Quốc triều khám tụng điều lệ với việc bảo vệ quyền lợi chính đáng của con người

01/01/2015

TS. NGUYỄN MINH TUẤN

Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Một trong những điểm tiến bộ của pháp luật triều Lê (1428-1788) nói riêng và pháp luật Việt Nam thời trung đại nói chung là đã có “một bộ luật tố tụng riêng biệt” - Bộ Quốc triều khám tụng điều lệ[1]. Nếu như ở phương Đông thời trung đại nói chung thường có những Bộ tổng luật - tức những Bộ luật tổng hợp chứa đựng những quy định thuộc nhiều lĩnh vực pháp luật khác nhau, thì sự tồn tại của Bộ Quốc triều khám tụng điều lệ với tính chất là một Bộ luật riêng, độc lập về phương diện tố tụng cũng nói lên tính chất độc đáo, hiếm có của Bộ luật này. Nội dung của Bộ luật này thể hiện rõ nét tinh thần vì con người, tôn trọng và bảo vệ lợi ích chính đáng của con người. Tinh thần ấy được thể hiện thường trực ở hầu hết các quy định trong các thông lệ. Tất cả các giai đoạn từ nộp đơn kiện, đơn tố cáo, bước khám nghiệm hiện trường, xét xử, thi hành án, cho đến quy định về thời hiệu đều được thiết kế kèm theo những quy định nhằm ngăn chặn sự vi phạm từ phía quan lại, đồng thời bảo vệ quyền lợi hợp pháp của con người.
Sử liệu cùng các nguồn thư tịch khác cho thấy Bộ luật này được ban hành vào năm Đinh Dậu (1777) đời vua Lê Hiển Tông, niên hiệu Cảnh Hưng năm thứ 38 (Cảnh Hưng tam thập bát niên, cửu nguyệt, nhị thập nhị nhật)[2]. Bộ luật ra đời có mục đích là để ngăn chặn việc áp dụng pháp luật một cách tùy tiện, thiếu công bằng, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân,“khiến dân có chỗ nương nhờ”thông qua việc quy định rành mạch trách nhiệm của quan lại tham gia vào quá trình tố tụng.Lời nói đầu của Bộ luật này đã nêu rõ:“...dùng chính sự để công bằng về lý ở trong các việc kiện tụng, khiến dân có chỗ nương nhờ, xứng đáng với trách nhiệm của mình”[3]. Quốc triều khám tụng điều lệ chỉ chứa đựng các điều lệ về kiện tụng, cụ thể có tất cả 31 điều lệ kiện tụng. Tất cả những điều lệ này đều thể hiện việc bảo vệ quyền lợi chính đáng của con người trong quá trình tố tụng.  
Untitled_278.png
Ảnh minh họa: (Nguồn internet)
1. Trình tự, thủ tục tố tụng đề cao tính con người, bảo vệ lợi ích của con người
Bộ luật có nhiều quy định thể hiện tính nhân văn sâu sắc, chú ý đến khía cạnh con người, lợi ích con người ngay trong chính các điều luật. Chẳng hạn, lệ kiện tụng về tiền nợ quy định:“Nếu nhà có tang chưa chôn cất, mà đến hạn phải trả nợ thì chủ nợ cũng nên vì việc đó mà thương xót, không được tróc bắt hoặc lấy ngày hẹn ra sách hỏi để đến nỗi làm tổn thương việc hiếu, phải để cho chôn cất xong mới truy hỏi”[4].
Tính nhân văn của Bộ luật còn được thẩm thấu trong quy định trách nhiệm của quan lại phải xử lý hợp tình người những tình huống bất thường phát sinh tại địa phương: “Xã nào trong dân gian có người khách qua đường bị bệnh chết, hoặc đêm hôm bị thương mà chết, không biết kẻ nào giết hoặc xác chết ở chỗ khác mà nhân đêm hôm kéo lại, thấy có dấu vết ở địa phận mình, (...) một mặt đưa trình quan huyện để làm bằng cớ, phòng sự vu oan giá hoạ. Trong 5, 6 ngày không có ai đến nhận (xã quan) tiến hành chôn cất...”[5].
