội hay hiệu quả chính trị); (5) đầu tư công phải công khai, minh bạch và chịu sự giám sát của nhân dân (vì sử dụng nguồn lực công và phục vụ mục tiêu chung).
4. Nội dung phải công khai, minh bạch trong đầu tư công
Dự thảo Luật Đầu tư công đã dành hẳn Điều 14 để quy định những nội dung phải công khai minh bạch trong đầu tư công, từ những vấn đề chung như chính sách pháp luật, nguyên tắc, tiêu chí… đến những vấn đề cụ thể như danh mục dự án, mức vốn, tiến độ, kết quả nghiệm thu. Rõ ràng, công khai minh bạch trong đầu tư công là đặc biệt quan trọng và là một trong những công cụ hữu hiệu nhất để hạn chế, tiến tới xoá bỏ những bất cập và tiêu cực trong đầu tư công. Những quy định tại Điều 14 Dự thảo Luật Đầu tư công đảm bảo tính toàn diện, xuyên suốt hoạt động đầu tư công nên nếu được thực hiện tốt sẽ tạo ra sự đột phá trong quản lý và giám sát đầu tư công. Tuy nhiên, khoản 2 Điều 14 lại chỉ yêu cầu người đứng đầu có trách nhiệm phải công khai các nội dung đầu tư công đã nêu trong khoản 1 Điều 14 là chưa đầy đủ, thiếu các quy định trách nhiệm có hiệu lực pháp lý, nên rất có thể lặp lại tình trạng công khai một cách hình thức như đang xảy ra với công khai tài chính và NSNN hiện nay. Hơn nữa, công khai và minh bạch là hai khái niệm khác nhau, trong đó, công khai là công bố thông tin một cách chủ động, còn minh bạch là cung cấp thông tin theo yêu cầu của những người quan tâm, nên việc không quy định về trách nhiệm minh bạch trong đầu tư công là thiếu sót, cần bổ sung cho Dự thảo. Bên cạnh đó, Dự thảo Luật Đầu tư công cần bổ sung cơ chế đảm bảo minh bạch thông tin về đầu tư công, nhất là cơ chế minh bạch thông tin liên quan đến mỗi dự án đầu tư công cụ thể, chẳng hạn như trách nhiệm của tổ chức, cá nhân đáp ứng yêu cầu thông tin về dự án đầu tư công phục vụ hoạt động giám sát không chỉ của cơ quan chức năng, mà còn của nhân dân và các tổ chức xã hội và trách nhiệm tiếp nhận, xử lý, trả lời các thông tin, khiếu nại tố cáo liên quan đến đầu tư công. Chỉ có những hình thức công khai, minh bạch cụ thể, có hiệu lực pháp lý, có cơ chế thực hiện rõ ràng, đơn giản mới giúp cho công khai, minh bạch trong đầu tư công đi thẳng từ luật vào cuộc sống, hạn chế tâm lý né tránh và làm cho có.
Điều 16, các hành vi bị cấm trong đầu tư công, đã cụ thể hoá hàng loạt những hành vi sai phạm diễn ra tương đối phổ biến trong đầu tư công ở nước ta trong những năm vừa qua, dẫn đến những hậu quả tiêu cực như đầu tư dàn trải, chậm tiến độ, phải điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư, bố trí dự án đầu tư công không đi đôi với bố trí nguồn vốn tương ứng, nợ nần liên quan đến đầu tư công, chất lượng công trình thấp, mau xuống cấp, hiệu quả sử dụng thấp… Quy định các hành vi bị cấm là cần thiết và quan trọng, nhưng quan trọng hơn là triển khai được những quy định cấm này trong thực tế thông qua cơ chế quản lý đầu tư công, đảm bảo những người có trách nhiệm liên quan không dám, không thể và không muốn vi phạm những hành vi bị cấm này và cả những hành vi bị cấm khác nữa có thể phát sinh trong thời gian tới.
5. Thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư công
Dự thảo Luật Đầu tư công dành toàn bộ Mục 1 Chương II quy định chi tiết, cụ thể, hợp lý về thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư từ chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng quốc gia đến các dự án nhóm A, B và C của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Thủ trưởng cấp Bộ và Hội đồng nhân dân các cấp. Bên cạnh đó, Dự thảo Luật Đầu tư công cũng chỉ rõ sáu điều kiện (Điều 18) và trình tự thủ tục (Điều 19) quyết định chủ trương đầu tư cũng như hồ sơ (Điều 20) và thủ tục, nội dung thẩm tra (Điều 21) chương trình mục tiêu quốc gia và dự án quan trọng quốc gia. Nhìn chung, các quy định liên quan đến quyết định chủ trương đầu tư dự án đầu tư công quan trọng cấp quốc gia là chặt chẽ và phân định rõ trách nhiệm của Chính phủ và Quốc hội đi đôi với vai trò của Hội đồng thẩm định nhà nước, phù hợp với tính chất và tầm quan trọng của dự án đầu tư công cấp quốc gia. Tương tự như vậy, Luật Đầu tư công cũng quy định rất rõ ràng, chi tiết trình tự, thủ tục quyết định chủ trương đầu tư chương trình thuộc thẩm quyền của Chính phủ, dự án đầu tư nhóm A, B và C (từ Điều 22 đến Điều 32) theo từng cấp quản lý từ trung ương đến địa phương và theo từng nguồn vốn NSNN, vốn vay và tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước. Tương tự như đối với quyết định chủ trương đầu tư công, quyết định đầu tư cũng phải thực hiện theo trình tự và nội dung được quy định rõ ràng và chặt chẽ từ Điều 40 đến Điều 45 của Luật Đầu tư công trên cơ sở kế thừa những quy định pháp luật có liên quan đồng thời yêu cầu Chính phủ quy định chi tiết về lập, thẩm định, quyết định đầu tư và điều chỉnh chương trình, dự án đầu tư công.
6. Kế hoạch đầu tư công
Kế hoạch đầu tư công là một khái niệm tương đối mới được đưa vào Dự thảo Luật Đầu tư công với kỳ vọng kế hoạch đầu tư công và thực hiện đầu tư công theo kế hoạch sẽ là một trong những công cụ quan trọng để khắc phục những nhược điểm của đầu tư công hiện nay, nổi bật là đầu tư tràn lan theo phong trào và không cân đối được vốn cho đầu tư. Chính vì vậy, Luật Đầu tư công đã dành hẳn Chương III để quy định về lập, thẩm định, phê duyệt và giao kế hoạch đầu tư công và Chương IV về thực hiện, theo dõi, kiểm tra, đánh giá, thanh tra kế hoạch đầu tư công. Tính khoa học của Luật Đầu tư công được nâng cao rõ rệt khi thực hiện phân loại kế hoạch đầu tư công theo ba tiêu chí: thời hạn, cấp quản lý và nguồn vốn gắn với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và kế hoạch ngân sách trung hạn, đảm bảo tính mục tiêu và nguồn lực thực hiện đầu tư công. Kế hoạch đầu tư công được lập và triển khai thực hiện thành công nếu tuân thủ đúng các căn cứ (Điều 47), nguyên tắc (Điều 48) và nội dung báo cáo (Điều 49) lập kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm. Kế hoạch đầu tư công, chất lượng đầu tư công cao hay thấp phụ thuộc rất nhiều vào việc tuân thủ các nguyên tắc về bố trí vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm cho các chương trình dự án (Điều 51) hay điều kiện chương trình, dự án được bố trí vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm (Điều 52 và 53), năng lực đánh giá tình hình và dự báo của đội ngũ cán bộ lập kế hoạch đầu tư công. Vì vậy, ngoài việc quy định cụ thể về trình tự lập, thẩm định kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm (Điều 55 và 56) với vai trò truyền thống chủ trì của cơ quan kế hoạch và đầu tư phối hợp với cơ quan tài chính, Luật Đầu tư công nên quy định thể chế mở rộng hơn các chủ thể tham gia vào quá trình lập, thẩm định kế hoạch đầu tư công, tránh “khép kín” và đặc biệt quan tâm tới cơ chế cho phép sự tham gia nhiều hơn của các tầng lớp nhân dân và các tổ chức xã hội bên cạnh cơ chế phối hợp chặt chẽ hơn giữa cơ quan kế hoạch đầu tư với cơ quan tài chính, nhằm nâng cao chất lượng của kế hoạch đầu tư công.  
