Hướng hoàn thiện khái niệm tài sản khi sửa đổi Bộ luật Dân sự năm 2005

01/05/2015

TRỊNH TUẤN ANH

Đại học Kinh tế, Luật, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh

1. Nhận thức lại khái niệm tài sản
Để phân tích những điểm phù hợp và bất cập trong quan niệm của chúng ta hiện nay về tài sản, cần khảo sát về nguồn gốc và quan niệm về tài sản của pháp luật các nước.
Luật tài sản ở phương Tây khởi nguồn từ luật La Mã. Luật La Mã quan niệm tài sản được sử dụng để chỉ một vật tồn tại theo tính chất của nó, một vật có biểu hiện vật chất và cụ thể. Mặt khác, tài sản cũng được hiểu là một quyền trừu tượng mà con người có được đối với vật. Nếu vật là đối tượng của quyền, thì con người là chủ thể của quyền. Chính trong quan hệ đó mà vật được coi là tài sản[1]. Như vậy, luật La Mã phân chia tài sản thành vật chất hoặc tài sản phi vật chất đó là quyền. Bộ luật Dân sự (BLDS) Pháp không đưa ra một định nghĩa cụ thể nào về tài sản. Điều 546 Dân luật Pháp 1804 nói rằng, tất cả các tài sản là động sản hay bất động sản. Tuy nhiên, trong Bộ luật này cũng toát lên ý nghĩa rằng, tài sản bao gồm vật hoặc các vật quyền và các tố quyền nhằm đòi lại tài sản. Vật quyền là một khái niệm của luật La Mã, được dùng để chỉ quyền có thể được thực hiện trực tiếp và ngay tức khắc trên một vật mà không cần vai trò của người khác.
Như vậy, theo quan niệm của BLDS Pháp thì tài sản là vật hoặc là quyền. Các học giả  thuộc hệ thống civil law mà Pháp là một đại diện điển hình có lẽ xuất phát từ trường phái luật tự nhiên khi cho rằng, các quyền xuất phát trong tự nhiên, tạo hóa đã sinh ra cho họ những quyền và nhiệm vụ của nhà nước là phải thừa nhận nó trong pháp luật.
Nếu như các nước thuộc hệ thống civil law dựa vào trường phái luật tự nhiên để biện minh cho cách định nghĩa cũng như phân loại tài sản thì các học giả common law lại đi theo một trường phái trái ngược, đó là trường phái thực chứng pháp lý. Trong cuốn “The Theory of Legislation”, Jeremy Bentham viết: Tài sản và pháp luật sinh ra và chết đi cùng nhau, trước khi luật được làm ra thì không có tài sản; loại bỏ pháp luật và tài sản chấm dứt.
Pháp luật Hoa Kỳ định nghĩa tài sản như quyền chứ không phải là vật theo cách hiểu thông thường. Theo ngôn ngữ thông thường, tài sản là một vật được con người sử dụng một cách cụ thể; nhận biết được bằng giác quan tiếp xúc. Trong một chừng mực nào đó, tất cả các tài sản đều có thể hữu hình hoặc hữu hình hóa[2].
Như vậy, các luật gia common law quan niệm tài sản được nhìn nhận dưới góc độ là quyền liên quan đến một đồ vật hay một đối tượng nào đó. Ở Hoa Kỳ, các quyền tài sản luôn có vai trò quan trọng nhưng ngày nay, các quyền tài sản phức tạp hơn là sự sở hữu đơn thuần một thứ gì đó. Khái niệm tài sản hiện nay bao gồm quyền được sử dụng tài sản đó và một số khía cạnh khác.
Các luật gia theo hệ thống pháp luật common law quan tâm đến những quyền lợi nào có thể phát sinh liên quan tới vật, từ đó họ nhìn nhận tài sản như một tập hợp các quyền trong mối liên quan với vật. Hãy xem tập hợp các quyền giống như “một mớ quyền”. Nếu một người “ôm một mớ quyền” đó (tất cả các quyền đối với một đối tượng của quyền tài sản) vô hình hay hữu hình chúng ta đều xem họ là chủ sở hữu của tài sản. Ngay cả khi họ không ôm trọn mớ quyền đó, nhưng mà phần lớn hoặc một vài phần quan trọng nhất, thì chúng ta vẫn coi họ là chủ sở hữu. Đây là những quyền quan trọng nhất hay chính là những lợi ích lớn nhất đối với tài sản mà một người có thể có được. Vì quyền tài sản là không tuyệt đối, tất cả những yếu tố này cũng có giới hạn nhất định. Các luật gia Hoa Kỳ cho rằng, tài sản là các quyền giữa mọi người có liên quan tới vật hay nói cách khác, bao gồm một hệ thống các quyền được thừa nhận về mặt pháp lý do ai đó thủ đắc trong mối liên hệ với những người khác có liên quan tới vật, có nghĩa là tài sản là tập hợp các quyền trên vật có hiệu lực chống lại người khác, sự chống lại hay quyền loại trừ[3]. Quyền loại trừ (the right to exclude) là quyền ngăn không cho người khác sử dụng hay chiếm hữu.
