Một số vấn đề của pháp luật về phòng ngừa rủi ro trong hoạt động cấp tín dụng của ngân hàng thương mại

01/01/2015

ThS. NGUYỄN XUÂN BANG

Khoa Luật học, Trường Đại học Đà Lạt

Phòng ngừa rủi ro là nội dung cơ bản đảm bảo sự an toàn và hiệu quả trong hoạt động cấp tín dụng của ngân hàng thương mại (NHTM) . Có nhiều biện pháp phòng ngừa rủi ro bằng biện pháp kinh tế, biện pháp công nghệ, biện pháp tâm lý - văn hóa, biện pháp chính sách - nghiệp vụ và biện pháp pháp luật. Trong các biện pháp đó, pháp luật được coi là biện pháp hiệu quả nhất. Bài viết bước đầu nêu ra một số vấn đề của của pháp luật về phòng ngừa rủi ro trong hoạt động cấp tín dụng của NHTM, bao gồm: bản chất, vai trò và các yêu cầu của pháp luật về phòng ngừa rủi ro trong hoạt động cấp tín dụng của NHTM.
Untitled_270.png
Ảnh minh họa: (Nguồn internet)
1. Bản chất của pháp luật về phòng ngừa rủi ro trong hoạt động cấp tín dụng của ngân hàng thương mại
Khoản 1 Điều 8 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Nhà nước được tổ chức và hoạt động theo Hiến pháp và pháp luật, quản lý xã hội bằng Hiến pháp và pháp luật...”. Trong quản lý kinh tế nói chung, quản lý hoạt động ngân hàng nói riêng và đặc biệt là bảo đảm an toàn hoạt động ngân hàng, điều chỉnh bằng pháp luật là vô cùng quan trọng. “Thực tế đã cho thấy rằng, trong bất cứ chế độ kinh tế nào cũng cần có sự điều tiết của nhà nước bằng pháp luật để giải quyết những vấn đề mà tự thân cơ chế kinh tế không thể giải quyết được”[1]. Thật vậy, trong hoạt động ngân hàng, các NHTM không thể tự mình giải quyết hàng loạt vấn đề như: phòng ngừa rủi ro, xử lý rủi ro, cạnh tranh không lành mạnh, bảo đảm an toàn hệ thống ngân hàng v.v.. mà thông qua pháp luật, nhà nước sẽ thực hiện vai trò điều tiết nền kinh tế, duy trì trật tự kinh doanh và đảm bảo an toàn về pháp lý cho các chủ thể trong nền kinh tế nói chung và các NHTM nói riêng.  
Bên cạnh đó, hoạt động ngân hàng được coi là hoạt động rất đặc thù của nền kinh tế, chứa đựng rủi ro mang tính dây chuyền. Chính vì vậy, điều chỉnh bằng pháp luật đối với hoạt động ngân hàng nhằm bảo đảm an toàn là yêu cầu mang tính chất khách quan. “Khi hoạt động cho vay tiền đã trở thành một nghề nghiệp riêng thì bản thân nền sản xuất xã hội đòi hỏi ngân hàng ra đời, hoạt động với một hình thức tổ chức bộ máy thích hợp. Đây là điều kiện khách quan để các nhà nước xây dựng nên các quy phạm pháp luật điều chỉnh hoạt động của NHTM”[2]. Không chỉ vậy, việc đảm bảo an toàn trong kinh doanh của NHTM được đặt ra như một yêu cầu nghiêm ngặt và khắt khe hơn bất cứ lĩnh vực kinh doanh nào khác[3]. Tuy vậy, ở mỗi quốc gia, tùy theo từng thể chế chính trị, cơ chế quản lý kinh tế và những đặc trưng của hệ thống pháp luật mà sự điều chỉnh bằng pháp luật đối với hoạt động ngân hàng cũng như phòng ngừa rủi ro trong hoạt động ngân hàng có sự khác nhau.
Ở Việt Nam, pháp luật về phòng ngừa rủi ro trong hoạt động cấp tín dụng của NHTM là hệ thống các quy phạm pháp luật do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành hoặc thừa nhận, điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong hoạt động ngân hàng nhằm ngăn ngừa, đề phòng, hạn chế những rủi ro và hậu quả của rủi ro, bảo đảm an toàn trong trong hoạt động cấp tín dụng của NHTM.
