Bảo đảm tinh thần dân chủ của hiến pháp

01/08/2013

NGUYỄN CẢNH HỢP

Dân chủ là nền tảng của chế độ ta. Tinh thần dân chủ cần được thể hiện đầy đủ và rõ ràng hơn nữa trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Như thế mới  thực sự phù hợp với tư tưởng Hồ Chi Minh và các Nghị quyết của Đảng. Tinh thần dân chủ phải được thể hiện trong nhiều vấn đề cụ thể của Hiến pháp, nhưng trước hết, phải được thể hiện hùng hồn trong Lời nói đầu và tại Điều 2 của Hiến pháp. Cách làm thông minh và hợp lòng dân nhất là trở về với “một chính thể dân chủ rộng rãi” của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Hiến pháp 1946.
Untitled_459.png
Ảnh minh họa: nguồn internet
1. Tinh thần dân chủ qua các bản Hiến pháp của Việt Nam dân chủ cộng hòa và Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
Hiến pháp có những giá trị bao quát, bền vững, phổ biến, trong đó tập trung nhất là các giá trị dân chủ. Một bản Hiến pháp đúng nghĩa chỉ có thể là bản Hiến pháp mang đầy đủ tính chất dân chủ. Về sự cần thiết ban hành một bản Hiến pháp dân chủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng chỉ rõ: “Trước chúng ta đã bị chế độ quân chủ chuyên chế cai trị, rồi đến chế độ thực dân không kém phần chuyên chế, nên nước ta không có Hiến pháp, nhân dân ta không được hưởng quyền tự do dân chủ. Chúng ta phải có một Hiến pháp dân chủ”[1]. Như vậy, Việt Nam cần một bản Hiến pháp dân chủ chứ không phải là một bản Hiến pháp nói chung, không phải là một bản Hiến pháp mị dân, bảo vệ sự cai trị của một giai cấp hay thế lực độc tài nào đó như đã từng có hàng chục bản Hiến pháp như vậy trên thế giới.
1.1. Tinh thần dân chủ trong Hiến pháp 1946
Hiến pháp 1946 xác định hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, thành lập nên nước Việt Nam Dân chủ cộng hòanăm 1945 là “bảo toàn lãnh thổ, giành độc lập hoàn toàn và kiến thiết quốc gia trên nền tảng dân chủ”. Để thưc hiện hai nhiệm vụ này thì phải dựa vào chính thể dân chủ rộng rãivà tinh thần đoàn kết, phấn đấu của toàn dân. Đây chính là  tinh thần dân chủ của Hiến pháp 1946. Nền tảng dân chủ mà Hiến pháp 1946 nói đến thực chất là tổng thể các yếu tố pháp lý được các điều khoản của Hiến pháp quy định. Tuy nhiên các quy định cụ thể đó không nằm ngoài ba nguyên tắc được ghi nhận trong Lời nói đầu, đó là:
1) Đoàn kết toàn dân, không phân biệt giống nòi, gái trai, giai cấp, tôn giáo. Đoàn kết toàn dân là nguyên tắc căn bản nhất của dân chủ. Dân chủ mà không dựa trên đoàn kết toàn dân thì dân chủ đó không có sức sống, ngược lại đoàn kết mà không dựa trên “nền tảng dân chủ” thì đoàn kết không thể rộng rãi. Tinh thần đoàn kết toàn dân đã “sẵn có” trong quá trình đấu tranh cách mạng nên Hiến pháp dân chủ phải khẳng định và phải phát huy. Chúng ta phải có một Hiến pháp dân chủ mà Hiến pháp không thể hiện tinh thần đoàn kết toàn dân thì liệu có còn dân chủ không? Đoàn kết toàn dân phải trên cơ sở mục tiêu chính đáng để động viên mọi tầng lớp nhân dân, mục tiêu đó không gì khác hơn là “chủ quyền cho đất nước, tự do cho nhân dân và lập ra nền dân chủ cộng hoà”.
Như vậy dân chủ trên cơ sở đoàn kết toàn dân là nét đặc sắc trong tinh thần dân chủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh.  
2) Đảm bảo các quyền tự do dân chủ. Tự do cho nhân dân là mục tiêu và cũng là nguyên tắc của Hiến pháp 1946. Tự do dân chủ là thước đo của một xã hội văn minh, là giá trị nhân đạo cao quý nhất của nhân loại. Dân chủ sẽ là trừu tượng, là bánh vẽ nếu dân sinh không tự do, hạnh phúc. Có tự do thì nhân dân mới trở thành người làm chủ. Vì vậy, các quyền tự do dân chủ cơ bản của công dân đã được quy định khá đầy đủ - tuy ngắn gọn - tại mục B Chương II Hiến pháp 1946.
