Nhu cầu luật hóa quyền biểu tình theo Hiến pháp năm 2013

01/06/2015

Ths. NGUYỄN LINH GIANG

Viện Nhà nước và Pháp luật, Viện KHXH Việt Nam

Quyền biểu tình là một quyền dân sự, chính trị quan trọng của con người, được ghi nhận trong Hiến pháp của nhiều quốc gia trên thế giới. Ở Việt Nam, quyền biểu tình được ghi nhận trong các bản Hiến pháp từ năm 1959 đến năm 2013. Hiến pháp năm 1946 tuy không ghi nhận trực tiếp quyền này, nhưng có thể hiểu quyền biểu tình là nội hàm của quyền tự do ngôn luận, tự do hội họp theo quy định tại Điều thứ 10.
Untitled_227.png
Ảnh minh họa: (Nguồn internet)
1. Biểu tình là gì?
Biểu tình được hiểu là một quyền con người, một quyền dân sự, chính trị quan trọng. Mặc dù trong Tuyên ngôn Nhân quyền thế giới năm 1948 và trong Công ước quốc tế về các Quyền dân sự và chính trị năm 1966 (Công ước 1966), không có quy định nào trực tiếp nhắc đến quyền biểu tình, nhưng quyền biểu tình được hiểu là nội hàm quan trọng của quyền hội họp hòa bình và quyền tự do ngôn luận (Điều 19, 20 Tuyên ngôn 1948 và Điều 19, 21 Công ước 1966).
Biểu tình được hiểu là hành động tập hợp đông người, có tổ chức và được diễn ra tại nơi công cộng (trên đường giao thông, quảng trường, công viên, vườn hoa …) với mục đích là bộc lộ thái độ của người đi biểu tình đối với một vấn đề đang xảy ra trong đời sống chính trị, kinh tế, xã hội ở tầm quốc tế, khu vực, quốc gia hoặc hẹp hơn là một vấn đề chỉ liên quan đến cộng đồng người đang thực hiện biểu tình.
Quyền biểu tình được hiểu là quyền được tổ chức biểu tình và quyền được tham gia vào một cuộc biểu tình.
Mục đích của biểu tình có thể là để bày tỏ sự ủng hộ, quyết tâm đoàn kết để giải quyết một vấn đề chung và cũng có thể biểu tình mang ý nghĩa phản đối.
Có nhiều hình thức biểu tình. Theo cách hiểu thông thường, biểu tình là việc một đoàn người đi diễu hành cùng nhau qua một số tuyến phố và sau đó cũng tập trung tại một địa điểm định sẵn và tiến hành các nghi lễ biểu tình như cùng hát, cùng hô khẩu hiệu … Tuy nhiên, biểu tình cũng có thể là hành động nhiều người cùng hẹn nhau đến một địa điểm và ngồi yên, chỉ cầm biểu ngữ thể hiện thái độ mà không nói, không làm gì cả (sit - in). Biểu tình cũng đơn giản chỉ là một cuộc mít tinh không có tuần hành tại một nơi công cộng và gần đây nhất, một hình thức biểu tình mới xuất hiện tại nhiều nước, được giới trẻ rất ủng hộ là biểu tình thông qua cách nhảy flash-mob tại nơi công cộng.
Biểu tình hợp pháp luôn luôn phải là biểu tình bằng hình thức hòa bình, không vũ trang và cũng không vì mục tiêu gây bất ổn hay chia rẽ, kích động các hằn thù mang tính tôn giáo, sắc tộc …
Như vậy, biểu tình không đồng nghĩa với bất ổn và bạo lực hay đe dọa đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội và cũng không phải là diễn đàn để chống đối chế độ. Biểu tình chỉ đơn giản là một cách bộc lộ thái độ của người dân trước một vấn đề của cuộc sống có thể có liên quan hoặc không liên quan trực tiếp đến họ nhưng họ thấy cần phải bày tỏ thái độ của mình.
