Đề xuất, kiến nghị hoàn thiện quy trình, thủ tục chất vấn tại kỳ họp Quốc hội, phiên họp của Ủy ban thường vụ Quốc hội

01/02/2015

TS. NGÔ ĐỨC MẠNH

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội.

1. Quy trình, thủ tục chất vấn tại kỳ họp Quốc hội
Theo các quy định của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội (Luật HĐGS) hiện hành[1], quy trình, thủ tục chất vấn tại kỳ họp Quốc hội được tiến hành như sau:
(i)   Người có quyền chất vấn: ĐBQH. ĐBQH ghi chất vấn gửi đến Chủ tịch Quốc hội để chuyển đến nguời bị chất vấn;
(ii)  Người bị chất vấn: Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
(iii) Thời điểm, hình thức chất vấn: ĐBQH có quyền chất vấn tại kỳ họp Quốc hội hoặc trong thời gian giữa hai kỳ họp Quốc hội. Chất vấn được thực hiện thông qua hình thức hỏi trực tiếp hoặc bằng văn bản;
(iv)  Thời điểm, hình thức trả lời chất vấn: người bị chất vấn trả lời tại kỳ họp Quốc hội hoặc trả lời trong thời gian giữa hai kỳ họp Quốc hội. Trả lời chất vấn được thực hiện thông qua hình thức trả lời trực tiếp hoặc trả lời bằng văn bản. Người bị chất vấn trả lời trực tiếp, đầy đủ nội dung các vấn đề mà ĐBQH nêu/chất vấn và xác định rõ trách nhiệm, biện pháp khắc phục;
(v) Yêu cầu đối với nội dung chất vấn: nội dung chất vấn phải ngắn gọn, rõ ràng, có căn cứ và phải liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm cá nhân của người bị chất vấn.
Thời gian trả lời chất vấn về từng vấn đề không quá 15 phút; thời gian nêu câu hỏi không quá 3 phút được quy định tại Điều 43 Nội quy kỳ họp Quốc hội.
Đoàn thư ký kỳ họp Quốc hội, theo quy định của Luật HĐGS, có nhiệm vụ giúp Chủ tịch Quốc hội tổng hợp các chất vấn của ĐBQH để báo cáo UBTVQH.
2. Quy trình, thủ tục chất vấn tại phiên họp Ủy ban thường vụ Quốc hội
UBTVQH xem xét việc trả lời chất vấn của ĐBQH được Quốc hội cho trả lời tại phiên họp UBTVQH và chất vấn khác được gửi đến UBTVQH. Việc chất vấn và trả lời chất vấn trong thời gian giữa hai kỳ họp Quốc hội được thực hiện theo trình tự, thủ tục sau đây[2]:
- ĐBQH ghi nội dung chất vấn, người bị chất vấn và gửi đến UBTVQH để chuyển đến người bị chất vấn. Tùy theo nội dung chất vấn, UBTVQH có thể quyết định người bị chất vấn trả lời chất vấn bằng văn bản cho ĐBQH hoặc trả lời tại phiên họp UBTVQH. 
- Trong trường hợp UBTVQH quyết định người bị chất vấn trả lời bằng văn bản thì văn bản trả lời được gửi đồng thời đến UBTVQH và ĐBQH; nếu ĐBQH không đồng ý với nội dung trả lời thì có quyền đề nghị Chủ tịch Quốc hội đưa ra thảo luận trước Quốc hội hoặc UBTVQH.
- Trong trường hợp UBTVQH quyết định trả lời chất vấn tại phiên họp UBTVQH thì việc chất vấn và trả lời chất vấn được thực hiện như sau:
(i)  Chủ tịch Quốc hội nêu chất vấn của ĐBQH đã được Quốc hội quyết định cho trả lời tại phiên họp UBTVQH và những chất vấn khác được gửi đến UBTVQH trong thời gian giữa hai kỳ họp Quốc hội mà UBTVQH quyết định cho trả lời tại phiên họp của UBTVQH;
