Kiến nghị về vấn đề tạm giam trong Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003

01/06/2015

ThS. PHAN THANH TÙNG

Toà án nhân dân tỉnh Khánh Hoà

1. Chưa có quy định về tạm giam trong trường hợp Hội đồng xét xử trả hồ sơ điều tra bổ sung nhưng lệnh tạm giam đã hết
Điều 177 Bộ luật TTHS quy định về việc áp dụng thay đổi hoặc huỷ bỏ biện pháp ngăn chặn như sau “Sau khi nhận hồ sơ vụ án, Thẩm phán được phân công chủ toạ phiên toà có quyền quyết định việc áp dụng, thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, trừ việc áp dụng, thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp tạm giam do Chánh án hoặc Phó Chánh án Tòa án quyết định. Thời hạn tạm giam để chuẩn bị xét xử không được quá thời hạn chuẩn bị xét xử quy định tại Điều 176 của Bộ luật này. Đối với bị cáo đang bị tạm giam mà đến ngày mở phiên tòa, thời hạn tạm giam đã hết, nếu xét thấy cần tiếp tục tạm giam để hoàn thành việc xét xử, thì Tòa án ra lệnh tạm giam cho đến khi kết thúc phiên tòa”.
Tiểu mục 2.3, mục 2 Phần I Nghị quyết số 04/2004/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn Điều 177 Bộ luật TTHS như sau: “Đối với bị cáo đang bị tạm giam, nếu đến ngày mở phiên toà hoặc trong quá trình xét xử thời hạn tạm giam đã hết, thì trước khi thời hạn tạm giam gần hết (thời hạn tạm giam còn lại không quá năm ngày), Thẩm phán được phân công chủ toạ phiên toà phải đề nghị Chánh án hoặc Phó Chánh án Toà án ra lệnh tạm giam. Thời hạn tạm giam được tính kể từ ngày tiếp theo ngày tạm giam cuối cùng của lệnh tạm giam trước đó và cho đến khi kết thúc phiên toà; cụ thể cần ghi: “Thời hạn tạm giam kể từ ngày ... tháng ... năm ... cho đến khi kết thúc phiên toà sơ thẩm”.
Đây là giải pháp tình thế để giải quyết vấn đề tạm giam bị cáo khi thời hạn tạm giam (khi đã gia hạn lệnh tạm giam) đã hết, mà vụ án vẫn chưa đưa ra xét xử được và quy định này phù hợp với thực tiễn, khắc phục được khoảng trống về tạm giam bị cáo.
Tuy nhiên, khi áp dụng trong thực tiễn vẫn phát sinh trường hợp: Sau khi đã ra lệnh tạm giam bị cáo cho đến khi kết thúc phiên toà, Toà án đã mở phiên toà để xét xử bị cáo theo quy định, nhưng tại phiên toà lại phát sinh tình tiết mới. Tình tiết này có ý nghĩa quan trọng trong việc xác định tội danh của bị cáo mà không thể bổ sung tại phiên toà được. Do vậy, Hội đồng xét xử (HĐXX) phải trả hồ sơ điều tra bổ sung theo quy định tại Điều 199 Bộ luật TTHS. Vấn đề đặt ra ở đây là lúc này “Lệnh tạm giam cho đến khi kết thúc phiên toà” có còn hiệu lực hay không? Theo chúng tôi, việc trả hồ sơ điều tra bổ sung của HĐXX được xem là đã kết thúc phiên toà. Ở đây chúng ta hiểu theo nghĩa là giải quyết xong một vụ án, nghĩa là chấm dứt hoạt động tố tụng của Toà án để chuyển sang một giai đoạn tố tụng của Viện kiểm sát, mà không hiểu theo nghĩa là bị cáo đã được tuyên án hay chưa.