Về nguyên tắc, Bộ luật cũng đặt ra yêu cầu không được khiếu kiện vượt cấp[6]. Tuy nhiên, trong những trường hợp đặc biệt khẩn cấp, oan ức, thiệt hại nặng, không biết kêu ai, người dân có thể “kêu oan” đòi lại sự công bằng bất cứ cấp nào: “Mọi trường hợp bị người quyền quý ức hiếp thiệt hại nặng, cùng các trường hợp oan ức, không biết khám lệ ở nha môn nào (...) cho khua chuông gióng mõ là kêu oan”[7].
­­2. Quy trình tố tụng chặt chẽ, tôn trọng sự thật khách quan của vụ án, xử lý vụ việc nhanh chóng, kịp thời
Trong 31 điều lệ kiện tụng, nhà làm luật đã có ý thức phân biệt những quy định, nguyên tắc chung ở thông lệ đầu tiên (Thông lệ về khám tụng), các lệ áp dụng chung cho tất cả các vụ việc (Lệ về người kiện, lệ tróc bắt, lệ về tiền phí tổn...) và những quy định riêng, đặc thù ở những "Lệ kiện”, tương ứng với các vụ kiện tụng cụ thể (Lệ kiện tụng nhân mạng, Lệ kiện tụng về trộm cướp, Lệ kiện tụng về ruộng đất, Lệ kiện tụng đánh nhau, Lệ kiện tụng việc cưới xin, Lệ kiện tụng sự ức hiếp). Kỹ thuật lập pháp như vậy vừa thể hiện được những vấn đề chung của cả quy trình tố tụng, vừa cho thấy những đặc thù riêng của từng loại vụ việc.
Trong một vụ án, sự thật của vụ án là quan trọng. Cái gì là cái có thật, cần phải được hướng tới. Để tránh việc tố cáo không chính xác, không đúng sự thật, Bộ luật quy định khá tỉ mỉ về chứng cứ, người làm chứng vì đây là căn cứ quan trọng, là cơ sở cho việc xét xử sau này: “Địa phương nào có việc về nhân mạng hoặc vì thù mà giết, hoặc vì dâm mà giết, hoặc vì đánh nhau mà giết, hoặc vì cướp của mà giết, hoặc vì trộm cắp mà giết, phải có xác chết thì vợ, con, cha, mẹ, chồng, anh em mới được xin phát cáo (...)”[8]; “Xã thôn trưởng căn cứ vào sự việc hiện thấy để tức khắc lập biên bản nhằm mục đích rõ ràng chính xác hoặc căn cứ vào người chứng kiến ký vào biên bản để làm bằng, không được có sự sợ hãi trốn tránh hoặc tư vị thân thích hay thù oán mà thoái thác không lập biên bản”[9]; “Mọi việc làm tờ cáo trạng, tố trạng điêu toa để sinh ra việc kiện tụng hoặc lấy những việc không quan thiết gì đến mình và cóp nhặt những việc vụn vặt đem tố cáo để người khác phải lụy vào án, bị phạt trượng”[10].
Chứng cứ, hiện trường phải được bảo vệ nghiêm ngặt: Phàm những người tố cáo về cờ bạc, nên chỉ đúng vào lúc đang cuộc cờ bạc, có đầy đủ tang vật đánh bạc, nhất nhất rõ ràng, người ngồi chơi không quá năm sáu người, bắt đúng hiện trạng mới được nhận khám. Nếu không phải cờ bạc mà cáo bừa, lấy tội vu cáo mà luận”[11].
Khi giải quyết từng vụ việc vừa phải thận trọng, vừa phải nhanh chóng, kịp thời. Việc làm này không những đảm bảo được tính khách quan của vụ việc, đảm bảo được quyền lợi của người bị hại mà cao hơn là dẹp bỏ các mâu thuẫn, chấm dứt các ý định trả thù tiếp theo. Bộ luật quy định: “không được kéo dài ngày (...) tránh làm việc tróc bắt bừa những người tình nghi”[12]; “Trước tiên phải tra biên án, đúng thực mới tiến hành bắt và khám xét. Nếu không có biên án và sự việc đã qua lâu ngày thì không được nhận tra xét”[13].
