Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ và pháp luật bầu cử đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân

01/02/2015

TS. BÙI NGỌC THANH

Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội

1. Vài nét về Công ước của Liên hiệp quốc về Xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ
Công ước của Liên hiệp quốc về Xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW) gồm sáu phần với 30 điều, đã được Đại hội đồng Liên hiệp quốc thông qua ngày 18/12/1979 và có hiệu lực từ ngày 05/9/1981. Đến nay đã có 187 nước ký tham gia Công ước, trong đó Việt Nam là nước thứ 35. Ngoài phần V và phần VI gồm 14 điều là những vấn đề về tổ chức bộ máy và thể thức hoạt động của Ủy ban Xóa bỏ phân biệt đối xử đối với phụ nữ thì bốn phần đầu gồm 16 điều là nội dung chính của Công ước. Các nội dung này có thể chia thành hai nhóm vấn đề. Nhóm thứ nhất là pháp luật hóa nguyên tắc bình đẳng nam - nữ, bình đẳng giới. Trước hết, mỗi nước phải ghi vào Hiến pháp các điều, khoản về quyền bình đẳng, tiếp theo các đạo luật phải thể hiện chi tiết, cụ thể các quyền này. Sau đó Nhà nước phải thể hiện bằng các chính sách có tính khả thi, hiệu quả để bảo đảm cho việc đối xử bình đẳng. Tất cả các đạo luật, chính sách đều phải nhằm mục tiêu đảm bảo sự phát triển và sự tiến bộ đầy đủ, toàn diện của phụ nữ. Nhóm thứ hai là những nội dung cơ bản của việc xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử. Ở nhóm này có thể đề cập tới 10 nội dung chủ yếu:(i) phải xóa bỏ bất bình đẳng trong đời sống chính trị; (ii) phụ nữ phải được tạo cơ hội để có tiếng nói trên các diễn đàn quốc tế; (iii) phụ nữ có quyền bình đẳng với nam giới trong vấn đề quốc tịch; (iv) xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ trong giáo dục, đào tạo; (v) xóa bỏ mọi phân biệt đối xử trong lao động, việc làm; (vi) xóa bỏ mọi đối xử trong chăm sóc, bảo vệ sức khỏe; (vii) bảo đảm sự bình đẳng trên lĩnh vực phúc lợi, vay vốn, tài sản, thể thao, giải trí; (viii) phải đặc biệt quan tâm đến phụ nữ nông thôn trên tất cả mọi phương diện; (iv) bảo đảm sự bình đẳng nam - nữ trước pháp luật; (x) xóa bỏ mọi bất bình đẳng trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình.
Bài viết này có liên quan chặt chẽ, mật thiết nhất với nội dung bình đẳng trong đời sống chính trị vì nội dung này có các chi tiết rất cụ thể như: phải xóa bỏ mọi phân biệt đối xử trong việc ứng cử và bầu cử ở tất cả các cơ quan dân cử các cấp; phụ nữ phải được tham gia vào việc hoạch định các chính sách của Nhà nước, phải được tham gia vào bộ máy các cấp lãnh đạo, các chức vụ chính quyền ở tất cả các cấp; phụ nữ phải được tham gia vào các hội, hiệp hội phi chính phủ có quan hệ đến cộng đồng, đến đời sống chính trị của đất nước.
2. Pháp luật về bình đẳng trong bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân
Đúng như quy định của CEDAW, từ sau khi Công ước có hiệu lực, các nội dung của Công ước đã được thể hiện khá đầy đủ trong các Hiến pháp và hệ thống pháp luật Việt Nam qua các thời kỳ, đặc biệt đầy đủ từ Hiến pháp và hệ thống pháp luật từ năm 1992 đến nay, mới đây là Hiến pháp năm 2013 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2014.
