Đề xuất sửa đổi Bộ luật Dân sự năm 2005 về hợp đồng

01/06/2015

THÂN VĂN TÀI

Trường Đại học Luật, Đại học Huế

Bài viết phân tích, đánh giá ba vấn đề trong các quy định của Bộ luật Dân sự năm 2005 (BLDS 2005) về: việc quy định chủ thể có năng lực hành vi dân sự là một trong các điều kiện có hiệu lực của hợp đồng; việc xác định năng lực hành vi dân sự của chủ thể; và quan hệ giữa “vi phạm về hình thức của hợp đồng” là hiệu lực của hợp đồng. Từ đó đề xuất hướng xây dựng và hoàn thiện Dự thảo BLDS (sửa đổi). 
Untitled_231.png
Ảnh minh họa: (Nguồn internet)
1. Một số hạn chế của Bộ luật Dân sự năm 2005 về hợp đồng
Thứ nhất, sự thiếu vắng năng lực pháp luật trong việc xác định điều kiện có hiệu lực của hợp đồng
Điều 122 của BLDS 2005 quy định điều kiện về năng lực chủ thể tham gia giao dịch dân sự phải là người “có năng lực hành vi dân sự”[1]. Và, Điều 17 Bộ luật này quy định “năng lực hành vi dân sự của cá nhân là khả năng của cá nhân bằng hành vi của mình xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự”. Như vậy, có thể thấy, năng lực hành vi dân sự của cá nhân chính là khả năng trên thực tế của chủ thể có thể thực hiện được các quyền và nghĩa vụ pháp lý nhất định. Khả năng này thuộc yếu tố chủ quan, tự thân bên trong của chủ thể, chưa bao hàm việc pháp luật có cho phép thực hiện các quyền và bắt buộc thực hiện các nghĩa vụ đó hay không. Năng lực này được phản ánh qua hai yếu tố: i) khả năng nhận thức và ii) khả năng điều khiển hành vi (của một người nào đó). Như vậy, chủ thể phải có đủ khả năng để nhận thức về hành vi của mình, hành vi đó mang lại lợi ích gì cho mình, cho người khác và xã hội, có gây nguy hiểm cho xã hội hay không... và có khả năng điều khiển hành vi của mình theo nhận thức đó hay không. Trong thực tế, có thể vì một lý do nào đó, tuy nhận thức được nhưng cá nhân lại không thể thực hiện được hành vi, hoặc không thể điều khiển được hành vi của mình đúng với ý định đó.
Tuy nhiên, Điều 122 BLDS 2005 quy định về điều kiện có hiệu lực của hợp đồng dân sự bao gồm: a) Người tham gia giao dịch có năng lực hành vi dân sự; b) Mục đích và nội dung của giao dịch không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội; c) Người tham gia giao dịch hoàn toàn tự nguyện[2]; d) Hình thức giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch trong trường hợp pháp luật có quy định.
Như vậy, có thể thấy, có những đối tượng có năng lực hành vi dân sự đầy đủ và các điều kiện khác quy định tại Điều 122 BLDS 2005 như mục đích và nội dung của giao dịch không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội và người tham gia giao dịch hoàn toàn tự nguyện[3] thì hợp đồng đó có hiệu lực không?
Chẳng hạn, Ông A là người Việt Nam định cư ở nước ngoài, nay về nước nhận chuyển nhượng 500 mét vuông đất ở của bà B. Ông A không thuộc đối tượng được sở hữu nhà ở[4] tại Việt Nam, cũng không thuộc đối tượng sử dụng đất thông qua các hình thức đầu tư thực hiện các dự án tại Việt Nam. Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất bảo đảm các điều kiện quy định tại điểm b, c khoản 1 và khoản 2 Điều 122. Vậy, hợp đồng trên có hiệu lực không?
