Định hình thể chế mới về quản trị nước cho Việt Nam - thực trạng, thách thức và phương hướng hoàn thiện

01/03/2015

TS. ĐẶNG XUÂN PHƯƠNG

Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Lập pháp

Chương trình Nghị sự của Ủy ban Thường trực thứ 2 về Phát triển bền vững, tài chính và thương mại, Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) đã xác định một chủ đề quan trọng gắn với Mục tiêu Phát triển thiên niên kỷ (MDG), sẽ được đưa ra bàn tại Đại hội đồng IPU 132 tại Hà Nội tới đây (tháng 3/2015), đó là: “Định hình cơ chế mới về quản trị nước: Thúc đẩy hành động của Nghị viện về vấn đề nước” (Shaping a news system on water government: Promoting parliamentary action on water). Nhằm góp phần vào nội dung kiến nghị của Đoàn Quốc hội Việt Nam đối với Nghị quyết của Đại hội đồng IPU 132 về chủ đề trên, chúng tôi muốn làm rõ một phần về cơ sở lý luận và thực tiễn các vấn đề: thực trạng xây dựng thể chế mới về quản trị nước mà Việt Nam đang tiến hành trong thời gian qua và những thách thức đang đặt ra; mô hình thể chế quản trị nước và phương hướng, giải pháp cho việc tiếp tục đổi mới, hoàn thiện đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, có tính đến điều kiện đặc thù của Việt Nam; cơ quan quyền lực nhà nước, trước hết là Quốc hội sẽ có vai trò và các bước đi cơ bản nào nhằm định hình rõ nét cũng như vận hành một cơ chế mới có hiệu quả hơn về quản trị nước ở Việt Nam.
Untitled_257.png 
Ảnh minh họa: (Nguồn internet)
Thực trạng và những thách thức đang đặt ra cho việc hoàn thiện hệ thống thể chế quản trị nước ở Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế
Là một quốc gia Đông Nam Á với truyền thống làm nông nghiệp lâu đời, nước và việc “trị thủy” luôn là một vấn đề quan trọng hàng đầu trong chính sách kinh tế và phòng chống thiên tai do nước gây ra đối với các chế độ nhà nước ở Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử. Ngày nay, công tác quản trị nước liên quan đến chức năng, nhiệm vụ quản lý của nhiều ngành, lĩnh vực kinh tế khác nhau: tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, sản xuất công nghiệp và chế biến, cấp thoát nước đô thị, nông thôn, giao thông đường thủy, phát điện, du lịch v.v.. Do điều kiện địa lý và khí hậu đặc trưng khá dồi dào về nguồn nước (tính trung bình trên mỗi người, Việt Nam có khoảng 9,85 m3 nước mặt, gấp 1,5 lần lượng nước trung bình mỗi đầu người trên thế giới - theo một báo cáo năm 2008), lại trải qua nhiều biến cố chiến tranh nhiều năm, nên công tác quản trị nước vẫn dựa trên các nguyên lý truyền thống và chủ yếu tập trung vào phục vụ sản xuất nông nghiệp và nông thôn, nơi thu hút đến 70 - 80% dân số và nhân lực của Việt Nam. Trong vòng hai thập kỷ vừa qua, thể chế quản lý nước ở Việt Nam đã có những bước chuyển biến theo hướng nâng cao tính hiệu quả và tính bền vững của việc khai thác, sử dụng và bảo vệ nước như một nguồn tài nguyên quý giá, trong bối cảnh nguồn tài nguyên này đang đối diện với những thách thức to lớn về việc chia sẻ lợi ích sử dụng cho nhiều ngành kinh tế, nhiều mục đích phát triển (multi-purpose use), nhu cầu chất lượng nước sinh hoạt lớn hơn rất nhiều do bùng nổ dân số, tốc độ đô thị hóa cùng với nạn ô nhiễm và suy thoái môi trường tăng nhanh. Trong đó, có nguyên nhân rất lớn liên quan đến nước thải và sự suy giảm của các hệ sinh thái thủy sinh trên các lưu vực sông và vùng ven biển. Một thách thức vô cùng quan trọng nữa về nước liên quan đến vấn đề an ninh chiến lược của quốc gia, do phần lớn nguồn nước tự nhiên từ các sông ngòi lớn của Việt Nam đến từ các quốc gia láng giềng, trong khi các quốc gia này cũng có nhu cầu ngày càng tăng về sử dụng nước cho mục đích phát triển của mình.
