Đề xuất xây dựng Luật tư pháp quốc tế

01/09/2013

TS. LÊ THỊ NAM GIANG

Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh

Bộ luật Dân sự Việt Nam năm 2005 (BLDS) đang trong quá trình được sửa đổi, bổ sung. Một trong những nội dung được xem xét sửa đổi, bổ sung là các quy định trong Phần thứ 7: Quan hệ dân sự có YTNN. Về vấn đề sửa đổi Phần thứ 7 BLDS, hiện có hai quan điểm: thứ nhất, nên xây dựng một đạo luật riêng về tư pháp quốc tế (TPQT); thứ hai, chưa nên ban hành Luật TPQT mà nên giữ như hiện nay, nghĩa là các quy phạm của TPQT được ghi nhận trong các văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) khác nhau nhưng sửa đổi, bổ sung cho hoàn thiện. Trước các quan điểm đó, bài viết tập trung vào: (i) tìm hiểu pháp luật của một số quốc gia về xây dựng QPPL điều chỉnh quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài (YTNN); (ii) phân tích thực trạng các quy định của pháp luật Việt Nam về điều chỉnh quan hệ dân sự có YTNN; (iii) bước đầu phân tích cơ sở lý luận và thực tiễn cho sự cần thiết xây dựng Luật TPQT Việt Nam.  
Untitled_440.png
Ảnh minh họa: nguồn internet
1. Quan điểm của một số quốc gia về xây dựng quy phạm pháp luật điều chỉnh quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài
Hiện có ba quan điểm chính trong khoa học TPQT tại các nước về xây dựng các QPPL điều chỉnh quan hệ dân sự có YTNN, cụ thể:  
1.1. Ban hành một đạo luật riêng điều chỉnh các quan hệ dân sự có YTNN
Đây không phải là quan điểm mới vì một số quốc gia đã ban hành Luật TPQT từ rất sớm. Ví dụ ở Nhật Bản, Luật TPQT (được gọi là Luật Những nguyên tắc chung về áp dụng pháp luật của Nhật Bản - Đạo luật số 10) được ban hành từ năm 1898, được sửa đổi nhiều lần và lần sửa đổi mới nhất là vào ngày 21/6/2006 (Đạo luật số 78), có hiệu lực từ ngày 01/01/2007. Trên thực tế, số lượng các quốc gia xây dựng một đạo luật riêng về TPQT không nhiều. Tuy nhiên gần đây ngày càng có nhiều quốc gia xây dựng đạo luật riêng điều chỉnh quan hệ dân sự có YTNN, ví dụ: Thụy Sĩ ban hành Luật TPQT năm 1987, Bỉ ban hành năm 2004[1], Ucraina ban hành Luật TPQT năm 2005, Trung Quốc ban hành Luật TPQT năm 2010. Điều đó cho thấy, xu hướng mới trong khoa học pháp lý của nhiều nước hiện nay là tiến tới xây dựng một đạo luật riêng về TPQT.
Tuy nhiên, ngay đối với những nước có đạo luật riêng về TPQT thì phạm vi điều chỉnh của luật này cũng không giống nhau. Một số nước xây dựng Luật TPQT (gọi chính xác là Luật Quốc tế tư - Private Internaltional Law[2]) nhằm giải quyết các vấn đề pháp lý phát sinh trong quá trình điều chỉnh quan hệ dân sự có YTNN, đặc biệt tập trung giải quyết ba vấn đề: xung đột pháp luật (xác định pháp luật điều chỉnh nội dung quan hệ dân sự có YTNN) và các vấn đề pháp lý liên quan đến việc áp dụng pháp luật nước ngoài; xung đột thẩm quyền (xác định thẩm quyền của tòa án quốc gia giải quyết các vụ việc dân sự có YTNN); vấn đề công nhận và cho thi hành bản án, quyết định dân sự của tòa án nước ngoài. Ví dụ, Luật TPQT của Vương quốc Bỉ dành riêng Mục 4 Chương 1 từ Điều 5 đến Điều 14 quy định thẩm quyền của tòa án đối với vụ việc dân sự có YTNN, Mục 5 Chương 1 từ Điều 15 đến Điều 21 quy định giải quyết xung đột pháp luật, Mục 6 Chương 1 từ Điều 22 đến Điều 31 quy định về vấn đề công nhận và cho thi hành phán quyết của tòa án nước ngoài. Ngoài những quy định chung mang tính nguyên tắc, Luật TPQT của nước này còn xây dựng QPPL xác định thẩm quyền của tòa án, xác định pháp luật đối với từng nhóm quan hệ dân sự có YTNN như quan hệ tài sản, quan hệ thừa kế, quan hệ hôn nhân, nuôi con nuôi, các nghĩa vụ trong hợp đồng và ngoài hợp đồng… Cách tiếp cận trên cũng được ghi nhận trong Luật TPQT của Liên bang Thụy Sỹ.
