Hướng hoàn thiện Bộ luật Hình sự về chế định tổ chức tội phạm

01/06/2015

ThS. ĐÀM QUANG NGỌC

Giảng viên Khoa Pháp luật Hình sự, Trường Đại học Luật Hà Nội

1. Đặt vấn đề
Việc xác định nội hàm của khái niệm tổ chức tội phạm đã trải qua một thời gian dài với nhiều tranh cãi và bất đồng. Thực tế đó có thể xuất phát từ cách tiếp cận khác nhau của các quốc gia đối với vấn đề xã hội này. Tuy nhiên, sự cần thiết đưa ra khái niệm rõ ràng và tương đồng về tổ chức tội phạm có ý nghĩa lớn bởi xu hướng “xuyên quốc gia” của loại hình tội phạm này, khiến tính chất, mức độ nguy hiểm tăng cao và dẫn đến nhu cầu bức thiết của các quốc gia cần phải đưa ra cách hiểu chính xác về tổ chức tội phạm để quyết định việc một tổ chức nhất định có phải là tổ chức tội phạm hay không, trên cơ sở đó đưa ra phương pháp phòng ngừa, đấu tranh với loại hình tội phạm này và quyết định các yếu tố về nguồn nhân lực, tài chính… trong chính sách quốc gia hướng đến phòng ngừa và kiểm soát tổ chức tội phạm[1].
Việt Nam là một quốc gia nằm trong khu vực Đông Á. Khu vực này được đánh giá có tỉ lệ phức tạp và đa dạng cao về loại hình hoạt động tội phạm liên quan đến các tổ chức tội phạm như: sản xuất ma túy, buôn bán người, mại dâm, đánh bạc, lừa đảo, buôn lậu và rửa tiền. Điều này xuất phát từ thực tế của vành đai tội phạm quốc tế do địa hình tự nhiên hiểm trở. Phần lớn các tổ chức tội phạm hoạt động ở khu vực đều có tính chất và cấp độ tầm quốc tế. Hội Tam hoàng của Trung Quốc (Chinese Triad) và Yakuza của Nhật là hai tổ chức tội phạm lớn đang mở rộng hoạt động ở khu vực Đông Á. Hầu hết các nước ở Đông Á liên quan đến thị trường buôn bán ma túy. Trung Hoa là tuyến đường trung chuyển heroin từ các quốc gia láng giềng Myanmar, Lào, Việt Nam sang Hoa Kỳ và các thị trường quốc tế khác[2]. Ở Việt Nam, trong thời gian từ 1992 đến 2002, hàng ngàn băng, ổ nhóm tội phạm có tổ chức đã bị phát hiện và triệt phá[3].
Vì vậy, nghiên cứu về tổ chức tội phạm và đưa ra hướng hoàn thiện quy định của Bộ luật Hình sự (BLHS) về vấn đề này là cần thiết, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, là cơ sở để phòng ngừa và đấu tranh đối với loại hình tội phạm này ở Việt Nam hiện nay.  
2. Lịch sử hình thành và phát triển khái niệm tổ chức tội phạm
Tổ chức tội phạm xuất hiện đầu tiên ở đâu trên thế giới là vấn đề đến nay vẫn đang tranh luận. Nhiều học giả cho rằng, mô hình sơ khai của tổ chức phạm tội hiểu theo nghĩa hiện tại được ghi nhận ở Italia - nơi các tổ chức tội phạm nguy hiểm và nổi tiếng hình thành. Mặc dù thời điểm và nơi chính xác xuất hiện tổ chức tội phạm còn đang tranh luận, nhưng thuật ngữ tổ chức tội phạm lại xuất phát từ Hoa Kỳ. Cụm từ chính xác “tổ chức tội phạm - organized crime” lần đầu tiên được sử dụng vào năm 1896 trong báo cáo thường niên của Tổ chức Phòng ngừa tội phạm New York[4]. Khái niệm này được đề cập trong báo cáo để nói về hoạt động phạm tội liên quan đến cờ bạc và mại dâm hoặc tổ chức thực hiện các tội phạm đó. Ở thời điểm nghiên cứu, tác giả Michael Woodiwiss khẳng định khái niệm tổ chức tội phạm không có nghĩa xác định và chỉ có thể hiểu khi đặt trong các ngữ cảnh cụ thể[5].
