Tăng cường vai trò của Quốc hội trong việc hoàn thiện chính sách, pháp luật về quản lý, khai thác và sử dụng tài nguyên nước

01/02/2015

ThS. ĐẶNG THẾ VINH

ĐBQH, Phó Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Hậu Giang

1. Khó khăn, thách thức trong quản lý, khai thác và sử dụng tài nguyên nước ở nước ta
 - Nguy cơ cạn kiệt nguồn nước, thiếu nước, ô nhiễm nguồn nước ngày càng phổ biến, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người dân
Do thực tế dân số tăng, đô thị hóa, công nghiệp hóa… nên nhu cầu dùng nước ở nước ta sẽ lên đến khoảng 130-150 tỷ m3/năm, chiếm tới gần 50% lượng nước sản sinh trên toàn lãnh thổ, chiếm gần 90% nguồn nước mùa khô (khoảng 170 tỷ m3)[1]. Điều đó cho thấy nguy cơ thiếu nước là rõ ràng và ở mức nghiêm trọng. Suy thoái, cạn kiệt nguồn nước mặt, nước ngầm, thiếu nước, khan hiếm nước cũng sẽ trở nên phổ biến hơn.
Tăng trưởng nhanh dẫn đến sự gia tăng nhu cầu về nước, nhưng chúng ta lại chưa có sự chú ý đúng mức đến bảo vệ môi trường, xử lý nước thải. Nguồn nước thải từ các đô thị, cơ sở công nghiệp, nông nghiệp, làng nghề, bệnh viện, từ nơi khai thác khoáng sản... chưa được xử lý hoặc xử lý không đạt yêu cầu không ngừng đổ vào các sông, hồ, làm ô nhiễm, suy thoái nghiêm trọng các nguồn nước, làm cạn kiệt nguồn nước sạch.
- Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, cạnh tranh khai thác sử dụng nước giữa các ngành, các đối tượng khai thác nguồn nước, giữa thượng lưu và hạ lưu ngày càng tăng
Biến đổi khí hậu tác động trực tiếp và sâu sắc đến tài nguyên nước (TNN) tại Việt Nam. Nguồn nước mùa khô có xu hướng suy giảm, cạn kiệt kéo dài, nhiều khu vực nước ngọt cũng sẽ bị xâm nhập mặn, ô nhiễm gia tăng do dòng chảy không còn khả năng tự làm sạch; khả năng chống chọi với thiên tai, trong đó có hạn hán sẽ tạo ra thách thức lớn đối với bảo đảm an ninh về nước và phát triển xanh, bền vững.
Cạnh tranh giữa sử dụng nước cho thủy điện và các nhu cầu tiêu thụ nước khác, đặc biệt cho sản xuất nông nghiệp ở hạ du một số lưu vực sông lớn đã xảy ra trong những năm gần đây, nhất là trong mùa khô.
Bên cạnh đó, việc khai thác, sử dụng nước tại các quốc gia ở thượng nguồn các sông đã có tác động lớn đến Việt Nam. Gần đây, ở thượng nguồn các sông Đà, sông Thao, sông Lô phần lưu vực thuộc Trung Quốc, việc xây dựng nhiều hồ chứa thủy điện (7 hồ chứa trên thượng nguồn sông Đà, 8 hồ chứa trên sông Lô - sông Gâm và một số hồ chứa lớn ở sông Thao) đã gây những biến động phi tự nhiên, làm suy giảm, cạn kiệt nguồn nước, ảnh hưởng bất lợi tới nguồn nước chảy về Việt Nam. Tình hình tương tự cũng đang diễn ra trên dòng chính sông Mê Kông, gây những quan ngại lớn cho các nước ở hạ du. Điều đó đồng nghĩa với việc Việt Nam đang đứng trước thách thức lớn về bảo đảm an ninh nguồn nước cho phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Đứng trước những thách thức đó, các vấn đề cấp bách đặt ra cho công tác quản trị nguồn nước đó là: (i) Hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật trong lĩnh vực TNN; (ii) Nâng cao hiệu quả sử dụng và bảo vệ TNN; (iii) Điều tra, đánh giá TNN, thiết lập hệ thống thông tin dữ liệu và hệ thống giám sát TNN; (iv) Tăng cường năng lực quản lý TNN; (v) Mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế trong chia sẻ và bảo vệ nguồn nước xuyên biên giới.
