Chính quyền địa phương ở Việt Nam, Trung Quốc, Thụy Điển, Hoa Kỳ và một số kiến nghị

01/12/2014

PHẠM QUANG HUY

Trưởng Văn phòng luật sư Hàn Sĩ Huy

Từ quy định của Khoản 2 Điều 111 Hiến pháp năm 2013 “Cấp chính quyền địa phương gồm có Hội đồng nhân dân (HĐND) và Ủy ban nhân dân (UBND) được tổ chức phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt do luật định”, bài viết trình bày, phân tích khái niệm và thực tế tổ chức chính quyền địa phương tại Việt Nam, Hoa Kỳ, Thụy Điển và Trung Quốc, đưa ra một số kiến nghị xây dựng chính quyền địa phương ở nước ta. 
Untitled_279.png
Ảnh minh họa: (Nguồn internet)
1. Chính quyền địa phương
1.1. Khái niệm
Theo Từ điển Black's Law Dictionary Free Online Legal Dictionary, chính quyền địa phương (local goverment) là “Chính quyền thành phố, thị xã, quận, hoặc bang. Cơ quan hành chính đối với khu vực địa lý nhỏ. Bầu các quan chức, thu thuế, và làm nhiều việc mà chính phủ quốc gia có thể làm theo thẩm quyền. Chính quyền địa phương thường chỉ kiểm soát khu vực địa lý cụ thể, không thể thực thi pháp luật vượt quá thẩm quyền pháp lý của mình”[1].
Chính quyền địa phương hiện được hiểu là cấp chính quyền dưới cấp trung ương, trực tiếp cung cấp các dịch vụ công cho dân chúng. Hiện nay, tại Việt Nam, chính quyền địa phương gồm có ba cấp (1) chính quyền cấp tỉnh, bao gồm các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; (2) chính quyền cấp huyện và (3) chính quyền cấp xã. Ở Việt Nam, chính quyền địa phương thường được nhìn nhận là hệ thống các cơ quan nhà nước ở địa phương. Cụ thể, quan niệm thường thấy về chính quyền địa phương là:
(a) Chính quyền địa phương là khái niệm dùng chung để chỉ tất cả các cơ quan nhà nước (mang quyền lực nhà nước) đóng trên địa bàn địa phương.
(b) Chính quyền địa phương gồm hai phân hệ cơ quan: cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương - HĐND và cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương - UBND.
(c) Chính quyền địa phương bao gồm 4 phân hệ: cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương (HĐND các cấp), cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương (UBND các cấp), cơ quan tư pháp (Toà án nhân dân các cấp) và cơ quan kiểm sát (Viện kiểm sát nhân dân các cấp)[2].
1.2. Sơ lược về chính quyền địa phương ở Việt Nam
Trong quá trình hình thành và phát triển của chính quyền Việt Nam từ năm 1946 đến nay, chính quyền địa phương nước ta được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật như sau:
i) Theo quy định tại Điều 58 Hiến pháp năm 1946, chính quyền địa phương gồm có bốn cấp: cấp bộ; cấp tỉnh, thành phố; cấp huyện - thị xã - khu phố và cấp xã. Tuy nhiên, trong bốn cấp chính quyền địa phương, chỉ có chính quyền cấp xã, cấp tỉnh và chính quyền cấp thành phố, thị xã được xác định là cấp chính quyền địa phương cơ bản và hoàn chỉnh. Còn cấp bộ và cấp huyện chỉ là cấp trung gian, đại diện cho chính quyền cấp trên trong mối quan hệ với chính quyền cấp dưới[3]. Thời kháng chiến chống Pháp, chính quyền kháng chiến còn được chia thành khu liên khu.
ii) Theo Hiến pháp năm 1959 và Luật Tổ chức HĐND và Ủy ban hành chính (UBHC) các cấp năm 1962, các đơn vị hành chính Việt Nam gồm: thứ nhất, tỉnh, khu tự trị, thành phố trực thuộc trung ương; thứ hai, tỉnh chia thành huyện, thị xã, thành phố; thứ ba, huyện chia thành xã, thị trấn; thành phố trực thuộc trung ương chia thành khu phố. Ở mỗi đơn vị hành chính nói trên đều tổ chức HĐND và UBHC, UBHC cấp nào do HĐND cấp ấy bầu ra.