Tuy nhiên, tự do phải trên cơ sở bình đẳng. Không có bình đẳng thì không có tự do. Thông thường, các bản Hiến pháp quy định về các quyền và tự do của công dân theo các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội, tự do cá nhân, nhưng Hiến pháp 1946 trước khi quy định về các quyền tự do thì dành 4 điều trong tổng số 16 điều của mục B Chương II quy định về các quyền bình đẳng. Cụ thể: Điều thứ 6: “Tất cả công dân Việt Nam đều ngang quyền về mọi phương diện: chính trị, kinh tế, văn hoá”; Điều thứ 7: “Tất cả công dân Việt Nam đều bình đẳng trước pháp luật, đều được tham gia chính quyền và công cuộc kiến quốc tuỳ theo tài năng và đức hạnh của mình”; Điều thứ 8: “Ngoài sự bình đẳng về quyền lợi, những quốc dân thiểu số được giúp đỡ về mọi phương diện để chóng tiến kịp trình độ chung”; Điều thứ 9: “Đàn bà ngang quyền với đàn ông về mọi phương diện”.
Không phải ngẫu nhiên mà 4 điều này được đặt trước các điều quy định về các quyền tự do dân chủ (các điều 10,11,12,13,14,15,16). Với cách thể hiện này thì rõ ràng bình đẳng dân tộc, bình đẳng giai cấp, bình đẳng nam nữ là những điều kiện hàng đầu của tự do dân chủ. Không có bình đẳng thì không có tự do. Đây cũng là một nét đặc sắc trong quan niệm về dân chủ của Hiến pháp 1946.
3) Thực hiện chính quyền mạnh mẽ và sáng suốt của nhân dân. Chính quyền mạnh mẽ là chính quyền dựa vào dân, có đủ khả năng bảo vệ độc lập chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, có khả năng bảo đảm an ninh và trật tự, an toàn xã hội, các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Chính quyền sáng suốt là chính quyền biết thu phục được nhân tâm và phát huy trí tuệ vô bờ bến của nhân dân để hoạch định và tổ chức thực hiện các chính sách phát triển kinh tế - xã hội. Nói cách khác, chỉ có chính quyền dân chủ thực sự của nhân dân mới có thể là chính quyền “mạnh mẽ và sáng suốt”. Và cũng chỉ có chính quyền “mạnh mẽ và sáng suốt của nhân dân” mới bảo đảm và phát huy được dân chủ. Đây cũng chính là mối quan hệ biện chứng giữa dân chủ và chuyên chính, bạo lực và nhân ái trong quan điểm xây dựng chính quyền dân chủ nhân dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Dân chủ thể hiện trong Hiến pháp 1946 là một nền dân chủ mạnh mẽ, có hiệu lực, biết tự vệ.
Như vậy, ba nguyên tắc này của Hiến pháp 1946 là ba nguyên tắc xuyên suốt của chế độ   Việt Nam dân chủ cộng hòa, chúng quan hệ chặt chẽ với nhau: đoàn kết toàn dân để bảo đảm tự do dân chủ, bảo đảm tự do dân chủ là để phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân, không đoàn kết được toàn dân, không bảo đảm được các quyền tự do dân chủ thì không thể xây dựng được chính quyền mạnh mẽ, sáng suốt của nhân dân, và chỉ có chính quyền mạnh mẽ và sáng suốt của nhân dân mới bảo đảm và phát huy được dân chủ. Có đủ ba nhân tố đó mới có đủ “tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”[2]. Trái với ba nguyên tắc này sẽ là một Hiến pháp phi dân chủ, Hiến pháp chia rẽ giai cấp, dân tộc, tôn giáo; chà đạp tự do dân chủ; sẽ là chính quyền của phe phái hủ bại, bạo lực, đàn áp, hận thù, bất lực trước trọng trách lịch sử. Ba nguyên tắc này phản ánh mục tiêu giữ vững độc lập và phát huy dân chủ của Hiến pháp 1946.
Tính chất dân chủ của Hiến pháp 1946 không chỉ thể hiện ở những tuyên bố tại Lời nói đầu mà hơn thế nữa, được cụ thể hóa trong các quy định về chính thể dân chủ cộng hoà. “Tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam, không phân biệt nòi giống, gái trai, giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo”. Chính thể đó thực sự là chính thể dân chủ rộng rãi vì cơ sở xã hội của nó bao gồm tất cả các tầng lớp, các giai cấp, các dân tộc, các tôn giáo.
