Nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế trong chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù

01/01/2015

ThS. PHẠM THỊ QUỲNH ANH

Vụ Pháp chế, Bộ Công an

1. Bản chất và căn cứ pháp lý trong chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù
Dưới góc độ pháp lý, có thể hiểu chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù là việc một quốc gia thực hiện chuyển giao người nước ngoài phạm tội đã bị tòa án của quốc gia đó kết án phạt tù và bản án đã có hiệu lực pháp luật về quốc gia mà người bị kết án là công dân hoặc nước khác đồng ý tiếp nhận, trên cơ sở tự nguyện của người đó, để tiếp tục thi hành bản án theo điều ước quốc tế hoặc theo nguyên tắc “có đi có lại”.
Về bản chất, chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù mang tính nhân đạo, xuất phát từ lợi ích của người bị kết án, giúp họ khắc phục những khó khăn trong việc thi hành hình phạt tù (như bất đồng về ngôn ngữ, xa lạ về tập quán địa phương...) và tái hoà nhập cộng đồng xã hội. Trong các quy định của điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết, tham gia về chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù cũng như quy định của Luật Tương trợ tư pháp (TTTP) năm 2007, điều kiện bắt buộc là được chính người bị kết án hoặc người đại diện hợp pháp của họ đồng ý một cách tự nguyện và công khai.
Về cơ sở pháp lý, chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù được thực hiện theo điều ước quốc tế (đa phương hoặc song phương) khi có yêu cầu của người đang chấp hành hình phạt tù hoặc yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền của nước chuyển giao hoặc nước tiếp nhận; trường hợp chưa có điều ước quốc tế về chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù thì việc chuyển giao được thực hiện trên cơ sở nguyên tắc “có đi có lại”, do sự thoả thuận giữa các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam và nước ngoài, phù hợp với pháp luật quốc gia, pháp luật và tập quán quốc tế.
Về hậu quả pháp lý, thời hạn chấp hành hình phạt mà người bị kết án phải tiếp tục thi hành là phần hình phạt chưa được thực hiện tại quốc gia chuyển giao (nơi tòa án có thẩm quyền đã tuyên bản án). Đối với trường hợp chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù tại Việt Nam cho nước ngoài, Tòa án có thẩm quyền của quốc gia tiếp nhận người bị chuyển giao sẽ xem xét và quyết định hình thức, thời hạn còn phải thi hành án. Trong trường hợp có sự xung đột pháp luật giữa quốc gia kết án và quốc gia nhận người bị kết án thì Tòa án của quốc gia tiếp nhận sẽ thực hiện thủ tục chuyển đổi hình phạt đã được tuyên thành hình phạt phù hợp với pháp luật của quốc gia tiếp nhận với điều kiện hình phạt được chuyển đổi sẽ không được nặng hơn hoặc có thời gian dài hơn hình phạt đã được tuyên bởi Tòa án của nước chuyển giao. 
Về nguyên tắc chuyển giao, Điều 4 Luật TTTP năm 2007 quy định nguyên tắc   TTTP nói chung về chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù, “TTTP được thực hiện trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng và các bên cùng có lợi, phù hợp với Hiến pháp, pháp luật của Việt Nam và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên”. Trường hợp giữa Việt Nam và nước ngoài chưa có điều ước quốc tế về TTTP thì hoạt động TTTP được thực hiện trên nguyên tắc “có đi có lại” nhưng không trái pháp luật Việt Nam, phù hợp với pháp luật và tập quán quốc tế.