iii) Theo quy định tại Hiến pháp năm 1980 và Luật tổ chức HĐND và UBND năm 1983, sửa đổi năm 1989, thì chính quyền Việt Nam gồm ba cấp gồm: thứ nhất, tỉnh thành phố trực thuộc trung ương; thứ hai, huyện, thành phố, thị xã thuộc tỉnh; thứ ba, xã, phường, thị trấn. Tất cả các đơn vị hành chính này đều được coi là các đơn vị hành chính cơ bản, đều là cấp chính quyền hoàn chỉnh, có cả HĐND và UBND ở mỗi đơn vị hành chính.
iv) Tổ chức chính quyền địa phương theo Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi năm 2001), Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 1994 và năm 2003, về cơ bản, vẫn có cơ cấu giống với tổ chức chính quyền theo Hiến pháp năm 1980 và Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 1983, sửa đổi năm 1989. Tuy nhiên, Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi năm 2001) không quy định loại đơn vị hành chính tương đương với tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, không xác định đơn vị hành chính cơ bản, tổ chức cấp chính quyền hoàn chỉnh như Hiến pháp năm 1980[4].
2. Chính quyền địa phương Trung Quốc, Thụy Điển và Hoa Kỳ
2.1. Chính quyền địa phương Trung Quốc
 Theo các học giả Mỹ, trong hệ thống chính trị Trung Quốc, lãnh đạo tỉnh là vị trí nhiều quyền lực. Một số người là thành viên Ban Bí thư, là Ủy viên Bộ Chính trị, khiến họ trở thành các quan chức quyền lực nhất Trung Quốc[5]. Bên cạnh đó, các lãnh đạo tỉnh chiếm 2/5 ghế Ủy viên Trung ương Đảng và chia sẻ các vị trí tương tự đối với các Bộ trưởng.  
Trung Quốc chính thức có 34 chính quyền cấp tỉnh, bao gồm 23 tỉnh, 5 khu tự trị - nơi có nhiều cư dân thiểu số (Tây Tạng, Tân Cương, Nội Mông, Ninh Hạ và Quảng Tây) sinh sống; 4 đô thị trực thuộc chính quyền Trung ương (Bắc Kinh, Thượng Hải, Thiên Tân và Trùng Khánh); và 02 Đặc khu Hành chính (Hong Kong và Macau)[6].
Chính quyền địa phương bao gồm các nhân viên và các ngành chức năng. Nhân viên chính quyền địa phương bao gồm hai loại: cán bộ cao cấp hành chính và cấp phó; thủ trưởng các ngành chức năng khác nhau và các nhân viên. Hầu hết các chính quyền của các tỉnh, khu tự trị và thành phố có khoảng 45 tổ chức với 50 cán bộ được lựa chọn cho một nhiệm kỳ năm năm; chính quyền thành phố nói chung gồm có 9-35 cán bộ (nhiều nhất là 45 cán bộ) được lựa chọn cho một nhiệm kỳ năm năm.
Chức năng chính của chính quyền địa phương ở Trung Quốc[7] là quản lý kinh tế khu vực thuộc thẩm quyền của mình, bao gồm: xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của khu vực cũng như kế hoạch trung và dài hạn cho phát triển kinh tế, kế hoạch năm, các biện pháp phát triển nguồn lực, chuyển giao công nghệ, nhập khẩu công nghệ và vốn; giải quyết mâu thuẫn kinh tế quan trọng giữa các ngành và giữa các ngành với các vùng và các trung gian quan hệ kinh tế; tổ chức và phối hợp sản xuất, lưu thông; thực thi pháp luật và các quy định kinh tế; bổ nhiệm, miễn nhiệm cán bộ; cung cấp cơ sở hạ tầng các điều kiện và dịch vụ cơ bản cho phát triển kinh tế.