Nhìn từ Điều 122 của BLDS năm 2005, có thể kết luận là hợp đồng đó vẫn có hiệu lực pháp luật. Bởi vì, Điều 127 BLDS năm 2005 quy định: Giao dịch dân sự không có một trong các điều kiện được quy định tại Điều 122 của Bộ luật này thì vô hiệu. Do vậy, ở đây không thể cho rằng hợp đồng trên vô hiệu được bởi như đã phân tích, nó có đủ các điều kiện của một giao dịch dân sự có hiệu lực. Ông A hoàn toàn có năng lực hành vi dân sự theo đúng nội dung biểu hiện của nó được quy định trong BLDS 2005: đủ độ tuổi, có khả năng nhận thức hành vi và có khả năng điều khiển hành vi của mình.
Tuy nhiên, nếu hiểu theo cách đó thì các quy định của Luật Đất đai, Luật Nhà ở về quyền và nghĩa vụ của người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài không khác gì so với cá nhân trong nước và vì thế, chúng chẳng khác gì là không hiện diện trong hệ thống pháp luật. Do đó, để Luật Đất đai, Luật Nhà ở “hoàn thành nhiệm vụ”,trong thực tiễn vận dụng, người ta quan niệm hợp đồng này là vô hiệu do ông A không phải là đối tượng có quyền sở hữu nhà ở cũng như không thực hiện các dự án đầu tư theo Luật Đất đai, Luật Nhà ở. Quan niệm này cũng có lý khi cho rằng việc không cho phép người Việt Nam định cư ở nước ngoài cũng như người nước ngoài nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất là đúng với tinh thần của Luật Đất đai trong việc bảo đảm trật tự công cộng.
Có thể thấy, việc hạn chế quyền của cá nhân được thể hiện rõ nét nhất trong quan hệ về đất đai. Tuy nhiên, việc không có quyền sở hữu nhà ở cũng như không có quyền sử dụng đất ở Việt Nam là nội dung của năng lực pháp luật dân sự của cá nhân, không thể cho đó là năng lực hành vi được. Điều 15 của BLDS năm 2005 quy định năng lực pháp luật dân sự gồm: i) Quyền nhân thân không gắn với tài sản và quyền nhân thân gắn với tài sản; ii) Quyền sở hữu, quyền thừa kế và các quyền khác đối với tài sản; iii) Quyền tham gia quan hệ dân sự và có nghĩa vụ phát sinh từ quan hệ đó. Như vậy, ông A có quyền nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, sở hữu nhà ở ở Việt Nam hay không thuộc nội dung thứ iii) của năng lực pháp luật.
Có thể thấy, cách xác định các điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự nói chung và của hợp đồng nói riêng theo quy định tại Điều 122 BLDS năm 2005 là không hợp lý, đang có sự nhầm lẫn, đánh đồng khái niệm với năng lực pháp luật và năng lực hành vi dân sự. Do đó, việc xác định các giao dịch dân sự vô hiệu sẽ gặp các vướng mắc, bất cập trong thực tế.
Thứ hai, bỏ ngỏ cách thức xác định năng lực hành vi dân sự của chủ thể tham gia hợp đồng
Năng lực hành vi dân sự là một điều kiện quan trọng để chủ thể tham gia vào các hợp đồng. Việc pháp luật yêu cầu chủ thể có năng lực hành vi dân sự khi giao kết hợp đồng là hoàn toàn hợp lý. Bởi vì, chỉ khi cá nhân có khả năng nhận thức về việc giao kết hợp đồng thì bản chất của hợp đồng dân sự mới được bảo đảm. Mục đích của quy định này là làm sao cho ý chí được thể hiện vào hợp đồng là ý chí đích thực của chủ thể, không cho phép các yếu tố nào đó làm sai lệch ý chí đó, và sự thỏa thuận của các bên không bị ngừng lại do được giao kết bởi những người không điều khiển được hành vi của mình. Do vậy, BLDS đã quy định năng lực hành vi dân sự là một trong những điều kiện có hiệu lực của hợp đồng, giao dịch[5].
Với mức độ quan trọng như vậy nhưng hiện nay, BLDS quy định chưa rõ ràng về việc nhận diện, xác định năng lực hành vi dân sự của cá nhân để làm cơ sở xác định hiệu lực pháp lý của hợp đồng, giao dịch.