2. Quyền biểu tình và Luật về biểu tình
2.1. Quyền biểu tình
Quyền biểu tình là một quyền quan trọng của con người, được ghi nhận trong Hiến pháp và pháp luật ở nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, cũng như các quyền con người khác, quyền biểu tình cũng có những giới hạn của nó, cũng giống như các giới hạn của quyền hội họp hòa bình và quyền tự do ngôn luận.
Cũng giống như quyền tự do ngôn luận, quyền biểu tình được thực hành theo cách ôn hòa, không được dùng để xúc phạm, gây chia rẽ, bất ổn hay kích động các hành vi bạo lực, phân biệt đối xử.
Là nội hàm của quyền hội họp hòa bình, quyền biểu tình luôn đi kèm với hình thức “phi vũ trang”. Đồng thời, cần phải phân biệt rằng, biểu tình là một hình thức của tự do hội họp nhưng không phải là hội họp một cách ngẫu nhiên mà nó đòi hỏi phải có một quá trình chuẩn bị cẩn thận, chu đáo. Giữa những người đi biểu tình phải có tối thiểu một mối liên hệ chung, đó là mục đích của biểu tình. Hành vi hội họp một cách ngẫu nhiên, bất thường cần được phân biệt rõ ràng với hành vi biểu tình vì các hành vi này đưa đến những hệ quả pháp lý khác nhau.
Như vậy, quyền biểu tình được giới hạn khi cần thiết vì lý do an ninh quốc gia, trật tự xã hội, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, bảo vệ quyền và tự do của người khác (Điều 21 Công ước 1966). Không ai được phép lợi dụng quyền biểu tình để tuyên truyền cho chiến tranh, gây hằn thù dân tộc, chủng tộc, tôn giáo, kích động phân biệt đối xử, tạo thù địch, bạo lực (Điều 20 Công ước 1966). Đồng thời, quyền biểu tình có thể bị tạm đình chỉ thực hiện trong hoàn cảnh khẩn cấp của một quốc gia (Điều 4 Công ước 1966) như hoàn cảnh thiên tai, nguy cơ chiến tranh, dịch bệnh … và các điều kiện tạm đình chỉ thực hiện quyền này phải được quy định trong luật. Vì quyền biểu tình là một quyền có giới hạn và có thể bị đình chỉ thực hiện nên mới cần có luật để điều chỉnh quyền này.
2.2. Luật về biểu tình
Luật về biểu tình được quy định theo cách đảm bảo cho người dân được thực hiện quyền của mình một cách tối đa nhưng cũng để ngăn chặn các hành vi phá rối, lợi dụng quyền biểu tình để gây rối trật tự công cộng. Vì thế tại nhiều nước, thông thường Luật về biểu tình sẽ có các quy định liên quan đến năm nhóm vấn đề chính, đó là: (1) Những định nghĩa, quy định chung; (2) Quyền và nghĩa vụ của người tổ chức và người tham gia biểu tình; (3) Quyền và nghĩa vụ của cơ quan công quyền; (4) Các trường hợp hạn chế biểu tình và (5) Xử lý các vi phạm.
Thứ nhất, về các định nghĩa và quy định chung: Trong phần này, pháp luật các quốc gia thường nêu ra các định nghĩa và quy định rõ ràng cho các khái niệm như: biểu tình, quyền biểu tình, trưởng đoàn biểu tình, người tham gia biểu tình, nơi công cộng, tụ tập đông người, biểu tình hòa bình, không vũ khí … Trong phần này, Luật về biểu tình cũng cần phân biệt rõ các hình thức và mục đích của biểu tình để từ đó có các quy định thủ tục phù hợp với từng loại biểu tình.