Sau khi cải cách hệ thống kinh tế trong năm 1978, chính quyền địa phương đã tham gia xây dựng kinh tế và ngày càng đóng vai trò quan trọng trong ngành công nghiệp nông thôn. Ví dụ như đồng bằng Châu Giang, một khu vực kinh tế phát triển ở Trung Quốc đã có một bước nhảy vọt về kinh tế - xã hội lớn. Từ năm 1980 đến năm 1993, các doanh nghiệp nông thôn ở vùng này đã tăng từ 30.850 đến 403.898 và năm 1993, giá trị sản lượng công nghiệp của các ngành công nghiệp nông thôn chiếm 39,49 % tổng giá trị công nghiệp. Năm 1980, thời kỳ đầu cất cánh nền kinh tế đồng bằng Châu Giang, chính quyền địa phương và các doanh nghiệp được kết hợp thành một. Thí dụ như chính quyền địa phương trực tiếp can thiệp vào nền kinh tế và đóng một vai trò hàng đầu bằng cách cung cấp một loạt các điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, bao gồm việc chuyển giao các chức năng của chính phủ để giúp sự phát triển của các ngành công nghiệp nông thôn, xác định các dự án cho các doanh nghiệp, giải quyết vấn đề thiếu nhân sự đặc biệt cho các doanh nghiệp, cung cấp bảo lãnh tín dụng cho việc quản lý của doanh nghiệp mắc nợ, cải thiện cơ sở hạ tầng, mở cửa thị trường ở nước ngoài, thành lập các nhóm doanh nghiệp và phát triển nền kinh tế quy mô. Ngoài việc quản lý nền kinh tế, chính quyền địa phương có các chức năng như: văn hóa và giáo dục; phát triển và xây dựng nông thôn, thành thị; tài chính và thuế; an sinh xã hội và trật tự công cộng; các vấn đề sức khỏe y tế và các chức năng khác.
Nền kinh tế kế hoạch Trung Quốc đang thay đổi, hướng tới một nền kinh tế định hướng thị trường, đồng thời việc cải cách hệ thống chính trị sẽ thay đổi tổ chức chính phủ theo hướng tạo thuận lợi cho sự phát triển của một nền kinh tế thị trường XHCN. Các chức năng của chính quyền địa phương sẽ chuyển từ việc can thiệp sang hướng bồi dưỡng thị trường và đảm bảo hoạt động bình thường của thị trường. Mô hình sự kết hợp của chính quyền địa phương và các doanh nghiệp ở khu vực đồng bằng Châu Giang là một ví dụ. Tuy nhiên, về lâu dài, mô hình kết hợp chính quyền địa phương với các doanh nghiệp là không phù hợp với kinh tế thị trường, vì nó sẽ dẫn đến sự suy yếu các chức năng của chính quyền địa phương và có thể gây ra sự can thiệp mù quáng của chính quyền địa phương đối với các doanh nghiệp nông thôn. Rõ ràng, chính quyền địa phương và các doanh nghiệp phải tách rời nhau. Có nghĩa là, chính quyền địa phương phải giải thoát từ các hoạt động kinh tế vi mô và thay đổi để điều tiết vĩ mô và phát triển xã hội[8].
2.2. Kinh nghiệm Thụy Điển
Lược sử chính quyền địa phương ở Thụy Điển
Thụy Điển - “ví dụ tiêu biểu về “con đường thứ ba” giữa chủ nghĩa tư bản bất công và cá nhân hóa ở Tây Âu và chủ nghĩa xã hội yếu kém thiếu hiệu quả ở Đông Âu”[9] - đã có những cải cách chính quyền địa phương đáng kinh ngạc, vào các thời điểm 1862 và 1991.
Ngay các thế kỷ đầu sau Công nguyên, các tộc trưởng đã thường họp các hội đồng (ting) để giải quyết những bất đồng nội bộ và phán xử công lý[10]. Tại Thụy Điển, “ở cả nông thôn và thành thị, đã có một hệ thống khá phát triển của chính quyền địa phương tự quản trong thời kỳ Trung cổ”[11]. Cho đến giữa thế kỷ XIV, bộ luật của nhà vua Magnus Erikssons - một hiến pháp ra đời sớm - đảm bảo cho giới tiểu địa chủ Thụy Điển có quyền tự do về cá nhân và tài chính và có quyền được gây ảnh hưởng đối với các vấn đề quốc gia. Tuy nhiên, về lâu dài, các đơn vị tự trị địa phương tại Thụy Điển không đủ khả năng bảo vệ quyền tự quyết của họ trước quyền lực ngày càng lớn của nhà vua và giới quý tộc. Trong nửa đầu thế kỷ XVII, ảnh hưởng của địa phương đã giảm sút[12]. Đến năm 1680, sau khi Vua Karl (Charles) XI tiến hành một cuộc cải cách điền địa, trong đó các lãnh địa lớn của các quý tộc bị phân chia thì vị trí của các tiểu địa chủ lại mạnh hơn. Cuộc cải cách này đã có tầm quan trọng lớn lao đối với quá trình tiến hóa liên tục của quyền tự trị địa phương ở Thụy Điển.
