Quyền bào chữa trong tố tụng hình sự Cộng hòa Liên bang Đức

01/01/2015

GV. NGUYỄN QUYẾT THẮNG

Bộ môn Pháp luật, Học viện An ninh nhân dân

Cộng hòa Liên bang Đức là quốc gia có mô hình tố tụng hình sự (TTHS) khá tương đồng và phù hợp với Việt Nam, đặc biệt hiện nay, pháp luật TTHS Đức cũng đang trong giai đoạn hoàn thiện, mở rộng phạm vi đảm bảo quyền bào chữa. Việc tìm hiểu các quy định của pháp luật tố tụng Đức về quyền bào chữa và việc đảm bảo quyền bào chữa sẽ là những kinh nghiệm tốt  khi nghiên cứu hoàn thiện pháp luật TTHS nước ta.  
Untitled_266.png
Ảnh minh họa: (Nguồn internet)
1. Đặc điểm tố tụng hình sự của Đức có liên quan đến quyền bào chữa
Hiến pháp Đức (Grundgesetz für die Bundesrepublik Deutschland) - có hiệu lực từ sau chiến tranh thế giới thứ hai ở Tây Đức - tiếp tục được duy trì khi nước Đức thống nhất hai miền. Hiến pháp chứa đựng nhiều nội dung liên quan đến việc đảm bảo công bằng trong tố tụng, như: tính chất không thể xâm phạm và không thể chuyển dịch của quyền con người và tác động ràng buộc của những quyền đó đối với cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp (Điều 1); quyền được đảm bảo xét xử bởi Tòa án... (khoản 1 Điều 103). Tuy nhiên, Hiến pháp không quy định rõ ràng về quyền bào chữa mà quyền bào chữa được quy định trong Bộ luật TTHS Đức (Strafprozeßordnung, viết tắt là StPO). Đây là nguồn chính của các quy định TTHS Đức có liên quan tới quyền bào chữa. Bộ luật này có hiệu lực từ năm 1877 và được sửa đổi gần nhất bởi đạo luật ban hành ngày 20/6/2013 (Federal Law Gazette Part I p. 1602)[1]. Đức là quốc gia liên bang nhưng trong lĩnh vực tư pháp hình sự chỉ áp dụng thống nhất một đạo luật cho toàn liên bang, không có sự khác biệt. Ngoài ra, một số nội dung liên quan đến quyền bào chữa còn được quy định trong một số văn bản luật khác có liên quan như: Luật Tổ chức Tòa án, Đạo luật về Người chưa thành niên...
Mô hình TTHS Đức về cơ bản là mô hình tố tụng thẩm vấn có kết hợp với một số yếu tố của mô hình tố tụng tranh tụng. TTHS Đức có ba chức năng cơ bản: i) chức năng buộc tội do cảnh sát, viện công tố, tư tố viên, người bị hại thực hiện; ii) chức năng bào chữa do người bào chữa, bị can, bị cáo thực hiện; iii) chức năng xét xử do tòa án thực hiện. Tuy nhiên, các chức năng này chưa có sự phân định rõ ràng ngay trong Bộ luật TTHS Đức mà có mối quan hệ chặt chẽ, đan xen nhau, thậm chí chồng lấn nhau về chức năng giữa các cơ quan[2]. Cụ thể, các cơ quan cảnh sát, viện công tố và tòa án đều có quyền thu thập chứng cứ buộc tội và gỡ tội nhằm chứng minh tội phạm và người phạm tội. Tại phiên tòa, vai trò của thẩm phán chủ tọa phiên tòa là rất nổi bật trong khi vai trò của luật sư thì không thật sự năng động như luật sư ở các quốc gia khác.
