Quyền được bảo đảm an sinh xã hội, quyền được sống trong môi trường trong lành trong Hiến pháp năm 2013 - Khả năng thực hiện và kiến nghị

01/06/2015

TS. LƯƠNG MINH TUÂN

Phó Tổng biên tập Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp

1- Quyền được bảo đảm an sinh xã hội
- Chủ thể có quyền
Điều 34 Hiến pháp năm 2013 quy định “Công dân có quyền được bảo đảm an sinh xã hội”. Quy định này cho thấy, chủ thể có “quyền được bảo đảm an sinh xã hội” phải là công dân. Công dân nước Cộng hòa XHCN Việt Nam theo quy định tại khoản 1 Điều 17 Hiến pháp năm 2013 là “người có quốc tịch Việt Nam”. Như vậy, “quyền được bảo đảm an sinh xã hộilà quyền công dân. Đây không phải là quyền dành cho tất cả mọi người mà chỉ dành riêng cho công dân Việt Nam; những người không có quốc tịch Việt Nam thì không có quyền này theo Hiến pháp năm 2013.
- Chủ thể có nghĩa vụ bảo đảm thực hiện quyền
Điều 34 và Chương II Hiến pháp năm 2013 quy định về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, không có quy định về chủ thể có nghĩa vụ bảo đảm cho công dân thực hiện “quyền được bảo đảm an sinh xã hội” (chủ thể có nghĩa vụ bảo đảm an sinh xã hội). Vì vậy, câu hỏi được đặt ra ở đây là: Chủ thể nào có nghĩa vụ bảo đảm cho công dân thực hiện “quyền được bảo đảm an sinh xã hội”? Câu trả lời cho câu hỏi này trước hết có thể được rút ra từ quy định của Điều 3 Hiến pháp năm 2013, theo đó Nhà nước “công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân”. Do “quyền được bảo đảm an sinh xã hội” được xác định là một trong những quyền công dân nên Nhà nước phải có nghĩa vụ tôn trọng và bảo đảm thực hiện quyền công dân này.
Ngoài quy định nêu trên, Hiến pháp năm 2013 còn có các quy định khác liên quan đến việc xác định chủ thể có nghĩa vụ bảo đảm thực hiện quyền được bảo đảm an sinh xã hội. Cụ thể, Hiến pháp năm 2013 còn quy định nghĩa vụ của Nhà nướclà“tạo bình đẳng về cơ hội để công dân thụ hưởng phúc lợi xã hội, phát triển hệ thống an sinh xã hội, có chính sách trợ giúp người cao tuổi, người khuyết tật, người nghèo và người có hoàn cảnh khó khăn khác”[1] và “có chính sách phát triển nhà ở, tạo điều kiện để mọi người có chỗ ở”[2]. Bên cạnh Nhà nước, Hiến pháp năm 2013 còn “huy động” xã hội trong việc “đầu tư phát triển sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc sức khỏe của Nhân dân, thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân, có chính sách ưu tiên chăm sóc sức khoẻ cho đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào ở miền núi, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn”[3]; “tạo môi trường xây dựng gia đình Việt Nam ấm no, tiến bộ, hạnh phúc; xây dựng con người Việt Nam có sức khỏe, …[4]. Ngoài Nhà nước và xã hội thì Hiến pháp năm 2013 còn quy định trách nhiệm của gia đình “bảo vệ, chăm sóc sức khỏe người mẹ, trẻ em,…”[5].  
Như vậy, chủ thể có nghĩa vụ bảo đảm cho công dân Việt Nam thực hiện “quyền được bảo đảm an sinh xã hội” được xác định trước hết là Nhà nước Việt Nam. Nghĩa vụ này của Nhà nước phải được thực hiện bởi các cơ quan nhà nước khi thực hiện quyền lập pháp, quyền hành pháp và cả khi thực hiện quyền tư pháp. Ngoài Nhà nước, xã hội và gia đình cũng là các chủ thể có trách nhiệm nhất định trong một số hoạt động liên quan đến việc thực hiện quyền được bảo đảm an sinh xã hội.