Các học giả bắt đầu nghiên cứu nhằm tìm ra định nghĩa chính xác về tổ chức tội phạm những năm 1920 và 1930 khi có sự “phát triển” của “thị trường đen” ở Bắc Mỹ. Tuy nhiên, các khái niệm này ít khi được sử dụng để chỉ băng đảng (association of gangters). Phần lớn các khái niệm này được định nghĩa liên quan đến mánh khóe làm tiền gian lận như hành vi tống tiền, hành vi chiếm đoạt và hoạt động cung cấp lương thực, dịch vụ phi pháp, sản xuất và cung cấp hàng giả, hoạt động liên quan đến cờ bạc phi pháp, buôn rượu lậu, ma túy …[6]
Ở châu Âu, mặc dù thuật ngữ tổ chức tội phạm (theo nghĩa chỉ băng nhóm phạm tội) hiếm khi được sử dụng trước những năm 1980, nhưng trong lịch sử hầu hết các nước châu Âu, chúng ta có thể thấy các mô hình phạm tội rất giống với tổ chức tội phạm hiện tại[7]. Khái niệm tổ chức tội phạm theo nghĩa rộng lần đầu tiên được biết đến hơn một thế kỷ trước, sau đó hàng loạt các quan điểm đã và đang được gắn theo thuật ngữ này. Cho đến thời điểm nghiên cứu, khái niệm vẫn đang ở trạng thái mơ hồ. Ở châu Âu cũng như Hoa Kỳ, các cuộc tranh luận từ góc độ khoa học, chính trị hay xã hội vẫn đang dao động giữa hai dòng quan điểm. Quan điểm thứ nhất coi tổ chức tội phạm là một loạt các hoạt động tội phạm. Quan điểm thứ hai cho rằng tổ chức tội phạm là nhóm người liên kết để phạm tội, giữa họ có sự phân hóa vai trò trong quản lý, tổ chức và hoạt động[8].
Như vậy, từ góc độ lịch sử, khái niệm tổ chức tội phạm có mối liên hệ chặt chẽ với khái niệm tội phạm có tổ chức. Hai thuật ngữ này, trong nhiều công trình nghiên cứu trước đây vẫn có thể được dùng thay thế cho nhau và thường được sử dụng bởi thuật ngữ chung “organized crime”[9]. Theo chúng tôi, khái niệm tổ chức tội phạm xuất hiện sau nhưng trở nên phổ biến và thường được ghi nhận trong các văn bản và bộ luật hình sự của các quốc gia[10].
3. Khái niệm tổ chức tội phạm
Do xuất hiện sau và gắn liền với khái niệm tội phạm có tổ chức, nên khái niệm tổ chức tội phạm, trong nhiều văn bản, công trình nghiên cứu trước đây ở các quốc gia trên thế giới không được định nghĩa trực tiếp, mà được rút ra gián tiếp từ khái niệm tội phạm có tổ chức.
Ở Hoa Kỳ, khái niệm tổ chức tội phạm có thể được suy ra từ khái niệm về tội phạm có tổ chức trong Đạo luật về An toàn đường phố năm 1968 (Safe Streets Act of 1968). Theo đó “tội phạm có tổ chức là những hoạt động phi pháp của các nhóm người có tổ chức cao, các hiệp hội có tính kỷ luật liên quan đến hoạt động cung cấp hàng hóa và dịch vụ phi pháp, bao gồm (nhưng không hạn chế) đánh bạc, mại dâm, cho vay nặng lãi, ma túy, bảo kê và những hoạt đông phi pháp khác của các thành viên của tổ chức”[11]. Vì vậy, khái niệm tổ chức tội phạm có thể được rút ra là nhóm người có tổ chức cao hoặc các hiệp hội có tính kỷ luật, hoạt động liên quan đến cung cấp hàng hóa và dịch vụ phi pháp, bao gồm (nhưng không hạn chế) đánh bạc, mại dâm, cho vay nặng lãi, ma túy, bảo kê và những hoạt đông phi pháp khác của các thành viên của tổ chức.
