Nguyên tắc ngoài lãnh thổ trong pháp luật cạnh tranh Hoa Kỳ và việc xem xét lại đối tượng điều chỉnh của pháp luật cạnh tranh Việt Nam

01/11/2014

Giảng viên DƯƠNG VĂN HỌC

Khoa Luật, Trường Đại học Cần Thơ

Xuất hiện trong thời kỳ mà hoạt động trao đổi, giao dịch giữa các quốc gia diễn ra còn hạn chế, nguyên tắc lãnh thổ dễ dàng được chấp nhận bởi cộng đồng quốc tế cho phép quốc gia thực hiện thẩm quyền tối thượng bên trong lãnh thổ của mình. Tuy nhiên, khi hoạt động trao đổi, giao dịch xuyên biên giới diễn ra phổ biến, sự “nở rộ” của thương mại toàn cầu khiến cho nguyên tắc lãnh thổ bộc lộ những hạn chế của mình. Vấn đề được đặt ra ở đây là, liệu thẩm quyền quốc gia có thể mở rộng đến các vụ việc mà hậu quả của nó có ảnh hưởng đến quốc gia mình? Và liệu việc mở rộng thẩm quyền như thế có dễ dàng được chấp nhận bởi các quốc gia khác? Nguyên tắc ngoài lãnh thổ (Extraterritorial Principle), hay học thuyết ảnh hưởng (Effects Doctrine), xuất hiện nhằm cố gắng giải quyết các vấn đề, kèm theo đó là những tranh cãi giữa các quốc gia trước khi nó được thừa nhận rộng rãi. Trên phương diện pháp luật cạnh tranh, bài viết phân tích nguyên tắc ngoài lãnh thổ trong pháp luật Hoa Kỳ và đề xuất xem xét lại đối tượng điều chỉnh của pháp luật cạnh tranh Việt Nam.
Untitled_292.png
Ảnh minh họa: (Nguồn internet)
1. Nguyên tắc ngoài lãnh thổ trong pháp luật cạnh tranh Hoa Kỳ
Xuất phát điểm của nguyên tắc ngoài lãnh thổ trong pháp luật cạnh tranh được ghi nhận tại vụ kiện United States v. Aluminum Co. of America (1945), Tòa ánHoa Kỳ lần đầu tiên áp dụng Đạo luật Sherman ngoài phạm vi lãnh thổ quốc gia[1]. Tuy nhiên, trước khi được chấp nhập rộng rãi bởi cộng đồng quốc tế, trong tiến trình lịch sử của mình, nguyên tắc ngoài lãnh thổ đối mặt với sự phản khánggay gắt của các quốc gia, điển hình là Anh Quốc[2]. Hiện tại, thực tiễn thừa nhận và áp dụng nguyên tắc ngoài lãnh thổ là khác nhau giữa các quốc gia[3]. Các nước đang phát triển có cách tiếp cận nguyên tắc kém chủ động hơn các nước phát triển, trong khi đó, Hoa Kỳ và EU luôn khẳng định nguyên tắc ngoài lãnh thổ bởi vai trò lịch sử của mình. Ngoài ra, nguyên tắc ngoài lãnh thổ còn được tìm thấy trong các Hiệp định hợp tác cạnh tranh được ký kết giữa các quốc gia theo dạng Hiệp định nhằm mở rộng thẩm quyền. Khi đó, quốc gia là thành viên của Hiệp định có quyền mở rộng thẩm quyền đối với việc thực thi pháp luật cạnh tranh của mình đến lãnh thổ quốc gia khác.
Đạo luật cạnh tranh đầu tiên của Hoa Kỳ, Sherman Act (1890), quy định rằng mọi hành vi giao kết, thỏa thuận hay cấu kết nào ảnh hưởng đến thương mại giữa các tiểu bang hay với nước ngoài đều là bất hợp pháp[4]. Ngay cả các Đạo luật liên quan đến cạnh tranh sau này, Clayton Act (1914)[5]Federal Trade Comission Act (1914)[6], đều thừa nhận vấn đề liên quan đến thương mại với nước ngoài khi xem xét đến hành vi hạn chế cạnh tranh. Vậy, câu hỏi được đặt ra ở đây là: (i) cụm từ “mọi hành vi giao kết, thỏa thuận hay cấu kết nào” là diễn ra trong hay ngoài lãnh thổ Hoa Kỳ? (ii) thế nào là ảnh hưởng đến thương mại? (iii) và, ảnh hưởng đến thương mại “…với nước ngoài” ở đây được hiểu như thế nào: ảnh hưởng trực tiếp hay gián tiếp? trong hoạt động nhập khẩu, xuất khẩu hoặc cả hai?