Pháp luật về phòng ngừa rủi ro trong hoạt động cấp tín dụng của NHTM thể hiện những vấn đề sau đây:
- Về mục tiêu, pháp luật về phòng ngừa rủi ro trong hoạt động cấp tín dụng của NHTM hướng đến bảo đảm an toàn hoạt động của NHTM, cụ thể là nhằm ngăn ngừa, đề phòng, hạn chế những rủi ro và hậu quả của rủi ro trong hoạt động cấp tín dụng của NHTM. Chính vì vậy nó được coi là một nội dung, hay một yếu tố cấu thành của pháp luật về bảo đảm an toàn hoạt động của NHTM.
- Về nội dung, pháp luật về phòng ngừa rủi ro trong hoạt động cấp tín dụng của NHTM bao gồm tổng thể những quy phạm pháp luật do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành hoặc thừa nhận và bảo đảm thực hiện. Xét ở khía cạnh này, pháp luật về phòng ngừa rủi ro trong hoạt động cấp tín dụng của NHTM bao gồm những nội dung chủ yếu như: (i) các quy phạm pháp luật về thẩm định hồ sơ tín dụng; kiểm tra sử dụng vốn; không được cấp tín dụng và hạn chế tín dụng; giới hạn cấp tín dụng; duy trì tỷ lệ bảo đảm an toàn; phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro; kiểm soát nội bộ và kiểm toán nội bộ; bảo đảm tín dụng; tiếp cận và phân tích thông tin tín dụng; trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong phòng ngừa rủi ro hoạt động cấp tín dụng của NHTM. Như vậy, nội dung chính của pháp luật về phòng ngừa rủi ro trong hoạt động cấp tín dụng của NHTM bao gồm trách nhiệm của NHTM và NHNN trong phòng ngừa rủi ro trong hoạt động cấp tín dụng.
- Về nguồn luật điều chỉnh, pháp luật về phòng ngừa rủi ro trong hoạt động cấp tín dụng của NHTM chứa đựng các quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật chủ yếu như: Các văn bản luật như Luật NHNN Việt Nam, Luật Các tổ chức tín dụng, Các nghị định của Chính phủ, thông tư và quyết định của NHNN và các văn bản khác. Bên cạnh đó còn có các văn bản điều chỉnh bảo đảm an toàn Hoạt động ngân hàng do các cơ quan quốc tế ban hành như Ủy ban Basel, IMF, WB...
Được coi là một trong những biện pháp phòng ngừa rủi ro hoạt động cấp tín dụng của NHTM, biện pháp pháp luật có những ưu điểm vượt trội so với các biện pháp khác, do biện pháp pháp luật có những thuộc tính đặc trưng như tính quy phạm phổ biến, tính xác định chặt chẽ về hình thức, tính được bảo đảm bằng nhà nước[4]. Trước hết, tính quy phạm phổ biến tạo cho pháp luật có tính khuôn mẫu chung, mô hình xử sự chung, mang tính bắt buộc chung và được áp dụng nhiều lần trong cuộc sống. Chính vì vậy, việc áp dụng công cụ pháp luật trong phòng ngừa rủi ro hoạt động cấp tín dụng của NHTM sẽ có tác dụng và hiệu quả to lớn đối với không những một NHTM cụ thể, mà còn đối với cả hệ thống NHTM, nếu pháp luật đó là hoàn thiện và được thi hành tốt.
Tiếp theo đó, tính xác định chặt chẽ về hình thức đảm bảo cho pháp luật được hiểu và áp dụng thống nhất và chính xác. Vậy nên, việc áp dụng công cụ pháp luật trong phòng ngừa rủi ro hoạt động cấp tín dụng của NHTM sẽ gia tăng khả năng phòng ngừa rủi ro nếu pháp luật đó được ban hành một cách khoa học, dân chủ, minh bạch và phù hợp.
Hơn nữa, tính được bảo đảm bằng nhà nước làm cho pháp luật có tính bắt buộc đối với các chủ thể tham gia quan hệ tín dụng ngân hàng (chủ yếu là các NHTM) trong việc thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về phòng ngừa rủi ro trong hoạt động cấp tín dụng của NHTM.