Trong thế kỷ XVIII, quyền tự trị địa phương được mở rộng đến các công việc của giáo hội Thụy Điển. Dân cư ở các giáo khu (socken) giành được quyền tự ra quyết định về việc xây dựng nhà thờ và các vấn đề tài chính. Tương tự, chính quyền cấp thành phố (stad) cũng được quyền tự trị lớn hơn. Ở nông thôn, chính quyền tự trị địa phương đã có hình thù rõ ràng do các sắc lệnh được ban hành vào năm 1807 và năm 1843, còn chính quyền ở thành phố và thị xã vẫn chưa có quy định[13].
Thời điểm 1862 là mốc quan trọng trong các cải cách chính quyền địa phương ở Thụy Điển. Xuất phát từ các cuộc vận động đòi cải cách Quốc hội (Riksdag) gồm bốn tầng lớp (tăng lữ, quý tộc, thị dân và tiểu địa chủ) thành Quốc hội lưỡng viện từ năm 1865, chính quyền địa phương được tách biệt rõ các vấn đề tôn giáo và thế tục. Từ 1862, theo sau Đạo luật về chính quyền địa phương, công việc tôn giáo do các giáo xứ của giáo hội quốc gia xử lý còn các công việc thế tục thuộc trách nhiệm của các thành phố và các đơn vị huyện và nông thôn (có ranh giới tương tự với các giáo xứ nông thôn). Đồng thời, cũng từ năm 1862, Thụy Điển đã lập ra các Hội đồng tỉnh do nhân dân bầu (landsting) có quyền hạn khá rộng rãi ở cấp địa phương[14]. Bên cạnh đó, Hội đồng tỉnh đã chọn ra những nghị sĩ đại diện cho địa phương của mình trong Viện thứ nhất của Quốc hội được bầu một cách gián tiếp và các hội đồng huyện đã đảm nhiệm chức năng “cử tri đoàn” cho đến năm 1970 khi Quốc hội “nhất viện” của Thụy Điển được lập ra.
Trong giai đoạn kể từ cải cách chính quyền địa phương năm 1991 cho đến nay, xuất phát từ các đạo luật Hiến pháp[15], chính quyền địa phương Thụy Điển đã có sự biến chuyển tích cực, có tính linh hoạt, hiệu quả cao.
Năm 1991, Thụy Điển ban hành Đạo luật về chính quyền địa phương (có hiệu lực kể từ ngày 01/01/1992). Đạo luật này đã tạo ra các cải cách lớn trong cơ cấu và trong các cơ chế vận hành của Hội đồng thành phố, thị xã và huyện. Hoạt động của chính quyền địa phương theo Đạo luật năm 1991 chịu ảnh hưởng từ di sản của Đạo luật năm 1986, đặc biệt ở việc phân chia cho cấp chính quyền địa phương chức năng ra quyết định, chức năng hành chính và chức năng hành pháp. Điều này phản ánh ảnh hưởng từ các học thuyết khai sáng về phân chia quyền lực của Montesquieu và một số người khác[16]. Lấy ví dụ, sự phân lập cơ bản về nhiệm vụ giữa một Hội đồng huyện (Kommunfullmaktige) hay một Hội đồng tỉnh (Landstingfullmaktige) được bầu trực tiếp và là những cơ quan quyết định cao nhất của chính quyền địa phương với ủy ban hành pháp, tức “nội các” của Hội đồng.  
Đặc trưng pháp lý của chính quyền địa phương Thụy Điển 
Theo pháp luật Thụy Điển, các đơn vị cơ sở và Hội đồng quận là những pháp nhân mà việc thành lập hay giải thể do Đạo luật về Ranh giới chính quyền địa phương quy định[17]. Chính quyền địa phương thường gắn liền với một lãnh thổ được phân định cụ thể, vì đó là một trong những nhân tố tác động đến quyền hạn của chính quyền địa phương. Các huyện ở Thụy Điển có quyền độc lập về đánh thuế và do đó, không thể bị tuyên bố phá sản được. “Điểm khác biệt chủ yếu giữa chính quyền địa phương và chính quyền nhà nước là ở chỗ, về nguyên tắc, việc vận hành chính quyền địa phương là do dân thường kiểm soát thông qua các đại biểu dân cử. Nhiệm vụ của chính khách trong hội đồng huyện hay tỉnh là thay mặt các thành viên trong địa phận của mình trong chính quyền địa phương ở mọi cấp độ, bao gồm cả các chức năng hành chính và hành pháp”[18].