Việt Nam đã trải qua một quá trình cải cách thể chế sâu rộng, kéo dài nhiều năm trong lĩnh vực quản trị nước (kể từ cuối thập niên 90 của thế kỷ XX đến nay). Từ lúc Luật Tài nguyên nước (TNN) được ban hành lần đầu tiên năm 1998 (khi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Bộ NN&PTNT - được giao chức năng quản lý nhà nước về TNN) cho đến khi Luật này được Quốc hội Việt Nam sửa đổi năm 2012 do Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) chủ trì xây dựng theo chức năng được giao kể từ năm 2002), khung thể chế cho công tác quản lý nhà nước về TNN nói riêng và công tác quản trị nước nói chung đã có những chuyển đổi đáng kể về mặt tư duy quản lý và cơ sở pháp lý theo hướng: trong cơ chế chung về quản trị nước, chức năng quản lý nhà nước về TNN (dựa trên nguyên lý tổng hợp, khách quan) phải được tách bạch với chức năng quản lý khai thác, sử dụng nước trong các ngành, lĩnh vực kinh tế. Đây cũng là xu thế cải cách chung về quản trị nước ở các nước trên thế giới và nhất là ở khu vực Đông Nam Á trong thời gian vừa qua. Với sự tham mưu, đề xuất của Bộ TN&MT, các công cụ pháp lý để quản lý nhà nước về TNN không ngừng được hoàn thiện như Chiến lược quốc gia về TNN (ban hành năm 2006), các loại quy hoạch TNN, Nghị định số 120/2008/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý lưu vực sông, Nghị định số 112/2008/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, bảo vệ, khai thác tổng hợp TN&MT các hồ chứa, hồ thủy điện; các nghị định của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực TNN; các quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành quy trình vận hành liên hồ chứa trên các lưu vực sông v.v.. Việc tăng cường hoàn thiện hệ thống pháp luật về TNN đã thúc đẩy đổi mới cơ chế quản lý khai thác, sử dụng các công trình, dịch vụ ở nhiều ngành sử dụng nước như thủy lợi, thủy sản, thủy điện, vận tải thủy nội địa và bảo vệ môi trường v.v.. hướng tới sử dụng nước đa mục tiêu. Có thể nói rằng, công tác xây dựng thể chế, chính sách quản lý nhà nước về TNN đã góp phần quan trọng vào việc nâng cao nhận thức về sự cần thiết và từng bước thúc đẩy quá trình cải cách cơ chế quản trị nước theo hướng tăng cường cách tiếp cận quản lý tổng hợp - integrated management (hay thực chất quản lý lồng ghép các vấn đề về nước liên quan đến trách nhiệm của nhiều bộ ngành, lĩnh vực, chính quyền địa phương và cộng đồng xã hội).
Tuy nhiên, cơ chế hoạch định chính sách, chiến lược quản trị nước hiện nay đang cho thấy một bất cập, đó là mặc dù Hội đồng quốc gia về TNN đã được thành lập từ năm 2000 (hiện nay do một Phó Thủ tướng Chính phủ làm Chủ tịch và Bộ TN&MT làm thường trực) nhưng với kết cấu thành phần nặng về tính đại diện các cơ quan hành chính và chế độ làm việc kiêm nhiệm với thời gian rất ít ỏi hàng năm để bàn về những vấn đề to lớn tầm cỡ quốc tế và quốc gia, nội dung lại rất chuyên sâu về lĩnh vực nước, nên hiệu quả làm việc không cao. Trách nhiệm tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ dồn cho Bộ có chức năng quản lý nhà nước về TNN nhưng khi phải đối diện với những nhiệm vụ quan trọng về khai thác, sử dụng nước do các bộ, ngành khác chủ trì, thì kết quả cho vai trò “trọng tài” của Bộ này thường là một phương án thỏa hiệp có tính chất tương đối mà không hẳn đã là một giải pháp tối ưu nhất xét về dài hạn. Vấn đề xây dựng quy hoạch tổng hợp TNN nhằm bảo đảm lồng ghép, liên kết với các quy hoạch chuyên ngành có liên quan đến khai thác, sử dụng nước cũng đang trong quá trình bàn bạc, chưa thống nhất, trong khi khung thể chế cho công tác lập quy hoạch, chiến lược còn chưa đồng bộ, chưa được giải quyết triệt để với việc ban hành một đạo luật chung cho công tác quy hoạch không gian.