- Nội dung của quyền được bảo đảm an sinh xã hội
Sau khi đã xác định được chủ thể có quyền và chủ thể có nghĩa vụ bảo đảm thực hiện quyền, thì vấn đề tiếp theo cần phải được làm rõ là: nội dung của quyền được bảo đảm an sinh xã hội là gì? Nội dung của quyền này được Nhà nước bảo đảm nhiều hay ít tùy thuộc trước hết vào việc định nghĩa an sinh xã hội là gì? Theo tiếng Anh thì an sinh xã hội thường được gọi là “Social Security”. Thuật ngữ “Social Security” không chỉ được dịch ra tiếng Việt là an sinh xã hội mà còn được dịch ra tiếng Việt với những ý nghĩa không hoàn toàn tương đồng nhau như bảo đảm xã hội, bảo trợ xã hội, an ninh xã hội, an toàn xã hội,... Thuật ngữ “an sinh xã hội” cũng có thể được hiểu theo nghĩa rộng và nghĩa hẹp. Cụ thể là:
Social Security theo nghĩa rộng được hiểu là “sự đảm bảo thực hiện các quyền của con người được sống trong hòa bình, được tự do làm ăn, cư trú, di chuyển, phát biểu chính kiến trong khuôn khổ luật pháp; được bảo vệ và bình đẳng trước pháp luật; được học tập, được có việc làm, có nhà ở; được đảm bảo thu nhập để thoả mãn những nhu cầu sinh sống thiết yếu khi bị rủi ro, tai nạn, tuổi già …”[6].
Social Security theo nghĩa hẹp được hiểu là “sự bảo đảm thu nhập và một số điều kiện sinh sống thiết yếu khác cho người lao động và gia đình họ khi bị giảm hoặc mất thu nhập do bị giảm hoặc mất khả năng lao động hoặc mất việc làm; cho những người già cả, cô đơn, trẻ em mồ côi, người tàn tật, những người nghèo đói và những người bị thiên tai, dịch họa…”[7].
Ngoài ra, an sinh xã hội cũng có thể được sử dụng để chỉ các chương trình hành động của Chính phủ nhằm thúc đẩy phúc lợi của người dân thông qua các biện pháp hỗ trợ đảm bảo quyền tiếp cận các nguồn lực đầy đủ về thực phẩm và nơi trú ẩn và tăng cường sức khỏe và phúc lợi cho người dân nói chung và các phân đoạn có khả năng dễ bị tổn thương như trẻ em, người già, người bệnh và người thất nghiệp. Các dịch vụ cung cấp an sinh xã hội thường được gọi là các dịch vụ xã hội[8].
Như vậy, an sinh xã hội có thể được hiểu với những nội dung rộng, hẹp khác nhau[9]. Do Hiến pháp năm 2013 không đưa ra định nghĩa cụ thể về an sinh xã hội và an sinh xã hội là một khái niệm mở cần được cụ thể hóa, nên nội dung của quyền được bảo đảm an sinh xã hội rộng hay hẹp trước hết phụ thuộc vào Quốc hội, vì Quốc hội là cơ quan thực hiện quyền lập pháp ở nước ta. Hơn nữa, cũng cần lưu ý là thẩm quyền này của Quốc hội càng trở nên lớn hơn khi mà Quốc hội vừa làm luật và vừa giám sát, quyết định về việc liệu một đạo luật do Quốc hội ban hành có phù hợp với Hiến pháp hay không.
- Về việc thực hiện quyền được bảo đảm an sinh hội
Việc thực hiện “quyền được bảo đảm an sinh xã hội” có những thuận lợi sau đây:
Một là, Hiến pháp năm 2013 xác định “mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”[10] và mục tiêu “mọi người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện”[11]. Đây là các mục tiêu mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta đang phấn đấu thực hiện. Việc thực hiện quyền được bảo đảm an sinh xã hội cũng nhằm góp phần thực hiện các mục tiêu cao cả này.  
Hai là, Điều 22 Tuyên ngôn toàn thế giới về Nhân quyền của Liên hợp quốc năm 1948 quy định “Với tư cách là thành viên của xã hội, mọi người đều có quyền an sinh xã hội và được thụ hưởng các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa không thể thiếu cho nhân phẩm (phẩm giá) và sự phát triển tự do nhân cách của mình, thông qua nỗ lực quốc gia và hợp tác quốc tế và phù hợp với tổ chức và các nguồn lực của mỗi quốc gia”[12]. Việc thực hiện “quyền được bảo đảm an sinh xã hội” cũng góp phần thực hiện quy định tại Điều 22 Tuyên ngôn toàn thế giới về Nhân quyền của Liên hợp quốc năm 1948.
 Ba là, việc thực hiện quyền được bảo đảm an sinh xã hội cũng góp phần thực hiện cam kết của Việt Nam về thực hiện Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ (MDG) và Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc. Điều này cho thấy, việc bảo đảm an sinh xã hội không chỉ phù hợp với nhu cầu nội tại trong nước mà còn phù hợp với xu thế phát triển ở các nước trên thế giới.