Như vậy, phạm vi áp dụng tương đối “rộng rãi” trong pháp luật cạnh tranh Hoa Kỳ, được hậu thuẫn bởi câu chữ khá mập mờ trong điều luật, được xem là một trong những căn cứ pháp lý cho sự tồn tại của nguyên tắc ngoài lãnh thổ. Chúng ta sẽ xem xét sự tồn tại của nguyên tắc ngoài lãnh thổ trong pháp luật cạnh tranh Hoa Kỳ qua các vụ việc điển hình, là đặc trưng của hệ thống pháp luật Common Law.
1.1. American Banana Co. v. United Fruit Co. (1909): khẳng định nguyên tắc lãnh thổ
Vụ việc xảy ra giữa hai công ty của Mỹ, American BananaUnited Fruit, cùng hoạt động kinh doanh tại Panama, đang đặt dưới sự cai quản bởi Costa Rica. Bị đơn, United Fruit, được sự bảo trợ của chính quyền Costa Rica nắm giữ vị trí độc quyền trước khi American Banana tham gia kinh doanh ở đây. American Banana kiện lên Tòa án tối cao Hoa Kỳ đòi bồi thường thiệt hại gấp ba lần theo điều 7 Đạo luật Sherman, bởi vì, hoạt động tịch thu của chính quyền Costa Rica, theo yêu cầu của United Fruit, đã làm phá hủy đồn điền trồng chuối của họ. Sự yêu cầu hay kích động từ phía United Fruit bị American Banana tố cáo là mưu đồ nhằm duy trì vị trí độc quyền, và nó ảnh hưởng đến nhập khẩu chuối từ Trung Mỹ đến Hoa Kỳ[7].
Tòa án đã từ chối giải quyết vụ kiện vì vụ việc xảy ra ngoài lãnh thổ Hoa Kỳ, và cho rằng, hành vi lạm dụng vị trí độc quyền của United Fruit nằm ngoài phạm vi điều chỉnh của Đạo luật Sherman[8]. Thẩm phán Holmes, khi giải quyết vụ án, đã chỉ rõ: “... tồn tại nguyên tắc pháp luật được chấp nhận phổ biến rằng để xem xét một hành vi là hợp pháp hay không phải dựa vào pháp luật nơi hành vi đó xảy ra hay thực hiện… Thẩm quyền của quốc gia khác nếu được, chỉ có thể áp dụng trên ý tưởng của chủ thể thực hiện hành vi hơn là áp dụng thẩm quyền đó dựa trên nơi hành vi được thực hiện, tuy nhiên, điều này mâu thuẫn với chủ quyền quốc gia và lễ nhượng quốc tế đã được cả cộng đồng thừa nhận…”[9].
Như vậy, qua vụ American Banana Co. v. United Fruit Co. (1909) ta có thể nhận thấy rằng Tòa án Hoa Kỳ áp dụng nguyên tắc lãnh thổ theo cách hiểu truyền thống của nó.
1.2. United States v. Aluminum Co. of America (Alcoa 1945): sự ra đời nguyên tắc ngoài lãnh thổ
Nếu như trong vụ American Banana Co. v. United Fruit Co. Tòa án Hoa Kỳ tiếp cận nguyên tắc lãnh thổ theo cách hiểu truyền thống, thì trong vụ United States v. Aluminum Co. of America (Alcoa) nguyên tắc ngoài lãnh thổ hay học thuyết ảnh hưởng lần đầu tiên được áp dụng trong pháp luật cạnh tranh.
Chính quyền Hoa Kỳ khởi kiện Alcoa về hành vi lạm dụng vị trí độc quyền trong sản xuất và kinh doanh nhôm, bằng cách thiết lập các-ten với các công ty nước ngoài thông qua công ty con của nó là Alumium Limited (Limited) đang hoạt động thương mại ở Canada. Và cho rằng, hành vi này đã ảnh hưởng đến hoạt động nhập khẩu của Hoa Kỳ (hoạt động thương mại giữa Hoa Kỳ với nước ngoài theo quy định tại Điều 1, Sherman Act).
Tuy nhiên, Tòa án cho rằng Alcoa đã chấm dứt mối quan hệ với Limited từ năm 1935, do đó, vấn đề ở đây là xem xét liệu Limited có vi phạm Sherman Act hay khôngdo hành vi thiết lập các-ten của nó. Bởi vì, Limited đang hoạt động kinh doanh ở nước ngoài nên việc xem xét hành vi đó có nằm trong phạm vi điều chỉnh của Sherman Act hay không là vấn đề mới mẻ. Thẩm phán Learned Hand, khi thụ lý vụ việc,đã xem xét đến những quy định của Hiến pháp Hoa Kỳ liệu có những quy định cho phép mở rộng thẩm quyền ngoài lãnh thổ hay không, và ông đã kết luận: “quốc gia có quyền quy kết trách nhiệm pháp lý cho những hành vi mặc dù chúng được thực hiện ở nước ngoài nhưng ảnh hưởng đến quốc gia, và thẩm quyền này, nói chung, sẽ được quốc gia khác công nhận…”[10].
