Cần thống nhất độ tuổi của người chưa thành niên trong các văn bản pháp luật

01/09/2013

ThS. HOÀNG MINH KHÔI

Học viện hành chính, cơ sở TP. Hồ Chí Minh

Một trong những trở ngại cho việc hoàn thiện các quy phạm pháp luật về người chưa thành niên (NCTN) là do có sự thiếu thống nhất trong quy định về độ tuổi của NCTN trong các văn bản pháp luật hiện nay. Nhiều người đã nhận định[1], ở nước ta, tuy đã có một số văn bản pháp luật hiện hành như Luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng Hình sự, Bộ luật Lao động (BLLĐ) và Luật Xử lý vi phạm hành chính (XLVPHC)... đều dành một chương riêng quy định trình tự, thủ tục đặc biệt đối với NCTN nhưng nhìn chung, các quy phạm đó thiếu toàn diện, chưa thể hiện được đầy đủ những khái niệm, quy chuẩn cũng như những chính sách đối với họ. Vì vậy, chưa đủ sức để phòng ngừa vi phạm, tội phạm cũng như bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của NCTN.
Vấn đề dễ nhận thấy nhất khi đánh giá các quy định về độ tuổi của NCTN là pháp luật đang quy định một cách thiếu thống nhất và thiếu hệ thống về cơ sở lý luận. Việc lý giải thuật ngữ “trẻ em”, “người chưa thành niên”, “vị thành niên” còn chưa mạch lạc, nhầm lẫn giữa khái niệm mang tính quy phạm và khái niệm mang tính tâm lý xã hội, nên những đề xuất hoàn thiện các biện pháp, nội dung về quản lý và giáo dục đối với NCTN, nhất là đối với NCTN vi phạm pháp luật chưa thật sự phù hợp, khả thi.
Untitled_439.png
Ảnh minh họa: nguồn internet
1. Những quy định trùng lắp về độ tuổi
Khi nói đến khái niệm NCTN, ta có thể nhận biết ngay đó là người chưa đến tuổi trưởng thành[2]. Tuổi trưởng thành của con người là độ tuổi cụ thể được pháp luật quy định hoặc thừa nhận là người đã thành niên và đã có đầy đủ quyền và nghĩa vụ công dân. Trái lại, người chưa đến tuổi trưởng thành là chưa thành niên - chưa có đầy đủ quyền và nghĩa vụ công dân theo quy định của pháp luật.
Như vậy, quyền và nghĩa vụ công dân là cơ sở pháp lý để phân biệt người thành niên với NCTN. Đồng thời, việc xác định một người là thành niên hoặc chưa thành niên là cơ sở xã hội để xác lập quyền và nghĩa vụ công dân đối với người đó. Theo các quy định của pháp luật hiện hành, người thành niên là người đủ 18 tuổi và NCTN là người chưa đủ 18 tuổi. Trong một số sách, báo và trong đối thoại thường ngày, ta còn có thể gặp khái niệm vị thành niên, một khái niệm hoàn toàn đồng nghĩa với chưa thành niên, vì vị được hiểu là thiếu, khuyết hoặc chưa tới hoặc chưa đủ[3]. Tuy nhiên, tùy thuộc vào đặc điểm và mục đích điều chỉnh của những quan hệ pháp luật cụ thể, từng ngành luật, điều luật lại có quy định về các độ tuổi khác nhau. Có thể xem xét điều này tại một số đạo luật sau:
- Hiến pháp 1992 (Điều 54), quy định: “Công dân,... đủ mười tám tuổi trở lên đều có quyền bầu cử và đủ hai mươi mốt tuổi trở lên đều có quyền ứng cử vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân theo qui định của pháp luật”;
- Bộ luật Hình sự (BLHS) 1985 (Điều 68), quy định: “Người chưa thành niên từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự...”;
- Luật Hôn nhân và Gia đình 2000 quy định “Nam nữ kết hôn với nhau phải tuân theo các điều kiện sau đây: 1. Nam từ hai mươi tuổi trở lên, nữ từ mười tám tuổi trở lên...” (Điều 9); “Con từ đủ mười lăm tuổi đến dưới mười tám tuổi có quyền định đoạt tài sản riêng” (Điều 48); “Việc nhận trẻ em từ đủ chín tuổi trở lên làm con nuôi phải được sự đồng ý của trẻ em đó” (Điều 71); “Việc thay đổi họ, tên của con nuôi từ đủ chín tuổi trở lên phải được sự đồng ý của người đó” (Điều 75);
- Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em 2004 (Điều 1), quy định: “Trẻ em quy định trong Luật này là công dân Việt Nam dưới 16 tuổi;
- Bộ luật Dân sự (BLDS) 2005 (Điều 18), quy định: “Người chưa đủ 18 tuổi là người chưa thành niên”;
- Luật Thanh niên 2005 (Điều 1), quy định: “Thanh niên trong Luật này là công dân Việt Nam từ đủ mười sáu tuổi đến ba mươi tuổi”;
- Luật Phòng, chống ma túy 2008 quy định: “Người nghiện ma tuý từ đủ 18 tuổitrở lên...” (Điều 28); “Người nghiện ma tuý từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi...” (Điều 29);
- Pháp lệnh XLVPHC 2002 (sửa đổi bổ sung 2007, 2008) quy định: “Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi vi phạm hành chính thì... Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi vi phạm hành chính thì...” (Điều 7); “a) Người từ đủ 12 tuổi đến dưới 14 tuổi thực hiện hành vi...; b) Người từ đủ 12 tuổi đến dưới 16 tuổi thực hiện hành vi...; c) Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi nhiều lần thực hiện hành vi...” (Điều 24);
- Luật XLVPHC 2012[4] (Điều 5), quy định: “Các đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính bao gồm: a) Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi bị xử phạt vi phạm hành chính về...; người từ đủ 16 tuổi trở lên bị xử phạt vi phạm hành chính về mọi vi phạm hành chính.”;
- BLLĐ 2012 (Điều 3), quy định: “1. Người lao động là người từ đủ 15 tuổi trở lên, ...”.
a) Về thuật ngữ
Theo quy định tại các luật nêu trên đối với NCTN, có bốn thuật ngữ: “người chưa thành niên”, “người lao động” là thuật ngữ chung, mang yếu tố định tính nhiều hơn; còn hai thuật nữ “thanh niên” và “trẻ em” là khái niệm cụ thể, mang yếu tố định lượng nhiều hơn. Nói chung, các khái niệm này là không thể đồng nhất, nhưng chúng có mối liên hệ gần gũi và tương quan với nhau. Việc định lượng trong các khái niệm không chỉ đơn thuần mô tả, đánh dấu tiến trình phát triển thể chất, tâm sinh lý của các độ tuổi chưa thành niên mà nó còn thể hiện việc đánh giá của pháp luật về sự tương quan giữa các độ tuổi nhằm đề ra chính sách chung trong lĩnh vực chăm sóc, bảo vệ và giáo dục đối với NCTN. Đồng thời, trong lĩnh vực quản lý, xử lý vi phạm, tội phạm, đó cũng là cơ sở đánh giá mức độ nguy hiểm và mức độ xâm hại các khách thể xã hội của hành vi vi phạm pháp luật ở các độ tuổi. Nói đơn giản là, nếu một NCTN còn là “trẻ em” thì mức độ phụ thuộc thường nhiều hơn, do đó, năng lực độc lập và khả năng tự do ý chí để thực hiện hành vi phạm pháp ít hơn so với “thanh niên”; tính nguy hại, mức độ nguy hiểm của hành vi ít nghiêm trọng hơn, nên dễ kiểm soát, ngăn chặn và phòng ngừa hơn so với cùng hành vi của thanh niên. Điều này phù hợp với thực tế từ trước đến nay là trẻ em thì thường được các bậc phụ huynh, nhà trường, xã hội quan tâm quản lý, chăm sóc chặt chẽ nhiều hơn so với thanh niên.
b) Về độ tuổi
Theo quy định tại các luật, đối với NCTN có tám cấp độ tuổi: “đủ 9 tuổi”; “đủ 12 tuổi”; “đủ 14 tuổi”; “đủ 15 tuổi”; “dưới 16 tuổi”; “đủ 16 tuổi”; “dưới 18 tuổi” và một cấp độ khác được ngầm hiểu là “dưới 9 tuổi trở xuống trẻ sơ sinh 0 tuổi”[5].