BLDS và Thương mại Thái Lan quan niệm “tài sản bao gồm những vật cũng như các đối tượng không cụ thể, có thể có một giá trị và có thể không chiếm dụng được”. Như vậy, tài sản bao gồm các vật có đầy đủ ba yếu tố cụ thể, có giá trị và chiếm dụng được. Vật là yếu tố quan trọng để định hình tài sản trong Bộ luật này.
Một số luật gia Luật khoa Sài Gòn (1955-1975) cho rằng, tài sản có hai nghĩa: (1) tài sản là đồ vật tiền bạc nhà cửa tức là những thứ gì có một lợi ích cho ta và có một giá trị kinh tế hay tài chánh nào có thể đánh giá bằng tiền bạc; (2) tài sản còn chỉ những quyền lợi[4]. Bộ Dân luật 1972 không định nghĩa thế nào là tài sản mà chia tài sản làm động sản và bất động sản. Như vậy, các luật gia Luật khoa Sài Gòn cũng cho rằng, tài sản bao gồm là vật hoặc là quyền.
BLDS Hà Lan định nghĩa: “Tài sản là tất cả mọi vật hoặc mọi quyền tài sản”, sau đó xác định (1) vật là tất cả các đối tượng hữu hình có thể chịu sự kiểm soát của con người hoặc (2) quyền tài sản là các quyền hoặc riêng rẽ hoặc cùng với các quyền khác, có thể chuyển giao các quyền được dự định để thu được một lợi ích vật chất cho chủ sở hữu của chúng hoặc các quyền đã có được để đổi lấy lợi ích vật chất thực tế hoặc dự kiến. Như vậy, so với các quốc gia nêu trên, khái niệm “tài sản” trong luật dân sự Hà Lan là khái niệm mang tính tương đối và mở rộng.
Một luật gia cho rằng, tài sản có thể hiểu là bất cứ thứ gì có giá trị; một khái niệm rất rộng và không giới hạn, luôn được bồi đắp thêm những giá trị mới mà con người nhận thức ra[5]. Thật vậy, bản thân tài sản là một khái niệm động, hiện nay có nhiều tranh luận về các dạng động sản mới như “tài sản ảo”. Tài sản ảo là một khái niệm rất rộng như tên miền internet, địa chỉ hộp thư điện tử, các loại tài khoản game online … phổ biến nhất là tài sản ảo trong trò chơi trực tuyến, tên miền. Tiếp cận theo nghĩa hẹp, tài sản ảo là các đối tượng ảo trong thế giới ảo, còn theo nghĩa rộng thì tài sản ảo được hiểu là những tài nguyên trên mạng máy tính được xác định giá trị bằng tiền và có thể chuyển giao trong các giao dịch dân sự. Khái niệm này được tiếp cận thông qua tư duy lý luận về quyền tài sản. Chúng tôi cho rằng, một thứ gì trên đời mà nguời ta cho là có giá trị thì nó trở thành tài sản; nó phụ thuộc vào nhận thức của con người tức là tài sản là những thứ có giá trị thuộc về ai đó hoặc thuộc quyền kiểm soát của một hoặc của một nhóm người nào đó. Và hiển nhiên, nó là một phạm trù mang tính lịch sử - xã hội. Tuy nhiên, quan điểm này trong khoa học pháp lý cũng như trong pháp luật chưa được chú ý nhiều lắm.
BLDS Việt Nam năm 2005 định nghĩa: “Tài sản bao gồm vật, tiền, giấy tờ có giá và các quyền tài sản”(Điều 163) và tiếp đó “Quyền tài sản là quyền trị giá được bằng tiền và có thể chuyển giao trong giao dịch dân sự, kể cả quyền sở hữu trí tuệ” (Điều 181). Khái niệm tài sản tại Điều 163 BLDS năm 2005 được quy định theo hình thức liệt kê. Nhà làm luật đã quan sát cuộc sống và xem những thứ gì là tài sản để đưa vào Điều 163 mà không quy định theo hướng khái quát hơn.
