Quyền dân sự với việc sửa đổi, bổ sung hiến pháp hiện hành

01/06/2013

TRẦN THỊ THU HÀ

MAI THỊ LÂM

1. Đặt vấn đề
Lịch sử phát triển của các thế hệ quyền con người cho thấy, quyền dân sự (cùng với quyền chính trị) là thế hệ quyền xuất hiện đầu tiên gắn liền với cuộc cách mạng tư sản ở các nước phương Tây. Sự xuất hiện mang tính khởi đầu này tuy không là yếu tố hoàn toàn nhưng cũng có thể được coi là một căn cứ để đánh giá vai trò, tầm quan trọng của nhóm quyền dân sự so với các nhóm quyền khác. Bởi, chỉ khi nó được phần đông cộng đồng quan tâm trước tiên và trên hết thì quyền dân sự mới được các cá nhân đòi hỏi, yêu cầu hưởng thụ sớm đến như vậy. Mặc dầu quyền dân sự - một trong những quyền con người nói chung - là quyền tự nhiên do tạo hóa ban tặng, mặc nhiên được thừa nhận mà không cần sự ban phát từ chủ thể mang quyền lực nhà nước. Đặc trưng của nhóm quyền dân sự mang tính thụ động nghĩa là không cần có sự can thiệp từ phía nhà nước, cá nhân cũng có thể tự mình thực hiện. Điều này cũng chính là yêu cầu để đảm bảo thực thi quyền dân sự - hạn chế đến mức thấp nhất khả năng can thiệp của cơ quan công quyền góp phần làm tăng tính hiệu quả trong việc hưởng thụ quyền dân sự. Tuy nhiên, quyền dân sự của cá nhân sẽ có nguy cơ và thực tế đang bị xâm hại bởi vô số các chủ thể mà nhiều nhất là chủ thể mang quyền lực nhà nước. Bởi vậy, đòi hỏi phải có sự ghi nhận, bảo vệ quyền dân sự bằng các quy định của pháp luật.
Với sự ảnh hưởng của nhóm quyền dân sự đến đời sống cộng đồng và nhằm đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi chính đáng đó, hàng loạt các văn bản pháp luật mang tầm quốc tế và quốc gia được ban hành đã ghi nhận quyền dân sự nhằm khẳng định sự tôn trọng, đề cao và bảo vệ quyền, hạn chế đến mức thấp nhất khả năng xâm phạm của các chủ thể đến sự hưởng thụ quyền dân sự của cá nhân đồng thời cũng tạo cơ sở pháp lý vững chắc để xử lý trong trường hợp có vi phạm xảy ra. Trên cơ sở của các văn bản pháp luật quốc tế có ghi nhận về quyền dân sự (như Hiến chương Liên hiệp quốc; Tuyên ngôn thế giới về Quyền con người 1948; Công ước quốc tế về Quyền dân sự, chính trị 1966), các bản Hiến pháp của Việt Nam cũng đã có sự nội luật hóa, chuyển tải nội dung quyền dân sự với tư cách là thành viên tham gia ký kết các điều ước quốc tế này.
Qua bốn bản Hiến pháp của Việt Nam (Hiến pháp 1946, 1959, 1980, 1992), quyền dân sự được ghi nhận và ngày càng hoàn thiện dần cả về nội dung và hình thức thể hiện cho phù hợp với các điều kiện khách quan thay đổi và với xu thế phát triển chung của các quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, trải qua một thời gian dài thực thi quy định của Hiến pháp nói chung, các quy định về quyền con người, quyền dân sự nói riêng đã bộc lộ nhiều khiếm khuyết, khiến việc triển khai thi hành các quyền dân sự gặp nhiều khó khăn… Các nhà lập hiến Việt Nam trong giai đoạn sửa đổi, bổ sung Hiến pháp hiện hành cũng hết sức quan tâm, chú trọng đến các quyền dân sự hiện diện trong Hiến pháp, thể hiện bằng việc: trong xây dựng Dự thảo sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 1992 (Dự thảo) đã dành nhiều thời gian nghiên cứu, đưa ra những sửa đổi, bổ sung hợp lý, tiến bộ. Tuy nhiên, sự sửa đổi, bổ sung đó cũng chưa hẳn đã đem lại sự thay đổi đáng kể, hoàn thiện một bước căn bản cho các quy định của Hiến pháp hiện hành về quyền dân sự. Do đó, chúng tôi tập trung nghiên cứu, tìm ra những điểm tiến bộ mà dự thảo đã đạt được và xem xét những điểm chưa có sự thay đổi đáng kể hay đã thay đổi nhưng chưa thực sự hợp lý, từ đó đưa ra một vài kiến nghị trên cơ sở đề xuất sửa đổi trực tiếp một số điều khoản trong dự thảo về quyền dân sự, góp phần hoàn thiện các quy định của Hiến pháp về nhóm quyền dân sự của cá nhân.
