Những vấn đề về tổ chức, nhân sự cần được sửa đổi, bổ sung trong Luật kiểm toán nhà nước

01/05/2015

TẠ THỊ YÊN

Quyền Vụ trưởng Vụ Công tác đại biểu, Văn phòng Quốc hội

Ngày 14/6/2015, Luật Kiểm toán nhà nước (KTNN) được thông qua tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XI (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2006), đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong việc xác lập địa vị pháp lý và định hướng phát triển, thúc đẩy hoạt động của KTNN lên một tầm cao mới. Theo quy định của Luật, vị trí pháp lý của KTNN là cơ quan chuyên môn về lĩnh vực kiểm tra tài chính nhà nước do Quốc hội thành lập. Đồng thời, các quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và điều kiện để KTNN bảo đảm hoạt động đều được Luật xác lập ở mức độ và yêu cầu cao hơn so với những quy định trước đây. Luật KTNN ra đời, khẳng định vị thế của KTNN trong hệ thống tổ chức bộ máy nhà nước, tăng cường năng lực tổ chức, hoạt động của KTNN... Sau gần 9 năm thực hiện Luật, từ kết quả kiểm toán đã phát hiện nhiều vi phạm trong thực hiện chính sách, chế độ quản lý kinh tế; kiến nghị tăng thu, tiết kiệm chi, đưa vào quản lý qua ngân sách nhà nước (NSNN) hàng chục nghìn tỷ đồng. KTNN đã giúp các bộ, ngành, các tỉnh, thành phố và các đơn vị được kiểm toán đánh giá đúng thực trạng tài chính, khắc phục những yếu kém, sơ hở trong quản lý kinh tế và quản trị doanh nghiệp. Các đơn vị được kiểm toán và toàn xã hội đã nhận thức rõ hơn về chức năng, vai trò của KTNN trong cơ chế kinh tế thị trường và điều kiện hội nhập quốc tế hiện nay. Với chức năng là cơ quan kiểm tra tài chính độc lập của Nhà nước, hoạt động của KTNN đồng thời phục vụ cho cả cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp trong các hoạt động quản lý kinh tế, tài chính và bảo vệ pháp luật ở nước ta. Tuy nhiên, quá trình vận động của cơ chế kinh tế thị trường đã làm nảy sinh những vấn đề mới, nên Luật cần được tiếp tục sửa đổi, bổ sung phù hợp với diễn biến thực tiễn khách quan. Do đó, cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện địa vị pháp lý và tính độc lập của KTNN, vì đây là những đặc trưng cơ bản có mối quan hệ, tác động lẫn nhau, đảm cho KTNN hoạt động có hiệu quả.
Untitled_240.png
Ảnh minh họa: (Nguồn internet)
1. Quá trình phát triển về cơ cấu, tổ chức của Kiểm toán nhà nước
Ngay sau khi Luật KTNN được Quốc hội thông qua, một trong những nhiệm vụ hết sức quan trọng đặt ra là kiện toàn tổ chức, bộ máy của KTNN. Uỷ ban thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã ban hành:
- Nghị quyết số 916/2005/NQ-UBTVQH11 ngày 15/9/2005 của UBTVQH quy định về cơ cấu tổ chức của KTNN. Nghị quyết được xây dựng phù hợp với quy định của Luật KTNN, mô hình tổ chức của KTNN được tổ chức và quản lý tập trung thống nhất gồm bộ máy điều hành, KTNN chuyên ngành, KTNN khu vực và các đơn vị sự nghiệp; đảm bảo cơ cấu hợp lý, đồng bộ để thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của KTNN, đặc biệt là những chức năng, nhiệm vụ mới được bổ sung theo quy định của Luật KTNN; đảm bảo sự kế thừa và phát triển cơ cấu tổ chức hiện hành theo quy định tại Nghị định số 93/2003/NĐ-CP ngày 13/8/2003 của Chính phủ, khắc phục hạn chế, bất cập trên cơ sở đánh giá việc thực hiện cơ cấu tổ chức của KTNN trong những năm qua; phù hợp với định hướng phát triển của KTNN, đáp ứng được yêu cầu cải cách hành chính nhà nước; đồng thời, tham khảo có chọn lọc kinh nghiệm mô hình tổ chức của KTNN các nước trên thế giới. Cơ cấu tổ chức của KTNN đến nay gồm 31 đơn vị trực thuộc, trong đó có 08 KTNN chuyên ngành, 13 KTNN khu vực, 07 vụ chức năng và 03 đơn vị sự nghiệp. Với cơ cấu như vậy, tổ chức bộ máy của KTNN đã hoàn thiện thêm một bước trong chiến lược phát triển đến năm 2020.
