Nguyên tắc cơ bản và công thức hiến định của mối quan hệ giữa nhà nước và cá nhân trong Hiến pháp năm 2013

01/03/2015

GS. TS. HOÀNG THỊ KIM QUẾ

Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Hiến pháp năm 2013 đã thể hiện sự nhận thức sâu sắc, toàn diện về Nhà nước pháp quyền, quyền con người, về bản chất pháp quyền, dân chủ của mối quan hệ giữa Nhà nước và cá nhân. Là Hiến pháp của thời kỳ đổi mới toàn diện của Việt Nam trên đường hội nhập và phát triển, việc xác định ở tầm hiến định mối quan hệ giữa Nhà nước và cá nhân có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, thiết lập nền tảng pháp lý cho tổ chức, hoạt động của bộ máy nhà nước, xây dựng, thực hiện pháp luật, tạo lập nền văn hóa nhân quyền và phát triển bền vững. 
Untitled_258.png
Ảnh minh họa: (Nguồn internet)
Với vị trí, vai trò là Luật cơ bản, nền tảng của quốc gia, Hiến pháp năm 2013 đã xác định các nguyên tắc cơ bản và công thức hiến định về mối quan hệ giữa Nhà nước và cá nhân. Tính chất pháp quyền, dân chủ của mối quan hệ giữa Nhà nước và cá nhân không chỉ được thể hiện sâu sắc ở Chương II mà còn ở các chương, điều khác của Hiến pháp, ở tinh thần cơ bản xuyên suốt toàn bộ nội dung bản Hiến pháp.
Công thức hiến định về mối quan hệ giữa Nhà nước và cá nhân được xây dựng từ triết lý chính trị - pháp lý về chủ quyền nhân dân, về bản chất và các nguyên tắc cơ bản của quyền con người và vai trò, trách nhiệm đảm bảo thực hiện của Nhà nước pháp quyền. Hiến pháp năm 2013 đã xác định đầy đủ, rõ ràng các nguyên tắc nền tảng của mối quan hệ giữa Nhà nước và cá nhân trong Nhà nước pháp quyền, bao gồm: quyền con người, quyền công dân được công nhận, tôn trọng, Nhà nước có trách nhiệm trong việc công nhận, bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân; mối quan hệ bình đẳng, tương hỗ, đồng trách nhiệm giữa Nhà nước và cá nhân; xác định giới hạn quyền con người, quyền công dân trên cơ sở luật định; nghĩa vụ pháp lý; cơ chế bảo đảm thực hiện quyền con người, quyền công dân.
Những nguyên tắc cốt lõi này của mối quan hệ giữa Nhà nước và cá nhân đã được thể hiện trong Hiến pháp năm 2013 và phù hợp với các nguyên tắc của các công ước quốc tế về quyền con người, thể hiện sự phát triển trong nhận thức của Nhà nước ta về Nhà nước pháp quyền, quyền con người, quyền công dân và trách nhiệm nhà nước đảm bảo thực hiện trong cuộc sống. Chương 2 quy định trực tiếp về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân có nội dung bao quát các nguyên tắc cốt lõi, đặc biệt quan trọng nêu trên.
Trong chế định quyền và nghĩa vụ không chỉ xác định khuôn mẫu, tiêu chuẩn hành vi về quyền, cách thức thực hiện quyền, trách nhiệm của Nhà nước mà còn thể hiện rõ các nguyên tắc pháp lý cơ bản của mối quan hệ giữa Nhà nước và cá nhân, không chỉ cho mỗi cá nhân con người cụ thể mà cho mọi trường hợp, trở thành triết lý sống, nguyên tắc của cuộc sống trong xã hội pháp quyền, dân chủ, văn minh. Nơi mà con người, giá trị con người cùng các quyền, lợi ích của con người được tôn trọng, được quan tâm, nơi con người có cơ sở, niềm tin để ý thức rằng con người không phải tồn tại vì Nhà nước mà là Nhà nước tồn tại vì con người.