2. Những quy định tiến bộ của Dự thảo về nhóm quyền dân sự so với Hiến pháp hiện hành
Với quan điểm sửa đổi toàn diện các quy định của Hiến pháp hiện hành cho phù hợp với sự phát triển của đất nước, các quy định về nhóm quyền dân sự cũng được quan tâm và có nhiều sửa đổi đáng khích lệ như sau:
Thứ nhất, có thể khẳng định rằng, Dự thảo đã có sự kế thừa những giá trị khoa học về nội dung và kỹ thuật lập hiến trong các bản Hiến pháp trước. Các quyền dân sự tiến bộ của Hiến pháp 1992 được tiếp tục kế thừa trên cơ sở có sự thay đổi về kỹ thuật lập hiến nhằm đảm bảo tính khả thi của các quyền. Hiến pháp trước đây, khi quy định nội dung các quyền dân sự thường kèm theo cụm từ "theo quy định của pháp luật"phía sau mỗi quyền, điều này có vẻ như là một “cánh cửa mở” giúp trải rộng nội hàm các quyền dân sự mà không bị bó hẹp bởi những cụm từ mang tính khái quát cao như Hiến pháp quy định. Tuy nhiên, cũng chính quy định này lại làm vô hiệu hóa việc thực hiện các quyền dân sự của công dân, của con người vì thiếu các văn bản hướng dẫn thi hành, đồng thời làm giảm vai trò, tầm quan trọng của các quyền dân sự nói riêng, quyền con người nói chung và dễ tạo điều kiện cho một số chủ thể quản lý quy định các quyền dân sự bằng văn bản dưới luật. Với việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp hiện hành, dự thảo lần này đã khắc phục phần lớn các hạn chế nêu trên bằng việc cắt bỏ, sửa đổi các cụm từ “theo quy định của pháp luật” trong một số quy định chuyển thành “theo luật định”.
 Thứ hai, Dự thảo đã có sự kế thừa những thành tựu, kinh nghiệm xây dựng Hiến pháp của các nước trên thế giới như đã đưa quyền dân sự nói riêng, quyền con người nói chung trở về đúng vị trí xứng đáng với tầm quan trọng của quyền đó là xếp vị trí thứ hai chỉ sau chương về chế độ chính trị. Không những vậy, nhiều quyền dân sự còn được "đẩy" lên trước nhóm quyền chính trị, kinh tế,… Có thể đơn cử như sau: quyền sống (Điều 21 Dự thảo); quyền bất khả xâm phạm về thân thể (Điều 22); quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư (Điều 23),… sau đó mới đến quyền bầu cử của công dân (Điều 28), quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội của công dân (Điều 29),  quyền biểu quyết của công dân khi nhà nước tổ chức trưng cầu ý dân (Điều 30),…
Thứ ba,đã cân bằng được cấu trúc giữa các quyền trong nhóm quyền dân sự bằng cách xóa một phần nội dung của quyền hoặc nhập các quyền có nội dung tương thích lại với nhau thành một điều luật (ví dụ: nhập Điều 55 và 59 của Hiến pháp hiện hành thành Điều 38 của Dự thảo,…). Số lượng các quyền được bổ sung cho nhóm quyền dân sự ngày càng được mở rộng hơn so với trước đây tạo sự cân đối so với các nhóm quyền khác (theo quy định của Hiến pháp 1992 nhóm quyền về kinh tế, văn hóa, xã hội có số lượng chiếm ưu thế nhiều hơn)bằng việc xuất hiện nhiều quyền hoàn toàn mới trong dự thảo như: quyền sống (Điều 21 Dự thảo)... Điều này đã chứng tỏ, sự quan tâm, chú trọng của Nhà nước ta đối với nhóm quyền dân sự - được xem là hạt nhân của luật nhân quyền quốc tế.