Kết luận của Learned Hand làm phát sinh một nguyên tắc mới về thẩm quyền thực thi pháp luật cạnh tranh, nguyên tắc ngoài lãnh thổ hay học thuyết ảnh hưởng, đối với hành vi tuy được thực hiện ở nước ngoài nhưng có ảnh hưởng đến thương mại Hoa Kỳ. Thẩm phán Learned Hand cũng nhấn mạnh rằng: “…Đạo luật Sherman sẽ không điều chỉnh các thỏa thuận hạn chế cạnh tranh mặc dù nó ảnh hưởng đến xuất khẩu và nhập khẩu của Hoa Kỳ, trừ khi hoạt động đó có ảnh hưởng thực sự đến hoạt động xuất nhập khẩu…”[11]. Khi đó, hai yếu tố được Learned Hand đề xuất là ý định (Intended) và ảnh hưởng thực sự (Actual Effects) đến thương mại Hoa Kỳ là hai yếu tố cấu thành học thuyết ảnh hưởng[12].
Học thuyết ảnh hưởng xuất phát từ vụ Alcoa có phạm vi ảnh hưởng rất rộng đến các hành vi hạn chế cạnh tranh ở nước ngoài, bởi vì, sẽ là rất khó và có khi là tùy tiện khi xem xét như thế nào về “ảnh hưởng thật sự đến thương mại Hoa Kỳ”. Thẩm phán Learned Hand cũng khẳng định: “…không nên hiểu rằng cơ quan lập pháp Hoa Kỳ muốn điều chỉnh tất cả những hành vi mà chúng, có khi, không có chút ảnh hưởng gì đến Hoa Kỳ…”[13]. Như vậy, có thể hiểu “ảnh hưởng thực sự” ở đây sẽ là ảnh hưởng cơ bản đến thương mại và ảnh hưởng đến lợi ích của người tiêu dùng Hoa Kỳ. Và, nếu không tồn tại yếu tố “ảnh hưởng thực sự”thì sẽ không tồn tại học thuyết ảnh hưởng theo cách tiếp cận từ vụ việc Alcoa.
Có lẽ cách tiếp cận nguyên tắc ngoài lãnh thổ theo cách của Alcoa là “hướng mở” cho việc áp dụng linh hoạt pháp luật, tuy nhiên, nó đã gặp sự phản ứng gay gắt từ phía nước ngoài. Tính mới mẻ của nguyên tắc là một trong những yếu tố gây nên sự phản ứng gay gắt đó. Thêm vào đó, cách tiếp cận trong vụ Alcoa, thoạt nhìn, là sự áp đặt một cách rất chung chung theo hướng một chiều từ phía Hoa Kỳ, do đó, câu hỏi đặt ra ở đây là, liệu các quốc gia khác có dễ dàng chấp nhận nguyên tắc ngoài lãnh thổ từ phía Hoa Kỳ?
1.3. Timberlane Lumber Co. v. Bank of America (1976): cách tiếp cận cân bằng
Trong vụ Timberlane Lumber Co. v. Bank of America,nguyên đơn, Timberlane, đã tiến hành khởi kiện các nhân viên của Bank of America về hành vi cấu kết nhằm ngăn chặn Timberlane xuất khẩu gỗ sang Hoa Kỳ. Bởi vì, nếu loại bỏ được Timberlane thì các doanh nghiệp được Bank of America hậu thuẫn về mặt tài chính sẽ chiếm lĩnh thị trường xuất khẩu gỗ ở Honduras. Hành vi cấu kết này bị tố cáo là đã ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu gỗ từ Honduras sang Hoa Kỳ nên vi phạm quy định của Sherman Act[14].
Tòa án địa phương khi thụ lý đã cho rằng, vụ kiện đã vượt quá thẩm quyền của họ vì hành vi mà nguyên đơn tố cáo thuộc thẩm quyền của tòa án nước ngoài, hơn nữa, vụ việc không ảnh hưởng trực tiếp và có thiệt hại vật chất đến thương mại Hoa Kỳ[15]. Tòa án phúc thẩm khu vực đã giữ nguyên bản án của Tòa địa phương và lập luận rằng, đây là một vụ kiện dân sự thông thường, không giống như vụ Alcoa vì có sự tham gia của quốc gia với tư cách là nguyên đơn, nên việc xác định thẩm quyền ở đây là điều không dễ dàng.
