Bàn về điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi)

01/05/2015

TS. BÙI NGỌC THANH

Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội

Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 20/11/2014, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2016. Riêng quy định người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng (điểm b khoản 1 Điều 2) và Người lao động là công dân nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam có giấy phép lao động hoặc chứng chỉ hành nghề hoặc giấy phép hành nghề được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp được tham gia BHXH bắt buộc theo quy định của Chính phủ (khoản 2 Điều 2) thì có hiệu lực từ ngày 01/01/2018.
Có ý kiến cho rằng khoản 1 Điều 60 của Luật này làm hạn chế quyền lợi của người lao động so với Luật BHXH năm 2006 và lấy lý do đó để vừa rồi tổ chức đình công, biểu tình. Chúng ta hãy xem thực hư của vấn đề ra sao.
 Điều 60 có tên là BHXH một lần trong Mục 4 - Chế độ hưu tríthuộc Chương III BHXH bắt buộc.Nguyên văn khoản 1 Điều 60 như sau:
Điều 60. BHXH một lần
1. Người lao động quy định tại khoản 1 Điều 2 của Luật này khi có yêu cầu được hưởng BHXH một lần thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Đủ tuổi hưởng lương hưu theo quy định tại các khoản 1, 2 và 4 Điều 54 của Luật này (điều kiện hưởng lương hưu - chú thích của người viết) mà chưa đủ 20 năm đóng BHXH hoặc theo quy định tại khoản 3 Điều 54 của Luật này mà chưa đủ 15 năm đóng BHXH và không tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện;
b) Ra nước ngoài để định cư;
c) Người đang bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng như ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong, lao nặng, nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS và những bệnh khác theo quy định của Bộ Y tế;
d) Trường hợp người lao động quy định tại điểm đ và điểm e khoản 1 Điều 2 của Luật này khi phục viên, xuất ngũ, thôi việc mà không đủ điều kiện để hưởng lương hưu và có yêu cầu nhận BHXH một lần.
Còn Luật BHXH năm 2006, Điều 55 - BHXH một lần đối với người không đủ điều kiện hưởng lương hưu,quy định như sau:
1. Người lao động quy định tại các điểm a, b, c và e khoản 1 Điều 2 của Luật này được hưởng BHXH một lần khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Đủ tuổi hưởng lương hưu theo quy định tại khoản 1 Điều 50 của Luật này mà chưa đủ hai mươi năm đóng BHXH;
b) Suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên mà chưa đủ hai mươi năm đóng BHXH;
c) Sau một năm nghỉ việc nếu không tiếp tục đóng BHXH và có yêu cầu nhận BHXH một lần mà chưa đủ hai mươi năm đóng BHXH;
d) Ra nước ngoài để định cư.
2. Người lao động quy định tại điểm d và điểm đ khoản 1 Điều 2 của Luật này được hưởng BHXH một lần khi phục viên, xuất ngũ, thôi việc mà không đủ điều kiện để hưởng lương hưu.
Như vậy, nếu người lao động nào được lĩnh một khoản tiền theo các quy định  trên đây thì khoản tiền đó không phải là tiền lương hưu,bởi vậy tên của Điều 60 Luật BHXH sửa đổi năm 2014 hay Điều 55 Luật BHXH năm 2006 đều không có cụm từ “lương hưu” mà chỉ là một khoản BHXH.
Khoản 1 Điều 60 Luật BHXH (sửa đổi) ngoài vấn đề kỹ thuật lập pháp, viết gộp lại một số điểm cho gọn hơn thì hai điểm dưới đây có khác chút ít so với Điều 55 Luật BHXH năm 2006, đó là:
- Người lao động đến tuổi nghỉ hưu nhưng chưa đủ thời gian đóng BHXH (theo quy định của Điều 54), nếu theo Luật BHXH năm 2006, thì bình thường được hưởng một khoản BHXH một lần;nhưng từ năm 2009 (sau một năm chế độ BHXH tự nguyện có hiệu lực) đến nay thì số lao động tham gia BHXH tự nguyện ngày càng đông (năm 2013 đã gần 17,4 vạn người, hiện nay khoảng gần 20 vạn người), trong đó có cả những người lao động vừa tham gia BHXH bắt buộc, vừa tham gia BHXH tự nguyện. Luật BHXH sửa đổi năm 2014 không nên và cũng không thể quy định bắt buộc người tham gia cả hai loại BHXH phải nhận “một cục” để rồi mất chế độ lương hưu, mà phải để cho họ lựa chọn. Một khi họ đã tham gia thêm BHXH tự nguyện thì chắc chắn là họ muốn hưởng lương hưu khi đến tuổi nghỉ hưu.
- Điểm b khoản 1 Điều 55 Luật BHXH năm 2006 quy định, người lao động suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên mà chưa đủ thời gian đóng BHXH thì cũng được hưởng BHXH một lần. Luật BHXH sửa đổi năm 2014 có liệt kê tại điểm c khoản 1 Điều 60 những người đang bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng như ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong, lao nặng, nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS ... Theo chúng tôi, việc quy định cụ thể các bệnh nguy hiểm đến tính mạng con người sẽ chặt chẽ hơn quy định mức giảm khả năng lao động, bởi lẽ, người thực sự có bệnh bao giờ cũng muốn chữa khỏi bệnh, thậm chí “có bệnh phải vái tứ phương”, do đó, khó có bác sĩ nào có lương tâm nghề nghiệp, có tay nghề cao dám chứng nhận cho người khỏe mạnh biến thành người mang bệnh nguy hiểm, hiểm nghèo, thập tử nhất sinh. Còn chuyện xê dịch tỷ lệ mất sức khỏe giữa 59% với 61% là chuyện không quá khó. Thực tế lao động hàng ngày có trường hợp người  được chứng nhận mất sức 70 - 80% mà vẫn hăng hái nhận làm những công việc nặng nhọc, thậm chí có yếu tố độc hại.