Như vậy, khi HĐXX ra quyết định yêu cầu điều tra bổ sung thì đương nhiên phiên toà chấm dứt, cụ thể trong biên bản phiên toà thể hiện phiên toà chấm dứt vào lúc … giờ … phút … ngày … tháng … năm. Sau khi phiên toà chấm dứt, công việc lúc này của Toà án là chuyển hồ sơ cho Viện kiểm sát để điều tra bổ sung theo yêu cầu của HĐXX. Tuy nhiên, để đưa hồ sơ sang Viện kiểm sát, không phải lúc nào cũng có thể nhanh chóng trong một buổi hoặc một ngày, vì có nhiều vụ án có hàng ngàn bút lục, thậm chí hồ sơ phải chở cả xe ô tô. Để trả hồ sơ, Thư ký Toà án (hoặc chuyên viên) phải sắp xếp các bút lục theo đúng quy định để bàn giao cho Viện kiểm sát (công việc này trong nhiều vụ án cũng phải mất nhiều thời gian). Vấn đề đặt ra lúc này là, khi hồ sơ chưa được chuyển giao cho Viện kiểm sát thì bị cáo đang bị tạm giam nhưng lại không có lệnh tạm giam.
Hoặc trường hợp HĐXX trả hồ sơ điều tra bổ sung vụ án cho Viện kiểm sát lại rơi vào chiều ngày thứ sáu, sau khi nhận hồ sơ, Viện kiểm sát không chấp nhận việc trả hồ sơ của Toà, nên làm ngay công văn và đưa hồ sơ trở lại Toà án và không ra lệnh tạm giam.
Như vậy, trong cả hai trường hợp trên, bị cáo vẫn bị tạm giam nhưng không có quyết định tạm giam hoặc lệnh tạm giam. Đây là vấn đề bất cập trong thời gian qua và việc giam bị cáo trong các trường hợp này đã vi phạm nguyên tắc tôn trọng và bảo vệ các quyền cơ bản của công dân[2], vi phạm quy định không ai bị bắt, nếu không có quyết định của Toà án hoặc phê chuẩn của Viện kiểm sát[3].
Để giải quyết các tình huống nêu trên, trong thực tế, một số HĐXX tìm cách xử lý kéo dài thời gian nghị án để thư ký có thời gian sắp xếp hồ sơ (đối với hồ sơ nhiều bút lục) để sau khi HĐXX trả hồ sơ cho Viện kiểm sát thì hồ sơ sẽ được chuyển đi trong ngày. Trường hợp nếu sau khi nghị án, thấy cần phải trả hồ sơ, nhưng rơi vào chiều thứ sáu thì HĐXX sẽ để sang sáng thứ hai tuần sau mới trả hồ sơ. Nhưng cũng có những HĐXX không linh động trong vấn đề này và nhiều khi gây ra sự mâu thuẫn không đáng có giữa cơ quan Viện kiểm sát và Toà án.
Vướng mắc về tạm giam nói trên là do Bộ luật TTHS chưa lường trước được tình huống tại phiên toà HĐXX phải trả hồ sơ điều tra bổ sung nhưng lệnh tạm giam của bị cáo đã hết. Để giải quyết vấn đề này, chúng tôi đề xuất bổ sung vào Điều 177 Bộ luật TTHS như sau:
“Điều 177. Áp dụng, thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp ngăn chặn
Sau khi nhận hồ sơ vụ án, Thẩm phán được phân công chủ toạ phiên toà có quyền quyết định việc áp dụng, thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, trừ việc áp dụng, thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp tạm giam do Chánh án hoặc Phó Chánh án Tòa án quyết định.
Thời hạn tạm giam để chuẩn bị xét xử không được quá thời hạn chuẩn bị xét xử quy định tại Điều 176 của Bộ luật này.
"Trong trường hợp HĐXX trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung mà lệnh tạm giam đã hết thì HĐXX ra quyết định tạm giam bị cáo cho đến khi Viện kiểm sát nhận được hồ sơ”.
2. Cần sửa đổi khoản 3 Điều 243 Bộ luật Tố tụng hình sự
Đối với bị cáo đang bị tạm giam mà có kháng cáo, sau khi thụ lý vụ án phúc thẩm, Toà án ra lệnh tạm giam bị cáo. Thời hạn tạm giam đối với bị cáo không quá 60 ngày đối với Toà án cấp tỉnh, Toà án quân sự cấp quân khu và không quá 90 ngày đối với Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao, Toà án quân sự trung ương[4].
