Chứng khoán hóa quyền sở hữu trí tuệ

01/10/2013

ThS. VŨ ANH THƯ

Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà nội

Chứng khoán hóa (securitisation - CKH) được biết đến như là một nguồn hỗ trợ tài chính để huy động vốn từ các nhà đầu tư (NĐT) thông qua việc phát hành chứng khoán nợ có bảo đảm bằng tài sản bảo đảm (asset-backed securities). Đối với việc cho vay truyền thống của ngân hàng, các tài sản bảo đảm được sử dụng cho các khoản vay thường là tài sản hữu hình đang có hoặc sẽ được hình thành trong tương lai, bao gồm bất động sản và động sản. Tuy nhiên, các công ty có ít tài sản hữu hình nhưng có tiềm năng về tài sản sở hữu trí tuệ (là một trong các loại tài sản vô hình) sẽ gặp nhiều khó khăn với cách cho vay truyền thống này của ngân hàng vì họ không có đủ sự tin cậy về khả năng trả nợ cũng như không có khả năng để chuyển đổi các danh mục tài sản sở hữu trí tuệ (TSSHTT) thành tiền mặt thay thế. Để khắc phục cản trở nói trên, ở một số nước trên thế giới, việc phát hành chứng khoán trên cơ sở có bảo đảm bằng dòng tiền thu từ việc bán hoặc cấp quyền sử dụng (li-xăng) TSSHTT đã được hình thành và phát triển (IP-backed securitisation). Bài viết giới thiệu một số đặc điểm chính của các giao dịch CKH quyền sở hữu trí tuệ (QSHTT) đã được thực hiện đối với quyền tác giả và quyền sở hữu công nghiệp ở một số nước như Mỹ và châu Âu, để Việt Nam có thể xem xét khả năng áp dụng CKH QSHTT.
Untitled_432.png
Ảnh minh họa: nguồn internet
1. Khái niệm về chứng khoán hóa
CKH là một phương thức huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu tại thị trường thứ cấp được bảo đảm bằng dòng tiền thu được từ một loạt tài sản như danh mục tài sản thế chấp, các khoản phải thu từ bán ga và dầu, tiền cho thuê máy bay hoặc bất động sản, các khoản phải thu từ thẻ tín dụng, xuất khẩu hàng hóa, phí đường bộ, các khoản vay mua nhà, các khoản phải thu từ hoạt động thương mại v.v.. Nói cách khác, CKH sẽ đưa đến chứng khoán nợ[1] mà khoản tiền gốc và lãi của khoản nợ được bảo đảm thanh toán bằng các tài sản tài chính hoặc phi tài chính hoặc các khoản thu nhập trong tương lai[2]. CKH là một quy trình diễn ra rất lâu và phức tạp, nó đòi hỏi phải tiến hành nhiều bước trước khi chứng khoán được bảo đảm bởi tài sản gốc có thể được phát hành ra thị trường thứ cấp và bảo đảm có tỷ lệ hoàn vốn hấp dẫn cho  NĐT. Quy trình này bao gồm việc lựa chọn tài sản, thiết lập một công ty chuyên biệt về CKH (Special Purpose Vehicle - SPV), chuyển giao tài sản cho SPV và phát hành trái phiếu cho NĐT[3]:
a) Lựa chọn tài sản để chứng khoán hóa
Quy trình CKH được bắt đầu bằng việc lựa chọn tài sản để CKH. Thông thường các tài sản được nhóm lại thành các danh mục đầu tư với những tiêu chí cụ thể để cho phép nhận dạng và ước lượng được những rủi ro cũng như khoản thu kỳ vọng. Các nhóm tài sản được CKH có thể bao gồm loại tài sản tài chính riêng lẻ với đặc điểm chung là có dòng tiền thu được ngay hoặc trong tương lai. Khi gộp chung các tài sản lại thì nhóm tài sản trở nên đồng nhất hơn và rủi ro vì vỡ nợ tín dụng được phân tán cho tất cả các tài sản bởi vì lợi ích có được từ tài sản có thể bù đắp cho các khoản lỗ phải chịu do không trả hết nợ. Các tài sản này phải phát sinh nguồn thu nhập đều đặn và có thể dự đoán để nhằm đảm bảo cho việc trả nợ vay gốc và lãi. Sự đa dạng hóa rủi ro là một trong những yếu tố thuận lợi chính của CKH nhằm đảm bảo có được một công cụ đầu tư an toàn. Khi một nhóm tài sản thích hợp có dấu hiệu của các đặc điểm trên được xác định thì chủ sở hữu ban đầu của tài sản (Originator  - Chủ sở hữu) sẽ tách riêng nhóm tài sản đó và chuẩn bị chuyển giao tài sản cho SPV theo một hình thức được gọi là "mua bán thực tế" (True sale). Theo Luật Phá sản của Mỹ, mua bán thực tế có nghĩa là việc chuyển giao toàn bộ và dứt điểm các tài sản (bao gồm cả các quyền, quyền sở hữu, các lợi ích có trong tài sản) của Chủ sở hữu cho SPV để cho tài sản không còn thuộc sở hữu của Chủ sở hữu nữa và việc cấp khoản vay sẽ không còn là khoản nợ phải trả của Chủ sở hữu trên phương diện kế toán, phá sản hay các quy định về thuế. Mua bán thực tế sẽ loại bỏ tài sản được bán và các rủi ro đi kèm ra khỏi bảng cân đối kế toán của Chủ sở hữu và được ghi nhận là tài sản ngoại bảng của SPV. Nếu việc chuyển giao tài sản được xem là mua bán thực tế[4] thì SPV sẽ có quyền sở hữu tài sản và trong trường hợp Chủ sở hữu mất khả năng thanh toán thì các chủ nợ của họ không được cho phép khởi kiện để đòi tài sản đã được chuyển giao hợp pháp cho SPV. Nếu việc chuyển giao tài sản không được công nhận là mua bán thực tế thì giao dịch đó có thể được xem là khoản vay có bảo đảm (secured loan) được SPV cấp cho Chủ sở hữu.