Có thể nói, việc ban hành các luật liên quan đến độ tuổi khác nhau của NCTN như nêu trên, không chỉ có ý nghĩa về mặt quản lý xã hội nói chung, mà còn thể hiện mục tiêu chính sách của Nhà nước ta trong việc cụ thể hóa từng độ tuổi để có cơ sở xây dựng cơ chế pháp luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục đúng đắn, phù hợp. Tuy nhiên, việc quy định quá nhiều cấp độ tuổi như thế đã khiến cơ sở pháp lý về khái niệm NCTN trong hệ thống pháp luật nước ta trở nên thiếu khoa học, lỏng lẻo và mâu thuẫn.
Trước hết, xét về nội hàm, thì khái niệm NCTN (cũng như khái niệm thành niên) là khái niệm mang xu hướng định tính. Còn cấp độ tuổi của NCTN có ý nghĩa định lượng, đánh dấu thứ tự thang bậc của quá trình phát triển đến tuổi trưởng thành (tất nhiên, cùng với quá trình phát triển thì ý thức, kiến thức của NCTN cũng phát triển theo hướng ngày càng hoàn thiện đến một mức độ nhất định). Song, nếu chỉ dựa vào bậc thang tuổi để chia “manh mún” thành nhiều tầng cấp khác nhau ở mỗi luật khác nhau sẽ dẫn đến nhận thức thuần túy mang tính cơ học về NCTN - hợp pháp mà không hợp lý. Ví dụ, theo logic các quy định tại các luật nêu trên, có lẽ phải xây dựng đến tám khái niệm về NCTN, như: khái niệm NCTN từ 0 tuổi đến dưới 9 tuổi; khái niệm NCTN từ đủ 9 tuổi trở lên; khái niệm NCTN từ đủ 12 tuổi trở lên... và khái niệm NCTN từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi.
Thứ hai, ban hành quy phạm pháp luật là để điều chỉnh quan hệ xã hội và hành vi xử sự của công dân, nhưng nếu đơn thuần chỉ dựa vào điều kiện duy nhất là độ tuổi (điều kiện định lượng), mà chưa tính đến các điều kiện cơ bản, phổ cập khác (điều kiện định tính) về thể chất, tâm lý, giới tính, đặc điểm vùng, miền; tính xã hội hóa ngày càng cao của tốc độ trưởng thành..., sẽ dễ sa vào chủ quan, phiến diện và thiếu tính chủ đạo sát hợp, thống nhất trong cùng một hệ thống văn bản pháp luật.
Hiến pháp 1992 (Điều 54) quy định, người đủ 18 tuổi trở lên có quyền bầu cử. Đương nhiên quy định này được hiểu người chưa đủ 18 tuổi là người chưa có quyền bầu cử và bầu cử là thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân, do đó cho phép xác định: theo quy định của Hiến pháp thì người chưa đủ 18 tuổi là người chưa có đủ quyền và nghĩa vụ công dân[6].
Tại BLDS (Điều 18) xác lập NCTN là người dưới 18 tuổi. Đây là quy định cho mọi độ tuổi dưới 18 tuổi (kể từ người chưa đủ 18 tuổi trở xuống trẻ sơ sinh 0 tuổi) đều là NCTN. Tuy nhiên, nếu so sánh với khái niệm “thanh niên” theo Luật Thanh niên 2005 (Điều 1): “Thanh niên trong Luật này là công dân Việt Nam từ đủ mười sáu tuổi đến ba mươi tuổi” - sẽ thấy, NCTN từ đủ mười sáu đến dưới mười tám tuổi còn được gọi là thanh niên.
So sánh với khái niệm “trẻ em” theo Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (Điều 1): “Trẻ em quy định trong Luật này là công dân Việt Nam dưới 16 tuổi” là có trùng lắp: NCTN từ 0 tuổi đến dưới 16 tuổi còn được gọi là trẻ em.
So sánh với BLLĐ (Điều 3): “Người lao động là người từ đủ 15 tuổi trở lên,...” lại thấy thêm sự trùng lắp của trùng lắp: (i) NCTN từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi còn được gọi là thanh niên và có thể còn được gọi là người lao động; và (ii) NCTN từ đủ 15 tuổi đến dưới 16 tuổi còn được gọi là trẻ em và có thể còn được gọi là người lao động.