Từ thực tiễn của nhiều quốc gia trên thế giới, trong quá trình xây dựng Luật Biểu tình ở Việt Nam, cần lưu ý đến tình huống biểu tình vì lý do, mục đích tôn giáo, hay đoàn biểu tình của những người cùng tham gia một tôn giáo. Các đoàn biểu tình này đôi khi sẽ kèm theo cả các nghi lễ tôn giáo được thực hành trong quá trình biểu tình. Những đoàn biểu tình này không thuộc phạm vi bị giới hạn nếu nó là biểu tình hòa bình, bất bạo động. Tuy nhiên, nhà chức trách cần lưu ý những người tổ chức biểu tình về việc thực hành các hành vi tôn giáo tại nơi công cộng, phải đảm bảo mang tính “hòa bình” và “phù hợp”.
Thứ hai, về quyền và nghĩa vụ của người tổ chức và người tham gia biểu tình: Trong phần này, Luật về biểu tình phải làm rõ trách nhiệm của Trưởng đoàn tổ chức biểu tình, trong đó bao gồm các trách nhiệm liên quan đến nghĩa vụ thông báo với các cơ quan chức năng các thông tin cần thiết về cuộc biểu tình như thời gian, địa điểm, mục đích, cách thức biểu tình. Đối với người tham gia biểu tình, Luật cũng cần quy định rõ các nghĩa vụ của đối tượng này như là không được sử dụng vũ khí; không được có hành vi, lời nói gây xúc phạm, hoặc mang tính phân biệt đối xử, kích động bạo lực; không được làm thiệt hại đến tài sản của người khác hay tài sản công; phải tuân thủ các hướng dẫn của Trưởng đoàn biểu tình hoặc của các cơ quan chức năng khi cần thiết.
Thứ ba, về quyền và nghĩa vụ của cơ quan công quyền: Đây là một phần quan trọng của Luật Biểu tình. Để cho Luật Biểu tình thực sự là một luật tạo điều kiện cho người dân thực hiện quyền hiến định của mình chứ không phải là luật cấm biểu tình thì phần này cần phải được quy định rất chi tiết, cụ thể về quyền và nghĩa vụ của cơ quan công quyền trong việc đảm bảo cho hoạt động biểu tình được diễn ra an toàn và đúng luật. Trong phần này, cần có các quy định liên quan đến trách nhiệm của các cơ quan công quyền có liên quan trong việc tổ chức giao thông, tổ chức lực lượng cảnh sát đảm bảo an toàn cho những người tham gia biểu tình cũng như người và tài sản trong khu vực đoàn biểu tình đi qua. Đồng thời, Luật cũng cần quy định rõ những trường hợp cảnh sát có thể can thiệp khi xảy ra các hành vi gây rối, bạo lực của người tham gia biểu tình.
Theo pháp luật ở một số nước, cơ quan công quyền có thể ra lệnh cấm tổ chức một đoàn biểu tình vì một số lý do đã nói ở trên. Tuy nhiên, lệnh cấm này không mặc nhiên có hiệu lực ngay lập tức mà lệnh cấm này là cơ sở để kéo theo một cuộc đàm phán “tay ba” giữa cơ quan quản lý hành chính nhà nước (thị trưởng, đại diện tòa thị chính, Uỷ ban nhân dân …), cảnh sát với những người tổ chức biểu tình. Trong cuộc đàm phán này, các lý do làm căn cứ cho quyết định cấm biểu tình sẽ được nêu ra, phân tích, mổ xẻ để xem xét xem việc tổ chức biểu tình liệu có phải là sẽ đe dọa đến trật tự công cộng, an toàn xã hội hay không? Những phân tích này sẽ làm cơ sở để các bên cân nhắc và đi đến một phương án thỏa thuận chung phù hợp cho cả ba bên. Quy định này, có thể nói, là khá mềm dẻo và được xây dựng trên cơ sở của sự tôn trọng lẫn nhau giữa cơ quan nhà nước và nhân dân. Đây là một quy định rất cần tham khảo trong quá trình xây dựng Luật Biểu tình ở Việt Nam.