b) Thành lập công ty chuyên biệt về chứng khoán hóa
SPV được Chủ sở hữu thành lập nhằm thực hiện một mục đích đặc biệt là mua tài sản của chính họ để thực hiện việc CKH và tách biệt tài sản khỏi bảng cân đối kế toán của Chủ sở hữu. SPV là một pháp nhân sở hữu và quản lý quỹ một cách độc lập so với Chủ sở hữu, mặc dù Chủ sở hữu vẫn có thể thay mặt SPV quản lý danh mục tài sản đó. SPV sẽ không có bất kỳ người lao động, tài sản hoặc các khoản nợ nào ngoại trừ những cái được dự tính trong các giao dịch CKH. Nó được xem là một mô hình đơn độc và tách biệt hẳn với Chủ sở hữu (Orphan Vehicle) và không chịu ảnh hưởng bởi rủi ro phá sản (Bankruptcy Remote) từ việc phá sản của Chủ sở hữu. Nói cách khác, tất cả các bên liên quan nhất trí là không đệ đơn yêu cầu phá sản SPV và không tiến hành bất kỳ thủ tục tố tụng nào chống lại chính SPV. SPV không được tham gia vào bất kỳ hoạt động nào ngoại trừ sở hữu và kinh doanh tài sản được CKH, và phát hành chứng khoán cho NĐT. Tiền thu được từ việc phát hành chứng khoán sẽ được sử dụng để trả cho khoản phải thu (Receivable) của Chủ sở hữu sau khi có sự mua bán thực tế tài sản.
c) SPV phát hành chứng khoán bảo đảm bằng tài sản cho Nhà đầu tư
Sau khi Chủ sở hữu tiến hành việc chuyển giao tài sản cho SPV, SPV sẽ phát hành chứng khoán bảo đảm bằng chính tài sản đó cho các NĐT để có được một nguồn tài chính trả nợ cho Chủ sở hữu. NĐT sẽ mua trái phiếu với điều kiện là họ không bị rủi ro và có thể có được khoản lợi nhuận hấp dẫn dựa vào dòng tiền thu được từ nhóm tài sản CKH. Nhóm tài sản này luôn phải phát sinh nguồn thu nhập đều đặn và có thể dự đoán được để thanh toán khoản tiền gốc và lãi đến hạn cho NĐT. Vì tính chất không phải chịu rủi ro phá sản của SPV nên khi xem xét việc mua trái phiếu, NĐT chỉ quan tâm đến dòng tiền mà SPV thu được từ tài sản CKH chứ không quan tâm đến khả năng trả nợ của Chủ sở hữu.
Đối với Chủ sở hữu, thông qua việc thành lập SPV và CKH tài sản, họ có thể có được một số lợi ích sau đây[5]:
- Thứ nhất, với việc chuyển giao tài sản cho SPV, CKH làm tăng khả năng thanh toán của Chủ sở hữu bằng việc cho phép họ tiếp cận được nguồn thu nhập trong tương lai bằng tiền mặt ngay lập tức. Do đó, sau khi được SPV thanh toán tiền từ các nguồn thu của phát hành trái phiếu, Chủ sở hữu có thể thanh toán các khoản nợ đến hạn và rót vốn vào tái đầu tư, nghiên cứu hoặc mua bán cổ phiếu và các kế hoạch kinh doanh khác bằng việc gia tăng dòng tiền cho kế hoạch ngắn hạn hoặc dài hạn. Bên cạnh đó, trên phương diện kế toán, trong một giao dịch CKH được cấu trúc hợp lý, khi Chủ sở hữu chuyển giao tài sản và các rủi ro không thanh toán kèm theo cho SPV thì có nghĩa là những rủi ro này sẽ không còn là khoản nợ ngẫu nhiên trong bảng cân đối kế toán của Chủ sở hữu. Hơn nữa, việc chuyển giao tài sản CKH sẽ xóa bỏ nhu cầu duy trì vốn dự trữ trong bảng cân đối tài sản của Chủ sở hữu để bảo đảm chống lại các rủi ro của việc không thanh toán. Từ đó, cho phép Chủ sở hữu tập trung vốn vào các mục đích kinh doanh có hiệu quả hơn và gia tăng khả năng thanh khoản;
- Thứ hai, Chủ sở hữu có được mức xếp hạng tín nhiệm để tìm được nguồn tài chính với mức lãi suất thấp hơn là các khoản vay truyền thống. Với sự tham gia của tổ chức định mức tín nhiệm trong quá trình thực hiện CKH sẽ giúp cho Chủ sở hữu có thể gia tăng tín nhiệm bằng thư tín dụng của bên thứ ba hoặc cấp bảo đảm bằng tài sản được chuyển giao cho SPV có giá trị lớn hơn số tiền mà SPV đi vay (over-collateralization) để tạo cho tài sản được CKH ổn định hơn, từ đó gia tăng chất lượng của chứng khoán. Do vậy, với mức xếp hạng tín nhiệm cao cùng với chi phí vay thấp sẽ giúp cho các giao dịch CKH có hiệu quả kinh tế;
- Thứ ba, CKH tạo ra sự đa dạng đối với việc lựa chọn nguồn tài chính cho những công ty khó có khả năng tiếp cận thị trường vốn theo cách truyền thống. CKH sẽ giúp cho một công ty có thể gom các tài sản thành một nhóm có cùng đặc điểm, giúp dễ dàng định giá và có hoạt động hiệu quả hơn. Vì vậy, CKH cho phép công ty có những khoản phải thu đáng kể có thể tham gia vào thị trường bằng việc cung cấp cho công ty những cách thức có sẵn và có khả năng lựa chọn để gia tăng vốn.
CKH đóng vai trò quan trọng khi nó tạo điều kiện cho các công ty khả năng tiếp cận với nguồn tín dụng trong khi hạn chế được các rủi ro cho các tổ chức tài chính, nó cũng giúp cho nhà phát hành trái phiếu có được những ưu đãi nhất định về thuế và tạo ra tiềm năng có được một khoản thu lớn cho NĐT.