Nếu so sánh với một số văn bản dưới luật, thì còn phát sinh thêm các khái niệm trùng lắp như: khái niệm “thiếu niên” theo Điều lệ Đội thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh là NCTN có độ tuổi từ đủ 10 tuổi đến 15 tuổi và khái niệm “nhi đồng” là NCTN dưới 10 tuổi.
c) Hệ quả: Hệ quả của sự trùng lắp thường dẫn đến tình trạng chồng chéo, thiếu minh bạch trong việc ban hành và thực thi cơ chế cũng như chính sách quản lý nhà nước. Ví dụ, khi áp dụng chính sách quốc phòng đối với thanh niên (theo Luật Thanh niên), cũng có nghĩa bao hàm việc áp dụng đối với công dân và cả NCTN - người chưa phải là công dân có đầy đủ quyền, nghĩa vụ luật định. Do vậy có thể nói, tình trạng văn bản quy phạm pháp luật chồng chéo, mâu thuẫn thời gian qua cũng có phần nguyên nhân không nhỏ từ những việc thiếu rõ ràng tương tự này; nên cần phải có sự minh định và kết hợp thống nhất về khái niệm định tính và tiêu chí định lượng độ tuổi đối với NCTN. Và vì thế, cần xem xét cụ thể nhằm có sự điều chỉnh phù hợp, thống nhất giữa các quy phạm hiện hành. Cụ thể:
- Xét về định tính[7]: Khi đề cập đến thuật ngữ “trẻ em” thông thường chúng ta liên tưởng đến hình ảnh ngây thơ, bột phát của NCTN - là những đối tượng còn phải sống phụ thuộc vào gia đình và nhà trường, dễ bị ảnh hưởng mạnh từ môi trường xung quanh. Độ tuổi này đang có sự non nớt về thể chất và nhận thức, nên luôn cần được xã hội và pháp luật quan tâm chăm sóc nhiều hơn so với thanh niên. Và khi nói đến thuật ngữ “thanh niên”, bao giờ chúng ta cũng nghĩ đến lớp người có các biểu hiện trưởng thành, mạnh mẽ, hăng hái. Rõ ràng, trên thực tế hay về ý thức lý tính, hai thuật ngữ này luôn được xác định có khác biệt khá lớn về thể chất, tâm - sinh lý. Thanh niên là người đã có đủ tố chất thành niên. Trẻ em thì chưa. Sự phân biệt giữa hai thuật ngữ (nếu có) là vấn đề định tính: “thanh niên” là khái niệm mang tính cơ học, nghiêng về mô tả sự phát triển thể chất tự nhiên của con người, khác với khái niệm “thành niên” là khái niệm mang tính pháp lý, dựa trên sự kết hợp các yếu tố về thể chất, tâm sinh lý và nhận thức xã hội của con người[8]. Vì thế, Điều 9 Luật Hôn nhân và Gia đình quy định quyền kết hôn của công dân nữ là ngay từ thời điểm bước vào tuổi mười tám[9]. Như vậy, nếu tính cả độ tuổi của NCTN (từ đủ 16 tuổi trở lên) nhập vào khái niệm thanh niên theo Luật Thanh niên hiện hành sẽ khó mà xây dựng được cơ sở lý luận định tính rõ ràng và chính sách định lượng công bằng, minh bạch đối với những đối tượng này.
- Xét về định lượng: Luật Thanh niên quy định, “thanh niên” là người từ đủ 16 tuổi đến 30 tuổi. Việc định lượng nhóm tuổi này - như nêu trên - là khá khiên cưỡng vì nó gộp chung người thành niên đã có đầy đủ quyền, nghĩa vụ công dân và NCTN chưa phải là công dân đầy đủ; gộp chung người có quyền kết hôn, có quyền ứng cử đại biểu Quốc hội với NCTN mà theo Hiến pháp và các luật khác quy định - là độ tuổi chưa có quyền trong các quan hệ pháp luật đó. Mặt khác, khoảng cách phân biệt độ tuổi giữa thanh niên và trẻ em là quá mỏng manh, vì một NCTN đủ 16 tuổi sẽ được gọi là “thanh niên” và một NCTN khác chưa đủ 16 tuổi, thậm chí chỉ ít hơn 01 ngày tuổi thì được xem là “trẻ em”. Trong thực tế giữa hai NCTN này hầu như không có khác biệt về thể chất và ý thức.