Bốn là, mặc dù “quyền được bảo đảm an sinh xã hội” mới được ghi nhận trong Hiến pháp năm 2013, nhưng trên thực tế những năm qua, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực thực hiện nhiều công việc, trong đó có việc xây dựng hệ thống pháp luật về an sinh xã hội nhằm thiết lập cơ sở pháp lý cho việc hình thành và phát triển hệ thống an sinh xã hội. Hiện nay, ngoài bốn trụ cột là bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và cứu trợ xã hội, hệ thống an sinh xã hội Việt Nam còn có một cấu phần đặc thù, đó là chính sách ưu đãi xã hội. Chính sách này xác định và thực hiện trách nhiệm của Nhà nước, của xã hội trong việc chăm lo, bảo đảm cho người có công có cuộc sống ổn định và ngày càng được cải thiện. Trên thực tế, đời sống vật chất và tinh thần của người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số phần nào được cải thiện. Diện người được thụ hưởng chính sách ngày càng mở rộng, mức hỗ trợ được nâng cao. Những điều đó đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao[13].
Bên cạnh những thuận lợi cơ bản nêu trên, việc thực hiện quyền được bảo đảm an sinh xã hội cũng gặp phải những khó khăn, hạn chế chính sau đây:
 Một là, các quyền tự do cơ bản nhìn chung chỉ đòi hỏi Nhà nước bảo vệ “không gian tự do” cho mỗi cá nhân (công dân), sự tự do của mỗi cá nhân không phải chỉ có được khi được pháp luật điều chỉnh mà pháp luật chỉ bảo vệ và giới hạn các quyền tự do cơ bản. Khác với các quyền tự do cơ bản, “quyền được bảo đảm an sinh xã hội” luôn đòi hỏi hành động tích cực của người khác (cung cấp nguồn lực tài chính) để bảo đảm thực hiện quyền này. Điều đó có nghĩa là quyền được bảo đảm an sinh xã hội chỉ có thể thực hiện được nhờ hành động tích cực của người khác (Nhà nước, xã hội, cộng đồng,…). Sự thiếu cụ thể về nội dung và chủ thể có nghĩa vụ bảo đảm thực hiện làm cho việc thực hiện quyền này trở nên khó khăn[14].
Hai là, việc thực hiện quyền được bảo đảm an sinh xã hội luôn đòi hỏi các hành động tích cực từ phía Nhà nước mà các hành động này thường không chỉ là hành động tích cực của cơ quan lập pháp mà còn cả các cơ quan hành pháp (kể cả các cơ quan hành chính nhà nước). Điều đáng lưu ý ở đây là Nhà nước chỉ có thể bảo đảm thực hiện “quyền được bảo đảm an sinh xã hội” của công dân trong khả năng nguồn lực hiện có của Nhà nước, nhưng trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN thì các nguồn lực không nằm tất cả trong tay Nhà nước; nhiều nguồn lực còn nằm trong tay tư nhân và việc huy động nguồn lực trong tay tư nhân để thực hiện quyền này là rất khó khăn và có giới hạn bởi các quyền tự do cơ bản của công dân[15]. Vì vậy, Nhà nước sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc bảo đảm thực hiện “quyền được bảo đảm an sinh xã hội” của công dân.
Ba là, “quyền được bảo đảm an sinh xã hội” đã được Hiến pháp năm 2013 ghi nhận, nhưng Hiến pháp năm 2013 lại thiếu các quy định về cơ chế phán quyết hành vi vi phạm quyền này. Việt Nam hiện chưa có cơ quan bảo hiến độc lập để phán quyết hành vi vi hiến, thiếu cơ chế kiểm soát và đối trọng của cơ quan thực hiện quyền tư pháp đối với lập pháp và hành pháp trong việc thực hiện “quyền được bảo đảm an sinh xã hội” trong Hiến pháp năm 2013. Đây cũng là một trong những hạn chế trong việc bảo đảm thực hiện “quyền được bảo đảm an sinh xã hội”.
Bốn là, Quỹ Bảo hiểm xã hội Việt Nam đang đứng trước nguy cơ khủng hoảng trầm trọng, ở thời điểm hiện tại thì chưa vỡ Quỹ, nhưng trong tương lai thì hoàn toàn có thể xảy ra do số người đóng thì ít mà số người hưởng thì nhiều và số người tham gia đóng ngày càng ít, hiện vẫn tồn tại tình trạng trốn đóng, nợ đọng, chiếm dụng tiền bảo hiểm[16] cũng như những thất thoát trong quản lý Quỹ[17].