Một số nước khác, mặc dù xây dựng Luật riêng về TPQT nhưng nội dung chỉ tập trung vào việc xây dựng các QPPL xung đột nhằm xác định pháp luật áp dụng điều chỉnh nội dung quan hệ dân sự có YTNN. Bên cạnh Luật TPQT, các vấn đề khác như xác định thẩm quyền của tòa án quốc gia giải quyết các vụ việc dân sự có YTNN; vấn đề công nhận và cho thi hành bản án, quyết định dân sự của tòa án nước ngoài sẽ được điều chỉnh bằng các văn bản QPPL khác. Ví dụ, Luật TPQT của Trung Quốc chỉ xây dựng các QPPL xung đột nhằm xác định pháp luật áp dụng trong từng nhóm quan hệ dân sự có YTNN như quan hệ dân sự, quan hệ hôn nhân và gia đình, quan hệ sở hữu trí tuệ, quan hệ tín dụng… Cách thức này cũng được ghi nhận trong Luật TPQT của Nhật Bản.
1.2. Xây dựng nhiều văn bản QPPL khác nhau nhằm điều chỉnh các quan hệ của TPQT
Quan điểm thứ hai là không xây dựng một đạo luật duy nhất về TPQT mà xây dựng nhiều văn bản QPPL điều chỉnh các vấn đề khác nhau của TPQT. Ví dụ, Liên minh châu Âu ban hành rất nhiều văn bản QPPL khác nhau điều chỉnh các quan hệ TPQT. Nhằm xác định pháp luật áp dụng trong điều chỉnh các quan hệ dân sự có YTNN, Liên minh châu Âu đã ban hành Nghị định số 593/2008 ngày 17/6/2008 về Luật áp dụng cho nghĩa vụ hợp đồng, có hiệu lực từ ngày 17/12/2009 (thường được gọi là Rome I); Nghị định số 864/2007 ngày 11/7/2007 về Luật áp dụng cho nghĩa vụ ngoài hợp đồng, có hiệu lực từ ngày 11/01/2009 (thường được gọi là Rome II); Nghị định số 1259/2010 ngày 20/12/2010 về Luật áp dụng cho quan hệ ly hôn, có hiệu lực từ ngày 21/6/2012 (thường được gọi là Rome III); Nghị định số 650/2012 ngày 04/7/2012 về thừa kế (có hiệu lực vào ngày 15/8/2015). Nhằm xây dựng cơ sở pháp lý cho việc xác định thẩm quyền của tòa án, cho việc công nhận và cho thi hành bản án, quyết định của tòa án về các vấn đề dân sự, Nghị định số 44/2001 được ban hành ngày 22/12/2001, có hiệu lực từ ngày 01/3/2002.
1.3. Không ban hành một đạo luật riêng hay các luật riêng về tư pháp quốc tế
Theo cách thức này, các quy phạm của TPQT là một phần trong rất nhiều các văn bản QPPL khác nhau, từ Bộ luật dân sự đến các luật chuyên ngành, Bộ luật tố tụng dân sự. Đây là cách thức mà pháp luật Liên bang Nga đang áp dụng.