(ii)  Người bị chất vấn trả lời trực tiếp, đầy đủ nội dung các vấn đề mà ĐBQH chất vấn và xác định rõ trách nhiệm, biện pháp khắc phục;
(iii) ĐBQH đã chất vấn có thể hỏi thêm để làm rõ nội dung đã chất vấn;
(iv) UBTVQH ra nghị quyết về việc chất vấn và trả lời chất vấn và trách nhiệm của người bị chất vấn khi xét thấy cần thiết;
(v) Trong trường hợp ĐBQH đã chất vấn không tham dự phiên họp thì nội dung trả lời chất vấn, kết quả phiên họp trả lời chất vấn phải được gửi đến đại biểu đó chậm nhất là 7 ngày, kể từ ngày kết thúc phiên họp UBTVQH; nếu ĐBQH đã chất vấn không đồng ý với nội dung trả lời thì có quyền đề nghị UBTVQH đưa ra thảo luận tại kỳ họp Quốc hội;
(vi)  Người đã trả lời chất vấn tại phiên họp UBTVQH hoặc đã trả lời chất vấn của ĐBQH bằng văn bản có trách nhiệm báo cáo với ĐBQH bằng văn bản về việc thực hiện những điều đã hứa khi trả lời chất vấn tại kỳ họp tiếp theo.
Hằng năm, tổ chức ít nhất 2 lần chất vấn tại phiên họp UBTVQH về nhưng vấn đề được Quốc hội giao, do ĐBQH chất vấn hoặc UBTVQH lựa chọn. ĐBQH hoạt động chuyên trách ở trung ương và ĐBQH quan tâm đăng ký tham dự phiên họp chất vấn của UBTVQH. Tùy theo nội dung có thể thông báo công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng về hoạt động chất vấn; tổ chức phát thanh, truyền hình trực tiếp và trực tuyến để các vị ĐBQH tham gia và nhân dân theo dõi, giám sát.[3]                                                                                                             
3. Một số nhận xét và kiến nghị
Từ những điều đã trình bày trên, cho thấy quy trình, thủ tục chất vấn tại kỳ họp Quốc hội, phiên họp UBTVQH đã được:
(a) luật hóa trong Luật HĐGS của Quốc hội và các văn bản pháp luật khác có liên quan;
(b) quy định rõ vai trò, trách nhiệm của các chủ thể có liên quan: ĐBQH, người bị chất vấn; Chủ tịch Quốc hội, Đoàn thư ký kỳ họp…;
(c) đã phân định khá rõ yêu cầu chất vấn, trả lời chất vấn; quy trình, thủ tục tiến hành chất vấn tại kỳ họp và tại phiên họp của UBTVQH; các trường hợp ĐBQH đã chất vấn có thể hỏi thêm; trường hợp ĐBQH đã chất vấn mà không có mặt tại phiên chất vấn; việc đại biểu chuyên trách ở trung ương và các ĐBQH quan tâm thì đều có thể đăng ký tham dự phiên chất vấn.
Từ đó, có thể khẳng định rằng, hoạt động chất vấn của Quốc hội nước ta ngày càng có chất lượng, hiệu quả và được cử tri cả nước quan tâm. Tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII vừa qua, có 3.729 ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước gửi tới Quốc hội; 184 văn bản chất vấn của ĐBQH gửi đến Thủ tướng Chính phủ, các bộ trưởng, trưởng ngành. Quốc hội đã nghe 4 bộ trưởng trực tiếp trả lời chất vấn, Thủ tướng Chính phủ đã báo cáo bổ sung một số vấn đề và trả lời chất vấn của các vị ĐBQH; các vị bộ trưởng, trưởng ngành khác tham gia giải trình làm rõ thêm một số vấn đề liên quan[4].
Bên cạnh đó, xét từ góc độ quy trình, thủ tục chất vấn tại kỳ họp Quốc hội, phiên họp UBTVQH, chúng ta cũng thấy có những vấn đề chưa được làm rõ, chưa được quy định, ảnh hưởng đến hiệu quả và chất lượng hoạt động chất vấn như sau:
