Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát và cơ hội tham gia của Quốc hội

01/06/2015

Constance Hybsier

I. Giới thiệu về cơ chế rà soát định kỳ phổ quát
Cơ chế rà soát/kiểm điểm định kỳ phổ quát (UPR) được Đại hội đồng Liên hợp quốc lập ra năm 2006 và là quá trình đánh giá tình hình nhân quyền của tất cả các thành viên Liên hợp quốc (LHQ). Trong quá trình kiểm điểm định kỳ, các quốc gia thông báo về việc mình đang tôn trọng, thúc đẩy và bảo vệ quyền con người và cải thiện tình hình nhân quyền ở đất nước mình như thế nào. Thông qua cơ chế kiểm điểm định kỳ, các quốc gia được nhắc nhở về các nghĩa vụ và trách nhiệm về quyền con người của mình. Do đó, mục đích cuối cùng của cơ chế kiểm điểm định kỳ là cải thiện tình hình nhân quyền ở tất cả các quốc gia và xử lý tình trạng vi phạm nhân quyền ở bất cứ đâu diễn ra tình trạng đó.
Việc rà soát định kỳ được căn cứ vào đâu?
Việc rà soát được căn cứ trên các tài liệu đã được chuẩn bị và trình khoảng 6 tháng trước khi bắt đầu quá trình rà soát.
 Những tài liệu này bao gồm:
a) Một bản báo cáo quốc gia do chính phủ chuẩn bị;
b) Một bản báo cáo do LHQ soạn thảo căn cứ trên báo cáo của các cơ quan của các Công ước, của các Báo cáo viên đặc biệt và thông tin mà các Nhóm công tác của LHQ đặt tại các quốc gia, ví dụ như các cơ quan của LHQ đang làm việc tại quốc gia được kiểm điểm cung cấp.
c) Các báo cáo của các bên liên quan khác như các tổ chức xã hội dân sự và các tổ chức nhân quyền quốc gia.
Ai thực hiện việc rà soát?
Việc kiểm điểm được một Nhóm công tác UPR bao gồm 47 thành viên Hội đồng nhân quyền chỉ đạo. Tuy nhiên, tất cả các quốc gia thành viên LHQ có thể tham gia quá trình thảo luận/đối thoại với quốc gia được đánh giá. Việc đánh giá đối với mỗi quốc gia được hỗ trợ bởi một nhóm ba nước khác được gọi là “troikas” đóng vai trò là các báo cáo viên. Việc lựa chọn troikas cho mỗi quốc gia được đánh giá được thực hiện thông qua việc bắt thăm, sau khi Đại hội đồng đã bầu các thành viên của Hội đồng Nhân quyền. Troika đối với Việt Nam trong năm 2014 là ba nước: Costa Rica, Kazakhstan và Kenya.
Việc rà soát được thực hiện như thế nào?
Việc rà soát bắt đầu bằng việc các nước trình bày báo cáo quốc gia của mình để các quốc gia khác bình luận hoặc đưa ra khuyến nghị. Những thảo luận này sẽ được tóm tắt trong báo cáo của Nhóm Công tác, thực tế là do troika chuẩn bị có sự tham gia của quốc gia được đánh giá.
Trước khi báo cáo của Nhóm Công tác được thông qua tại phiên họp toàn thể của Hội đồng Nhân quyền, quốc gia được đánh giá sẽ nêu lên những khuyến nghị nào nhận được trong quá trình rà soát mà quốc gia này chấp nhận hoặc phản đối khi trả lời các vấn đề hoặc câu hỏi được nêu ra. Các tổ chức xã hội dân sự cũng có thể bình luận về kết quả của quá trình rà soát.
Sau kiểm điểm là gì?
Sau khi báo cáo được thông qua, các quốc gia có trách nhiệm thực hiện những khuyến nghị nhận được và báo cáo về tiến độ thực hiện những khuyến nghị này tại lần kiểm điểm định kỳ 4 năm sau.
Khung thời gian kiểm điểm UPR
Mỗi quốc gia sẽ được kiểm điểm bốn năm một lần. Việt Nam đã được kiểm điểm trong các năm 2009 và 2014[1].
Các đường link hữu ích
Viet Nam UPR 1st cycle (2009)