Trong chính thể đó có tất cả các ưu việt của một nền dân chủ rông rãi: chế độ bầu cử phổ thông đầu phiếu theo nguyên tắc bỏ phiếu tự do, trực tiếp và kín; tất cả công dân Việt Nam, từ 18 tuổi trở lên, không phân biệt gái trai, đều có quyền bầu cử, trừ những người mất trí và những người mất công quyền, người có quyền ứng cử phải ít ra là 21 tuổi và phải biết đọc, biết viết chữ quốc ngữ; nhân dân có quyền bãi miễn các đại biểu mình đã bầu ra; nhân dân có quyền phúc quyết về Hiến pháp và những việc quan hệ đến vận mệnh quốc gia; Nghị viện nhân dân là cơ quan có quyền cao nhất của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà; Nghị viện nhân dân giải quyết mọi vấn đề chung cho toàn quốc, đặt ra các pháp luật, biểu quyết ngân sách, chuẩn y các hiệp ước mà Chính phủ ký với nước ngoài; Chính thể đó có Chính phủ gồm Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, Phó Chủ tịch và Nội các; Chính phủ có thể phải từ chức khi bị Nghị viện bất tín nhiệm; Chính thể đó có Hội đồng nhân dân ở địa phương do đầu phiếu phổ thông và trực tiếp bầu ra; Hội đồng nhân dân quyết nghị về những vấn đề thuộc địa phương mình; nền tư pháp trong chính thể đó có các đặc điểm của tư pháp dân chủ: khi xử việc hình thì phải có Hội thẩm nhân dân để hoặc tham gia ý kiến nếu là việc tiểu hình, hoặc cùng quyết định với thẩm phán nếu là việc đại hình; Quốc dân thiểu số có quyền dùng tiếng nói của mình trước Toà án; các phiên toà đều phải công khai, trừ những trường hợp đặc biệt; người bị cáo được quyền tự bào chữa lấy hoặc mượn luật sư; cấm không được tra tấn, đánh đập, ngược đãi những bị cáo và tội nhân; trong khi xét xử, các viên thẩm phán chỉ tuân theo pháp luật, các cơ quan khác không được can thiệp.
Tính chất dân chủ rộng rãi của Hiến pháp 1946 còn được thể hiện trên thực tế qua thành phần đại biểu Quốc hội. Quốc hội khóa I đã thông qua bản Hiến pháp này với đa số tuyệt đối, đó là Quốc hội mà “các đại biểu Quốc hội không phải đại diện cho một đảng phái nào, mà là đại biểu của toàn thể quốc dân Việt Nam. Đó là một sự đoàn kết tỏ ra rằng lực lượng của toàn dân Việt Nam đã kết lại thành một khối”[3].
Ngoài ra Hiến pháp 1946 là bản Hiến pháp dân chủ vì đó là bản Hiến pháp gần dân. Gần dân vì rất dễ hiểu, dễ đi vào lòng người bởi sự giản dị, trong sáng, khúc chiết trong diễn đạt và ngôn từ. Việc soạn thảo, thông qua bản Hiến pháp 1946 một cách hết sức dân chủ cũng là một tấm gương mẫu mực của tinh thần dân chủ rộng rãi.
Tóm lại, “dân chủ rộng rãi” là tinh thần chủ đạo, xuyên suốt và vô cùng đặc sắc của Hiến pháp 1946, nó động viên, cổ vũ mạnh mẽ mọi tầng lớp nhân dân trong công cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đầy hy sinh gian khổ để đi đến thắng lợi rất vẻ vang.
Với tư tưởng dân chủ sâu sắc kết hợp với tinh thần độc lập dân tộc cao cả, bản Hiến pháp 1946 thực sự là Hiến pháp của toàn thể nhân dân và dân tộc Việt Nam, biểu thị tinh thần đoàn kết chặt chẽ phấn đấu vì độc lập dân tộc, dân chủ và vì tương lai phồn vinh của đất nước.  
1.2. Tinh thần dân chủ trong Hiến pháp 1959
Hiến pháp 1959 đã đã kế thừa tinh thần dân chủ của Hiến pháp 1946, nhưng tinh thần dân chủ trong Hiến pháp 1959 là một vấn đề khá phức tạp vì đó là một nền dân chủ quá độ. Mặc dù Hiến pháp 1959 khẳng định: “Hiến pháp mới là một Hiến pháp thực sự dân chủ”; “Nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, thành lập và củng cố do thắng lợi mà nhân dân Việt Nam đã giành được trong Cách mạng tháng Tám vẻ vang và kháng chiến anh dũng, là một nước dân chủ nhân dân”; “Nhà nước nghiêm cấm và trừng trị mọi hành động phản quốc, chống lại chế độ dân chủ nhân dân, chống lại sự nghiệp thống nhất Tổ quốc”[4] nhưng tinh thần quá độ của nền dân chủ này đã được khẳng định ngay trong Lời nói đầu và Điều 9 của Hiến pháp.