Hiện nay, tại Thụy Điển, có ba mô hình chủ yếu để tổ chức việc tham gia của các đại biểu dân cử vào chính quyền địa phương, gồm có: (1) mô hình lĩnh vực; (2) mô hình lãnh thổ và (3) mô hình chức năng. Trong đó, mô hình lĩnh vực là mô hình truyền thống, nghĩa là các đại biểu dân cử được tập hợp thành các ủy ban, mỗi ủy ban chịu trách nhiệm về một lĩnh vực hoạt động. Mô hình lãnh thổ được Thụy Điển áp dụng vào những năm 1980. Theo mô hình này, các hoạt động được tập hợp vào các ủy ban và cơ quan hành chính, mỗi ủy ban hoặc cơ quan hành chính chịu trách nhiệm về một địa phận nhất định. Mô hình phổ biến gần đây là việc cơ cấu tất cả hoạt động thành một cơ quan chức năng. Ví dụ, chức năng mua do một ủy ban mua đặc biệt thuộc phạm vi trách nhiệm của các chính khách phụ trách. Tiếp đó, ủy ban này sẽ đặt hàng cho các cơ quan quản lý hành chính của huyện mình và với các nhà thầu bên ngoài[19].
Quyền ra quyết định trong một chính quyền địa phương được thực hiện thông qua các đại diện được bầu trực tiếp thuộc các hội đồng huyện hay tỉnh. Các đại diện hội đồng huyện hay tỉnh này được bầu cùng với cuộc bầu cử quốc hội và có nhiệm kỳ bốn năm.  Hội đồng ra các quyết định về các vấn đề nguyên tắc hay có tầm quan trọng to lớn đối với chính quyền địa phương. Trong cơ cấu chính quyền địa phương Thụy Điển, không có vị trí thị trưởng (mayor) hoặc tương đương[20].
Sáng kiến quần chúng
Từ ngày 01/6/1994, quy định về “sáng kiến quần chúng” được đưa vào đạo luật về chính quyền địa phương, theo đó một nhóm gồm ít nhất 5% những người có quyền bầu cử ở lãnh thổ huyện hay tỉnh có thể đưa vào chương trình nghị sự của hội đồng một đề nghị tổ chức trưng cầu dân ý về một vấn đề cụ thể nằm trong phạm vi quyền ra quyết định của hội đồng. Sáng kiến này phải được viết thành văn bản, phải nêu cụ thể chủ đề trưng cầu dân ý và phải có chữ ký của những người đề xuất. Sau đó, hội đồng sẽ quyết định theo cách thông thường xem liệu có nên tổ chức trưng cầu dân ý hay không. Cách thức thực hiện “sáng kiến quần chúng” kể trên ở Thụy Điển khá giống với “sáng kiến thùng phiếu” ở Hoa Kỳ được nêu dưới đây.
2.3. Chính quyền địa phương Hoa Kỳ
Tại Hoa Kỳ, khái niệm Chính phủ (government) không chỉ bao gồm Chính phủ Liên bang tại thủ đô Washington, D.C mà còn gồm cả các Chính phủ của 50 bang và 30.000 chính quyền thành phố và các cộng đồng địa phương khác (chưa kể đến chính quyền của 3.043 hạt và gần 50.000 trường học và các quận đặc biệt khác), tổng cộng gần 87.000 chính quyền[21].  
Các thay đổi về lập pháp địa phương
Căn cứ quy định Hiến pháp Liên bang, “Hoa Kỳ sẽ đảm bảo cho mỗi bang trong Liên bang này một thể chể chính quyền Cộng hòa”[22] (Khoản 4 Điều 4), các bang có quyền tự do lập hiến. Trong những năm gần đây, các bang đã sử dụng quyền này để đổi mới các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp của mình. Nếu như trong nửa đầu thế kỷ 20, cơ quan lập pháp các bang thường họp mỗi năm một lần vào một số ngày lập pháp hạn định và các nhà lập pháp chỉ được trả lương khiêm tốn và không có trợ lý giúp việc, thì từ những năm 1960, nhiều bang đã tổ chức những phiên họp thường niên, tăng lương cho các nhà lập pháp, bổ nhiệm trợ lý chuyên trách, xây dựng trình tự pháp lý có hệ thống hơn. Hai thay đổi lớn về lập pháp bang là: thứ nhất, nhiều bang đã làm theo “sáng kiến lá phiếu”, theo đó, bằng cách thu thập chữ ký vào một lá đơn kiến nghị, các cử tri có thể trực tiếp nêu vấn đề trong một phiếu kín để được dân chúng bỏ phiếu quyết định ở cuộc bầu cử năm sau. Ít nhất 21 bang có hệ thống lập pháp trực tiếp và nhiều đạo luật quan trọng đã được ban hành theo cách này. Thứ hai, 17 bang có “giới hạn nhiệm kỳ”, theo đó, số năm một người được làm việc trong ngành lập pháp được giới hạn rất chặt chẽ, thường tối đa là tám năm. Chú ý là, 16/17 hệ thống giới hạn nhiệm kỳ đã được thông qua bằng thủ tục “sáng kiến lá phiếu”[23].