2. Chứng khoán hóa quyền sở hữu trí tuệ
Cũng giống như các tài sản có giá trị khác, QSHTTđược ghi nhận là tài sản tài chính vì chúng đem lại cho Chủ sở hữu quyền độc quyền thu các khoản phí bản quyền, tạo ra một dòng doanh thu ổn định trong tương lai thông qua việc chuyển nhượng hoặc cấp li-xăng TSSHTT cho một số dịch vụ hoặc sản phẩm mà Chủ sở hữu đăng ký quyền sở hữu. Với đặc điểm là Chủ sở hữu TSSHTT có thể ngăn cản không cho phép người khác được sử dụng hoặc sao chép các đối tượng sở hữu trí tuệ của họ, cho nên QSHTT có thể đem lại cho Chủ sở hữu những lợi thế kinh doanh đáng kể bằng việc tạo ra những sản phẩm có lợi nhuận lớn. Vì thế QSHTT dưới dạng là tài sản vô hình đóng góp một vai trò quan trọng trong quá trình tìm nguồn vốn của các công ty. Từ những năm 1990 của thế kỷ XX đến nay, một phần lớn giá trị thị trường của các công ty hàng đầu thế giới đều được tạo bởi giá trị tài sản vô hình như TSSHTT. Nhiều công ty ở Mỹ và châu Âu đã thành công trong việc quản lý và khai thác TSSHTT như bằng sáng chế, nhãn hiệu hàng hóa, quyền tác giả trong các ngành công nghiệp giải trí, phần mềm và sản phẩm tiêu dùng, dược phẩm, công nghệ sinh học v.v.. và QSHTT đã được sử dụng làm tài sản bảo đảm cho các khoản vay cũng như thực hiện CKH. Chúng tôi tập trung phân tích các đặc điểm của CKH QSHTT.
a) Tài sản sở hữu trí tuệ        
Đối tượng của CKH QSHTT chủ yếu là quyền tác giả của các tác phẩm văn học - nghệ thuật, khoa học và bằng sáng chế hoặc giấy chứng nhận đăng ký của các đối tượng sở hữu công nghiệp (sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, giải pháp hữu ích, nhãn hiệu hàng hóa, giống cây trồng, mạch tích hợp bán dẫn bí quyết công nghệ…).
b) Đặc trưng của chứng khoán hóa quyền sở hữu trí tuệ
Khi QSHTT được xác định là một quyền có tính chất độc quyền dành cho Chủ sở hữu để loại trừ người khác sử dụng không xin phép và không trả tiền những đối tượng sở hữu công nghiệp đã được cấp bằng sáng chế hoặc giấy chứng nhận đăng ký hoặc các tác phẩm văn học - nghệ thuật, khoa học đã được công nhận bản quyền. Dưới góc độ tài chính, QSHTT được xem là một quyền tài sản chứa đựng một nguồn thu nhập tiềm năng khi Chủ sở hữu thực hiện việc li-xăng hoặc chuyển nhượng TSSHTT của mình cho người khác và đổi lại, Chủ sở hữu có được một khoản phí bản quyền định kỳ trong thời hạn li-xăng theo thỏa thuận của các bên trong hợp đồng. Trong trường hợp CKH, Chủ sở hữu sẽ phải chuyển giao cho SPV quyền thu phí bản quyền trong tương lai của mình đối với TSSHTT sẽ được li-xăng. Nhưng để có được một khoản tài chính nhất định thanh toán Chủ sở hữu thì SPV sẽ nhóm các quyền được nhận các phí bản quyền từ các hợp đồng li-xăng thành tài sản bảo đảm và phát hành chứng khoán dưới hình thức trái phiếu với một mức lãi suất cố định trong một thời gian nhất định cho NĐT tại thị trường thứ cấp. Trái phiếu được phát hành sẽ tạo ra nghĩa vụ nợ của SPV và được hoàn trả cho NĐT từ dòng tiền thu được đều đặn theo định kỳ từ phí bản quyền từ hợp đồng li-xăng giữa Chủ sở hữu với các bên được cấp li-xăng. Sau khi SPV thanh toán hết tiền gốc và lãi cho NĐT khi trái phiếu đến hạn thanh toán thì tài sản đảm bảo sẽ được giải chấp và quyền thu phí bản quyền sẽ được trả lại cho Chủ sở hữu[6]. Đó là lý do tại sao CKH QSHTT được bắt đầu với khoản vay không truy đòi (non-recourse loan) đối với người nhận tiền bản quyền trong đó QSHTT được sử dụng làm tài sản bảo đảm.
Nếu Chủ sở hữu QSHTT cấp li-xăng không độc quyền cho nhiều người cùng một lúc và không bị hạn chế về phạm vi không gian lãnh thổ thì nguồn thu nhập từ TSSHTT càng lớn. Giá trị của trái phiếu do SPV phát hành sẽ được xác định dựa trên khoản doanh thu phí bản quyền trong tương lai có thể thu được chứ không dựa vào mức độ tín nhiệm của Chủ sở hữu. Cho nên về bản chất, quy trình CKH QSHTT tập trung vào chất lượng của dòng tiền bản quyền được sử dụng làm tài sản đảm bảo. Việc thanh toán tiền bản quyền từ các bên được cấp li-xăng sẽ phải là một nguồn thu đáng kể và có thể dự liệu trước để tổ chức đại lý phát hành và NĐT được đảm bảo rằng trái phiếu phát hành trên cơ sở các khoản thanh toán sẽ được hoàn trả đầy đủ. Sự đảm bảo này cho phép tổ chức định mức tín nhiệm đánh giá tài sản đảm bảo ở mức tín nhiệm cao, kéo theo mức độ gia tăng tín dụng cũng được cấp. Đối với NĐT và các tổ chức đại lý phát hành, khoản tiền bản quyền trong tương lai phải thu của SPV là điều kiện tiên quyết để phân tích nguồn thu nhập tương lai và định giá trái phiếu hợp lý. Do quá trình CKH tạo ra một lịch biểu thanh toán lãi suất cố định nên nó giúp cho công ty có thể dự đoán được các khoản chi trong tương lai. Nhiều công ty sản xuất có nguồn vốn hạn hẹp sẽ rất khó khăn khi tiến hành sản xuất các sản phẩm có sử dụng các sáng chế đã được cấp bằng và tiến hành các hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D). Do vậy, việc sử dụng các dòng tiền dự đoán trước để mời gọi các NĐT mua trái phiếu có thể giúp cho các công ty sản xuất lấp được khoảng trống giữa các ý tưởng với việc đưa các sáng chế ra thị trường. Nhờ đó, các nhà sản xuất có thể nhận ngay được một khoản tiền thay vì phải đợi thanh toán phí bản quyền định kỳ trong tương lai từ bên được cấp li-xăng. Khoản tiền này sẽ giúp cho họ tiếp tục hoạt động R&D, phát triển sản phẩm, hỗ trợ chi phí tiếp thị sản phẩm ra thị trường v.v..