2. Pháp luật Việt Nam điều chỉnh quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài
Để điều chỉnh quan hệ dân sự có YTNN, TPQT có hai loại QPPL: QPPL xung đột, là QPPL đưa ra các quy tắc giúp xác định hệ thống pháp luật cần được áp dụng nhằm điều chỉnh quan hệ dân sự có YTNN[3]QPPL thực chất, là QPPL trực tiếp điều chỉnh quan hệ dân sự có YTNN[4]. Bên cạnh đó, TPQT còn có các QPPL tố tụng nhằm điều chỉnh các quan hệ tố tụng đặc thù phát sinh trong quá trình tòa án của một quốc gia thụ lý và giải quyết các vụ việc dân sự có YTNN như các QPPL xác định thẩm quyền của tòa án quốc gia đối với vụ việc dân sự có YTNN, các QPPL điều chỉnh các quan hệ trong lĩnh vực ủy thác TPQT, QPPL quy định về công nhận và cho thi hành bản án, quyết định dân sự của tòa án nước ngoài, quyết định của trong tài nước ngoài.
Hệ thống các QPPL xung đột của TPQT Việt Nam được xây dựng trong nhiều văn bản QPPL khác nhau, cụ thể:
Với 20 điều luật, Phần thứ 7 BLDS bao gồm các QPPL mang tính nguyên tắc như QPPL đưa ra tiêu chí để xác định quan hệ dân sự có YTNN (Điều 758), nguyên tắc áp dụng điều ước quốc tế, pháp luật nước ngoài, tập quán quốc tế (Điều 759), xác định pháp luật áp dụng đối với người không quốc tịch hoặc có từ hai quốc tịch trở lên (Điều 760). Phần thứ 7 BLDS cũng chứa đựng nhiều QPPL xung đột, giúp xác định pháp luật áp dụng trong các quan hệ dân sự có YTNN như xác định năng lực pháp luật dân sự của cá nhân là người nước ngoài (Điều 761), năng lực hành vi dân sự của người nước ngoài (Điều 762), xác định người nước ngoài không có, mất hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự (Điều 763); xác định một người bị mất tích hoặc chết (Điều 764); xác định năng lực pháp luật dân sự của pháp nhân nước ngoài (Điều 765), quan hệ sở hữu (Điều 766); quan hệ thừa kế (Điều 767, 768); quan hệ hợp đồng (Điều 769, 770, 771), giao dịch dân sự đơn phương (Điều 772); bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng (Điều 773); quan hệ sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ (Điều 774, 775, 776), về thời hiệu khởi kiện (Điều 777).
Quan hệ hôn nhân và gia đình có YTNN được điều chỉnh trong Luật Hôn nhân và gia đình (Luật HN&GĐ) Việt Nam và các văn bản hướng dẫn thi hành, trong Luật Nuôi con nuôi năm 2010 và văn bản hướng dẫn thi hành. Cụ thể, Luật HN&GĐ đã xây dựng được các QPPL mang tính nguyên tắc cho việc điều chỉnh quan hệ hôn nhân và gia đình như QPPL xác định quan hệ hôn nhân và gia đình có YTNN, QPPL quy định về bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên trong quan hệ hôn nhân và gia đình có YTNN tại Việt Nam (Điều 100), nguyên tắc áp dụng pháp luật (Điều 101). Ngoài ra, Luật HN&GĐ còn xây dựng QPPL xung đột giúp xác định pháp luật áp dụng điều chỉnh quan hệ kết hôn (Điều 103), ly hôn (Điều 104). Luật Nuôi con nuôi đã dành riêng Chương III điều chỉnh quan hệ nuôi con nuôi có YTNN. Nhưng cần nhấn mạnh là trong Chương III Luật này chỉ có rất ít QPPL xung đột, chủ yếu là các QPPL thực chất.
Nguyên tắc xác định pháp luật áp dụng trong quan hệ hàng hải có YTNN được quy định trong Điều 3 và Điều 4 Bộ luật Hàng hải năm 2005, trong lĩnh vực hàng không dân dụng được quy định trong Điều 4 Luật Hàng không dân dụng năm 2006. Nguyên tắc xác định pháp luật áp dụng trong quan hệ thương mại quốc tế được quy định trong Điều 5 Luật Thương mại, trong quan hệ đầu tư được quy định trong Điều 5 Luật Đầu tư.