Thứ tư, Dự thảo đã mở rộng chủ thể của nhóm quyền dân sự.
Nếu như, Chương V Hiến pháp 1992 xác định chủ thể quyền quá hẹp (hầu hết điều khoản về quyền đều ấn định chủ thể của quyền là “công dân”). Điều này không phù hợp với luật nhân quyền quốc tế và xu thế chung của Hiến pháp trên thế giới trong đó đối với phần lớn các quyền, chủ thể quyền được xác định là “mọi người” (tức là cả công dân và người nước ngoài, người không quốc tịch đang hiện diện hợp pháp trên lãnh thổ quốc gia). Về hạn chế nêu trên, Dự thảo đã khắc phục khá triệt để. Hầu hết tất cả những quyền có thể áp dụng cho cả người nước ngoài đều đã được chuyển đổi đại từ nhân xưng chỉ chủ thể quyền từ “công dân” sang “mọi người” hoặc “không ai”. Sự thay đổi này có ý nghĩa vô cùng đặc biệt đối với nhóm quyền dân sự, bởi lẽ đây được xác định là nhóm quyền thiêng liêng, tự nhiên, bẩm sinh dành cho tất cả mọi người. Do đó, nó không thể bị hạn chế về chủ thể thụ hưởng quyền.
3. Những hạn chế của Dự thảo về nhóm quyền dân sự so với Hiến pháp hiện hành
Dự thảo đã có những sửa đổi, bổ sung tiến bộ giúp hoàn thiện dần các quy định về quyền dân sự, tuy nhiên sự sửa đổi, bổ sung đó vẫn chưa triệt để, vẫn còn nhiều điểm hạn chế ít nhiều tác động đến việc hưởng thụ quyền dân sự của cá nhân như sau:
Thứ nhất, chưa có sự nhất quán trong việc sử dụng thuật ngữ, vẫn còn nhiều điều khoản sử dụng cụm từ “theo pháp luật”, “do pháp luật quy định” hoặc “theo quy định của pháp luật”, cụ thể như sau:
Điều 23 (sửa đổi, bổ sung Điều 73): 2…Việc bóc mở, kiểm soát, thu giữ thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác do pháp luật quy định
Điều 24 (giữ nguyên Điều 68): Công dân có quyền tự do đi lại và cư trú ở trong nước, có quyền ra nước ngoài và từ nước ngoài về nước theo quy định của pháp luật.
Điều 26 (sửa đổi, bổ sung Điều 69): Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, được thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật.  
Điều 3 (sửa đổi, bổ sung Điều 74): 2…Người bị thiệt hại có quyền được bồi thường về vật chất, tinh thần và phục hồi danh dự theo quy định của pháp luật.
Thứ hai, nhiều quyền dân sự quy định còn thiếu tính chặt chẽ (đặc biệt đối với các quyền mới) chẳng hạn như quy định tại Điều 21 của Dự thảo về quyền sống: "Mọi người có quyền sống"lại quy định một cách quá sơ sài, mặc dù việc đưa quyền này vào Dự thảo Hiến pháp là hoàn toàn tiến bộ, đáng ghi nhận. Dẫu biết, quyền sống là quyền tự nhiên, là quyền cố hữu của mọi con người nhưng không có nghĩa là không bị giới hạn. Đối với các tội phạm nguy hiểm cần phải loại bỏ vĩnh viễn ra khỏi đời sống xã hội thì hình phạt tử hình vẫn được áp dụng. Do đó, nếu chỉ dừng lại ở nội dung "Mọi người có quyền sống" như Điều 21 của Dự thảo là không phù hợp với thực tiễn chính sách hình sự ở nước ta cũng như nội dung của công ước về quyền dân sự, chính trị 1966.
Thứ ba, còn tồn tại nhiều quyền quy định chưa có tính logic (ví dụ như:Điều 23Dự thảo“…2. Mọi người có quyền bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác. Việc bóc mở, kiểm soát, thu giữ thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác do pháp luật quy định”), mang tính chất "ban phát", "đề phòng" của Nhà nước đối với công dân thường thể hiện dưới cấu trúc: “công dân có quyền…” hoặc “mọi người có quyền” (như:Điều 22 Dự thảo“1. Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về tính mạng, sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm..”; Điều 23 Dự thảo:“1. Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình...2. Mọi người có quyền bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác…”;Điều 25 Dự thảo“1. Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật…”).