Điều 19 BLDS quy định: “Người thành niên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, trừ trường hợp quy định tại Điều 22 và Điều 23 của Bộ luật này”.
Theo đó, Điều 22 và Điều 23 quy định: "Khi một người do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan, Toà án ra quyết định tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự trên cơ sở kết luận của tổ chức giám định” (khoản 1 Điều 22).
Người nghiện ma tuý, nghiện các chất kích thích khác dẫn đến phá tán tài sản của gia đình thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan, cơ quan, tổ chức hữu quan, Toà án có thể ra quyết định tuyên bố là người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự (khoản Điều 23).
Như vậy, có thể kết luận, việc xác định năng lực hành vi của cá nhân theo quy định trên là sự xác định trên nguyên tắc suy đoán. Cá nhân đủ 18 tuổi là có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, trừ khi đã bị Tòa án cấp có thẩm quyền ra quyết định tuyên bố người đó là mất năng lực hành vi dân sự hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự. Trong thực tế, có trường hợp cá nhân mắc các bệnh tâm thần nhưng chưa có quyết định của Tòa án về việc tuyên bố họ mất hoặc hạn chế năng lực hành vi, khi xác lập các hợp đồng thì có vô hiệu hay không? Nếu theo nguyên tắc suy đoán thì không vô hiệu. Tuy nhiên, cách hiểu đó xét về khía cạnh logic lại mâu thuẫn với nội dung của năng lực hành vi dân sự. Điều 19 BLDS khẳng định, năng lực hành vi dân sự bao gồm khả năng nhận thức và điều khiển hành vi của mình. Trong trường hợp này, cá nhân không hề có khả năng nhận thức và điều khiển hành vi của mình.
Có thể thấy, khiếm khuyết của BLDS nằm ở hai điểm: Thứ nhất, không rạch ròi giữa sự kiện pháp lý mang tính hình thức (Tòa án tuyên bố) với năng lực nhận thức thực tế của chủ thể, lấy sự kiện pháp lý làm cơ sở để chấm dứt hoặc hạn chế năng lực hành vi của chủ thể. Thứ hai, quy định về các trường hợp hợp đồng vô hiệu đã không bao gồm trường hợp cá nhân bị bệnh tâm thần làm mất khả năng nhận thức và điều khiển hành vi của mình xác lập.
Trong thực tế xét xử, khi có yêu cầu, Tòa án đã xác minh tuyên bố người đó mất năng lực hành vi dân sự và Tòa án có cơ sở xác định người đó mất năng lực hành vi dân sự trước khi giao kết hợp đồng thì hợp đồng đó sẽ vô hiệu. Nếu thời điểm mất năng lực hành vi dân sự sau thời điểm giao kết hợp đồng thì hợp đồng vẫn có hiệu lực pháp lý[6]. Ở đây, cách thức giải quyết của Tòa án cần phải xem xét ở hai khía cạnh cụ thể: Một là, tính hợp lý. Có thể thấy, việc xác định hợp đồng này vô hiệu là hoàn toàn hợp lý vì đã xác định được vào thời điểm giao kết hợp đồng, chủ thể đã mất khả năng nhận thức và điều khiển hành vi của mình, do đó, sự ưng thuận đó của chủ thể đã không được thể hiện một cách đích thực. Ở khía cạnh khác, việc Tòa án xác định một người nào đó mất năng lực hành vi dân sự từ một thời điểm trước thời điểm tuyên bố một khoảng thời gian khá lâu như vậy có xung đột với tinh thần của nguyên tắc suy đoán như trên đã nêu hay không?Bởi vì “Người thành niên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, trừ trường hợp quy định tại Điều 22 và Điều 23 của Bộ luật này” có nghĩa là một người mất năng lực hành vi dân sự chỉ khi có quyết định của Tòa án và chỉ kể từ thời điểm có quyết định của Tòa án. Việc Tòa án xác định một cá nhân mất năng lực hành vi dân sự trước thời điểm tuyên bố xuất phát từ cơ sở nào? Theo chúng tôi, rất khó để tìm ra được cơ sở pháp lý phù hợp biện minh cho điều này.