Bên cạnh đó, Nhóm Nghiên cứu của Học viện Chính sách và Phát triển thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đưa ra cảnh báo về tốc độ gia tăng nợ công có thể khiến Việt Nam có “nguy cơ chưa giàu, đã già lại nợ nần nhiều”[18]. Trước thực trạng này thì Nhà nước Việt Nam rất khó thực hiện tốt nghĩa vụ bảo đảm thực hiện “quyền được bảo đảm an sinh xã hội” cho công dân.
2- Quyền được sống trong môi trường trong lành
- Chủ thể có quyền
Điều 43 Hiến pháp năm 2013 quy định “Mọi người có quyền được sống trong môi trường trong lành…”. Quy định này cho thấy, chủ thể có “quyền được sống trong môi trường trong lành” được xác định là mọi người. Điều đó có nghĩa là không chỉ công dân Việt Nam mà còn tất cả những người khác (người nước ngoài, người không có quốc tịch) ở Việt Nam đều “có quyền được sống trong môi trường trong lành”. Quyền được sống trong môi trường trong lành là quyền dành cho mọi người (quyền con người), không phải là quyền công dân.  
- Chủ thể có nghĩa vụ bảo đảm thực hiện quyền
Khác với “quyền được bảo đảm an sinh xã hội”, Hiến pháp năm 2013 không chỉ quy định quyền của mọi người “được sống trong môi trường trong lành” mà đồng thời còn quy định mọi người “có nghĩa vụ bảo vệ môi trường”[19]. Theo chúng tôi, để góp phần bảo đảm cho môi trường sống được trong lành thì việc quy định mọi người có nghĩa vụ bảo vệ môi trường là cần thiết vì phần lớn môi trường sống bị hủy hoại là do hoạt động của con người như khai thác tài nguyên thiên nhiên để sản xuất công nghiệp, đô thị hóa[20], chất thải công nghiệp, chất thải y tế, chất thải sinh hoạt, v.v..
Tuy nhiên, Điều 43 và Chương II Hiến pháp năm 2013 quy định về quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân, đều không có quy định về chủ thể có nghĩa vụ bảo đảm cho mọi người thực hiện “quyền được sống trong môi trường trong lành”. Vì vậy, câu hỏi được đặt ra ở đây là: chủ thể nào có nghĩa vụ bảo đảm cho mọi người thực hiện “quyền được sống trong môi trường trong lành”? Câu trả lời cho câu hỏi này trước hết có thể được rút ra từ quy định của Điều 3 Hiến pháp năm 2013, theo đó Nhà nước “công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân”. Do quyền của mọi người “được sống trong môi trường trong lành” được coi là một trong những quyền con người nên Nhà nước Việt Nam phải có nghĩa vụ tôn trọng và bảo đảm thực hiện quyền con người này.
Ngoài quy định nêu trên, Hiến pháp năm 2013 còn có các quy định khác liên quan đến việc xác định chủ thể có nghĩa vụ bảo đảm thực hiện quyền của mọi người được sống trong môi trường trong lành. Cụ thể là Hiến pháp năm 2013 còn quy định Nhà nước “có chính sách bảo vệ môi trường; quản lý, sử dụng hiệu quả, bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên; bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học; chủ động phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu”[21]; “khuyến khích mọi hoạt động bảo vệ môi trường, phát triển, sử dụng năng lượng mới, năng lượng tái tạo”[22]. Ngoài Nhà nước, Hiến pháp năm 2013 còn quy định tổ chức, cá nhân “gây ô nhiễm môi trường, làm suy kiệt tài nguyên thiên nhiên và suy giảm đa dạng sinh học phải bị xử lý nghiêm và có trách nhiệm khắc phục, bồi thường thiệt hại”[23].
Như vậy, chủ thể có nghĩa vụ bảo đảm cho mọi người thực hiện “quyền được sống trong môi trường trong lành” được xác định trước hết là Nhà nước Việt Nam. Nghĩa vụ này của Nhà nước phải được thực hiện bởi các cơ quan nhà nước khi thực hiện quyền lập pháp, quyền hành pháp và cả khi thực hiện quyền tư pháp. Ngoài Nhà nước Việt Nam, mọi người, kể cả các tổ chức ở Việt Nam đều là các chủ thể có trách nhiệm nhất định trong việc bảo vệ môi trường.