Các cải cách chính quyền địa phương
Trong quá trình tự cải cách để phù hợp với tình hình mới, đặc biệt là giai đoạn thập niên 1990, chính quyền địa phương ở Hoa Kỳ đã tự chuyển mình một cách hữu hiệu sang mô hình chính quyền với tinh thần doanh nghiệp. Một ví dụ cực kỳ điển hình của mô hình này là ngân sách của chính quyền địa phương được linh hoạt chuyển từ năm trước (nếu còn dư) sang năm sau, thay vì việc bị cắt giảm do không chi hết ngân sách kỳ trước. Quy định này được gọi là “ngân sách kiểm soát chi”[24]. Chính vì sự linh hoạt của ngân sách như cách làm của một doanh nghiệp, chính quyền địa phương Hoa Kỳ đã hoạt động rất hiệu quả.
Trong thế kỷ 19 và những năm đầu thế kỷ 20, chính quyền bang và chính quyền địa phương lấy thuế bất động sản là nguồn thu nhập chính. Khi nhu cầu của người dân đối với các dịch vụ công tăng lên, hầu hết các bang đã áp dụng các loại thuế doanh thu và thuế thu nhập. Cho đến những năm 1990, các khoản thuế doanh thu và thuế thu nhập chiếm hơn 70% thu nhập hàng năm của bang từ thuế. Trên danh nghĩa cuộc “Sáng tạo lại chính quyền” (Reinventing goverment)[25], nhiều dịch vụ địa phương đã được tư hữu hóa, những thỏa thuận lao động mới được thương thảo và phí dịch vụ chính phủ được tăng phù hợp với chi phí thực tế bỏ ra[26].
Học giả David Held đã trình bày một mô hình nhà nước “dân chủ tự trị” (democracy autonomy)[27] như một mô hình của nhà nước tương lai. Theo David Held, “Các cơ quan hành chính địa phương và trung ương được tổ chức sao cho có thể bao gồm sự tham gia trực tiếp (DP) với yêu cầu kết hợp những đòi hỏi của “người thụ hưởng tại địa phương”[28] trên cơ sở nguyên tắc “các cá nhân được hưởng những quyền như nhau, và tương ứng với đó, là có nghĩa vụ như nhau trong việc định hình khuôn khổ chính trị - nguồn phát sinh và giới hạn các cơ hội dành cho họ; tức là họ phải được tự do và bình đẳng trong quá trình thảo luận về những điều kiện sống của họ và trong việc xác định những điều kiện đó, với điều kiện họ không phải sử dụng khuôn khổ đó nhằm phủ nhận quyền của người khác”[29]. Theo tác giả này, chính quyền địa phương cần có một sự tự trị mềm dẻo, nhưng cần hơn cả là sự tham gia trực tiếp của người dân trong quá trình ra quyết định của cộng đồng địa phương.
Công cuộc hiện đại hóa chính quyền, chính trị, tài chính đã trở thành đặc trưng cho chính quyền bang và chính quyền địa phương của Mỹ, đồng thời tạo ra những đổi thay không những trong hình thức cung cấp dịch vụ công mà còn trong chính hình thức hoạt động của chính quyền đó. Chính quyền địa phương đã đại diện tốt hơn cho cộng đồng mà mình phục vụ, minh bạch hơn trong thực hiện trách nhiệm với cử tri và dễ tiếp cận hơn với công dân[30].
Từ sự cải cách hiệu quả chính quyền địa phương những năm 1990, người Mỹ đã tiếp cận và thực hiện hiệu quả chính quyền điện tử trong thời gian từ những năm 2000 cho đến nay. Lấy ví dụ, vào những năm 2000, trong số 84% cổng web điện tử của các bang Hoa Kỳ, các dịch vụ công được tổ chức dựa trên những nhu cầu nảy sinh thường xuyên nhất trong cuộc sống hàng ngày của người Mỹ. Cổng điện tử của Khối thịnh vượng chung bang Virginia cung cấp trang “Tìm kiếm nhanh” (Find it Fast) liên kết tới hơn 35 dịch vụ công được người dân tiếp cận nhiều nhất. Từ trang này, bất cứ ai cũng có thể liên kết trực tiếp với các dịch vụ cấp phép kinh doanh, đặt chỗ công viên và khu cắm trại của Nhà nước, chứng thực khai sinh... mà không cần biết tổ chức chính quyền nào giải quyết những yêu cầu đó[31].
