"Đảng hóa thân vào nhà nước" Trong đổi mới phương thức cầm quyền Của đảng ta

01/09/2013

PGS,TS. NGUYỄN HỮU ĐỔNG

Viện Chính trị học, Học viện Chính trị, Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh

1. Khái niệm "Đảng hóa thân vào Nhà nước" được hiểu như thế nào?
Kể từ Đại hội Đảng lần thứ IX đến nay, Đảng ta đã đề cập nhiều hơn đến vấn đề Đảng cầm quyền. Văn kiện Đại hội lần thứ X của Đảng đã nêu rõ: "Nghiên cứu, tổng kết, tiếp tục làm rõ quan điểm về đảng lãnh đạo và đảng cầm quyền làm cơ sở đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng một cách cơ bản, toàn diện"[1]. Văn kiện Đại hội XI của Đảng tiếp tục khẳng định: "Tăng cường nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, làm sáng tỏ một số vấn đề về đảng cầm quyền"[2]. Cùng với quá trình nghiên cứu vấn đề đảng lãnh đạo, đảng cầm quyền đáp ứng yêu cầu của đổi mới phương thức cầm quyền của Đảng trong quá trình đổi mới hệ thống chính trị nói chung, các nhà nghiên cứu khoa học chính trị cũng đã kiến nghị rằng, để thực hiện vai trò lãnh đạo, nâng cao năng lực cầm quyền của mình, Đảng cần phải "hóa thân vào Nhà nước". Vậy "Đảng hóa thân vào Nhà nước" được hiểu như thế nào?
Trước hết, cần phải nhận thức rằng, Đảng hóa thân vào Nhà nước với mục đích là để thực hiện vai trò cầm quyền của Đảng. Để thực hiện mục tiêu, cương lĩnh của mình, ở hầu hết các nước trên thế giới, khi một đảng chính trị giành được vị trí cầm quyền, đảng đều phải hóa thân vào nhà nước để thực hiện vai trò cầm quyền của mình. Thực tế, hệ thống chính trị của bất cứ quốc gia nào hiện nay cũng đều có các bộ phận cấu thành cơ bản, đó là đảng chính trị, nhà nước, các tổ chức xã hội. Mỗi thành tố này đều có quyền lực chính trị nhất định: quyền lực chính trị của đảng; quyền lực của nhà nước; quyền lực của tổ chức xã hội. Tuy nhiên, quyền lực của đảng chính trị lại được thể hiện ở hai loại: quyền lực của đảng cầm quyền và quyền lực của đảng không cầm quyền (đảng đối lập). Quyền lực của đảng không cầm quyền thể hiện tập trung ở quyền tranh cử với nhiều hình thức khác nhau, được luật pháp thừa nhận để có thể giành cơ hội giữ vai trò cầm quyền. Còn đảng cầm quyền thì ngoài quyền tranh cử, nó còn có quyền lực chi phối, định hướng đối với nhà nước để thực hiện cương lĩnh, mục tiêu của đảng đó. Việc chi phối, định hướng đối với nhà nước của đảng cầm quyền được diễn ra với các hình thức khác nhau nhưng có hai hình thức chủ yếu sau:
Thứ nhất, đảng cầm quyền với hình thức như một chủ thể đứng bên ngoài nhà nước thực hiện vai trò lãnh đạo thông qua các nghị quyết, chỉ thị các cấp của đảng để chi phối, định hướng đối với nhà nước, chính quyền. Đây được gọi là cách thức hay mô hình cầm quyền từ bên ngoài của đảng chính trị. Cách thức này được áp dụng ở một số nước có hệ thống chính trị theo mô hình Xô-viết. Khái niệm "cầm quyền" của đảng ở đây được thể hiện qua cụm từ "sự lãnh đạo của đảng đối với nhà nước" hay "đảng lãnh đạo nhà nước".
Thứ hai, đảng cầm quyền với hình thức gồm các cá nhân đảng viên ưu tú đứng bên trong nhà nước trực tiếp lãnh đạo và quản lý, vừa xây dựng, ban hành, đồng thời thực thi các quyết định, chính sách của nhà nước tùy theo chức năng nhiệm vụ của mình, từ đó mà chi phối, định hướng đối với nhà nước. Cách thức này được áp dụng rộng rãi ở nhiều nước trên thế giới và tên gọi của khái niệm thể hiện mối quan hệ giữa đảng và nhà nước ở đây là "sự cầm quyền của đảng" hay "đảng cầm quyền".  