Ở Đức, luật về tội phạm có tổ chức (Organised crime Law - OrgKG) năm 1992 đã tránh đưa ra khái niệm tổ chức tội phạm, mặc dù Cơ quan Điều tra liên bang (German Bundeskriminalamt- BKA) định nghĩa “tổ chức tội phạm là nhóm nhiều hơn hai người có mối liên hệ hợp tác và mỗi người có nhiệm vụ riêng, trong thời gian dài hoặc không giới hạn thời gian, nhằm mục đích thực hiện các tội phạm có kế hoạch vì mục tiêu lợi ích hoặc quyền lực, bằng cách sử dụng cấu trúc giống như tổ chức thương mại hoặc kinh doanh, sử dụng bạo lực và thủ đoạn khác nhằm mục đích đe dọa hoặc sử dụng ảnh hưởng đối với chính trị, truyền thông, hành chính công hoặc các cơ quan tư pháp”[12]. Khái niệm này đã chỉ ra được một số loại hình liên kết, phân công lao động của tổ chức tội phạm, tuy không có kết cấu chặt chẽ và quy chuẩn như Cosa Nostra, Mafia hay các tổ chức tội phạm xác định khác[13].
Ở Italia, tổ chức tội phạm được định nghĩa là tội phạm kiểu mafia, quy định trong Điều 416 (bis) của BLHS năm 1982[14]. Một tổ chức được coi là “kiểu mafia” khi thành viên sử dụng có hệ thống thủ đoạn đe dọa và khuất phục để thực hiện các tội phạm, tăng cường kiểm soát hoạt động kinh tế và thu được lợi ích phi pháp. Tội phạm “kiểu mafia” được các nhà lập pháp Italia định nghĩa xuất phát từ các hoạt động phạm tội của mafia đảo Sicily. Sau này, khái niệm được mở rộng và áp dụng cho bất kỳ nhóm tội phạm với các hoạt động tương tự, không phân biệt lãnh thổ, quốc gia hoạt động và tên gọi của tổ chức[15].
Ở cấp độ quốc tế, nhiều hướng tiếp cận được nghiên cứu nhằm đưa ra khái niệm chung về tổ chức tội phạm. Các quan điểm cố gắng đưa ra nội hàm của tổ chức tội phạm và mục đích nghiên cứu khi xây dựng nội hàm khái niệm. Vấn đề các quan điểm đối với cộng đồng quốc tế khi đấu tranh chống loại hình tội phạm xuyên quốc gia này là không tồn tại luận thuyết chung thống nhất từ khía cạnh cơ cấu tổ chức và bản chất hoạt động của tổ chức tội phạm. Thực tế thừa nhận, các tổ chức tội phạm đa dạng về quy mô, cấp độ, lãnh thổ hoạt động, mối quan hệ với hệ thống quyền lực của nước nhà và nước sở tại, phương thức hoạt động để lẩn tránh pháp luật và phạm tội, hoạt động hợp pháp và bất hợp pháp[16].  Rất nhiều các tổ chức tội phạm xuyên quốc gia có mô hình giống với các tổng công ty/tập đoàn đa quốc gia và thường có sự phân cấp quản lý chặt chẽ. Đồng thời, các tổ chức này duy trì sự linh hoạt trong cơ cấu tổ chức nhằm tái phân bổ nguồn lợi hoặc phản ứng nhanh với thiết chế pháp lý và những cơ hội tạo ra nguồn thu nhập phi pháp[17]
Sáu đặc điểm của tổ chức tội phạm được Tuyên bố chính trị và Kế hoạch hành động toàn cầu chống tổ chức tội phạm xuyên quốc gia diễn ra tại Naples (the Naples Political Declaration and Global Action Plan against organized crimes)[18] đưa ra: (i) nhóm có tổ chức để thực hiện tội phạm; (ii) cơ cấu tổ chức và phân cấp quản lý để tạo điều kiện cho những người cầm đầu có thể kiểm soát nhóm; (iii) sử dụng bạo lực, đe dọa dùng bạo lực và hối lộ để tạo ra lợi nhuận hoặc kiểm soát thị trường, lãnh thổ; (iv) rửa tiền để thúc đẩy hoạt động phạm tội và thâm nhập thị trường kinh tế; (v) luôn hướng đến mở rộng phạm vi lĩnh vực, địa bàn hoạt động; và (vi) hợp tác làm ăn với các tổ chức tội phạm xuyên quốc gia khác[19]. Tổ chức tội phạm, vì vậy, có thể được miêu tả giống như tổ chức kinh tế nhưng sử dụng thủ đoạn bạo lực, đe dọa, hoặc hối lộ cũng như cung cấp hàng hóa và dịch vụ phi pháp.