2. Đảm bảo quyền bào chữa và nội dung quyền bào chữa trong Bộ luật Tố tụng hình sự Đức
Thời điểm đảm bảo quyền có người bào chữa và số lượng người bào chữa tham gia bào chữa
Quyền có người bào chữa được quy định tại Điều 137 Bộ luật TTHS Đức cho phép người bị buộc tội có quyền nhận được sự trợ giúp pháp lý từ người bào chữa trong quá trình tố tụng mà không có sự hạn chế. Theo quy định hiện hành của Bộ luật TTHS Đức, người bị bắt giữ được thông báo quyền giữ im lặng và quyền được tư vấn bởi người bào chữa (do anh ta lựa chọn) ở bất kỳ giai đoạn tố tụng nào, thậm chí trước khi tiến hành thủ tục thẩm vấn. Chính vì vậy, khi bị bắt giữ, người bị bắt thường được khuyên nên im lặng nếu bị cảnh sát thẩm vấn và yêu cầu được gặp luật sư. Việc giữ im lặng cho đến khi nói chuyện với luật sư sẽ không bị coi là tình tiết chống lại người bị bắt (khoản 1 Điều 136 Bộ luật TTHS Đức).
Trước đây, người bào chữa thường chỉ được phép tham gia vụ án sau khi hồ sơ đã chuyển cho cơ quan công tố[3]. Luật sư thường bị ngăn cản không được tham gia sớm vào giai đoạn thẩm vấn tại đồn cảnh sát và sự tham gia của luật sư do cảnh sát quyết định. Do vậy, thông thường luật sư không được gặp bị can cho đến khi bị can được tiếp xúc với công tố viên hoặc thẩm phán.
Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 1 Điều 140 và khoản 3 Điều 141 Bộ luật TTHS Đức hiện hành, vào thời điểm lệnh bắt giữ có hiệu lực đã được thông báo hoặc đưa ra bởi tòa án, người bị bắt giữ sẽ được chỉ định người bào chữa ngay lập tức. Sự chỉ định này sau đó phải được gửi đến tòa án có thẩm quyền. Khi người bị tình nghi bị giam giữ tại nơi tạm giam hoặc khi bị cảnh sát bắt giữ, thẩm phán có thể chỉ định luật sư bào chữa theo yêu cầu của người bị tình nghi và cơ quan công tố phải ghi nhận đơn yêu cầu ngay trong hồ sơ nếu là trường hợp chỉ định theo khoản 1 khoản 2 Điều 140 Bộ luật TTHS Đức (các trường hợp bào chữa bắt buộc).  
Sự chỉ định người bào chữa như vậy sẽ không căn cứ vào tình hình tài chính của người bị tình nghi, bởi vì người bào chữa được chỉ định có quyền yêu cầu ngân khố quốc gia trả các khoản chi phí bào chữa. Để đảm bảo yêu cầu người bào chữa sẽ được chỉ định trong thời gian trước mắt, một quyết định đưa ra bởi Tòa án tối cao Đức (Rechtsprechungs-Report năm 2006, trang 181) đã quy định rằng, cảnh sát phải thông báo cho bất kỳ người tình nghi nào khi họ bị bắt rằng, họ có thể gọi luật sư bào chữa riêng hoặc gọi đến dịch vụ tư vấn khẩn cấp của luật sư cho dù họ không đủ khả năng tài chính để thuê luật sư[4]. Các thông tin về luật sư trên toàn liên bang sẽ được cập nhật liên tục và cung cấp cho người bị tình nghi để họ có thể thực hiện các cuộc gọi đến các dịch vụ tư vấn khẩn cấp. Số điện thoại liên lạc với luật sư phải luôn được cung cấp tại các cơ sở giam giữ và phải được cung cấp cho người bị giam giữ khi họ có yêu cầu[5].
Khoản 1 Điều 137 Bộ luật TTHS Đức cũng quy định không quá ba người bào chữa sẽ tham gia bào chữa cho một người bị buộc tội. Nếu bị can hay bị cáo có người đại diện theo pháp luật, người đó cũng có thể tham gia cùng với luật sư bào chữa một cách độc lập. Nguyên nhân việc hạn chế số lượng người bào chữa chính thức xuất phát từ thực tiễn xét xử tại Đức những năm 1970, khi có nhiều vụ án hình sự mà hoạt động tố tụng bị cản trở bởi có quá nhiều luật sư tại phòng xét xử. Xuất phát từ thực tiễn đó, việc hạn chế số lượng luật sư bào chữa chính thức được quy định trong Bộ luật TTHS Đức từ năm 1974[6].