Thứ tư, các trường hợp hạn chế biểu tình cũng là các quy định quan trọng cần có trong một luật về biểu tình. Các trường hợp hạn chế biểu tình có thể liên quan đến địa điểm biểu tình hay thời điểm diễn ra biểu tình. Thông thường, các khu vực liên quan đến quốc phòng, an ninh quốc gia, các công trình xây dựng trọng điểm là những nơi bị cấm hoặc hạn chế biểu tình. Hoặc các thời điểm đang diễn ra dịch bệnh hoặc thiên tai nghiêm trọng cũng thường là các thời điểm hạn chế biểu tình. Nhìn chung, các hạn chế biểu tình một mặt là để đảm bảo khoảng cách an toàn cho các địa điểm quan trọng của quốc gia, mặt khác cũng là để đảm bảo cho sự an toàn của chính những người tổ chức và tham gia biểu tình, hoặc là để đảm bảo an toàn cho những người không tham gia biểu tình.
Các quy định về hạn chế biểu tình là những quy định nhạy cảm trong Luật Biểu tình. Vì thế, các quy định này cần được xây dựng trên một cơ sở vững chắc về các lập luận, sự rõ ràng của các định nghĩa và cần tính đến các kinh nghiệm của nhiều quốc gia khác trong quá trình thực thi Luật Biểu tình.
Các quy định hạn chế biểu tình luôn được các tòa án xem xét trong quá trình xét xử và chủ yếu dựa trên các nhận định về tính “cần thiết” và “phù hợp”. Lấy ví dụ về án lệ của Tòa án Nhân quyền châu Âu ngày 21/10/2010 trong vụ Aleksey chống lại nước Nga. Tòa án đã nhận định quyết định của Thị trưởng Matxcơva cấm trong vòng ba năm liên tiếp việc tổ chức các hoạt động “Tự hào là Gay” (Gay Pride) trong thành phố này là vi phạm đến quy định tại Điều 11 của Công ước châu Âu về Nhân quyền liên quan đến tự do biểu tình. Theo Tòa án Nhân quyền châu Âu, việc cấm đoán này là không cần thiết vì những hoạt động này không ảnh hưởng gì tới trật tự công cộng[1].
Một ví dụ khác liên quan đến hạn chế quyền tự do biểu tình đã xảy ra thường xuyên trên thế giới trong thời gian qua, đó là hạn chế quyền tự do biểu tình khi có các hội nghị quốc tế lớn. Đây là một tính huống khó xử với nhiều quốc gia nhưng nó lại thường xuyên diễn ra. Thông thường, khi có các hội nghị quốc tế lớn, tập trung nhiều nguyên thủ quốc gia bàn về các vấn đề quan trọng thì thường xuất hiện các cuộc biểu tình lớn như biểu tình chống toàn cầu hóa hay biểu tình chống biến đổi khí hậu vẫn đang diễn ra trong thời gian qua. Đây là một tình huống khá nhạy cảm trong xử lý các vấn đề về biểu tình. Một mặt, nước chủ nhà của sự kiện vừa phải đảm bảo an ninh cho các khách mời, đảm bảo an toàn cho sự lưu thông của các xe chuyên chở khách mời, nhưng mặt khác, vẫn phải đảm bảo quyền tự do biểu tình của nhân dân. Theo Tòa án Nhân quyền châu Âu, trong tình huống này, biểu tình vẫn phải được tổ chức nhưng có thể bị hạn chế tại một số khu vực gần tòa nhà nơi diễn ra sự kiện. Đồng thời, việc tổ chức cho đoàn biểu tình đứng ở giữa vòng vây bao quanh của cảnh sát là một việc được chấp nhận nếu biểu tình diễn ra ở khu vực lân cận với nơi tổ chức hội nghị[2]. Đây là một tình huống cho phép các quốc gia có quyền tùy ý hành động tương đối lớn trong hạn chế một số tình huống biểu tình. Tuy nhiên, cần phải nhấn mạnh rằng, kể cả trong trường hợp này, việc tổ chức biểu tình cũng không bị cấm mà chỉ có thể bị hạn chế tại một số địa điểm và có thể bị hạn chế theo sự bao vây của cảnh sát. Vì thế, Luật Biểu tình cần phải dự liệu trước về tình huống này và đưa ra các định nghĩa cụ thể cho “khu vực lân cận” của tòa nhà diễn ra sự kiện là nơi có khoảng cách bao xa so với địa điểm tổ chức biểu tình. Việc sử dụng hàng rào cảnh sát trong trường hợp này cũng cần phải được quy định trong luật.