Cùng quan điểm với Tòa án về hướng giải quyết, nhưng chúng tôi cũng cho rằng, điều đó đã cho thấy khiếm khuyết của Điều 19, BLDS năm 2005 vì chưa tạo ra cơ sở pháp lý minh thị để Tòa án (và buộc Tòa án) phải được (phải) xác định người đó mất năng lực hành vi dân sự đúng như trong thực tế nhằm bảo vệ sự trong sáng cho ưng thuận giữa các bên.
Thứ ba, mập mờ trong việc quy định về mối quan hệ giữa vi phạm hình thức hợp đồng và hợp đồng vô hiệu
Điều 401 BLDS 2005 quy định: “hợp đồng dân sự có thể được giao kết bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể, khi pháp luật không quy định loại hợp đồng đó phải được giao kết bằng một hình thức nhất định.
Trong trường hợp pháp luật có quy định hợp đồng phải được thể hiện bằng văn bản có công chứng hoặc chứng thực, phải đăng ký hoặc xin phép thì phải tuân theo các quy định đó”[7].Chẳng hạn, hợp đồng mua bán nhà ở, hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, hợp đồng thế chấp tàu bay tàu biển thì theo quy định của Luật Nhà ở năm 2005, Luật Đất đai năm 2013,... thì các bên phải công chứng và đăng ký.
Tuy nhiên, đoạn 2 khoản 2 Điều này quy định: “Hợp đồng không bị vô hiệu trong trường hợp có vi phạm về hình thức, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác”. Ở đây, vi phạm về mặt hình thức là gì? Theo chúng tôi, khi chưa có những quy định cụ thể của BLDS năm 2005 về khái niệm này thì cách hiểu phổ biến nhất hiện nay đó là vi phạm các quy định của pháp luật về hình thức của hợp đồng. Nói cụ thể hơn là hình thức của hợp đồng không đúng với yêu cầu của pháp luật. Chẳng hạn, hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất không lập thành văn bản hoặc lập thành văn bản mà không công chứng hoặc chứng thực... Như vậy, về nguyên tắc chung, quy định tại đoạn 2 khoản 2 Điều 401, có sự vi phạm về hình thức của hợp đồng không làm cho hợp đồng vô hiệu. Có một ngoại lệ, đó là “trường hợp pháp luật có quy định khác”.Như vậy, nếu pháp luật có quy định khác thì sự vi phạm về hình thức của hợp đồng sẽ làm hợp đồng vô hiệu.
Tuy nhiên, hiểu như thế nào về trường hợp pháp luật có quy định khác là điều quan trọng trong việc xác định hiệu lực của những hợp đồng. Trả lời câu hỏi này hiện có hai quan điểm:
Quan điểm thứ nhất, quy định khác ở đây là Điều 134 BLDS 2005[8]. Có nghĩa là nếu các bên thuộc trường hợp quy định tại Điều 134 “không tuân thủ đúng hình thức của hợp đồng trong một thời gian nhất định” thì hợp đồng vô hiệu. Điều 134 chính là ngoại lệ của khoản 2 Điều 401 của BLDS năm 2005. Nói khác đi, nếu không coi Điều 134 là một ngoại lệ của khoản 2 Điều 401, thì tức là Điều 122 và khoản 2 Điều 401 sẽ mâu thuẫn với nhau[9].
Quan điểm thứ hai cho rằng, Điều 134 BLDS năm 2005 không thể coi là trường hợp ngoại lệ của khoản 2 Điều 401. Theo quan điểm này, nếu áp dụng Điều 134 như một ngoại lệ của khoản 2 Điều 401 BLDS thì bên không tham gia hoàn tất hình thức bắt buộc lại được yêu cầu Toà án tuyên bố hợp đồng vô hiệu và khi đó, Toà án buộc phải tuyên bố hợp đồng vô hiệu. Như vậy, vô hình trung pháp luật đã “tiếp tay” cho bên vi phạm và tạo ra sự bất an toàn pháp lý cho hợp đồng (hợp đồng vẫn bị vô hiệu mặc dù các bên đã thống nhất với nhau về nội dung của hợp đồng)[10].