Như vậy, các quy định tại khoản 1 Điều 60 vừa chặt chẽ hơn về mặt luật pháp, vừa thuận lợi hơn cho người lao động tham gia BHXH. Còn các trường hợp người ra nước ngoài định cư, người thuộc lực lượng vũ trang xuất ngũ thì vẫn như quy định hiện hành.
Nhà nước ta đã chủ động xây dựng và hoàn thiện một hệ thống chính sách an sinh xã hội ngày càng có hiệu quả cho nhân dân, cho người lao động. Trong đó, chế độ hưu trí là một chính sách cực kỳ quan trọng. Người lao động trong quá trình làm việc, lo toan cho cuộc sống hôm nay nhưng cũng phải tính toán khi bước ra khỏi quá trình lao động, không còn có thu nhập như khi đang tại nhiệm. Do đó, chính sách của Nhà nước là tạo điều kiện để người lao động tham gia BHXH hưu trí và phải xây dựng quỹ lương hưu vững chắc, trong đó người lao động đóng một phần, người sử dụng lao động đóng một phần và Nhà nước hỗ trợ một phần. Theo quy định của Luật BHXH năm 2006, tại Điều 91, hàng tháng người lao động chỉ phải đóng 5% mức tiền lương, tiền công vào quỹ hưu trí và tử tuất, cao nhất như hiện tại cũng chỉ 8%; trong khi đó, Điều 92 quy định người sử dụng lao động phải đóng tới 11% và cao nhất hiện nay là 14%. Phần còn lại do Nhà nước hỗ trợ từ ngân sách nhà nước. Luật BHXH sửa đổi năm 2014, tại Điều 85, vẫn quy định số đông người lao động chỉ phải đóng như hiện nay, tức là 8% cho quỹ hưu trí và tử tuất, còn người sử dụng lao động, theo Điều 86, phải đóng 14% cho quỹ này; Nhà nước vẫn tiếp tục hỗ trợ một phần từ ngân sách nhà nước.
Chế độ hưu trí và xây dựng quỹ lương hưu là chính sách cốt lõi của BHXH; không chỉ ở nước ta mà các nước trên thế giới từ lâu đều đã thực hiện có nền nếp, bài bản. Nếu ai cũng muốn “xẻ thịt” quỹ lương hưu từ khi mới làm việc được một số năm thì không những chế độ hưu trí, quỹ lương hưu “bị đánh sập” mà có thể nói, toàn bộ chính sách BHXH cũng khó lòng tồn tại, khó còn ý nghĩa đầy đủ về an sinh xã hội. Chúng tôi có nghe một lao động nữ hỏi rằng: Tôi vào đây làm việc, nay đã ngoài 30 tuổi, nếu mất việc phải về ngoài Bắc, chả lẽ tôi phải đợi đến 20 - 25 năm nữa mới được lĩnh số tiền đã đóng góp mấy năm vừa qua hay sao? Mới nghe tưởng như câu hỏi có lý, nhưng thực sự là vô lý. Nếu ngồi chờ đó thì lấy gì mà ăn, không lẽ nếu bị mất việc thì cứ ngồi chờ suốt cả 20 - 25 năm mà không tìm kiếm công việc gì để sinh sống hay sao? Nếu có việc làm mới thì chị lại tiếp tục tham gia BHXH, đó là điều chắc chắn. Còn nếu gián đoạn việc làm thì đã có chính sách trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm (Điều 48 và Điều 49 Bộ luật Lao động năm 2012), các chế độ bảo hiểm thất nghiệp (Điều 42 Chương VI của Luật Việc làm năm 2013). Nhà nước đã tính toán tương đối đầy đủ đến những biến động về việc làm trên thị trường lao động và cách thức xử lý tương đối hợp lý, không thể tùy tiện sử dụng chính sách hưu trí thay cho các chính sách gián đoạn việc làm, làm biến dạng hệ thống chính sách an sinh xã hội được.
Nhà nước xây dựng luật, ban hành luật và hoàn thiện luật đã là công việc rất quan trọng, nhưng việc phổ biến, quán triệt đúng đắn nội dung luật đến từng người dân, người lao động càng vô cùng quan trọng. Cha ông ta đã dạy, có ăn hôm nay phải nghĩ tới ngày mai, chớ có sống theo kiểu “tay vo miệng lủm”, “được đồng nào xào đồng ấy” đến khi không làm được việc gì nữa nữa thì cũng là lúc trắng tay. Với ý nghĩa đó thì chế độ hưu trí được Nhà nước xây dựng từ khi chưa có các luật về an sinh xã hội cho đến những bước tương đối hoàn thiện như bây giờ là cả một quá trình khá dài lâu, là cực kỳ quan trọng đối với người lao động khi bước ra khỏi quá trình làm việc. Hoàn toàn không thể rút tiền từ quỹ lương hưu để tiêu dùng khi đang khỏe mạnh, đang trong độ tuổi làm ăn bình thường. Theo chúng tôi, Luật BHXH vừa được thông qua, việc tuyên truyền chưa đủ thời gian để thẩm thấu đến mọi người lao động, vì vậy ngay từ bây giờ phải có đợt phổ biến, tuyên truyền sâu sắc, rộng rãi hơn. Mặt khác Chính phủ cần khẩn trương ban hành thông tư hướng dẫn thực hiện chi tiết, trong đó rất chú trọng các điều, khoản sửa đổi, nhất là những vấn đề liên quan chặt chẽ tới quyền lợi và nghĩa vụ của người lao động./.
 

* TS. Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội

(Nguồn tin: Bài viết đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu lập pháp số 10(290), tháng 5/2015)