c) Một số vấn đề cần lưu ý khi thực hiện chứng khoán hóa quyền sở hữu trí tuệ
- Thứ nhất, chuyển giao quyền thu phí bản quyền
Điều kiện tiên quyết để Chủ sở hữu TSSHTT có thể chuyển giao quyền thu phí bản quyền cho SPV là: trước hết, Chủ sở hữu phải tiến hành các thủ tục nộp đơn xin cấp bằng sáng chế hoặc giấy chứng đăng ký đối với các đối tượng sở hữu công nghiệp tại cơ quan đăng ký sáng chế và nhãn hiệu hàng hóa ở một quốc gia nhất định hoặc Chủ sở hữu phải chứng minh mình được công nhận là quyền tác giả đối với các tác phẩm văn học - nghệ thuật, khoa học. Về mặt pháp lý, Chủ sở hữu TSSHTT sẽ chỉ được công nhận QSHTT đối với một TSSHTT nhất định khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền của một quốc gia công nhận[7] và QSHTT đó sẽ chỉ có hiệu lực trong một phạm vi lãnh thổ quốc gia đó, nơi đăng ký quyền sở hữu công nghiệp hoặc nơi phát sinh quyền tác giả, trừ trường hợp điều ước quốc tế mà quốc gia là thành viên đó có quy định khác. Thứ hai, Chủ sở hữu QSHTT đồng ý cấp li-xăng cho phép người khác sử dụng TSSHTT của mình, qua đó, đảm bảo Chủ sở hữu sẽ có nguồn thu nhập bản quyền trong tương lai chuyển giao cho SPV.
- Thứ hai, lập danh mục TSSHTT
Nếu SPV chỉ thực hiện CKH một TSSHTT riêng lẻ, ví dụ như sáng chế hoặc giải pháp hữu ích, hoặc một nhãn hiệu hàng hóa hoặc một tác phẩm thì NĐT có thể xem đó là rủi ro mạo hiểm. Rủi ro đầu tư cũng xuất hiện khi TSSHTT là loại tài sản mới được sáng tạo và chưa có thời gian thử nghiệm thực tế. Để làm giảm những rủi ro này cho NĐT và để việc phát hành chứng khoán có thể hấp dẫn NĐT thì Chủ sở hữu có thể nhóm các TSSHTT kèm theo QSHTT của mình thành một danh mục tài sản cơ bản để chuyển giao cho SPV thực hiện CKH. Danh mục QSHTT sẽ làm gia tăng giá trị của từng tài sản riêng lẻ do sự cộng hưởng giá trị. Đồng thời với một danh mục QSHTT lớn thì Chủ sở hữu sẽ có nhiều đặc quyền hơn để loại bỏ được đa số đối thủ cạnh tranh trên thị trường, do vậy khả năng thu được tiền bản quyền càng lớn vì đối tượng mục tiêu để NĐT hướng đến chính là dòng tiền bản quyền thu được. Chủ sở hữu tiến hành đăng ký bảo hộ cho TSSHTT của mình ở nhiều quốc gia thì khả năng có được sự độc quyền QSHTT càng lớn và khả năng cấp li-xăng cũng nhiều hơn. Cho nên việc xác định đúng mối quan hệ cấp li-xăng QSHTT của Chủ sở hữu với quyền của các bên thứ ba là rất cần thiết để xác định được giá trị của tài sản bảo đảm khi thực hiện CKH. 
- Thứ ba, thực thi QSHTT
CKH QSHTT khác với CKH được bảo đảm bằng tài sản hữu hình khác vì tính chất vô hình của TSSHTT, cho nên chủ sở hữu QSHTT có một quyền rất khác so với chủ sở hữu tài sản hữu hình. Như đã trình bày ở trên, lợi ích mà Chủ sở hữu QSHTT không nằm ở bản thân TSSHTT mà là quyền độc quyền để loại bỏ người khác khỏi việc sử dụng, sao chép hoặc chế tạo bất hợp pháp những sản phẩm hoặc cung cấp các dịch vụ chứa đựng các yếu tố sở hữu trí tuệ tương tự hoặc có khả năng gây nhầm lẫn với những TSSHTT của Chủ sở hữu đã được đăng ký bảo hộ hoặc được công nhận bản quyền trong một phạm vi lãnh thổ nhất định. Một điểm cần phân biệt ở đây là sự khác nhau giữa quyền của Chủ sở hữu trong các văn bằng bảo hộ và quyền đối với TSSHTT. Về mặt pháp lý, pháp luật cho phép, bằng việc nắm giữ văn bằng bảo hộ, Chủ sở hữu có quyền để chống lại các bên thứ ba vi phạm QSHTT của mình trong thời hạn độc quyền được ghi nhận trong văn bằng bảo hộ đối tượng sở hữu công nghiệp hoặc trong thời hạn bảo hộ quyền tác giả theo quy định của pháp luật. Nhưng trên thực tế, các bên thứ ba có thể có hành vi vi phạm như sao chép TSSHTT, làm hàng nhái nhãn hiệu mà Chủ sở hữu QSHTT không biết. Chính vì nguyên nhân này mà NĐT đăng ký mua trái phiếu có thể bị nhầm lẫn khi đánh giá giá trị TSSHTT. Sự vi phạm QSHTT có thể được xem là một rủi ro pháp lý đối với NĐT vì nó có khả năng gây ra tranh chấp, kiện tụng kéo dài, làm giảm sút giá trị đầu tư. Ngoài ra, nếu Chủ sở hữu không gia hạn văn bằng bảo hộ thì QSHTT của Chủ sở hữu đương nhiên mất hiệu lực, đây cũng là rủi ro vì TSSHTT không còn giá trị nên hậu quả là NĐT bị tước mất toàn bộ giá trị đầu tư vào trái phiếu. Một điểm cần lưu ý nữa là rủi ro phát sinh trong trường hợp bên được cấp li-xăng bị phá sản, cơ quan quản lý có thể hủy bỏ hợp đồng li-xăng; hoặc trường hợp bên được cấp li-xăng vi phạm nghiêm trọng các cam kết và nghĩa vụ nêu trong hợp đồng li-xăng, dẫn đến việc bên cấp li-xăng chấm dứt hợp đồng li-xăng.