 Việc tồn tại nhiều quan điểm về một quy định trong BLDS 2005 đã cho thấy sự mập mờ, thiếu minh thị của quy định này, đặt ra yêu cầu cần phải nghiên cứu sửa đổi trong thời gian sắp tới. Ở đây, theo chúng tôi, quan điểm thứ hai hợp lý hơn, sát với nội dung biểu đạt của đoạn 2 khoản 2 Điều 401 hơn so với quan điểm thứ nhất, bởi vì:
- Cách hiểu này hoàn toàn không mâu thuẫn với tinh thần của Điều 122 BLDS năm 2005. Khi pháp luật chuyên ngành quy định “nếu không tuân thủ về mặt hình thức thì hợp đồng vô hiệu” thì Tòa án áp dụng điều kiện về mặt hình thức quy định tại Điều 122 của BLDS năm 2005 để tuyên bố hợp đồng vô hiệu. Còn nếu không có quy định khác quy định như vậy thì hợp đồng đó vẫn được coi là phù hợp với Điều 122. Bởi lẽ như đã nêu trên, BLDS năm 2005 đang toát lên một tinh thần chung rằng “hợp đồng không bị vô hiệu do vi phạm về mặt hình thức”.
- BLDS 2005 khi quy định các bên “phải lập thành văn bản, công chứng, chứng thực” là để tạo ra giá trị chứng cứ cho sự thỏa thuận, không thể xem đó là căn cứ xác định hợp đồng vô hiệu.
Tuy nhiên, trong thực tiễn áp dụng, Tòa án có vẻ đang giải quyết theo hướng quan điểm thứ nhất. Điều này theo chúng tôi cần phải xem xét lại, bởi vì nó cho thấy tác động tiêu cực của quy định này là hoàn toàn không hề nhỏ ở khía cạnh an toàn pháp lý cho một bên nào đó trong hợp đồng ngay cả khi tính thiện chí của họ rất cao khi tham gia vào hợp đồng. Theo Nghị quyết số 01/2003/NQ-HĐTP ngày 16/4/2001 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn giải quyết một số loại tranh chấp dân sự, hôn nhân và gia đình quy định đối với hợp đồng mua bán nhà ở, khi hợp đồng mua bán nhà mà các bên không tuân thủ về mặt hình thức của hợp đồng thì “khi có tranh chấp và theo yêu cầu của một hoặc các bên Toà án ra quyết định buộc một hoặc các bên phải đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong thời hạn một tháng, kể từ ngày Toà án ra quyết định thực hiện các thủ tục để hoàn thiện về hình thức của hợp đồng. Nếu có một bên đương sự vắng mặt thì thời hạn này tính từ ngày bên đương sự vắng mặt nhận được quyết định của Toà án”[11].Tuy nhiên, Nghị quyết này ban hành từ năm 2003, tức là lúc triển khai thi hành BLDS 1995, khi đó, nguyên tắc “hợp đồng dân sự không bị vô hiệu do vi phạm hình thức” chưa được quy định[12]. Như vậy, nếu vẫn giải quyết vấn đề như tinh thần của Nghị quyết thì phải chăng đoạn 2 khoản 2 Điều 401 của BLDS 2005 không có nghĩa?