Về bộ máy quản lý nhà nước, sau khi chuyển giao công tác quản lý nhà nước về TNN từ Bộ NN&PTNT năm 2002, đến nay Bộ TN&MT đã xây dựng được một cơ cấu tổ chức quản lý nhà nước (Cục Quản lý TNN ở Trung ương và hệ thống các chi cục quản lý TNN thuộc ngành TN&MT ở địa phương) và đơn vị sự nghiệp tương đối hoàn chỉnh, bước đầu đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ quản lý và cung ứng dịch vụ công. Việc phân định chức năng quản lý nhà nước giữa Bộ TN&MT với Bộ NN&PTNT tuy mất nhiều năm xử lý với những quan điểm, ý kiến khác biệt liên quan chủ yếu đến vấn đề quản lý lưu vực sông, nhưng đến nay về cơ bản đã định hình rõ chức năng, thẩm quyền và trách nhiệm quản lý nhà nước của mỗi bộ, ngành. Bộ NN&PTNT cũng đã thành lập Tổng cục Thủy lợi (quản lý về hệ thống thủy nông, đê điều và phòng chống lụt bão) với chức năng chủ yếu tập trung vào quản lý nhà nước các dịch vụ công ích về nước (trừ cấp thoát nước đô thị do Bộ Xây dựng quản lý). Tuy nhiên, có một thực tế là do việc bàn giao chức năng, nhiệm vụ trước đây không đồng bộ với việc chuyển giao một đội ngũ cán bộ quản lý (chỉ có 12 công chức thuộc Cục Thủy lợi trước đây và Văn phòng Ủy ban Sông Mekong được bàn giao) cũng như các đơn vị sự nghiệp có liên quan nên một lực lượng khá mạnh các đơn vị có chức năng, nhiệm vụ và năng lực phục vụ đắc lực cho công tác quản lý TNN đã ở lại Bộ NN&PTNT. Thực tế này làm cho việc đổi mới thế chế và kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước dựa trên phân định chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền phải tốn nhiều thời gian và có sự chậm trễ so với các mục tiêu phát triển bền vững về lĩnh vực nước. Thậm chí cho đến nay, mặc dù đã có sự thống nhất nhận thức chung về nguyên lý quản trị nước và việc “phân vai” của mỗi ngành, mỗi cấp nhưng trong điều hành các hoạt động quản lý thực tiễn vẫn ít nhiều có sự lúng túng, đôi khi đổ lỗi cho nhau (trong các sự cố nứt, vỡ đập thủy điện, xử lý các điểm gây ô nhiễm nước nghiêm trọng) hoặc chưa bảo đảm sự lồng ghép, phối hợp chặt chẽ với nhau. Sự dùng dằng trong quan điểm, cách thức giải quyết các vấn đề nảy sinh trong quản lý của các ngành, địa phương cũng khiến cho quyền và lợi ích chính đáng của các cộng đồng, các “hộ” dùng nước vẫn chưa được bảo đảm đúng với yêu cầu là quyền có nước an toàn và phổ cập mà Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ đã đề ra.