Với điều kiện “miền Bắc được hoàn toàn giải phóng, nhân dân ta đã hoàn thành cách mạng dân chủ nhân dân” và “cần ra sức củng cố miền Bắc, đưa miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội (CNXH) và tiếp tục đấu tranh để hoà bình thống nhất nước nhà, hoàn thành nhiệm vụ cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trong cả nước”[5]thì dân chủ nhân dân đã không còn là dân chủ rộng rãi như Hiến pháp 1946. Đó phải là hình thức dân chủ quá độ. Điều 9 Hiến pháp 1959 xác định: “Nước Việt Nam dân chủ cộng hoà tiến dần từ chế độ dân chủ nhân dân lên CNXHbằng cách phát triển và cải tạo nền kinh tế quốc dân theo CNXH, biến nền kinh tế lạc hậu thành một nền kinh tế xã hội chủ nghĩa (XHCN) với công nghiệp và nông nghiệp hiện đại, khoa học và kỹ thuật tiên tiến”. Một khi đã cải tạo XHCN thì cơ sở xã hội của nhà nước dân chủ nhân dân không thể gồm giai cấp tư sản, địa chủ. Tính chất công nhân của Nhà nước đã được Hiến pháp khẳng định thông qua vai trò lãnh đạo của giai cấp công nhân: “Nhà nước của ta là Nhà nước dân chủ nhân dân, dựa trên nền tảng liên minh công nông, do giai cấp công nhân lãnh đạo”[6].
Như vậy, hình thức vẫn là nhà nước dân chủ nhân dân nhưng dân chủ không còn có nghĩa “Tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam, không phân biệt nòi giống, gái trai, giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo” như Hiến pháp 1946 quy định.
Tinh thần chủ đạo của Hiến pháp 1959 không phải là độc lập dân tộc và tự do, dân chủ như Hiến pháp 1946 mà là độc lập dân tộc và CNXH.
Mối quan hệ giữa dân chủ và đoàn kết toàn dân trong Hiến pháp 1959 không được nhấn mạnh như trong Hiến pháp 1946; đoàn kết toàn dân không thành một nguyên tắc như trong Hiến pháp 1946 mà chỉ là một sự quyết tâm: “Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Lao động Việt Nam, Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hoà và Chủ tịch Hồ Chí Minh, toàn dân ta đoàn kết rộng rãi trong Mặt trận dân tộc thống nhất, nhất định sẽ giành được những thắng lợi vẻ vang trong sự nghiệp xây dựng CNXH ở miền Bắc và thực hiện thống nhất nước nhà”[7].   
Hiến pháp 1959 cũng là bản Hiến pháp đầu tiên quy định về nguyên tắc tập trung dân chủ - nguyên tắc nền tảng trong tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước XHCN.
Như vậy, Hiến pháp 1959 về cơ bản đã có sự kế thừa tinh thần dân chủ của Hiến pháp 1946, nhưng nó đã hàm chứa các nguyên tắc cơ bản của chế độ dân chủ XHCN.
1.3. Tinh thần dân chủ trong Hiến pháp 1980 và Hiến pháp 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001)
Sau khi miền Nam hoàn toàn được giải phóng, đất nước thống nhất, tiến lên xây dựng CNXH thì bản Hiến pháp mới - Hiến pháp 1980 - được ban hành. Cần nói ngay rằng, bản Hiến pháp này đã không hoàn toàn kế thừa tinh thần dân tộc dân chủ rộng rãi của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Hiến pháp 1946 và Hiến pháp 1959, bởi đã chịu ảnh hưởng sâu sắc tư tưởng giáo điều, duy ý chí về xây dựng CNXH, trong đó có vấn đề dân chủ. Hiến pháp 1980 đã hoàn toàn xác lập nền tảng của chế độ dân chủ kiểu mới - dân chủ XHCN dưới hình thức chuyên chính vô sản.
Bản Hiến pháp này khẳng định: “Nhà nước Cộng hoà XHCN Việt Nam là Nhà nước chuyên chính vô sản. Sứ mệnh lịch sử của Nhà nước đó là thực hiện quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động, động viên và tổ chức nhân dân tiến hành đồng thời ba cuộc cách mạng: cách mạng về quan hệ sản xuất, cách mạng khoa học - kỹ thuật, cách mạng tư tưởng và văn hoá, trong đó cách mạng khoa học - kỹ thuật là then chốt; xoá bỏ chế độ người bóc lột người; đập tan mọi sự chống đối của bọn phản cách mạng trong nước, mọi hành động xâm lược và phá hoại của kẻ thù bên ngoài; xây dựng thắng lợi CNXH, tiến tới chủ nghĩa cộng sản; góp phần củng cố hoà bình và đẩy mạnh sự nghiệp cách mạng của nhân dân thế giới”[8].
Những nguyên tắc như Đảng Cộng sản lãnh đạo; làm chủ tập thể; liên minh công nông; tất cả quyền lực thuộc về nhân dân; tập quyền XHCN trong tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước; tập trung dân chủ là những đặc trưng của nền dân chủ XHCN đã được Hiến pháp 1980 xác lập.