Bên cạnh hệ thống các QPPL xung đột, các QPPL thực chất trực tiếp điều chỉnh các quan hệ dân sự có YTNN cũng được quy định trong nhiều văn bản QPPL khác nhau[5]. Khoản 3, 4 Điều 767 và Điều 767 Bộ luật Dân sự là hai QPPL thực chất của TPQT trực tiếp điều chỉnh di sản không người thừa kế có YTNN. Chương III Luật Nuôi con nuôi chứa đựng rất nhiều QPPL thực chất trực tiếp điều chỉnh quan hệ nuôi con nuôi có YTNN như quy định về các trường hợp nuôi con nuôi có YTNN (Điều 28); về hợp pháp hoá lãnh sự giấy tờ, tài liệu (Điều 30); về hồ sơ của người nhận con nuôi (Điều 31), của người được nhận làm con nuôi (Điều 32)… Nguyên tắc xác định pháp luật áp dụng trong quan hệ thương mại quốc tế được quy định trong Điều 5 Luật Thương mại, trong quan hệ đầu tư được quy định trong Điều 5 Luật Đầu tư. Quyền và nghĩa vụ của nhà đầu tư nước ngoài cũng được điều chỉnh bởi các QPPL thực chất trong Luật Đầu tư.
Ngoài ra, các QPPL tố tụng nhằm xác định thẩm quyền của Tòa án Việt Nam đối với các vụ dân sự có YTNN, quy định về vấn đề công nhận và cho thi hành bản án, quyết định dân sự của tòa án nước ngoài, trọng tài nước ngoài được quy định trong Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004 (đã được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2011).
3. Sự cần thiết hoàn thiện hệ thống các quy phạm xung đột trong pháp luật Việt Nam và ban hành Luật Tư pháp quốc tế   
Nhìn một cách tổng quát, TPQT Việt Nam đã xây dựng được hệ thống QPPL điều chỉnh hầu hết các quan hệ dân sự có YTNN. Các nguyên tắc xác định pháp luật áp dụng trong các QPPL xung đột của Việt Nam nhìn chung là phù hợp với thực tiễn Việt Nam và TPQT của nhiều nước. Tuy nhiên, bên cạnh những thành công đó, TPQT Việt Nam cũng bộc lộ một số hạn chế sau:
Thứ nhất, sự chưa đầy đủ và sự bất cập trong các quy định của TPQT Việt Nam. TPQT Việt Nam còn thiếu khá nhiều QPPL xung đột nhằm xác định pháp luật áp dụng trong các quan hệ bồi thường thiệt hại đối với các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, trách nhiệm sản phẩm của nhà sản xuất hay cung ứng dịch vụ, lĩnh vực cạnh tranh không lành mạnh, làm giàu bất chính, xác định pháp luật áp dụng đối với các quan hệ tín dụng, quan hệ sở hữu trí tuệ. Chưa có các QPPL quy định về cách thức áp dụng pháp luật nước ngoài như cách thức xác định nội dung pháp luật nước ngoài, giải thích pháp luật nước ngoài, về giải thích khái niệm pháp lý trong quá trình xác định pháp luật áp dụng. Các QPPL hiện hành cũng bộc lộ những hạn chế nhất định. Ví dụ, về vấn đề dẫn chiếu ngược trở lại, Khoản 3, Điều 759 BLDS và Điều 101 Luật HN&GĐ năm 2000 thừa nhận khi pháp luật nước ngoài dẫn chiếu đến pháp luật Việt Nam thì cơ quan có thẩm quyền được áp dụng pháp luật Việt Nam. Tuy nhiên, pháp luật không quy định những trường hợp hiện tượng dẫn chiếu ngược trở lại không được chấp nhận. Pháp luật Việt Nam cũng chưa xây dựng được các quy phạm xung đột nhằm xác định pháp luật áp dụng trong các hợp đồng thương mại quốc tế đặc thù như hợp đồng license, hợp đồng nhượng quyền thương mại. QPPL điều chỉnh quan hệ thừa kế có YTNN cũng có những bất cập nhất định, ví dụ sự quy định chưa thật sự rõ ràng trong Khoản 1, 2 Điều 767 BLDS, sự chưa hợp lý trong quy định tại Điều 768 BLDS[6].