BLLĐ quy định “người lao động” là người từ đủ 15 tuổi trở lên. Xác lập này cũng còn mang tính hàm hồ về giới hạn độ tuổi, vì: (i) thuật ngữ “người lao động” là danh từ chung mang tính phổ cập thường để chỉ người lao động chân tay (còn gọi là lao động phổ thông) và do đó, thường là công dân trưởng thành; (ii) người ở tuổi 15, trước hết là độ tuổi “trẻ em” theo Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Trẻ em 15 tuổi có thể tham gia một số quan hệ lao động nhưng chỉ là trường hợp số ít và luôn phải là lao động có điều kiện (lao động nghệ thuật, lao động giản đơn với các điều kiện bảo hiểm khác theo luật định...), nên không thể là lao động phổ cập như tiêu chí đơn thuần chỉ là “từ đủ 15 tuổi trở lên...”. Hơn nữa, quy định người lao động từ tuổi 15 - là độ tuổi học ở trung học cơ sở - còn thể hiện mâu thuẫn với Luật Giáo dục và các quy định của Nhà nước về phổ cập giáo dục trung học cơ sở[10] trong toàn quốc. Trên thực tế, NCTN ở độ tuổi 15 khi muốn tham gia quan hệ lao động sẽ cần phải có những điều kiện nhất định, và do đó, họ luôn là chủ thể có điều kiện, chứ không phải là chủ thể đương nhiên hay chủ thể phổ cập của mọi quan hệ lao động thông thường.
Để khắc phục tình trạng mâu thuẫn và trùng lắp về tiêu chí độ tuổi nêu trên, yêu cầu khi điều chỉnh cần kết hợp hài hòa giữa yếu tố định tính và yếu tố định lượng và theo nguyên tắc đơn giản, minh định, đồng bộ và hợp lý hơn, làm cơ sở cho nhận thức thống nhất về khái niệm người thành niên, thanh niên, NCTN, trẻ em... trong hệ thống pháp luật.
2. Điều chỉnh quy định về độ tuổi của người chưa thành niên thống nhất với pháp luật quốc tế
Căn cứ vào Hiến pháp 1992 (Điều 54) và BLDS (Điều 18) thì người dưới 18 tuổi là NCTN, đây là định danh chung cho mọi độ tuổi từ dưới 18 tuổi trở xuống đến 0 tuổi. Điều này cũng có nghĩa, người từ đủ 18 tuổi trở lên là người thành niên và có đầy đủ quyền, nghĩa vụ công dân theo quy định của Hiến pháp. Như vậy, dưới 18 tuổi là giới hạn định lượng của NCTN và hoàn toàn phù hợp với giới hạn định tính là “ngưỡng” hoàn thành bậc học phổ thông thông thường của NCTN, là giai đoạn chuyển tiếp từ học sinh lên sinh viên, cũng là tuổi được quyền kết hôn đối với nữ... Vì lẽ đó, xét tính tương quan của hai nội hàm “thanh niên” và “thành niên” thấy nên điều chỉnh quy định ở Luật Thanh niên (Điều 1): “Thanh niên là người từ đủ mười tám tuổi đến ba mươi tuổi”, là thống nhất với BLDS (Điều 18): “Người từ đủ 18 tuổi trở lên là người thành niên”.