- Thứ tư, định giá TSSHTT
CKH QSHTT đối với nhãn hiệu hàng hóa và quyền tác giả dường như thuận lợi hơn CKH sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, mạch tích hợp bán dẫn v.v.. Lý do là các NĐT không có sự hiểu biết sâu sắc về bản chất của các đối tượng sở hữu công nghiệp này, thậm chí các công ty tài chính cũng rất ngại hỗ trợ tài chính theo hình thức thế chấp TSSHTT vì cần phải có người hiểu biết về chuyên môn trong lĩnh vực này để thẩm tra kỹ lưỡng và định giá đúng các tài sản.
Việc định giá QSHTT là công việc quan trọng nhất để xác định xem CKH có khả thi hay không. Đối với CKH QSHTT, một trong các phương pháp mà người ta có thể sử dụng đó là phương pháp đánh giá mang tính chất định tính[8], đó là phương pháp dựa trên cơ sở đo lường và phân tích dữ liệu để tính giá trị của một TSSHTT thành tiền, trong đó bao gồm ba phương thức tiếp cận được áp dụng rộng rãi sau đây:
(i) Phương thức tiếp cận chi phí (The Cost Approach): là dựa vào chi phí để có được TSSHTT thông qua việc nghiên cứu và phát triển nội bộ của công ty hoặc thông qua việc mua lại hoặc được li-xăng TSSHTT từ công ty khác. Thuận lợi của phương pháp này là tính khách quan và sự ổn định, tính tin cậy của các số liệu về chi phí. Tuy nhiên, phương thức tiếp cận chi phí không được sử dụng rộng rãi đối với việc định giá sáng chế vì nó không phản ánh được giá trị kinh tế trong tương lai của sáng chế và giá trị của tài sản, khó phân biệt giữa chi phí hoạt động thông thường với chi phí đầu tư cho R&D của công ty. Đối với việc định giá nhãn hiệu hàng hóa/tên thương mại, người ta có thể dùng nhiều cách thức khác nhau như cộng dồn toàn bộ chi phí phát sinh tạo nên nhãn hiệu hàng hóa hoặc tính chi tiết chi phí tạo nên nhãn hiệu hàng hóa (có trừ đi khấu hao tính theo vòng đời sử dụng của nhãn hiệu hàng hóa) hoặc quy các khoản chi phí tạo nên nhãn hiệu hàng hóa của từng năm về thời điểm hiện tại theo một tỷ lệ chiết khấu hợp lý hoặc cộng dồn toàn bộ chi phí tạo nên nhãn hiệu hàng hóa và điều chỉnh hệ số về hiệu quả sử dụng chi phí[9]. Tuy nhiên, mỗi cách thức đều có nhược điểm nhất định vì phụ thuộc vào việc xác định cơ sở dữ liệu tin cậy để định giá và các chi phí phát sinh để tạo dựng nhãn hiệu hàng hóa/tên thương mại (như chi phí quảng cáo, chiến dịch sáng tạo v.v..) có thể không phản ánh đúng khả năng sinh lợi của nhãn hiệu hàng hóa/tên thương mại đó trong tương lai.
(ii) Phương thức tiếp cận thị trường (The Market Approach): Phương thức này xác định giá trị của một TSSHTT bằng việc phân tích các giao dịch thị trường có khả năng so sánh giữa TSSHTT này với những TSSHTT tương tự khác. Tính tương tự thể hiện trong việc sử dụng, đặc điểm về công nghệ, chi tiết, tính năng và các quyền sở hữu đối với TSSHTT cũng như sự nhận thức của công chúng về TSSHTT trên thị trường hoặc là TSSHTT được giao dịch trong những hoàn cảnh tương tự.
Tuy nhiên, trên thực tế, chúng ta thấy số lượng các giao dịch về chuyển nhượng hoặc chuyển giao đối tượng SHTT diễn ra công khai trên thị thường rất ít, do vậy thiếu sự rõ ràng, minh bạch, thiếu thông tin về TSSHTT được giao dịch để làm cơ sở so sánh giá trị. Hoặc là TSSHTT được giao dịch là cái duy nhất, nên chúng ta không thể tìm kiếm được một TSSHTT tương tự để tiến hành so sánh khi định giá. Hoặc là trong các giao dịch liên quan đến mua bán, sáp nhập công ty hoặc mua bán tài sản công ty hoặc mua chứng khoán của công ty có sở hữu TSSHTT, người mua và người bán rất khó khăn trong việc phân định giữa giá trị của tài sản hữu hình và tài sản vô hình mà họ thường gộp chung lại thành một giá bán tài sản nhất định. Vì những hạn chế nêu trên nên phương thức này ít được áp dụng.
(iii) Phương thức tiếp cận theo thu nhập (The Income Approach): phương thức này được sử dụng để tính giá trị hiện tại của dòng tiền thu nhập trong tương lai của một TSSHTT trong suốt thời hạn bảo hộ. Phương pháp chiết khấu dòng tiền cho phép dòng tiền thu nhập trong tương lai được ước tính có thể biến đổi thành giá trị hiện tại bằng việc chiết khấu dòng tiền thu nhập trong tương lai theo một tỷ lệ chiết khấu phù hợp. Khó khăn chính là làm thế nào để xác định được tỷ lệ chiết khấu phù hợp? Một số yếu tố rủi ro cần được xem xét khi xác định tỷ lệ chiết khấu phù hợp như rủi ro về công nghệ, thị trường, chính sách, lạm phát, khả năng thanh toán, nạn sao chép bất hợp pháp TSSHTT, khả năng TSSHTT không còn sử dụng được lâu dài v.v.. Thông thường, xác định tỷ lệ chiết khấu dựa trên tỷ lệ sinh lời mà NĐT mong đợi trên khoản đầu tư vào TSSHTT phụ thuộc vào tính chất và các kinh nghiệm liên quan đến xác định rủi ro. Rủi ro càng cao thì tỷ lệ sinh lợi mong đợi càng lớn. Nhược điểm của phương pháp này là thiếu tính khách quan và chính xác trong việc dự báo dòng tiền thu nhập trong tương lai.