3. Trừng trị nghiêm cường hào gian ác, ức hiếp dân lành, đề cao cách xử lý có đạo đức, có trách nhiệm của quan lại
Bộ Quốc triều khám tụng điều lệ có riêng những Lệ quy định về trách nhiệm quan lại, xử nghiêm những trường hợp ức hiếp người dân, đó là Lệ kiện tụng sự ức hiếp, Lệ kiện tụng cai mục hà lạm, Lệ về tuần thú đò giang lạm sách và Lệ thân sức cai lại.
Bộ luật quy định rõ việc ngăn chặn những hành vi ức hiếp dân lành, kể cả những người quyền quý tại triều đình: “Những nhà quyền quý thế gia ức hiếp nhân dân để lấy của tài sản và bắt người giam cầm đánh đập, ngoài kinh đô thì cho kêu tại hiến ty, trong kinh thì cho kêu tại ngự sử đài, nếu người nào trần cáo về việc bị ức hiếp, cho phép chỉ rõ tên họ người quyền quý. Hiện người quyền quý đang nhậm sự tại triều, hoặc thân nhân của người quyền quý hoặc con cháu các công thần, không được dối trá, danh tước phải rõ ràng, đầy đủ mới được nhận đơn rồi buộc bên nguyên dẫn đến bắt đích danh bị cáo để tra hỏi xác thực”[14]. Ngoài ra, Bộ luật cũng quy định trừng trị nghiêm đối với quan lại dung túng, cấu kết, thực hiện hành vi phạm pháp: “Bọn cường hào gian ác, cùng bọn có án cũ ngầm làm những chuyện không hay, có làng xóm họ hàng bày tỏ. Hoặc quần tụ, chứa chấp trộm cướp có bằng cứ mà người thường không dám bắt, đều bên trong thì cho quan đề lĩnh, bên ngoài thì cho quan trấn thủ, lưu thủ tập nã, tra thực tang rõ vết, xét theo pháp luật trị tội”[15].
 Tra khảo là một giai đoạn rất quan trọng, có ý nghĩa quyết định đến việc xác định sự thật khách quan của vụ việc. Do vậy, nhà làm luật thời này đã lường tính đến những hành vi ức hiếp khi tra khảo để luận tội và xử phạt nặng những khám quan có hành vi này. Trong lệ kiện tụng về cưới xin cũng quy định rõ:“Nếu khám quan nhận bừa, tra bừa, luận tội cẩu thả và ngừng bác việc, hoặc ức hiếp để luận tội không đúng lý thì cho phép bị cáo trình kêu ở quan tra xét lần sau tra sự thực, lấy tội phạt nặng mà luận tội”[16].
Trong quá trình tố tụng, nhà làm luật đã chú ý đến việc ngăn chặn hành vi tham nhũng, trục lợi của khám quan tư lợi, nhận tiền của nhà quyền quý, làm oan người vô tội: “Các nhà quyền quý thế gia ức hiếp người khác cho khám quan số tiền của ức hiếp, giam thu (...) thì lấy tội biếm bãi mà luận. Còn người viện dẫn và kẻ sai nhân tùy theo nặng nhẹ lấy tội trượng hoặc tội đày mà luận”[17].
4. Bảo vệ người làm chứng, những người quả cảm, chống lại cái xấu, cái ác, đồng thời trừng trị hành vi che giấu tội phạm
Việc phát huy vai trò của người dân trong đấu tranh phòng chống tội phạm là đặc biệt quan trọng. Bộ luật Hồng Đức đã có nhiều quy định bảo vệ những người quả cảm chống tội phạm. Trong Bộ Quốc triều khám tụng điều lệ cũng có quy định về điều này, như: “Người tróc bắt được, hoặc tố cáo đúng sự thực, thì tùy sự việc, nặng thì được thưởng quan chức, nhẹ thì được thưởng tiền bạc hoặc miễn việc quan. Nếu chẳng may bị giết chết thì cho trình báo quan sở tại chuyển đệ lên để xét tặng tiền chôn cất và giấy khen. Nếu che giấu bưng bít thì quan lấy tội biếm bãi mà luận, dân lấy tội trộm cướp mà trị tội”[18].