4. Những kiến nghị cụ thể, sửa đổi, bổ sung một số quyền dân sự của Dự thảo
4.1. Quyền đi lại và cư trú
Điều 24 (giữ nguyên Điều 68) Dự thảo quy định:“Công dân có quyền tự do đi lại và cư trú ở trong nước, có quyền ra nước ngoài và từ nước ngoài về nước theo quy định của pháp luật”.
Thứ nhất, theo chúng tôi, nên xác định đây không chỉ là quyền công dân mà còn là quyền con người. Bởi lẽ, vấn đề đi lại và cư trú là những nội hàm quan trọng không thể thiếu thuộc về bản năng di chuyển để sinh tồn của loài người. Do đó, đối tượng thụ hưởng quyền này là không thể giới hạn. Mặt khác, việc mở rộng phạm vi quyền con người hiện nay là phù hợp với xu thế hội nhập của thế giới.
Thứ hai, thay cụm từ “theo quy định của pháp luật” bằng “theo quy định của luật” vì quy định như Dự thảo sẽ không đảm bảo được sự tương thích với các quy định tại Điều 15 và 20 (Quyền và nghĩa vụ của công dân do Hiến pháp và luật quy định). Mặt khác, các quy định như Dự thảo sẽ dẫn đến tình trạng, các quyền cơ bản của con người của công dân sẽ bị xâm phạm bởi chính các chủ thể có thẩm quyền khi ban hành các văn bản pháp luật tùy tiện, cản trở, hạn chế, thu hẹp quyền con người, quyền công dân.
Vì vậy, điều này cần được thể hiện như sau:
Điều 24…
Mọi người có quyền tự do đi lại và cư trú ở trong nước, có quyền ra nước ngoài theo luật định. Công dân Việt Nam có quyền từ nước ngoài về nước theo quy định của luật”.
4.2. Quyền về hôn nhân và gia đình
Điều 39 dự thảo (sửa đổi, bổ sung Điều 64) quy định:
1. Nam, nữ có quyền kết hôn và ly hôn. Hôn nhân theo nguyên tắc tự nguyện, tiến bộ, một vợ, một chồng, vợ chồng bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau.
2. Nhà nước bảo hộ hôn nhân và gia đình, bảo hộ quyền lợi của người mẹ và trẻ em.
Theo chúng tôi, cần xác định lại chủ thể của quyền kết hôn và ly hôn bởi lẽ:
 Thứ nhất, theo quan niệm truyền thống, khái niệm kết hôn vẫn được hiểu là sự kết hợp giữa nam và nữ, để duy trì nòi giống, còn gia đình là tập hợp những người gắn bó với nhau do hôn nhân, quan hệ huyết thống hoặc do quan hệ nuôi dưỡng, làm phát sinh các nghĩa vụ và quyền giữa họ với nhau. Vì lẽ đó, gốc rễ để hình thành nên nền tảng của một gia đình, chính là sự kết hợp tình yêu giữa nam và nữ (đây được xem là hôn nhân dị tính - giữa hai người khác giới tính với nhau) Tuy nhiên hiện nay, thế giới còn biết đến hôn nhân của những người đồng tính, song tính và chuyển giới (gọi tắt là cộng đồng LGBT). Thực tế, mọi người sinh ra, không ai được tự do lựa chọn giới tính cho chính mình vì mỗi một cá thể người là một sản phẩm của tạo hóa tạc ra. Do đó, sợi dây kết nối tình cảm của con người với nhau cũng xuất phát từ bản ngã tự nhiên ấy. Việc thừa nhận hôn nhân của những người thuộc cộng đồng LGTBT không làm xói mòn hay phá vỡ các giá trị của hôn nhân truyền thống cũng như không gây ảnh hưởng đến hạnh phúc của các nhóm công dân khác mà ngược lại còn làm tăng thêm tính nhân văn, tăng thêm các giá trị thuộc về quyền con người.