Mô hình hay cách thức cầm quyền thứ hai nêu trên được các nhà khoa học xác định là đảng chính trị sau khi giành được địa vị cầm quyền đã "hóa thân" vào nhà nước để thực hiện vai trò cầm quyền của mình. Trong Từ điển tiếng Việt, với nghĩa là một động từ, hóa thân được hiểu là sự "biến đi và hiện ra lại thành một người hoặc một vật cụ thể khác nào đó"[3]. Từ đây và với những điều phân tích nêu ở trên, có thể hiểu rằng: "đảng hóa thân vào nhà nước" là một khái niệm chỉ sự "ẩn giấu" đi quyền lực của đảng cầm quyền vào trong cái "vỏ" quyền lực của nhà nước, thực hiện việc chi phối, định hướng đối với nhà nước, chủ yếu thông qua vai trò của các cá nhân đảng viên ưu tú của đảng nhằm hiện thực hóa các mục tiêu, cương lĩnh của đảng đề ra. Hay nói một cách khác, chủ thể quyền lực của đảng đã được "hóa thân", đồng thời "ẩn giấu" trong quyền lực của nhà nước để chi phối, định hướng nhà nước thực hiện các mục tiêu, cương lĩnh của đảng.
2. Sự cần thiết "Đảng hóa thân vào Nhà nước" trong quá trình đổi mới phương thức cầm quyền của Đảng hiện nay
Tiếp tục đổi mới sự lãnh đạo của Đảng trong quá trình đổi mới hệ thống chính trị là yêu cầu cấp thiết hiện nay như Hội nghị Trung ương bảy Khóa XI của Đảng đã nêu rõ. Trong đó, vấn đề hàng đầu là đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước. Tuy nhiên, thực tế trong nhiều năm qua, mặc dù đã có nhiều công trình nghiên cứu tìm biện pháp đổi mới, nhưng chúng ta vẫn còn lúng túng trong vấn đề này. Từ những điều phân tích trên, có thể thấy rằng, phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước mà Đảng ta nêu ra chính là một khái niệm khác của phương thức cầm quyền của Đảng. Bởi theo thông lệ trên thế giới thì đây chỉ là cách thức giải quyết mang tính kỹ thuật mối quan hệ giữa đảng chính trị với nhà nước sau khi đảng đã giành được vị thế cầm quyền. Tuy nhiên, khái niệm "đảng lãnh đạo nhà nước" lại không được sử dụng ở các nước. Bất cứ trong nhà nước hiện đại nào cũng đều phải có sự cầm quyền của một đảng hay liên minh các đảng chính trị. Ở nhiều nước, các đảng chính trị sau khi thắng cử đều phải hóa thân vào nhà nước để thực hiện vai trò cầm quyền của mình, tức đảng không đứng tách riêng ra như dạng có hai chủ thể (cả đảng và nhà nước) cùng thực hiện vai trò cầm quyền. Ở Việt Nam, trong quá trình thực hiện vai trò cầm quyền, Đảng đã không theo một thông lệ như vậy. Do đó, thực tế đã cho thấy có khá nhiều bất cập[4], khó khăn và hiệu quả không cao cho việc cầm quyền của Đảng, cụ thể:
Thứ nhất, do có hai chủ thể là Đảng và Nhà nước cùng thực hiện vai trò cầm quyền nên trong nhiều năm qua đã diễn ra sự chồng chéo về chức năng giữa Đảng và Nhà nước. Từ đây dẫn tới hệ lụy của việc bao biện, làm thay hay buông lỏng sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước. Hơn nữa, nó còn dẫn đến tình trạng trách nhiệm trong cầm quyền không rõ ràng là của Đảng hay Nhà nước. Thực tế đã chỉ ra, có không ít các trường hợp đùn đẩy trách nhiệm giữa Đảng và Nhà nước, giữa cấp ủy và chính quyền; khó quy được đâu là trách nhiệm của tổ chức đảng, người đứng đầu của Đảng với trách nhiệm của tổ chức nhà nước, người đứng đầu cơ quan, tổ chức của Nhà nước trong thực thi quyền lực. Ngoài ra, với cách thức cầm quyền này, chúng ta dường như đã phân định ra chức năng của Đảng chỉ là "lãnh đạo", chức năng của Nhà nước chỉ là "quản lý", từ đó đã có sự phân biệt "Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý", mà điều này ở các nước trên thế giới không đặt ra. Hiện nay ở hầu hết các nước, họ "không có sự phân biệt giữa sự lãnh đạo của đảng và sự quản lý của nhà nước"; việc "không phân biệt giữa sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của nhà nước tại các nước tư bản có lý do chính là để tăng cường sự hợp pháp và sự chịu trách nhiệm của đảng cầm quyền"[5].