Thẩm phán Choy cho rằng, khó có thể giải quyết vụ việc theo cách của Alcoa vì nó không xem xét đến vấn đề lễ nhượng quốc tế[16] trong quan hệ giữa các quốc gia. Thẩm phán Choy nhấn mạnh: “…học thuyết ảnh hưởng theo cách tiếp cận của Alcoa là không hoàn hảo vì nó không cân nhắc đến vấn đề lễ nhượng quốc tế và nó cũng không xem xét toàn bộ mối quan hệ giữa các chủ thể và quốc gia. Nếu bị đơn mang quốc tịch Hoa Kỳ thì dễ dàng khi áp dụng pháp luật Hoa Kỳ nhưng điều này là phức tạp với đối tượng là người nước ngoài…”. Và “…Tòa án Hoa Kỳ phải cân nhắc đến vấn đề về lễ nhượng quốc tế và sự riêng biệt về chủ quyền quốc gia, cũng như xem xét về lợi ích giữa các quốc gia vào những tình huống thực tế khi áp dụng học thuyết ảnh hưởng…”[17].
Cân nhắc đến lợi ích giữa các quốc gia, Tòa án đã đưa ra ba vấn đề cần xem xét để xác định “thẩm quyền hợp lý”là[18]:
(i) Liệu vụ việc có ảnh hưởng hay có ý định ảnh hưởng đến hoạt động ngoại thương của Hoa Kỳ?
(ii) Mức độ vi phạm của hành vi đối với những quy định của Đạo luật Sherman?
(iii) Và, vấn đề về sự công bằng và lễ nhượng quốc tế, liệu có nên áp dụng thẩm quyền ngoài lãnh thổ trong trường hợp này?
Và cần làm rõ các yếu tố sau[19]:
(1) Mức độ vi phạm đến pháp luật hay chính sách nước ngoài;
(2) Quốc tịch của các bên hay nơi đặt trụ sở điều hành của doanh nghiệp;
(3) Việc mở rộng thẩm quyền của mỗi quốc gia có mong đợi đạt được sự đồng thuận từ phía các quốc gia khác;
(4) Ảnh hưởng cơ bản đến thương mại Hoa Kỳ so sánh với các quốc gia khác;
(5) Mục đích rõ ràng gây ảnh hưởng đến thương mại Hoa Kỳ;
(6) Khả năng thấy trước của những ảnh hưởng đó;
(7) Và, mối liên hệ cơ bản giữa hành vi vi phạm được thực hiện bên trong lãnh thổ Hoa Kỳ so sánh với hành vi vi phạm thực hiện ở nước ngoài.
Rõ ràng một điều rằng, việc mở rộng thẩm quyền nếu áp dụng một cách thiếu cân nhắc sẽ ảnh hưởng đến quan hệ quốc tế của chính quốc gia. Tòa án đã nhấn mạnh, việc mở rộng thẩm quyền không được xâm phạm đến chủ quyền, các chính sách về khuyến khích phát triển, đặc biệt, khi chính sách công của quốc gia lại là trụ cột của vấn đề[20]. Sau khi xem xét các yếu tố nêu trên, Tòa án đã đi đến kết luận: “Khả năng vi phạm chính sách kinh tế và pháp luật thương mại của Honduras là rất lớn… và sự thiếu vắng khi xem xét những chứng cứ về ý định gây ảnh hưởng đến thương mại Hoa Kỳ. Khả năng thấy trước của ảnh hưởng từ những hành vi bị cáo buộc là rất thấp. Hầu hết các hành vi vi phạm được thực hiện là ở nước ngoài. Yếu tố quốc tịch Hoa Kỳ, trong trường hợp này, là chưa đủ cho việc áp dụng pháp luật Hoa Kỳ. Chúng tôi tin rằng không có đầy đủ căn cứ cho việc mở rộng thẩm quyền để áp dụng pháp luật Hoa Kỳ cho vụ việc này” [21].
Phán quyết trong vụ Timberlane đã trở thành án lệ cho các vụ việc sau đó. Tuy nhiên, trong vụ Mannington Mills, Inc. v. Congoleum Corp[22]thì việc áp dụng án lệ có một ít thay đổi do sự cân nhắc nhiều hơn đến vấn đề về lễ nhượng quốc tế[23]. Tòa án thụ lý vụ Mannington đã thêm vào những yếu tố cần thiết phải xem xét, đó là[24]: (1) sự tồn tại các biện pháp điều chỉnh trong pháp luật nước ngoài; (2) ảnh hưởng tích cực đến quan hệ đối ngoại; (3) và, liệu các biện pháp giải quyết từ phía nước ngoài có được chấp nhận nếu nó áp dụng ở Hoa Kỳ hay không.