Luật Đầu tư công đã có nỗ lực rất lớn quy định chi tiết về lập, thẩm định, phê duyệt và giao kế hoạch đầu tư công theo từng nguồn vốn NSNN, công trái quốc gia, trái phiếu chính phủ, thậm chí từ thu để lại cho đầu tư nhưng chưa đưa vào cân đối NSNN. Theo đó, Luật Đầu tư công trình bày nguyên tắc lựa chọn danh mục dự án và dự kiến mức vốn bố trí cho từng dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm theo từng nguồn vốn. Tuy nhiên, việc quy định các nguyên tắc quá chi tiết như vậy là không cần thiết và làm cho Luật Đầu tư công trở nên nặng nề, phức tạp. Hơn nữa, một số nguyên tắc mang tính chất tuyên ngôn, trùng lặp và hình thức. Các nguyên tắc lựa chọn danh mục dự án và dự kiến mức vốn bố trí cho từng dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm nên là các nguyên tắc chung chứ không cần theo từng nguồn vốn như trong Dự thảo. Trường hợp có nguyên tắc đặc biệt cho nguồn vốn đầu tư công nào đó thì đưa vào như một mục trong bộ nguyên tắc chung này. 
Theo khoản 4 Điều 1, kế hoạch đầu tư công là một tập hợp các mục tiêu, định hướng, danh mục chương trình, dự án đầu tư công; cân đối nguồn vốn đầu tư công, phương án phân bổ vốn và các giải pháp huy động nguồn lực và triển khai thực hiện, song, trong nhiều nội dung của Chương III về kế hoạch đầu tư công lại chưa thể hiện được nội hàm này do bị chi phối bởi quan niệm kế hoạch đầu tư công đồng nhất với kế hoạch vốn cho đầu tư công, thậm chí lại tách bạch từng nguồn vốn NSNN (thêm cả công trái và trái phiếu chính phủ ở mục 2 Chương III), vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước, vốn ODA và vốn vay ưu đãi (mục 3 Chương III). Chính vì vậy, Luật Đầu tư công cần bổ sung các quy định về cân đối nguồn vốn trong kế hoạch đầu tư công, về phối hợp các nguồn vốn trong kế hoạch đầu tư công và giải pháp huy động các nguồn vốn bổ sung, cả nguồn vốn Nhà nước và ngoài Nhà nước, cả trong nước và nước ngoài.
Hoàn tất chu trình đầu tư công, Chương IV Luật Đầu tư công quy định về thực hiện, theo dõi, kiểm tra, đánh giá, thanh tra kế hoạch đầu tư công. Đặc biệt, Luật cũng quy định rõ về điều kiện, thẩm quyền điều chỉnh kế hoạch đầu tư công của Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cũng như của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (Điều 72). Những quy định này là cần thiết và đáp ứng được các yêu cầu phát sinh trong thực tiễn, kể cả các quyết định điều phối, lồng ghép các nguồn vốn thực hiện chương trình, dự án đầu tư công. Tuy vậy, tương tự như Chương III, một số nội dung của Chương IV vẫn đồng nhất kế hoạch đầu tư công với kế hoạch vốn đầu tư công là chưa thống nhất và cần được rà soát bổ sung, sửa đổi.  