Thứ hai, các quy phạm của TPQT nằm ở nhiều văn bản QPPL khác nhau, một mặt gây khó khăn cho việc tra cứu và áp dụng chúng, mặt khác dẫn đến sự mâu thuẫn, chồng chéo. Ví dụ, về vấn đề áp dụng pháp luật nước ngoài, Điều 759 BLDS quy định về nguyên tắc pháp luật nước ngoài có thể được áp dụng tại Việt Nam nếu thỏa mãn điều kiện: phải có quy phạm xung đột trong điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên hoặc trong pháp luật Việt Nam quy định áp dụng pháp luật nước ngoài; và việc áp dụng hoặc hậu quả của việc áp dụng pháp luật nước ngoài đó không trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam. Trong khi đó, Khoản 3, Điều 4 Bộ luật Hàng hải quy định điều kiện để pháp luật nước ngoài được áp dụng là: (i) trong trường hợp Bộ luật Hàng hải quy định hoặc các bên có thỏa thuận trong hợp đồng về việc áp dụng pháp luật nước ngoài tại Việt Nam đối với quan hệ hợp đồng liên quan đến hoạt động hàng hải; (ii) pháp luật nước ngoài không được trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam. Việc yêu cầu “pháp luật nước ngoài không được trái với nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam” khác hẳn với yêu cầu “việc áp dụng hoặc hậu quả của việc áp dụng pháp luật nước ngoài không được trái với nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam”. 
Những hạn chế đó đòi hỏi cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống quy phạm của TPQT Việt Nam. Câu hỏi đặt ra là hoàn thiện theo hướng nào? Chúng ta nên hoàn thiện các QPPL trong từng văn bản QPPL hay ban hành một đạo luật riêng về TPQT?
Ưu điểm của việc ban hành một đạo luật riêng về TPQT là mang tính tập trung, thuận lợi cho quá trình áp dụng pháp luật và tra cứu văn bản pháp luật. Việc ban hành một đạo luật riêng về TPQT còn hạn chế được tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo giữa các QPPL ở văn bản pháp luật khác nhau về cùng một vấn đề. Ngoài ra, khi có một đạo luật riêng về TPQT thì sự sửa đổi, bổ sung các quy phạm của TPQT cũng được thực hiện dễ dàng hơn. Mặc dù các QPPL xung đột của TPQT thường là các QPPL mang tính ổn định cao, do các QPPL này chỉ đưa ra nguyên tắc xác định pháp luật áp dụng đối với các quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài, nhưng điều đó không có nghĩa là trên thực tế không có nhu cầu bổ sung các quy phạm xung đột mới, sửa đổi các QPPL đã có cho phù hợp hơn với thực tiễn, bởi các quan hệ xã hội luôn biến đổi, các quan hệ mới xuất hiện.
Hơn nữa, với thực trạng xây dựng pháp luật như hiện nay, việc sửa đổi, bổ sung các quy phạm của TPQT trong từng văn bản QPPL được tiến hành một cách riêng rẽ. Muốn sửa đổi, bổ sung các quy phạm xung đột trong Luật HN&GĐ phải tiến hành sửa đổi Luật HN&GĐ. Muốn sửa đổi, bổ sung các quy phạm xung đột trong Bộ luật Hàng hải phải tiến hành sửa đổi Bộ luật Hàng hải. Trong khi đó, các quy phạm của TPQT chỉ chiếm một số lượng rất nhỏ trong các luật chuyên ngành nên rất khó để thể tiến hành sửa đổi một đạo luật vì sự bất cập của một hay một vài quy phạm xung đột. Vì vậy, nếu có một đạo luật tập trung các QPPL của TPQT thì không chỉ nâng cao hiệu quả của việc điều chỉnh pháp luật, của thực tiễn áp dụng pháp luật mà còn sẽ dễ dàng hơn cho việc sửa đổi, bổ sung khi cần thiết.