2.1. Các quy định của Hiến pháp năm 2013
Nói một cách chung nhất thì toàn bộ các chương, mục, điều của Hiến pháp năm 2013 đều đã toát lên tinh thần bình đẳng nam - nữ, bình đẳng giới, nhưng thể hiện rõ nét nhất về bầu cử đại biểu dân cử là Chương I - Chế độ chính trị và Chương II - Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Điều 7 khoản 1 khẳng định như một tuyên ngôn của Nhà nước: “Việc bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) và đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) được tiến hành theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín”. Khi quy định quyền con người, Điều 14 khoản 1 chỉ rõ: “Ở nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật”. Đến Điều 16 thì tính chất bình đẳng một lần nữa được khẳng định chắc chắn hơn: “1. Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. 2. Không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội”. Sang Điều 26, Hiến pháp quy định “trực diện” vào vấn đề bình đẳng: “1. Công dân nam, nữ bình đẳng về mọi mặt. Nhà nước có chính sách bảo đảm quyền và cơ hội bình đẳng giới. 2. Nhà nước, xã hội và gia đình tạo điều kiện để phụ nữ phát triển toàn diện, phát huy vai trò của mình trong xã hội. 3. Nghiêm cấm phân biệt đối xử về giới”. Theo chúng tôi, Hiến pháp năm 2013 đã thể hiện khá đầy đủ, rõ ràng, rành mạch vấn đề bình đẳng nam - nữ, bình đẳng giới, trong đó có bình đẳng trong bầu cử ĐBQH và bầu cử đại biểu HĐND.
2.2. Các quy định của Luật Bầu cử ĐBQH và Luật Bầu cử đại biểu HĐND
Hiện nay chúng ta có ba luật: (1) Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử ĐBQH và Luật Bầu cử đại biểu HĐND; (2) Luật Bầu cử ĐBQH năm 2001, sửa đổi, bổ sung năm 2007; (3) Luật Bầu cử đại biểu HĐND năm 2003 được sửa đổi, bổ sung năm 2010. Có thể nói Luật (1) là luật “hình thức”, sửa đổi, bổ sung một số vấn đề về đơn vị bầu cử, khu vực bỏ phiếu, các tổ chức phụ trách bầu cử... thống nhất giữa Luật (2) và Luật (3) để đáp ứng yêu cầu cùng một ngày bầu cử cả ĐBQH và HĐND nhiệm kỳ 2011 - 2016. Còn về nội dung thì cả hai Luật Bầu cử (2) và (3) chưa sửa đổi, bổ sung gì, mà Quốc hội khóa XIII có trách nhiệm thực hiện việc này. Trong bài viết này, chúng tôi chỉ bàn luận về việc sửa đổi, bổ sung trên góc độ bình đẳng giới. Vì cùng là Luật Bầu cử nên các quy định nói chung, quy định về bình đẳng giới nói riêng, cả hai Luật đều tương tự như nhau, chỉ khác nhau về phạm vi. Luật Bầu cử ĐBQH phạm vi là toàn quốc, còn Luật Bầu cử đại biểu HĐND phạm vi là từng cấp, từng địa phương (cấp tỉnh, huyện, xã).
Vấn đề bình đẳng ở Luật Bầu cử ĐBQH được quy định chủ yếu ở Điều 1, Điều 2 và Điều 10a. Cụ thể như sau: Điều 1- Việc bầu cử ĐBQH nước Cộng hòa XHCN Việt Nam được tiến hành theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín. Điều 2- Công dân nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, không phân biệt dân tộc, tôn giáo, trình độ văn hóa, nghề nghiệp, thời gian cư trú, đủ mười tám tuổi trở lên đều có quyền bầu cử và đủ hai mươi mốt tuổi trở lên đều có quyền ứng cử ĐBQH theo quy định của pháp luật. Điều 10a- Số ĐBQH là phụ nữ do Ủy ban thường vụ Quốc hội dự kiến trên cơ sở đề nghị của Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, bảo đảm để phụ nữ có số đại biểu thích đáng.
Còn ở Luật Bầu cử đại biểu HĐND, vấn đề bình đẳng cũng chủ yếu được quy định ở Điều 1 và Điều 2, nội dung như Điều 1, Điều 2 Luật Bầu cử ĐBQH (ở Điều 1 thay cụm từ “ĐBQH nước Cộng hòa XHCN Việt Nam” bằng cụm từ “đại biểu HĐND”; ở Điều 2 cũng thay cụm từ “ĐBQH” bằng cụm từ “đại biểu HĐND”); không có nội dung như Điều 10a Luật Bầu cử ĐBQH.