Về căn cứ chuyển giao,việc chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù được thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 49 và được quy định cụ thể tại Điều 50 Luật TTTP năm 2007 và Điều 6 Thông tư liên tịch số 01/2013/TTLT-BCA-BTP-BNG-VKSNDTC-TANDTC ngày 22/2/2013 của Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn việc tiếp nhận, chuyển giao, tiếp tục thi hành án đối với người đang chấp hành hình phạt tù, cụ thể là:
- Điều kiện tiếp nhận người đang chấp hành hình phạt tù[1]: Là công dân Việt Nam, có nghĩa là người đó phải có quốc tịch Việt Nam theo quy định của Luật Quốc tịch Việt Nam; người đó có nơi thường trú cuối cùng ở Việt Nam trước khi bị kết án và thi hành án phạt tù ở nước ngoài. Yếu tố này thường được xem xét cùng với vấn đề quốc tịch của người đó; hành vi phạm tội mà người đó bị kết án ở nước ngoài cũng cấu thành tội phạm theo quy định của pháp luật Việt Nam. Điều kiện này nhằm tạo cơ sở cho việc xem xét chuyển đổi hình phạt để có thể tiếp tục chấp hành bản án tại Việt Nam; vào thời điểm nhận được yêu cầu chuyển giao, thời hạn chưa chấp hành hình phạt tù phải còn ít nhất là một năm; trường hợp đặc biệt, thời hạn này còn ít nhất là sáu tháng. Việc quy định thời hạn nhằm bảo đảm thời gian tiếp tục chấp hành án phạt tù tại Việt Nam vẫn có ý nghĩa giáo dục, cải tạo người đó, tạo điều kiện cho họ tái hoà nhập cộng đồng. Quy định này cũng phù hợp với các điều ước quốc tế và thông lệ quốc tế; bản án đối với người được chuyển giao đã có hiệu lực pháp luật và không còn thủ tục tố tụng nào đối với người đó tại nước chuyển giao; có sự đồng ý của nước chuyển giao: mặc dù ý nghĩa của việc chuyển giao người bị kết án xuất phát từ mục đích nhân đạo nhưng sự đồng ý của nước chuyển giao vẫn mang tính chất quyết định vì đây là nơi người đó đang chấp hành án phạt tù; có sự đồng ý của người được chuyển giao; Tòa án có thẩm quyền của Việt Nam có quyết định đồng ý tiếp nhận đã có hiệu lực pháp luật.
- Điều kiện chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù[2]: Người đó phải là công dân của nước tiếp nhận hoặc là người được phép cư trú không thời hạn hoặc có người thân thích tại nước tiếp nhận chuyển giao; có đủ các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 50 Luật TTTP năm 2007 thuộc trường hợp thứ nhất đã nêu ở trên và đã thực hiện xong phần trách nhiệm dân sự, hình phạt bổ sung là phạt tiền, tịch thu tài sản và các trách nhiệm pháp lý khác trong bản án; có sự đồng ý của nước tiếp nhận chuyển giao.
Theo quy định tại Điều 50 Luật TTTP năm 2007, khi xem xét chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù tại Việt Namhoặc tiếp nhận người đang chấp hành hình phạt tù ở nước ngoài về Việt Nam, cần phải xem xét toàn diện các điều kiện liên quan đến hai quốc gia cũng như người đang chấp hành hình phạt tù để quyết định. Tuy nhiên, khi có đủ các điều kiện này thì vẫn có một số ngoại lệ dẫn đến việc từ chối chuyển giao theo quy định tại Điều 51 Luật TTTP năm 2007, như: khi có căn cứ cho rằng người được chuyển giao có thể bị tra tấn, trả thù hoặc truy bức tại nước tiếp nhận chuyển giao; việc chuyển giao có thể phương hại đến chủ quyền, an ninh quốc gia của Việt Nam.
Đối với hồ sơ chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù,khi có yêu cầu chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù, cơ quan có thẩm quyền của nước đề nghị chuyển giao sẽ phải chuẩn bị bộ hồ sơ để gửi cho cơ quan có thẩm quyền của nước được đề nghị (trong hồ sơ cũng phải thể hiện nguyện vọng của người được chuyển giao). Hồ sơ yêu cầu chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù được lập thành ba bộ, phù hợp với pháp luật của nước được yêu cầu[3].
Theo Điều 65 Luật TTTP năm 2007, Bộ Công an là cơ quan đầu mối của Việt Nam tiếp nhận yêu cầu chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù và cũng là cơ quan thi hành quyết định chuyển giao[4]. Trong trường hợp Việt Nam đề nghị phía nước ngoài chuyển giao thì Bộ Công an cũng là cơ quan chuẩn bị hồ sơ yêu cầu chuyển cho cơ quan chức năng của nước ngoài.
2. Kết quả tham gia đàm phán, ký, gia nhập nhiều điều ước quốc tế về chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù của Việt Nam
Việt Nam đã ký kết Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng năm 2003 (có hiệu lực với Việt Nam từ ngày 18/9/2009) và Công ước của Liên hợp quốc về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia năm 2000 (có hiệu lực đối với Việt Nam năm 2011). Đây là hai công ước có quy định về chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù.