3. Một số kiến nghị
3.1. Pháp nhân chính quyền địa phương
“Nhà nước có vai trò to lớn trong việc quyết định liệu có theo đuổi các thỏa thuận về thể chế mà nhờ đó các thị trường có thể phát triển mạnh hay không. Nhà nước không chỉ là trọng tài của những quy tắc; mà thông qua hoạt động của mình, nhà nước tạo ra môi trường kinh doanh và những hoạt động khác của nền kinh tế”[32], vì vậy, Nhà nước có vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống xã hội. Đối với dân chúng nói chung, bộ mặt của Nhà nước chính là các chính quyền địa phương các cấp. Người dân hàng ngày yêu cầu các dịch vụ công ở cấp chính quyền địa phương gần họ nhất.
Chính quyền địa phương phục vụ như một pháp nhân công quyền sẽ tăng cao tính chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương. Điều này đòi hỏi phải thiết lập mô hình chính quyền địa phương linh hoạt tùy thuộc vào tình hình kinh tế, chính trị và văn hóa - xã hội của từng địa phương. Một số ban, ngành không cần thiết cần phải được loại bỏ, nhằm tinh giản biên chế của chính quyền địa phương, giảm bớt gánh nặng chi phí.
3.2. Chính quyền địa phương hoạt động trên tinh thần doanh nghiệp
Chúng tôi kiến nghị, cần thay đổi quy định về ngân sách của chính quyền địa phương theo hướng để chính quyền hoạt động như một doanh nghiệp. Theo đó, ngân sách của năm nay nếu còn sẽ được chuyển vào năm tài khóa tiếp sau, tránh tình trạng cố chi bằng được để không bị chính quyền cấp trên giảm ngân sách năm kế tiếp. Đồng thời, người đứng đầu chính quyền địa phương là đại diện pháp nhân công quyền và là chủ tài khoản, chịu trách nhiệm thu, chi trong ngân sách của mình theo luật định.
Nên nhớ rằng, xét trên bình diện lịch sử, một số dịch vụ công như giáo dục và y tế đã được khu vực tư nhân cung cấp trước khi Nhà nước giữ một vai trò quan trọng đối với các dịch vụ công này vào thế kỷ XX[33].
3.3. Thí điểm áp dụng “sáng kiến quần chúng” ở chính quyền cấp xã
Như đã nêu, hiện nay tại Thụy Điển và Hoa Kỳ, cử tri được phép trực tiếp tham gia ý kiến với cấp chính quyền địa phương nơi mình cư trú thông qua một thủ tục luật định hoặc có tiền lệ. Theo chúng tôi, trong quá trình xây dựng chính quyền địa phương ở nước ta, nên áp dụng thí điểm việc người dân được quyền thu thập ý kiến của cử tri tại cộng đồng địa phương, theo một tỷ lệ xác định, được tham gia trực tiếp vào chương trình nghị sự của Hội đồng nhân dân/Ủy ban nhân dân cấp xã và/hoặc tham gia vào quá trình ra quyết định của chính quyền cấp xã./.

 


[1] Black's Law Dictionary Free Online Legal Dictionary 2nd Ed Law Dictionary: http://thelawdictionary.org/local-government/#ixzz2pETYYUwE, truy cập lúc 16h45 ngày 02/01/2014.
[2] Tổng cục Thống kê (2006), Việt Nam 20 năm đổi mới và phát triển 1986-2005, Nxb. Thống kê, H., tr.105.
[3] Nguyễn Như Phát (chủ biên) (2012), Một số vấn đề lý luận và thực tiễn cơ bản về sửa đổi Hiến pháp Việt Nam hiện nay, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, tr.203.
[4] Nguyễn Như Phát (chủ biên) (2012), tr.216.
[5] Susan V. Lawrence, Michael F. Martin (2012), Understanding China’s Political System, Congressional Research Service, R41007, pg 4.
[6] Susan V. Lawrence, Michael F. Martin (2012), Ibid, pg5.
[7] Local Government in Asia and the Pacific: A Comparative Study, United Nations Economic and Social Commission for Asia and the Pacific web, see http://www.unescap.org/huset/lgstudy/country/china/china.html on 9:3010/01/2014.