- Nội dung của quyền được sống trong môi trường trong lành
Vấn đề tiếp theo cần được làm rõ ở đây là: nội dung của quyền được sống trong môi trường trong lành là gì? Nội dung của quyền này được Nhà nước bảo đảm nhiều hay ít tùy thuộc trước hết vào việc định nghĩa môi trường trong lành là gì. Theo Từ điển Bách khoa Việt Nam thì môi trường “bao gồm các yếu tố tự nhiên và các yếu tố vật chất nhân tạo có quan hệ mật thiết với nhau, bao quanh con người, có ảnh hưởng tới đời sống, sản xuất, sự tồn tại và phát triển của con người và thiên nhiên”[24]. Hiến pháp năm 2013 không có định nghĩa môi trường là gì cũng như môi trường trong lành là gì. Theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 thì môi trường được hiểu là “hệ thống các yếu tố vật chất tự nhiên và nhân tạo có tác động đối với sự tồn tại và phát triển của con người và sinh vật”[25]. Tuy nhiên, Luật Bảo vệ môi trường không có định nghĩa “môi trường trong lành” là gì mà chỉ đưa ra định nghĩa “Hoạt động bảo vệ môi trường là hoạt động giữ gìn, phòng ngừa, hạn chế các tác động xấu đến môi trường; ứng phó sự cố môi trường; khắc phục ô nhiễm, suy thoái, cải thiện, phục hồi môi trường; khai thác, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên nhằm giữ môi trường trong lành[26]; “Ô nhiễm môi trường là sự biến đổi của các thành phần môi trường không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật môi trường và tiêu chuẩn môi trường gây ảnh hưởng xấu đến con người và sinh vật” [27]; “Suy thoái môi trường là sự suy giảm về chất lượng và số lượng của thành phần môi trường, gây ảnh hưởng xấu đến con người và sinh vật” [28]; “Sự cố môi trường là sự cố xảy ra trong quá trình hoạt động của con người hoặc biến đổi của tự nhiên, gây ô nhiễm, suy thoái hoặc biến đổi môi trường nghiêm trọng” [29].
Như vậy, có thể khẳng định rằng, do Hiến pháp năm 2013 không đưa ra định nghĩa cụ thể về môi trường trong lành và môi trường trong lành là một khái niệm mở cần được cụ thể hóa, nên nội dung của “quyền được sống trong môi trường trong lành” rộng hay hẹp giống như “quyền được bảo đảm an sinh xã hội” trước hết phụ thuộc vào Quốc hội, vì Quốc hội là cơ quan thực hiện quyền lập pháp ở nước ta. Hơn nữa, thẩm quyền này của Quốc hội càng trở nên lớn hơn khi mà Quốc hội vừa làm luật và vừa giám sát, quyết định về việc liệu một đạo luật do Quốc hội ban hành có phù hợp với Hiến pháp hay không. Ngoài ra, khác với “quyền được bảo đảm an sinh xã hội”, nội dung của “quyền được sống trong môi trường trong lành” được pháp luật bảo vệ rộng hay hẹp còn phụ thuộc vào trình độ phát triển của khoa học kỹ thuật, vì việc đánh giá mức độ ô nhiễm môi trường, suy thoái môi trường ngày nay không thể dựa vào cảm nhận của con người mà phải dựa vào các thiết bị kỹ thuật đo mức độ ô nhiễm môi trường, suy thoái môi trường.
- Về việc thực hiện quyền được sống trong môi trường trong lành
Việc thực hiện “quyền được sống trong môi trường trong lành” có những thuận lợi sau đây:
Một là, Hiến pháp năm 2013 đã xác định mục tiêu “mọi người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện[30]. Đây là mục tiêu mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta đang phấn đấu thực hiện. Mọi người sẽ không thể có cuộc sống “hạnh phúc”, không thể “có điều kiện phát triển toàn diện” nếu không “được sống trong môi trường trong lành”. Vì vậy, việc thực hiện “quyền được sống trong môi trường trong lành” cũng nhằm góp phần thực hiện mục tiêu cao cả này. 
Hai là, việc thực hiện “quyền được sống trong môi trường trong lành” còn góp phần thực hiện cam kết của Việt Nam về thực hiện mục tiêu đảm bảo bền vững môi trường là một trong các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ (MDG) và các Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc (SDGs). Điều này cho thấy, việc bảo đảm “quyền được sống trong môi trường trong lành” không chỉ nhằm đáp ứng nhu cầu nội tại trong nước mà còn phù hợp với xu thế phát triển ở các nước trên thế giới trong lĩnh vực môi trường.
Bốn là, mặc dù “quyền được sống trong môi trường trong lành” mới được ghi nhận trong Hiến pháp năm 2013, nhưng trên thực tế những năm qua, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực thực hiện nhiều công việc, trong đó có việc xây dựng hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường nhằm thiết lập cơ sở pháp lý để bảo đảm bền vững môi trường, góp phần bảo đảm cho mọi người được sống trong môi trường trong lành[31] và đã đạt được những kết quả nhất định[32].