Trước năm 2000, vấn đề chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù mới chỉ được quy định trong hai hiệp định TTTP mà Việt Nam ký kết với nước ngoài: với Hung-ga-ri (năm 1985) và Ba Lan (năm 1993). Từ sau năm 2000, Nhà nước ta đã ký kết các hiệp định song phương về chuyển giao người bị kết án phạt tù với Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len (có hiệu lực từ ngày 21/9/2010), Ôt-xtrây-li-a (có hiệu lực từ ngày 12/11/2009), Đại Hàn Dân Quốc (có hiệu lực ngày 30/8/2010), Vương quốc Thái Lan (có hiệu lực ngày 19/7/2010), Tây Ban Nha, Cộng hoà Séc, Ấn Độ, Liên bang Nga, Căm-pu-chia, Hung-ga-ri, In-đô-nê-xi-a, Sri-lan-ka[5]. Một số quốc gia như: Lào, Đức, Ma-lai-xi-a, Ca-dắc-xtan, U-crai-na, I-xra-en… đang đề nghị Việt Nam đàm phán, ký kết hiệp định chuyển giao người bị kết án phạt tù. Hiện nay, Bộ Công an đang tiến hành các thủ tục cần thiết để chuẩn bị đàm phán.
Thực hiện các hiệp định đã được phê chuẩn, Việt Nam đã chuyển giao được một số trường hợp là công dân nước ngoài đang chấp hành hình phạt tù ở Việt Nam cho nước ngoài và công dân Việt Nam bị kết án và đang chấp hành hình phạt tù ở nước ngoài về Việt Nam. Tính đến nay, Việt Nam đã chuyển giao cho phía nước ngoài 05 phạm nhân về nước mà họ mang quốc tịch để tiếp tục thi hành phần hình phạt còn lại và đang xem xét chuyển giao khoảng 30 trường hợp khác. Việt Nam đã tiếp nhận 03 và đang xem xét tiếp nhận 06 công dân Việt Nam đang chấp hành hình phạt tù ở nước ngoài về Việt Nam để tiếp tục thi hành án.
3. Một số bất cập trong việc chuyển giao người bị kết án phạt tù
Mặc dù Nhà nước, Chính phủ, cơ quan tư pháp trung ương của Việt Nam đã đàm phán, tham gia, ký kết nhiều điều ước quốc tế đa phương, song phương cũng như đã ban hành một số văn bản pháp luật trong nước điều chỉnh hợp tác quốc tế về chuyển giao người bị kết án phạt tù, tuy nhiên hệ thống văn bản này còn chưa cụ thể, thiếu đồng bộ; các điều ước quốc tế và văn bản thoả thuận hợp tác tuy nhiều nhưng việc tổ chức thực hiện và phân công trách nhiệm thực hiện còn nhiều bất cập, cụ thể:
Thứ nhất, Luật TTTP năm 2007 chưa có quy định cụ thể về trường hợp tiếp nhận người bị kết án phạt tù là công dân Việt Nam ở nước ngoài về Việt Nam, đồng thời chưa có hướng dẫn thi hành các quy định về chuyển giao người có án phạt tù, dẫn tới việc thực hiện còn gặp nhiều khó khăn, nhất là trình tự, thủ tục lập hồ sơ đề nghị tiếp nhận, chuyển giao, phân định trách nhiệm giữa các bộ, ngành và trách nhiệm, đầu mối tiếp nhận, xử lý, giải quyết giữa các đơn vị trong bộ, ngành, kinh phí chi cho các hoạt động chuyển giao người bị kết án phạt tù.