Khác với luật các nước, luật Việt Nam không coi quyền hoặc vật như là những cách quan niệm khác nhau, cách hình dung khác nhau về tài sản, mà coi đây là các loại tài sản khác nhau. Có vẻ như trong suy nghĩ của những người soạn thảo các điều luật liên quan, vật, với tư cách là một tài sản, phải được hiểu là vật hữu hình, nghĩa là có thể nhận biết bằng giác quan tiếp xúc; đối lập với vật hữu hình, quyền tài sản được hiểu là các vật vô hình. Từ quan niệm đó đã dẫn đến hệ quả là không tồn tại khái niệm bất động sản vô hình. Trong suy nghĩ của những người soạn thảo BLDS, chỉ vật mới là động sản hay bất động sản; quyền không phải là vật, bởi vậy, không thể đặt vấn đề liệu quyền là động sản hay bất động sản. Một minh chứng sinh động cho lập luận này là Hiến pháp và các văn bản luật hiện hành xây dựng dựa trên quyền sử dụng đất chứ không phải quyền sở hữu đất. Tuy nhiên, quy chế pháp lý lại xây dựng người có quyền sử dụng đất như một khái niệm sở hữu kép, một khái niệm sở hữu đa tầng: đất đai thuộc sở hữu toàn dân nhưng quyền sử dụng đất lại thuộc về cá nhân hoặc tổ chức. Tính chất bất động sản của quyền sử dụng đất là rất rõ ràng; nhưng luật hiện hành lại không (đúng ra là không thể) ghi nhận quyền sử dụng đất trong danh sách bất động sản[6] mà lại ghi nhận đất đai là một tài sản và là một bất động sản.
Với quan niệm như, vậy vấn đề đặt ra là một số quyền có thể định giá được bằng tiền nhưng không thể giao lưu dân sự được như quyền hưởng lương hưu, quyền cấp dưỡng... hay có những quyền trị giá được bằng tiền nhưng không thể chuyển nhượng được do một giao dịch như quyền sở hữu đối với tài sản có điều kiện được chuộc lại có thời hạn tức là quyền chuộc lại tại Điều 462 BLDS năm 2005 thì có được xem là tài sản không? Quan niệm tại Điều 163, Điều 181 BLDS năm 2005 sẽ tỏ ra lúng túng trong trường hợp này.
 2.Phân loại tài sản  
Phân loại tài sản có một ý nghĩa rất lớn. Nó liên quan tới hàng loạt các vấn đề pháp lý như: hợp đồng, đảm bảo nghĩa vụ dân sự, thương mại. Xem xét tới đặc tính vật lý thực tế của tài sản trong khoa học pháp lý cũng như trong pháp luật theo các căn cứ khác nhau, người ta có nhiều cách phân loại tài sản khác nhau.
Người La Mã là những người đặt nền móng cho sự phân biệt này. Trong luật La Mã cổ đại, những nhà lập pháp Lã Mã đã có nhiều cách phân loại khác nhau như vật hữu hình và vật vô hình, vật tiêu hao và vật không tiêu hao, vật cùng loại và vật đặc định, vật chính và vật phụ, quyền đối nhân và quyền đối vật. Những quan niệm của người La Mã gần giống với quan niệm của luật tài sản hiện đại.
Thứ nhất, nếu quan niệm tài sản là vật thì cách phân loại tài sản thành động sản và bất động sản là phương pháp kinh điển xuất phát ngay từ thời La Mã; theo đó bất động sản là đất đai và những vật gắn liền với đất; động sản là những vật có thể di dời được. Từ quy định này, người ta thường đưa ra chi tiết hơn đối với động sản và bất động sản trong việc xác định thời hiệu xác lập quyền sở hữu và xác định thẩm quyền trong tố tụng.
Bộ Dân luật Pháp 1804 tại Điều 546 quy định, tất cả các tài sản là động sản hay bất động sản, tức là ta phải hiểu: không có một loại tài sản thứ ba nào ở ngoài hai loại động sản và bất động sản. Điều 518-519 Dân luật Pháp chỉ rõ bất động sản vì bản chất là những vật không thay đổi chỗ, bị dính vào một chỗ, không xê dịch, như đất cát, nhà cửa, cây cối thảo mộc, hoa quả mùa màng chưa gặt hái còn liền với cây. Bộ Dân luật Việt Nam 1972 tại Điều 362 cũng chia tài sản làm động sản và bất động sản. Bộ Dân luật này định nghĩa động sản vì bản chất là những tài sản có thể di chuyển hoặc tự ý như súc vật hoặc do động lực ở ngoài như vật vô tri. BLDS và Thương mại Thái Lan cũng có sự phân biệt động sản và bất động sản. Theo đó, bất động sản là đất đai và những vật gắn liền với đất đai hoặc hợp thành một hệ thể thống nhất với đất đai. Nó bao gồm cả những quyền gắn liền với việc sở hữu đất đai.