Thứ hai, hiện nay, việc thừa nhận hôn nhân của những người đồng tính, song tính và chuyển giới không phải là câu chuyện đi ngược lại với quy luật của tạo hóa mà chính là con người đang sống đúng với sự ban tặng của tạo hóa. Vì vậy, dường như thế giới đã có cái nhìn thiện cảm và cởi mở hơn đối với hôn nhân của cộng đồng LGBT. Trong thời gian gần đây, các quốc gia trên thế giới và tổ chức Liên hiệp quốc liên tục ghi nhận nguyên tắc mọi người đều có quyền bình đẳng bất kể thiên hướng tình dục như thế nào (tháng 6/2011), chống hình sự hóa đồng tính, đảm bảo nguyên tắc bình đẳng của cộng đồng LGBT (tháng 3/2012)[1].., xem vấn đề quyền của LGBT là một trong những thách thức của nhân quyền hiện đại. Không những vậy, nhiều quốc gia hiện nay như Hà Lan, Bỉ, Tây Ban Nha, Canada, Nam Phi, Thụy Điển,... đã thừa nhận hôn nhân của LGBT. Điều này cho thấy, động thái tiếp nhận tích cực của nhân loại đối với các vấn đề liên quan đến giới tính và bản dạng giới.
Thứ ba, về tính thống nhất với các quy định khác của Dự thảo Hiến pháp: Dưới góc độ này, các nội dung quy định tại Điều 39 không thống nhất với các Điều 15 và Điều 17của dự thảo. Điều 15 và 17 đã khẳng định ở Việt Nam quyền con người, quyền công dân được thừa nhận, tôn trọng và bảo đảm, chỉ có thể bị giới hạn trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức, sức khỏe của cộng đồng; không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội. Như vậy, tất cả các quyền của con người, quyền công dân phải được bảo đảm và bình đẳng, không ai bị phân biệt đối xử và chỉ bị giới hạn trong một số trường hợp (không có trường hợp do xu hướng tính dục hay bản dạng giới[2]). Tuy nhiên, quy định tại Điều 27 và Điều 39 đã giới hạn một số quyền của cộng đồng LGBT dựa trên xu hướng tính dục và bản dạng giới, không đảm bảo tính bình đẳng, nhân văn của Hiến pháp, pháp luật, không có tác dụng trong việc bảo vệ cộng đồng LGBT. Nếu không điều chỉnh quy định Điều 39 sẽ làm giảm tính thống nhất của Dự thảo Hiến pháp.
Do đó, theo chúng tôi, Điều này nên được sửa đổi như sau:
Thay cụm từ“nam, nữ” bằng “mọi người”; bỏ cụm từ “một vợ, một chồng, vợ chồng bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau”; thêm mục 3 để phù hợp hơn với truyền thống tốt đẹp cùa gia đình Việt Nam.
“1. Mọi người có quyền kết hôn và ly hôn. Hôn nhân theo nguyên tắc tự nguyện, tiến bộ.
2. Nhà nước bảo hộ hôn nhân và gia đình, bảo hộ quyền lợi của người mẹ và trẻ em.
3. Cha mẹ có trách nhiệm nuôi dạy con thành những công dân tốt. Con cháu có bổn phận kính trọng và chăm sóc ông bà, cha mẹ.”
4.3. Quyền riêng tư
Điều 23 Dự thảo (sửa đổi, bổ sung Điều 73) quy định:
1. Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình.
Không được phép thu thập, lưu giữ, sử dụng và phổ biến thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình của người khác nếu không được người đó đồng ý.
2. Mọi người có quyền bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác.
Việc bóc mở, kiểm soát, thu giữ thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác do pháp luật quy định.
Thứ nhất, theo chúng tôi, nên thay cụm từ " bí mật cá nhân và bí mật gia đình"; "bí mật thu tín, điện thoại, điện tín" bằng "sự riêng tư" bởi lẽ: Quyền riêng tư là quyền của các cá nhân được phép giữ kín những thông tin, tư liệu, dữ liệu gắn liền với cuộc sống riêng tư của mình, quyền bất khả xâm phạm về thân thể, về nơi ở, về thư tín, điện thoại, điện tín và các thông tin điện tử khác mà không một chủ thể nào có quyền tiếp cận, công khai trừ trường hợp được chính người này đồng ý hoặc được bằng quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền[3]. Như vậy, quyền riêng tư có nội hàm rộng hơn quyền bí mật đời tư trong Hiến pháp và pháp luật Việt Nam. Trong nội dung của quyền riêng tư đã bao hàm sự riêng tư về thông tin liên lạc, sự riêng tư về thông tin cá nhân,... Do đó, nhằm đảm bảo tính khái quát, ngắn gọn của Hiến pháp, cần phải thay đổi các cụm từ nêu trên.