Mối quan hệ giữa Nhà nước và cá nhân là chỉ số đặc biệt quan trọng về trình độ phát triển của xã hội. Không thể hiểu xã hội hiện đại, luật pháp hiện đại và cả bản thân con người hiện đại mà thiếu sự nghiên cứu về mối quan hệ giữa con người và Nhà nước cùng pháp luật. Quyền, tự do con người là điều kiện, là động lực của phát triển xã hội, là thước đo sự tiến bộ, công bằng xã hội, là trình độ đạt được của Nhà nước pháp quyền dân chủ.
Trong Nhà nước pháp quyền, mối quan hệ giữa Nhà nước và công dân là bình đẳng về quyền và nghĩa vụ, quan hệ đồng trách nhiệm. Tuân thủ pháp luật là nghĩa vụ đối với mọi cá nhân, tổ chức, Nhà nước phải chịu trách nhiệm vật chất, tinh thần về các quyết định và hành vi của mình, đặc biệt là trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Mối quan hệ giữa Nhà nước và cá nhân là mối quan hệ giữa các đối tác bình đẳng, có các quyền và nghĩa vụ tương ứng đối với nhau. Nhà nước không chỉ có quyền được yêu cầu cá nhân thực hiện các nghĩa vụ pháp lý mà còn có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ pháp lý đối với cá nhân, không dừng lại ở khẩu hiệu, tuyên ngôn mà phải có hệ thống đảm bảo pháp lý để thực hiện quyền và nghĩa vụ của các chủ thể trong mối quan hệ giữa Nhà nước và cá nhân.
Tựu trung lại, mối quan hệ giữa Nhà nước và cá nhân đã được thể hiện trong Hiến pháp năm 2013, bao gồm:
Một là, thừa nhận bản chất tự nhiên của quyền con người, phân biệt quyền con người và quyền công dân, quyền con người được tôn trọng, lợi ích của con người được quan tâm, bảo vệ và bảo đảm.
Không chỉ ở việc xác định đúng vị trí của chương trong tổng thể bản Hiến pháp, mà điều quan trọng hơn cả là về nội dung của Chương 2 “Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân” đã thể hiện bản chất, các nguyên tắc cơ bản, phổ quát của quyền con người, khắc phục được sự đồng nhất giữa quyền công dân và quyền con người như trước đây. Một công thức hiến định mới đã thay thế cho công thức hiến định cũ, từ công thức: Nhà nước “quy định”, “trao” quyền cho người dân, sang công thức: các quyền con người là tự nhiên, vốn có, không thể chuyển nhượng của mỗi người, Nhà nước không ban tặng các quyền con người, mà chỉ xác định các quyền con người trong Hiến pháp, luật và trách nhiệm nhà nước đảm bảo thực hiện các quyền. Theo quan niệm chung nhất: "quyền con người được hiểu là những nhu cầu, lợi ích tự nhiên, vốn có và khách quan của con người được ghi nhận và bảo vệ trong pháp luật quốc gia và các thỏa thuận pháp lý quốc tế"[1]. Trước đây, Tổng thư ký Liên hợp quốc Koffi Annan đã từng phát biểu: "Quyền con người là giá trị chung của mọi nền văn hóa, là người bạn của mọi quốc gia"[2]. Từ triết lý chính trị - pháp lý, từ chủ thuyết chủ quyền nhân dân, tất cả quyền lực thuộc về nhân dân, tôn trọng con người, các quyền, tự do của con người, Hiến pháp đã quy định các nguyên tắc nền tảng cho mối quan hệ giữa Nhà nước và cá nhân trong xã hội pháp quyền, dân chủ.
Hai là, hiến định nguyên tắc trách nhiệm nhà nước trong việc công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân.