1.4. Đạo luật củng cố ngoại thương và cạnh tranh (FTAIA 1982): giới hạn của nguyên tắc ngoài lãnh thổ
Sau khi xem xét các vấn đề liên quan đến hoạt động thương mại quốc gia, chính sách trả đũa của nước ngoài và sự thiếu thống nhất trong quá trình áp dụng, Hoa Kỳ ban hành Đạo luật củng cố ngoại thương và cạnh tranh (FTAIA) nhằm tạo ra cách tiếp cận hạn chế đối với nguyên tắc ngoài lãnh thổ được quy định trong Sherman Act[25]. FTAIA giới hạn nguyên tắc ngoài lãnh thổ ở hai khía cạnh: phạm vi áp dụng là xuất khẩu (các hành vi được thực hiện ở nước ngoài), tiêu chí để áp dụng là các hành vi phải có ảnh hưởng một cách trực tiếp, gây thiệt hại về mặt vật chất, khả năng thấy trước một cách hợp lý đến hoạt động thương mại trong nước hay xuất khẩu của Hoa Kỳ[26].
Do chỉ xem xét đến hoạt động hạn chế cạnh tranh diễn ra ở nước ngoài nên FTAIA không điều chỉnh trong trường hợp nguyên đơn của vụ việc là doanh nghiệp ở Hoa Kỳ và bị đơn, chủ thể thực hiện hành vi hạn chế cạnh tranh, là công ty nước ngoài tuy hành vi đó ảnh hưởng đến thương mại Hoa Kỳ. Và, một điều hiển nhiên, hành vi hạn chế cạnh tranh của các doanh nghiệp nước ngoài không hoạt động kinh doanh ở Hoa Kỳ cũng có thể là đối tượng điều chỉnh của pháp luật cạnh tranh Hoa Kỳ nếu chúng ảnh hưởng đến thương mại trong nước hay đến xuất khẩu của Hoa Kỳ.
Tuy nhiên, xem xét như thế nào là ảnh hưởng đến xuất khẩu của Hoa Kỳ lại là vấn đề. Một hành vi hạn chế cạnh tranh diễn ra trên thị trường máy tính ở Châu Âu, được thực hiện bởi các doanh nghiệp Châu Âu, liệu nó có ảnh hưởng đến đến hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp Hoa Kỳ và có thuộc phạm vi điều chỉnh của Sherman Act? Với tầm ảnh hưởng to lớn của nền kinh tế Hoa Kỳ trong thời điểm bấy giờ, thì có thể nói rằng, hầu hết các hành vi hạn chế cạnh tranh diễn ra ngoài lãnh thổ Hoa Kỳ, không ít thì nhiều, đều có thể ảnh hưởng đến xuất khẩu của quốc gia này. Điều này đồng nghĩa với tất cả các hành vi hạn chế cạnh tranh đó đều có thể là đối tượng điều chỉnh của Sherman Act. Như vậy, nếu hiểu theo cách này thì phạm vi áp dụng theo quy định của FTAIA là rất rộng.
Trên thực tế, FTAIA được các tòa án phúc thẩm cấp liên bang giải thích khác nhau. Theo cách giải thích hẹp, pháp luật cạnh tranh Hoa Kỳ chỉ điều chỉnh đối với các hành vi hạn chế cạnh tranh phát sinh ở nước ngoài gây thiệt hại trực tiếp đến thương mại trong nước. Ngược lại, theo cách giải thích rộng, pháp luật cạnh tranh Hoa Kỳ được áp dụng đối với khiếu nại từ nước ngoài khi hành vi bị khiếu nại cũng gây ra thiệt hại trong nước. Tuy nhiên, Tòa án tối cao Hoa Kỳ đã đưa ra cách tiếp cận hẹp hơn cho trường hợp này là các hành vi hạn chế cạnh tranh ở nước ngoài phải tác động đến giá cả hoặc thương mại, và ít nhất, phải có ảnh hưởng đến hoạt động thương mại trong nước của Hoa Kỳ[27].
Tóm lại, cách tiếp cận của FTAIA rất giống với cách tiếp cận trong vụ Alcoa (1945), tuy nó đã thêm vào yếu tố khả năng thấy trước về hậu quả của hành vi hạn chế cạnh tranh, nhưng nó lại không thể hiện được cách tiếp cận cân bằng trong vụ Timberlane (1976)[28]. Tuy nhiên, khi lợi ích các quốc gia có sự đan xen, khi việc duy trì mối quan hệ “hữu hảo” luôn là nhiệm vụ quan trọng trong chính sách đối ngoại của các quốc gia, thì liệu cách tiếp cận của FTAIA có là hợp lý?