Việc dung túng, che giấu tội phạm cũng sẽ bị xử lý nghiêm khắc, bất luận là ai, kể cả chủ thể đó là quan lại:“Những kẻ làm nghề trộm cướp mà đã qua luận xét tróc nã và thu tiền bồi thường tiền chuộc, mà do sợ tội phải ẩn cư thì các quan đại thần văn võ cùng mọi người đều không được nuôi chứa. Trái như vậy cho người bị hại và người thấy tố cáo chỉ dẫn, bắt được nhà ai chứa chấp, là quan thì lấy tội biếm bãi mà luận, dân thì lấy tội trộm cướp mà trị tội”[19].
5. Trừng trị việc vu cáo hại người
Bảo vệ quyền lợi của con người cũng hàm chứa cả ý nghĩa "bảo vệ người ngay, chống lại kẻ gian”. Nhà làm luật thời kỳ này rất chú trọng đến việc trừng trị hành vi vu cáo: “Mọi việc làm tờ cáo trạng, tố trạng điêu toa để sinh ra việc kiện tụng hoặc lấy những việc không quan thiết gì đến mình và cóp nhặt những việc vụn vặt đem tố cáo để người khác phải lụy vào án phần nhiều bị phạt trượng. (...) Quan ngự sử phát giác ra bắt được cũng cho xét tội luận hành, làm đủ tờ khải đệ đặt để răn thói gian ngoan, giữ yên dân nghiệp”[20]; “(…) Người điêu toa thường hống hách đòi tiền của, không được như ý thì làm đơn đầu cáo, các quan ty đều không nhận khám. Nếu nha môn nào dung túng, ít luận xét và nhận ẩu cáo bừa của người điêu toa thiện tiện làm việc bắt xét, đến nỗi bị người kêu cáo thì lập tức chiếu sự việc nặng nhẹ mà luận xét”[21].
6. Phân biệt tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi, làm rõ động cơ phạm tội
Trách nhiệm của quan xử án là phải dẫn đúng điều luật, đồng thời đánh giá được đúng tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi để luận tội: “Các nha môn làm việc khám xét khi luận đoán các việc kiện tụng, đều nên viện dẫn luật lệnh cùng cách thức chính văn”[22].
Cơ sở để đánh giá chính xác là phải quy tội một cách khách quan, không được quy tội một cách cảm tính, phải căn cứ vào hành vi vi phạm và mức độ lỗi: “không được dùng ý mà thêm bớt, dụng tình mà dẫn dắt (...) Mọi kẻ phạm tội, tội danh tuy giống nhau mà ý phạm tội khác nhau thì khác biệt, nên phải phân biệt nặng nhẹ mà thêm bớt”[23]. Cụ thể ở các thông lệ, nhà làm luật đã đặt ra yêu cầu phải xác định rõ yếu tố động cơ phạm tội: “thù mà giết, dâm mà giết, đánh nhau mà giết, cướp của mà giết, trộm cắp mà giết”, để phân biệt với những trường hợp khác như “ốm đau mà chết, cùng khổ, đói rách mà chết...”[24]. Quy định trên cũng chính là nhằm làm rõ các yếu tố thuộc mặt chủ quan của tội phạm.
7. Thời hiệu rõ ràng
Tương ứng với từng lệ kiện tụng, nhà làm luật đều quy định rõ thời hiệu. Thời hiệu rõ ràng là một tiêu chí không những đánh giá kỹ thuật lập pháp, mức độ chi tiết hóa cao của Bộ luật, mà còn bảo vệ quyền lợi chính đáng của con người trong việc ngăn chặn tình trạng quan lại vì tư lợi mà kéo dài thời hạn. Với từng loại tội phạm, tội nặng, tội nhẹ thì thời hiệu cũng có quy định khác nhau. Chẳng hạn lệ kiện tụng về nhân mạng quy định: “Việc kiện tụng về nhân mạng, theo lệ cũ hạn 4 tháng, kể từ khi bên khổ chủ phát đơn cáo, trong 2 tháng cho phép bên hung thủ trình bày sự việc. Kể từ khi bên hung thủ trình bày sự việc đến ngày luận đoán kỳ hạn là 4 tháng. Bên bị sau 2 tháng mà không đến trình bày sự việc mới được luận là trốn. Còn việc kêu xét lại, cũng cho phép trong vòng 4 tháng để biện lý kể từ ngày luận đoán đến ngày có đơn kêu phúc thẩm; còn trong hạn 4 tháng, quan khám lần sau chiểu theo lệ phúc tụng mà nhận khám. Án công tụng đều gia thêm 1 bậc. Ngoài 8 tháng thì những người trong vụ kiện này không được xin phúc khám bừa. Quan khám xét không được phúc vấn phải đợi lệnh quan, không được nhận riêng sự gửi gắm nhờ vả. Luận bàn xong, phải treo niêm yết về luận tích để cho hai bên sao chép lấy, không được bàn ngầm”[25].