Năm 1997, Hội thảo của Liên hợp quốc về chống tổ chức tội phạm đã đưa ra khái niệm “tổ chức tội phạm là nhóm gồm ba người hoặc nhiều hơn, liên kết phân cấp quản lý nhằm tạo thuận lợi cho người đứng đầu tạo ra lợi nhuận hoặc kiểm soát thị trường và địa bàn hoạt động ở trong và ngoài nước với phương thức hoạt động sử dụng bạo lực, đe dọa hoặc hối lộ, nhằm thúc đẩy hoạt động phạm tội và thâm nhập thị trường kinh tế”. Hội thảo cũng khẳng định khái niệm tổ chức tội phạm (organized crimes) cũng bao gồm cả các tội phạm do nhóm/ tổ chức đó thực hiện với tư cách là một phần hoạt động của tổ chức[20].
Ủy ban châu Âu đưa ra những đặc điểm có tính chất bắt buộc và đặc điểm có tính chất lựa chọn khi định nghĩa tổ chức tội phạm. Các đặc điểm có tính chất bắt buộc gồm: (i) sự liên kết của ba người hoặc nhiều hơn; (ii) trong một thời gian dài hoặc không xác định; (iii) bị nghi thực hiện hoặc bị kết án về các tội phạm nghiêm trọng và (iv) với mục đích theo đuổi lợi ích và quyền lực. Các đặc điểm không bắt buộc gồm: (i) mỗi thành viên được phân công nhiệm vụ và vai trò cụ thể; (ii) sử dụng hình thức kỷ luật và kiểm soát riêng; (iii) sử dụng bạo lực hoặc phương thức tương tự khác; (iv) gây ảnh hưởng lên chính trị, truyền thông, hành chính công, pháp luật, hoặc nền kinh tế với phương thức hối lộ hoặc thủ đoạn khác; (v) có cấu trúc giống như các tổ chức kinh tế - thương mại; (vi) thực hiện các hoạt động rửa tiền và (vii) hoạt động ở tầm quốc tế[21].
Ở Việt Nam, tổ chức tội phạm cũng được nhiều tác giả quan tâm nghiên cứu. Một số khái niệm đã được xây dựng. Theo Trần Quang Tiệp, tổ chức tội phạm là một tập hợp người có sự liên kết, phân công, phối hợp hoạt động với nhau do một hoặc một số cá nhân thành lập, điều khiển một cách có kế hoạch nhằm thực hiện một hoặc nhiều tội phạm[22]. Tương tự, theo các tác giả Đặng Văn Thực và Lê Xuân Lực, tổ chức tội phạm là tập hợp một nhóm gồm ít nhất ba người trở lên có tính liên minh, câu kết chặt chẽ với nhau, hoạt động theo quan hệ chỉ huy - phục tùng, có sự xác định rõ ràng vai trò và mối quan hệ của các thành viên trong nhóm, được hình thành và tồn tại trong một khoảng thời gian nhất định với mục đích thực hiện một hay nhiều tội phạm rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng nhằm thu lợi về tài chính hay vật chất nhất định [23].
Có thể nói, các khái niệm đều chứa đựng những hạt nhân hợp lý phản ánh bản chất của tổ chức tội phạm. Theo chúng tôi, xây dựng nội hàm khái niệm tổ chức tội phạm có ý nghĩa quan trọng, tạo cơ sở pháp lý đấu tranh đối với loại hình tội phạm này. Nội hàm khái niệm phải vừa phản ánh được bản chất của tổ chức tội phạm, vừa phải phù hợp với pháp luật quốc tế, truyền thống pháp luật quốc gia và quan trọng hơn, tạo điều kiện thuận lợi trên thực tế cho các cơ quan có thẩm quyền đấu tranh phòng ngừa và chống loại hình tội phạm nguy hiểm này. Chúng tôi cho rằng, khái niệm phải chứa đựng các đặc điểm cần thiết sau: (i) về số lượng, tổ chức tội phạm phải là nhóm từ ba người trở lên; (ii) về thời gian hoạt động, tổ chức tội phạm phải tồn tại trong khoảng thời gian dài hoặc không xác định; (iii) về cơ cấu tổ chức, các thành viên có mối quan hệ phân cấp quản lý tạo điều kiện cho người đứng đầu có thể kiểm soát và điều hành[24]; (iv) về mục đích, tổ chức tội phạm được thành lập để thực hiện hoạt động phạm tội (trong một số lĩnh vực hoặc loại tội nhất định)[25] và theo đuổi mục tiêu lợi nhuận phi pháp và/hoặc quyền lực.