3. Thực trạng và giải pháp tăng tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân
3.1. Thực trạng tỷ lệ nữ ĐBQH và HĐND
Về nữ ĐBQH:
Chúng ta thường nhận định rằng, bình đẳng nam - nữ, bình đẳng giới ngày càng được quán triệt rộng rãi và sâu sắc trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị và trong nhân dân, nhưng kết quả các cuộc bầu cử ĐBQH gần đây lại không thể hiện được nhận định đó. Số lượng và tỷ lệ nữ ĐBQH ba khóa đầu thế kỷ XXI cho thấy rõ điều này: Khóa XI (2002-2007) có 136 đại biểu nữ/tổng số 498 đại biểu, bằng 27,31%; tương tự khóa XII (2007-2011) 127/493, bằng 25,76%; khóa XIII 122/500, bằng 24,40%.
Nhìn vào các con số về số lượng và tỷ lệ trên dễ dàng nhận ra ĐBQH là phụ nữ ngày càng giảm cả số lượng và tỷ lệ. Nếu nhìn lại cả 13 khóa Quốc hội, chúng ta sẽ thấy, trong thời kỳ chiến tranh chống Mỹ, đã có những khóa tỷ lệ đại biểu nữ khá cao, khóa IV đạt 29,76%; khóa V đạt 32,31% (mà thời gian ấy chắc chắn là nguồn ứng cử viên là nữ không được phong phú như bây giờ). Theo chúng tôi, bên cạnh luật pháp thì sự chuyển biến nhận thức thật sự về bình đẳng giới và công tác chỉ đạo thực hiện là rất quan trọng; tiếc rằng những việc cụ thể này còn những khiếm khuyết dẫn đến kết quả không được như mong muốn.
Về nữ đại biểu HĐND:
Nhìn chung nữ đại biểu HĐND các cấp qua ba khóa gần đây cho thấy có sự tiến bộ khá rõ, khóa sau tăng hơn khóa trước, cấp cao hơn thì tỷ lệ cũng cao hơn, cụ thể lần lượt các khóa 1999-2004, 2004-2011 và 2011-2016 như sau: Cấp xã: 16,56%; 20,10%; 21,7%. Cấp huyện: 20,12%; 23,22%; 24,62%. Cấp tỉnh: 22,33%; 23,80%; 25,17%. Tuy có sự tiến bộ nhưng nhìn chung, tỷ lệ nữ đại biểu HĐND khóa nào cũng thấp và cấp nào cũng thấp, càng xuống cấp dưới càng thấp.
Các khiếm khuyết trên đây cũng thể hiện trong đánh giá của Ủy ban quốc gia Vì sự tiến bộ của phụ nữ: “Bên cạnh những kết quả nêu trên, việc 100% các chỉ tiêu không đạt kế hoạch đề ra trong Mục tiêu 4 về “nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của phụ nữ trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế,văn hóa, xã hội để tăng số phụ nữ được giới thiệu và bầu tham gia lãnh đạo các cấp, các ngành” được coi là tồn tại lớn nhất sau 10 năm thực hiện chiến lược”[1].
3.2. Một số giải pháp nhằm tăng số lượng và tỷ lệ đại biểu nữ các khóa tới
Riêng về vấn đề này thì các giải pháp nằm trong chủ trương về cơ cấu và sự chỉ đạo thực hiện để đạt được cơ cấu.