Bên cạnh quy định thời gian và các nội dung về đánh giá kế hoạch đầu tư công (Điều 76) và đánh giá chương trình, dự án đầu tư công (Điều 79) của các cơ quan chức năng thì kế hoạch đầu tư công cũng như chương trình, dự án đầu tư công có vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của cả nước và từng địa phương, nên Luật Đầu tư công cần bổ sung thêm quy định về đánh giá và tham gia đánh giá của các tổ chức cá nhân khác bên ngoài các cơ quan chức năng để giảm tình trạng đánh giá thiếu khách quan, thiếu trung thực.
7. Giám sát đầu tư công của cộng đồng   
Điều 80 Luật Đầu tư công quy định về giám sát đầu tư của cộng đồng đã thể hiện sự coi trọng vai trò của người dân và cộng đồng trong giám sát đầu tư công nói riêng, giám sát hoạt động quản lý nhà nước nói chung, phù hợp với những yêu cầu, thông lệ và chuẩn mực quốc tế. Tuy nhiên, những quy định cụ thể trong Điều 80 và 81 lại tương đối hạn chế vai trò và ý nghĩa của giám sát cộng đồng đối với đầu tư công do chủ trì giám sát cộng đồng là Mặt trận Tổ quốc - một tổ chức chính trị - xã hội hoạt động dựa trên nguồn NSNN, nên trong quá khứ và tương lai khó đảm đương tốt vai trò đại diện cộng đồng đang phát triển rất đa dạng và phong phú ở Việt Nam hiện nay. Nhiều năm qua, vai trò giám sát nói chung, giám sát đầu tư công nói riêng của Mặt trận Tổ quốc còn mờ nhạt và khó có thể sớm cải thiện. Quy định cơ quan chủ quản tham khảo ý kiến cộng đồng dân cư (Khoản 2 Điều 80) còn hời hợt, hình thức và không có tác dụng thực tế khi không quy định việc tổ chức tham khảo ý kiến, việc sử dụng ý kiến đã tham khảo được và vai trò của các ý kiến tham khảo đối với việc ra quyết định chủ trương đầu tư cũng như quyết định đầu tư. Nội dung và trình tự, thủ tục, quy trình giám sát cộng đồng (khoản 3 Điều 80 và Điều 81) chưa phát huy được vai trò và quyền lực giám sát của cộng đồng đối với đầu tư công, do đó, nếu thật sự tôn trọng giám sát cộng đồng thì cần bổ sung những hình thức giám sát, tổ chức giám sát và xử lý kết quả giám sát của cộng đồng một cách thực chất, cầu thị và nghiêm túc.              
8. Mối quan hệ giữa Luật Đầu tư công với các luật có liên quan
Mối quan hệ giữa Luật Đầu tư công với các luật hiện hành và một số dự thảo luật có liên quan rất phức tạp, đặc biệt là những dự án luật đang chuẩn bị trình Quốc hội như Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp và các luật đang trong quá trình sửa đổi, bổ sung như Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp… Theo chúng tôi, thẩm quyền quyết định đầu tư vốn nhà nước vào công trình quốc gia quan trọng hình thành tài sản doanh nghiệp nên thực hiện theo Luật Đầu tư công. Sau khi dự án đầu tư công hoàn thành thì quyết định giao sản phẩm đầu tư công cho doanh nghiệp quản lý sử dụng, khai thác vận hành thực hiện theo Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp. Đầu tư công là một loại hình đầu tư nên cần tuân thủ các quy định tại Luật Đầu tư. Hơn nữa, ngay trong Luật Đầu tư năm 2005 đã có quy định về đầu tư kinh doanh vốn nhà nước, vì vậy, các quy định tại Luật Đầu tư và Luật Đầu tư công, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp không được mâu thuẫn với nhau và không nên chồng chéo, trùng lặp./.  
 
 

(Nguồn tin: Bài viết đăng tải trên Ấn phẩm Nghiên cứu lập pháp số 11(267), tháng 6/2014)