Nguyên tắc trách nhiệm nhà nước trong việc bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân không chỉ được thể hiện đầy đủ ở Chương II “Quyền con người, Quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân” mà còn ở nhiều quy định khác của Hiến pháp và là nguyên tắc, tinh thần chủ đạo, xuyên suốt toàn bộ bản Hiến pháp. Chương II là chương có số điều quy định nhiều nhất, từ Điều 14 đến Điều 49 (36/120 điều) với sự đổi mới nhiều nhất cả về nội dung và cách thức thể hiện, kỹ thuật pháp lý. Ngoài việc quy định thành nguyên tắc: Quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật(Điều 14); ở hầu hết các điều của Hiến pháp đều quy định trách nhiệm và bảo đảm của Nhà nước[3]. Tiêu biểu như các điều: Điều 3. Nhà nước bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân; công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân; thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, mọi người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện; Điều 8. Các cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức phải tôn trọng Nhân dân, tận tụy phục vụ Nhân dân, liên hệ chặt chẽ với Nhân dân, lắng nghe ý kiến và chịu sự giám sát của Nhân dân; kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí và mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền; Điều 17.Nhà nước bảo hộ công dân Việt Nam ở nước ngoài; Điều 28.Nhà nước tạo mọi điều kiện để công dân tham gia quản lý nhà nước và xã hội; công khai, minh bạch trong việc tiếp nhận, phản hồi ý kiến, kiến nghị của công dân...
Nguyên tắc trách nhiệm nhà nước trong việc bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân cũng được thể hiện trong Chương III - Kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường, quy định các chính sách và trách nhiệm của Nhà nước trong việc thực hiện các quyền về kinh tế - xã hội. Nhà nước với vai trò mới là người phục vụ xã hội, có trách nhiệm là phải "đem lại cuộc sống thật sự làm người cho tất cả mọi người là vai trò của Nhà nước hiện đại" [4].
Như vậy, nguyên tắc và cách thức hiến định về quyền con người, quyền công dân, trách nhiệm nhà nước trong việc công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm thực hiện quyền con người, quyền công dân trong Hiến pháp năm 2013 đã thể hiện quan điểm chính trị - pháp lý đúng đắn, toàn diện về nguyên tắc pháp quyền, dân chủ, bình đẳng, đồng trách nhiệm trong mối quan hệ giữa Nhà nước và cá nhân của Nhà nước ta. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng đã khẳng định: “Quan tâm hơn nữa việc chăm lo hạnh phúc và sự phát triển tự do, toàn diện của con người, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của con người, tôn trọng và thực hiện các điều ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam ký kết”[5].
Công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm là các thành tố cấu thành cơ bản, có mối liên hệ mật thiết của trách nhiệm nhà nước đối với quyền, tự do con người và công dân. Hiến pháp năm 2013 đã quy định thành các nguyên tắc cơ bản về trách nhiệm nhà nước và đồng thời cũng là các nguyên tắc cơ bản của mối quan hệ giữa Nhà nước và cá nhân. Việc hiến định nguyên tắc trách nhiệm nhà nước đối với con người, quyền con người có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, tạo lập cơ sở chính trị - pháp lý, trật tự cho cả hệ thống pháp luật và ý thức xã hội, vì Hiến pháp là Luật cơ bản của quốc gia, dân tộc, thể hiện ý chí, lợi ích của mọi người dân trong xã hội.
Nền tảng của một bản Hiến pháp pháp quyền, dân chủ được biểu hiện tập trung ở chủ quyền nhân dân, ở trách nhiệm nhà nước trong việc công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm thực hiện quyền con người, quyền công dân cùng hệ thống các đảm bảo pháp lý thực hiện quyền, đặc biệt là cơ chế phân công và kiểm soát quyền lực nhà nước, hiệu lực của Hiến pháp; trách nhiệm bảo vệ Hiến pháp. Việc hiến định các quyền, tự do của con người và trách nhiệm nhà nước trong việc thừa nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm chính là sự khẳng định bản chất mối quan hệ giữa Nhà nước và cá nhân trong Nhà nước pháp quyền. Quyền con người là tiêu chí căn bản nhất để nhận diện Nhà nước pháp quyền.
Ba là, giới hạn của quyền con người.