2. Tình hình ban hành và triển khai các chính sách, pháp luật về quản lý, khai thác và sử dụng tài nguyên nước  
Trước năm 1998, Việt Nam chưa có một đạo luật cụ thể nào quy định về việc khai thác và sử dụng TNN. Lĩnh vực này được điều chỉnh bằng một số pháp lệnh như Pháp lệnh Đê điều, Pháp lệnh Phòng, chống lụt, bão, Pháp lệnh Thuế Tài nguyên, Pháp lệnh Khai thác và bảo vệ công trình thuỷ lợi. Việc điều chỉnh TNN bằng các văn bản trên đã thể hiện sự quan tâm của Quốc hội đối với việc quản lý, khai thác, sử dụng TNN vào các mục đích khác nhau cũng như phòng, chống tác hại do nước gây ra. Tuy nhiên, chưa có các quy định thống nhất quản lý TNN như một loại tài nguyên quý giá và tài sản thuộc sở hữu toàn dân, do đó, việc quản lý, khai thác, sử dụng TNN vẫn còn những hạn chế, bất cập.
Luật TNN lần đầu tiên được Quốc hội khoá X thông qua tại kỳ họp thứ 3, có hiệu lực từ ngày 01/01/1999, đánh dấu một bước tiến quan trọng trong công tác quản lý TNN ở nước ta. Đây là văn bản pháp luật cao nhất về quản lý TNN, trong đó các quan điểm, đường lối của Đảng, chiến lược phát triển đất nước có liên quan đến TNN đã được thể chế hoá; bước đầu tiếp cận quan điểm hiện đại của thế giới về quản lý tổng hợp TNN. Sự ra đời của Luật TNN cùng với hệ thống các văn bản dưới luật như Nghị định số 67/2003/NĐ-CP về phí bảo vệ môi trường đối với nước thải; Nghị định số 149/2004/NĐ-CP về cấp phép thăm dò, khai thác, sử dụng TNN, xả nước thải vào nguồn nước; Nghị định số 34/2005/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực TNN; Nghị định số 88/2007/NĐCP ngày 28/5/2007 về thoát nước đô thị và khu công nghiệp; Nghị định số 112/2008/NĐ-CP về quản lý, bảo vệ, khai thác tổng hợp TN&MT các hồ chứa, thủy điện; Nghị định số 120/2008/NĐ-CP về quản lý lưu vực sông; Quyết định số 15/2008/QĐ-BTNMT về việc ban hành Quy định bảo vệ TNN dưới đất; Thông tư số 02/2009/TT-BTNMT Quy định đánh giá khả năng tiếp nhận nước thải của nguồn nước… đã góp phần tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước, nâng cao trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, các tổ chức và cá nhân trong bảo vệ, khai thác, sử dụng TNN; phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra; ý thức, nhận thức của người dân trong khai thác, sử dụng và bảo vệ TNN đã được cải thiện đáng kể.
Sau 12 năm thi hành, nhiều quy định của Luật TNN năm 1998 đã được triển khai trên thực tế và đạt nhiều kết quả khả quan, đặc biệt là các nguồn nước đã được khai thác, sử dụng tốt hơn để đáp ứng các yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Công tác quản lý nhà nước về TNN có nhiều tiến bộ và từng bước đi vào nề nếp, nhất là từ sau khi thành lập Bộ Tài nguyên và Môi trường (Bộ TN&MT). Hệ thống văn bản pháp luật đã được bổ sung, hoàn thiện thêm một bước để đáp ứng yêu cầu của công tác quản lý và đòi hỏi từ thực tiễn; công tác thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực TNN được tăng cường hơn trước; công tác cấp phép thăm dò, khai thác, sử dụng nước, xả nước thải vào nguồn nước và hành nghề khoan nước dưới đất cũng được triển khai đồng bộ ở cả trung ương và địa phương...