Điều 130 BLDS Liên bang Nga cũng có cách phân loại tài sản thành động sản và bất động sản:
“1. Thuộc về bất động sản là các thửa đất, các thửa đất với khoáng sản, các khu vực nước và những thứ khác, mà gắn bó chặt chẽ với đất, như các đối tượng không thể tách rời mà không gây huỷ hoại nghiệm trọng tới mục đích của chúng, bao gồm rừng, cây lâu năm, các toà nhà và tất cả các loại công trình. Cũng được xem như bất động sản là tầu bay và tầu biển, tầu thuỷ nội địa và tầu vũ trụ. Luật cũng có thể xem một số tài sản khác là bất động sản.
2. Các vật không được xem là bất động sản, bao gồm tiền và chứng khoán được coi là động sản. Các quyền đối với động sản không cần phải đăng ký, trừ một số trường hợp ngoại lệ do pháp luật quy định”.
Luật Tài sản Hoa Kỳ cũng quan niệm tài sản gồm động sản và bất động sản. Bất động sản thường bao gồm đất đai, nhà cửa, cao ốc và còn bao gồm cả hoa màu trên đất.
Dựa vào hình mẫu của BLDS Pháp 1804, BLDS Canada xác định: “Tài sản, dù hữu hình hay vô hình, được phân chia thành bất động sản và động sản”. Căn cứ vào các quy định này tài sản bao gồm bốn phân loại chính là bất động sản hữu hình, bất động sản vô hình, động sản vô hình, động sản hữu hình.
Các luật gia thuộc common law cũng có quan điểm tương tự. Chẳng hạn, Deluxe Back’s Law Dictionary giải nghĩa: Tài sản là một từ được sử dụng chung để chỉ mọi thứ là đối tượng của quyền sở hữu, hoặc hữu hình hoặc vô hình, hoặc bất động sản hoặc động sản[7]. Điều 174 BLDS năm 2005 của Việt Nam cũng có hướng quy định như vậy:
 “1. Bất động sản là các tài sản bao gồm: a) Đất đai. b) Nhà, công trình xây dựng gắn liền với đất đai, kể cả các tài sản gắn liền với nhà, công trình xây dựng đó. c) Các tài sản khác gắn liền với đất đai. d) Các tài sản khác do pháp luật quy định.
2. Động sản là những tài sản không phải là bất động sản”.
Nhìn chung, pháp luật các nước đều có sự phân chia tài sản thành động sản và bất động sản. Đây là sự phân chia truyền thống và dành cho vật, xuất phát từ ba lý do sau[8]:
(1) Về mặt vật lý, bất động sản thường gắn chặt chẽ với đất đai, trong khi đó động sản di chuyển tự do, dễ bị mất mát, phá hủy, nhầm lẫn.
(2) Về kinh tế, trong lịch sử xã hội loài người cho thấy, tới thời kỳ công nghiệp hóa, đất đai là nguồn của cải thiết yếu trong cuộc sống và nó được chuyển từ thế hệ này sang thế hệ khác.
(3) Về mặt tâm lý, đất đai nhà cửa thường gắn bó chặt chẽ lâu dài với đời sống con người do đó họ thường có tình cảm và chú ý hơn so với động sản.