Thứ hai, nên thay cụm từ "pháp luật quy định" bằng "luật quy định"bởi lẽ pháp luật có nội hàm rộng hơn rất nhiều so với luật, do đó tình trạng luật, nghị định, thông tư do các chủ thể có thẩm quyền ban hành ít nhiều làm hạn chế quyền con người, quyền công dân là điều không thể tránh khỏi. Nhằm bảo đảm các quyền của công dân nói chung cũng như quyền riêng tư của công dân tránh khỏi sự xâm phạm từ các văn bản pháp luật khác, đồng thời, để đảm bảo với sự thống nhất với quy định tại Điều 20 của Dự thảo (quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân do Hiến pháp và luật quy định).
Thứ ba, nếu quy định như Dự thảo"Việc bóc mở, kiểm soát, thu giữ thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác do pháp luật quy định"sẽ dẫn đến cách hiểu rằng: việc bóc mở, kiểm soát thu giữ thư tín, điện thoại, điện tín,... là hợp pháp, tức là luật cho phép làm việc này. Vì vậy, nên xác định việc kiểm soát, thu giữ, tiếp cận thông tin về sự riêng tư của các nhân là hành vi vi phạm pháp luật và chỉ trong những trường hợp ngoại lệ do luật quy định thì những hành vi đó mới được coi là hợp pháp.
Với những lý do nêu trên, theo chúng tôi, nên quy định lại như sau:
Điều 23...
1. Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về sự riêng tư; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình. Không được phép thu thập, lưu giữ, sử dụng và phổ biến thông tin về sự riêng tư của người khác nếu không được người đó đồng ý.
2. Việc tiếp cận, kiểm soát, thu giữ thông tin về sự riêng tư của cá nhân đều là hành vi vi phạm pháp luật trừ những trường hợp luật có quy định khác”.
4.4. Quyền của người nước ngoài
Điều 51 (giữ nguyên Điều 81) quy định:
Người nước ngoài cư trú ở Việt Nam phải tuân theo Hiến pháp và pháp luật Việt Nam, được Nhà nước bảo hộ tính mạng, tài sản và các quyền lợi chính đáng theo pháp luật Việt Nam.
Theo chúng tôi, Điều 51 của Dự thảo cần được sửa đổi như sau:
Thứ nhất, thay cụm từ "tuân theo" bằng thuật ngữ "thực hiện theo…" bởi lẽ: trong khoa học pháp lý hiện nay có 4 hình thức thực hiện pháp luật đó là: tuân thủ pháp luật, thi hành pháp luật, sử dụng pháp luật và áp dụng pháp luật. Do đó, người nước ngoài cư trú tại Việt Nam chỉ tuân theo pháp luật Việt Nam là chưa đầy đủ.
Thứ hai, cần bổ sung thuật ngữ "đi lại", điều này xuất phát từ việc mở cửa, giao lưu, hội nhập về kinh tế, văn hóa, xã hội,... của nước ta hiện nay. Do đó, người nước ngoài  đến Việt Nam làm ăn, sinh sống là một xu thế tất yếu của quá trình hội nhập. Mặt khác, vấn đề cư trú và đi lại giống như “hai mặt của một đồng xu” luôn luôn song hành với nhau. Vì vậy, không chỉ cư trú tại Việt Nam mà vấn đề đi lại của họ cũng cần phải thực hiện theo Hiến pháp và pháp luật Việt Nam.
Thứ ba, bổ sung thêm đối tượng "người không quốc tịch" cũng được Nhà nước bảo hộ nhằm thể hiện tính nhân đạo cần thiết của pháp luật.
Thứ tư,bổ sung thuật ngữ "phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên". Hiện nay, vấn đề nhân quyền - quyền con người không chỉ là câu chuyện của một quốc gia, dân tộc mà nó trở thành trọng tâm của sự quan tâm mà mọi nhà nước dân chủ, tiến bộ đều hướng tới. Vì vậy, bổ sung quy định này vừa thể hiện sự tôn trọng đối với các văn bản pháp lý quốc tế mà chúng ta đã tham gia, mặt khác thể hiện mong muốn, thiện chí bảo vệ quyền con người của Nhà nước Việt Nam, qua đó, đập tan luận điệu xuyên tạc vấn đề về quyền nhân quyền mà các thế lực thù địch thêu dệt vô căn cứ tại Việt Nam.