Thứ hai, từ việc có hai chủ thể cầm quyền đã tạo ra sự cồng kềnh của bộ máy. Cấu trúc thực thi quyền lực trong hệ thống chính trị bị trùng lắp. Thực tế này đã làm phát sinh tình trạng nhiều cơ quan, tổ chức có cùng chức năng, do đó cũng làm cho người hưởng chế độ từ ngân sách nhà nước trong hệ thống chính trị ngày càng tăng lên. Việc thống kê tinh giản biên chế từ năm 2000 đến năm 2010 đã cho thấy: "Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết của Đảng về tinh giản biên chế và chương trình cải cách hành chính của Chính phủ, số "biên chế" không những không giảm mà còn tăng tới 25%"[6]. Hơn nữa, điều này đã làm tăng thêm các công việc trong hoạt động chính trị với sự ôm đồm quá nhiều việc của chủ thể cầm quyền. Trong khi nhìn nhận một cách khoa học, thì cấu trúc thực thi quyền lực trong hệ thống chính trị lại cần phải tinh gọn, phải làm sao để "chính trị cốt ở ít việc"[7] chứ không thể ngược lại, như lời khẳng định do Lê Quý Đôn - một trong những nhà bác học của Việt Nam, nêu ra.
Thứ ba, việc có hai chủ thể cầm quyền còn tạo ra tình trạng là dường như ở Việt Nam đã "có hai nhà nước trong một đất nước"[8],do vậy mà làm thiếu tính thống nhất và minh bạch trong quá trình hoạch định và thực thi các chính sách quốc gia. Hậu quả là chất lượng của các quyết định, chính sách khó đạt hiệu quả cao. Bởi thực tế ở nước ta hiện nay là Đảng xây dựng, ban hành các quyết định, chính sách phát triển trên mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội thông qua các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương, cấp ủy Đảng các cấp; Nhà nước (bao gồm Quốc hội, Hội đồng nhân dân và cơ quan hành chính các cấp) cũng xây dựng, ban hành các quyết định, chính sách giống như của Đảng thông qua các nghị quyết, quyết định của cơ quan quyền lực nhà nước các cấp. Điều này làm cho việc thảo luận, ban hành các chính sách bị phân tán, không có sự gắn kết; vừa lãng phí về thời gian họp bàn, hay chờ đợi xin ý kiến, chỉ đạo, chỉ thị, vừa chậm ra được các quyết sách quốc gia. Thực tế cho thấy, có nhiều đảng viên ưu tú, như uỷ viên cấp ủy các cấp của Đảng hầu hết đã giữ các vị trí chủ chốt trong bộ máy công quyền, nhưng họ đều phải một lần nữa thảo luận và xây dựng các chính sách quốc gia mà trước đó đã được bàn thảo, ra nghị quyết trong tổ chức của Đảng.
3. "Đảng hóa thân vào Nhà nước" cần phải được thực hiện như thế nào?
Từ khi Đảng ta trở thành đảng cầm quyền cho đến nay, xét về hình thức, dường như Đảng cũng đã hóa thân vào Nhà nước ở một mức độ nhất định. Bởi Đảng đã thực hiện việc đưa những đảng viên ưu tú của mình vào giữ các vị trí chủ chốt của bộ máy công quyền. Chẳng hạn, hiện nay các vị trí Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội đều là Ủy viên Bộ Chính trị; các Bộ trưởng đều là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương; các Chủ tịch Ủy ban nhân dân hầu hết đều là các Ủy viên Thường vụ cấp ủy cùng cấp. Nhưng về thực chất, chưa thể nói là Đảng đã hóa thân vào Nhà nước, bởi điều đó vẫn chưa đáp ứng đủ các điều kiện cần thiết của việc hóa thân. Do vậy, theo chúng tôi cần phải thực hiện được một số yêu cầu sau đây:
Thứ nhất, cần tiếp tục tăng cường nghiên cứu và tiến tới thực hiện việc nhất thể hóa các chức danh người đứng đầu và một số tổ chức của Đảng, Nhà nước mà Văn kiện Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X đã nêu ra. Cần nhận thức rõ rằng, việc nhất thể hóa này không đơn thuần chỉ như là sự "nhập lại" làm một các chức danh, các tổ chức đó. Đây thực sự là một quy trình không ít những khó khăn, phải được thực hiện một cách khoa học, đồng bộ, gắn với việc hoàn thiện mô hình tổ chức nhà nước, với việc đảm bảo dân chủ trong bầu cử, bố trí điều động cán bộ, đồng thời làm tinh gọn bộ máy cầm quyền trong hệ thống chính trị.