Nhìn chung, hầu hết hệ thống pháp luật đều thừa nhận nguyên tắc phân biệt tài sản thành động sản và bất động sản. Theo đó, bất động sản là do luật định có giới hạn không thể di dời được thường là gắn liền với đất, còn động sản là những thứ “loại suy” không phải bất động sản. BLDS Việt Nam cũng chấp nhận quy tắc như vậy, nhưng vấn đề đặt ra là tại Điều 174 lại quy định tài sản bao gồm cả đất đai và bất động sản có nhà, công trình xây dựng gắn liền với đất đai. Điều này mâu thuẫn với các Hiến pháp và văn bản luật liên quan cũng như thực tiễn cuộc sống. Điều 17 Hiến pháp năm 1992 và gần đây nhất là Điều 53 Hiến pháp năm 2013 quy định, đất đai là tài sản thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện thống nhất quản lý. Điều 5 Luật Đất đai năm 2003 và gần đây nhất Điều 4 Luật Đất đai năm 2013 cũng quy định rằng: “Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Nhà nước trao quyền sử dụng đất cho người sử dụng đất”. Như vậy, người dân chỉ được trao quyền sử dụng đất và khi đó, đất đai không phải là một loại tài sản mà chỉ có quyền sử dụng đất là một loại tài sản mà thôi. Như vậy, liệt đất đai vào một loại tài sản dường như đã mâu thuẫn và trái với Hiến pháp và các văn bản luật liên quan. Trong những năm gần đây, ở nhiều nước trên thế giới như Nga, Hoa Kỳ, Pháp … cũng như ở Việt Nam đã xuất hiện kỹ thuật “dời nhà”, như vậy, nhà cửa, công trình xây dựng với đất đai vốn luôn được xem là bất động sản như BLDS hiện nay, đã hợp lý chưa? Qua khảo sát chung quan niệm của các luật gia civil law, thấy có những quy định để giải quyết căn bản những vướng mắc như vậy. Các luật gia civil law cho rằng, bất động sản bao gồm bất động sản do bản chất tự nhiên, bất động sản do công dụng riêng, bất động sản do có đối tượng trên bất động sản. Động sản là những tài sản còn lại sau khi xác định xong bất động sản. Động sản bao gồm động sản do bản chất và động sản do luật định. Theo các luật gia civil law thì bất động sản do bản chất tự nhiên xuất phát từ đặc tính vật lý thực tế của chúng. Điều 364 Dân luật Việt Nam 1972 được xây dựng trên chất liệu Bộ Dân luật Pháp 1804 Napolenon kể một vài bất động sản do bản chất như ruộng đất, nhà cửa, hào rãnh, đê điều là bất động sản vì bản chất. Điều 365 Dân luật Việt Nam 1972 quy định mùa màng chưa gặt, hoa quả chưa hái, cây cối chưa chặt hạ, hầm mỏ chưa đào cũng là bất động sản[9].
Bất động sản do công dụng riêng thực chất chúng là động sản nhưng do chúng được gắn liền với bất động sản chính một cách có ý thức của con người nhằm phục vụ một mục đích nào đó giúp khai thác hoặc hoàn thiện bất động sản chính. Có ba điều kiện để trở thành bất động sản do dụng đích đó là (1) chủ sở hữu bất động sản do bản chất phải có ý muốn tạo lập một liên hệ giữa động sản và bất động sản, biến một động sản thành bất động sản do công dụng; (2) động sản phải thuộc quyền sở hữu của người nắm giữ bất động sản chính; (3) động sản phải gắn liền với bất động sản. Bất động sản do công dụng riêng có thể là: (1) các đồ vật có chung mục đích với bất động sản được đặt vào để khai thác bất động sản như mục đích kinh tế. Điều 366 Dân luật Việt Nam 1972 định nghĩa về một loại bất động sản vì công dụng được coi là bất động sản vì công dụng tất cả các động sản đã được sở hữu chủ đặt vào một bất động sản để sử dụng và khai thác bất động sản ấy như súc vật dùng vào việc canh tác, dụng cụ canh nông để chế biến sản phẩm nông nghiệp, hạt giống và phân bón rơm rạ, súc vật trong ao chuồng[10]. Hoặc là (2) các đồ vật gắn vào bất động sản nhằm mục đích hoàn thiện bất động sản như mục đích trang trí. Điều 367 Dân luật Việt Nam 1972 kể ra một số loại bất động sản vì công dụng khác mà chủ sở hữu đã gắn vào bất động sản của mình một cách kiên cố, không thể tháo ra mà không làm hư hại hoặc không làm mất vẻ mỹ quan của nhà cửa[11]. Quan niệm như vậy rất có ý nghĩa trong việc chuyển giao tài sản. Điều 176 BLDS năm 2005 cũng có những quan niệm tương tự. Theo đó, vật chính là vật độc lập, có thể khai thác công dụng theo tính năng. Vật phụ là vật trực tiếp phục vụ cho việc khai thác công dụng của vật chính, là một bộ phận của vật chính, nhưng có thể tách rời vật chính. Khi thực hiện nghĩa vụ chuyển giao vật chính thì phải chuyển giao cả vật phụ, trừ trường hợp có thoả thuận khác. Như vậy, khi một bất động sản chính bị chuyển giao thì bất động sản do công dụng có thể chuyển giao theo. Giải thích cho lý do tại sao lại có sự quy định như vậy, trong các nghiên cứu của mình có luật gia giải thích như sau: lý do vì pháp luật không muốn đặt bất động sản do công dụng và bất động sản chính ở hai chế độ pháp lý khác nhau. Do đó, một sự thế chấp được thực hiện trên một bất động sản sẽ có giá trị với các động sản gắn liền trên nó. Trái chủ có thể phát mãi các động sản đồng thời với bất động sản. Một giải pháp khác sẽ làm mất giá trị của bất động sản, bất động sản và các vật gắn trên nó sẽ tạo thành một tổng thể[12].