 Với quan điểm nêu trên, chúng tôi có đề xuất sửa đổi Điều 51 của Dự thảo như sau:
“Người nước ngoài, người không quốc tịchcư trú, đi lại ở Việt Nam phải thực hiện theoHiến pháp và pháp luật Việt Nam, được Nhà nước bảo hộ tính mạng, tài sản và các quyền lợi chính đáng theo pháp luật Việt Nam, phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên".
4.5. Quyền sống
Là một quyền hoàn toàn mới được bổ sung từ việc nội luật hóa các văn bản pháp luật quốc tế về quyền dân sự. Tuy nhiên, quyền này còn quy định quá sơ sài, khái quát, cần phải được bổ sung thêm nội hàm của quyền sống cho phù hợp với chính sách pháp luật nói chung và nhằm đảm bảo khả năng thực thi quyền sống trên thực tế, giúp cá nhân hiểu về phạm vi của quyền để vận dụng một cách hiệu quả. Do đó, quyền này cần được bổ sung như sau:
Điều 21...
Mọi người đều có quyền sống. Không ai có thể bị tước đoạt quyền sống một cách độc đoán[4].
Cá nhân chỉ bị tước đoạt quyền sống bởi hình phạt tử hình bởi bản án của tòa án tuyên đã có hiệu lực pháp luật do thực hiện những tội hình sự nghiêm trọng nhất”.
5. Lời kết
Dự thảo sửa đổi, bổ sung Hiến pháp hiện hành đã có nhiều cố gắng, nỗ lực đáng ghi nhận về việc sửa đổi, bổ sung tổng thể các chế định nói chung, chế định quyền con người, quyền dân sự nói riêng. Từ sự sửa đổi, bổ sung này, nhóm quyền dân sự đã có điều chỉnh, thay đổi một phần trên cơ sở đúc rút kinh nghiệm từ việc nghiên cứu Hiến pháp của các quốc gia khác và đối chiếu quy định của pháp luật quốc tế về quyền dân sự. Nhưng sự thay đổi ấy vẫn chưa thực sự đầy đủ và hợp lý, cần thiết phải điều chỉnh thêm các quy định hiện hành trong Dự thảo về quyền dân sự. Cũng cần phải thấy rằng, khi đã tham gia, trở thành thành viên của các công ước quốc tế, thì pháp luật quốc gia cần phải thể chế hóa nội dung của điều ước quốc tế ấy. Đây chính là thời điểm hợp lý để đưa pháp luật quốc gia gần hơn với pháp luật quốc tế. Tuy nhiên, các công ước về quyền dân sự không phải là “một danh sách đóng”, bắt buộc quốc gia chỉ được ghi nhận các quyền dân sự nào đã có trong các điều ước quốc tế ấy mà ngược lại, nó hoàn toàn là “danh sách mở”, tùy thuộc vào điều kiện, truyền thống, văn hóa của các quốc gia khác nhau để ghi nhận thêm một số quyền dân sự khác nếu thấy cần thiết phải bảo vệ. Bởi lẽ, quyền dân sự có vai trò đặc biệt quan trọng, là thước đo trong một xã hội dân sự nên cần được dành sự quan tâm hơn nữa từ phía cơ quan công quyền bằng việc nhìn nhận, xem xét lại một cách kỹ lưỡng Dự thảo sửa đổi, bổ sung Hiến pháp hiện hành về các quyền dân sự để người dân tận hưởng được những lợi ích thiết thực từ một xã hội dân chủ, được hưởng thụ đầy đủ và hiệu quả các quyền dân sự trong một xã hội dân sự và dân chủ./.

 


[1]Dẫn theo: Trương Hồng Quang, Hội thảo của Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp ngày 22/2/2013 và đăng trên Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 5, tháng 3/2013.
[2]Trương Hồng Quang, Tlđd 
[3]Thái Thị Tuyết Dung, Quyền tiếp cận thông tin và quyền riêng tư ở Việt Nam và một số quốc gia, Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, 2012.
[4]Điều 6, Công ước về quyền dân sự và chính trị 1966.

(Nguồn tin: Bài viết đăng tải trên ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu lập pháp số11(243), tháng 6/2013)