2. Vai trò của pháp luật về phòng ngừa rủi ro trong hoạt động cấp tín dụng của ngân hàng thương mại
Bên cạnh những thuộc tính thể hiện ưu điểm vượt trội so với các biện pháp khác, biện pháp pháp luật còn thể hiện vai trò rất quan trọng đối với phòng ngừa rủi ro trong hoạt động cấp tín dụng của NHTM, cụ thể:
Một là, pháp luật đưa ra những quy định mang tính chất bắt buộc cho các NHTM thực hiện hoạt động cấp tín dụng an toàn, hiệu quả.
Thông qua các quy định của pháp luật, các NHTM biết rõ những hoạt động nào không được thực hiện, những hoạt động nào bị hạn chế thực hiện, những hoạt động nào được khuyến khích thực hiện nhằm bảo đảm an toàn. Như vậy, pháp luật đã tạo lập một “khung” hướng dẫn các NHTM trong hoạt động. Thực vậy, khi các ngân hàng thực hiện nghiệp vụ nhận tiền gửi, cho vay và cung cấp các dịch vụ tài chính khác cho khách hàng, họ phải tiến hành các công việc đó trong một khung pháp lý được xây dựng một cách cẩn trọng để bảo vệ lợi ích của toàn xã hội[5]. Nhìn chung, những hoạt động có tính chất rủi ro rất cao, gây thiệt hại lớn cho các NHTM hoặc có xung đột lợi ích trong NHTM thì pháp luật quy định theo chiều hướng cấm đoán. Chẳng hạn, NHTM không được cấp tín dụng cho thành viên hội đồng quản trị, thành viên hội đồng thành viên... của chính NHTM đó. Bên cạnh đó, pháp luật còn quy định NHTM bị hạn chế thực hiện một số hoạt động có nguy cơ xảy ra rủi ro, muốn bảo đảm an toàn thì cần phải tuân thủ một số quy định ràng buộc. Ví dụ, NHTM không được cấp tín dụng với điều kiện ưu đãi cho kế toán trưởng, kiểm toán viên, thanh tra viên đang làm nhiệm vụ kiểm toán và thanh tra tại NHTM đó.... Ngoài ra, những hoạt động của NHTM có tính an toàn, hiệu quả sẽ được pháp luật khuyến khích thực hiện.
Hai là, pháp luật là công cụ rất hữu hiệu nhằm nâng cao vai trò, trách nhiệm của các NHTM trong phòng ngừa rủi ro.
Mặc dù đã có những bước phát triển vượt bậc về quy mô, loại hình và hiệu quả hoạt động nhưng hệ thống NHTM Việt Nam vẫn còn phải đối mặt với nhiều rủi ro. Các NHTM Việt Nam có năng lực tài chính còn non kém, trình độ kinh doanh còn non yếu, công tác quản lý rủi ro ngân hàng còn lỏng lẻo, chưa thực sự được chú trọng và mang tính chuyên nghiệp[6]. Vì vậy, một yêu cầu mang tính khách quan là các NHTM cần nắm bắt kịp thời những thách thức, rủi ro để tìm ra những giải pháp, công cụ thích hợp nhằm bảo đảm an toàn trong hoạt động. Thế nhưng, thực tế không phải tất cả các NHTM đều có sự quan tâm đến vấn đề này. Chính vì vậy, pháp luật, với những thuộc tính của mình, có vai trò rất quan trọng trong việc tác động, nâng cao vai trò và trách nhiệm của các NHTM trong phòng ngừa rủi ro. Chẳng hạn, việc quy định trách nhiệm của Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên, Ban kiểm soát, Tổng giám đốc, Kiểm toán nội bộ... nhằm duy trì và thực hiện những quy định của pháp luật và chính sách của NHTM về bảo đảm an toàn...
Ba là, pháp luật ghi nhận, phản ánh và thể chế hóa những kinh nghiệm, phương pháp phòng ngừa rủi ro phù hợp và có hiệu quả để áp dụng cho hệ thống NHTM ở Việt Nam.