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, Luật TTN năm 1998 đã bộc lộ những hạn chế, bất cập. Nhiều chế định pháp lý của Luật TNN năm 1998 không còn phù hợp với thực tế; một số quan hệ mới trong khai thác, sử dụng TNN phát sinh trong thực tiễn cần được điều chỉnh; một số chủ trương, chính sách mới của Đảng, Nhà nước trong quản lý TNN mới chỉ thể hiện trong các văn bản dưới luật, giá trị pháp lý còn thấp. Cùng với đó, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Đất đai, Luật Đa dạng sinh học, Luật Thuế tài nguyên… đã được sửa đổi hoặc ban hành mới. Trong bối cảnh 2/3 lượng nước của nước ta là từ nước ngoài chảy vào, những yếu tố như các quốc gia thượng nguồn đang tăng cường hoạt động khai thác, sử dụng nước, biến đổi khí hậu, nước biển dâng,... cùng với việc sử dụng nước lãng phí, kém hiệu quả, công tác bảo vệ các nguồn nước chưa đáp ứng yêu cầu dẫn đến tình trạng khan hiếm nước, thiếu nước, ô nhiễm nguồn nước ngày càng gia tăng, đồng thời là nguy cơ lớn trong việc bảo đảm an ninh nguồn nước quốc gia. Do vậy, việc sửa đổi, bổ sung toàn diện và ban hành Luật TNN (sửa đổi) để khắc phục những hạn chế, bất cập nêu trên nhằm tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước về TNN, bảo vệ bền vững nguồn nước quốc gia, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả và phòng, chống tác hại do nước gây ra được tốt hơn có ý nghĩa hết sức quan trọng.
Ngày 21/6/2012, tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật TNN (sửa đổi). Luật TNN năm 2012 gồm có 10 chương, 79 điều. Luật đã tập trung xử lý các tồn tại nêu trên, thể chế hóa quan điểm, đường lối của Đảng, chiến lược phát triển đất nước có liên quan đến TNN và thể hiện quan điểm hiện đại của thế giới về quản lý tổng hợp TNN. Sự ra đời của Luật đã giúp hoàn thiện khung pháp lý về TNN phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững TNN trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế; thúc đẩy quản lý tổng hợp và thống nhất TNN, sử dụng TNN tiết kiệm, hiệu quả, bảo vệ TNN trước tình trạng sử dụng TNN không bền vững và nguy cơ ô nhiễm gia tăng, phòng, chống và giảm thiểu tác hại do nước gây ra.
So với Luật TNN năm 1998, Luật TNN năm 2012 đã có những thay đổi căn bản, cụ thể như sau:
- Luật quy định phạm vi điều chỉnh gồm: việc quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng TNN, phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra thuộc lãnh thổ Việt Nam; nước dưới đất và nước biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa, nước khoáng, nước nóng thiên nhiên và việc phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại của nước do thiên tai gây ra được điều chỉnh bằng luật khác.
- Bổ sung quy định về tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về TNN; lấy ý kiến của cộng đồng dân cư và tổ chức, cá nhân liên quan trong khai thác, sử dụng TNN, xả nước thải vào nguồn nước; danh mục lưu vực sông.
- Bổ sung, chỉnh sửa nguyên tắc, chính sách về TNN nhằm thực hiện chủ trương kinh tế hóa lĩnh vực TNN, khai thác, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả và thực hiện quản lý tổng hợp, thống nhất TNN theo lưu vực sông kết hợp với quản lý theo địa bàn hành chính.
- Xây dựng một chương mới về điều tra cơ bản, chiến lược, quy hoạch TNN với các quy định về: trách nhiệm của Nhà nước trong điều tra cơ bản TNN; quy hoạch điều tra cơ bản TNN; hoạt động điều tra cơ bản TNN; tổ chức thực hiện điều tra TNN; chiến lược TNN; quy hoạch TNN; nguyên tắc, căn cứ lập quy hoạch TNN; nội dung của quy hoạch chung của cả nước; nội dung của quy hoạch TNN lưu vực sông liên tỉnh, nguồn nước liên tỉnh và nội dung quy hoạch TNN của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; nhiệm vụ quy hoạch TNN; lập, phê duyệt quy hoạch TNN; điều chỉnh quy hoạch TNN; điều kiện của đơn vị tư vấn lập quy hoạch TNN và công bố, tổ chức thực hiện quy hoạch TNN.