- Nghị quyết số 1002/2006/NQ-UBTVQH11 ngày 03/3/2006 của UBTVQH quy định về nhiệm vụ, quyền hạn và tiêu chuẩn từng ngạch kiểm toán viên nhà nước. Nhiệm vụ, quyền hạn và tiêu chuẩn cụ thể của từng ngạch kiểm toán viên nhà nước được xây dựng trên cơ sở phù hợp với những quy định chung về nhiệm vụ, quyền hạn và tiêu chuẩn đối với cán bộ, công chức ở các ngạch tương đương theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức hiện hành; xuất phát từ cơ sở thực tiễn của hoạt động KTNN, đáp ứng những yêu cầu và đòi hỏi về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và kinh nghiệm công tác, thể hiện tính đặc thù của ngành KTNN; đồng thời, nghiên cứu, tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm của một số nước trên thế giới và thông lệ quốc tế, phù hợp với điều kiện thực tế Việt Nam. Theo đó, nhiệm vụ, quyền hạn, tiêu chuẩn của từng ngạch kiểm toán viên nhà nước được xây dựng trên cơ sở 3 cấp độ sau đây: i) cấp độ chỉ đạo - đây là cấp độ cao nhất, thực hiện việc xây dựng và quyết định những vấn đề mang tính định hướng, bao quát, đối với những công việc quan trọng, phức tạp có tầm ảnh hưởng lớn; người thực hiện những công việc trên ngoài việc phải có kiến thức toàn diện và chuyên sâu về các lĩnh vực của hoạt động kiểm toán, còn phải có bề dày kinh nghiệm và sự hiểu biết về các lĩnh vực kinh tế, chính trị và xã hội khác. Cấp độ này phù hợp với ngạch kiểm toán viên cao cấp; ii) cấp độ triển khai - cấp độ này nhằm triển khai, thực thi hoá những quyết định của cấp độ chỉ đạo; do đó, đòi hỏi người thực hiện phải có khả năng phân tích, nắm bắt và triển khai thành các công việc chuyên môn cụ thể. Cấp độ này phù hợp với ngạch kiểm toán viên chính; iii) cấp độ thực hiện - nhằm hiện thực hoá những công việc cụ thể theo sự phân công; do đó, đòi hỏi người thực hiện phải nắm chắc những kiến thức cơ bản về kiểm toán, có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ trong lĩnh vực kiểm toán. Cấp độ này phù hợp với ngạch kiểm toán viên và kiểm toán viên dự bị. Nghị quyết ra đời tạo ra sự đồng bộ và chuẩn hoá đối với đội ngũ kiểm toán viên nhà nước ở mỗi ngạch; là cơ sở quan trọng cho công tác tuyển dụng, sử dụng, quản lý và đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ kiểm toán viên trong giai đoạn mới của KTNN.
- Nghị quyết số 1003/2006/NQ-UBTVQH11 ngày 03/3/2006 của UBTVQH quy định về phê chuẩn bảng lương, bảng phụ cấp chức vụ đối với cán bộ lãnh đạo KTNN; bảng lương, phụ cấp, trang phục đối với cán bộ, công chức KTNN và chế độ ưu tiên đối với kiểm toán viên nhà nước. Chế độ về tiền lương, phụ cấp ... đối với cán bộ, công chức KTNN được xây dựng trên cơ sở phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành về chế độ tiền lương; xem xét đến những yếu tố đặc thù của hoạt động KTNN; đồng thời, đảm bảo hài hoà, thống nhất với các quy định về chế độ tiền l­ương của cán bộ, công chức ở các cơ quan có các hoạt động đặc thù như Toà án, Thanh tra ..., có sự tham khảo chính sách về chế độ tiền l­ương đối với công chức KTNN của một số n­ước trong khu vực và trên thế giới, tham khảo khuyến cáo của Tổ chức quốc tế Các cơ quan kiểm toán tối cao (INTOSAI): "Nhà nư­ớc