Nếu như tất cả các phương thức tiếp cận của phương pháp định tính đều nhằm mục đích cuối cùng là xác định giá trị bằng tiền của TSSHTT thì việc lựa chọn phương thức tiếp cận nào vẫn còn là khó khăn và không có câu trả lời chính xác, mỗi phương thức tiếp cận đều có ưu điểm và nhược điểm nhất định. Tùy thuộc vào mục đích của việc định giá để xác định giá trị thành tiền của tài sản SHTT, chúng ta có thể lựa chọn một phương thức tiếp cận thích hợp.
Theo quan điểm của tổ chức định mức tín nhiệm thì phương pháp tiếp cận thu nhập từ TSSHTT là thường được sử dụng hơn khi áp dụng cho CKH QSHTT. Trong khi thu nhập của các tài sản hữu hình phụ thuộc vào các rủi ro, thì các rủi ro liên quan đến dòng tiền thu được trong tương lai của TSSHTT thường có tính chất khác nhau và rất khó định lượng. Những rủi ro của TSSHTT có thể được đánh giá theo một số yếu tố sau đây:
-  Sự thay đổi kiểu mẫu hoặc có ý kiến của công chúng có thể ảnh hưởng tới dòng thu nhập tương lai từ việc li-xăng TSSHTT;
-  Sự phát triển công nghệ quá nhanh làm cho những sáng chế đang được li-xăng có nguy cơ bị lạc hậu, đặc biệt là trong lĩnh vực phần mềm, dược phẩm, công nghệ sinh học;
-  Văn bằng bảo hộ TSSHTT có nguy cơ bị mất giá trị nếu có kiện tụng tranh chấp.
Việc tiến hành thẩm tra để lựa chọn ra một phương pháp định giá TSSHTT là cần thiết trước khi kiểm tra tính khả tính của CKH QSHTTT.
Theo quan điểm của NĐT thì lợi ích của CKH QSHTT có mối quan hệ chặt chẽ với việc lựa chọn một phương pháp định giá TSSHTT thích hợp nói chúng và liên quan tới tỷ lệ chiết khấu nói riêng. Giá bán của trái phiếu phát hành có bảo đảm bằng QSHTT là khoản thu nhập trong tương lai được chiết khấu do đó NĐT sẽ phải thanh toán giá mua trái phiếu tương đương dòng tiền được chiết khấu của dòng thu nhập tiền bản quyền tương lai. Lợi ích của NĐT hoàn toàn phụ thuộc vào tỷ lệ chiết khấu. Nếu tỷ lệ chiết khấu càng cao thì giá mua trái phiếu càng thấp. Sự chênh lệch giữa chi phí vốn của NĐT và mức chiết khấu tương đương với mức chênh lệch giá, trong một số trường hợp sự chênh lệch giá này đã đem lại lợi nhuận bất ngờ cho NĐT. Do đó việc dự tính mức lợi nhuận mà NĐT có thể kiếm được khi mua trái phiếu có bảo đảm bằng QSHTT sẽ phụ thuộc vào việc tính toán kỹ càng tỷ lệ chiết khấu[10].
3. Chứng khoán hóa quyền sở hữu trí tuệ theo pháp luật Việt Nam
Hiện nay, Việt Nam không có quy định cụ thể nào về các giao dịch CKH, tuy nhiên Bộ luật Dân sự (BLDS) có một số quy định gián tiếp cho phép thực hiện CKH bảo đảm bằng tài sản và quyền tài sản (QTS).
QSHTT là một loại QTS và có thể được dùng làm tài sản đảm bảo để thực hiện nghĩa vụ dân sự[11]. Trong giao dịch CKH, không phải toàn bộ QSHTT của Chủ sở hữu được chuyển giao hết cho SPV mà chỉ có quyền nhận thanh toán tiền bản quyền phát sinh từ các hợp đồng li-xăng với các bên thứ ba, trong khi Chủ sở hữu vẫn có thể sử dụng, kiểm soát và quản lý tài sản. Đồng thời Chủ sở hữu vẫn có thể tiếp tục cấp li-xăng cho các bên thứ ba khác hoặc cho phép các bên được cấp li-xăng được phép cấp lại li-xăng (sub-license) cho các đối tượng khác nữa.
Việc mua bán thực tế đối với CKH QSHTT được thể hiện bằng việc chuyển giao QTS cho SPV theo hợp đồng mua bán tài sản, trong đó “bên bán phải chuyển giao giấy tờ và làm thủ tục chuyển quyền sở hữu cho bên mua, còn bên mua phải trả tiền cho bên bán[12]”. Cụ thể là Chủ sở hữu QSHTT sẽ chuyển giao quyền yêu cầu thanh toán tiền bản quyền từ các hợp đồng li-xăng cho SPV[13] với một thời hạn nhất định đảm bảo cho SPV có khả năng thu hồi được vốn thanh toán tiền gốc và lãi trái phiếu đã phát hành cho NĐT. Trên cơ sở đó, SPV sẽ có quyền yêu cầu các bên được cấp li-xăng từ Chủ sở hữu phải thanh toán tiền bản quyền theo các điều kiện được ghi trong hợp đồng cho mình. Hết thời hạn đó, Chủ sở hữu có thể tiếp nhận lại quyền yêu cầu thanh toán tiền bản quyền từ SPV theo thỏa thuận với SPV. QTS mà Chủ sở hữu chuyển giao cho SPV có thể phát sinh từ các hợp đồng li-xăng đang có hoặc được hình thành trong tương lai. Các quy định về giao dịch bảo đảm công nhận khái niệm “các tài sản hình thành trong tương lai” mà thông qua đó biện pháp bảo đảm được xác lập và có thể là tài sản không thuộc sở hữu của bên bảo đảm và không tồn tại trước khi giao dịch bảo đảm được giao kết[14]. Vì QTS là một loại tài sản có thể trị giá được bằng tiền và có thể chuyển giao, kể cả QSHTT[15], nên việc chuyển giao các QTS tương lai (quyền nhận thanh toán tiền bản quyển trong các hợp đồng li-xăng tương lai) được pháp luật Việt Nam cho phép thực hiện.