Trong thời gian vừa qua, pháp luật ngân hàng ở nước ta đã có một số quy định phù hợp với thông lệ chung của quốc tế về bảo đảm an toàn hoạt động ngân hàng như quy định của Ủy ban Basel về tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu của NHTM; phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro, kiểm soát và kiểm toán nội bộ; tiếp thu những kinh nghiệm hay của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) về quản trị ngân hàng hiệu quả.... Việc tiếp thu những kinh nghiệm như vậy là việc làm thiết thực và có ý nghĩa rất lớn trong việc tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam.
Bốn là, pháp luật là phương tiện để nhà nước thực hiện kiểm tra, giám sát an toàn đối với các NHTM, đồng thời phát huy trách nhiệm của NHNN trong phòng ngừa rủi ro hoạt động cấp tín dụng của NHTM.
Những quy định của pháp luật là cơ sở để các NHTM tuân thủ trong quá trình thực hiện các hoạt động của mình. Thông qua những quy định đó, nhà nước còn thực hiện việc kiểm tra, giám sát đối với các NHTM. Bên cạnh đó, pháp luật còn tạo cơ sở để phát huy trách nhiệm của NHNN trong phòng ngừa rủi ro hoạt động cấp tín dụng của NHTM thông qua chức năng quản lý nhà nước về tiền tệ, hoạt động ngân hàng và chức năng ngân hàng trung ương.
3. Yêu cầu của pháp luật về phòng ngừa rủi ro trong hoạt động cấp tín dụng của ngân hàng thương mại
Để đảm bảo cho pháp luật về phòng ngừa rủi ro trong hoạt động cấp tín dụng của NHTM phát huy hiệu lực, hiệu quả trên thực tế và phù hợp với điều kiện của Việt Nam hiện nay, nó cần đáp ứng một số yêu cầu nhất định.
Những yêu cầu chung của pháp luật về phòng ngừa rủi ro trong hoạt động cấp tín dụng của NHTM cũng chính là những yêu cầu trong việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật ở Việt Nam, như: yêu cầu trong việc thể chế hóa đường lối, chính sách của Đảng; yêu cầu trong việc đảm bảo tính toàn diện, thống nhất, phù hợp của pháp luật; yêu cầu trong việc tiếp thu kinh nghiệm nước ngoài, phù hợp với quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam. Bên cạnh đó, những yêu cầu cụ thể có vai trò rất quan trọng trong việc hoàn thiện pháp luật về phòng ngừa rủi ro trong hoạt động cấp tín dụng của NHTM.
a. Pháp luật về phòng ngừa rủi ro trong hoạt động cấp tín dụng của NHTM phải đi đôi với việc tăng cường năng lực cạnh tranh, đảm bảo hiệu quả, phát triển bền vững hoạt động ngân hàng.
Phòng ngừa rủi ro, bảo đảm an toàn hoạt động ngân hàng và năng lực cạnh tranh là hai mặt của một quá trình thống nhất. Trước hết, bảo đảm an toàn hoạt động ngân hàng là điều kiện cho việc nâng cao khả năng cạnh tranh của NHTM. Thực tiễn cho thấy, những NHTM được đánh giá tốt về khả năng quản lý rủi ro sẽ có khả năng cạnh tranh tốt hơn vì được khách hàng ưa chuộng hơn[7]. Đến phần mình, việc tăng cường năng lực cạnh tranh sẽ tạo môi trường và điều kiện cho phòng ngừa rủi ro, bảo đảm an toàn hoạt động ngân hàng. Muốn vậy, pháp luật cần phải được hoàn thiện theo hướng tạo một môi trường cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh, gắn liền với nâng cao năng lực cạnh tranh và phòng ngừa rủi ro trong hoạt động cấp tín dụng của NHTM.