phải đảm bảo ­ưu tiên cho kiểm toán viên có chế độ tiền lương phù hợp nhằm tăng c­ường trách nhiệm và đảm bảo tính độc lập của kiểm toán viên khi thi hành nhiệm vụ". Về bảng lương của Tổng KTNN và Phó Tổng KTNN được quy định như bảng lương của Chủ nhiệm và Phó Chủ nhiệm Uỷ ban của Quốc hội theo quy định của Luật KTNN; phụ cấp chức vụ đối với cán bộ, công chức giữ chức danh lãnh đạo cấp vụ và cấp phòng được xác định theo quy định hiện hành tại Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức và lực lượng vũ trang; về bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ của cán bộ, công chức KTNN được áp dụng theo Bảng lương chuyên môn nghiệp vụ đối với cán bộ, công chức trong các cơ quan nhà nước quy định tại Nghị định số 204/2004/NĐ-CP; đối với kiểm toán viên dự bị được áp dụng thang bậc lương của công chức loại A1, như thang bậc lương của kiểm toán viên; về chế độ phụ cấp trách nhiệm theo nghề được quy định áp dụng cho cán bộ, công chức ở các ngạch kiểm toán viên, mức phụ cấp như chế độ áp dụng đối với công chức ngành thanh tra; theo đó, kiểm toán viên cao cấp gồm cả chức danh Tổng KTNN được hưởng thêm 15% mức lương hiện hưởng; kiểm toán viên chính được hưởng thêm 20% mức l­ương hiện hưởng; kiểm toán viên, kiểm toán viên dự bị được hưởng thêm 25% mức lương hiện h­ưởng; chế độ trang phục của cán bộ, công chức KTNN được quy định mới, khắc phục những hạn chế của chế độ trang phục KTNN áp dụng trong những năm vừa qua theo Thông tư liên tịch số 297/1998/TTLT- KTNN- BTC ngày 16/7/1998 giữa KTNN - Bộ Tài chính; về chế độ ưu tiên đối với kiểm toán viên nhà nước được quy định theo hướng, căn c­ứ vào kết quả kiểm toán hàng năm, KTNN được trích 2% số tiền thực nộp vào Kho bạc Nhà nước (có xác nhận của Kho bạc Nhà nước) do KTNN phát hiện ngoài số thu ngân sách nhà nước do cơ quan có nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước đảm nhận để đầu tư cơ sở vật chất trong ngành và khen thưởng trong hoạt động kiểm toán.
Nghị quyết về chế độ tiền lương, phụ cấp … đối với cán bộ, công chức KTNN thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, sự kỳ vọng của Quốc hội đối với KTNN; là sự động viên, khích lệ lớn đối với đội ngũ cán bộ, công chức nói chung và lực lượng kiểm toán viên nói riêng hoàn thành tốt nhiệm vụ; và cũng chính là điều nhắc nhở về nêu cao tinh thần trách nhiệm, đảm bảo tính độc lập, khách quan trong hoạt động kiểm toán của kiểm toán viên, góp phần nâng cao chất lượng kiểm toán của KTNN.
Có thể nói, việc UBTVQH ban hành kịp thời các Nghị quyết đã tạo hành lang pháp lý đầy đủ, đảm bảo cơ sở cho tổ chức và hoạt động của KTNN theo Luật KTNN.
2. Những vấn đề về tổ chức, nhân sự cần sửa đổi, bổ sung trong Luật Kiểm toán nhà nước
Để bảo đảm yêu cầu phát triển trong thời kỳ công nghiệp hoá - hiện đại hoá và tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước, mục tiêu phát triển KTNN đến năm 2020 là "Nâng cao năng lực hoạt động, hiệu lực pháp lý, chất lượng và hiệu quả hoạt động của KTNN như một công cụ hữu hiệu của Nhà nước trong kiểm tra, giám sát quản lý và sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước; xây dựng KTNN có trình độ chuyên nghiệp cao, từng bước hiện đại, trở thành cơ quan kiểm tra tài chính công có trách nhiệm và uy tín, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, phù hợp với các thông lệ và chuẩn mực quốc tế”, vấn đề về tổ chức, nhân sự của KTNN cần đặt ra trong quá trình nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Luật KTNN.