Do đó, tổ chức tội phạm nên được hiểu là “nhóm từ ba người trở lên, có tính liên kết và phân cấp quản lý, thành lập trong một thời gian dài hoặc không xác định, nhằm thực hiện hoạt động phạm tội, qua đó, trực tiếp hay gián tiếp, giành được lợi ích vật chất hoặc lợi ích khác”. 
4. Kỹ thuật lập pháp của một số quốc gia về tổ chức tội phạm và hướng hoàn thiện quy định của Bộ luật Hình sự Việt Nam
Hiểu đúng bản chất của khái niệm tổ chức tội phạm là bước đầu tiên trong công cuộc phòng ngừa và đấu tranh với loại hình tội phạm này. Có thể nói, đây là khâu hoàn thiện cơ sở lý thuyết về tổ chức tội phạm. Khâu này có ý nghĩa quan trọng đối với giai đoạn tiếp theo - luật pháp hóa quy định về tổ chức tội phạm trong chính sách hình sự.
Về vấn đề này, hiện nay ở nước ta tồn tại hai quan điểm. Quan điểm thứ nhất cho rằng, các quy định của BLHS hiện hành là đủ cơ sở pháp lý cho cơ quan có thẩm quyền giải quyết về mặt thực tế. Các học giả cho rằng, chế định đồng phạm hiện hành với quy định tình tiết “phạm tội có tổ chức” đã bao hàm trường hợp tổ chức tội phạm[26]. Chúng tôi nhận thấy quan điểm trên không hợp lý bởi hai lý do. Một là, chế định đồng phạm quy định về hình thức phạm tội với nhiều người tham gia. Tình tiết “phạm tội có tổ chức” thể hiện sự câu kết chặt chẽ giữa những người đồng phạm. Với bản chất này, các quy định trên chỉ áp dụng gắn liền với một tội phạm cụ thể, không đảm bảo xu hướng tăng cường đấu tranh với loại hình tội phạm cấp độ quốc tế này[27]. Thứ hai, chính sách hình sự của các quốc gia đều coi trọng tính chủ động phòng ngừa. Nếu sử dụng chế định đồng phạm hiện hành, các cơ quan có thẩm quyền chỉ có thể áp dụng khi tội phạm cụ thể đã xảy ra. Trong khi nếu quy định chế định riêng về tổ chức tội phạm sẽ tạo cơ sở pháp lý đấu tranh ngay từ khi tổ chức được thành lập (nhằm mục đích thực hiện hoạt động phạm tội) mà không cần phải chờ đến khi có tội phạm cụ thể xảy ra.
Quan điểm thứ hai nêu lên sự cần thiết phải quy định bổ sung chế định tổ chức tội phạm hoặc sửa đổi, bổ sung chế định đồng phạm hiện hành[28]. Đây cũng là quan điểm phổ biến trong pháp luật quốc tế và chính sách hình sự của các quốc gia. Hiện nay, tồn tại hai cách thức quy định về chế định tổ chức tội phạm. Phương thức thứ nhất quy định khái niệm tổ chức tội phạm và đường lối xử lý trong phần chung, đồng thời quy định tội danh thành lập hoặc tham gia tổ chức tội phạm trong phần các tội phạm của BLHS[29]. Phương thức thứ hai không quy định khái niệm tổ chức tội phạm trong phần chung mà chỉ quy định tội danh cụ thể trong phần riêng[30]. Chúng tôi cho rằng, các nhà làm luật Việt Nam nên quy định theo cách thứ nhất. BLHS hiện hành chia làm hai phần, phần chung và phần các tội phạm. Quy định trong phần chung có tính chất bao trùm và có thể áp dụng đối với quy định của phần riêng. Ngược lại, quy định trong phần riêng chỉ áp dụng cho điều luật đó hoặc cho các điều luật thuộc chương đó (Ví dụ, Điều 277 BLHS “Khái niệm tội phạm về chức vụ” quy định chung cho các điều luật cụ thể thuộc chương XXI). Do đó, quy định theo cách thứ nhất vừa phù hợp với kết cấu hiện tại của BLHS Việt Nam, vừa đảm bảo tính khái quát.  