Cách thức tổ chức quyền lực để quản lý nước xét trên phương diện cấu trúc lãnh thổ, nguyên tắc phân công quản lý theo ngành, lĩnh vực và phân cấp quản lý theo các cấp chính quyền tương ứng với đơn vị hành chính từ trước đến nay ở nước ta đang gặp phải thách thức to lớn trong giải quyết vấn đề của nguồn nước thuộc một khu vực liên tỉnh, trong khi TNN được cấu trúc xét về mặt tự nhiên theo lưu vực sông, thường thuộc địa bàn nhiều địa phương (Việt Nam hiện có 108 lưu vực sông, trong đó có 16 lưu vực sông lớn). Để quản lý được TNN thì phải bám vào lưu vực sông trong khi cơ chế quản lý nước theo vùng địa lý lưu vực thì vẫn chưa hoàn chỉnh, nếu có ở đâu đó thì thường mới chỉ tập trung vào giải quyết một vấn đề dài hạn có tính chất liên ngành mà chưa phải là cơ chế quản lý tích hợp đồng thời nhiều vấn đề đa ngành và liên vùng theo đúng yêu cầu quản lý lưu vực. Chẳng hạn, Bộ NN&PTNT trước đây thành lập các Ban quản lý quy hoạch lưu vực sông riêng cho lĩnh vực thủy lợi và Bộ TN&MT đề xuất thành lập các Ủy ban bảo vệ môi trường lưu vực sông (hiện mới có ở lưu vực sông Cầu, sông Nhuệ - sông Đáy và hệ thống sông Đồng Nai). Các mô hình cơ chế phối hợp liên ngành này chưa phải là tổ chức lưu vực sông đang được áp dụng ở các quốc gia có trình độ quản lý nước tiên tiến, hiện đại. Vì vậy, mô hình tổ chức và cơ chế quản lý tổng hợp TNN theo lưu vực sông như thế nào là phù hợp với điều kiện Việt Nam là một vấn đề then chốt đang được đặt ra để thực hiện Luật TNN 2012.
Về chính sách đầu tư và tài chính cho ngành nước, với xuất phát điểm là một quốc gia nông nghiệp, trong nhiều năm qua, ngành nước là một trong những ngành điển hình của cơ chế bao cấp, đầu tư từ ngân sách chủ yếu cho các công trình khai thác, sử dụng nước nhưng Nhà nước không thu hồi được bao nhiêu để tái đầu tư. Tình trạng thất thoát, lãng phí trong sử dụng nước khá phổ biến do không có cơ chế phân bổ nguồn nước hợp lý. Việc chi trả cho các dịch vụ cấp thoát nước và xử lý nước thải của người dân mới được áp dụng ở khu vực đô thị nhưng cũng chưa hề tương xứng với yêu cầu coi nước là hàng hóa kinh tế phù hợp với nguyên tắc mà Tuyên bố Dublin 1992 về nước và phát triển bền vững đã đề ra. Việc miễn phí thủy lợi kể từ năm 2008 không chỉ làm thất thu cho ngân sách nhà nước nhiều tỷ đồng mà còn được đánh giá là vô hình chung đã tạo ra sự bất bình đẳng trong việc tiếp cận các dịch vụ về nước (nhiều nhà sản xuất thủy sản và các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đang được hưởng các ưu đãi lớn trong sử dụng nước, trong khi không phải trả tiền tương xứng với các khoản thu của mình). Trong khi đó, các cộng đồng và người dân có quyền và trách nhiệm trong khai thác, sử dụng và bảo vệ nguồn nước trên các địa bàn, khu vực vẫn chưa có một cơ chế hữu hiệu bảo đảm sự tham gia thích đáng, công bằng của mọi thành phần có liên quan vào công tác quản trị và phân bổ lợi ích từ nước.
Mô hình thể chế cho quản lý nước ở Việt Nam - Phương hướng, giải pháp đổi mới, hoàn thiện