Tuy nhiên, người bị buộc tội có thể thuê nhiều luật sư làm việc cho mình nếu muốn, nhưng chỉ có ba luật sư trong số đó được quyền tham gia phiên tòa, phát biểu trước tòa và có đầy đủ các quyền của người bào chữa.
Người bào chữa theo quy định của Bộ luật TTHS Đức
Theo quy định của Bộ luật TTHS Đức hiện hành thì chủ thể có thể tham gia bào chữa cho người bị buộc tội khá rộng. Người bị buộc tội có thể chọn một luật sư đang hành nghề (attorney at law) hay một giáo sư luật ở một trường đại học Đức làm người bào chữa (khoản 1 Điều 138 Bộ luật TTHS Đức). Cả hai nhóm người bào chữa này đều có địa vị pháp lý như nhau và tùy thuộc vào sự lựa chọn của người bị buộc tội. Tuy nhiên, như đã phân tích ở trên, không quá ba người bào chữa sẽ được lựa chọn.
Ngoài ra, những người khác cũng có thể được tòa án cho phép tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị buộc tội, bao gồm vợ (chồng) hoặc người đại diện hợp pháp của người bị buộc tội (khoản 1, 2 Điều 138 Bộ luật TTHS Đức). Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 3 Điều 149 Bộ luật TTHS Đức thì trong giai đoạn đầu của quá trình tố tụng, quyết định chấp nhận sự tham gia và có mặt của người bào chữa sẽ được xem xét thận trọng bởi tòa án.
Bào chữa bắt buộc
Điều 140 Bộ luật TTHS Đức quy định cụ thể các trường hợp bắt buộc phải có sự tham gia và có mặt của luật sư bào chữa, bao gồm:
1. Phiên xét xử chính được tiến hành theo thủ tục sơ thẩm tại Toà án khu vực cấp trên(oberlandesgericht) hoặc tại Toà án khu vực (landgericht);
2. Bị can/bị cáo bị truy tố về một tội nghiêm trọng (Verbrechen);
3. Quá trình tố tụng có thể dẫn đến lệnh cấm làm một công việc nhất định;
4. Duy trì sự giam giữ theo Điều 112 hoặc Điều 112a hoặc áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh tạm thời theo Điều 126a hoặc khoản 6 Điều 275a Bộ luật TTHS Đức được thực hiện chống lại người bị buộc tội;
5. Bị can/bị cáo đã bị đưa vào một nơi giam giữ trong thời gian ít nhất là ba tháng căn cứ vào lệnh của toà án hoặc với sự phê chuẩn của thẩm phán và sẽ không được trả tự do ít nhất là hai tuần trước khi bắt đầu phiên xử chính;
6. Quyết định đối với bị can/bị cáo theo Điều 81 Bộ luật TTHS Đức đang được cân nhắc áp dụng để chuẩn bị cho kết luận về tình trạng tâm thần của người đó;
7. Thủ tục tạm giam để ngăn chặn (preventive detention) đang được thực hiện;
8. Nguyên người bào chữa đã bị loại khỏi việc tham gia quá trình tố tụng bằng một quyết định;
9. Cần phải có một luật sư trợ giúp cho người bị hại theo quy định tại Điều 397a và khoản 3, 4 Điều 406g Bộ luật TTHS Đức.
Ngoài ra, trong những trường hợp khác, thẩm phán chủ tọa phiên tòa sẽ chỉ định người bào chữa theo yêu cầu hoặc theo quy định của pháp luật nếu sự trợ giúp của luật sư là rất cần thiết bởi tính chất nghiêm trọng của hành vi phạm tội, hoặc bởi sự khó khăn của sự việc hay vụ án, hoặc nếu có bằng chứng cho rằng người bị buộc tội không thể tự bào chữa cho chính họ. Yêu cầu người bào chữa của người bị buộc tội bị khiếm khuyết về khả năng nghe và nói cũng sẽ được đảm bảo.
Sự vắng mặt của luật sư hay người bào chữa trong các trường hợp trên đồng nghĩa với việc vi phạm thủ tục tố tụng theo khoản 5 Điều 338 Bộ luật TTHS Đức.