Về đường lối xử lý đối với các hành vi liên quan đến tổ chức tội phạm, hầu hết các quốc gia đều thống nhất hình sự hóa đối với hai loại hành vi thành lập và tham gia tổ chức tội phạm[31]. Chúng tôi hoàn toàn đồng ý với quan điểm quy định trách nhiệm hình sự hai loại hành vi này bởi sự cần thiết trong yêu cầu phòng ngừa và đấu tranh kịp thời đối với sự phát triển nhanh chóng của tổ chức tội phạm trên toàn thế giới. Tuy nhiên, như trên đã đề cập, các tổ chức tội phạm hiện nay có xu hướng mở rộng địa bàn và lĩnh vực hoạt động. Do đó, một tổ chức tội phạm sẽ có phạm vi lãnh thổ hoạt động ở các quốc gia hoặc khu vực khác nhau. Ở các quốc gia hay khu vực độc lập này, tổ chức tội phạm phải thiết lập một cơ cấu tổ chức đủ chặt chẽ và quy mô để thực hiện các hoạt động phạm tội phù hợp ở mức độ nhất định với mục đích chung của “tổ chức mẹ”. Hoạt động của “tổ chức con” có sự độc lập tương đối với “tổ chức mẹ” xuất phát từ sự độc lập nhất định về địa lý và thành viên. Do đó, chúng ta thấy xuất hiện vai trò của người đứng đầu “tổ chức con” trên các lãnh thổ độc lập. Người đứng đầu có vị trí và vai trò rất quan trọng đối với sự thiết lập, sự phát triển của “tổ chức con”. Tuy nhiên, người này không phải là người thành lập tổ chức tội phạm (tổ chức mẹ) nên không thể truy cứu trách nhiệm về hành vi thành lập đối với họ. Ngược lại, nếu áp dụng hành vi tham gia để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người đứng đầu “tổ chức con”, theo chúng tôi, lại không tương xứng với tính chất của hành vi. Hành vi của người đứng đầu mang bản chất của hành vi điều hành. Tính chất và mức độ nguy hiểm cao hơn nhiều so với hành vi tham gia thông thường[32]. Do đó, chúng tôi đề xuất nên hình sự hóa hành vi của người điều hành tổ chức tội phạm trên các khu vực, quốc gia độc lập này cùng với hành vi thành lập và tham gia tổ chức tội phạm như quan điểm lập pháp của các quốc gia và học giả ở Việt Nam hiện nay.
Từ những lập luận trên, chúng tôi đề xuất sửa đổi BLHS về tổ chức tội phạm như sau:
Thêm Điều 20a vào sau Điều 20 trong phần chung, quy định về khái niệm tổ chức tội phạm và đường lối xử lý đối với người thành lập, người tham gia tổ chức tội phạm, người điều hành tổ chức tội phạm ở khu vực hoặc quốc gia độc lập (phân nhánh tổ chức tội phạm). Thêm một Điều trong phần các tội phạm quy định về tội danh thành lập, tham gia tổ chức tội phạm và điều hành phân nhánh tổ chức tội phạm.
Điều 20a. Tổ chức tội phạm
1. Tổ chức tội phạm là nhóm từ ba người trở lên, có tính liên kết và phân cấp quản lý, thành lập trong một thời gian dài hoặc không xác định, nhằm thực hiện hoạt động phạm tội, qua đó, trực tiếp hay gián tiếp, giành được lợi ích vật chất hoặc lợi ích khác.
2.  Phân nhánh tổ chức tội phạm là tổ chức tội phạm con được thành lập ở khu vực hoặc quốc gia độc lập.
3.  Người thành lập, người tham gia tổ chức tội phạm phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi thành lập hoặc tham gia của mình theo điều … Bộ luật này. Người thành lập phải chịu trách nhiệm hình sự như người tổ chức về các tội phạm cụ thể mà tổ chức tội phạm đã thực hiện. Người tham gia còn phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm cụ thể mà tổ chức tội phạm đã thực hiện và họ cũng là người thực hiện hoặc tham gia thực hiện[33].
4. Người điều hành phân nhánh tổ chức tội phạm ở khu vực hoặc quốc gia độc lập phải chịu trách nhiệm hình sự như người thành lập đối với phân nhánh tổ chức tội phạm đó. Người điều hành phải chịu trách nhiệm hình sự như người tổ chức về các tội phạm cụ thể mà phân nhánh tổ chức tội phạm đã thực hiện.