Hiến pháp 1980 xác định Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam là nhà nước chuyên chính vô sản, mà không nói nhà nước dân chủ, mặc dù về lý luận thì chuyên chính vô sản là hình thức của dân chủ XHCN - dân chủ gấp triệu lần dân chủ tư sản như Lê-nin nói, nhưng với liên minh công nông làm nền tảng thì cơ sở xã hội của nền dân chủ này đã bị thu hẹp, nó không còn mang tinh thần dân chủ rộng rãi của đại đoàn kết toàn dân.
Đặc biệt là toàn bộ Hiến pháp 1980, kể cả Lời nói đầu, không có chỗ nào nhắc đến chữ “dân chủ”.
Như vậy có thể nói, Hiến pháp 1980 đã nhấn mạnh tính chất giai cấp công nhân chứ không phải là tính chất “dân chủ rộng rãi”như Hiến pháp 1946, cũng không thấy “nền tảng dân chủ” mà chỉ thấy nền tảng chuyên chính giai cấp. Tư duy giáo điều, duy ý chí này là một trong những nguyên nhân đưa đến những chính sách sai lầm trong quản lý kinh tế - xã hội, dẫn đến khủng hoảng, làm mất lòng tin của nhân dân, không huy động được sức mạnh và tài năng của nhân dân và thực chất là đi ngược lại tinh thần dân chủ. Đây là thời kỳ chứng minh hùng hồn rằng, không có dân chủ thì cách mạng không thể thành công, dân chủ là cái gốc của mọi thắng lợi. Tóm lại, Hiến pháp 1980 là bản Hiến pháp ít nhiều bị suy giảm về tinh thần dân chủ, tinh thần đại đoàn kết toàn dân, là bản Hiến pháp phức tạp, khó hiểu, ít gần gũi với nhân dân, sản phẩm của tư duy giáo điều, duy ý chí.
Hiến pháp 1992 (sửa đổi, bổ sung 2001) là một giai đoạn mới của lập hiến Việt Nam. Hiến pháp 1992 xác định Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam là Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, nhưng không trực tiếp ghi rõ tính chất dân chủ của chính thể nhà nước. Hiến pháp 1992 tuy nói “tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân” nhưng không nói nhân dân là ai, có phải là tất cả con cháu Lạc Hồng để từ đó “không phân biệt giống nòi, gái trai, giai cấp, tôn giáo” như Hiến pháp 1946 quy định hay không. Hiến pháp 1992 xác định nền tảng của quyền lực nhà nước là liên minh giữagiai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức, như vậy cũng không còn là dân chủ rộng rãi nữa.
Cũng như Hiến pháp 1980, toàn bộ Hiến pháp 1992, kể cả Lời nói đầu, không có chỗ nào nhắc đến chữ “dân chủ”. Thay vào đó, Hiến pháp 1992 lại xác định tính chất pháp quyền của Nhà nước ta chứ không phải là tính chất dân chủ, mặc dù về bản chất nhà nước pháp quyền là nhà nước dân chủ. Hiến pháp đã dùng cụm từ Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dânthay cho khái niệm dân chủ.
Với những gì đã trình bày trên đây, có thể  kết luận như sau:
Thứ nhất, tinh thần dân chủ rộng rãi được thể hiện hùng hồn, rõ ràng, đầy đủ, thực chất nhất là trong bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa - Hiến pháp 1946. Tinh thần dân chủ không chỉ thể hiện trong nội dung Lời nói đầu và các điều khoản mà còn thông qua cách diễn đạt ngôn từ và hành văn gần gũi với nhân dân.
Thứ hai, Hiến pháp 1959 có kế thừa tinh thần dân chủ của Hiến pháp 1946 nhưng đã không còn rộng rãi như tinh thần dân chủ trong Hiến pháp 1946. Đất nước bước sang thời kỳ quá độ lên CNXH ở miền Bắc và đấu tranh thống nhất nước nhà ở miền Nam, cùng với sự lãnh đạo của Đảng và nền tảng của chế độ là liên minh công nông thì dân chủ XHCN được xác lập, không còn là dân chủ rộng rãi.
Thứ ba, Hiến pháp 1980 là bản Hiến pháp không sử dụng từ “dân chủ” trong bất cứ điều khoản nào cũng như trong Lời nói đầu. Dân chủ được thay bằng chuyên chính vô sản tức là trình độ thấp của dân chủ XHCN. Đây là một bước lùi trong nhận thức về tinh thần dân chủ của Hiến pháp.
Thứ tư, Hiến pháp 1992 tuy đã có những đổi mới theo hướng pháp quyền nhưng vẫn xa tinh thần dân chủ đã được thể hiện trong Hiến pháp 1946. Lời nói đầu và trong các điều khoản của bản Hiến pháp này cũng không sử dụng từ “dân chủ”. Việc tuyên bố nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân là một cách thể hiện tính chất dân chủ nhưng không phải là cách thể hiện đúng đắn vì đã làm nhạt nhòa tinh thần dân chủ lẽ ra phải đề cao trong Hiến pháp của thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Nhà nước pháp quyền và nhà nước dân chủ là hai khái niệm gắn liền với nhau nhưng không đồng nhất. Cách quy định của Hiến pháp 1992 và Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 đã không cho thấy sự khác nhau giữa tính chất dân chủ với tính chất pháp quyền như kinh nghiệm của nhiều bản Hiến pháp của các nước phát triển trên thế giới.