Phòng ngừa rủi ro trong hoạt động cấp tín dụng cũng cần đi đôi với hiệu quả hoạt động ngân hàng. Mặc dù trong ngắn hạn, mục tiêu bảo đảm an toàn và hiệu quả hoạt động dường như là đối lập nhau. Tung Hao Lee và Shu Hwa Chih cho rằng, quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn một cách chặt chẽ sẽ tốt cho sự ổn định ngân hàng, chứ không tốt cho hiệu quả hoạt động của ngân hàng[8]. Tuy nhiên trong dài hạn, hai mục tiêu này lại không quá khác biệt khi tổ chức tín dụng muốn hoạt động hiệu quả và lâu dài[9]. Chính vì vậy, hoàn thiện pháp luật về phòng ngừa rủi ro trong hoạt động cấp tín dụng của NHTM cần lưu ý đến mối quan hệ này. Tránh xu hướng chạy theo lợi nhuận và hiệu quả hoạt động ngân hàng mà ảnh hưởng tới an toàn hoạt động ngân hàng. Đồng thời cũng cần tránh việc “lo lắng thái quá” tới rủi ro mà làm suy giảm hiệu quả và lợi nhuận của các NHTM. Theo chúng tôi, cách tốt nhất là pháp luật nên quy định một mức rủi ro có thể chấp nhận, vì “các nhà lãnh đạo ngân hàng hiện đại hiểu rằng, tối đa hóa lợi nhuận không thể song hành cùng tối thiểu hóa rủi ro, mà là trong phạm vi mức rủi ro tốt nhất mà ngân hàng có thể chấp nhận”[10].
Phòng ngừa rủi ro trong hoạt động cấp tín dụng cần song hành với sự phát triển hoạt động ngân hàng một cách bền vững. Thực tế nền kinh tế thị trường ở nước ta hiện nay cho thấy, hệ thống ngân hàng là đại diện gần như duy nhất của thị trường tài chính đảm nhận chức năng cung cấp vốn cho thị trường bất động sản. Các kênh khác trên thị trường tài chính như thị trường chứng khoán không tham gia cùng với hệ thống ngân hàng[11]. Điều đó cho thấy vai trò của hoạt động ngân hàng trong sự phát triển nền kinh tế ở Việt Nam hiện nay. Vì vậy, hoàn thiện pháp luật về phòng ngừa rủi ro trong hoạt động cấp tín dụng của NHTM cần kết hợp chặt chẽ đến sự phát triển và vai trò của hoạt động ngân hàng đối với nền kinh tế xã hội. Bên cạnh đó, cần phải quan tâm đến sự phát triển bền vững. Nghĩa là, sự phát triển hoạt động ngân hàng đáp ứng được những nhu cầu hiện tại mà không ảnh hưởng, tổn hại đến những khả năng đáp ứng nhu cầu trong tương lai. Chính sách phát triển bền vững tập trung giải quyết vấn đề kết hợp gắn bó chặt chẽ giữa các yếu tố phát triển, nói cách khác đặt các yếu tố phát triển trong mối liên hệ tổng thể, phụ thuộc lẫn nhau, là điều kiện của nhau, đảm bảo không tách rời, biệt lập các yếu tố đó[12]. Dựa vào những kinh nghiệm của khủng hoảng tài chính thế giới những năm gần đây, Roland Benediker cho rằng, cần xây dựng hệ thống ngân hàng theo mô hình những “ngân hàng xã hội” (Social banking), với ba đặc trưng cơ bản là trách nhiệm với cộng đồng, sự minh bạch và bền vững[13]. Đây có thể xem là bài học kinh nghiệm cho Việt Nam trong quá trình hoàn thiện pháp luật ngân hàng.
b. Pháp luật về phòng ngừa rủi ro trong hoạt động cấp tín dụng của NHTM cần phải dự liệu được những rủi ro, hậu quả của nó và đưa ra những giải pháp phòng ngừa rủi ro trong hoạt động cấp tín dụng của NHTM
Bản chất của phòng ngừa rủi ro là ngăn ngừa, tránh được rủi ro và hậu quả của rủi ro xảy ra. Vậy nên yêu cầu đầu tiên của pháp luật là cần dự liệu được những rủi ro và hậu quả của nó. Không thể xây dựng được pháp luật phòng ngừa rủi ro có hiệu quả khi pháp luật đó không xác định (nhận dạng) và không đo lường (định lượng) được rủi ro. Trên thực tế, các nghiệp vụ ngân hàng luôn vận động và thay đổi không ngừng nên pháp luật về phòng ngừa rủi ro cũng cần có sự thay đổi (sửa đổi, bổ sung) cho phù hợp. Có quan điểm cho rằng, sự phát triển của hệ thống ngân hàng bất kỳ quốc gia nào cũng không tránh khỏi những giai đoạn khó khăn, khủng hoảng. Đó chính là dấu hiệu cho thấy sự phát triển của hệ thống ngân hàng và các thể chế chính sách đi kèm đã không còn phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế; và đã đến thời điểm nó cần phải trải qua những cải tiến, đổi mới[14]. Để tránh trường hợp pháp luật thay đổi “chóng mặt” thì nhà làm luật cần xây dựng quy trình lập pháp công khai, minh bạch và có tính dự báo. Bên cạnh đó, pháp luật cũng cần đưa ra những giải pháp phù hợp để phòng ngừa rủi ro trong hoạt động cấp tín dụng của NHTM. Đây vừa là một yêu cầu, vừa là mục tiêu của pháp luật.