Giới hạn quyền, tự do con người và công dân là một điều kiện để thực hiện đảm bảo tính hiện thực của các quyền con người, bảo đảm sự cân bằng các loại lợi ích, minh bạch và lành mạnh hóa mối quan hệ giữa Nhà nước và cá nhân, cá nhân và cộng đồng, xã hội. Nhà nước phải tuân thủ các nguyên tắc hiến định về giới hạn quyền, tự do của con người và công dân, không được tùy tiện, lạm dụng, lợi dụng sự giới hạn để hạn chế, cắt xén, làm sai lệch bản chất của các quyền, tự do của con người và công dân.
Lần đầu tiên giới hạn của các quyền đã được quy định thành nguyên tắc trong Hiến pháp năm 2013 tại Điều 14: “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”. Việc hạn chế quyền con người, quyền công dân không thể tùy tiện mà phải “theo quy định của luật”. Các quyền, tự do của con người không có nghĩa là Nhà nước hoàn toàn không có khả năng can thiệp vào các công việc của cá nhân vì lợi ích chung và trật tự công cộng. Quyền, tự do của con người và công dân cũng có thể bị hạn chế nhưng phải theo luật định, trong khuôn khổ luật định, phù hợp các nguyên tắc của các bộ luật quốc tế về quyền con người.
Bốn là, nghĩa vụ hiến định.
Hiến pháp, pháp luật là phương tiện đặc biệt quan trọng trong việc xác định tự do và trật tự, trật tự của sự tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm các quyền, tự do của con người. Nghĩa vụ là điều kiện bảo vệ, đảm bảo quyền, tự do con người và công dân và cũng là thuộc tính của đời sống xã hội, thuộc tính của quyền, tự do con người. Khi thực hành các quyền, tự do của mình, cá nhân rất dễ rơi vào trạng thái có nguy cơ lạm dụng, lợi dụng, vượt quá giới hạn và tràn sang miền cấm của luật và đạo đức xã hội, ảnh hưởng tiêu cực đến quyền, lợi ích của những người khác và xã hội.
Hiến pháp năm 2013 trên quan điểm tiếp cận quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, đã quy định các nghĩa vụ cơ bản của công dân, của con người như: nghĩa vụ trung thành với Tổ quốc của công dân (Điều 44); nghĩa vụ của công dân về bảo vệ Tổ quốc; nghĩa vụ quân sự và tham gia xây dựng nền quốc phòng toàn dân của công dân (Điều 45); nghĩa vụ của công dân tuân theo Hiến pháp và pháp luật; tham gia bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội và chấp hành những quy tắc sinh hoạt công cộng (Điều 46); nghĩa vụ của mọi người về nộp thuế (Điều 47); nghĩa vụ học tập của công dân (đồng thời cũng là quyền - Điều 39); nghĩa vụ bảo vệ môi trường (đồng thời mọi người có quyền sống trong môi trường trong lành - Điều 43); nghĩa vụ thực hiện các quy định về phòng bệnh, khám bệnh, chữa bệnh (đồng thời là quyền được bảo vệ, chăm sóc sức khỏe - Điều 38).
Trên cấp độ nguyên tắc, nghĩa vụ còn được xác định ở một số điều luật khác của Hiến pháp, chẳng hạn: “Quyền công dân không tách rời nghĩa vụ công dân. Mọi người có nghĩa vụ tôn trọng quyền của người khác. Công dân có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước và xã hội. Việc thực hiện quyền con người, quyền công dân không được xâm phạm lợi ích quốc gia, dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác” (Điều 15).
Các bộ luật quốc tế về quyền con người cũng như nội dung của Hiến pháp các quốc gia đương đại đều có chung nguyên tắc: việc thực hiện các quyền và tự do của con người và công dân không được xâm phạm đến quyền và tự do của người khác như Điều 29 Tuyên ngôn thế giới về Quyền con người năm 1948, Lời nói đầu của Công ước quốc tế về các Quyền dân sự, chính trị, Công ước quốc tế về các Quyền kinh tế, xã hội và văn hóa.