Bất động sản do có đối tượng trên bất động sản là các vật quyền có liên quan tới bất động sản và các tố quyền nhằm đòi lại một vật quyền của bất động sản. Các vật quyền có quyền sở hữu, quyền địa dịch, quyền thế chấp … trong đó quyền sở hữu là vật quyền thống trị. BLDS Pháp 1804 và Dân luật Việt Nam 1972 được xây dựng dựa trên khuôn mẫu của BLDS Pháp cũng có quan niệm tương tự về bất động sản do có đối tượng trên bất động sản bao gồm: (a) các vật quyền trên bất động sản bao gồm quyền sở hữu, quyền dụng ích, quyền cư ngụ và quyền hành dụng, quyền thuê trường kỳ, quyền địa dịch, quyền thế chấp và quyền để đương; (b) các tố quyền nằm truy sách một vật quyền trên bất động sản.
Về động sản bao gồm động sản do bản chất và động sản do luật định. Động sản do bản chất đó là một vật có thể di dời được mà không gắn liền với một bất động sản, các vật này có thể tự nó di chuyển được (súc vật) hoặc là chuyển động do một lực ngoài (vật vô tri). Động sản bao gồm tiền, cổ phần, các dạng giấy tờ thương mại; hầu hết các tố quyền trước toà án; tất cả các quyền đối nhân và tất cả các quyền khác không thực hành trực tiếp trên bất động sản[13]. BLDS Pháp 1804 quan niệm động sản bao gồm các cổ phần, phần hùn và tiền lãi trong hội thương sự hay dân sự, dù tài sản của hội gồm cả bất động sản; các sản nghiệp thương mại; các trái quyền và niên kim; các quyền đối vật trên động sản và các tố quyền nhằm truy sách một vật quyền trên động sản; quyền sở hữu văn chương mỹ thuật hay kỹ nghệ trong thực tế.
BLDS và Thương mại Thái Lan quan niệm động sản là những vật có thể di chuyển từ chỗ này sang chỗ khác, bất chấp do tự chúng hoặc do ngoại lực. Nó bao gồm cả sức mạnh tự nhiên có thể chiếm dụng được cũng như những quyền gắn liền với động sản.
Thứ hai, nếu quan niệm tài sản là quyền thì tài sản, được hiểu là một quyền có giá trị tiền tệ, bao gồm vật quyền, trái quyền và quyền sở hữu trí tuệ. Trước hết, tại sao lại quan niệm tài sản với tư cách là một quyền thì tài sản được hiểu là một quyền có giá trị tiền tệ. Một số luật gia của civil law đã cho rằng, sự phân biệt giữa quyền tài sản và quyền phi tài sản là căn cứ vào giá trị tiền bạc của quyền lợi. Một vài quyền lợi có giá trị bằng tiền như trái quyền, quyền sở hữu. Các quyền khác chỉ có một giá trị tinh thần như quyền được bảo vệ danh dự, quyền đối với bí mật đời tư, quyền được xác định tử hệ. Sự phân biệt này là không tuyệt đối bởi vì có những quyền lợi mặc dù chỉ có giá trị về mặt tinh thần nhưng có thể phát sinh hậu quả về tiền bạc. Ví dụ, quyền xác định tử hệ có thể dẫn đến hậu quả về thừa kế, sự xâm phạm về danh dự nghiêm trọng của một thương nhân có thể gây hậu quả nghiêm trọng về tiền bạc. Quan hệ giữa hai loại quyền lợi này gắn bó với nhau chặt chẽ, một quyền lợi có khi vừa có giá trị tiền bạc vừa có giá trị tinh thần như quyền tác giả bao gồm quyền được chuyển nhượng. Như vậy, sự phân biệt giữa quyền tài sản và quyền phi tài sản không mang tính cứng nhắc mà chỉ nên hiểu rằng, những quyền lợi có giá trị chủ yếu về tiền bạc là quyền tài sản, các quyền lợi khác có giá trị chủ yếu về tinh thần là quyền phi tài sản.