- Bổ sung quy định cụ thể về các biện pháp phòng, chống ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước; kế hoạch phòng, chống ô nhiễm nguồn nước và phục hồi các nguồn nước bị ô nhiễm, suy thoái; các biện pháp ứng phó và khắc phục sự cố ô nhiễm nguồn nước; bảo vệ và phát triển nguồn sinh thủy; hành lang bảo vệ nguồn nước; bảo đảm sự lưu thông dòng chảy nhằm tăng cường các biện pháp phòng chống ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước và bảo vệ các dòng sông.
- Chỉnh sửa, bổ sung một số nội dung quy định về bảo vệ nước dưới đất; xả nước thải vào nguồn nước và quyền, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân được cấp phép xả nước thải vào nguồn nước nhằm tăng cường các biện pháp bảo vệ nước dưới đất, quản lý các hoạt động xả nước thải vào nguồn nước.
- Bổ sung các quy định về tiết kiệm nước: sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả; hạn chế thất thoát nước trong các hệ thống cấp nước; ưu đãi đối với hoạt động sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả; phát triển khoa học, công nghệ sử dụng nước tiết kiệm và hiệu quả nhằm thực hiện chủ trương chống lãng phí trong khai thác, sử dụng TNN.
- Bổ sung các quy định về quy hoạch, xây dựng và khai thác sử dụng nước của hồ chứa; bổ sung nhân tạo nước dưới đất nhằm khai thác, sử dụng tổng hợp, hiệu quả TNN.
- Chỉnh sửa, bổ sung một số nội dung quy định về chuyển nước lưu vực sông; điều hòa, phân phối TNN; thăm dò, khai thác nước dưới đất và các quy định về khai thác, sử dụng nước cho sinh hoạt, nông nghiệp, sản xuất muối và nuôi trồng thuỷ, hải sản, công nghiệp, thuỷ điện, giao thông thuỷ và các mục đích khác.
- Luật tập trung điều chỉnh phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại của nước do hoạt động liên quan khai thác, sử dụng TNN của con người gây ra như phòng chống hạn hán, lũ, lụt, ngập úng nhân tạo, xâm nhập mặn, sụt, lún đất, sạt lở bờ, bãi sông. Còn việc phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại của lũ, lụt, nước biển dâng, mưa đá, mưa axít và các tác hại khác của nước do thiên tai gây ra được thực hiện theo quy định của pháp luật về đê điều, phòng, chống lụt, bão và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
- Quy định cụ thể hơn trách nhiệm quản lý nhà nước về TNN của các bộ, ngành và của chính quyền địa phương các cấp; bổ sung quy định về việc điều phối lưu vực sông nhằm tăng cường trách nhiệm phối hợp để điều phối, giám sát các hoạt động khai thác, sử dụng, bảo vệ TNN và phòng, chống tác hại do nước gây ra bảo đảm tính hệ thống, thống nhất của TNN trên lưu vực sông và huy động sự tham gia của các bộ, ngành, địa phương liên quan trong việc giải quyết những vấn đề về TNN trong khuôn khổ lưu vực sông.
- Bổ sung quy định về tổ chức và hoạt động của thanh tra chuyên ngành TNN nhằm tăng cường công tác thanh tra, xử lý vi phạm pháp luật về TNN.
Luật TNN năm 2012 cùng với hệ thống các văn bản hướng dẫn thi hành luật như: Nghị định số 201/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật TNN, Nghị định số 142/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực TNN và khoáng sản, Thông tư số 13/2014/TT-BTNMT ngày 17/02/2014 của Bộ TN&MT quy định kỹ thuật điều tra, đánh giá TNN dưới đất, Thông tư số 17/2013/TT-BTNMT ngày 21/6/2013 của Bộ TN&MT quy định kỹ thuật lập bản đồ TNN dưới đất tỷ lệ 1: 200.000, Thông tư số 27/2014/TT-BTNMT ngày 30/5/2014 của Bộ TN&MT quy định việc đăng ký khai thác nước dưới đất, mẫu hồ sơ cấp, gia hạn, điều chỉnh, cấp lại giấy phép TNN, Thông tư số 40/2014/TT-BTNMT ngày 11/07/2014 của Bộ TN&MT quy định việc hành nghề khoan nước dưới đất... đã thể chế hóa các chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước trong lĩnh vực TNN, cụ thể:
(1) Nhà nước là đại diện chủ sở hữu toàn dân về TNN. Vì vậy, các quy định của Luật phải thể hiện rõ các quyền năng của chủ sở hữu, đồng thời Nhà nước bảo đảm quyền sở hữu đối với vốn đầu tư, tài sản, các quyền và lợi ích hợp pháp khác của tổ chức, cá nhân tham gia khai thác, sử dụng TNN.