2. Một số ý kiến hoàn thiện các quy định liên quan đến hợp đồng
Từ sự phân tích trên cho thấy, một số quy định của pháp luật về hợp đồng đang tồn tại những bất cập, hạn chế nhất định. Việc không quy định về năng lực pháp luật với tính cách là một trong các điều kiện có hiệu lực của hợp đồng đã làm cho BLDS năm 2005 rơi vào tình trạng “tiền hậu bất nhất” và giữa Điều 15 và Điều 122, gây ra những vướng mắc trong thực tiễn áp dụng. Bên cạnh đó, quy định tại Điều 19 của Luật đã bộc lộ hạn chế trong việc không cho phép xác định thời điểm mất năng lực hành vi dân sự trước thời điểm Tòa án tuyên bố, trong khi đó, nhu cầu này thực tiễn đang đòi hỏi. BLDS năm 2005 cũng thiếu minh thị trong việc trả lời câu hỏi có hay không một hợp đồng vi phạm các quy định về mặt hình thức làm cho hợp đồng vô hiệu? Do đó, theo chúng tôi, trong lần sửa đổi sắp tới, BLDS cần hoàn thiện theo hướng sau đây:
Một là, bổ sung thêm “năng lực pháp luật dân sự” khi quy định về điều kiện có hiệu lực của một hợp đồng.
Hai là, sửa đổi Điều 19 BLDS năm 2005 “Người thành niên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, trừ trường hợp quy định tại Điều 22 và Điều 23 của Bộ luật này” theo hướng cụ thể hơn để tạo cơ sở cho việc Tòa án có thể xác định một cá nhân là người mất năng lực hành vi ở một thời điểm quá khứ. Như thế mới có cơ sở xác định các hợp đồng do người bị bệnh tâm thần hoặc các bệnh khác làm mất khả năng nhận thức và điều khiển hành vi của mình xác lập sẽ vô hiệu. Điều 19 nên sửa lại là: “Người thành niên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, trừ trường hợp Tòa án nhân dân tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự quy định tại Điều 22 và Điều 23 của Bộ luật này.
Thời điểm mất năng lực hành vi dân sự được xác định theo quyết định của Tòa án nhân dân”.
Ba là, quy định cụ thể hơn đối với mối quan hệ giữa trường hợp hợp đồng vi phạm hình thức và sự vô hiệu của hợp đồng để tránh sự vận dụng đánh đồng. Trong đó, nên quy định theo hướng ghi nhận hình thức của hợp đồng để tạo ra giá trị chứng cứ chứ không quy định nó là một trong những căn cứ có hiệu lực của hợp đồng. Vì về bản chất, các bên đã đạt được sự ưng thuận ngay cả khi nó bị vi phạm về mặt hình thức. Các bên muốn tạo sự an toàn pháp lý cho mình khi tham gia các hợp đồng thì các bên phải lựa chọn hình thức giao kết có giá trị pháp lý cao nhất[13]. Về khía cạnh thực tiễn, các giao dịch về quyền sử dụng đất, nhà ở vi phạm các quy định về mặt hình thức là khá phổ biến. Do đó, nếu tuyên bố các giao dịch đó là vô hiệu thì tạo ra những gánh nặng đáng kể trong việc quản lý nhà nước về đất đai, nhà ở và thậm chí có những người sử dụng đất sẽ không bao giờ có đủ điều kiện về mặt hình thức để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Do đó, theo chúng tôi, nên bỏ cụm từ "trừ trường hợp pháp luật có quy định khác” tại đoạn 2 khoản 2 Điều 401 BLDS năm 2005. Điều luật được sửa thành:
“1. Hợp đồng có thể được giao kết bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể, khi pháp luật không quy định loại hợp đồng đó phải được giao kết bằng một hình thức nhất định.
2. Trong trường hợp pháp luật có quy định hợp đồng phải được thể hiện bằng văn bản có công chứng hoặc chứng thực, phải đăng ký hoặc xin phép thì phải tuân theo các quy định đó.
Hợp đồng không bị vô hiệu trong trường hợp có vi phạm về hình thức”.
Ngoài ra, khoản 2 Điều 122 BLDS năm 2005 nên sửa lại là: “2. Hình thức giao dịch là điều kiện có hiệu lực của giao dịch trong trường hợp pháp luật có quy định trừ trường hợp giao dịch đó là hợp đồng theo quy định của Bộ luật này”./.