Nếu người bị buộc tội trong các trường hợp trên không có một luật sư hay người bào chữa nào tham gia bào chữa cho họ, thì tòa án sẽ chỉ định người bào chữa trong số các luật sư đang hành nghề tại một tòa án khu vực. Khi đó, người bị buộc tội sẽ có cơ hội chọn luật sư trong thời gian nhất định và thẩm phán chủ tọa phiên tòa phải chỉ định luật sư đó cho người bị buộc tội, trừ khi có lý do đặc biệt để không làm như vậy (khoản 1 Điều 142 Bộ luật TTHS Đức).
Sự chỉ định này sẽ bị hủy bỏ nếu người bị buộc tội đã lựa chọn được người bào chữa và việc lựa chọn đó được chấp nhận (Điều 143 Bộ luật TTHS Đức).
Kinh phí cho việc đảm bảo quyền bào chữa
Theo quy định tại Điều 464a Bộ luật TTHS Đức, những chi phí cần thiết mà người bị kết án phải nộp bao gồm án phí (khoản 1) và những chi phí cần thiết khác (khoản 2) như: phần phí bồi thường cho những mất mát không thể tránh khỏi về mặt thời gian theo các quy định về áp dụng bồi thường cho nhân chứng và những chi phí cho luật sư bào chữa. Tòa án sẽ xác định người sẽ phải gánh chịu những chi phí này dựa trên quy định của Bộ luật TTHS.
Khoản 2 Điều 464Bộ luật TTHS Đức quy định, đối với các khoản chi phí cần thiết khác, trong đó có chi phí cho luật sư bào chữa, sẽ do tòa án xác định trong bản án hoặc trong quyết định chấm dứt quá trình tố tụng.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 465 Bộ luật TTHS Đức, người bị tòa án tuyên có tội sẽ phải chi trả tất cả án phí. Tuy nhiên, trong trường hợp họ được tuyên vô tội hoặc nếu việc mở phiên tòa chính thức bị từ chối hoặc nếu phiên tòa xét xử bị cáo chấm dứt nếu việc mở phiên tòa chính thức bị từ chối hoặc nếu phiên tòa xét xử bị cáo chấm dứt thì án phí và cả những chi phí cần thiết sẽ do Nhà nước chi trả (khoản 1 Điều 467Bộ luật TTHS Đức).
Như vậy, về nguyên tắc, người bị buộc tội phải trả kinh phí cho việc bào chữa sau khi bị buộc tội và kết án. Người bị buộc tội sẽ không phải trả chi phí này nếu như họ được người bào chữa chỉ định bảo vệ quyền lợi của mình và được tòa án tuyên vô tội.
Một vấn đề khác cần đặt ra là đảm bảo quyền bào chữa trong trường hợp người bị kết án không đủ tiền để thuê luật sư. Trên thực tiễn, người bị buộc tội có thể yêu cầu tòa án chỉ định một luật sư cho mình (Điều 140 Bộ luật TTHS Đức). Người bị buộc tội sẽ không đương nhiên được chỉ định luật sư bào chữa trong mọi trường hợp, nên người bị buộc tội cần phải làm đơn yêu cầu đến công tố viên xem xét, sau đó công tố viên sẽ chuyển đơn này đến thẩm phán phụ trách vụ án để quyết định xem người bị buộc tội có cần thiết phải chỉ định luật sư bào chữa hay không[7]. Thông thường, người bị buộc tội sẽ được đáp ứng yêu cầu nếu như rơi vào các trường hợp quy định tại Điều 140 Bộ luật TTHS Đức. Do vậy, khả năng tài chính của người bị buộc tội không quyết định việc đảm bảo quyền bào chữa của họ.