Với những lý giải trên đây, có thể nói, ngoại trừ Hiến pháp 1946 thì trong các bản Hiến pháp 1959, 1980 và 1992 tinh thần dân chủ đã từng bước bị suy giảm. So với Hiến pháp 1946 và Hiến pháp 1959 thì tinh thần dân chủ trong Hiến pháp 1980 và 1992 là mờ nhạt.
Thứ năm, chính vì thế mà trong lần sửa đổi Hiến pháp này, cần phải quan triệt quan điểm của Đảng ta: “Dân chủ vừa là mục tiêu vừa là động lực của sự phát triển của đất nước”[9]để thể hiện một cách sâu sắc, toàn diện, đầy đủ và rõ ràng hơn tinh thần dân chủnhư Hiến pháp 1946 đã làm.  
2. Sửa đổi Lời nói đầu và Điều 2 của Hiến pháp 1992 với tinh thần dân chủ rộng rãi
Đảng ta đã xác định: “Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nền dân chủ XHCN”[10] là nhiệm vụ cơ bản lâu dài của cả thời kỳ quá độ lên CNXH.
Bản chất của dân chủ XHCN ở nước ta là bảo đảm quyền làm chủ về mọi mặt của nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng. Phương châm xây dựng và hoàn thiện dân chủ là lấy dân làm gốc: nhân dân tổ chức nên nhà nước, kiểm tra hoạt động của cơ quan nhà nước, nhân dân tham gia xây dựng chính sách và pháp luật, mọi hoạt động của các cơ quan nhà nước từ trung ương đến địa phương đều nhằm phục vụ nhân dân, mọi chủ trương chính sách và pháp luật của nhà nước phải phù hợp với ý nguyện của nhân dân, nhân dân có các quyền tự do dân chủ. Về bản chất, rõ ràng đây là nền dân chủ rộng rãi của nhân dân. Khi sửa đổi Hiến pháp 1992, tinh thần này phải được thể hiện một cách trực tiếp trong Hiến pháp, trong đó có Lời nói đầu và Điều 2 của Hiến pháp.
a)Lời nói đầu của Hiến pháp cần khẳng định dân chủ là mục tiêu và động lực phát triển đất nước như Cương lĩnh của Đảng đã chỉ rõ, đồng thời là nền tảng để kiến thiết quốc gia như Hiến pháp 1946 đã từng khẳng định. Dân chủ này phải là dân chủ rông rãi, không phân biệt giai cấp, dân tộc, tôn giáo.
Nếu như Lời nói đầu của Hiến pháp 1946 sử dụng nhiều lần chữ “dân chủ”, cũng như nhấn mạnh rất nhiều đến tính chất dân chủ và sự cần thiết phải bảo đảm dân chủ thì trong Lời nói đầu cũng như toàn bộ Hiến pháp 1980, Hiến pháp 1992 không có chỗ nào nhắc đến chữ “dân chủ”, cũng không sử dụng thuật ngữ “dân chủ” để nói về chính thể nhà nước.
Lời nói đầu của Hiến pháp 1992 là một Lời nói đầu yếu ớt, thiếu sức truyền cảm, thiếu sức mạnh cổ vũ, động viên, thiếu tinh thần tự hào dân tộc, thiếu ý chí và một quyết tâm mạnh mẽ. Đoạn cuối Lời nói đầu ghi: “Nhân dân Việt Nam nguyện phát huy truyền thống yêu nước, đoàn kết một lòng…” giống như một lời thề trước một ai đó bên ngoài nước Việt, chứ không hẳn biểu thị quyết tâm mạnh mẽ và niềm tin sắt đá vào mục tiêu cao cả mà cả dân tộc đang hướng tới. Nếu cần một lời thề thì đó phải là lời thề trước anh linh của tổ tiên ngàn đời đã hy sinh oanh liệt để dựng xây và gìn giữ đất nước cũng như khẳng định trách nhiệm trước tương lai của dân tộc và muôn đời con cháu mai sau. Vậy nên, nếu sửa đổi Hiến pháp 1992 thì Lời nói đầu của Hiến pháp phải là một áng hùng văn về lòng tự hào dân tộc; một bản tuyên ngôn thể hiện quyết tâm bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; là khát vọng và niềm tin mạnh mẽ vào lý tưởng tự do, dân chủ và CNXH.