http://www.ohchr.org/EN/HRBodies/UPR/Pages/VNSession5.aspx
Vietnam UPR 2nd cycle (2014): http://www.ohchr.org/EN/HRBodies/UPR/Pages/VNSession18.aspx
II. Những cách thức mà nghị viện có thể tham gia quá trình UPR
Trước hết, điều quan trọng cần ghi nhận là trách nhiệm chính trong việc tiếp tục các kiểm điểm UPR và các khuyến nghị nhận được là của các chính phủ quốc gia. Các chính phủ chủ trì việc thực hiện các khuyến nghị và ở lần kiểm điểm UPR tiếp theo sẽ được yêu cầu cung cấp thông tin về việc quốc gia đã thực hiện như thế nào.
Như được nêu tóm tắt trong Nghị quyết 5/1 về UPR của LHQ, các bên có liên quan khác cũng một phần chịu trách nhiệm về việc thực hiện các kết quả của quá trình kiểm điểm. Trên cơ sở các chức năng đại diện, lập pháp và giám sát của nghị viện, các nghị sĩ và toàn thể nghị viện đóng vai trò quan trọng trong quá trình UPR.
UPR chỉ là một quá trình được lặp lại 4 năm một lần. Tuy nhiên, quá trình kiểm điểm được tiếp nối với nhau và những hành động được thực hiện trong giai đoạn giữa hai kỳ kiểm điểm là rất quan trọng.
Trước khi UPR diễn ra
UPR được thực hiện dựa trên các tài liệu khác nhau là báo cáo quốc gia, một báo cáo của LHQ và các tài liệu do các bên liên quan khác (không phải là nhà nước) đệ trình. Các báo cáo quốc gia mang tính toàn diện, cung cấp thông tin, dữ liệu và các phân tích về nhiều loại quyền khác nhau. Khi soạn thảo báo cáo quốc gia, các Bộ có liên quan đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp các thông tin và dữ liệu đầu vào. Các bản báo cáo này thường được dự thảo qua nhiều phiên bản khác nhau trước khi được hoàn thiện và gửi tới Hội đồng Nhân quyền. Tại nhiều nước, bản dự thảo báo cáo được chia sẻ với các tổ chức xã hội dân sự và nghị viện để đọc trước và bình luận. Đây là dịp tốt để nghị viện tham gia sớm vào quá trình UPR và giám sát chính phủ về các vấn đề nhân quyền cũng như việc chính phủ đã thực hiện các nghĩa vụ của mình như thế nào.
Khuyến nghị:
Þ    Thông báo cho chính phủ/cơ quan điều phối việc chuẩn bị báo cáo rằng Quốc hội muốn tham gia vào quá trình kiểm điểm. Điều này giúp chính phủ biết trước và lên kế hoạch phù hợp (ví dụ như Ủy ban Đối ngoại có thể giúp Quốc hội làm việc này).
Þ    Yêu cầu cung cấp sớm bản dự thảo Báo cáo quốc gia và cung cấp thêm thông tin đầu vào, các bình luận và gợi ý cho dự thảo (tất cả các ủy ban của Quốc hội).
Þ    Đóng vai trò cầu nối tới xã hội dân sự và khuyến khích sự tham gia sâu của các tổ chức xã hội dân sự, kể cả các phương tiện truyền thông trong quá trình kiểm điểm UPR. Tổ chức, triệu tập các cuộc họp và tạo cơ sở cho xã hội dân sự tham gia quá trình UPR (ví dụ Hội đồng Dân tộc, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng, Ủy ban về Các vấn đề xã hội, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường).
Þ   

Trước kỳ kiểm điểm, một liên minh gồm các tổ chức phi chính phủ Malaysia (COMANGO) đã xây dựng một báo cáo phân tích tình hình nhân quyền tại Malaysia và trình lên Hội đồng Nhân quyền để hỗ trợ cho quá trình kiểm điểm tình hình nhân quyền Malaysia. Các nghị sĩ Malaysia đã tham gia các cuộc đối thoại và thảo luận với COMANGO và nghe liên minh trình bày về tình hình nhân quyền của Malaysia và quá trình thực hiện UPR.