Thứ hai, cần xúc tiến nghiên cứu, tiến tới nhất thể hóa thẩm quyền, trách nhiệm của Đảng và Nhà nước trong việc hoạch định và thực thi các chính sách về các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đây có thể được coi là một nội dung quan trọng trong đổi mới cách thức cầm quyền của Đảng hiện nay. Như đã phân tích, hầu hết các đảng viên ưu tú của Đảng như Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, Ủy viên Bộ Chính trị đều là thành viên Chính phủ, đại biểu Quốc hội. Do vậy, theo chúng tôi, không nên tổ chức những Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, các cấp ủy và thường vụ cấp ủy các cấp bàn riêng việc xây dựng và ban hành các nghị quyết về phát triển các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội của đất nước. Việc cầm quyền của Đảng bằng cách Đảng đề ra các nghị quyết đó, rồi lại giao cho Quốc hội thể chế hóa vào pháp luật như thời gian qua làm cho Đảng dường như đã đứng trên Nhà nước, dẫn đến nảy sinh những hệ lụy như đã nêu ở trên, đồng thời tạo ra hình thức áp đặt, chuyên quyền trong thực thi quyền lực, làm thiếu sinh khí của môi trường phản biện trong xã hội. 
Để nhất thể hóa thẩm quyền, trách nhiệm của Đảng và Nhà nước, nên chăng các việc đề xuất sáng kiến chính sách, đến việc tranh luận, phê chuẩn, ban hành các chính sách về phát triển các lĩnh vực kinh tế - xã hội của đất nước cần được tiến hành ngay trong Quốc hội, Chính phủ tùy theo từng trường hợp cụ thể. Điều này có nghĩa, các đảng viên ưu tú trong Quốc hội, Chính phủ chỉ cần một lần tham gia vào việc thảo luận, ban hành các chính sách quốc gia. Điều này cũng đồng nghĩa với việc các hội nghị Ban Chấp hành Trung ương, cấp ủy các cấp chỉ nên tập trung bàn đến các vấn đề về xây dựng Đảng, như: chỉ đạo làm tốt công tác tư tưởng, lý luận; vận động, thuyết phục quần chúng nhân dân thực hiện các chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước; quản lý và giáo dục, xây dựng đội ngũ đảng viên của Đảng vững mạnh, có năng lực, phẩm chất tốt, uy tín cao, có khả năng đảm đương các công việc của Đảng, đồng thời để sẵn sàng giới thiệu, ứng cử vào các chức danh chủ chốt của bộ máy công quyền. Nhất thể hóa như trên chính là Đảng đã thực hiện vai trò cầm quyền của mình một cách trực tiếp nhất, chứ không phải như trước là "lãnh đạo" kiểu gián tiếp từ bên ngoài bằng nghị quyết rồi thông qua Nhà nước thể chế hóa vào pháp luật và tổ chức thực hiện.
Cách thức cầm quyền theo hướng nhất thể hóa như vậy là cách thức thông dụng với các đảng cầm quyền trên thế giới. Nếu chúng ta thực hiện nhất thể hóa sẽ làm cho việc xây dựng và ban hành các quyết định, chính sách về phát triển các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội chỉ còn tập trung ở một đầu mối, không chồng chéo chức năng, tiết kiệm được nhiều thời gian hội họp, ban hành quyết định, chính sách nhanh và khoa học hơn bởi đã theo một quy trình thống nhất và minh bạch, đồng thời xác định rõ được chế độ trách nhiệm làm cho chất lượng của các quyết định, chính sách sẽ cao hơn, nâng cao được năng lực cầm quyền của Đảng.   