Để có được tinh thần dân tộc, dân chủ mạnh mẽ thì Lời nói đầu cần thể hiện được ba tư tưởng chính sau đây:
Thứ nhất, khẳng định lòng tự hào về truyền thống đoàn kết, ý chí kiên cường bất khuất trong đấu tranh bảo vệ và xây dựng Tổ quốc của nhân dân, của dân tộc Việt Nam đã được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác;
Thứ hai, nêu rõ mục tiêu phấn đấu của toàn dân tộc là “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”, nghĩa là có mục tiêu dân chủ: bảo đảm quyền lực thuộc về nhân dân trên cơ sở đại đoàn kết toàn dân; tôn trọng và bảo đảm các quyền và tự do của công dân; khát vọng độc lập, tự do, hạnh phúc đi liền với dân chủ; cho thấy dân chủ là động lực, là nền tảng để phát triển đất nước.  
Thứ ba, khẳng định sự đoàn kết nhất trí, niềm tin và quyết tâm của cả dân tộc phấn đấu vì những mục tiêu cao cả đó bằng việc ban hành và thực thi bản Hiến pháp.
b) Điều 2 của Hiến pháp 1992 cần có sự sửa đổi theo hướng phân biệt tính chất dân chủ và tính chất pháp quyền của Nhà nước
Trong khi chủ trương xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân, vì dân thì Đảng ta cũng đồng thời khẳng định: “Dân chủ vừa là mục tiêu vừa là động lực của sự phát triển của đất nước”[11]. Nhận thức là như vậy, nhưng có thể nói Điều 2 của Hiến pháp 1992 không thể hiện được tính chất dân chủ của Nhà nước ta, làm cho nó mờ nhạt vì Hiến pháp quy định gián tiếp tính chất dân chủ thông qua việc quy định Nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân, vì dân”.  
Vì vậy, chữ “dân chủ” để tại Điều 1 Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 hiện nay là không hợp lý, vì Điều 1 chỉ nên tuyên bố về những quyền dân tộc cơ bản là độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ như Hiến pháp 1946 đến Hiến pháp 1992 đã từng quy định. Sở dĩ Hiến pháp nước ta phải có Điều 1 với nội dung nêu trên vì trong lịch sử, nước ta đã nhiều lần bị xâm lược và chia cắt. Chỉ sau khi tuyên bố những quyền dân tộc cơ bản tại Điều 1 thì mới nói đến tính chất của Nhà nước ta tại Điều 2 là Nhà nước dân chủ và pháp quyền. Để chữ “dân chủ” bên cạnh vấn đề chủ quyền quốc gia tại Điều 1 là không logic.
Hiến pháp hầu hết các nước chỉ khẳng định tính dân chủ của nhà nước mà không nêu tính pháp quyền. Sau Chiến tranh thế giới Thứ hai và nhất là sau khi Liên Xô sụp đổ thì Hiến pháp nhiều nước mới nêu bật tính pháp quyền nhưng đều phải đi liền với việc khẳng định tính dân chủ của nhà nước. Hiến pháp 1949 của Liên bang Đức là bản Hiến pháp “với điểm khác biệt cơ bản so với các bản Hiến pháp châu Âu khác là đã tuyên bố chính thức học thuyết về nhà nước pháp quyền”[12]. Tuy nhiên, bản Hiến pháp của Đức cũng chỉ sử dụng khái niệm nhà nước pháp quyền tại Điều 28 khi quy định về các tiểu bang, cụ thể là:“chế độ Hiến pháp của các tiểu bang phải phù hợp với những nguyên tắc của nhà nước cộng hòa, dân chủ và pháp quyền” chứ không trực tiếp nói đến tính pháp quyền của Nhà nước Liên bang tại Điều 20. Cụ thể Điều 20 của Chương 2 “Liên bang và tiểu bang” chỉ quy định:“Cộng hòa Liên bang Đức là nhà nước dân chủ và xã hội”, mà không nêu tính pháp quyền của nhà nước. Hiến pháp Tây Ban Nha năm 1978 tuy trực tiếp khẳng định tính pháp quyền của nhà nước ngay tại Điều 1 nhưng cũng đi kèm tính dân chủ: “Tây Ban Nha thiết lập bằng Hiến pháp (một)nhà nước pháp quyền, xã hội và dân chủ, trong đó giá trị cao quý nhất của trật tự pháp luật là tự do, công bằng, bình đẳng, đa nguyên chính trị”.Hiến pháp Liên bang Nga năm 1993 tại Điều 1cũng khẳng định tính dân chủ của nhà nước trước tính pháp quyền: “Liên bang Nga là Nhà nước liên bang, dân chủ, và pháp quyền với hình thức chính thể công hòa”. Hiến pháp Ucraina năm 1991 tại Điều 1 cũng quy định tương tự: “Ucraina là Nhà nước độc lập có chủ quyền,dân chủ, xã hội và pháp quyền.