Thứ năm, về xử lý vi phạm: Phần này cần đảm bảo có hai nhóm quan trọng, đó là xử lý vi phạm đối với các cá nhân, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền liên quan đến việc tổ chức các hoạt động biểu tình mà gây cản trở cho việc thực hiện quyền tự do biểu tình của người dân; và xử lý vi phạm đối với các cá nhân, tổ chức và tham gia biểu tình không theo quy định của luật. Việc xử lý vi phạm đối với cá nhân, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền thông thường được thực hiện thông qua một vụ kiện tại tòa án hành chính.
Để có được các quy định về xử lý vi phạm một cách thỏa đáng, Luật Biểu tình cần phải xây dựng được một cơ chế khiếu nại và khiếu kiện hợp lý. Vì là một quyền hiến định quan trọng của nhân dân, quyền khiếu kiện liên quan đến biểu tình phải là một quyền nhất thiết phải được quy định vì nó là cơ sở cho nhân dân bảo vệ quyền của mình.
Lấy một ví dụ minh họa về xử lý vi phạm đối với quyền biểu tình. Bộ luật Hình sự nước Cộng hòa Pháp quy định tại Điều 431-1 về hình phạt đối với tội “cản trở tự do biểu tình” lên đến ba năm tù giam và phạt tiền lên đến 45.000 euro. Đồng thời, phán quyết ngày 18/1/1995 của Hội đồng Bảo hiến nước Cộng hòa Pháp liên quan đến luật định hướng an ninh cũng cho phép thẩm phán tòa hình sự được ra lệnh cấm tạm thời đối với một cá nhân nào đó về việc không cho phép người đó được tổ chức hoặc tham gia biểu tình trong một thời gian và tại một số địa điểm nhất định. Điều này, theo Hội đồng Bảo hiến, không phải là một sự không công nhận quyền tự do cá nhân mà đó là một sự kiểm soát cần thiết vì lý do “đòi hỏi của trật tự công cộng và bảo đảm cho các tự do khác được Hiến pháp bảo vệ”[3].
Như vậy, các cuộc biểu tình chỉ có thể diễn ra nếu nó là biểu tình hợp pháp. Tất cả các cuộc biểu tình trái phép, biểu tình tự phát, biểu tình kéo theo bạo động đều bị cấm và khi có quy định của pháp luật về vấn đề này, chính quyền hoàn toàn có thể trấn áp và giải tán các cuộc biểu tình này. Hiểu theo nghĩa này thì Luật về biểu tình không chỉ là một văn bản ủng hộ quyền biểu tình của người dân mà là một văn bản ủng hộ cho Nhà nước trong công tác quản lý và cụ thể ở đây là quản lý hoạt động biểu tình.