Đối với trẻ em, theo quy định là người dưới 16 tuổi - theo sự phát triển trung bình - là “ngưỡng” tuổi đã bước vào năm đầu của phổ thông trung học, cũng là giai đoạn nảy nở, phát triển nhanh về thể chất, giới tính (mọc râu, tóc, vỡ giọng, mọc mụn...), nhưng vẫn được xem là “trẻ em” thì rõ ràng là không hợp lý. Bên cạnh đó, xã hội sẽ khó chấp nhận khi áp đặt khái niệm “trẻ em” đồng nghĩa với khái niệm định tính phổ thông là “người lao động” khi mới đủ tuổi 15. Do đó, xét theo mức phát triển bình quân về tâm - sinh lý, nên xếp “trẻ em” vào giai đoạn ngưỡng tuổi cuối bậc trung học cơ sở - là thống nhất với quy định độ tuổi tối thiểu của các luật chuyên ngành khác (BLHS, Luật XLVPHC...). Vì vậy, nên điều chỉnh quy định của Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (Điều 1) thành: “trẻ em là người dưới 14 tuổi” là phù hợp. Đồng thời, cần điều chỉnh quy định của BLLĐ (Điều 3) thành “người lao động là mọi công dân từ mười tám tuổi trở lên...” và cần nêu rõ: NCTN từ đủ 15 tuổi trở lên có thể tham gia vào một số quan hệ lao động nhất định, nhưng phải đảm bảo các điều kiện về sức khỏe phù hợp với công việc định làm; có hợp đồng... và những điều kiện luật định về NCTN phù hợp với các quy định khác về NCTN trong cùng BLLĐ, cũng như phù hợp với Công ước quốc tế về lao động của NCTN mà Việt Nam đã phê chuẩn[11].
Tóm lại, có thể xác định khái niệm về độ tuổi của NCTN, như sau: NCTN theo quy định của pháp luật Việt Nam là người dưới 18 tuổi. Trong đó, NCTN dưới 14 tuổi còn được gọi là trẻ em. Việc quy định NCTN dựa trên cơ sở khoa học về độ tuổi cần được điều chỉnh thống nhất trong các luật của nước ta nhằm phù hợp với Công ước quốc tế về quyền trẻ em[12] và luật của hầu hết các quốc gia khác trên thế giới[13].

 


[2]- Ban Biên soạn chuyên Từ điển NEW ERA, (2010), Từ điển tiếng Việt, NXB Hồng Đức, TP.HCM, tr.1482, 1725. Thành niên là người đến tuổi trưởng thành. Chưa thành niên là người chưa đến tuổi trưởng thành.
   - Trung tâm Ngôn ngữ và Văn hóa Việt Nam-Bộ Giáo dục và đào tạo, (1998), Đại từ điển tiếng Việt, NXB Vănhóa - Thông tin, Hà Nội, tr.1530. Khái niệm thành niên là nên người.
[3] Nguyễn Lân, (2006), Từ điển Từ và Ngữ tiếng Việt, NXB Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, tr. 2030, 1688. Vị thành niên là người chưa đến tuổi trưởng thành. Thành niên là người được pháp luật coi là đã trưởng thành và phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về việc mình làm.
[4] Hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2013
[5]Luật Hôn nhân và Gia đình 2000 còn quy định hai cấp độ tuổi khác là “từ mười lăm tuổi trở xuống” (Điều 68 - Người được nhận làm con nuôi) và “Hơn con nuôi từ hai mươi tuổi trở lên” (Điều 69 - Điều kiện đối với người nhận nuôi con nuôi).
[6] Đồng thời tại Điều 54 Hiến pháp 1992 quy định: phải là người đủ 21 tuổi trở lên mới được tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội. Việc quy định này là có căn cứ vì người thành niên từ đủ 18 tuổi trở lên tham gia việc bầu cử là hành vi thực hiện quyền, nghĩa vụ cơ bản của một công dân. Nhưng việc ứng cử đại biểu Quốc hội thì là quyền chứ không phải là nghĩa vụ và chính vì là quyền nên nó đòi hỏi ngoài những điều kiện khác, thì điều kiện bắt buộc trước hết là cấp độ tuổi – sự trưởng thành bình quân về thể chất, ý thức nhất định – cao hơn so với việc bầu cử là quyền, nghĩa vụ mang tính phổ thông của mọi công dân.
[7] Định tính: xác định theo tính chất, theo Đại từ điển tiếng Việt (Nguyễn Như Ý chủ biên), NXB Văn hóa – Thông tin Tp.HCM, 1999, tr.643
[8]Thanh niên: là tuổi xanh, tuổi trẻ. Thành niên: là người đến tuổi trưởng thành. Tlđd số 3 (tr.1478, 1482).
 - Thanh: xanh; niên: năm, tuổi - là tuổi trẻ, người trẻ tuổi. Thành: được là; niên: tuổi - là người được pháp luật coi là đã trưởng thành. Tlđd số 4 (tr.1685, 1688).