Sự phân biệt thành vật quyền và trái quyền đã có từ thời La Mã cổ đại[14]. Theo quan niệm truyền thống thì vật quyền hay còn gọi là quyền đối vật, tức là quyền được chủ thể (người có quyền) thực hiện trực tiếp và tức thì trên một vật mà không cần vai trò trung gian của một người khác, tính chất trực tiếp và tức thì của việc thực hiện vật quyền được thể hiện ngay trong cách thức tác động bằng hành vi vật chất (và cả hành vi pháp lý) của chủ thể lên đối tượng của quyền[15]. Trong khi đó, trái quyền, còn gọi là quyền đối nhân, là quyền cho phép một người gọi là trái chủ đòi hỏi một người khác, gọi là thụ trái, thực hiện một việc. Điều đó có nghĩa rằng, để quan hệ trái quyền vận hành hoàn hảo, nhất thiết phải có sự hợp tác của cả trái chủ và thụ trái, chứ một mình trái chủ vào vai thì không đủ. Về mặt cấu trúc kỹ thuật, trái quyền được hình thành từ ba yếu tố: trái chủ (chủ thể có), thụ trái (chủ thể nợ) và đối tượng[16].
Vật quyền gồm có hai nhóm là vật quyền chính và vật quyền phụ. Vật quyền chính bao gồm nhóm gồm các quyền mà việc thực hiện tác động một cách trực tiếp lên tình trạng vật chất của đối tượng. Vật quyền chính là các quyền cho phép người có quyền không chỉ nắm giữ việc kiểm soát vật chất đối với tài sản mà còn có thể khai thác các khả năng và đặc biệt là giá trị kinh tế của tài sản. Quan trọng nhất trong các quyền đối vật chính là quyền sở hữu, quyền sở hữu đứng đầu nhóm vật quyền này do tính chất hoàn hảo của quyền năng: nó tạo điều kiện cho người có quyền thu được lợi ích từ việc khai thác một cách trọn vẹn các khả năng kinh tế của tài sản[17]. Các quyền đối vật chính còn lại là kết quả của sự phái sinh quyền sở hữu hoặc là những thành tố cấu thành, như quyền sở hữu, quyền hưởng hoa lợi, quyền dùng và ở, quyền bề mặt, quyền được phục vụ. Có thể nói rằng, trong vật quyền nói chung thì quyền sở hữu giữ vai trò thống trị. Vật quyền phụ gồm các quyền có đối tượng là giá trị tiền tệ của một hoặc nhiều tài sản cụ thể. Các quyền này được gắn với một quyền chủ nợ nhằm tăng cường hiệu lực của quyền chủ nợ đó. Người có vật quyền loại này không có các quyền trực tiếp đối với đối tượng mà chỉ có quyền đối với giá trị của đối tượng đó và trong phạm vi giá trị của quyền chủ nợ có bảo đảm như quyền của chủ nợ nhận thế chấp, nhận cầm cố[18].
Trái quyền được thiết lập trong mối quan hệ giữa hai người, hai chủ thể của quan hệ pháp luật. Mối quan hệ giữa hai người gọi là quan hệ nghĩa vụ cho phép một người yêu cầu một người khác đáp ứng đòi hỏi của mình nhằm thoả mãn một nhu cầu gắn liền với một lợi ích vật chất của mình. Người có quyền yêu cầu gọi là chủ thể có của quan hệ nghĩa vụ; người được yêu cầu (người có nghĩa vụ) gọi là chủ thể nợ của quan hệ đó. Tuỳ theo tính chất của quan hệ, đối tượng của nghĩa vụ có thể thuộc một trong ba nhóm: làm một việc, không làm một việc hoặc chuyển quyền sở hữu đối với một vật.