Một là,trong tất cả các tổ chức phục vụ bầu cử và trong tất cả các hội nghị thuộc quy trình bầu cử nhất thiết phải có thành phần là phụ nữ
Có thể coi đây như một “nguyên tắc” vì chỉ có phụ nữ mới hiểu biết và mới trình bày được đầy đủ, chi tiết, cụ thể ngọn ngành những vấn đề về giới, bình đẳng giới. Về các tổ chức phụ trách công tác bầu cử, Điều 13 Luật Bầu cử ĐBQH năm 2010 quy định bốn loại tổ chức sau đây: 1- Hội đồng Bầu cử trung ương; 2- Ủy ban Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND cấp tỉnh ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; 3- Ban Bầu cử ở đơn vị bầu cử; 4- Tổ Bầu cử ở khu vực bỏ phiếu. Trong cả bốn loại tổ chức đó rất cần có thành phần phụ nữ, đặc biệt là ba tổ chức đầu. Về các hội nghị trong quy trình bầu cử,quy trình bầu cử gồm 31 công đoạn (tính đến ngày bầu cử) và 10 công đoạn sau bầu cử. Trong quy trình ấy, nếu tất cả các hội nghị đều có lãnh đạo của phụ nữ thì tốt nhất, còn vì lý do nào đó mà không có mặt được tất cả các hội nghị thì sáu hội nghị sau đây nhất thiết phải có mặt: (i) Hội nghị dự kiến về cơ cấu, thành phần, số lượng đại biểu được bầu của cơ quan, tổ chức, đơn vị. Hội nghị này tối quan trọng, vì ngay từ đầu mà không được dự kiến hoặc dự kiến không thỏa đáng số lượng người ứng cử là nữ thì coi như cầm chắc “thất bại”; (ii) Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất để thỏa thuận cơ cấu, thành phần, số lượng đại biểu được bầu của cơ quan, tổ chức, đơn vị đã được dự kiến. Hội nghị này cũng rất quan trọng, vì một khi đã được dự kiến thì phải “bảo vệ” cho được, tất nhiên dự kiến phải chính xác, bảo đảm tiêu chuẩn; (iii) Hội nghị điều chỉnh lần thứ nhất về cơ cấu, thành phần, số lượng đại biểu được bầu của cơ quan, tổ chức, đơn vị sau hội nghị hiệp thương lần thứ nhất. Hội nghị này vô cùng quan trọng vì bắt đầu một cuộc “cọ xát” để bảo tồn số lượng người ứng cử là phụ nữ đã được giới thiệu; (iv) Hội nghị lấy ý kiến cử tri (nơi cư trú, nơi làm việc); trong hội nghị này, ngoài sự nỗ lực của người ứng cử thì người tổ chức, người chủ trì (nhất là ở nơi làm việc) có vai trò rất quan trọng; (v) Hội nghị hiệp thương lần thứ hai, lập danh sách sơ bộ. Hội nghị này tiếp tục giải trình, bảo vệ số lượng người được giới thiệu ứng cử đại biểu; (vi) Hội nghị hiệp thương lần thứ ba lập danh sách chính thức những người ứng cử làm đại biểu. Tất cả các hội nghị nói trên mà giữ vững được số lượng thì ở hội nghị thứ sáu này là tương đối chắc chắn, đương nhiên vẫn phải “bám sát” tới cùng.
Hai là,Quốc hội nên xem xét nâng số lượng đại biểu, trước hết là số lượng ĐBQH khóa mới
Một trong những căn cứ để xác định số lượng ĐBQH là số dân. Số dân tăng lên thì thông thường số đại biểu đại diện cho nhân dân cũng tăng lên (khóa IX có 395 đại biểu, khóa X 450 đại biểu, từ khóa XI đến khóa XIII, Luật quy định 500 đại biểu). Dân số nước ta làm căn cứ để xác định 500 đại biểu của khóa XIII (tháng 5/2011) là 87.275.845 người, bình quân cứ 17,5 vạn người có một đại biểu. Dự kiến vào năm 2016, nước ta có khoảng 94 triệu dân, tức là tăng gần 7 triệu người khi bầu cử ĐBQH khóa XIV. Nếu vẫn giữ một đại biểu trên 17,5 vạn dân thì số đại biểu khóa XIV sẽ là 537 đại biểu, lấy tròn 540. Trong số đại biểu tăng lên thì đương nhiên đại biểu nữ cũng tăng theo. Tính trung bình từ khóa X đến khóa XIII, tỷ lệ nữ đại biểu đạt gần 26%. Nếu khóa XIV tổng số đại biểu là 540 và tỷ lệ đại biểu nữ ít nhất là 26% thì tương ứng sẽ có 140 đại biểu nữ, còn nếu đạt 30% đại biểu nữ thì số lượng sẽ là 162 đại biểu.