[9]Điều 9, Luật Hôn nhân và Gia đình quy định: “Nam từ hai mươi tuổi trở lên, nữ từ mười tám tuổi trở lên”, chứ không phải “từ đủ 20 tuổi và từ đủ 18 tuổitrở lên”. Nghĩa là công dân nam chỉ cần là 19 tuổi và 01 ngày và công dân nữ chỉ cần 17 tuổi và 01 ngày là được quyền kết hôn. Song, nếu xét theo Hiến pháp (Điều 54) và BLDS (Điều 20) thì nữ kết hôn ở tuổi 17 và 01 ngày là kết hôn trong tình trạng vẫn còn là NCTN. Về logic là “vi phạm” Hiến pháp và Bộ luật Dân sự trong quan hệ hôn nhân. Quy định như vậy là chưa chặt chẽ, xét về kỹ thuật xây dựng quy phạm.
[10] Ví dụ: Nghị quyết số 41/2000/QH10 ngày 09/12/2000 của Quốc hội khoá X, kỳ họp thứ 8 về thực hiện phổ cập giáo dục trung học cơ sở; Nghị định số 88/2001/NĐ-CP ngày 22/11/2001 về thực hiện phổ cập giáo dục trung học cơ sở...
[11]Công ước số 182 của Tổ chức lao động quốc tế (ILO) và Khuyến nghị năm 1973 về Tuổi tối thiểu được phép đi làm, hiện vẫn là văn kiện cơ bản của quốc tế về lao động trẻ em. Công ước đã được Chủ tịch nước ta phê chuẩn ngày 27/11/2000. Nội dung khuyến nghị: có thể cho phép sử dụng lao động hoặc lao động của những người từ 15 tuổi trở lên, với điều kiện là: trong những công việc nhẹ nhàng hoặc vào những công việc mà: (a) không có khả năng tác hại đến sức khỏe hoặc sự phát triển của họ; (b) không phương hại việc chuyên cần học tập, việc họ tham gia vào những chương trình hướng nghiệp hay đào tạo nghề đã được cơ quan có thẩm quyền chấp nhận.
- Canada: Chính phủ liên bang có quy định cấm không được sử dụng lao động trẻ em trong các nhà máy cho đến khi mười sáu, nhưng việc làm ở mỏ giới hạn ít nhất là người mười tám tuổi. [ 20Một vài Bang cho phép sử dụng lao động trẻ em, nhưng loại trừ mọi việc nguy hiểm, hạn chế loại lao động và số giờ; yêu cầu tất cả công việc là ngoài giờ học và bị cấm làm việc giữa giờ. Nguồn: http://www.loc.gov/law/help/child-rights/canada.php.
[12] Công ước Liên hiệp quốc về quyền trẻ em (United Nations Convention on the rights of the child) - là văn kiện pháp lý quốc tế do Đại hội đồng Liên hiệp quốc thông qua ngày 20/11/1989 theo Nghị quyết số 44/25. Hiệu lực từ 02/09/1990. Quy định các quyền cơ bản của trẻ em như: quyền sống và phát triển vì lợi ích tốt nhất của trẻ em, quyền tham gia của trẻ em, bảo vệ trẻ không bị bóc lột và lợi dụng. Tại Điều 1, Công ước nêu rõ: “Trong phạm vi công ước này, trẻ em có nghĩa là người dưới 18 tuổi, trừ trường hợp luật pháp áp dụng với trẻ em đó quy định tuổi thành niên sớm hơn”.
[13]Luật về trẻ em và NCTN ở Singapore (Children and Young Persons Act, Singapore 2011 - chapter 38), quy định ba khái niệm về NCTN: "Trẻ em" là người dưới 14 tuổi ("child" means a person who is below the age of 14 years); "Vị thành niên" là người từ 7 tuổi trở lên đến dưới16 tuổi ("juvenile" means a male or female person who is 7 years of age or above and below the age of 16 years); "Thanh thiếu niên" là người từ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi ("young person" means a person who is 14 years of age or above and below the age of 16 years).
Canada: NCTN là dưới 18 tuổi. Một số bang quy định NCTN là dưới 19 tuổi. 

(Nguồn tin: Bài viết đăng tải trên ấn phẩm Nghiên cứu lập pháp số 18(250), tháng 9/2013)