3. Quyền biểu tình tại Việt Nam
Biểu tình không phải là câu chuyện hoàn toàn xa lạ ở Việt Nam. Quyền biểu tình của nhân dân được du nhập vào Việt Nam từ thời Pháp thuộc, cùng với những tư tưởng tự do khác. Trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp, biểu tình là một công cụ hữu hiệu mà Đảng Cộng sản Việt Nam (Đảng Cộng sản Đông Dương) sử dụng để vận động đấu tranh chống chính quyền thực dân, phong kiến. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nhiều cuộc biểu tình tại miền Nam Việt Nam chống chế độ bù nhìn của Mỹ, chống chiến tranh của nhiều tầng lớp nhân dân đã nổ ra, góp phần thay đổi nhận thức của xã hội và của quốc tế về cuộc chiến tranh phi nghĩa do Mỹ tiến hành tại Việt Nam. Những cuộc biểu tình lúc này chính là những xúc tác quan trọng, góp phần vào thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Như vậy, biểu tình không phải là khái niệm xa lạ, mới mẻ ở Việt Nam mà với đặc thù lịch sử ở Việt Nam, biểu tình phải được hiểu là ủng hộ và yêu nước.
Quyền biểu tình tuy không được ghi nhận trực tiếp trong Hiến pháp năm 1946 nhưng nó cũng được hiểu là nội hàm của quyền tự do ngôn luận và tự do hội họp. Hai tuần sau khi giành độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Sắc lệnh về quyền biểu tình, đủ cho thấy tư duy đúng đắn và quan niệm ủng hộ một quyền quan trọng của người dân của chính quyền dân chủ cộng hòa non trẻ. Tại các bản Hiến pháp sau này của Việt Nam, quyền biểu tình luôn được ghi nhận đầy đủ: Điều 25 Hiến pháp năm 1959, Điều 67 Hiến pháp năm 1980, Điều 69 Hiến pháp năm 1992 và Điều 25 Hiến pháp năm 2013.
Mặc dù quyền biểu tình luôn được ghi nhận trong Hiến pháp, nhưng trên thực tế, quyền này hầu như chưa được thực hiện ở Việt Nam. Vì chưa có Luật về biểu tình, nên dẫn đến cách hiểu về biểu tình, cách thức thực hiện quyền biểu tình khác nhau. Với tâm lý e ngại bất ổn, biểu tình luôn được hiểu là tụ tập đông người, là gây rối trật tự công cộng, là chống đối. Việc không có luật lại không được hiểu theo cách hiểu chung của thế giới là quyền đó không bị giới hạn mà lại được hiểu là người dân chưa có cơ sở pháp lý để thực hiện quyền của mình trên thực tế. Tình trạng này đã dẫn đến một thực tế là những người không hiểu biết pháp luật thì nghi ngại, người hiểu biết pháp luật thì dù hiểu là mình có quyền biểu tình theo Hiến pháp nhưng lại e dè khi nghĩ rằng mình hiểu đúng nhưng chắc gì chính quyền đã hiểu như mình. Tâm lý này tạo ra một vòng luẩn quẩn trong cách thực hiện quyền biểu tình của người dân. Chính quyền thì trì hoãn, còn nhân dân thì e dè và khi bức xúc, không có cách nào khác là biểu tình tự phát.
Hiện nay, mỗi khi có các cuộc biểu tình tự phát của người dân thì các cơ quan nhà nước ở Việt Nam thường áp dụng Nghị định số 38/2005/NĐ-CP ngày 18/3/2005 của Chính phủ quy định một số biện pháp bảo đảm trật tự công cộng. Tuy nhiên, Nghị định này lại nhằm để điều chỉnh hành vi “tập trung đông người ở nơi công cộng” chứ không phải là điều chỉnh các hoạt động biểu tình. Cần phải hiểu rõ việc tập trung đông người ở nơi công cộng có thể là một hình thức của biểu tình nhưng chưa chắc đã là hoạt động biểu tình. Theo quy định của Nghị định này, các hoạt động tập trung đông người chỉ được diễn ra khi có sự “cho phép” Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền. Quy định này là hoàn toàn trái với tinh thần của pháp luật về biểu tình. Biểu tình là một quyền tự do, người dân chỉ cần “thông báo” đến cơ quan nhà nước về việc tổ chức biểu tình chứ không phải là “xin - cho”. Đồng thời, các quy định của Nghị định này đều thể hiện rõ xu hướng là tạo thuận lợi cho cơ quan nhà nước trong công tác quản lý chứ không phải là tạo thuận lợi cho người dân thực hiện quyền của mình. Hơn nữa, biểu tình là một quyền hiến định và vì thế, những nội dung liên quan đến quyền này chỉ có thể được ghi nhận trong luật chứ không thể dùng nghị định để điều chỉnh.