Bản chất của nhà nước pháp quyền thể hiện trước hết ở tính dân chủ, nhưng nói nhà nước pháp quyền thì chủ yếu vẫn là nhấn mạnh đến việc bảo đảm các quyền và tự do của con người, nhấn mạnh mối quan hệ ràng buộc trách nhiệm của nhà nước bởi pháp luật, nói đến cách thức hoạt động của nhà nước. Nếu chỉ nói nhà nước pháp quyền không thì thường chỉ đưa đến cách hiểu mơ hồ, hoặc đơn giản là pháp trị, pháp chế, tức nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật[13]. Còn nói nhà nước dân chủ thì gần gũi, dễ hiểu, nhấn mạnh rõ tính chất “dân là chủ” như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ.
Như vậy,việc đồng thời chỉ rõ tính dân chủtính pháp quyền của Nhà nước ta là rất cần thiết và là cách thể hiện đúng nhất bản chất của nhà nước XHCN Việt Nam. Không thể lấy cụm từ “của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân” thay cho chữ “dân chủ”. Cụ thể, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 nên quy định tại Điều 1 như sau: 
 Điều 1: Nước Cộng hoà XHCN Việt Nam là một nước độc lập, có chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bao gồm đất liền, hải đảo, vùng biển và vùng trời.
Tức là cơ bản giữ như Điều 1 Hiến pháp 1992, chỉ khẳng định các quyền dân tộc cơ bản như đã nói trên và như các bản Hiến pháp trước đây,  bỏ chữ “dân chủ” trong Điều 1 của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 để đưa vào Điều 2 khi xác định tính chất của Nhà nước ta.
Điều 2 nên viết như sau:
1. Nước Cộng hòa XHCN Việt Nam là Nhà nước dân chủ và pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.
2. Ở nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước một cách trực tiếp hoặc thông qua bầu cử.
2. Nhà nước bảo đảm và không ngừng phát huy quyền làm chủ về mọi mặt của nhân dân.
3. Các quyền và tự do của công dân được Nhà nước tôn trọng và bảo đảm.
Một điểm khác đáng quan tâm khi nói đến tính dân chủ rộng rãi của Nhà nước ta là: đã đến lúc, Điều 2 của Hiến pháp không nên nói đến nền tảng liên minh công nông. Trong điều kiện kinh tế thị trường thì liên minh công nông không còn nhiều ý nghĩa. Nhà nước của ta đã là Nhà nước toàn dân, đại biểu cho lợi ích của toàn dân và toàn dân tộc thì nền dân chủ rộng rãi không phải chỉ là liên minh công nông, vì nó đã là Nhà nước của dân, do dân, vì dân. Hơn nữa, trong kinh tế thị trường, doanh nhân đang được coi là đầu tàu của sự phát triển, họ được tôn vinh không kém gì công - nông.  
c) Tách nội dung quy định về nguyên tắc tổ chức quyền lực nhà nước tại Điều 2 thành một Điều riêng - Điều 3.
Cụ thể, Điều 3 mới (tách từ Điều 2) sẽ là điều nói về nguyên tắc tổ chức quyền lực nhà nước chứ không nói đến tính chất dân chủ và pháp quyền của Nhà nước (như đã quy định tại Điều 2), do vậy nên thể hiện Điều 3như sau:“1. Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp.
Các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp đều tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ”.

 


[1]HồChí Minh: Toàntập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.4, tr.8.
[2] Tuyên ngôn Độc lập 1945 của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
[3] Văn phòng Quốc hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh với Quốc hội và Hội đồng nhân dân, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2003, tr.21.
[4] Lời nói đầu Hiến pháp 1959.
[5] Lời nói đầu Hiến pháp 1959.
[6] Lời nói đầu Hiến pháp 1959.
[7] Lời nói đầu Hiến pháp 1959.
[8] Điều 2 Hiến pháp 1980.
 
[9] Báo cáo của BCH TW Đảng khóa X về các văn kiện của Đại hội Đảng lần thứ XI ( năm 2011).
[10] Báo cáo chính trị của BCH TW Đảng khóa X tại Đại hội lần thứ XI (năm 2011).
[11] Báo cáo chính trị của BCH TW Đảng khóa X tại Đại hội lần thứ XI (năm 2011).
[12] Xem: Hiến pháp các nước ngoài. Nxb Bek. M.1997. tr.144 ( tiếng Nga).
[13] Xem thêm: Học viện Chính trị-Hành chính quốc gia: Quá trình đổi mới tư duy lý luận của Đảng từ năm 1986 đến nay (Chủ biên: PGS.TS. Tô Huy Rứa, GS.TS. Hoàng Chí Bảo…), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 366.

(Nguồn tin: Bài viết đăng trên ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu lập pháp số 16(248), tháng 8/2013)


Thống kê truy cập

33018274

Tổng truy cập