Sự phân biệt vật quyền và trái quyền tạo ra nhiều lợi ích, đó là: (1) quyền theo dõi (droit de suite): vật quyền nào cũng có quyền theo dõi tức là người chủ sở hữu có thể theo và đòi vật ở bất kỳ đâu để thực hiện quyền lợi của mình, trái lại trái quyền chỉ có thể áp dụng quyền theo dõi với người có nghĩa vụ; (2) quyền ưu tiên (droit de préférence): vật quyền còn một đặc điểm nữa là quyền ưu tiên là quyền một chủ nợ được trả nợ trước người khác. Điều 2093 Bộ Dân luật Pháp 1804 quan niệm các tài sản của con nợ là bảo đảm chung cho các chủ nợ và giá tiền sẽ chia cho chủ nợ theo tỷ lệ tùy giá món nợ, trừ khi giữa các chủ nợ có lý do ưu tiên do luật định,
Ngoài ra, có một loại quyền người ta không thể xếp vào các vật quyền hay trái quyền, đó là quyền trí tuệ, các quyền này không được hành xử đối với một vật hay một người. Đối tượng của quyền trí tuệ là phi vật chất, chủ thể quyền lợi có quyền hoạt động trí tuệ và hưởng lợi từ hoạt động đó. Mặc dù đây không phải là vật quyền hay trái quyền nhưng người ta vẫn gọi nó dưới tên quyền sở hữu trí tuệ như: quyền sở hữu văn chương, quyền sở hữu nghệ thuật, quyền sở hữu công nghiệp…
Như vậy, có thể cân nhắc về một cách định nghĩa tài sản trong khuôn khổ sửa đổi BLDS năm 2005 như sau:
1. Tài sản là vật bao gồm động sản và bất động sản[19];
2. Tài sản là quyền được hiểu là một quyền có giá trị tiền tệ, bao gồm vật quyền, trái quyền và quyền sở hữu trí tuệ./.
 

* Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh
 
[1] PGS,TS. Nguyễn Ngọc Điện (2009),  Giáo trình Luật La Mã, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr. 11.
[2] PGS,TS. Nguyễn Ngọc Điện (2011), Bình luận khoa học về tài sản trong luật dân sự Việt Nam, Nxb. Trẻ TP.HCM., 2011, tr 5.
[3] PGS,TS. Ngô Huy Cương (2006), Góp phần bàn về cải cách pháp luật ở Việt Nam, Nxb. Tư pháp, Hà Nội, tr. 351.
[4] GS. Nghiêm Xuân Việt (1974), Dân luật, tài sản, Luật khoa Đại học đường, tr. 26-27.
[5] PGS.TS, Phạm Duy Nghĩa, Giáo trình Luật kinh tế, Nxb Công an nhân dân, Hà Nội, tr. 120.
.
[6] PGS, TS. Nguyễn Ngọc Điện (2011), Những vấn đề bị bỏ quên liên quan đến chế độ sở hữu trong BLDS năm 2005, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp, Số 10 (195).
[7] PGS, TS. Ngô Huy Cương, tlđd, tr. 364.
[8] PGS, TS. Ngô Huy Cương, tlđd, tr. 369.
[9] GS. Nghiêm Xuân Việt, Tlđd, tr. 28.
[10] GS. Nghiêm Xuân Việt, Tlđd, tr. 28.
[11] GS. Nghiêm Xuân Việt, Tlđd, tr. 28.
[12] TS, LS. Nguyễn Mạnh Bách (2007), Luật Dân sự Việt Nam (lược khảo): Tài sản và quyền sở hữu, quy chế đất đai và quyền sở hữu nhà ở, Nxb. Tổng hợp Đà Nẵng, tr. 21.
[13] PGS,TS. Ngô Huy Cương (2003), Tổng quan về luật tài sản, Tạp chí Khoa học Đại học Quốc gia Hà Nội, Chuyên san Kinh tế-Luật số 3// thongtinphapluatdansu.edu.vn.
[14] PGS,TS. Nguyễn Ngọc Điện (2009),  Giáo trình Luật La Mã, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội., tr. 14.
[15] Nguyễn Ngọc Điện (2010), Sự cần thiết của việc xây dựng các chế định vật quyền và trái quyền trong luật dân sự, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp, số 23 (184).
[16] Nguyễn Ngọc Điện (2010), nt
 
[17] Nguyễn Ngọc Điện (2010), nt
[18] Nguyễn Ngọc Điện (2001), “Một số vấn đề về quyền tài sản và hướng hoàn thiện”, tham luận tại Hội thảo Cần Thơ ngày 14/6/2001.
[19] Tuy nhiên, khi xây dựng lại khái niệm bất động sản phải xây dựng dựa trên tiêu chí nào nếu như tiêu chí bất động sản là các tài sản bao gồm: đất đai; nhà, công trình xây dựng gắn liền với đất đai, kể cả các tài sản gắn liền với nhà, công trình xây dựng đó; các tài sản khác gắn liền với đất đai; các tài sản khác do pháp luật quy định của BLDS là một điều bất hợp lý trong bối cảnh Hiến pháp năm 2013 quan niệm đất đai thuộc sở hữu toàn dân, người có đất chỉ được công nhận có quyền sử dụng đất mà không được công nhận là có quyền sở hữu đất (mặc dù khái niệm quyền sử dụng đất rất khó phân biệt với quyền sở hữu đất).
 

(Nguồn tin: Bài viết đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu lập pháp số 10(290), tháng 5/2015)