Luật Biểu tình không chỉ là đòi hỏi của một xã hội văn minh, dân chủ và pháp quyền mà Luật Biểu tình còn là kênh quan trọng nhằm duy trì trật tự xã hội. Không ai có thể phủ nhận những đóng góp tích cực của các cuộc biểu tình. Đó là kênh giao tiếp quan trọng giữa nhân dân với chính quyền, nó góp phần làm các bên hiểu biết và dễ chia sẻ với nhau hơn. Với các cuộc biểu tình ủng hộ, đương nhiên, Nhà nước tìm thấy trong đó những tiếng nói khích lệ, sự đoàn kết, ủng hộ của dân chúng với các chủ trương đúng đắn. Còn với các cuộc biểu tình phản đối, phải hiểu đó không phải là sự chống đối của người dân mà đó chính là kênh quan trọng để người dân bày tỏ quan điểm một cách hòa bình, góp phần để Nhà nước phát hiện ra những sai sót, yếu kém trong quản lý để từ đó nhanh chóng khắc phục. Biểu tình chính là một kênh phản biện xã hội quan trọng cần có trong một Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
Không ai có thể chối cãi rằng, quyền biểu tình là quyền hiến định quan trọng của nhân dân và Hiến pháp luôn luôn có hiệu lực trực tiếp. Việc chưa có Luật Biểu tình không có nghĩa là người dân không được phép biểu tình, mà theo tinh thần của nhà nước pháp quyền, việc chưa có Luật Biểu tình phải được hiểu là quyền biểu tình của người dân chưa bị hạn chế bởi bất cứ quy định pháp luật nào. Như vậy, tư duy lo ngại có Luật Biểu tình sẽ đồng nghĩa với việc có một kênh hợp pháp cho nhân dân chống phá Nhà nước là một tư duy hoàn toàn sai lầm và cần loại bỏ. Cần phải hiểu, có Luật Biểu tình nghĩa là có một kênh quan trọng để nhân dân thực hiện quyền tự do của mình trong khuôn khổ pháp luật và cũng là một kênh quan trọng để Nhà nước thực hiện việc quản lý của mình. Có Luật về biểu tình nghĩa là Nhà nước có thêm một công cụ để ngăn chặn, phòng chống được việc lợi dụng tụ tập đông người để gây mất ổn định trật tự, an ninh xã hội, kích động, lôi kéo chống phá chính quyền. Có Luật về biểu tình có nghĩa là người dân có thêm một công cụ để thực hiện quyền của mình. Có Luật về biểu tình có nghĩa là nhân dân và Nhà nước đã trở thành những đối tác tin cậy để cùng nhau xây dựng nhà nước pháp quyền.
Luật Biểu tình chính là một biểu hiện của cung cách ứng xử văn minh và sòng phẳng giữa cả hai bên Nhà nước và dân chúng. Ngoài ra, việc ủng hộ quyền biểu tình của người dân cũng thể hiện sự tự tin, bản lĩnh lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam trong giai đoạn mới./.
 

* ThS. Viện Nhà nước và pháp luật
[1] Roseline Letteron, Libertés publiques, tái bản lần thứ 9, Dalloz, 2012, tr. 543.
[2] Sđd, tr. 543.
[3] Sđd, tr. 542.

(Nguồn tin: Bài viết đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu lập pháp số 11(291), tháng 6/2015)