 
Tiểu ban về người bản địa của Nghị viện Phi-líp-pin đã triệu tập các cơ quan quốc gia về nhân quyền như Ủy ban Nhân quyền và các tổ chức xã hội dân sự trong lĩnh vực quyền của người bản địa. Diễn đàn này là cơ sở để các cơ quan về nhân quyền tham gia và theo dõi việc thực hiện các khuyến nghị liên quan đến quyền của người bản địa.
 

Thực hiện các hoạt động đào tạo cho các nghị sĩ về UPR - mục tiêu, quá trình thực hiện, để nâng cao nhận thức và tăng cường sự tham gia của các nghị sĩ và cả cấp địa phương. Hoạt động đào tạo có thể bao gồm các chủ đề chung về quyền con người, chẳng hạn như các công ước về quyền con người, các nghĩa vụ liên quan đến việc phê chuẩn các công ước này (Ủy ban Đối ngoại).

Trong quá trình thực hiện UPR

Hiện tại các nghị sĩ không thể phát biểu hay bình luận trong phiên kiểm điểm mà chỉ có đại diện chính phủ và các tổ chức xã hội dân sự đủ điều kiện mới được phép phát biểu. Các nghị sĩ có thể theo dõi việc kiểm điểm với tư cách quan sát viên và nghị sĩ của một số nước đã tận dụng tốt cơ hội này. Thông qua việc tham gia đoàn đại biểu chính phủ tới Giơ-ne-vơ, các nghị sĩ không chỉ có thể theo dõi trực tiếp phiên kiểm điểm quốc gia mình mà còn có thể theo dõi việc kiểm điểm của quốc gia khác (thông thường có nhiều hơn một quốc gia được đánh giá/kiểm điểm trong một ngày) để có thể có những so sánh. Hơn nữa, các nghị sĩ có thêm cơ hội để kết nối với đại diện của các thành viên LHQ, các cơ quan LHQ, các tổ chức xã hội dân sự và có thể là cả các nghị sĩ khác nữa. Nếu các nghị sĩ không thể tham gia đoàn đại biểu tới Giơ-ne-vơ, họ có thể theo dõi trực tiếp qua website (hoặc xem sau qua website).

Khuyến nghị:
Þ    Tham gia đoàn đại biểu của chính phủ và theo dõi phiên đánh giá tại Giơ-ne-vơ (ví dụ thành viên của tất cả các ủy ban, đặc biệt là Hội đồng Dân tộc, Ủy ban Tư pháp, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng, Ủy ban về các vấn đề xã hội, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường).
Þ    Xem các phiên đánh giá trực tiếp qua trang web (http://webtv.un.org)

Quốc hội Đứcđã thông báo cho Chính phủ về việc Quốc hội quan tâm tham gia quá trình đánh giá UPR và việc chuẩn bị báo cáo quốc gia. Thông tin này dẫn tới một hướng tiếp cận mang tính tự phê phán hơn của Chính phủ. Thêm vào đó, một đoàn đại biểu của Quốc hội Đức đã theo dõi phiên đánh giá tại Giơ-ne-vơ và thông tin cho các nghị sĩ khác sau chuyến đi của họ. Sự tham gia chặt chẽ của các nghị sĩ trong quá trình đánh giá cũng có nghĩa rằng các nghị sĩ theo dõi sát sao những nỗ lực của Chính phủ trong việc thực hiện các khuyến nghị UPR.