Thứ hai,tính đến nay, đã có 05 hiệp định song phương về chuyển giao người bị kết án phạt tù đã có hiệu lực với Việt Nam, tạo cơ sở pháp lý quốc tế quan trọng trong lĩnh vực chuyển giao người bị kết án phạt tù, tuy nhiên, trong quá trình thực hiện còn một số khó khăn, vướng mắc, như:
- Các quy định về căn cứ, điều kiện và hồ sơ tiếp nhận yêu cầu chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù theo Luật TTTP năm 2007 cho thấy, các hiệp định mà Việt Nam đã ký kết và đang đàm phán, ký kết với nước ngoài đều có tên gọi là Hiệp định chuyển giao người bị kết án phạt tù. Việc chuyển giao người bị kết án phạt tù được áp dụng với đối tượng là người bị Tòa án có thẩm quyền của quốc gia được yêu cầu kết án và đang chấp hành hình phạt tại trại giam của quốc gia này hoặc đã bị xét xử, tuyên hình phạt tù nhưng đang được tại ngoại vì những lý do khác nhau. Trong khi đó, phạm vi điều chỉnh của Luật TTTP năm 2007 lại hẹp hơn, chỉ quy định về chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù (những người đang chấp hành án trong trại giam). Như vậy, không có sự thống nhất về phạm vi điều chỉnh giữa Luật TTTP năm 2007 và các hiệp định;
- Một số điều, khoản của hiệp định song phương quy định về phần chi phí cho việc chuyển giao chưa thống nhất với Luật TTTP năm 2007. Luật TTTP năm 2007 quy định chi phí do bên yêu cầu chi trả. Tuy nhiên, tại các hiệp định mà Việt Nam đã ký kết với các nước đều quy định chi phí cho việc chuyển giao do bên nhận chi trả. Hiện nay, Việt Nam chưa có nguồn kinh phí chi cho các hoạt động tiếp nhận phạm nhân là người Việt Nam đang chấp hành hình phạt tù tại nước ngoài về Việt Nam tiếp tục chấp hành án, nhất là các chi phí ăn, ở, đi lại cho lực lượng áp giải và phạm nhân về Việt Nam;
- Điều 58 Luật TTTP năm 2007 quy định việc chuyển đổi hình phạt tù thuộc trách nhiệm của Toà án có thẩm quyền. Tuy nhiên, cách tính, phương pháp chuyển đổi nào bảo đảm phù hợp với pháp luật Việt Nam thì chưa có hướng dẫn cụ thể để thống nhất áp dụng và trả lời cho phía cơ quan có thẩm quyền nước ngoài và giải thích cho người có nguyện vọng trở về Việt Nam tiếp tục chấp hành án;
- Đối với các trường hợp yêu cầu chuyển giao mà phạm nhân có quốc tịch nước ngoài chưa thực hiện phần hình phạt bổ sung là phạt tiền, chưa bồi thường dân sự và chưa nộp án phí thì coi là chưa đủ điều kiện để xem xét chuyển giao theo quy định tại Điều 50 Luật TTTP năm 2007. Tuy nhiên, theo quy định tại một số hiệp định song phương về chuyển giao mà Việt Nam ký với các nước, ví dụ: Điều 4 quy định về điều kiện chuyển giao người bị kết án phạt tù của các hiệp định chuyển giao người bị kết án phạt tù mà Việt Nam đã ký kết với Thái Lan, Ốt-xtrây-li-a, Anh, Hàn Quốc thì không quy định cụ thể điều kiện người được chuyển giao phải thực hiện xong hình phạt bổ sung là hình phạt tiền, bồi thường dân sự, án phí. Do đó, khi cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam từ chối chuyển giao các đối tượng này thì phía nước ngoài không đồng tình;
- Trường hợp có yêu cầu chuyển giao người bị kết án phạt tù, nhưng giữa Việt Nam và quốc gia đó chưa ký kết hiệp định song phương về chuyển giao người bị kết án phạt tù, dẫn tới việc lập hồ sơ đề nghị chuyển giao được thực hiện theo nguyên tắc có đi có lại, phải xin ý kiến các bộ, ngành và cơ quan có liên quan, dẫn tới việc mất nhiều thời gian mới có kết quả trả lời phía nước ngoài và lập hồ sơ chuyển Tòa án có thẩm quyền ra quyết định chuyển giao.
4. Một số kiến nghị
Để góp phần hoàn thiện cơ sở pháp lý và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế trong chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù, chúng tôi xin kiến nghị một số giải pháp sau:
Một là, cần nghiên cứu bổ sung vào Luật TTTP năm 2007 quy định về trình tự, thủ tục tiếp nhận công dân Việt Nam đang chấp hành hình phạt tù ở nước ngoài trở về Việt Nam khi có đủ điều kiện theo quy định; phân định rõ trách nhiệm của các cơ quan Việt Nam trong việc tiếp nhận người được chuyển giao. Đồng thời, cần nghiên cứu mở rộng về khái niệm người đang chấp hành hình phạt tù, như: người đang chấp hành hình phạt tù có thể đang ở trong trại giam hoặc đang ở trong các cơ sở giam giữ khác...