Có thể thấy rằng, thể chế và cơ cấu tổ chức quản lý TNN nói riêng và quản trị nước nói chung ở nước ta đã và đang từng bước có những đổi mới phù hợp với xu hướng chung của thế giới trong cải cách ngành nước và phát triển bền vững. Tuy nhiên, khung thể chế hiện nay còn những bất cập khi phải giải quyết những vấn đề khá cơ bản liên quan đến phương thức quản lý tổng hợp TNN trong các khâu: hoạch định, tổ chức - điều hành và thực thi. Hiện nay, sự thiếu vắng một khuôn khổ pháp lý hữu hiệu cho thể chế quản lý sự phát triển bền vững ở quy mô cấp vùng là câu hỏi đang đặt ra. Thể chế đó chỉ tập trung vào phát triển kinh tế - xã hội hay phải tích hợp được và dựa vào các điều kiện tự nhiên về tài nguyên - môi trường, trong đó có hai loại tài nguyên quan trọng nhất là TNN và tài nguyên đất. Những nghiên cứu sâu hơn về cơ sở lý luận và thực tiễn xây dựng mô hình phát triển bền vững có thể đưa ra những gợi ý giải pháp thỏa đáng đối với vướng mắc trong vấn đề thể chế này trong tương lai (chẳng hạn, kinh nghiệm ở Pháp cho thấy việc thành lập Bộ Sinh thái, Phát triển bền vững và Năng lượng về quản lý tổng hợp các vấn đề về môi trường, tài nguyên, giao thông, năng lượng và biển). Tuy vậy, có thể thấy một số việc cần tập trung giải quyết trước mắt liên quan đến xây dựng mô hình thể chế quản trị nước như sau:
Một là, cần đổi mới cơ cấu thành phần và phương thức làm việc của Hội đồng quốc gia TNN để nâng cao chất lượng công tác tư vấn hoạch định và điều phối thực hiện chiến lược, chính sách quốc gia về TNN. Hội đồng cần có số thành viên rộng rãi hơn, tập hợp các chuyên gia và ít nhiều mang tính đại diện cho các nhóm “lợi ích” chủ yếu về sử dụng nước. Cơ chế làm việc của Hội đồng cũng phải thường xuyên hơn và được triệu tập bất kỳ khi nào cần thiết phải xem xét những đề án chính sách, các dự án cấp quốc gia hoặc có yếu tố nước ngoài về nước. Cơ chế làm việc Hội đồng có thể thay thế cho nhiều cuộc họp có tính chất phối hợp liên ngành do Văn phòng Chính phủ hoặc Bộ TN&MT chủ trì trước khi trình Thủ tướng Chính phủ.
Hai là, trong vấn đề hoàn thiện mô hình tổ chức lưu vực sông (River Basin Oganization), để thực sự đảm nhiệm được chức năng tổ chức hoạch định điều phối TNN cấp vùng (bao trùm lưu vực sông), cần dựa vào cả kinh nghiệm quốc tế cũng như phải xem xét các điều kiện đặc thù của Việt Nam mà xây dựng phương án thiết kế mô hình tổ chức lưu vực sông sao cho linh hoạt. Nhìn chung, nên có cơ cấu 02 tầng như sau:
(1) Tầng quản lý quy hoạch - chính sách: thành lập đồng thời cả Hội đồng lưu vực sông - River Basin Council (đối với các lưu vực sông chính của quốc gia như lưu vực sông Cửu Long và lưu vực sông Hồng - Thái Bình) và Ủy ban lưu vực sông - River Basin Committe (đối với các lưu vực sông nhỏ hơn, phạm vi địa bàn một vài tỉnh, thành phố). Do đặc điểm địa hình của Việt Nam kéo dài và phình to ở hai đầu đất nước nên việc áp dụng chỉ duy nhất mô hình Hội đồng hoặc mô hình Ủy ban đều không phù hợp. Đối với 02 lưu vực sông lớn của quốc gia, phạm vi và tính chất công việc quản trị nước phức tạp hơn và có tầm ảnh hưởng lâu dài, xuyên suốt đến sự phát triển chung của đất nước, cần có cơ chế huy động, tập hợp rộng hơn nguồn lực các chuyên gia và các nhà quản lý, đại diện của các địa phương hơn so với các lưu vực sông khác (chủ yếu trải dọc theo khu vực duyên hải miền Trung). Hội đồng lưu vực sông quy mô quốc gia nên do Bộ TN&MT làm Chủ tịch, một Thứ trưởng của Bộ này và một Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đồng Phó Chủ tịch. Đối với các Ủy ban lưu vực sông nhỏ hơn thì có thể hoạt động theo cơ chế lãnh đạo một địa phương duy nhất làm chủ tịch (đối với lưu vực sông nằm trọn vẹn hoặc nằm chủ yếu trên địa bàn một tỉnh hoặc chủ tịch luân phiên đối với lưu vực sông nằm trên địa bàn một số tỉnh), có đại diện của Bộ TN&MT và một vài bộ, ngành có chức năng quản trị về nước cùng tham gia với đại diện của địa phương và các chuyên gia.