8. Bước đầu đặt ra cơ chế đảm bảo sự độc lập của các chủ thể tham gia tố tụng
Tất cả các công việc liên quan đến các việc tróc bắt, lấy lời khai, làm biên bản, khám nghiệm, xét xử đều được các nhà lập pháp Hậu Lê tiên lượng để hạn chế thấp nhất mức độ vi phạm, sự lạm dụng quyền lực nhà nước để trục lợi hoặc thực hiện những ý đồ có tính cá nhân. Trong mọi trường hợp, quan xét xử không được nhận riêng sự gửi gắm nhờ vả: “Quan khám xét không được phúc vấn, phải được lệnh quan, không được nhận riêng sự gửi gắm, nhờ vả”; “Cần để ý dụng tâm việc tra hỏi, cần hợp ở lý lẽ để cho công vụ được rõ ràng chính xác”[26].
Coi trọng lý lẽ, lập luận của quan xử án cũng chứng tỏ một nhận thức tiến bộ vượt bậc về tố tụng của đời sống pháp lý thời Hậu Lê. Về nguyên tắc, một bản án đầy đủ phải có các nội dung rất chặt chẽ gồm: phần luận cứ, phần lý lẽ, lập luận và phần phán quyết. Xét xử cũng phải công bố công khai bản án để các bên và nhân dân đều được biết - “luận đoán sai trái để các bên đều biết”.
9. Bước đầu có sự phân cấp xét xử căn cứ vào tính chất vụ việc, hạn chế việc kiện tụng vượt cấp
Việc phân cấp xét xử trong Bộ luật thể hiện tư duy phân loại, kỹ thuật lập pháp rất cao của nhà làm luật. Không chỉ phân biệt vụ việc nào ở cấp cao nhất là ngự sử đài, cấp thừa ty, cấp phủ, nhà làm luật còn phân biệt rõ cấp nào xét xử với từng loại kiện tụng (kiện tụng về nhân mạng, trộm cướp, ruộng đất, sự ức hiếp, đánh nhau, lăng mạ...). Chẳng hạn, Bộ luật có quy định: “Các việc về ruộng đất công tư, tài sản, cưới xin, đánh nhau, lăng mạ, tiền nợ, tiền tô, phần biếu, phần mộ (...), tất cả những việc không phải là tạp tụng, cho cáo tại quan huyện, phúc thẩm tại quan phủ, rồi phúc thẩm tại thừa ty. Nếu còn chưa phục tình mới phúc thẩm ở ngự sử đài”[27]; “đánh nhau nếu có bị thương nặng trở lên mới được phúc trình đến ngự sử đài, còn bị thương nhẹ như xước da bầm máu thì đến quan thừa ty; nếu đánh nhau mà sự việc liên quan đến cả hai bên thì chỉ cho các sắc mục, xã trưởng, thôn trưởng của bản xã đưa ra cộng đồng xác nhận lập văn án, khôngđược làm bừa. Trong tổng nếu hai xã có việc tranh giành đánh nhau lớn hoặc có người nào tranh chấp với toàn xã mới được xin đến bản tổng hoặc một vài xã lân cận để bớt sự phiền phí. Còn trong xã thôn các sắc mục và xã thôn trưởng, đánh nhau cũng cho xin tổng ấy hoặc một vài xã lân cận lập biên bản”[28].
10. Khuyến khích giải quyết bằng con đường hoà giải đối với những trường hợp không nghiêm trọng
Xử lý việc cố ý gây thương tích (lệ kiện tụng đánh nhau) trong Quốc triều khám tụng điều lệ đối với những trường hợp thương tích không nghiêm trọng: “Nếu thương tích nhẹ thì răn bảo”[29].