(2) Khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm và bảo vệ có hiệu quả TNN. TNN có thể tái tạo nhưng hữu hạn, nhất thiết phải được khai thác có hiệu quả và sử dụng tiết kiệm, tổng hợp, đa mục tiêu. Đồng thời, phải có các biện pháp chủ động phòng, chống ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước hiệu quả để bảo vệ, gìn giữ TNN, bảo đảm khai thác bền vững, lâu dài.
(3) Khuyến khích, ưu đãi các tổ chức, cá nhân nghiên cứu và áp dụng khoa học, công nghệ, đầu tư công trình, thực hiện các biện pháp khai thác, sử dụng nước tổng hợp, đa mục tiêu, tiết kiệm và hiệu quả.
(4) Xã hội hóa các hoạt động bảo vệ, phát triển nguồn nước và cung ứng dịch vụ nước; khuyến khích và huy động sự đóng góp tài chính của mọi thành phần kinh tế, cộng đồng dân cư trong bảo vệ TNN và phòng, chống tác hại do nước gây ra.
(5) Ưu tiên nguồn vốn đầu tư công tác quản lý, bảo vệ hiệu quả TNN thông qua các hoạt động điều tra cơ bản về TNN, xây dựng hệ thống quan trắc, giám sát, cảnh báo, dự báo về TNN, hệ thống thông tin, dữ liệu; xây dựng và thực hiện quy hoạch TNN, kế hoạch phòng, chống ô nhiễm, khắc phục hậu quả tác hại khác do nước gây ra và kế hoạch điều hòa, phân bổ nguồn nước.
(6) Kinh tế hóa lĩnh vực TNN thông qua việc tăng cường áp dụng các công cụ, biện pháp kinh tế, tài chính trong quản lý, bảo vệ TNN nhằm tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước. TNN là tài sản quý giá và vô cùng thiết yếu cho đời sống của con người và các hoạt động kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, các nguồn thu ngân sách nhà nước về tài nguyên này còn rất hạn chế. Các văn bản pháp luật đã có các quy định mới nhằm tăng cường áp dụng các công cụ, biện pháp kinh tế, sử dụng các công cụ thuế, phí, lệ phí và các công cụ tài chính khác để bảo đảm khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả TNN, cụ thể hóa các quan điểm, nguyên tắc coi TNN là tài sản, người khai thác, sử dụng tài sản của Nhà nước thì phải nộp tiền, người gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước hoặc của người khác thì phải khắc phục, bồi thường thiệt hại nhằm tăng cường trách nhiệm, huy động nguồn lực xã hội cho việc quản lý, bảo vệ TNN.
3. Một số đề xuất, kiến nghị nhằm tăng cường vai trò, trách nhiệm của Quốc hội trong việc hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về quản lý, khai thác và sử dụng tài nguyên nước  
Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về TNN thông qua việc thực hiện các chức năng, nhiệm vụ quyền hạn của mình. Luật TNN được thẩm tra kỹ lưỡng bởi các cơ quan của Quốc hội trước khi trình Quốc hội cho ý kiến; được hoàn thiện trên cơ sở tiếp thu nghiêm túc ý kiến của các đại biểu Quốc hội và trình Quốc hội thông qua. Trong quá trình thực hiện, Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội có quyền giám sát việc thực hiện các chính sách, pháp luật về TNN của Chính phủ, các ngành, các cấp địa phương. Qua hoạt động giám sát, khảo sát, các cơ quan của Quốc hội có quyền kiến nghị Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan quản lý nhà nước về TNN sửa đổi, bổ sung hoàn thiện hệ thống pháp luật về TNN. Để thực hiện các chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình đối với việc hoàn thiện hệ thống pháp luật về TNN, Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội cần thực hiện các biện pháp sau:
Thứ nhất, Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội cần tiếp tục giám sát việc ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật TNN năm 2012 nhằm bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật về TNN; giám sát việc thực hiện pháp luật về TNN của các cơ quan nhà nước.