Mặt khác, việc ban hành đạo luật riêng về TPQT sẽ tạo cho các bên chủ thể nước ngoài tâm lý tin cậy hơn vào việc quyền và lợi ích hợp pháp của họ sẽ được bảo vệ một cách khách quan. Bởi quan hệ dân sự có YTNN thường liên quan đến ít nhất là hai quốc gia với hai hệ thống pháp luật có cách tiếp cận và tư duy pháp lý khác nhau, nội dung các quy định của pháp luật là khác nhau, thậm chí có thể là hoàn toàn trái ngược nhau. Điều này dẫn đến hệ quả là việc áp dụng hệ thống pháp luật này có thể đưa đến một kết quả khác hẳn với việc áp dụng hệ thống pháp luật khác. Chính vì vậy, khi tham gia vào các quan hệ dân sự có YTNN, có ít nhất hai vấn đề mà các bên sẽ đặc biệt quan tâm: thứ nhất, quyền và lợi ích hợp pháp của họ (đặc biệt là của người nước ngoài, pháp nhân nước ngoài) sẽ được bảo vệ như thế nào? một trong những quyền cơ bản của con người là quyền bình đẳng trước tòa án và các cơ quan tài phán khác có được đảm bảo không? họ có thể tham gia tố tụng tại tòa án nước ngoài không? Thứ hai, hệ thống pháp luật của nước nào sẽ được áp dụng trong việc điều chỉnh các quan hệ dân sự có YTNN mà họ tham gia cũng như trong việc giải quyết các tranh chấp phát sinh giữa các bên? tòa án chỉ áp dụng pháp luật của nước mình hay có thể áp dụng pháp luật nước ngoài? tòa án có áp dụng tập quán quốc tế hay điều ước quốc tế không? liệu các bên có quyền chọn luật áp dụng cho quan hệ giữa họ không? Đặt giả thiết, trong việc giải quyết các quan hệ dân sự có YTNN, các nước chỉ quy định áp dụng pháp luật của chính nước có tòa án trong mọi trường hợp, và trên thực tế, tòa án chỉ áp dụng pháp luật của nước mình, thì rõ ràng một trong những quyền cơ bản của con người là quyền bình đẳng trước pháp luật đã không được đảm bảo. Vì quyền bình đẳng trước pháp luật cần được hiểu ở nội hàm rộng, không chỉ ở khía cạnh tất cả các cá nhân, không phân biệt về nguồn gốc dân tộc, màu da, giới tính, tôn giáo, giai cấp, tài sản, thành phần xuất thân hoặc địa vị xã hội đều có các quyền và nghĩa vụ công dân như nhau, đều phải chịu trách nhiệm pháp lý như nhau khi có hành vi vi phạm pháp luật, mà còn phải được hiểu ở khía cạnh, trong việc điều chỉnh quan hệ dân sự có YTNN, các hệ thống pháp luật bình đẳng với nhau, do đó đều có khả năng và cơ hội như nhau trong việc được áp dụng để điều chỉnh quan hệ dân sự có sự tham gia của công dân, pháp nhân các nước đó. Ở nội dung thứ hai này, các quy phạm xung đột trong pháp luật quốc tế và trong pháp luật quốc gia đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ các quyền cơ bản của công dân khi tham gia vào quan hệ dân sự có YTNN. Vì với việc ban hành các quy phạm xung đột, nhà nước đã chính thức khẳng định khả năng áp dụng các hệ thống pháp luật khác nhau, bao gồm cả pháp luật nước ngoài, pháp luật quốc tế hoặc pháp luật của chính nước mình trong việc điều chỉnh quan hệ dân sự có YTNN. Điều này không chỉ tạo tâm lý yên tâm cho các bên khi tham gia vào các quan hệ dân sự có YTNN mà còn là cơ sở pháp lý vững chắc để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các bên sẽ được bảo vệ một cách khách quan, thúc đẩy sự phát triển quan hệ hợp tác giữa các quốc gia một cách bền vững. Và nó đặc biệt có ý nghĩa trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay. Trong điều kiện hiện nay tại Việt Nam, có thể các QPPL của TPQT còn được áp dụng một cách rất hạn chế, nhưng trong tương lai, khi chúng ta tham gia ngày càng sâu rộng hơn vào quan hệ quốc tế thì việc áp dụng các quy phạm này sẽ là đòi hỏi khách quan của thực tế. Do đó, hoàn thiện các QPPL điều chỉnh quan hệ dân sự có YTNN và xây dựng một đạo luật TPQT là cần thiết.
Nhưng việc ban hành Luật TPQT cũng đặt ra nhiều thách thức cho cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam. Để ban hành Luật TPQT đòi hỏi phải có thời gian nghiên cứu lý luận và thực tiễn để xây dựng pháp luật cho phù hợp, trong đó phải giải quyết được nhiều vấn đề lý luận cốt lõi như xác định phạm vi điều chỉnh của luật này, điều chỉnh tất cả những vấn đề pháp lý phát sinh trong quá trình điều chỉnh quan hệ dân sự có YTNN hay chỉ tập trung vào vấn đề giải quyết xung đột pháp luật bởi quan điểm của các nước về vấn đề này cũng rất khác nhau. Các vấn đề còn tồn đọng trong TPQT Việt Nam hiện hành cũng cần được giải quyết thấu đáo.