Năm là, cácnhóm quyền và những quyền mới trong Hiến pháp năm 2013
Nguyên tắc của quyền con người còn bao gồm sự phát triển của các quyền con người. Mối quan hệ giữa Nhà nước và cá nhân theo đó cũng phải bao hàm cả nguyên tắc phát triển: Hiến pháp phải xác định các quyền mới, trách nhiệm của Nhà nước đảm bảo thực hiện vì sự phát triển toàn diện của con người, chất lượng của cuộc sống con người.
Hiến pháp năm 2013 không chỉ xác định các nguyên tắc cơ bản của quyền con người, quyền công dân, trách nhiệm nhà nước trong việc công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm thực hiện các quyền mà còn tiếp tục xác định toàn diện hơn, rõ ràng hơn nội dung quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, xã hội, văn hóa và trách nhiệm tương ứng của Nhà nước và xã hội. Hiến pháp mới đã có sự sắp xếp lại các điều khoản theo các nhóm quyền hợp lý hơn trước đây. Điều đặc biệt quan trọng là Hiến pháp đã bổ sung một số quyền mới, phù hợp với sự phát triển của quyền con người và phát triển xã hội, đồng thời thể hiện thành tựu đạt được của Việt Nam trong gần 30 năm đổi mới đấtnước.
Việc hiến định các quyền mới hoàn toàn phù hợp với các điều ước quốc tế mà Cộng hòa XHCN Việt Nam là thành viên, thể hiện sự nhận thức ngày càng rõ hơn về quyền con người và khẳng định cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong việc thực hiện quyền con người. Đó là quyền sống (Điều 19), quyền hiến mô, bộ phận cơ thể người, hiến xác (Điều 20), quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư (Điều 21), quyền được bảo đảm an sinh xã hội (Điều 34), “Mọi người có quyền hưởng thụ và tiếp cận các giá trị văn hóa, tham gia vào đời sống văn hóa, sử dụng các cơ sở văn hóa” (Điều 41); quyền xác định dân tộc (Điều 42), “Mọi người có quyền được sống trong môi trường trong lành và có nghĩa vụ bảo vệ môi trường” (Điều 43)....
Kết luận
Hiến pháp năm 2013 đã xác định các nguyên tắc cơ bản của mối quan hệ giữa Nhà nước và cá nhân, đáp ứng đầy đủ các yêu cầu, nguyên tắc cốt lõi của Nhà nước pháp quyền, phù hợp với các chuẩn mực quốc tế về quyền con người. Việc hiến định quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, trách nhiệm nhà nước trong việc công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm các quyền có ý nghĩa chính trị, pháp lý, xã hội đặc biệt quan trọng. Đây là cơ sở pháp lý cao nhất của mối quan hệ giữa Nhà nước và cá nhân, cơ sở cho toàn bộ tổ chức, hoạt động của bộ máy nhà nước và hệ thống pháp luật nước nhà. Quyền con người, quyền công dân là cơ sở, mục đích và tiêu chí xác định, đánh giá hoạt động của tất cả các cơ quan nhà nước, các cá nhân công quyền./.
 
 

*GS,TS. Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội
[1] Nguyễn Đăng Dung, Vũ Công Giao, Lã Khánh Tùng (đồng chủ biên ), Giáo trình Lý luận và pháp luật về quyền con người, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2009, tr. 42.
[2] Th«ng ®iÖp cña Tæng th­ ký Liªn hîp quèc Koffi Annan nh©n ngµy QuyÒn con ng­êi thÕ giíi n¨m 1977, ®o¹n 3
[3] Trần Ngọc Đường, Nhận thức mới về quyền con người và một bước tiến về kỹ thuật lập hiến trong Hiến pháp năm 2013, http://www.tapchitaichinh.vn/Trao-doi-Binh-luan/Nhan-thuc-moi-ve-quyen-con-nguoi-va-mot-buoc-tien-ve-ky-thuat-lap-hien/53467.tctc
[4] O. Ysumirrô,, M. Takahara, S. Bikishimoto: Chính trị và kinh tế Nhật bản, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1994, tr. 30
[5] Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 239.

(Nguồn tin: Bài viết đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu lập pháp số 5(285), tháng 3/2015)