Đối với trường hợp nghiêm trọng, ví dụ việc kiện tụng về nhân mạng, việc gian dâm thì về nguyên tắc không được tự hòa giải riêng với nhau, cụ thể:“Việc kiện tụng về nhân mạng là can về hình luật. Theo phép là không được tư hòa, khám quan cũng không được cho hòa”[30]; “Kẻ gian dâm có chứng tích xác thực cứ xét luận mà trị tội, không được cho tư hòa”[31].
Bên cạnh những điểm tiến bộ trên, Bộ Quốc triều khám tụng điều lệ cũng chưa vượt lên được hạn chế mang tính chất thời đại lúc bấy giờ, đó là chưa có sự phân định rạch ròi giữa hành pháp và tư pháp. Hay nói cách khác, tư pháp thời kỳ này chưa phải là một nhánh quyền lực độc lập. Chẳng hạn, xã trưởng thường xử các vụ kiện ở xã. Đây là một chức quan vừa thực hiện nhiệm vụ hành chính, vừa thực hiện nhiệm vụ tư pháp.
Tuy nhiên, nếu so sánh thời điểm ra đời của Bộ Quốc triều khám tụng điều lệ với pháp luật tố tụng ở Tây Âu, chúng ta thấy Bộ Quốc triều khám tụng điều lệ của Việt Nam có sự tiến bộ hơn ở nhiều phương diện. Thời phong kiến ở Tây Âu, khi xét xử, nếu không tìm ra được chứng cứ hợp pháp, thì người ta áp dụng nguyên tắc thử tội. Thời đó, hình thức thử tội rất đa dạng, bao gồm các hình thức như thử tội bằng nước sôi (Ordeal of hot water), thử tội bằng hình thức dìm xuống sông (Ordeal of cold water), thử tội bằng lửa (Ordeal of fire)[32]. Việc đúng sai, có tội hay không phụ thuộc vào thần thánh, không phải căn cứ vào những trình tự khách quan với những đòi hỏi khá nghiêm ngặt như trong Bộ Quốc triều thám tụng điều lệ ở Việt Nam. Điều này càng cho thấy giá trị của Bộ luật này, khi đặt trong hoàn cảnh lịch sử pháp luật tố tụng trên thế giới cùng thời điểm bấy giờ. Ở phương Đông, đây có lẽ cũng là Bộ luật tố tụng riêng biệt đầu tiên. “Đây là lần đầu tiên, trong lịch sử pháp luật ở Việt Nam và có lẽ cả Đông phương có một bộ luật tố tụng riêng biệt. Và cũng là một sự vinh hạnh cho nhà làm luật của Lê triều đã biết phân biệt rõ ràng các điều luật về nội dung và các điều luật về tố tụng liên quan đến cách tổ chức nền tư pháp và cách thực hiện”[33].
Vượt lên những hạn chế có tính lịch sử, có thể thấy Bộ Quốc triều khám tụng điều lệ vẫn chứa đựng nhiều giá trị rất đáng tham khảo, kế thừa trong việc bảo vệ những quyền lợi chính đáng của con người. Bảo vệ quyền lợi con người trong lĩnh vực tố tụng thiết nghĩ không chỉ giản đơn dừng lại ở việc ghi nhận những quyền lợi chính đáng của con người, mà quan trọng hơn là cần xác định rõ ràng trách nhiệm của cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền trong việc xác định sự thật của vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ, làm rõ những chứng cứ, những tình tiết của vụ án. Khi không đủ bằng chứng hoặc không chứng minh được hành vi phạm tội thì phải suy đoán theo hướng có lợi cho bị can, bị cáo./.

 


[1] Viện Nhà nước và Pháp luật – Trung tâm Khoa học xã hội và nhân văn Quốc gia, Nghiên cứu về hệ thống pháp luật Việt Nam thế kỷ XV đến thế kỷ XVIII, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1994, tr. 262.
[2] Một học giả lớn thời Nguyễn là Phan Huy Chú ở chương Hình luật chí trong sách “Lịch triều hiến chương loại chí” cho biết như sau: “Đời Hiển Tông, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 38 (1777) sửa định điều lệ về xét xử kiện tụng”.