c. Pháp luật về phòng ngừa rủi ro trong hoạt động cấp tín dụng của NHTM phải đảm bảo quyền tự do kinh doanh của NHTM
Quyền tự do kinh doanh, theo nghĩa chủ quan, là khả năng hành động một cách có ý thức của cá nhân hay pháp nhân trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh. Theo nghĩa khách quan, nó là hệ thống các quy phạm pháp luật và những bảo đảm pháp lý do nhà nước ban hành, nhằm tạo điều kiện cho các cá nhân hay pháp nhân thực hiện quyền của mình[15]. Phòng ngừa rủi ro và quyền tự do kinh doanh có mối liên hệ biện chứng với nhau. Trước hết, phòng ngừa rủi ro là tiền đề để quyền tự do kinh doanh được thực hiện trên thực tế. Sẽ không thể có quyền tự do kinh doanh khi chủ thể thực hiện quyền đó luôn phải đối phó với những rủi ro đang rình rập, khắc phục những thiệt hại đã xảy ra. Đến phần mình, quyền tự do kinh doanh có tác động tích cực đến hoạt động phòng ngừa rủi ro. Chỉ khi nào doanh nghiệp có quyền tự do kinh doanh, thì họ mới có thể chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa rủi ro hiệu quả và phù hợp. Cũng cần lưu ý là, phòng ngừa rủi ro và quyền tự do kinh doanh có thể tác động theo chiều hướng bất lợi cho nhau nếu chúng được quy định một cách lạm dụng và không phù hợp.
Như vậy, pháp luật về phòng ngừa rủi ro cần phải gắn liền với việc quy định về quyền tự do kinh doanh. Đây là yêu cầu đề ra mang tính khách quan trong quá trình hoàn thiện pháp luật ngân hàng. Đồng thời, yêu cầu đó xuất phát từ việc, trên thực tế, nhà nước có thể sử dụng pháp luật để hạn chế một cách quá đáng hoặc không ghi nhận quyền tự do của công dân[16]. Để thực hiện yêu cầu này, nhà làm luật phải đánh giá được các biện pháp phòng ngừa rủi ro có ảnh hưởng đến quyền tự do kinh doanh hay không, nếu có thì mức độ ảnh hưởng như thế nào. Đồng thời là xem xét tác động ngược trở lại của quyền tự do kinh doanh đối với phòng ngừa rủi ro.
d. Pháp luật về phòng ngừa rủi ro phải đảm bảo sự điều tiết hợp lý của nhà nước đối với NHTM
Sự điều tiết hợp lý của nhà nước đối với các NHTM là một vấn đề pháp lý quan trọng hiện nay, vì đối với bất cứ quốc gia nào lựa chọn con đường chuyển đổi nền kinh tế từ cơ chế kế hoạch hóa tập trung sang cơ chế thị trường cũng đều gặp phải vấn đề xác định giới hạn can thiệp của nhà nước vào quá trình kinh tế như thế nào cho hợp lý[17]. Sự điều tiết của nhà nước lại càng trở nên quan trọng và có ý nghĩa đối với hoạt động ngân hàng, lĩnh vực luôn chứa đựng sự rủi ro. 