Một là, chưa có một văn bản quy định đầy đủ, chi tiết về quy trình, thủ tục hoạt động chất vấn tại kỳ họp Quốc hội, phiên họp UBTVQH. Việc Quốc hội thông qua Luật tổ chức Quốc hội năm 2014 với nhiều nội dung mới, trong đó không còn quy định liên quan đến hoạt động chất vấn nữa[5] để nội dung này thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật HĐGS là một bước cải tiến. Tuy vậy, quy trình, thủ tục chất vấn hiện vẫn được quy định rải rác trong nhiều văn bản pháp luật như Luật HĐGS, Quy chế hoạt động của UBTVQH, Nội quy kỳ họp Quốc hội… Bên cạnh đó, còn nhiều quy định chưa được cập nhật, sửa đổi đúng với quy trình, thủ tục chất vấn hiện nay, ví dụ cụ thể là thời gian trả lời chất vấn và thời gian nêu câu hỏi chất vấn tại kỳ họp Quốc hội.
Hai là, chưa có quy định về cách thức, thủ tục lựa chọn các vị bộ trưởng, trưởng ngành trả lời trực tiếp tại kỳ họp Quốc hội. Trên thực tế, căn cứ để lựa chọn các vị trả lời trực tiếp tại kỳ họp Quốc hội là theo số lượng chất vấn gửi đến vị đó; tính chất, nội dung vấn đề có phản ánh mối quan tâm chung hoặc vấn đề nóng, bức xúc hay không và người bị chất vấn đã trả lời tại kỳ họp Quốc hội hay chưa… Cách làm này là một thực tế nhưng chưa được luật hóa;
Bên cạnh đó, do thời gian chất vấn có hạn, ví dụ, tại kỳ họp thứ 8 vừa qua chỉ là 2,5 ngày cho 5 vị trả lời chất vấn, nên có một số lượng lớn chất vấn gửi đến từng vị bộ trưởng, trưởng ngành không được trả lời tại kỳ họp, tuy rằng, số lượng chất vấn gửi đến từng vị bộ trưởng, trưởng ngành khác có thể không nhiều bằng số lượng gửi đến những người bị chất vấn trả lời trước kỳ họp. Tuy vậy, tổng số các chất vấn này lại nhiều và điều quan trọng hơn cả là ảnh hưởng đến quyền chất vấn của ĐBQH tại kỳ họp và vì chưa có quy định nên cũng chưa có việc xác lập một tiêu chí cụ thể là phải có bao nhiêu chất vấn thì người bị chất vấn phải trả lời tại kỳ họp và ngược lại;
Thứ ba, quy trình, thủ tục tham gia của các chủ thể như Chủ tịch Quốc hội, Đoàn thư ký kỳ họp, người tham gia báo cáo, giải trình thêm… trong quá trình chất vấn là chưa rõ ràng. Cụ thể là cần quy định trường hợp khi nào Chủ tịch Quốc hội điều hành phiên chất vấn mời cùng lúc 3-5 hay nhiều hơn các ĐBQH trả lời chất vấn hoặc quy định rõ quy trình, thủ tục hoạt động của Đoàn thư ký trong việc tham mưu, đề xuất để UBTVQH xem xét, quyết định bộ trưởng, trưởng ngành trả lời trực tiếp tại kỳ họp.
Thứ tư, quy định hiện hành “ĐBQH ghi rõ nội dung chất vấn, người bị chất vấn vào phiếu ghi chất vấn… để chuyển đến người bị chất vấn” và toàn bộ hoạt động chất vấn từ lúc gửi phiếu chất vấn đến lúc xác định người bị chất vấn trả lời và đến phiên trả lời chất vấn là cả quá trình chuẩn bị tương đối lâu, có khi đến gần cả tháng trời, kể từ lúc bắt đầu kỳ họp đến khi trả lời chất vấn. Từ đó, tuy gọi là “người bị chất vấn trả lời trực tiếp… các vấn đề mà ĐBQH đã chất vấn”[6] nhưng không còn mang tính trực tiếp nguyên nghĩa nữa, không còn yếu tố “bất ngờ” để qua đó, đánh giá khả năng nắm bắt vấn đề, ý kiến của người bị chất vấn một cách trực tiếp, mà trong nhiều trường hợp, đã có sự chuẩn bị chu đáo của cả bộ máy giúp việc, tham mưu của bộ, ngành về vấn đề chất vấn. Cách làm này trong nhiều trường hợp chính là trình bày lại nội dung văn bản đã gửi trước đó cho các vị ĐBQH.