Thứ ba, cần xây dựng, hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực của bộ máy cầm quyền trong hệ thống chính trị đáp ứng yêu cầu của việc "Đảng hóa thân vào Nhà nước". Cơ chế kiểm soát quyền lực được hiểu như một hệ thống thể chế có liên quan chặt chẽ với các phương thức kiểm soát việc sử dụng quyền lực của các chủ thể quyền lực mà người dân đã ủy quyền cho theo các hình thức nhất định. Với nhận thức như vậy, thì chính việc thực hiện nhất thể hóa nêu trên có thể được coi là một trong các phương thức bảo đảm cho việc kiểm soát quyền lực một cách hiệu quả đối với chủ thể cầm quyền ở nước ta. Khi người đứng đầu của Đảng, của tổ chức đảng đứng ngoài bộ máy nhà nước, chính quyền, thực hiện vai trò như mô hình "Đảng lãnh đạo Nhà nước" hiện nay thì sẽ khó kiểm soát được quyền lực của Đảng, từ đó tính chịu trách nhiệm cầm quyền của Đảng cũng không cao. Thực tế này đã phản ánh rất rõ trong những năm cầm quyền của Đảng vừa qua.
Cùng với việc nhất thể hóa như đã nêu trên, cần đổi mới mô hình Ủy ban kiểm tra của Đảng do cấp ủy bầu hiện nay thành Ủy ban kiểm tra giám sát và kỷ luật của Đảng do Đại hội bầu[9]. Ủy ban này cần phải có vị trí độc lập nhất định. Sau khi đã nhất thể hóa với cơ quan Thanh tra nhà nước theo tinh thần của Hội nghị Trung ương chín khóa X của Đảng, Ủy ban này sẽ có vai trò quan trọng trong việc kiểm soát quyền lực của chủ thể cầm quyền nói chung, người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước nói riêng. Ngoài ra, cần nghiên cứu xây dựng các cơ chế kiểm soát quyền lực, như cơ chế kiểm soát quyền lực "giữa các cơ quan trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp"[10]; hoàn thiện cơ chế bầu cử, bãi miễn các đại biểu dân cử; "hoàn thiện cơ chế để nhân dân đóng góp ý kiến, phản biện xã hội và giám sát công việc của Đảng và Nhà nước"[11]; "quy định chế độ cung cấp thông tin và trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước trước nhân dân"[12]; "hoàn thiện và thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở"[13].
Thứ tư, cần đảm bảo vai trò lãnh đạo của Đảng khi "Đảng hóa thân vào Nhà nước". Điều đó có nghĩa cần phải nhận thức lại cho đúng hơn khái niệm "vai trò lãnh đạo của Đảng" hay khái niệm "Đảng lãnh đạo" trong xã hội hiện nay để làm cơ sở cho việc giữ vững vai trò đó.
Ở nước ta, khái niệm "Đảng lãnh đạo" thường được sử dụng như một động từ, tức là nói đến sự lãnh đạo của Đảng đối với nhân dân, Nhà nước và xã hội. Từ đó đã hình thành nên các khái niệm "Đảng lãnh đạo Nhà nước", "Đảng lãnh đạo xã hội"...., mà các khái niệm này không được các nước sử dụng. Ở nhiều nước, khái niệm "đảng lãnh đạo" thường chỉ được sử dụng như một danh từ, tức nó được hiểu là "đảng tiên phong" hay "đảng dẫn đầu" so với các đảng chính trị, tổ chức xã hội khác. Muốn trở thành "đảng tiên phong", "đảng lãnh đạo", các đảng chính trị đều phải làm sao xác định được cương lĩnh, mục tiêu, đường lối thực hiện đúng đắn, có uy tín hay tín nhiệm cao trong xã hội. Ông A.Gramsci - nguyên Tổng bí thư Đảng cộng sản Italia còn đưa ra khái niệm "đảng lãnh đạo" với cách nói khác là, đảng đó có "hệ tư tưởng tiên phong". Ông cho rằng, một đảng chính trị để trở thành đảng cầm quyền cần phải trải qua một quá trình đầy thử thách trong việc xây dựng tính tiên phong của đảng: tiên phong trong lý tưởng và hệ giá trị, tiên phong trong hệ thống lý luận, và vì vậy, tiên phong trong hệ tư tưởng chỉ đạo, có uy tín và có sức thuyết phục đối với toàn xã hội. 
Do đó, muốn giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng, theo chúng tôi, chúng ta cần phải nhấn mạnh nhiều hơn đến việc "nâng cao sức hấp dẫn của Đảng" chứ không chỉ nói nhiều đến "nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng" như hiện nay. Nói một cách khác, muốn giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng, không cách nào tốt hơn là phải nâng cao uy tín của Đảng trong xã hội, tức là Đảng phải "có sức hấp dẫn lớn"[14] như Hồ Chí Minh đã từng nói, đồng thời nâng cao năng lực cầm quyền của mình thông qua các cán bộ đảng viên thực hiện một cách hiệu quả sự lãnh đạo và quản lý trong bộ máy nhà nước.