Theo chúng tôi, sự điều tiết hợp lý của nhà nước đối với hoạt động của NHTM nói chung và phòng ngừa rủi ro trong hoạt động cấp tín dụng nói riêng được thực hiện thông qua các nội dung như sau:
- Một là, Nhà nước chỉ can thiệp vào hoạt động phòng ngừa rủi ro của các NHTM ở tầm vĩ mô, nghĩa là thông qua việc xây dựng hệ thống pháp luật hoàn chỉnh, đồng bộ và phù hợp, tạo cơ sở pháp lý an toàn và hiệu quả cho việc xây dựng và thực hiện hoạt động phòng ngừa rủi ro trong hoạt động cấp tín dụng của NHTM. Bằng pháp luật, Nhà nước có một công cụ hiệu quả nhất, phổ biến nhất nhằm điều tiết hợp lý phòng ngừa rủi ro hoạt động của NHTM.
- Hai là, Nhà nước cần tác động đến phòng ngừa rủi ro trong hoạt động cấp tín dụng của NHTM thông qua việc quy định và đề cao vai trò, trách nhiệm của NHNN trong bảo đảm an toàn hoạt động ngân hàng. Điều đó nghĩa là, thông qua các công cụ thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia và thanh tra giám sát, NHNN sẽ tác động tích cực đến phòng ngừa rủi ro, bảo đảm an toàn hoạt động của NHTM. Thông qua NHNN, Nhà nước có một thiết chế quan trọng nhất để tác động đến hoạt động của các NHTM, trong đó có hoạt động phòng ngừa rủi ro.
- Ba là, Nhà nước cần tác động đến phòng ngừa rủi ro trong hoạt động cấp tín dụng của NHTM thông qua việc hoạch định và thực hiện các chiến lược, kế hoạch, đề án có liên quan đến hoạt động của NHTM nói chung và hoạt động phòng ngừa rủi ro nói riêng. Trên thực tế, Nhà nước ta đã ban hành Đề án phát triển ngành ngân hàng Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020, ban hành kèm theo Quyết định số 112/2006/QĐ-TTg ngày 24/5/2006 của Thủ tướng Chính phủ và Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011 – 2015, ban hành kèm theo Quyết định số 254/QĐ-TTg ngày 01/3/2012 của Thủ tướng Chính phủ. Đây là những đề án lớn, bao quát, có tầm nhìn lâu dài. Chính vì vậy, pháp luật về phòng ngừa rủi ro trong hoạt động cấp tín dụng của NHTM cần có sự liên hệ với những chủ trương, chính sách trong các đề án này.
- Bốn là, Nhà nước cần tác động đến phòng ngừa rủi ro trong hoạt động cấp tín dụng của NHTM thông qua việc quy định trách nhiệm cụ thể của các NHTM trong hoạt động phòng ngừa rủi ro. Bởi vì, bảo đảm an toàn hoạt động của NHTM trước hết và quan trọng nhất là trách nhiệm của các NHTM. Nhà nước cam kết chịu trách nhiệm trước xã hội và các chủ thể kinh tế về sự an toàn trong môi trường pháp lý, môi trường kinh doanh do Nhà nước tạo lập, còn trách nhiệm kinh tế về kết quả kinh doanh thì phải được chuyển giao cho các chủ thể kinh tế tự chịu trách nhiệm[18]. Để thực hiện được yêu cầu này, Nhà nước cần tạo hành lang pháp lý cho các NHTM bảo đảm an toàn hoạt động của mình thông qua các cách thức như: (i) Quy định của pháp luật về phòng ngừa rủi ro; (ii) Quy định của pháp luật hợp đồng, vì pháp luật hợp đồng tạo cho các bên cơ hội đàm phán và thiết lập các quyền về tài sản; pháp luật hợp đồng càng tin cậy và có hiệu lực, thì rủi ro cho giao dịch càng giảm[19]; (iii) Quy định về các biện pháp bảo đảm cho NHTM thực thi các quy định của pháp luật như thanh tra, giám sát ngân hàng; (iv) Quy định các thiết chế thực thi và bảo vệ pháp luật có hiệu quả như đội ngũ nhân sự, cơ quan tư pháp...