Tuy nhiên để CKH QSHTT có khả năng thực hiện được ở Việt Nam thì chúng ta cần phải xem xét tới một số vấn đề chính sau đây:
- Thứ nhất, hình thành thị trường mua bán TSSHTT
Như đã phân tích ở phần 2, khi Chủ sở hữu nắm trong tay một danh mục TSSHTT khác nhau thì sẽ tạo ra khả năng cấp li-xăng lớn hơn và thu được tiền bản quyền nhiều hơn. Hiện nay chúng ta chưa hình thành được thị trường mua bán TSSHTT[16] có tính chất tổng hợp cho nên việc mua bán bản quyền, cấp li-xăng đối tượng sở hữu công nghiệp thường mang tính chất cá nhân và không thường xuyên. Do vậy, khi một Chủ sở hữu nắm trong tay nhiều TSSHTT cũng khó có thể tham gia vào quá trình CKH QSHTT vì họ không xây dựng được một danh mục TSSHTT và QSHTT kèm theo để chuyển giao cho SPV. Bởi vì khi SPV phát hành trái phiếu có bảo đảm bằng danh mục QSHTT đó thì những rủi ro không thanh toán sẽ bị giảm bớt đi, đồng thời gia tăng mức xếp hạng tín nhiệm cho Chủ sở hữu cũng như gia tăng tín dụng hơn so với CKH QSHTT riêng lẻ. 
- Thứ hai, thành lập SPV
Nhiệm vụ chính của SPV là phát hành trái phiếu cho các NĐT. Theo quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp, SPV được thành lập theo hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty cổ phần và phải đáp ứng các điều kiện về phát hành, về thời gian hoạt động tối thiểu, có báo cáo tài chính có lãi được kiểm toán, đáp ứng yêu cầu về tỷ lệ an toàn vốn, có phương án phát hành trái phiếu được phê duyệt[17]
Trong trường hợp SPV không nhận được tiền bản quyền do các bên được cấp li-xăng bị phá sản, dẫn đến hợp đồng li-xăng với Chủ sở hữu có thể bị tòa án tuyên bố chấm dứt theo quy định của Luật Phá sản. Vấn đề đặt ra là khi thực hiện CKH thì Chủ sở hữu đã tiến hành mua bán thực tế quyền được nhận thanh toán tiền bản quyền cho SPV. Trong trường hợp này SPV sẽ trở thành chủ nợ không có bảo đảm của các bên được cấp li-xăng và việc thanh toán cho SPV sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào các quy định của pháp luật về phá sản.
- Thứ ba, định giá TSSHTT
Hiện nay TSSHTT mới chỉ là đối tượng góp vốn trong việc thành lập, mua bán, sáp nhập công ty tại Việt Nam chứ nó chưa được sử dụng làm đối tượng đảm bảo cho mục đích tài trợ vốn (vay vốn ngân hàng, đầu tư, vốn đầu tư mạo hiểm) vì việc định giá TSSHTT chưa được pháp luật hướng dẫn cụ thể và có nhiều ý kiến khác nhau của các cơ quan quản lý về thuế, kế toán về vấn đề này.
Bộ Tài chính đang được giao nhiệm vụ hướng dẫn việc định giá quyền sở hữu trí tuệ. Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính đã soạn thảo một dự thảo thông tư hướng dẫn thực hiện góp vốn và nhận góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng nhãn hiệu (Dự thảo) và Bộ Tài chính đang xin ý kiến đóng góp của các cá nhân, tổ chức và các cơ quan chức năng liên quan về Dự thảo này.
Theo các quy định của Dự thảo, việc định giá giá trị quyền sử dụng nhãn hiệu hàng hóa khi đem góp vốn dựa vào một trong sáu phương pháp được quy định trong Thông tư 17/2006/TT-BTC ngày 13/3/2006 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định số 101/2005/NĐ-CP ngày 3/8/2005 của Chính phủ về thẩm định giá: (i) phương pháp chi phí được áp dụng cho thẩm định giá các tài sản chuyên dùng, ít hoặc không có mua bán phổ biến trên thị trường, tài sản đã qua sử dụng, tài sản không đủ điều kiện để áp dụng phương pháp so sánh; (ii) phương pháp thu nhập được áp dụng để thẩm định tài sản đầu tư (bất động sản, động sản, doanh nghiệp, tài chính) mà tài sản đó có khả năng tạo ra thu nhập trong tương lai và đã xác định tỷ lệ vốn hóa thu nhập; (iii) phương pháp so sánh được áp dụng để thẩm định các tài sản có giao dịch mua, bán phổ biến trên thị trường; (iv) phương pháp thặng dư được áp dụng để thẩm định giá bất động sản có tiềm năng phát triển; (v) phương pháp lợi nhuận được áp dụng để định giá các tài sản mà việc so sánh với những tài sản tương tự gặp khó khăn do giá trị của tài sản chủ yếu phụ thuộc vào khả năng sinh lợi của tài sản như khách sạn, nhà hàng, rạp chiếu bong v.v..; và (vi) các phương pháp thẩm định giá theo thông lệ quốc tế khác (nếu có) phải được Bộ Tài chính chấp thuận.
Như vậy, so với các phương pháp áp dụng phổ biến trên thế giới được áp dụng để định giá TSSHTT, pháp luật Việt Nam cũng đưa ra các định nghĩa tương tự. Tuy nhiên, việc lựa chọn phương pháp nào cho phù hợp với việc định giá giá trị quyền sử dụng nhãn hiệu hàng hóa nói riêng và từng tài sản SHTT khác không phải là đơn giản mà phụ thuộc rất nhiều vào các điều kiện và mục đích áp dụng của chủ sở hữu quyền SHTT cũng như kinh nghiệm của chuyên gia thẩm định trong lĩnh vực này. Chúng tôi không hiểu vì lý do gì mà Bộ Tài chính chỉ soạn thảo Dự thảo liên quan đến định giá giá trị quyền sử dụng nhãn hiệu hàng hóa, trong khi các tài sản SHTT khác cũng đang rất cần có văn bản pháp luật cụ thể hướng dẫn việc định giá như các sáng chế, quyền tác giả và các quyền liên quan, quyền đối với giống cây trồng. Việc thiếu các quy định pháp luật hướng dẫn trong lĩnh vực này đã làm cho các giao dịch có liên quan đến quyền góp vốn hoặc CKH có bảo đảm bằng QSHTT không thể trở thành hiện thực. Có lẽ cùng vì lý do đó mà các văn bản pháp luật về giao dịch bảo đảm không có quy định hướng dẫn việc sử dụng QTS làm tài sản bảo đảm trong các giao dịch kinh tế, dân sự.