 

* Trường Đại học Luật - Đại học Huế
[1] Xem thêm điểm a khoản 1 Điều 122 BLDS.
[2] Trong Mục 7 Chương XVII Phần thứ Ba của BLDS 2005 không có điều luật quy định riêng về điều kiện chủ thể của hợp đồng. Khoản 1 Điều 410 BLDS quy định: “Các quy định về giao dịch dân sự vô hiệu từ Điều 127 đến Điều 138 của Bộ luật này cũng được áp dụng đối với hợp đồng vô hiệu”. Do đó Điều 122 quy định điều kiện chủ thể chung của giao dịch dân sự được áp dụng.
[3] Xem thêm điểm b và c khoản 1 Điều 122 BLDS 2005.
[4] Ở đây muốn nói đến sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất.
[5] Xem thêm Điều 122 BLDS 2005.
[6] PGS,TS. Đỗ Văn Đại, Bàn về hợp đồng vô hiệu do được giao kết bởi người mất năng lực hành vi dân sự qua một vụ án, Tạp chí Khoa học pháp lý, số 4/2007: http://www.hcmulaw.edu.vn/hcmulaw/index.php?option=com_content&view=article&catid=110:ctc20074&id=324:bvhvh&Itemid=110
 
[7] Điều 401, BLDS 2005.
[8] Điều 134 quy định: “Trong trường hợp pháp luật quy định hình thức giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch mà các bên không tuân theo thì theo yêu cầu của một hoặc các bên, toà án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác quyết định buộc các bên thực hiện quy định về hình thức của giao dịch trong một thời hạn; quá thời hạn đó mà không thực hiện thì giao dịch vô hiệu”.
[9] Tưởng Duy Lượng, Bàn về điều kiện hình thức của giao dịch theo quy định của BLDS 2005, Tạp chí Nghề luật, số 5/2007.
[10] PGS,TS Đỗ Văn Đại, Hình thức bắt buộc của hợp đồng trong pháp luật dân sự Việt Nam: Những bất cập và hướng hoàn thiện, Tạp chí Luật học, số 2/2013, tr. 8.
[11] Xem thêm điểm a tiểu mục 2.1 mục 2 tiết I Nghị quyết số 01/2003 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao
[12] Điều 400 BLDS 1995 chỉ quy định về hình thức hợp đồng dân sự như sau:
“1- Hợp đồng dân sự có thể được giao kết bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể, khi pháp luật không quy định đối với loại hợp đồng đó phải được giao kết bằng một hình thức nhất định.
Khi các bên thoả thuận giao kết hợp đồng bằng hình thức nhất định, thì hợp đồng được coi là đã giao kết khi đã tuân theo hình thức đó.
2- Trong trường hợp pháp luật có quy định hợp đồng phải được thể hiện bằng văn bản, phải được chứng nhận của Công chứng nhà nước, chứng thực, đăng ký hoặc xin phép, thì phải tuân theo các quy định này”.
 
[13] Bùi Ngọc Cường, Một số vấn đề hoàn thiện pháp luật về hợp đồng ở Việt Nam, Tạp chí Nhà nước và Pháp luật, số 5/2005; PGS,TS. Đỗ Văn Đại, Bàn về hợp đồng vô hiệu do được giao kết bởi người mất năng lực hành vi dân sự qua một vụ án, Tạp chí Khoa học pháp lý, số 4/2007, Hình thức bắt buộc của hợp đồng trong pháp luật dân sự Việt Nam: Những bất cập và hướng hoàn thiện, Tạp chí Luật học, số 2/2013; Phạm Hoàng Giang, Ảnh hưởng của điều kiện hình thức hợp đồng đến hiệu lực hợp đồng, Tạp chí Nhà nước và Pháp luật, số 3/2007; Nguyễn Ngọc Khánh, Hợp đồng: Thuật ngữ và khái niệm, Tạp chí Nhà nước và Pháp luật, số 8/2006.

(Nguồn tin: Bài viết đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu lập pháp số 12(292), tháng 6/2015)


Ý kiến bạn đọc