Ba là, sửa đổi Điều 10a Luật Bầu cử ĐBQH hiện hành
Điều 10a khẳng định: “... bảo đảm để phụ nữ có số đại biểu thích đáng”. Trên thực tế hai khóa XII và XIII, Luật quy định là “bảo đảm” nhưng chưa có gì bảo đảm, do đó số đại biểu nữ cũng không lấy gì làm “thích đáng”. Vì vậy, khi xây dựng Luật Bầu cử đại biểu dân cử lần này nên quy định cụ thể hơn đến cơ cấu của cơ cấu. Trong cơ cấu định hướng, cơ cấu hướng dẫn và cơ cấu kết hợp, mỗi cơ cấu đều cần quy định phải bảo đảm ít nhất 30% phụ nữ. Từng thành phần trong cơ cấu định hướng, từng thành phần trong cơ cấu hướng dẫn và từng thành phần trong cơ cấu kết hợp cũng phải tuân thủ ít nhất có 30% phụ nữ. Những người ứng cử ở trung ương, địa phương cũng phải bảo đảm ít nhất 30% là phụ nữ (khóa XIII những người ứng cử ở trung ương chỉ có 11,47% là phụ nữ, và đây là một trong những nguyên nhân chủ yếu làm cho tỷ lệ đại biểu nữ mất cân bằng và giảm sút mạnh ngay từ khi dự kiến. Kết quả bầu cử cho thấy, đại biểu nữ ở trung ương so với tổng số đại biểu ở trung ương chỉ đạt 11,37%). Từ thực tiễn trên, Điều 10a có thể sửa đổi như sau: ...“Để bảo đảm cho phụ nữ có số đại biểu thích đáng thì mỗi cơ cấu đều phải bảo đảm ít nhất 30% là phụ nữ”.Ở đây cần thiết cũng phải nhìn lại lịch sử và suy ngẫm. Như trên đã nói, trong chiến tranh, nguồn ứng cử viên là phụ nữ chắc chắn không dồi dào, phong phú như bây giờ, nhưng đại biểu Quốc hội khóa IV là phụ nữ đã chiếm 29,76% và khóa V tới 32,31%. Tại sao đến khóa XIII, đại biểu là phụ nữ lại chỉ có 24,40%? Nếu không đặt vấn đề đến nơi, đến chốn, nếu không quy định “định lượng” và nếu không chỉ đạo quyết liệt thì rất khó mà tăng số lượng, nâng cao tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội các khóa tới. Cũng có thể nghiên cứu, tham khảo cách quy định “trung tính” như Nghị viện một số nước, theo cách này, Luật Bầu cử đại biểu dân cử ở nước ta có thể quy định: “Để bảo đảm tương quan hợp lý giữa hai giới thì giới cao nhất cũng không quá 70%, giới thấp nhất cũng không thấp hơn 30% tổng số đại biểu được bầu”.
Tuy nhiên, ở địa phương cần tránh một xu thế, ban đầu giới thiệu thật nhiều người ứng cử là phụ nữ nhưng ở dạng “quân xanh”, thậm chí “cực kỳ xanh”. Ví dụ các cuộc bầu cử ĐBQH khóa XI và XII, khi giới thiệu thì tỷ lệ phụ nữ ứng cử rất cao, nhìn vào bản danh sách thấy rất “vui mắt”; sau các vòng hiệp thương, tỷ lệ phụ nữ ứng cử khóa XI bình quân là 33,86%; khóa XII là 32,91%, có bảy tỉnh, thành phố đạt từ 54,54% đến 75% nữ ứng cử viên, nhưng khi bầu xong thì con số đạt được thấp xa so với con số dự kiến 30%. Đáng lưu ý hơn nữa là ở khóa XII, có chín tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương không có nữ ứng cử viên nào trúng cử là người của địa phương giới thiệu.
Bốn là, phải thật sự quán triệt quan điểm bình đẳng giới, trước hết là trong giới lãnh đạo các cấp; thực hiện có hiệu quả nội dung số một của CEDAW là xóa bỏ bất bình đẳng trong đời sống chính trị
Thực ra không ít các vị lãnh đạo các cấp giữa suy nghĩ, lời nói và việc làm không phải lúc nào cũng là một, mà còn có khoảng cách (thậm chí khoảng cách khá xa). Một số cán bộ lãnh đạo nhiều khi vẫn còn láng máng những toan tính chưa thật sự trong sáng. Mặt khác, trong một chừng mực nào đó, chính một số chị em cũng chưa thật ủng hộ nhau, thậm chí còn “níu kéo” nhau lại. Vì vậy phải tổ chức học tập, phổ biến lại, để thật sự quán triệt Luật Bình đẳng giới không chỉ trong nhân dân mà ở tất cả các cấp lãnh đạo, chú trọng thích đáng đến lãnh đạo là nam giới, lãnh đạo cấp cao.