Bên cạnh những thuận lợi cơ bản nêu trên, việc thực hiện quyền được sống trong môi trường trong lành cũng gặp phải những khó khăn, hạn chế chính sau đây:
 Một là, việc hiến định “quyền được sống trong môi trường trong lành” có thể khơi dậy sự mong đợi của mọi người về môi trường sống trong lành. Tuy nhiên, Nhà nước lại chỉ có thể bảo đảm thực hiện “quyền được sống trong môi trường trong lành” của mọi người trong khả năng nguồn lực hiện có của Nhà nước và trình độ phát triển của khoa học kỹ thuật cho phép. Ngoài ra, còn có sự xung đột giữa mục tiêu phát triển kinh tế và mục tiêu bảo vệ môi trường; biến đổi khí hậu, thiên tai, v.v.. Vì vậy, Nhà nước sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc bảo đảm thực hiện “quyền được sống trong môi trường trong lành” của mọi người.
Hai là, ranh giới giữa vi phạm hay không vi phạm “quyền được sống trong môi trường trong lành” để có thể khởi kiện là rất khó xác định. Sự thiếu cụ thể về nội dung và chủ thể có nghĩa vụ bảo đảm thực hiện quyền này trong Hiến pháp năm 2013 cũng làm cho việc thực hiện “quyền được sống trong môi trường trong lành” trở nên khó khăn[33].
Ba là, “Mọi người có quyền được sống trong môi trường trong lành” đã được Hiến pháp năm 2013 ghi nhận, nhưng Hiến pháp năm 2013 lại thiếu các quy định về cơ chế phán quyết hành vi vi phạm quyền này. Việt Nam hiện chưa có cơ quan bảo hiến độc lập để phán quyết các hành vi vi hiến, thiếu cơ chế kiểm soát và đối trọng của cơ quan thực hiện quyền tư pháp đối với lập pháp và hành pháp trong việc thực hiện “quyền được sống trong môi trường trong lành” của mọi người; “quyền được sống trong môi trường trong lành” của mọi người trong Hiến pháp năm 2013 không thể có hiệu lực trực tiếp. Điều này có thể làm suy giảm lòng tin của người dân vào hiệu lực của Hiến pháp năm 2013. Đây cũng là một trong những hạn chế trong việc bảo đảm thực hiện “quyền được sống trong môi trường trong lành” cho mọi người.
Bốn là, mặc dù Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đã có nhiều cố gắng trong việc bảo vệ môi trường, nhưng theo kết quả nghiên cứu thường niên về môi trường “The Environmental Performance Index” năm 2012 (EPI 2012) do Trường Đại học Yale và Columbia Hoa Kỳ thực hiện và công bố tại Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) ở Davos của Thụy Sĩ thì Việt Nam cũng chỉ xếp thứ 79/132 trong đánh giá tổng thể môi trường. Điều đáng quan ngại là Việt Nam nằm trong số 10 quốc gia có không khí ô nhiễm nhất thế giới (xếp thứ 123/132). Về gánh nặng bệnh tật do môi trường, Việt Nam đứng ở vị trí 77/132. Đối với chỉ số nguồn nước ảnh hưởng tới sức khoẻ, Việt Nam được xếp ở vị trí 80/132[34]. Bên cạnh các “ô nhiễm môi trường cũ” (ô nhiễm môi trường do các chủ thể gây ra trước đây và hiện nay có thể các chủ thể này không còn tồn tại)[35] thì danh sách số vụ gây ô nhiễm môi trường được biết đến ngày càng dài[36]. Ô nhiễm môi trường không chỉ do các khu công nghiệp và các làng nghề gây ra mà còn ô nhiễm về nước thải, rác thải sinh hoạt, rác thải y tế, không khí, tiếng ồn... ở mức báo động tại các đô thị lớn[37]. Trước thực trạng này thì Nhà nước rất khó thực hiện tốt nghĩa vụ bảo đảm thực hiện “quyền được sống trong môi trường trong lành” cho mọi người.
3- Một số kiến nghị
Để phát huy những thuận lợi và khắc phục những khó khăn, hạn chế nêu trên, theo hướng xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân, chúng tôi xin có một số kiến nghị sau:
Một là, trong khuôn khổ Hiến pháp năm 2013, Nhà nước ta cần tiếp tục cố gắng phấn đấu bảo đảm cho công dân thực hiện “quyền được bảo đảm an sinh xã hội” và bảo đảm cho mọi người thực hiện “quyền được sống trong môi trường trong lành” trong điều kiện nguồn lực và trình độ phát triển của khoa học kỹ thuật cho phép.