Việc ban hành Luật TPQT cũng đòi hỏi các cơ quan chức năng phải có kiến thức sâu sắc về TPQT, năng lực ngoại ngữ để có thể áp dụng được các quy định này trên thực tế. Đây là vấn đề không đơn giản, đặc biệt đối với các vấn đề phức tạp của TPQT như áp dụng pháp luật nước ngoài, bảo lưu trật tự công cộng…. Hoàn thiện các QPPL xung đột phải gắn liền với việc hoàn thiện các QPPL tố tụng, tạo cơ sở pháp lý cho tòa án áp dụng các quy phạm của TPQT trên thực tế. Các luật sư cũng cần được trang bị kiến thức về TPQT để có thể bảo vệ quyền lợi tốt nhất cho các bên khi tham gia vào quan hệ dân sự có YTNN. Điều này khó có thể thực hiện trong thời gian ngắn. Vì vậy, giải pháp trước mắt là tiến hành sửa đổi, bổ sung các quy định trong Phần thứ 7 BLDS để đáp ứng kịp thời nhu cầu điều chỉnh quan hệ dân sự có YTNN tại Việt Nam. Nhưng giải pháp lâu dài là Việt Nam cần xây dựng một đạo luật riêng về TPQT

 


[1] Luật TPQT của Vương quốc Bỉ ngày 16/7/2004.
[2] Có hai tên gọi được sử dụng rộng rãi tại các nước là Luật Quốc tế tư và Luật Xung đột. Tuy nhiên tại Việt Nam, thuật ngữ TPQT được sử dụng rộng rãi nên trong bài viết, tác giả vẫn sử dụng thuật ngữ TPQT.
[3] QPPL xung đột là một loại QPPL đặc biệt, không quy định quyền và nghĩa vụ của các bên trong quan hệ dân sự mà chỉ quy định nguyên tắc, cách thức xác định hệ thống pháp luật cần được áp dụng nhằm điều chỉnh quan hệ dân sự có YTNN. QPPL xung đột có thể được xây dựng trong các điều ước quốc tế và trong pháp luật quốc gia.
[4] QPPL thực chất thường quy định quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia quan hệ dân sự có YTNN. Ví dụ, Khoản 3, 4, Điều 767 BLDS là hai quy phạm thực chất của TPQT Việt Nam. Hoặc trong Chương III Luật Nuôi con nuôi năm 2010 có khá nhiều quy phạm thực chất trực tiếp điều chỉnh quan hệ nuôi con nuôi có YTNN.
[5] Hiện nay còn nhiều quan điểm khác nhau về các QPPL thực chất điều chỉnh quan hệ dân sự có YTNN. Quan điểm thứ nhất cho rằng, quy phạm thực chất của TPQT phải được xây dựng trong các nguồn của pháp luật quốc tế như các điều ước quốc tế hoặc trong các tập quán quốc tế. Quan điểm thứ hai cho rằng, quy phạm thực chất của TPQT có thể được xây dựng trong các nguồn của pháp luật quốc tế bao gồm các điều ước quốc tế và các tập quán quốc tế hoặc trong pháp luật quốc gia. Chúng tôi ủng hộ quan điểm thứ hai vì về mặt lý luận, các quan hệ dân sự có YTNN thuộc đối tượng điều chỉnh của TPQT. Do đó, các QPPL trực tiếp điều chỉnh các quan hệ dân sự có YTNN dù được xây dựng trong nguồn pháp luật quốc tế hay pháp luật quốc gia đều cần được thừa nhận là QPPL của TPQT. Về vấn đề này có thể xem thêm Lê Thị Nam Giang, Tư pháp quốc tế, Nxb. Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh, 2010, tr. 51-52.
[6] Trong khuôn khổ bài viết, chúng tôi chưa có điều kiện đi sâu vào phân tích những bất cập trong các quy định của TPQT Việt Nam. Các vấn đề này sẽ được phân tích trong những bài viết tiếp theo.

(Nguồn tin: Bài viết đăng tải trên ấn phẩm Nghiên cứu lập pháp số 18(250), tháng 9/2013)