1.5. F. Hoffmann-LaRoche Ltd. v. Empagran S.A (2004): hài hòa hóa cách tiếp cận của FTAIA
Vụ Empagran liên quan đến những thỏa thuận diễn ra ở thị trường thế giới và có ảnh hưởng đến thị trường Hoa Kỳ. Đây là vụ việc phát sinh từ các khiếu kiện của các nguyên đơn từ các nước Australia, Ecuador, Panama và Ukraine tại Tòa án của Hoa Kỳ về các thiệt hại mà các nguyên đơn này gánh chịu ở ngoài nước Hoa Kỳ vì một các-ten quốc tế về giá vitamin có hoạt động ở Hoa Kỳ. Chính vì cho rằng có sự ảnh hưởng đến thị trường vitamin của Hoa Kỳ nên nguyên đơn đã đưa vụ kiện đến Tòa án Hoa Kỳ[29].
Tòa án khu vực xem xét vụ việc và cho rằng nó không thuộc phạm vi điều chỉnh của Đạo luật Sherman vì nó không đủ các yêu tố liên hệ để áp dụng pháp luật cạnh tranh Hoa Kỳ theo cách tiếp cận của FTAIA. Một trong những yếu tố còn thiếu của sự liên kết này là hành vi ấn định giá không ảnh hưởng trực tiếp đến thương mại của Hoa Kỳ. Tòa án nhận định rằng hậu quả của hành vi ấn định giá tác động thực sự và trực tiếp đến thị trường nước ngoài vì vitamin được bán ở thị trường nước ngoài[30].
Tòa án tối cao Hoa Kỳ, khi xét lại vụ việc, một lần nữa khẳng định hành vi ấn định giá ở đây không thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật cạnh tranh Hoa Kỳ. Tòa án cho rằng chỉ khi nào nguyên đơn chứng minh được sự ảnh hưởng trực tiếp đến thương mại Hoa Kỳ thì vụ việc mới thuộc thẩm quyền của Tòa án Hoa Kỳ. Ngoài ra, Tòa án tối cao Hoa Kỳ đã nhấn mạnh vai trò của lễ nhượng quốc tế trong việc thực thi FTAIA. Tòa án cho rằng, để xác định ý định của các nhà lập pháp đối với những quy định về nguyên tắc ngoài lãnh thổ, trong trường hợp có tồn tại sự mập mờ, thì ta nên hiểu theo hướng việc áp dụng nguyên tắc này phải tránh sự xâm phạm bất hợp lý đến chủ quyền của các quốc gia khác[31]. Việc áp dụng FTAIA với mục tiêu giới hạn nguyên tắc ngoài lãnh thổ chứ không phải mở rộng nó, và, FTAIA không thể được giải thích để đưa các thiệt hại ở nước ngoài gây ra một cách độc lập vào phạm vi điều chỉnh của Đạo luật Sherman. Phán quyết đã loại bỏ khả năng các nguyên đơn nước ngoài khiếu kiện về các thiệt hại mà họ phải gánh chịu phát sinh từ các hành vi hạn chế cạnh tranh ở ngoài nước Hoa Kỳ.
Vụ Empagran đã cho ta thấy cách tiếp cận hài hòa trong nguyên tắc ngoài lãnh thổ, theo đó, có sự kết hợp giữa những yếu tố của Alcoa (1945), được bổ sung bởi FTAIA và cách tiếp cận cân bằng trong Timberlane (1976). Sự hài hòa ở đây thể hiện cách ứng xử của các quốc gia không chỉ tôn trọng chủ quyền của nhau mà còn là sự cân nhắc đến yếu tố của một thị trường đang toàn cầu hóa - thị trường có sự đan xen giữa các chủ quyền quốc gia[32].