2.1. Địa vị pháp lý, tổ chức bộ máy của KTNN
Địa vị pháp lý của một cơ quan, đơn vị là những quy định về cơ cấu tổ chức, nhân sự; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và phạm vi hoạt động ... được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật. Như vậy, địa vị pháp lý luôn phụ thuộc vào hình thức văn bản pháp luật. Trong các văn bản pháp luật cũng có những quy định khác nhau về địa vị pháp lý của các cơ quan kiểm tra, kiểm soát. Để bảo đảm một cách có hiệu lực vững chắc cho công tác kiểm tra tài chính nhà nước độc lập, Điều 118 Hiến pháp năm 2013 đã quy định: KTNN là cơ quan do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, thực hiện kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công. Tổng KTNN là người đứng đầu KTNN, do Quốc hội bầu. Nhiệm kỳ của Tổng KTNN do luật định. Tổng KTNN chịu trách nhiệm và báo cáo kết quả kiểm toán, báo cáo công tác trước Quốc hội; trong thời gian Quốc hội không họp, chịu trách nhiệm và báo cáo trước UBTVQH. Tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của KTNN do luật định”.
Như vậy, Hiến pháp năm 2013 đã xác định cụ thể địa vị pháp lý của KTNN, là cơ quan hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật. Địa vị pháp lý và tính độc lập trong tổ chức, hoạt động của KTNN có mối quan hệ chi phối, quyết định lẫn nhau, tính độc lập của cơ quan kiểm toán là tiền đề cơ bản bảo đảm cho công tác kiểm tra tài chính công có hiệu lực và hiệu quả. Kết quả kiểm tra tài chính đối với tất cả các cơ quan, đơn vị, các tổ chức nói chung, nhất là các cơ quan đơn vị có sử dụng NSNN nói riêng đều chịu sự tác động về mặt chính trị Vì vậy, tính độc lập đầy đủ của cơ quan kiểm toán, cũng như kiểm toán viên phải được bảo đảm về mặt pháp lý, nhất là cơ quan KTNN nhằm xác định địa vị của KTNN trong hệ thống cơ cấu tổ chức nhà nước, bảo đảm cho nó có đủ quyền hạn thực thi công việc. Tính độc lập đầy đủ của cơ quan KTNN, cũng như kiểm toán viên nhà nước là yếu tố quan trọng trực tiếp tác động đến chất lượng kiểm toán, bởi vì trong hoạt động kiểm toán mọi ý kiến đánh giá, nhận xét và kết luận của kiểm toán viên đều dựa vào bằng chứng kiểm toán, không chịu sự tác động của bất kỳ sức ép nào, nhất là sức ép về chính trị, do đó cần bảo đảm tính độc lập của KTNN.
Chính nguyên tắc hoạt động độc lập sẽ chi phối công tác tổ chức, bộ máy nhân sự của KTNN. Một số nước, KTNN được xây dựng như những cơ quan nhà nước độc lập, bằng việc tách KTNN ra khỏi ngành lập pháp, hành pháp về mặt tổ chức; thiết chế như vậy sẽ bảo đảm cho cơ quan kiểm toán và đối tượng kiểm toán không đồng nhất với nhau về quyền lợi, do đó giữ được một khoảng cách tối thiểu nhất định giữa các bên. Vì vậy, chúng tôi nhất trí với Điều 20 của Dự thảo Luật KTNN[1] và đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc, bổ sung, hoàn thiện quy định của Điều 20, cụ thể là: “Tổng KTNN là người đứng đầu KTNN, được bầu trong số đại biểu Quốc hội, chịu trách nhiệm trước Quốc hội và UBTVQH về tổ chức và hoạt động của KTNN. Tổng KTNN do Quốc hội bầu, miễn nhiệm và bãi nhiệm theo đề nghị của UBTVQH”. Mặt khác, cần cân nhắc quy định quyền miễn trừ đối với Tổng KTNN tại Điều 22 của Dự thảo vì không có căn cứ pháp lý cũng như thực tiễn hoạt động của các cơ quan hoạt động độc lập khác như Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Quyền miễn trừ này chỉ áp dụng đối với đại biểu Quốc hội và được quy định trong Hiến pháp.