Kết luận
Thực hiện CKH hiệu quả là sự lựa chọn mang lại nhiều lợi ích cho tất cả các loại hình tổ chức dù lớn hay bé vì một số lý do sau đây: Thứ nhất, nó cung cấp cho các tổ chức một nguồn vốn sẵn có để mở rộng, phát triển các hoạt động R&D và bổ sung vốn lưu động. Thứ hai, cung cấp cho các tổ chức phi lợi nhuận, các trường đại học, các viện nghiên cứu, các nhà sáng tác văn học, nghệ thuật, khoa học một khoản tiền lớn ngay lập tức hơn là phải đợi thu tiền bản quyền trong tương lai. Thứ ba, NĐT cũng có thể nhận được khoản thanh toán tiền gốc và lãi trái phiếu theo định kỳ, đều đặn dựa trên dòng tiền có thể dự đoán được phát sinh từ phí bản quyền. Đây là ưu thế nổi trội của CKH TSSHTT so với các loại CKH các tài sản hữu hình khác như bất động sản, phụ thuộc rất nhiều vào biến động giá cả thị trường cũng như mức độ giao dịch trong từng thời kỳ. CKH QSHTT đang trở thành một nguồn hỗ trợ tài chính tiềm năng trên thế giới, vì vậy để có thể áp dụng mô hình tài chính ở Việt Nam thì cần có một khung pháp lý đầy đủ hơn

 


[1] Chứng khoán nợ (Debt Securities) là một công cụ tài chính có khả năng chuyển giao cho người khác dùng để ghi nhận một khoản nợ của tổ chức phát hành cho người sở hữu chứng khoán. Khi đến hạn thanh toán người sở hữu chứng khoán nợ được thanh toán tiền gốc và lãi, ví dụ: trái phiếu.
[2] Bank for International Settlements, European Central Bank, International Monetary Fund, Handbook on securities statistic- Part 1: Debt Securities Issues, www.imf.org, truy cập ngày 29/5/2013
[3] Xem Kenneth N.Klee, "Asset Backed Securitisation, Special Purpose Vehicles and Other Securitisation Issues", Uniform Commercial Law Journal 35, no.2 (2002), truy cập ngày 27/5/2013
[4] Xem Aleksandar Nikolic, "Securitisation of patents and its continued viability in light of the current economic conditions", Albany Law Journal of Science & Technology 2009. Trg 403. https://litigation-essentials.lexisnexis.com], truy cập ngày 20/4/2013. Để xem xét việc mua bán thực tế cho mục đích phá sản cần dựa vào bốn yếu tố sau đây: (1) ý định của các bên; (2) tính chất của giao dịch; (3) tuân thủ đầy đủ Luật Thương mại Mỹ; (4) trên phương diện pháp lý và kế toán thì liệu các tài sản được chuyển giao cho SPV có được cách ly khỏi các chủ nợ của người chủ sở hữu đầu tiên trong trường hợp phá sản không. 
[5] Xem Lisa M. Fairfax, “When you wish upon a star: Explaining the cautious growth of royalty-backed securitization”, Columbia Bussiness Law Review 1999. www. papers.ssrn.com/sol3/papers.cfm, truy cập ngày 30/5/2013.
[6] Xem Lisa M. Fairfax, “When you wish upon a star: Explaining the cautious growth of royalty-backed securitization”, Columbia Bussiness Law Review 1999. www. papers.ssrn.com/sol3/papers.cfm, truy cập ngày 30/5/2013.
[7]Điều 6, Luật SHTT năm 2005 quy định:
"(1) Quyền tác giả phát sinh kể từ khi tác phẩm được sáng tạo và được thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định, không phân biệt nội dung, chất lượng, hình thức và phương tiện, ngôn ngữ, đã công bố hay chưa công bố, đã đăng ký hay chưa đăng ký.
(2) Quyền sở hữu công nghiệp đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý được xác lập trên cơ sở quyết định cấp văn bằng bảo hộ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo thủ tục đăng ký quy định tại Luật này hoặc công nhận quốc tế theo quy định của điều ước quốc tế mà CHXHCN Việt Nam là thành viên; đối với nhãn hiệu nổi tiếng, quyền sở hữu được xác lập trên cơ sở sử dụng, không phụ thuộc vào đăng ký thủ tục."
[8] Xem Xem “Valuation and Exploitation of Intellectual Property”, STI Working paper 2006/5, Shigeki Kamiyama, Jerry Sheehan, Catalina Martinez, http://www.oecd.org/sti/working-papers, truy cập 10.1.2011
[9] Xem “Định giá tài sản vô hình”, Tạ Minh Phương, thời báo kinh tế Sài gòn online, thứ Ba, 1/6/2004.
[10] Xem Radhika Pandey, Intellectual Property Valuation: A critical aspect of IP Securitisation, SSRN-id904604.
[11] Điều 181 và 322 BLDS 2005
[12] . Điều 449 (1) BLDS 2005.
[13] . Điều 309 BLDS 2005
[14] Điều 4(2) Nghị định số 163/2006/NĐ-CP ngày 29/12/2006 về giao dich bảo đảm.
[15] . Điều 163 và 181 BLDS 2005
[16] . Để xác định một thị trường SHTT hoạt động thì thị trường đó phải đáp ứng ba điều kiện: (i) các sản phẩm được bán trên thị trường có tính tương đồng; (ii) người mua và người bán có thể tìm thấy nhau vào bất kỳ lúc nào; và (iii) giá cả được công khai (Xem Chuẩn mực số 04 ban hành kèm theo Quyết định 149/2001/QĐ-BTC ngày 31/12/2001 về việc ban hành và công bố bốn chuẩn mực kế toán Việt Nam).
[17] Điều 13(1) Nghị định 90/2011/NĐ-CP về phát hành trái phiếu doanh nghiệp

(Nguồn tin: Bài viết đăng tải trên Ấn phẩm Nghiên cứu lập pháp số 19(251), tháng 10/2013)