Hai là, Nhà nước pháp quyền đòi hỏi các quyền con người, quyền công dân đã được hiến định (các quyền cơ bản hiến định) phải có hiệu lực trực tiếp. Điều đó có nghĩa là các cơ quan nhà nước phải tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm thực hiện các quyền cơ bản hiến định; khi quyền cơ bản hiến định bị vi phạm thì chủ thể của quyền hiến định này có thể khởi kiện yêu cầu phán quyết hành vi vi hiến. Khác với các quyền cơ bản hiến định, các mục tiêu của Nhà nước trong nhà nước pháp quyền thường chỉ có thể được Nhà nước bảo đảm thực hiện trong khả năng nguồn lực hiện có và điều kiện cho phép. Chính vì vậy, về lâu dài, khi có điều kiện sửa đổi Hiến pháp năm 2013 thì cần sửa đổi quyền của công dân “được bảo đảm an sinh xã hội” và quyền của mọi người “được sống trong môi trường trong lành” thành các mục tiêu của Nhà nước và đồng thời, cần thiết lập cơ chế phán quyết về các hành vi vi phạm quyền cơ bản hiến định nhằm bảo đảm cho các quyền này có thể có hiệu lực trực tiếp./.
 

 
[1] Khoản 2 Điều 59 Hiến pháp năm 2013.
[2] Khoản 3 Điều 59 Hiến pháp năm 2013.
[3] Khoản 1 Điều 58 Hiến pháp năm 2013.
[4] Khoản 3 Điều 60 Hiến pháp năm 2013.
[5] Khoản 2 Điều 58 Hiến pháp năm 2013.
[6] TS. Mạc Tiến Anh, Khái luận chung về an sinh xã hội, http://thongtinphapluatdansu.wordpress.com.
[7] TS. Mạc Tiến Anh, Khái luận chung về an sinh xã hội, http://thongtinphapluatdansu.wordpress.com.
[8] Xem An sinh xã hội, http://vi.wikipedia.org/wiki/An_sinh_x%C3%A3_h%E1%BB%99i.
[9] Xem Khái niệm an sinh xã hội, http://khcn.molisa.gov.vn/books/BooklettiengVIETlayout_16-12.pdf.
[10] Lời nói đầu và Điều 3 Hiến pháp năm 2013.
[11] Điều 3 Hiến pháp năm 2013.
[12]Allgemeine Erklärung der Menschenrechte, http://www.un.org/depts/german/menschenrechte/aemr.pdf.
 
[14] Xem TS. Lương Minh Tuân, Wirtschaftsverfassungsrecht im Wandel – Zugleich ein Beitrag zum Verfassungswandel, Perter Lang GmbH, Frankfurt am Main, Berlin, Bern, New York. Paris, Wien, 1999, S. 183 ff.
[15] Xem TS. Lương Minh Tuân, Sđd, S. 184 ff.
[16] Theo ông Trần Đình Liệu thì nhiều chủ doanh nghiệp vẫn trích phí bảo hiểm khi trả lương cho người lao động nhưng lại trốn đóng, chiếm dụng. Ước số thu Quỹ "thất thu" ở đây vào khoảng 56.000 tỷ đồng/năm. Tính tới tháng 4/2014, Quỹ Bảo hiểm xã hội đang bị nợ tới 11.000 tỷ đồng. Trong đó, có khoảng 7.400 tỷ đồng là nợ bảo hiểm xã hội, 500 tỷ đồng là nợ bảo hiểm thất nghiệp và 3.100 tỷ đồng là nợ bảo hiểm y tế. Xem http://vietnamnet.vn/vn/kinh-te/174458/vo-quy-bao-hiem--nhung-bao-dong-dang-so-.html.
[17] Xem Quỹ Bảo hiểm xã hội: Coi như mất trắng 1.052 tỉ đồng!, trên http://laodong.com.vn/xa-hoi/quy-bao-hiem-xa-hoi-coi-nhu-mat-trang-1052-ti-dong-195943.bld.
[18]Điều đáng buồn là thu nhập trung bình của Việt Nam đang thấp hơn rất nhiều nước, chưa đến 2.000 USD/người/năm; dân số Việt Nam bắt đầu già hoá với tỷ lệ 7%; năng suất lao động của Việt Nam còn giảm dần và thấp nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Trong khi đó, tỷ lệ nghĩa vụ trả nợ công đang ngày càng tăng. Xem Phạm Huyền, Nợ công Việt Nam từ một cái nhìn khắt khe hơn, http://vietnamnet.vn/vn/kinh-te/207172/no-cong-viet-nam-tu-mot-cai-nhin-khat-khe-hon.html.