Điều… Tội thành lập hoặc tham gia tổ chức tội phạm, điều hành phân nhánh tổ chức tội phạm
1.  Người nào thành lập tổ chức tội phạm thì bị phạt tù từ… đến…. năm
2.  Người nào điều hành phân nhánh tổ chức tội phạm ở khu vực hoặc quốc gia độc lập thì bị phạt tù từ …đến…. năm
3.  Người tham gia tổ chức tội phạm bị phạt tù từ…đến… năm./.
 
 

*ThS. Giảng viên Khoa Pháp luật Hình sự, Trường Đại học Luật Hà Nội
[1] Sabrina Adamoli, Andrea DI Nicola, Ernesto U Savona, Paoli Zoffi, Organised crimes around the world, European Institute for Crime and Prevention and Control affiliated with the United Nations (HEUNI), tr.14.
[2] Sabrina Adamoli, Andrea DI Nicola, Ernesto U Savona, Paoli Zoffi, tlđd, tr.86.
[3] Lương Thanh Hải, Công ước chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia - Những cơ hội và thức thức khi Việt Nam tham gia, Tạp chí Tòa án nhân dân, số 14, tháng 7.2006, tr.25.
[4] Studies of Organised crime Volume 4, Organised crime in Europe, concepts, patterns and control policies in the European Union and beyond, edited by Cyrille Fijnaut, Letizia Paoli, Springer, 2004, tr.36.
[5] Michael Woodiwiss, Transnational organized xrime. The strange career of an American concept, tr.5, in trong sách Critical reflections on Transnational organized crime, money laundering and corruption, Toronto, University Toronto Press, 2003.
[6] Klaus von Lampe, The Concept of Organized Crime in Historical Perspective, bài viết được trình bày tại Hội thảo quốc tế “Crime organisé international: Mythe, pouvoir, profit...", tài trợ bởi the Institut de recherches interdisciplinaires, Université de Lausanne, Switzerland, 6 October 1999”.
[7] Studies of Organised crime Volume 4, Springer 2004, tlđd tr.34.
[8] Studies of Organised crime Volume 4, Springer 2004, tlđd tr.36.
[9]Từ góc độ ngôn ngữ, thuật ngữ “tổ chức tội phạm” tương ứng với “criminal organization” hay “criminal association”, thuật ngữ “tội phạm có tổ chức” tương ứng với “organized crime”. Khái niệm tội phạm có tổ chức, mặc dù có liên hệ chặt chẽ với khái niệm tổ chức tội phạm, nhưng nằm ngoài phạm vi nghiên cứu nên sẽ không được đề cập sâu trong bài viết.
[10] Xem Điều 35, Điều 210 BLHS Liên bang Nga, Điều 26, BLHS CHND Trung Hoa, Điều 467.1, 467.11 và 467.12 và 467.13 BLHS Canada; Điều 260 BLHS Thụy Sĩ (bản tiếng Anh), Điều 2 Công ước của Liên hiệp quốc về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia.
[11] Xem Đạo luật về An toàn đường phố (Safe streets Act of 1968), United States, xem trực tuyến tại www.fcc.gov/Bureaus/OSEC/library/legislative_histories/1615.pdf, truy cập ngày 16/12/2014.
[12] Arbeitsgruppe Justiz/Polizei des BKA, 05.1990, khái niệm này cũng định nghĩa gián tiếp trong khái niệm tội phạm có tổ chức.
[13] P.C. Van Duyne, Organised crime, Corruption and Power, Crime, Law & Social change, Kluwer Academic Publishers, 1997, tr. 46.
[14] Điều 416 bis BLHS Italia, xem trực tuyến tại http://www.altalex.com/index.php?idnot=36766, truy cập ngày 20/12/2014.
[15] Sabrina Adamoli, Andrea DI Nicola, Ernesto U Savona, Paoli Zoffi, tlđd, tr.16.
[16] Report of the Secretary-General, UN doc E/CN. 15/1996/2, Implemetation of the Naples Political Declaration and Global Action Plan against Organised Transnational Crime.
[17] Ninth United Nations Congress on the Prevention of Crime and treatment of Offenders, Cairo, Ai Cập, 29.04-08.05.1995, UN doc. A/CONF.169, trích dẫn bởi Sabrina Adamoli, Andrea DI Nicola, Ernesto U Savona, Paoli Zoffi, tlđd, tr.17.