Thứ hai, Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội cần nghiên cứu, phát hiện các vấn đề phát sinh trong thực tế khai thác, sử dụng TNN thông qua giám sát, khảo sát, tiếp xúc cử tri và đề nghị các bộ, ngành có liên quan có biện pháp xử lý kịp thời.
Thứ ba, Quốc hội cần xây dựng các chính sách định vị tầm quan trọng của TNN trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, coi đây là yếu tố thiết yếu trong phát triển bền vững, là nhân tố bảo đảm thực hiện thành công chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia. Việc xây dựng các chính sách này cần tuân thủ nguyên tắc:
- TNN thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước thống nhất quản lý. Mọi tổ chức, cá nhân có quyền khai thác, sử dụng TNN cho nhu cầu đời sống và sản xuất, đồng thời có trách nhiệm bảo vệ, phát triển bền vững TNN và phòng chống tác hại do nước gây ra theo quy định của pháp luật.
- Quản lý TNN phải được thực hiện theo phương thức tổng hợp và thống nhất trên cơ sở lưu vực sông. Cơ cấu sử dụng nước phải phù hợp với sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
- TNN phải được phát triển bền vững; khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, tổng hợp và đa mục tiêu. Thực hiện xã hội hoá các hoạt động bảo vệ, phát triển nguồn nước và cung ứng dịch vụ nước.
-  Hợp tác, chia sẻ lợi ích, bảo đảm công bằng, hợp lý trong khai thác, sử dụng, bảo vệ, phát triển TNN và phòng, chống tác hại do nước gây ra ở các sông, lưu vực sông quốc tế trên nguyên tắc bảo đảm chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và lợi ích quốc gia.
Thứ tư, nhằm thúc đẩy phát triển bền vững các nguồn nước xuyên biên giới trong bối cảnh hội nhập và hợp tác quốc tế, trên các diễn đàn khu vực và thế giới, Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội cần:
- Tích cực tham gia xây dựng các công ước, điều ước quốc tế liên quan đến khai thác, sử dụng, bảo vệ nguồn nước, nhằm thúc đẩy quá trình hình thành khuôn khổ pháp lý điều chỉnh việc sử dụng nguồn nước trên thế giới, bảo đảm an ninh nguồn nước và phát triển bền vững các lưu vực sông.
- Kêu gọi đàm phán, ký kết các thỏa thuận song phương, đa phương giữa các quốc gia có chung nguồn nước để hợp tác, giải quyết tranh chấp, bất đồng và xử lý các vấn đề liên quan đến nguồn nước liên quốc gia.
- Đưa ra các chính sách khuyến khích quản lý và sử dụng nguồn nước theo hướng bền vững, trong đó chú ý đến khả năng tiếp cận nguồn nước sạch của người dân; hiệu quả sử dụng nước trong nông nghiệp; vai trò của nước trong an ninh lương thực, năng lượng và hỗ trợ các dịch vụ sinh thái hướng tới phát triển những nền kinh tế xanh.
- Tăng cường ngoại giao về vấn đề nước trong hoạt động đối ngoại của Quốc hội, thông qua thiết lập cơ chế đối thoại cấp nghị viện và chia sẻ thông tin về các vấn đề liên quan quản trị nguồn nước đối với các nguồn nước xuyên quốc gia và trao đổi kinh nghiệm xây dựng pháp luật và cơ cấu bộ máy thực thi quản trị nguồn nước.
- Xây dựng khung thể chế và chương trình hành động phát triển nguồn nhân lực cho công tác quản trị nguồn nước và nâng cao nhận thức cộng đồng về quản trị nguồn nước./.

* ThS., ĐBQH, Phó Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Hậu Giang
[1] Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra TNN miền Trung, “Suy giảm TNN và nguy cơ mất an ninh nguồn nước ở Việt Nam”, http://www.ceviwrpi.gov.vn/index.php/tin-tuc-su-kien/tin-tuc-su-kien/tin-trong-nuoc/1591-suy-giam-tai-nguyen-nc-va-nguy-co-mat-an-ninh-nguon-nuoc--viet-nam.html.

(Nguồn tin: Bài viết đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu lập pháp số 3+4(283+284), tháng 2/2015)