2. Xem xét lại đối tượng điều chỉnh của pháp luật cạnh tranh Việt Nam
Theo quy định tại Điều 2, đối tượng áp dụng của Luật Cạnh tranh 2004 là các tổ chức, cá nhân kinh doanh (chủ thể kinh doanh) và hiệp hội ngành nghề hoạt động ở Việt Nam. Ở đây, cụm từ “hoạt động tại Việt Nam”được nhấn mạnh nhằm chỉ ra giới hạn cho phạm vi áp dụng của Luật Cạnh tranh. Vấn đề đặt ra là, cụm từ “hoạt động tại Việt Nam”ở đâyđược hiểu là doanh nghiệp chỉ hoạt động tại Việt Nam hay có thể ở cả Việt Nam và nước ngoài? Hiện nay vẫn chưa có văn bản hướng dẫn cách hiểu thống nhất về cụm từ này, tuy nhiên, nó lại là mấu chốt của vấn đề nhằm xác định liệu pháp luật cạnh tranh Việt Nam có áp dụng ngoài lãnh thổ hay không. Trên thực tế, có thể xảy ra ba trường hợp như sau:
Thứ nhất, trong trường hợp doanh nghiệp vừa hoạt động kinh doanh ở Việt Nam vừa hoạt động kinh doanh ở nước ngoài và hành vi hạn chế cạnh tranh diễn ra ở nước ngoài (hậu quả của hành vi đó ảnh hưởng đến thị trường Việt Nam) thì có thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật cạnh tranh Việt Nam hay không?
Thứ hai, khi doanh nghiệp sản xuất hàng hóa tại Việt Nam nhưng lại tiến hành kinh doanh thị trường nước ngoài thì doanh nghiệp có vi phạm pháp luật cạnh tranh Việt Nam hay không nếu nó thực hiện hành vi hạn chế cạnh tranh ở nước ngoài?
 Thứ ba, trường hợp đặc biệt, khi doanh nghiệp nước ngoài không hoạt động kinh doanh ở Việt Nam nhưng hành vi hạn chế cạnh tranh của nó lại ảnh hưởng đến thị trường Việt Nam thì có thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật cạnh tranh Việt Nam?
Rõ ràng, để xác định các trường hợp nêu trên có thuộc phạm vi điều chỉnh hay “thẩm quyền”của Luật Cạnh tranh Việt Nam hay không là điều rất khó, bởi vì, ta cần phải nhìn nhận rằng, đối tượng điều chỉnh của pháp luật cạnh tranh phải là hành vi hạn chế cạnh tranh chứ không phải là chủ thể thực hiện hành vi. Đạo luật Sherman quy định rất rõ đâu là đối tượng điều chỉnh của nó, đó là các hành vi, hợp tác hay cấu kết gây cản trở đến thương mại giữa các tiểu bang hay với nước ngoài[33], đâu là chủ thể thực hiện hành vi vi phạm, và chính chủ thể thực hiện hành vi sẽ bị áp dụng những biện pháp chế tài. Cũng chính vì quy định đối tượng điều chỉnh là hành vi hạn chế cạnh tranh nên sẽ xác định được phạm vi điều chỉnh của luật bằng việc xem xét các yếu tố: nơi hành vi thực hiện - trong nước hay ngoài nước; hậu quả của hành vi đối với thương mại quốc gia…
Pháp luật Việt Nam, ngược lại, phạm vi điều chỉnh lại gắn liền với chủ thể thực hiện hành vi. Quy định như vậy sẽ gây khó khăn cho việc xác định thẩm quyền đối với vụ việc cạnh tranh vì chủ thể kinh doanh có thể hoạt động cả ở Việt Nam và nước ngoài. Vì không xem xét được ý định của cụm từ “hoạt động tại Việt Nam”là như thế nào nên trong hai trường hợp đầu, nếu xét đúng với những gì Điều 2 Luật Cạnh tranh quy định, sẽ thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật cạnh tranh Việt Nam vì rõ ràng một điều rằng chúng đang hoạt động ở Việt Nam. Như vậy, trong hai trường hợp này, Việt Nam sẽ có thẩm quyền áp dụng ngoài lãnh thổ pháp luật cạnh tranh của mình. Trường hợp thứ ba, ngược lại, do doanh nghiệp không hoạt động ở Việt Nam nên không áp dụng pháp luật cạnh tranh Việt Nam, nhưng, đây lại là đối tượng để áp dụng nguyên tắc ngoài lãnh thổ hay học thuyết ảnh hưởng trong pháp luật cạnh tranh Hoa Kỳ.
Kinh nghiệm từ việc áp dụng nguyên tắc ngoài lãnh thổ trong pháp luật cạnh tranh Hoa Kỳ là cần thiết cho việc hoàn thiện pháp luật cạnh tranh Việt Nam, bởi vì, trong bối cảnh toàn cầu hóa kinh tế diễn ra mạnh mẽ như hiện nay, sự tồn tại những ảnh hưởng của một hành vi hạn chế cạnh tranh ở nước ngoài đến nền kinh tế của một quốc gia là điều tất yếu. Việt Nam cần xác định lại phạm vi điều chỉnh của pháp luật cạnh tranh theo hướng lấy hành vi hạn chế cạnh tranh làm đối tượng điều chỉnh để tạo cơ sở rõ ràng hơn cho việc áp dụng nguyên tắc ngoài lãnh thổ. Nhưng, điều cần thiết phải làm hiện nay là đưa ra giải thích cụ thể cho cụm từ “hoạt động ở Việt Nam” để xác định phạm vi áp dụng thống nhất cho pháp luật cạnh tranh Việt Nam./.