Trường hợp đến ngày mở phiên toà mà hết thời hạn tạm giam nói trên, tại Điều 243 Bộ luật TTHS quy định “Đối với bị cáo đang bị tạm giam mà đến ngày mở phiên tòa thời hạn tạm giam đã hết, nếu xét thấy cần tiếp tục tạm giam để hoàn thành việc xét xử, thì Toà án ra lệnh tạm giam cho đến khi kết thúc phiên tòa. Đối với bị cáo đang bị tạm giam bị xử phạt tù mà đến ngày kết thúc phiên tòa thời hạn tạm giam đã hết thì HĐXX ra quyết định tạm giam bị cáo để bảo đảm việc thi hành án, trừ trường hợp được quy định tại khoản 4 và khoản 5 Điều 227 của Bộ luật này”[5].
Trong thực tiễn giải quyết thường xảy ra các trường hợp sau đây:
Trường hợp thứ nhất: Bị cáo không rút kháng cáo, HĐXX mở phiên toà và xét xử vụ án theo thủ tục chung. Sau khi kết thúc phiên toà, nếu lệnh tạm giam còn từ 45 ngày trở lên thì HĐXX không phải ra quyết định tạm giam 45 ngày, nếu lệnh tạm giam trước đó còn dưới 45 ngày hoặc lệnh tạm giam hết vào ngày kết thúc phiên toà phúc thẩm thì HĐXX ra quyết định tạm giam 45 ngày để đảm bảo việc thi hành án[6], trường hợp này trong quá trình áp dụng không có vướng mắc gì.
Trường hợp thứ hai: Bị cáo rút toàn bộ kháng cáo tại phiên toà phúc thẩm. HĐXX phúc thẩm ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án, vấn đề vướng mắc là nếu lúc này lệnh tạm giam đã hết hoặc còn lại dưới 5 ngày[7]. Trường hợp này, cách xử lý giữa các HĐXX không giống nhau, có HĐXX ra quyết định tạm giam bị cáo 45 ngày, có HĐXX không ra quyết định tạm giam mà chuyển ngay quyết định đình chỉ giải quyết vụ án cho Toà án cấp sơ thẩm và đề nghị Toà án cấp sơ thẩm ra ngay quyết định thi hành án phạt tù đối với bị cáo để không bị khoảng trống về lệnh tạm giam. Có người cho rằng, vì trong khoản 3 Điều 243 Bộ luật TTHS quy định “Đối với bị cáo đang bị tạm giam bị xử phạt tù mà đến ngày kết thúc phiên toà thời hạn tạm giam đã hết thì HĐXX ra quyết định tạm giam bị cáo để bảo đảm việc thi hành án, trừ trường hợp được quy định tại khoản 4 và khoản 5 Điều 227 của Bộ luật này”. Như vậy, khi bị cáo rút kháng cáo, nghĩa là HĐXX phúc thẩm không xử phạt tù bị cáo nên không được ra quyết định tạm giam bị cáo và trong Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán hướng dẫn về quyết định tạm giam của HĐXX không có văn bản mẫu quyết định tạm giam cho trường hợp bị cáo rút kháng cáo tại phiên toà[8].
 Chúng tôi cho rằng, HĐXX ra quyết định tạm giam là đúng theo quy định tại khoản 3 Điều 243 Bộ luật TTHS. Việc ra quyết định tạm giam trong trường hợp này đảm bảo cho việc tạm giam bị cáo đúng pháp luật, tạo thuận lợi cho việc thi hành án. Nếu vì quá căn cứ vào câu chữ của điều luật mà HĐXX không ra quyết định tạm giam bị cáo thì hậu quả có khi rất nghiêm trọng[9]. Tuy nhiên, để đảm bảo cách hiểu thống nhất, khoản 3 Điều 243 Bộ luật TTHS cần phải sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn xét xử.
Ngoài ra, đoạn cuối của khoản 3 Điều 243 Bộ luật TTHS quy định “Thời hạn tạm giam là 45 ngày, kể từ ngày tuyên án”. Quy định này có một số bất cập như sau:
Một là, không phải mọi trường hợp thời hạn chấp hành hình phạt tù của bị cáo (sau khi xét xử phúc thẩm) đều có thời hạn từ 45 ngày trở lên, mà có những trường hợp thời hạn chấp hành hình phạt tù của bị cáo còn dưới 45 ngày hoặc thậm chí thời hạn chấp hành hình phạt tù hết vào ngày xét xử phúc thẩm. Do vậy, việc quy định thời tạm giam 45 ngày kể từ ngày tuyên án là chưa phù hợp trong một số trường hợp, như đã phân tích[10].