Sau quá trình đánh giá UPR

Một thời điểm quan trọng để các nghị sĩ tham gia quá trình UPR là sau khi diễn ra phiên đánh giá, sau khi chính phủ công bố đã chấp nhận hoặc không chấp nhận những khuyến nghị nào đó.

           

Trong phiên đánh giá UPR năm 2014, Việt Nam đã chấp nhận 182 khuyến nghị và không chấp nhận 45 khuyến nghị.

Trong nhiều trường hợp, các khuyến nghị có liên quan chặt chẽ tới hoạt động lập pháp và liên quan đến việc sửa đổi các đạo luật hiện có hoặc phê chuẩn các điều ước quốc tế mới. Một cách tự nhiên, những khuyến nghị này đòi hỏi sự tham gia mạnh mẽ của nghị viện. Hơn nữa, qua chức năng giám sát của mình, nghị viện đóng vai trò quan trọng đối với việc thực hiện các khuyến nghị đồng thời bảo đảm rằng chính phủ đang đi đúng hướng trong việc thực hiện các cam kết nhân quyền của mình.

Khuyến nghị:

Þ    Thực hiện đánh giá đối với các khuyến nghị được chấp nhận và lọc ra những khuyến nghị có liên quan trực tiếp tới chức năng làm luật của Quốc hội như thông qua các luật mới, sửa các luật hiện hành và bổ sung chúng vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội (Ví dụ: Ủy ban Đối ngoại, Ủy ban Tư pháp).
Þ    Thực hiện các đánh giá đối với các khuyến nghị ‘không được chấp nhận” và xem xét liệu có yếu tố nào của các khuyến nghị này vẫn còn phù hợp; và tham gia các cuộc thảo luận với chính phủ về việc những yếu tố này của các khuyến nghị không được chấp nhận vẫn có thể được thực hiện như thế nào (tất cả các ủy ban của Quốc hội).
 
Þ    Đưa những thông tin về sự tham gia của Quốc hội cùng với Chính phủ trong quá trình đánh giá UPR và thực hiện những khuyến nghị UPR (từ góc độ chức năng lập pháp và giám sát cơ quan hành pháp) vào các báo cáo định kỳ của Quốc hội và bảo đảm rằng sự tham gia này được phổ biến tới công chúng qua trang web chính thức của Quốc hội (Ví dụ: Ủy ban Đối ngoại, Ủy ban Tư pháp).
Þ    Thông qua các Ủy ban của Quốc hội, tổ chức các phiên lắng nghe ý kiến công chúng/giải trình về UPR và nhấn mạnh những nghĩa vụ nhân quyền của Chính phủ và các cơ quan có trách nhiệm khác (thành viên của tất cả các Ủy ban, đặc biệt là Hội đồng Dân tộc, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng, Ủy ban về Các vấn đề xã hội, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường).
Þ    Thông qua các Ủy ban phù hợp của Quốc hội, xem xét các khuyến nghị UPR và các bình luận nhận được từ các cơ quan của các điều ước về nhân quyền trước khi thông qua ngân sách quốc gia (Ủy ban Tài chính - Ngân sách, Hội đồng Dân tộc, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng, Ủy ban về Các vấn đề xã hội, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường).
Þ    Thúc giục chính phủ xây dựng Kế hoạch hành động tiếp theo các kết quả UPR, trong đó nêu khái quát các khuyến nghị UPR sẽ được thực hiện như thế nào trong bốn năm tới, do ai chủ trì thực hiện, với mục tiêu gì và ngân sách bao nhiêu. Cung cấp thông tin đầu vào cho Kế hoạch hành động và thúc đẩy sự tham gia của các tổ chức xã hội dân sự trong việc xây dựng và thực hiện Kế hoạch hành động (Ví dụ: Ủy ban Đối ngoại, tất cả các ủy ban).
Þ    Chủ trương thực hiện đánh giá giữa kỳ UPR. Việc đánh giá sau hai năm sẽ giúp xác định phạm vi mà các khuyến nghị đã được thực hiện và khuyến nghị nào cần được thực hiện một cách thích đáng hơn. Trong bối cảnh đó, tri thức và kinh nghiệm của các tổ chức xã hội dân sự và công dân là rất quý giá. Do đó, các nghị sĩ cần thu hút các nguồn tri thức phi chính phủ cũng như thông qua các cuộc tiếp xúc cử tri để hiểu rõ hơn về việc các khuyến nghị đã được thực hiện như thế nào (Ví dụ: Ủy ban Đối ngoại).
Þ    Xem xét thành lập một Ủy ban (hoặc tiểu ban) nhân quyền trong Quốc hội, là cơ quan không chỉ tư vấn mà còn hướng dẫn các nghị sĩ về các vấn đề nhân quyền và nhắc nhở các cơ quan chính phủ về các nghĩa vụ quốc gia và quốc tế cũng như nghĩa vụ thúc đẩy và bảo vệ quyền con người; giúp Quốc hội thực hiện các quyền lập pháp trong lĩnh vực quyền con người (tất cả các Ủy ban do Chủ tịch Quốc hội chỉ đạo).
 