(2) Tầng tổ chức thực thi: thành lập Ban quản lý lưu vực sông (River Basin Management Board (chung cho lĩnh vực TNN và môi trường) trực thuộc Bộ TN&MT (đối với 02 lưu vực sông quốc gia tương ứng) hoặc trực thuộc Cục Quản lý TNN (đối với lưu vực sông nằm trên địa bàn một vài tỉnh) hoặc trực thuộc Sở TN&MT (đối với lưu vực sông chủ yếu hoặc nằm trọn trên địa bàn một tỉnh). Ban quản lý lưu vực sông nên là tổ chức sự nghiệp hoạt động theo nguyên tắc tự trang trải, có chức năng tổ chức việc điều tra cơ bản, lập và giám sát thực hiện quy hoạch khai thác, sử dụng và bảo vệ TNN lưu vực sông. Từng bước, có thể điều chỉnh, bổ sung chức năng, nhiệm vụ gắn với phục vụ công tác quản lý nhà nước rõ nét hơn. Các Ban quản lý hệ thống lưu vực sông quốc gia có thể được thành lập trên cơ sở kiện toàn, củng cố các Liên đoàn Điều tra địa chất thủy văn khu vực phía Bắc và phía Nam (hiện trực thuộc Trung tâm Điều tra quy hoạch TNN).
Các cơ cấu tổ chức quản lý TNN cấp khu vực theo lưu vực sông cần được sắp xếp lại một cách thống nhất với lĩnh vực bảo vệ môi trường và phải được phân cấp quản lý, chủ động quyết định các vấn đề về giám sát, cấp phép và thực thi để bảo đảm giải quyết chính xác, kịp thời các vấn đề trong quản trị nước trên địa bàn. Việc cơ cấu lại theo hướng trên cũng cho phép hoàn thiện bộ máy của Cục Quản lý TNN nhằm tập trung nhiều hơn vào thực hiện chức năng tham mưu và thanh tra, kiểm tra việc thực hiện cơ chế, chính sách và tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về nước.
Ba là, cần phải tái cấu trúc quan hệ tổ chức thực hiện quyền lực nhà nước theo lãnh thổ để hạn chế tình trạng bất hợp lý, chồng chéo, trùng giẫm về chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền giữa các cơ quan của Chính phủ với chính quyền các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khi ra đời loại hình tổ chức lưu vực sông theo Luật TNN 2012. Vấn đề này cần được tính ngay trong quá trình xây dựng và triển khai thực hiện Luật Tổ chức chính quyền địa phương tới đây (dự kiến sẽ ban hành tại kỳ họp Quốc hội thứ 9, tháng 5/2015) và các văn bản hướng dẫn thi hành. Chính phủ cần ban hành các nghị định riêng quy định cơ chế quản lý tổng hợp cho 02 vùng lưu vực sông chính của quốc gia và một cơ chế quản lý chung cho các lưu vực sông khác. Trong việc này, cần nghiên cứu thực hiện phân cấp trách nhiệm quản lý TN&MT đối với các tỉnh, thành phố sao cho không thể “cào bằng” như nhau mà phải căn cứ vào điều kiện đặc thù về địa - kinh tế của từng khu vực. Những địa phương nằm trong một khu vực đòi hỏi tính liên kết với các tỉnh, thành phố lân cận có điều kiện tự nhiên và kinh tế cao hơn thì cần điều chỉnh lại nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm quản lý sao cho có sự phân công hợp lý hơn giữa trung ương (thông qua mô hình quản lý tổng hợp theo vùng - lưu vực sông) và địa phương. Như vậy, việc phân cấp quản lý tài chính và phân bổ nguồn thu từ thuế, phí liên quan đến khai thác, sử dụng và bảo vệ TNN cũng cần phải có sự tính toán lại phù hợp hơn giữa các địa phương (có những địa phương được chủ động quyết định và có tỷ lệ thu nhiều hơn và những địa phương được phân bổ nguồn thu ít hơn). Cơ chế quản lý tổng hợp TN&MT nước theo lưu vực sông cũng cần gắn bó chặt chẽ với quản lý tổng hợp vùng ven biển ở các lưu vực sông lớn.