[19] Điều 43 Hiến pháp năm 2013.
[20] Xem http://vi.wikipedia.org/wiki/M%E1%BA%A5t_m%C3%B4i_tr%C6%B0%E1%BB%9Dng_s%E1%BB%91.
[21] Khoản 1 Điều 63 Hiến pháp năm 2013.
[22] Khoản 2 Điều 63 Hiến pháp năm 2013.
[23] Khoản 3 Điều 63 Hiến pháp năm 2013.
[24] Từ điển Bách khoa Việt Nam, Tập 2, Nxb. Từ điển Bách khoa, Hà Nội, 2002, tr. 940.
[25] Điểm 1 Điều 3 Luật bảo vệ môi trường năm 2014.
[26] Điểm 3 Điều 3 Luật bảo vệ môi trường năm 2014.
[27] Điểm 8 Điều 3 Luật bảo vệ môi trường năm 2014.
[28] Điểm 9 Điều 3 Luật bảo vệ môi trường năm 2014.
[29] Điểm 10 Điều 3 Luật bảo vệ môi trường năm 2014.
[30] Điều 3 Hiến pháp năm 2013.
[31] Luật Bảo vệ môi trường năm 2005 đã được thay thế bằng Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 có hiệu lực từ ngày 01/01/2015; Nghị định số 18/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 của Chính phủ quy định về quy hoạch bảo vệ môi trường, đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường; Nghị định số 19/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường năm 2014; Quyết định số 1216/QĐ-TTg ngày 5/9/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Quyết định số 1250/QĐ-TTg ngày 31/7/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Quyết định số 45/QĐ-TTg ngày 8/01/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể bảo tồn đa dạng sinh học của cả nước đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; v.v.. Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia về khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường giai đoạn 2011-2015; Kế hoạch xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
[32] Xem Bộ Tài nguyên và Môi trường, Kết quả thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ (MDGs) và khả năng thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường, Hội thảo “Từ các mục tiêu thiên niên kỷ 2000-2015 đến các mục tiêu phát triển bền vững sau 2015: Vai trò của nghị viện” do Viện Nghiên cứu Lập pháp thuộc Ủy ban thường vụ Quốc hội tổ chức tại Hà Nội, ngày 17/3/2015.
[33]Xem TS. Lương Minh Tuân, Wirtschaftsverfassungsrecht im Wandel – Zugleich ein Beitrag zum Verfassungswandel, Perter Lang GmbH, Frankfurt am Main, Berlin, Bern, New York. Paris, Wien, 1999, S. 183 ff.
[34] Xem An Bình (tổng hợp), Việt Nam nằm trong 10 nước không khí ô nhiễm nhất thế giới, trên http://dantri.com.vn/the-gioi/viet-nam-nam-trong-10-nuoc-khong-khi-o-nhiem-nhat-the-gioi-562667.htm.
[35]Ví dụ như Nhiều trường học ở Thanh Hóa vẫn nằm trên kho thuốc trừ sâu. Xem Duy Tuyên, http://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/thanh-hoa-nhieu-truong-hoc-van-nam-tren-kho-thuoc-tru-sau-1018509.htm.
[36]Ví dụ như Tồn lưu một hàm lượng lớn gấp nhiều lần cho phép các loại hoá chất độc, kim loại nặng từ thuốc trừ sâu trong đất, nước và nông sản tại Tây Ninh, Long An, Trà Vinh và một số vùng ngoại thành ở TP. Hồ Chí Minh, xem http://vietbao.vn/Khoa-hoc/O-nhiem-thuoc-tru-sau-o-nguon-nuoc-ngam/20172060/188/; Vụ ô nhiễm nhiệt điện ở Bình Thuận, http://vietnamnet.vn/vn/kinh-te/233698/kiem-diem-nghiem-khac-vu-o-nhiem-nhiet-dien-o-binh-thuan.html; xem Ngô Thu Hương, Nhiều doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, http://stnmt.thanhhoa.gov.vn/home/view/?nid=Nhieu_doanh_nghiep_gay_o_nhiem_moi_truong_nghiem_trong&gid=192&l=vi; v.v..
[37] Xem http://www.bienphongvietnam.vn/cong-tac-bien-phong/54-tai-nguyen-moi-trng-/1036-dd.html.

(Nguồn tin: Bài viết đăng tải trên ấn phẩm Nghiên cứu lập pháp số 11(291)-tháng 6/2015)