Þ    Thông qua các chương trình hỗ trợ kỹ thuật và nâng cao năng lực của LHQ và Liên minh Nghị viện thế giới để tiếp cận tri thức trong lĩnh vực quyền con người, UPR và nghị viện; trao đổi với nghị sĩ các nước khác thông qua các diễn đàn AIPA (Ví dụ: Ủy ban Đối ngoại).

Sau cuộc đánh giá UPR năm 2011, Chính phủ Úc đã tuyên bố rằng sẽ trình những khuyến nghị nhận được từ phiên đánh giá và các bình luận của các cơ quan của các Công ước ra trước Quốc hội để thảo luận. Dự thảo báo cáo của Nhóm công tác cũng đã được chia sẻ để các nghị sĩ thảo luận.

 
Tại Nê-pan, sau cuộc đánh giá UPR, Viện Nhân quyền Quốc gia đã xây dựng một lộ trình UPR, một khuôn khổ toàn diện cho việc thực hiện các khuyến nghị UPR. Lộ trình này, cùng với các yếu tố khác, liệt kê ra những hành động cụ thể cần được các nghị sĩ thực hiện để đáp ứng các khuyến nghị UPR. 
 
Vương quốc Anh đã thành lập Ủy ban chung về Nhân quyền bao gồm các nghị sĩ từ cả Thượng viện và Hạ viện. Trách nhiệm chính của Ủy ban là tiến hành các yêu cầu mang tính chuyên đề về các vấn đề nhân quyền và đưa ra các khuyến nghị. Ủy ban cũng thẩm tra các dự luật có tác động về nhân quyền quan trọng.
 

Kết luận

Rõ ràng các nghị viện đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy và bảo vệ quyền con người. Sự tham gia của họ không chỉ giới hạn trong quá trình đánh giá UPR mà cần được thực hiện liên tục ở các cấp độ khác nhau. Vai trò lập pháp của nghị viện là thiết yếu trong việc xây dựng và thông qua những luật mới thúc đẩy quyền con người. Song quyền con người cũng cần được lồng ghép vào các chức năng đại diện và giám sát của nghị viện cũng như trong quá trình lập ngân sách quốc gia. Điều kiện tiên quyết trong bối cảnh này là các nghị sĩ hiểu biết về quyền con người nói chung và đặc biệt là các nghĩa vụ quốc gia và quốc tế của đất nước mình./.



[1] Năm 2014, Việt Nam đã trình báo cáo quốc gia của mình vào tháng 2. Kết quả của báo cáo của Việt Nam đã được thông qua vào tháng 6/2014.
 

(Nguồn tin: Bài viết đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu lập pháp số 11(291), tháng 6/2015)


Ý kiến bạn đọc