[18] Report of the Secretary-General, UN doc E/CN. 15/1996/2, Implemetation of the Naples Political Declaration and Global Action Plan against Organised Transnational Crime.
[19] Xu hướng hoạt động của các tổ chức tội phạm hiện nay cho thấy sự hợp tác và phân chia địa bàn, lĩnh vực hoạt động thay vì cạnh tranh và tiêu diệt lẫn nhau như trước kia. Về vấn đề này, xem thêm mục 1.3. Trend in organized crimes, Organised crimes around the world, tlđd, tr. 20-25.
[20] Sabrina Adamoli, Andrea DI Nicola, Ernesto U Savona, Paoli Zoffi, tlđd, tr. 18.
[21] Conseil de L’Europe, Comite’ d’experts sur les aspects de droit penal et les aspects criminologiques de la criminalite’ organise’e (Pc-CO), questionnaire, Strasbourg, 8.1997, trích dẫn bởi Sabrina Adamoli, Andrea DI Nicola, Ernesto U Savona, Paoli Zoffi, tlđd, tr.20;
[22] Trần Quang Tiệp, Một số vấn đề lý luận, thực tiễn về tổ chức tội phạm, tội phạm có tổ chức và phạm tội có tổ chức, Tạp chí Kiểm sát số 7.2003, tr. 17;
[23] Đặng Văn Thực và Lê Xuân Lực, Tổ chức tội phạm trong BLHS Việt Nam hiện hành, Tạp chí Nhà nước và Pháp luật, số 02/2014, tr.53;
[24] Theo Lê Thị Sơn, tổ chức tội phạm trước tiên phải là tổ chức theo đúng nghĩa, tức là phải có ba đặc điểm của tổ chức: đặc điểm về thành viên của tổ chức, mục đích và trật tự - kỷ luật của tổ chức. Xem thêm Lê Thị Sơn, Tội phạm có tổ chức và việc bổ sung chế định tổ chức tội phạm trong BLHS Việt Nam,  Tạp chí Luật học số 12/2012, tr.49;
[25] Chúng tôi cho rằng, không nên liệt kê phạm vi loại và lĩnh vực của tội phạm trong khái niệm tổ chức tội phạm. Việc quy định phạm vi tội phạm liên quan đến tổ chức tội phạm có thể giải quyết trong các điều luật cụ thể;
[26] Xem Điều 20 BLHS Việt Nam năm 1999, sửa đổi, bổ sung năm 2009.
[27] Về xu hướng tăng cường đấu tranh chống tội phạm có tổ chức bằng pháp luật hình sự, xem thêm Lê Thị Sơn, Tội phạm có tổ chức và việc bổ sung chế định tổ chức tội phạm trong BLHS Việt Nam, Tạp chí Luật học số 12/2012, tr. 54.
[28] Xem Nguyễn Ngọc Hòa, Sửa đổi quy định của BLHS năm 1999 về đồng phạm và vấn đề có liên quan đáp ứng yêu cầu của hội nhập quốc tế, Tạp chí Dân chủ và Pháp luật, số chuyên đề về sửa đổi, bổ sung BLHS 1999, tr. 55-58.
[29] Xem Điều 35, Điều 210 BLHS Liên bang Nga, Điều 26, Điều 191 và Điều 294 BLHS CHND Trung Hoa, Điều 467.1, 467.11 và 467.12 và 467.13 BLHS Canada.
[30] Xem Điều 129 và Điều 129a BLHS Cộng hòa Liên bang Đức, Điều 260 BLHS Thụy Sĩ,
[31] Xem các điều luật đã trích dẫn của BLHS Nga, Canada, Trung Hoa, Đức, Thụy Sĩ; Quan điểm sửa đổi BLHS Việt Nam của GS.TS. Nguyễn Ngọc Hòa, Đặng Văn Thực, Lê Xuân Lực trong các tài liệu đã trích dẫn.
[32] Về vấn đề này, có quan điểm cho rằng truy cứu trách nhiệm hình sự người đứng đầu “tổ chức con” như “người tham gia với vai trò như người tổ chức”, xem GS.TS. Nguyễn Ngọc Hòa, tlđd, tr. 58.
[33] Về quan điểm sửa đổi ở Khoản 2 này, xem thêm Nguyễn Ngọc Hòa, tlđd, tr.58. 

(Nguồn tin: Bài viết đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu lập pháp số 12(292), tháng 6/2015)