Trên lý thuyết, không có sự khác biệt giữa việc trả chi phí bào chữa bởi Nhà nước hay người bị buộc tội. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều người bào chữa thích được trả bởi Nhà nước hơn bởi vì người bị buộc tội đôi khi không có nhiều tiền, do vậy không đảm bảo chắc chắn cho việc chi trả chi phí bào chữa, trong khi Nhà nước thì luôn luôn phải trả. Do đó, nhiều luật sư chấp nhận yêu cầu bào chữa từ người bị buộc tội (Điều 142 Bộ luật TTHS Đức), sau đó lại đề nghị với thẩm phán chủ tọa phiên tòa rằng họ không chấp nhận công việc nữa (Điều 143 Bộ luật TTHS Đức) và khi đó bắt buộc tòa án phải chỉ định người bào chữa khác (khoản 1 Điều 140 Bộ luật TTHS Đức).
Hiện nay, nếu người bị buộc tội không đủ khả năng thuê luật sư bào chữa vào lúc đầu, họ có thể dựa vào sự trợ giúp của luật sư được Nhà nước chỉ định, bất kể người bị buộc tội là người Đức hay người nước ngoài. Trong trường hợp này, họ được gọi là người bào chữa công chúng (Pflichtverteidiger). Luật sư công chúng được cung cấp bởi Nhà nước nhưng không có nghĩa là miễn phí. Chỉ có bào chữa bắt buộc thì chi phí cho luật sư mới do Nhà nước chi trả, nhưng nếu bị can, bị cáo bị kết luận phạm tội thì họ phải trả chi phí này.
Trên thực tế, luật sư bào chữa công chúng ít khi được cung cấp và đề nghị cho người bị tình nghi bởi các cơ quan tố tụng khi vụ án đang trong giai đoạn điều tra. Thông thường, luật sư công chúng chỉ được đề nghị sau khi đã có bản cáo trạng. Người bị tình nghi thường bị thẩm vấn, lấy lời khai bởi công tố viên hay cảnh sát mà không có sự hiện diện của luật sư nếu như người bị buộc tội không có tiền thuê luật sư. Chính vì vậy, để đảm bảo quyền lợi của mình, người bị tình nghi thường sẽ im lặng cho đến khi có luật sư bào chữa[8].
Một số quyền cụ thể của người bào chữa quy định trong Bộ luật TTHS Đức
Các quyền của người bào chữa được quy định rải rác trong các điều luật khác nhau. Những nét đặc trưng nhất về quyền của người bào chữa được quy định trong Bộ luật TTHS Đức là:
- Trong giai đoạn tiền xét xử, người bào chữa có quyền tiến hành việc điều tra độc lập với tòa án và không chịu bất kỳ sự cưỡng bách nào. Người bào chữa cũng có quyền đề nghị công tố viên thu thập những chứng cứ nhất định; quyền thay mặt cho bị can, bị cáo nhận các tài liệu và thông tin (Điều 145a); kiểm tra hồ sơ vụ án mà tòa án đã có, kiểm tra các biên bản ghi lời khai bị can mà người bào chữa có mặt khi ghi lời khai; kiểm tra việc giám định của chuyên gia; được thông báo ngày xét xử và tham gia quá trình thẩm vấn[9].
Người bào chữa được tham gia tố tụng từ khi người bị tình nghi bị bắt.
Khi bị cáo bị thẩm vấn thì luật sư có quyền có mặt và được phép tham gia trong suốt quá trình thẩm vấn bị cáo và được báo trước về ngày tiến hành thẩm vấn. Tuy nhiên, quyền này có thể không được thực hiện nếu việc thông báo gây bất lợi cho quá trình điều tra (Điều 168c).
- Trong giai đoạn xét xử, tại phiên tòa, người bào chữa có quyền được thông báo ngày xét xử; được trình bày trước tòa án (khoản 2 Điều 257); quyền được hỏi và thẩm vấn người làm chứng và người giám định (khoản 2 Điều 240), đưa ra chứng cứ có lợi cho bị cáo (Điều 244).
Người bào chữa cũng có thể đại diện cho bị cáo nói lời sau cùng (Điều 259) và tiến hành việc kháng cáo nhưng không được trái với ý muốn của bị cáo (khoản 2 Điều 297).
Người bào chữa đưa ra phát biểu cuối cùng và đề nghị mức án, thường là mức thấp nhất trong khung hình phạt.