Năm là,việc bố trí người ứng cử cùng liên danh vào các đơn vị bầu cử phải thật sự khách quan, công bằng
Các Luật Bầu cử hiện hành chưa quy định cụ thể vấn đề này mà mới chỉ quy định số người trong danh sách ứng cử chính thức ở mỗi đơn vị bầu cử phải nhiều hơn số đại biểu được bầu ở đơn vị đó. Nếu không thực sự công bằng, bình đẳng, khách quan thì sẽ rất bất lợi cho một số người ứng cử - mà phần đông lại rơi vào phụ nữ. Lấy cuộc bầu cử ĐBQH làm ví dụ, ở khóa XII, trong số 182 đơn vị bầu cử của cả nước thì có khoảng 10% số đơn vị sắp xếp những người ứng cử trong một số đơn vị bầu cử quá chênh lệch về trình độ, chức vụ, rất bất lợi cho phụ nữ ở đơn vị bầu cử đó. Có đơn vị sắp xếp hai nữ làm việc gia đình, một nhân viên phục vụ cùng liên danh với một ứng cử viên ở trung ương và một ứng cử viên là Chủ tịch HĐND tỉnh. Có đơn vị có hai nữ ứng cử viên là cán bộ của cùng một Sở cùng danh sách với Chủ tịch UBND tỉnh, một ứng cử viên ở trung ương và một người là Giám đốc bệnh viện. Có đơn vị ba nữ ứng cử viên của địa phương, một nữ ứng cử viên của trung ương và một ứng cử viên nam là Phó Bí thư Tỉnh ủy- Chủ tịch UBND tỉnh... Trong tất cả các đơn vị bầu cử sắp xếp danh sách những người ứng cử theo kiểu “quân xanh, quân đỏ” như thế thì hầu như, tất cả các nữ ứng cử viên của địa phương đều không trúng cử.
Vì vậy, khi xây dựng Luật Bầu cử ĐBQH, HĐND sắp tới, Quốc hội nên nghiên cứu quy định các tiêu chí có tính “nguyên tắc” để sắp xếp người ứng cử vào đơn vị bầu cử một cách khách quan, đúng đắn nhất. Các tiêu chí đó có thể là: có nam, có nữ, số lượng tương đối cân bằng; trình độ, vị thế (chức vụ) tương đương; hoạt động ở các ngành, các lĩnh vực khác nhau... Ngoài ra, nên có điều cấm người ứng cử tặng quà trước khi bầu cử dưới bất cứ hình thức nào. Hội đồng Bầu cử quốc gia, Ủy ban Thường vụ Quốc hội phải hướng dẫn, giám sát chặt chẽ, nếu phát hiện thấy bất hợp lý thì phải yêu cầu điều chỉnh. Ủy ban bầu cử, lãnh đạo địa phương phải thảo luận, bàn bạc dân chủ trước khi quyết định phương án sắp xếp để bảo đảm tính hợp lý. Khi phương án hợp lý nhất đã được quyết định thì phải lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt trong thực hiện để đạt được kết quả cao nhất (thỏa mãn các yêu cầu).
Sáu là,bản thân nữ ứng cử viên phải tiếp xúc cử tri, vận động bầu cử với kết quả cao nhất
Nếu các giải pháp trên phụ thuộc nhiều vào pháp luật, vào sự lãnh đạo, chỉ đạo, thì giải pháp này chủ yếu phụ thuộc vào người ứng cử. Ứng cử viên là nữ phải thể hiện được bản tính tốt đẹp của phụ nữ đương đại; giản dị; có thực tiễn, kinh nghiệm, lý luận; lời nói có tính thuyết phục, có sức hấp dẫn, lôi cuốn; có khả năng giao tiếp, khả năng đại diện cho cử tri. Đặc biệt phải nắm được tình hình cơ bản nơi mình ứng cử để có sự “đối đáp” hợp lý với cử tri../.

 


*TS. Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội
[1] Ủy ban Quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam 20 năm phát triển và hội nhập, Hà Nội, 2013, tr.28.
 

(Nguồn tin: Bài viết đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu lập pháp số 3+4(283+284), tháng 2/2015)