Hai là, không phải vụ án hình sự phúc thẩm nào HĐXX cũng tuyên án, bởi có những vụ án tại phiên toà bị cáo rút kháng cáo thì HĐXX ra quyết định đình chỉ xét xử vụ án mà không tuyên án[11]. Do đó, quy định thời hạn tạm giam 45 ngày kể từ ngày tuyên án là chưa hoàn toàn phù hợp.
Do vậy, chúng tôi đề xuất sửa đổi khoản 3 Điều 243 Bộ luật TTHS như sau:
“Điều 243. Việc Toà án cấp phúc thẩm áp dụng, thay đổi hoặc huỷ bỏ biện pháp ngăn chặn
1.
2.
3. Đối với bị cáo đang bị tạm giam bị xử phạt tù mà đến ngày kết thúc phiên toà thời hạn tạm giam đã hết hoặc tại phiên toà phúc thẩm bị cáo rút kháng cáo thì HĐXX ra quyết định tạm giam bị cáo để bảo đảm việc thi hành án, trừ trường hợp được quy định tại khoản 4 và khoản 5 Điều 227 của Bộ luật này.
Đối với bị cáo không bị tạm giam, nhưng bị xử phạt tù thì HĐXX có thể ra quyết định bắt tạm giam bị cáo ngay sau khi tuyên án, trừ các trường hợp quy định tại Điều 261 của Bộ luật này.
Thời hạn tạm giam là 45 ngày, kể từ ngày tuyên án, hoặc kể từ ngày đình chỉ xét xử phúc thẩm, trừ trường hợp thời hạn chấp hành hình phạt tù của bị cáo đã hết hoặc còn lại dưới 45 ngày thì tạm giam theo số ngày còn lại”./.
 

* ThS. Toà án nhân dân tỉnh Khánh Hoà
[1] Điều 71 Hiến pháp năm 1992 quy định “việc bắt và giam giữ người phải đúng pháp luật”.
[2] Điều 4 BL Bộ luật TTHS năm 2003.
[3] Điều 6 BL Bộ luật TTHS năm 2003.
[4] Xem Điều 242, Điều 243 Bộ luật TTHS năm 2003.
[5] Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao đã ban hành Nghị quyết số 05/2005/NQ-HĐTP hướng dẫn một số quy định trong phần thứ tư “Xét xử phúc thẩm của Bộ luật TTHS”. Vấn đề áp dụng biện pháp tạm giam quy định tại Điều 243 Bộ luật TTHS được hướng dẫn giống như áp dụng biện pháp tạm giam tại Toà án cấp sơ thẩm (dẫn chiếu Nghị quyết số 04/2004/NQ-HĐTP).
[6] Xem các mẫu Quyết định tạm giam theo Nghị quyết số 03/2004/NQ-HĐTP.
[7] Hiện tại, nhiều HĐXX khi bị cáo rút kháng cáo tại phiên toà nhưng lệnh tạm giam trước đó vẫn còn thì HĐXX không ra lệnh tạm giam, mà gửi quyết định đình chỉ giải quyết vụ án hình sự phúc thẩm cho Toà án cấp sơ thẩm để ra quyết định thi hành án.
[8] Tlđd.
[9] Nếu không may bị cáo chết trong thời gian này thì việc giải quyết hậu quả là rất phức tạp.
[10] Vấn đề này cũng đã được Nghị quyết số 03/2004/NQ-HĐTP hướng dẫn, tuy nhiên để phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013 nên vấn đề tạm giam cần phải được quy định trong luật.
[11] Điều 226 quy định về tuyên án như sau: Khi tuyên án mọi người trong phòng xử án phải đứng dậy. Chủ tọa phiên tòa hoặc một thành viên khác của HĐXX đọc bản án và sau khi đọc xong có thể giải thích thêm về việc chấp hành bản án và quyền kháng cáo. Nếu bị cáo không biết tiếng Việt thì sau khi tuyên án, người phiên dịch phải đọc lại cho bị cáo nghe toàn bộ bản án sang thứ tiếng mà bị cáo biết

(Nguồn tin: Bài viết đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu lập pháp số 12(292), tháng 6/2015)