- Trong tất cả các giai đoạn tố tụng, người bào chữa có quyền không phải cung cấp những thông tin liên quan đến vụ án do họ biết được trong quá trình bào chữa cho người bị buộc tội (Điều 53).
Ngoài ra, Điều 148 có một trong những quy định quan trọng đảm bảo hoạt động bào chữa của người bào chữa trong Bộ luật TTHS Đức. Theo đó, giữa người bào chữa và người bị buộc tội được giao tiếp mà không bị kiểm soát. Người bị buộc tội có quyền giao tiếp bằng lời nói hoặc văn bản viết với luật sư bào chữa, cho dù người bị buộc tội có đang bị tạm giam, tạm giữ hay không (khoản 1 Điều 148), trừ một số trường hợp đặc biệt (khoản 2 Điều 148). Sự trao đổi thư từ hay tư vấn bằng lời nói giữa người bị buộc tội và luật sư không phải chịu sự kiểm duyệt của tòa án hay sự giám sát của bảo vệ. Khi người bị buộc tội nhận được thư từ luật sư, họ được quyền giữ chúng mà không có sự can thiệp của cảnh sát bởi quy định về “thư của luật sư bào chữa” (verteidigerpost - defense attorney mail), quy định tại khoản 1 Điều 97 Bộ luật TTHS Đức[10]. Quy định này đảm bảo rằng, bất kỳ ghi chép nào có chứa thông tin bí mật mà luật sư bào chữa có được sẽ không bị tịch thu. Hầu hết các quyền nêu trên cũng được thừa nhận đối với bị can, bị cáo… nhưng một số quyền chỉ dành cho người bào chữa, trong đó quan trọng nhất là quyền được tiếp cận toàn bộ hồ sơ vụ án, bao gồm cả những chứng cứ có lợi hay bất lợi đối với thân chủ của họ. Điều này chứng tỏ các quyền của người bào chữa không phải xuất phát từ quyền của bị can, bị cáo mà quyền của người bào chữa được ghi nhận độc lập trong Bộ luật TTHS Đức. Người bào chữa có địa vị pháp lý riêng, độc lập trong tư pháp khi tham gia vào hoạt động TTHS và cùng với người bị buộc tội thực hiện chức năng “gỡ tội” trong khi viện công tố thực hiện chức năng buộc tội./.

 


*GV. Bộ môn Pháp luật, Học viện An ninh nhân dân
[1] Xem Bộ luật TTHS Đức hiện hành tại http://www.gesetze-im-internet.de/englisch_stpo/
[2] Viện Khoa học Kiểm sát, Số chuyên đề về mô hình TTHS một số nước trên thế giới (số 1+2) năm 2011, tr. 43.
[3] Mireille Delmas - Marty, T.R.Dpencer: European Criminal Procedures, Cambridge University Press, 2002, tr. 313.
[4] Response of the German Government to the report of the European Committee for the Prevention of Torture and Inhuman or Degrading Treatment or Punishment (CPT) on its visit to Germany from 25 November to 2 December 2010, http://www.cpt.coe.int/documents/deu/2012-07-inf-eng.pdf, truy cập ngày 25/2/2014.
[5] Response of the German Government to the report of the European Committee for the Prevention of Torture and Inhuman or Degrading Treatment or Punishment (CPT) on its visit to Germany from 25 November to 2 December 2010, http://www.cpt.coe.int/documents/deu/2012-07-inf-eng.pdf, truy cập ngày 25/2/2014),.
[6] The Guarantee of Defence Counsel and the Exclusionary, Rules on Evidence in Criminal Proceedings in Germany, http://www.germanlawjournal.com/index.php?pageID=11&artID=871(truy cập ngày 24/2/2014).
[7] http://www.lg2g.info/all-about-courts-and-lawyers-in-germany/all-about-criminal-courts-in-germany/defense
[9] Các Điều 145a, Điều 147 Bộ luật TTHS Đức.
[10] http://www.lg2g.info/all-about-courts-and-lawyers-in-germany/all-about-criminal-courts-in-germany/defense

(Nguồn tin: Bài viết đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu lập pháp số 2(282), tháng 1/2015)