Bốn là, nội dung thực hiện quản lý TNN lưu vực sông chính là quy hoạch lưu vực sông và chương trình, kế hoạch quản lý tổng hợp lưu vực sông tương ứng, được triển khai với sự phân cấp trách nhiệm cho tổ chức lưu vực sông, với sự hỗ trợ của cơ quan quản lý TNN thuộc Bộ TN&MT và chính quyền các địa phương có liên quan. Tuy nhiên, nhằm bảo đảm phát huy hiệu quả của cơ chế quản lý tổng hợp TNN phù hợp với nguyên tắc thứ hai của Tuyên bố Dublin 1992 thì trong toàn bộ quá trình hoạch định, thực thi và giám sát quy hoạch, chương trình, kế hoạch quản lý tổng hợp TNN lưu vực sông, cần có cơ chế tăng cường sự tham gia của các giới sản xuất - tiêu thụ, các cộng đồng người dân bản địa, các chuyên gia trong suốt quá trình này (trên các phương diện thông tin, trưng cầu ý kiến và thực hiện trách nhiệm giải trình của các cơ quan công quyền). Hiến pháp năm 2013 đã khẳng định nguyên tắc nhân dân được thực hiện quyền lực của mình bằng dân chủ trực tiếp bên cạnh hình thức dân chủ đại diện. Cần nghiên cứu hoàn thiện cơ sở lý luận và thực tiễn để ban hành các quy định pháp luật nhằm bảo đảm quy định này của Hiến pháp đi vào cuộc sống ngay trong vấn đề này.
Vai trò và các bước đi của các cơ quan quyền lực nhà nước trong việc thúc đẩy định hình, hoàn thiện cơ chế mới về quản trị nước
Trong khuôn khổ chuỗi hoạt động nội dung hưởng ứng Đại hội đồng IPU 132 tới đây, trong đó có chủ đề “Định hình cơ chế mới về quản trị nước: Thúc đẩy hành động của Nghị viện về vấn đề nước”, có thể xác định bước đầu vai trò và các bước đi cơ bản cần làm của Quốc hội và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong vấn đề hoàn thiện và bảo đảm phát huy hiệu quả cơ chế mới về quản trị nước trong thời gian tới như sau:
Thứ nhất, đẩy mạnh xây dựng, thể chế quản trị nước mang tính tích hợp, lồng ghép cao hơn, cụ thể là: tập trung nghiên cứu xây dựng mô hình tổ chức điều phối công tác quản trị nước dựa trên nguyên lý quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường theo hướng phát triển bền vững, khắc phục những hạn chế của các mô hình quản lý nhà nước truyền thống (theo ngành và theo đơn vị hành chính lãnh thổ); điều chỉnh cơ chế xác lập và phân bổ nguồn thu các khoản thuế, phí và lệ phí trong ngành nước một cách hợp lý hơn, công bằng hơn phù hợp với những đòi hỏi về phân cấp trách nhiệm quản lý nhà nước giữa các cấp, các ngành xuất phát từ tính đặc thù về điều kiện địa - kinh tế của từng khu vực; tiếp tục thể chế hóa các chính sách xã hội hóa, kinh tế hóa các dịch vụ về nước theo nguyên tắc người dùng nước và người gây ô nhiễm phải trả tiền, bảo đảm công bằng, hạn chế thất thoát, lãng phí trong khai thác, sử dụng nước.
Thứ hai, tăng cường thực hiện thẩm quyền phê duyệt chủ trương và nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đối với các quyết định của cơ quan hành chính nhà nước về chiến lược, quy hoạch, kế hoạch dài hạn và các dự án đầu tư quan trọng liên quan đến khai thác, sử dụng và bảo vệ nguồn nước.
Thứ ba, tạo điều kiện cho việc phát huy tác dụng của hình thức dân chủ trực tiếp thông qua đề cao vai trò của các tổ chức xã hội, đại diện các cộng đồng dân cư bản địa và có cơ chế huy động chuyên gia tích cực tham gia vào công tác quản trị nước.
Thứ tư, thúc đẩy việc tăng cường hiệu lực, hiệu quả của các cơ chế tài phán (hành chính và tư pháp) cho phép bảo đảm tốt hơn quyền tiếp cận các dịch vụ về nước của các cộng đồng dân cư bản địa và công dân.
Thứ năm, kết hợp giữa đẩy mạnh công tác ngoại giao nghị viện và truyền thông đối ngoại để nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế liên quan đến quản trị nước và thực thi các điều ước quốc tế về nước./.

 


*TS. Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Lập pháp

(Nguồn tin: Bài viết đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu lập pháp số 5(285), tháng 3/2015)