 


[1] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội 2006, tr. 306.
 
[2] Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội., 2011
[3] Viện Ngôn ngữ học, Từ điển Tiếng Việt (2005), Nxb Đà Nẵng - Trung tâm Từ điển học, Hà Nội - Đà Nẵng, tr.448.
 
[4]Xem thêm: Nguyễn Hữu Đổng, Đổi mới mô hình "Đảng lãnh đạo Nhà nước" ở nước ta hiện nay, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp, số 20 (228) tháng 10/2012.
 
[5] Nguyễn Đăng Dung, Vấn đề đảng cầm quyền và thẩm quyền quản lý nhà nước ở các nước tư bản, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp điện tử, ngày 02/11/2009.
[6] Xem: http://laodong.com.vn/Su-kien-binh-luan/Tinh-gian-nhung-cai-o/101969.bld
 
[7] Xem: http://m.vietnamnet.vn/vn/van-hoa/122239/sach-hiem-cua-chinh-tri-gia-viet-nam.html
 
[8] Nguyễn Sỹ Dũng, Giải quyết mối quan hệ giữa Đảng và Nhà nước, http://Vietbao.vn/Chinh-Tri/Giai-quyet-moi-quan-he-giua-Dang-va-Nha-nuoc/20622886/96/
 
[9] Xem thêm: Nguyễn Hữu Đổng, Đổi mới mô hình "Đảng lãnh đạo Nhà nước" ở nước ta hiện nay, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp, số 20 (228) tháng 10/2012.
 
[10] Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Tlđd
 
[11] Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Tlđd
 
[12] Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Tlđd
 
[13] Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Tlđd
 
[14] Hồ Chí Minh, Toàn tập, T.12, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995, tr. 557-558.

(Nguồn tin: Bài viết đăng trên ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu lập pháp số 17(249), tháng 9/2013)


Thống kê truy cập

32985651

Tổng truy cập