Tóm lại, pháp luật về phòng ngừa rủi ro trong hoạt động cấp tín dụng của NHTM là nội dung quan trọng trong hệ thống pháp luật. Nghiên cứu về bản chất, vai trò và các yêu cầu của pháp luật về phòng ngừa rủi ro trong hoạt động cấp tín dụng của NHTM sẽ là cơ sở cho việc tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện pháp luật về bảo đảm an toàn hoạt động ngân hàng cũng như hoàn thiện pháp luật hiện nay ở Việt Nam./.

 


[1] GS.TS Lê Minh Tâm, “Pháp luật - yếu tố quan trọng bảo đảm tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững”, Tạp chí Luật học, số, tr 39.
[2] Ngô Quốc Kỳ (2003), Hoàn thiện pháp luật điều chỉnh hoạt động của ngân hàng thương mại trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam, Luận án TS, Trường Đại học Luật Hà Nội, tr. 40.
[3] Nguyễn Văn Tuyến (2005), Giao dịch thương mại của ngân hàng thương mại trong điều kiện kinh tế thị trường ở Việt Nam, Nxb. Tư pháp, Hà Nội, tr. 196.
[4] Nguyễn Cửu Việt (chủ biên), (2001), Giáo trình lý luận chung về nhà nước và pháp luật, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, tr 220.
[5] Trương Quang Thông (2010), Quản trị ngân hàng thương mại, Nxb. Tài chính, tr. 35.
[6] Lê Thị Huyền Diệu, “Mô hình tập đoàn tài chính - sự hướng đến của các ngân hàng thương mại Việt Nam”, Tạp chí Ngân hàng, số 6/2006, tr. 19.
[7] Trần Vũ Hải (Chủ biên) (2010), Giáo trình Luật Ngân hàng Việt Nam, NXB Giáo dục Việt Nam, tr 228.
[8] Tung-Hao Lee and Shu-Hwa Chih, “Does financial regulation affect the profit efficiency and risk of banks? Evidence from China’commercial banks”, North American Journal of economics and finance, 2013.
[9] Trần Vũ Hải (Chủ biên, 2010), tlđd, tr. 226.
[10] Lê Thị Huyền Diệu (2010), Luận cứ khoa học về xác định mô hình quản lý rủi ro tín dụng tại hệ thống NHTM Việt Nam, Luận án TS, Học viện Ngân hàng, Hà Nội, tr. 26.
[11] Nguyễn Văn Vân, “Cơ chế pháp lý khơi thông nguồn vốn từ thị trường tài chính cho thị trường bất động sản”, Tạp chí Khoa học pháp lý, số 3/2012, tr. 53.
[12] Trần Thái Dương, “Xây dựng chính sách pháp luật theo quan điểm phát triển bền vững”, Tạp chí Nhà nước và Pháp luật, số 2/2009, tr. 6.
[13] Roland Benediker, “European answers to the Financial Crisis: Social Banking and Social Finance”, website http://spice.standford.edu, 2011.
[14] Nguyễn Thị Kim Thanh, “Tổng quan về tái cơ cấu hệ thống tài chính tiền tệ”, xem trong: http://ecna.gov.vn/ct/ht/Lists/BaiViet/Attachments/155/Nguyen%20Thi%20Kim%20Thanh.pdf. (truy cập ngày 15/10/2013).
[15] Bùi Ngọc Cường (2004), Một số vấn đề về quyền tự do kinh doanh trong pháp luật kinh tế hiện hành ở Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 19,20.
[16] Bùi Xuân Hải, “Tự do kinh doanh: một số vấn đề lý luận và thực tiễn”, Tạp chí Nhà nước và Pháp luật, số 5/2011, tr. 69.
[17] Nguyễn Văn Tuyến, “Xác định giới hạn can thiệp của nhà nước đối với giao dịch thương mại của ngân hàng thương mại trong điều kiện kinh tế thị trường ở Việt Nam”, Tạp chí Nhà nước và Pháp luật, số 11/2003, tr. 17.
[18] Nguyễn Văn Tuyến (2005), tlđd, tr. 195.
[19] Phạm Duy Nghĩa (2009), Giáo trình Luật kinh tế, tái bản lần 1, NXB Công an nhân dân, Hà Nội, tr 48. 

(Nguồn tin: Bài viết đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu lập pháp số 2(282), tháng 1/2015)