[3] Lời nói đầu của Quốc triều khám tụng điều lệ (Người dịch: Trần Kim Anh, Người hiệu đính: Nguyễn Văn Lãng), in trong sách: Viện Nhà nước và pháp luật, Một số văn bản pháp luật Việt Nam, thế kỷ XV-thế kỷ XVIII, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1994, tr. 269.
[4] Lệ kiện tụng tiền nợ của Quốc triều khám tụng điều lệ, sđd, tr. 323.
[5] Lệ kiện tụng về nhân mạng, Quốc triều khám tụng điều lệ, sđd, tr. 305.
[6] Xem: Thông lệ về khám tụng, Quốc triều khám tụng điều lệ, sđd, tr. 270, 275.
[7] Thông lệ về khám tụng, Quốc triều khám tụng điều lệ, sđd, tr. 278.
[8] Lệ kiện tụng trộm cướp, Quốc triều khám tụng điều lệ, sđd, tr. 297.
[9] Lệ kiện tụng đánh nhau, Quốc triều khám tụng điều lệ, sđd, tr. 320.
[10] Lệ cấm nhũng nhiễu điêu toa, Quốc triều khám tụng điều lệ, sđd, tr. 327.
[11] Lệ kiện tụng cờ bạc, Quốc triều khám tụng điều lệ, sđd, tr. 325.
[12] Lệ kiện tụng trộm cướp, Quốc triều khám tụng điều lệ, sđd, tr. 308.
[13] Lệ kiện tụng đánh nhau, Quốc triều khám tụng điều lệ, sđd, tr. 319.
[14] Lệ kiện tụng sự ức hiếp, Quốc triều khám tụng điều lệ, sđd, tr. 312-313.
[15] Lệ kiện tụng trộm cướp, Quốc triều khám tụng điều lệ, sđd, tr. 308.
[16] Lệ kiện tụng cưới xin, Quốc triều khám tụng điều lệ, sđd, tr. 322.
[17] Lệ kiện tụng sự ức hiếp, Quốc triều khám tụng điều lệ, sđd, tr. 313.
[18] Lệ kiện tụng trộm cướp, Quốc triều khám tụng điều lệ, sđd, tr. 308.
[19] Lệ kiện tụng trộm cướp, Quốc triều khám tụng điều lệ, sđd, tr. 309.
[20] Lệ cấm nhũng nhiễu điêu toa, Quốc triều khám tụng điều lệ, sđd, tr.  327-328.
[21] Lệ cấm nhũng nhiễu điêu toa, Quốc triều khám tụng điều lệ, sđd, tr. 328.
[22]Thông lệ về khám tụng, Quốc triều khám tụng điều lệ, sđd, tr. 279.
[23]Thông lệ về khám tụng, Quốc triều khám tụng điều lệ, sđd, tr. 230.
[24] Lệ kiện tụng về nhân mạng, Quốc triều khám tụng điều lệ, sđd, tr. 297.
[25] Lệ kiện tụng về nhân mạng, Quốc triều khám tụng điều lệ, sđd, tr. 303.
[26] Thông lệ về khám tụng, Quốc triều khám tụng điều lệ, sđd, tr. 278.
[27] Thông lệ về khám tụng, Quốc triều khám tụng điều lệ, sđd, tr. 270-271.
[28] Lệ kiện tụng đánh nhau, Quốc triều khám tụng điều lệ, sđd, tr. 319.
[29] Lệ kiện tụng đánh nhau, Quốc triều khám tụng điều lệ, sđd, tr. 319.
[30] Lệ kiện tụng về nhân mạng, Quốc triều khám tụng điều lệ, sđd, tr. 306.
[31] Lệ kiện tụng gian dâm, Quốc triều khám tụng điều lệ, sđd, tr. 322.
[32] University of Pennsylvania, Ordeals, University of Pennsylvania Press, 1898, Vol 4, pp. 7-9
[33] Vũ Văn Mẫu, Dân luật lược giảng (Quyển nhất), Sài gòn 1967, tr. 143.

(Nguồn tin: Bài viết đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu lập pháp số 1(281), tháng 1/2015)