 


[1] Kurt A. Didier, The Expanding Extraterritorial Jurisdiction of the Sherman Antitrust Act: Intent and Effects in the Balance, 6 Loy. L.A. Int'l & Comp. L. Rev. 463 (1983), p. 469.
[2] Xem: Donald J. Curotto, Extraterritorial Application of the Antitrust Laws and Retaliatory Legislation by Foreign Countries, 11 Golden Gate U. L. Rev. (1981), pp. 593-606.
[3] Xem: International Bar Association, Annex Tables Identifying Bases For Jurisdiction, Website:
[4] Điều 1, Sherman Act (1890).
[5] Điều 12, Clayton Act (1914).
[6] Điều 44, Federal Trade Comission Act (1914).
[7] John H. Shenefield, Thoughts on Extraterritorial Application of the United States Antitrust Laws, 52 Fordham L. Rev. 350 (1983), p. 360.
[8] Leon B. Greenfield and David Olsky, From Bananas to Vitamins: The Evolving of Doctrine of Extraterritorial Application of US Antitrust Law, The Licensing Journal, March 2006, p. 7.
[9] Ryan Paul Knott, Master Thesis: Extraterritoriality, The Effects Doctrine And Enforcement Cooperation Through Bilateral Agreements With Regards to Antitrust Law, University of Johannesburg, 2010, p. 29.
 
[10] US v. Aluminum of America, 148 F.2d 416, 444 (2nd Cir. 1945) at 443.
[11] Chú thích 1, p. 470.
[12] Chú thích 9, p. 31.
[13] Chú thích 8, p. 8.
[14] Edward L. Rholl, Inconsistent Application of the Extraterritorial Provisions of the Sherman Act: A Judicial Response Based Upon the Much Maligned "Effects" Test, 73 Marq. L. Rev. 435 (1990), tr 451.
[15] Chú thích 1, p. 471.
[16] Lễ nhượng quốc tế được hiểu là những cử chỉ biểu lộ thái độ thân thiện, lịch thiệp, mến khách, tôn trọng lẫn nhau. Lễ nhượng quốc tế mang tính tự nguyện, không nhất thiết đòi hỏi phía quốc gia được hưởng phải có hành động phúc đáp tương tự. Tuy nhiên, sự có đi có lại thường được hiểu ngầm là đương nhiên phải có. Không tuân thủ lễ nhượng quốc tế có thể bị đánh giá như hành động không thân thiện, nhưng không bị coi là vi phạm cam kết quốc tế và không kéo theo trách nhiệm của quốc gia.
[17] Chú thích 1, p. 472.
[18] Timberlane Co. v. Bank of America, 549 F.2d (9th Cir, 1976) at 615.
[19] Timberlane Co. v. Bank of America, 549 F.2d (9th Cir, 1976) at 614.
[20] Scott A. Burr, The Application of US Antitrust Law to Foreign Conduct: Has Hartford Fire
[21] 549 F.2d (9th Cir, 1976) at 1386.
[22] Mannington Mills, Inc. v. Congoleum Corp., 595 F.2d (3d Cir. 1979) at 1287 .
[23] Chú thích 20, p. 231.
[24] Mannington Mills, Inc. v. Congoleum Corp., 595 F.2d (3d Cir. 1979) at 1297-98.
[25] Chú thích 14, p. 463.
[26] Won-Ki Kim, U.S. Antitrust Law’s Extraterritorial Application and Its Adoption in Korea, Singapore Journal of International & Comparative Law, 2003, p. 392.
[27] International Bar Association, Report of the Task Force on Extraterritorial Jurisdiction, tr 67, Website: http://www.ibanet.org/Document/Default.aspx?DocumentUid=ECF39839-A217-4B3D-8106-DAB716B34F1E, [cập nhật 8-12-2013].
[28] Chú thích 9, pp. 42-43.
 
[29] Xem: F. Hoffman-La Roche v. Empagran, 542 U.S. 155 (2004).
[30] Chú thích 8, p. 10.
[31] Chú thích 9, p. 67.
[32] Chú thích 9, p. 57.
[33]Xem: Điều 1,2, Sherman Act.

(Nguồn tin: Bài viết đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu lập pháp số 22(278), tháng 11/2014)