Như vậy, vấn đề đặt ra là cần cải tiến quy trình, thủ tục chất vấn tại kỳ họp và phiên họp của UBTVQH sao cho việc chất vấn và trả lời chất vấn thực chất, hiệu quả hơn; giảm bớt yếu tố chuẩn bị sẵn và nhất là qua đó, đánh giá được năng lực quản lý, điều hành, chỉ đạo công việc của người bị chất vấn và gắn với các yêu cầu này là trách nhiệm quản lý của cá nhân, tổ chức đối với nhiệm vụ được luật định.
 Chúng tôi xin đề xuất một số kiến nghị cụ thể hơn, đó là:
(1)  Sửa đổi, bổ sung một cách toàn diện, đầy đủ Luật HĐGS của Quốc hội, nhất là quy trình, thủ tục chất vấn và trả lời chất vấn. Theo hướng này, cần cố gắng đến mức tối đa, lồng ghép những quy định nằm rải rác trong các văn bản, nghị quyết của Quốc hội về quy trình, thủ tục chất vấn vào Luật HĐGS của Quốc hội;
(2)   Quy định rõ nhiệm vụ của từng chủ thể tham gia vào quy trình, thủ tục chất vấn như Chủ tịch Quốc hội, các ĐBQH, Đoàn thư ký kỳ họp; quy trình, thủ tục lựa chọn bộ trưởng, trưởng ngành trả lời chất vấn… để luật hóa những thực tiễn tốt đang được thi hành hiện nay;
(3)   Nghiên cứu bổ sung hình thức chất vấn mà không báo trước (question without notice) để làm phong phú thêm và là bản chất của trả lời trực tiếp tại kỳ họp Quốc hội. Trong trường hợp này, ĐBQH có thể chất vấn về bất kỳ vấn đề nào mà đại biểu quan tâm cũng như thuộc loại những vấn đề nổi cộm mà dư luận xã hội đang quan tâm;
(4)   Đề nghị tất cả các chất vấn nếu được ĐBQH nêu trong thời gian kỳ họp Quốc hội phải được trả lời ngay cho ĐBQH. Trường hợp vấn đề khó, phức tạp và cần thêm thời gian nghiên cứu, khảo sát thì phải rõ quy trình, thủ tục Quốc hội biểu quyết và thông qua nghị quyết về việc đồng ý để những chất vấn này được trả lời tại phiên họp của UBTVQH.
Trên đây là một số suy nghĩ về quy trình, thủ tục chất vấn tại kỳ họp Quốc hội, phiên họp của UBTVQH và giải pháp đề xuất, kiến nghị. Tuy là những vấn đề xử lý kỹ thuật nhưng nếu không có quy định hoặc quy định không cụ thể và đầy đủ, có thể ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động chất vấn tại kỳ họp Quốc hội, phiên họp của UBTVQH./. 

 


* TS. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội
[1] Điều 11Luật HĐGS của Quốc hội.
[2] Xem Điều 19 Luật HĐGS của Quốc hội; Điều 25 Quy chế hoạt động của UBTVQH.
[3] Khoản 2 Điều 3 Nghị quyết số 27/2012/QH13.
[4] Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 8: Đề cương báo cáo kết quả kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIIII.
[5] Điều 16 và Điều 49Luật Tổ chức Quốc hội 2001.
[6] Khoản 3 Điều 11 Luật HĐGS của Quốc hội.

(Nguồn tin: Bài viết đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu lập pháp số 3+4(283+284), tháng 2/2015)