[8] Local Government in Asia and the Pacific: A Comparative Study, United Nations Economic and Social Commission for Asia and the Pacific web, see http://www.unescap.org/huset/lgstudy/country/china/china.html on 9:3010/01/2014.
[9] Sven Steinmo (2010), Quá trình phát triển của Nhà nước hiện đại: Thụy Điển, Nhật Bản và Mỹ, NXB Đại học Cambridge (bản dịch của Chương trình Thạc sĩ Quản lý công của Đại học Upsalla và Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội), tr.92.
[10] Soren Haggroth, Kai KronVall, Curt Riberdahl và Karin Rudebeck (1997), Chính quyền địa phương Thụy Điển - Truyền thống và cải cách, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
[11] Soren Haggroth, Kai KronVall, Curt Riberdahl và Karin Rudebeck (1997), Sđd, tr.11.
[12] Soren Haggroth, Kai KronVall, Curt Riberdahl và Karin Rudebeck (1997) , Sđd, tr.12.
[13] Soren Haggroth, Kai KronVall, Curt Riberdahl và Karin Rudebeck (1997) , Sđd, tr.12.
[14] Soren Haggroth, Kai KronVall, Curt Riberdahl và Karin Rudebeck (1997) , Sđd, tr.13.
[15] Michael Bogdan (Editor) (2000), Swedish law in New Millennium, Norstedts Juridik, Stockhlom, Sweden, pg 113.
[16] Soren Haggroth, Kai KronVall, Curt Riberdahl và Karin Rudebeck (1997) , Sđd, tr.9 và tr.14.
[17] Soren Haggroth, Kai KronVall, Curt Riberdahl và Karin Rudebeck (1997) , Sđd, tr.52.
[18] Soren Haggroth, Kai KronVall, Curt Riberdahl và Karin Rudebeck (1997) , Sđd, tr.53.
[19] Soren Haggroth, Kai KronVall, Curt Riberdahl và Karin Rudebeck (1997) , Sđd, tr.95 và 96.
[20] Soren Haggroth, Kai KronVall, Curt Riberdahl và Karin Rudebeck (1997) , Sđd, tr.71 và tr.65.
[21] Ellis Katz, Response to change by State and Local Government –Contemporary in the Laboratories of Democracy, from State and Local Government: Adapting to Change, An Electronic Journal of the U.S Department of State, Volume 8, Number 2, October 2003, pg 11.
[22] The Constitution of the United States of America with Explanatory Notes (2004), adapted from The World Book Encyclopedia, International Information Program, Department of State of the U.S, pg73.
[23] Ellis Katz, Ibid, pg 13.
[24] Ted Gaebler, David Osborne (1997), Đổi mới hoạt động của chính phủ - tinh thần doanh nghiệp đang làm thay đổi khu vực công công cộng như thế nào, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr25.
[25]Để hiểu kỹ cuộc cải cách chính quyền này ở Hoa Kỳ, có thể xem thêm “Reinventing Government: How the Entrepreneurial Spirit is Transforming the Public Sector” của Ted Gaebler, David Osborne xuất bản tại Mỹ năm 1993. Ở Việt Nam, có hai bản dịch sách này: Đổi mới hoạt động của chính phủ - tinh thần doanh nghiệp đang làm thay đổi khu vực công công cộng như thế nào của Nxb Chính trị Quốc gia xuất bản năm 1997 và Sáng tạo lại chính phủ do Viện Quản lý Kinh tế trung ương xuất bản năm 1995 tại Hà Nội. Bản của Nxb Chính trị Quốc gia đầy đủ hơn.
[26] Ellis Katz, Ibid, pg 19.
[27] David Held, Phạm Nguyên Trường dịch (2013), Các mô hình quản lý nhà nước hiện đại, Nxb Tri thức, Hà Nội, tr.437.
[28] David Held, sđd, tr.473.
[29] David Held, S đd, tr.473.
[30] Ellis Katz, Ibid, pg 23.
[31] Sharon Crouch Steidel, Using E-Government, Effects of the Digital Revolution, from State and Local Government: Adapting to Change,  An Electronic Journal of the U.S Department of State, Volume 8, Number 2, October 2003, pg 29.
[32] Ngân hàng Thế giới (1998), Nhà nước trong một thế giới đang chuyển đổi: Báo cáo về tình hình phát triển thế giới 1997, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr.46.
[33] Ngân hàng Thế giới (1998), Sđd, tr.75.

(Nguồn tin: Bài viết đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu lập pháp số 24(280), tháng 12/2014)