Nhiệm kỳ của Phó Tổng KTNN nên thống nhất theo quy định như đối với nhiệm kỳ của Tổng KTNN là 7 năm.
2.2. Về chức năng của KTNN
Về cơ bản, chúng tôi đồng ý với quy định tại Điều 17 của Dự thảo Luật KTNN (sửa đổi), nhưng để xác định rõ hơn chức năng chủ yếu của KTNN trong việc quản trị nguồn lực tài chính và tài sản quốc gia; việc thực hiện, triển khai chức năng, nhiệm vụ ở cả 3 loại hình: kiểm toán tài chính, kiểm toán tuân thủ và kiểm toán hoạt động, đẩy mạnh thực hiện loại hình kiểm toán hoạt động và kiểm toán chuyên đề nhằm đánh giá tính hiệu quả và hiệu lực đối với việc quản lý, sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước, khai thông các nguồn lực quốc gia như: đất đai, tài nguyên khoáng sản; đánh giá việc thực hiện các chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; thực hiện tốt kiểm toán báo cáo quyết toán NSNN để trình Quốc hội xem xét phê chuẩn, quyết định phân bổ ngân sách trung ương; các dự án và các công trình quan trọng quốc gia, dự toán và phân bổ ngân sách địa phương… Đề nghị điều chỉnh Điều 17: “KTNN có chức năng kiểm tra, đánh giá, xác nhận và tư vấn đối với hoạt động quản lý và sử dụng nguồn lực tài chính và tài sản quốc gia”.
2.3. Về tiêu chuẩn của kiểm toán viên nhà nước
Phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đảm bảo đủ về số lượng, cơ cấu chuyên môn và cơ cấu ngạch hợp lý, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức KTNN có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức nghề nghiệp trong sáng, tinh thông về nghiệp vụ chuyên môn, chuyên nghiệp, tương xứng với yêu cầu của nghề nghiệp kiểm toán và đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, thực hiện đổi mới công tác tổ chức cán bộ nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ. Đó là các yêu cầu cơ bản trong công tác tổ chức cán bộ, xây dựng bộ máy của KTNN. Khoản 2 Điều 33 của Dự thảo Luật về tiêu chuẩn chung của kiểm toán viên nhà nước quy định, kiểm toán viên nhà nước phải có đủ các tiêu chuẩn của công chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức và có bằng tốt nghiệp đại học trở lên thuộc một trong các chuyên ngành kiểm toán, kế toán, tài chính, ngân hàng, kinh tế, luật là chưa thật phù hợp. Hiện nay, KTNN có 8 chuyên ngành bao gồm các lĩnh vực quốc phòng; an ninh, tài chính và ngân sách Đảng, hoạt động cơ yếu, dự trữ nhà nước; ngân sách trung ương của bộ, ngành kinh tế tổng hợp; đầu tư, dự án hạ tầng cơ sở; dự án công nghiệp, dân dụng; các tập đoàn, tổng công ty nhà nước; ngân hàng, các tổ chức tài chính. Các lĩnh vực này bao quát hết mọi cơ quan, tổ chức, đơn vị bao gồm cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp có quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước và và cơ quan, tổ chức, đơn vị khác có sử dụng tài chính, tài sản công. Vì vậy, nếu kiểm toán viên chỉ có kiến thức trong các ngành kiểm toán, kế toán, tài chính, ngân hàng, kinh tế, luật là chưa phù hợp. Chúng tôi đề nghị Dự thảo giữ nguyên như khoản 2 Điều 29 Luật KTNN năm 2005 là: “Có bằng tốt nghiệp đại học trở lên thuộc một trong các chuyên ngành kiểm toán, kế toán, tài chính, ngân hàng, kinh tế, luật hoặc chuyên ngành khác có liên quan trực tiếp đến hoạt động kiểm toán”./.
 

* Quyền Vụ trưởng Vụ Công tác đại biểu - Văn phòng Quốc hội
[1] Dự thảo lần thứ 13.

(Nguồn tin: Bài viết đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu lập pháp số 9(289), tháng 5/2015)


Thống kê truy cập

32735259

Tổng truy cập