Hai là, cần có văn bản liên tịch hướng dẫn về các nội dung của Luật TTTP năm 2007, cụ thể là: Thông tư liên tịch của Bộ Công an, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính hướng dẫn về cách thức tiếp nhận, thủ tục chuyển giao, quy định rõ cách thức chuyển đổi hình phạt tù (thành các hình phạt khác nhưng vẫn đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật…); đồng thời hướng dẫn cụ thể về chi phí trong chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù cho thống nhất, tạo thuận lợi cho các cơ quan chức năng. Đây là vấn đề đang có nhiều vướng mắc vì chưa có hướng dẫn cụ thể.
Ba là, tổ chức thực hiện có hiệu quả điều ước quốc tế về chuyển giao người bị kết án phạt tù. Trong thời gian tới, để tổ chức thực hiện có hiệu quả các điều ước quốc tế về chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù, chúng ta cần phải thực hiện các biện pháp sau: 
- Tổ chức thực hiện các hiệp định đã ký kết với các nước trên cơ sở thường xuyên trao đổi thông tin về tội phạm, về tình hình thực hiện các hình thức và nội dung hợp tác; tình hình quản lý thi hành án hình sự; tình hình chấp hành án hình sự của các phạm nhân là người nước ngoài có liên quan. Đẩy mạnh việc nghiên cứu so sánh pháp luật hình sự và pháp luật tố tụng hình sự, thi hành án của các nước với quy định tương ứng của Việt Nam; 
- Định kỳ hàng năm tổ chức tổng kết, rút kinh nghiệm việc tổ chức thực hiện để đề xuất ký kết hiệp định về chuyển giao người bị kết án phạt tù, nâng cao hiệu quả quan hệ hợp tác quốc tế đấu tranh phòng, chống tội phạm, thi hành án hình sự;
- Đẩy mạnh công tác phổ biến, tuyên truyền các điều ước quốc tế song phương và đa phương trong lĩnh vực chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù. Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ pháp luật, ngoại ngữ cho cán bộ chuyên trách làm công tác đàm phán, thực hiện các điều ước quốc tế về chuyển giao người bị kết án phạt tù ở các đơn vị, địa phương theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 09/CT-TTg ngày 05/4/2012 về tăng cường quản lý nhà nước đối với công tác điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế.
Bốn là, xây dựng và ban hành các quy chế phối hợp và quy trình công tác trong chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù.
Năm là, đề nghị cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam có văn bản hướng dẫn về áp dụng nguyên tắc “có đi có lại” trong hợp tác quốc tế về chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù để bảo đảm thực hiện cho thống nhất.
Để thực hiện tốt hợp tác quốc tế trong chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù, vấn đề quan trọng nhất là xác lập quan hệ phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền trong thụ lý, giải quyết, thực hiện các yêu cầu TTTP về chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù; phân công trách nhiệm cho cơ quan đầu mối và các cơ quan, đơn vị có liên quan của Bộ Công an, Tòa án nhân dân tối cao trong tiếp nhận, xem xét, phân loại đề nghị tiếp nhận chuyển giao người bị kết án phạt tù của cơ quan có thẩm quyền nước ngoài. Phối hợp với các cơ quan, đơn vị có thẩm quyền của Việt Nam trong việc xác minh đối tượng; xem xét, giải quyết văn bản đề nghị tiếp nhận chuyển giao, trao đổi thông tin về tội phạm, đối tượng đang chấp hành hình phạt tù tại các cơ sở giam giữ của Việt Nam. Theo hướng này, Bộ Công an và Tòa án nhân dân tối cao cần sớm ban hành Thông tư liên tịch hướng dẫn về tiếp nhận, chuyển giao ủy thác tư pháp về hình sự, dẫn độ, chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù, trong đó xác định rõ quy trình công tác, phân công trách nhiệm chủ trì, phối hợp trong từng hoạt động trong quá trình thực hiện đề nghị hoặc yêu cầu phía nước ngoài thực hiện đề nghị tiếp nhận chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù./.

 


[1] Tiếp nhận từ nước ngoài về Việt Nam
[2] Chuyển giao cho nước ngoài
[3] Điều 52 và Điều 53 Luật TTTP năm 2007.
[4]Việc chuyển giao do Tòa án nhân dân quyết định
[5] Hiệp định với các nước này đã ký, đang chờ phê chuẩn.

(Nguồn tin: Bài viết đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu lập pháp số 2(282), tháng 1/2015)